Quyết định 1942/QĐ-BYT 2020 Mô hình tổ chức, hoạt động bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 1942/QĐ-BYT
Cơ quan ban hành: | Bộ Y tế | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 1942/QĐ-BYT | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Nguyễn Trường Sơn |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 04/05/2020 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Y tế-Sức khỏe, COVID-19 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Quyết định 1942/QĐ-BYT
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ Y TẾ Số: 1942/QĐ-BYT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 04 tháng 5 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Mô hình tổ chức, hoạt động bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19
______________
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;
Căn cứ Quyết định số 56/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định thẩm quyền thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo chống dịch các cấp; Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 821/VPCP-KGVX ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 159/QĐ-BCĐQG ngày 29/4/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 về việc ban hành kế hoạch thiết lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Mô hình tổ chức, hoạt động bệnh viện dã chiến (BVDC) điều trị bệnh nhân COVID-19”, bao gồm các nội dung như sau:
1. Cơ cấu của BVDC điều trị bệnh nhân COVID-19 bao gồm tối thiểu 14 khu cơ bản như sau:
a) Khu điều hành, hành chính;
b) Khu tiếp đón và phân loại người bệnh;
c) Khu chẩn đoán hình ảnh;
d) Khu xét nghiệm;
e) Khu hồi sức cấp cứu;
f) Khu chăm sóc, điều trị người bệnh ở mức độ nhẹ, trung bình;
g) Khu cách ly chờ ra viện;
h) Khu dược, cấp phát thuốc, vật tư, hóa chất;
i) Khu đồ vải và dụng cụ y tế;
j) Nhà ăn;
k) Khu nghỉ ngơi cho người phục vụ;
l) Khu lưu giữ, bảo quản tử thi;
m) Khu kiểm soát nhiễm khuẩn;
n) Bảo vệ, biển hiệu.
2. Các khu trong BVDC được bố trí theo nguyên tắc một chiều, tương đối tách biệt, phòng chống lây nhiễm chéo; thuận tiện cho việc chăm sóc và điều trị cùng lúc nhiều người bệnh COVID-19; hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn; được bố trí nhân lực phù hợp, đáp ứng các yêu cầu cơ bản về các phương tiện, máy móc, dụng cụ, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn.
3. Khu vực triển khai BVDC cần cách xa khu dân cư; thuận tiện cho việc tổ chức giao thông; thuận lợi trong việc cung cấp điện, nước và xử lý chất thải; Các khu trong BVDC được thiết kế khoa học, theo từng quy mô nhỏ, khi cần có thể lắp ghép để tăng quy mô; dễ dàng trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.
Điều 2. Mô hình tổ chức, hoạt động của bệnh viện là cơ sở để các đơn vị, địa phương chuẩn bị nhân sự; lập nhiệm vụ thiết kế và thiết kế BVDC; lựa chọn địa điểm triển khai; lập dự trù nguồn lực thực hiện.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Ông/Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan, Giám đốc các Sở Y tế, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
MÔ HÌNH TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN ĐIỀU TRỊ NGƯỜI BỆNH COVID-19
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1942/QĐ-BYT ngày 04 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
I. CƠ CẤU CỦA BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN
Bệnh viện dã chiến (BVDC) được thiết lập bao gồm ít nhất 14 khu cơ bản như sau:
1. Khu điều hành, hành chính;
2. Khu tiếp đón và phân loại người bệnh;
3. Khu chẩn đoán hình ảnh;
4. Khu xét nghiệm;
5. Khu hồi sức cấp cứu;
6. Khu chăm sóc, điều trị người bệnh ở mức độ nhẹ, trung bình;
7. Khu cách ly chờ ra viện;
8. Khu dược, cấp phát thuốc, vật tư, hóa chất;
9. Khu đồ vải và dụng cụ y tế;
10. Nhà ăn;
11. Khu nghỉ ngơi cho người phục vụ;
12. Khu lưu giữ, bảo quản tử thi;
13. Khu kiểm soát nhiễm khuẩn;
14. Bảo vệ, biển hiệu.
II. TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC KHU TRONG BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN
1. Khu điều hành, hành chính
a) Khu điều hành, hành chính chịu sự chỉ đạo của giám đốc bệnh viện, sự chỉ đạo trực tiếp của phó giám đốc y vụ của bệnh viện, được phân công phụ trách.
b) Khu điều hành, hành chính được bố trí ở khu vực riêng, có đầy đủ các phương tiện liên lạc cần thiết như: điện thoại, fax, đường truyền internet, bộ đàm và các thiết bị văn phòng.
c) Khu điều hành, hành chính có chức năng giúp cho lãnh đạo bệnh viện quản lý nghiệp vụ, tài chính, hành chính và công tác quản trị bệnh viện, có các nhiệm vụ sau:
- Buồng hành chính: bàn, ghế làm việc, giao ban, tủ đựng hồ sơ bệnh án, sổ sách, biểu mẫu, máy tính, máy in, điện thoại, đèn đọc phim X-quang v.v..;
- Quản lý toàn bộ hồ sơ, công văn tài liệu lưu trữ của bệnh viện;
- Bảo đảm thông tin liên lạc trong nội bộ bệnh viện, giữa bệnh viện với tuyến trên và với đơn vị, cơ quan liên quan;
- Bảo đảm ăn, mặc, nơi ở cho cán bộ, nhân viên bệnh viện. Bảo đảm nhu cầu vận chuyển cho hoạt động của bệnh viện và vận chuyển người bệnh theo nhiệm vụ được giao;
- Bảo đảm thông tin liên lạc, kết nối internet trực tuyến để tiếp nhận sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên môn khác khi cần thiết, tiếp nhận văn thư, chỉ thị, yêu cầu của cấp trên đến các khu và chuyển các văn bản, báo cáo của bệnh viện lên cấp trên theo quy định;
- Bảo đảm điện, nước sử dụng trong mọi điều kiện làm việc của bệnh viện. Quản lý khu vực lưu giữ thi hài và xử lý đối với các trường hợp bị tử vong theo quy định;
- Quản lý tài chính - kế toán, công sản của bệnh viện;
- Chức năng quản lý nhân sự, phân công nhiệm vụ, phân công trực, bảo đảm chế độ, chính sách cho người làm việc tại BVDC.
- Hàng ngày, báo cáo thống kê theo quy định.
2. Khu tiếp đón và phân loại người bệnh
a) Khu tiếp đón và phân loại người bệnh chịu sự chỉ đạo của giám đốc bệnh viện, sự chỉ đạo trực tiếp và giám sát kỹ thuật của phó giám đốc chuyên môn. Khu tiếp đón và phân loại người bệnh có chức năng đón tiếp, khám, phân loại, thu dung điều trị và hậu tống người bệnh theo phân cấp.
b) Khu có thể thực hiện các kỹ thuật khám, chẩn đoán lâm sàng và có nhiệm vụ sau:
- Tiếp nhận người bệnh ở tuyến trước chuyển về, hoặc người nhà chuyển đến. Tiến hành đăng ký bổ sung hồ sơ, bệnh án, phân loại người bệnh theo yêu cầu cấp cứu, điều trị và phối hợp chuyển người bệnh vào các khu điều trị của bệnh viện;
- Thực hiện cấp cứu khẩn cấp cho người bệnh khi có tình trạng bệnh lý đe dọa đến tính mạng trước khi chuyển vào các khu điều trị , khu hồi sức cấp cứu của bệnh viện; hoặc chuyển về các bệnh viện chuyên khoa tuyến sau trên địa bàn để kịp thời cứu sống người bệnh, giảm nguy cơ tai biến và tử vong theo quy định và hợp đồng từ trước;
- Tổ chức kíp chuyên môn đón người bệnh về bệnh viện khi có yêu cầu; hỗ trợ vận chuyển, sẵn sàng xử trí cấp cứu bảo đảm an toàn cho người bệnh trên đường vận chuyển.
c) Nhân lực: là các bác sĩ chuyên khoa nội, nhi, truyền nhiễm, điều dưỡng, y công và đội vận chuyển người bệnh.
d) Trang thiết bị và phương tiện: bàn tiếp đón với sổ sách, giấy tờ, biểu mẫu hồ sơ bệnh án cần thiết; giường khám cấp cứu; các trang thiết bị khám thông thường: máy đo huyết áp, ống nghe, cân y tế; các trang thiết bị và phương tiện để cấp cứu khẩn cấp cho người bệnh trước khi chuyển vào khu điều trị.
e) Tủ thuốc cấp cứu thông thường và tủ thuốc cho phòng chống dịch bệnh COVID-19: dịch truyền, chống sốc, thuốc kháng vi rút, kháng sinh, v.v...
f) Phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế: khẩu trang N95 hoặc tương đương, khẩu trang ngoại khoa, trang phục phòng hộ cá nhân.
3. Khu chẩn đoán hình ảnh
a) Khu chẩn đoán hình ảnh chịu sự chỉ đạo của giám đốc bệnh viện, sự chỉ đạo trực tiếp của phó giám đốc chuyên môn; có chức năng chẩn đoán hình ảnh cho người bệnh vào viện và người bệnh đang điều trị tại các khu lâm sàng.
b) Khu chẩn đoán hình ảnh có buồng diện tích đủ để đặt máy chụp X-quang di động, được bố trí gần khu tiếp đón và phân loại bệnh, có nhiệm vụ như sau:
- Thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cho người bệnh, đáp ứng yêu cầu của các khu vực lâm sàng;
- Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người bệnh và nhân viên y tế sử dụng máy, trang bị vật tư y tế trong quá trình thực hiện các thao tác vận hành;
- Thực hiện tốt cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh an toàn lao động;
- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
c) Nhân lực: là các bác sĩ, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh.
d) Trang thiết bị và phương tiện: máy chụp X-quang di động có thể chụp phổi thẳng, nghiêng ở tư thế nằm và đứng; máy rửa phim tự động, phim các cỡ, thuốc tráng phim và các phương tiện bảo hộ cho nhân viên y tế (áo chì); máy siêu âm để đánh giá tổn thương phổi và các bệnh lý khác, đáp ứng yêu cầu của khu lâm sàng.
4. Khu xét nghiệm
a) Khu xét nghiệm chịu sự chỉ đạo của giám đốc bệnh viện, sự chỉ đạo trực tiếp của phó giám đốc chuyên môn; có chức năng xét nghiệm cho người bệnh vào viện và người bệnh đang điều trị tại các khu lâm sàng.
b) Khu xét nghiệm bố trí gần khu khám bệnh, khu hồi sức cấp cứu và có nhiệm vụ sau:
- Thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm cho người bệnh, đáp ứng yêu cầu của các khu vực lâm sàng;
- Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người bệnh và cán bộ, nhân viên sử dụng máy, trang bị vật tư y tế trong quá trình thực hiện các thao tác vận hành;
- Tổ chức lấy máu, bảo quản máu theo quy chế, có kế hoạch bảo đảm máu cho nhu cầu cấp cứu, điều trị. Gửi các mẫu xét nghiệm lên tuyến có khả năng xét nghiệm (theo quy định) đối với những xét nghiệm yêu cầu kỹ thuật cao như PCR,...;
- Thực hiện tốt cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh an toàn lao động;
- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
c) Nhân lực: là các bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm.
d) Thiết bị và phương tiện: máy xét nghiệm huyết học tự động, máy xét nghiệm sinh hoá tự động, máy xét nghiệm khí máu (có thể riêng rẽ hoặc tích hợp vào máy xét nghiệm sinh hóa), các thiết bị, phương tiện khác: ống nghiệm, bộ dụng cụ lấy máu, lấy bệnh phẩm và các vật tư tiêu hao xét nghiệm khác.
5. Khu hồi sức cấp cứu
a) Khu hồi sức cấp cứu và điều trị người bệnh nặng chịu sự chỉ đạo của giám đốc bệnh viện, sự chỉ đạo trực tiếp và giám sát kỹ thuật của phó giám đốc chuyên môn.
b) Khu hồi sức cấp cứu cho các trường hợp nặng có nhiệm vụ:
- Cấp cứu, hồi sức tích cực cho người bệnh trong tình trạng đe dọa tính mạng để bảo toàn tính mạng cho người bệnh tạo điều kiện để vận chuyển về các bệnh viện tuyến sau trên địa bàn;
- Thực hiện tốt chế độ cách ly, khử trùng tẩy uế, vệ sinh buồng bệnh theo chế độ cách ly, điều trị đối với dịch bệnh nguy hiểm;
- Quản lý, bảo quản các trang bị, máy móc, dụng cụ và thuốc, dịch truyền phục vụ cấp cứu (máy hô hấp nhân tạo, máy gây mê, máy thở, phương tiện hỗ trợ hô hấp, phương tiện thuốc phòng chống sốc...). Báo cáo kịp thời những phương tiện và máy móc bị hư hỏng để kịp thời bổ sung, sửa chữa;
- Tổ chức kíp chuyên môn hỗ trợ vận chuyển người bệnh về tuyến chuyên khoa trên địa bàn theo yêu cầu;
- Thực hiện nghiêm các quy định về bảo hộ an toàn phòng chống lây nhiễm cho nhân viên y tế và người bệnh trong khu.
c) Nhân lực: là các bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, nội, nhi, truyền nhiễm, điều dưỡng, y công. Số người có thể điều chỉnh tuỳ theo số lượng người bệnh nặng trên thực tế.
d) Trang thiết bị: giường hồi sức cấp cứu với các trang thiết bị tối thiểu: máy tạo ô-xy, máy thở không xâm nhập, máy thở ô-xy lưu lượng cao (HFNC), monitor theo dõi người bệnh, máy đo độ bão hoà ô-xy, bình ô-xy, các loại bóng ambu, mask, dây thở ô-xy các loại, dây máy thở, máy đo huyết áp, ống nghe, nhiệt kế, cọc truyền dịch, bơm tiêm điện, máy truyền dịch tự động, máy ghi điện tim.
e) Tủ thuốc cấp cứu với cơ số thuốc cho cấp cứu và phòng chống dịch bệnh COVID-19.
f) Phương tiện phòng hộ cá nhân: trang phục phòng hộ cá nhân, khẩu trang N95 hoặc tương đương và khẩu trang ngoại khoa.
6. Khu chăm sóc, điều trị người bệnh ở mức độ nhẹ và trung bình:
a) Khu chăm sóc, điều trị người bệnh ở mức độ nhẹ và trung bình chịu sự chỉ đạo của giám đốc bệnh viện, sự chỉ đạo trực tiếp và giám sát kỹ thuật của phó giám đốc chuyên môn.
b) Khu có chức năng thu dung điều trị người bệnh mắc bệnh mức độ nhẹ và trung bình được khu khám bệnh chuyển vào, có nhiệm vụ:
- Thực hiện tốt nhiệm vụ thu dung, điều trị được giao và các chế độ bệnh viện theo quy định;
- Thực hiện nghiêm việc chấp hành chế độ bảo hộ, cách ly phòng chống dịch bệnh nguy hiểm. Thực hiện giữ khoảng cách, bảo đảm không bị lây chéo giữa người bệnh và nhân viên điều trị, giữa người bệnh và người bệnh cùng khu vực;
- Quản lý, sử dụng tốt trang bị, vật tư y tế hiệu quả;
- Thực hiện nghiêm các quy định về công tác thống kê, báo cáo;
- Tham gia hiệp đồng cứu chữa người bệnh cùng các khu khác, đặc biệt là tình huống cấp cứu hàng loạt theo chỉ đạo của giám đốc bệnh viện.
c) Sắp xếp và bố trí các buồng bệnh của Khu chăm sóc, điều trị người bệnh như sau:
- Các buồng bệnh cho người bệnh đã chẩn đoán xác định bệnh;
- Các buồng bệnh cho người bệnh nghi ngờ;
- Các giường bệnh cách nhau tối thiểu 01 m;
- Buồng bệnh cho người bệnh hết triệu chứng, chờ ra viện.
d) Yêu cầu kỹ thuật đối với các buồng bệnh:bảo đảm buồng bệnh thông khí tốt (12 luồng trao đổi khí/giờ), có buồng đệm giữa buồng bệnh và hành lang là nơi để phương tiện phòng hộ cá nhân, phương tiện rửa tay, nơi đặt phương tiện thu gom chất thải, đồ vải và dụng cụ y tế. Mỗi khu buồng bệnh (10 giường trở lên) có ít nhất 1 nhà vệ sinh (nam, nữ) cho người bệnh. Trường hợp nơi đặt bệnh viện dã chiến không có sẵn buồng vệ sinh, cần bố trí buồng vệ sinh lưu động để đặt tại đây;
- Buồng kỹ thuật: nơi để tủ thuốc, xe tiêm và các dụng cụ phục vụ chăm sóc người bệnh;
- Buồng vệ sinh cho nhân viên y tế.
e) Nhân lực: là bác sĩ nội, nhi, truyền nhiễm, điều dưỡng, y công.Bố trí đủ nhân lực điều trị và chăm sóc số người bệnh theo quy mô bệnh viện dã chiến.
f) Trang thiết bị: giường bệnh (có thể là giường xếp); tủ thuốc cấp cứu, xe tiêm v.v…
g) Vật tư tiêu hao: bơm kim tiêm, dây truyền dịch, bông, băng, gạc v.v…
h) Phương tiện phòng hộ cá nhân: trang phục phòng hộ, khẩu trang N95 hoặc tương đương, khẩu trang ngoại khoa.
i) Phương tiện thu gom và vận chuyển chất thải, đồ vải, dụng cụ y tế.
j) Phương tiện vệ sinh buồng bệnh.
k) Dung dịch sát khuẩn tay nhanh có chứa cồn.
7. Khu cách ly chờ ra viện
a) Khu cách ly chờ ra viện cho người bệnh đã điều trị ổn định chịu sự chỉ đạo của giám đốc bệnh viện, sự chỉ đạo trực tiếp và giám sát kỹ thuật của phó giám đốc chuyên môn.
b) Khu cách ly chờ ra viện có chức năng thu dung, cách ly người bệnh đã điều trị ổn định, chờ ra viện nhưng chưa đủ thời gian an toàn theo quy định đối với dịch bệnh COVID-19, và có các nhiệm vụ:
- Thực hiện tốt nhiệm vụ thu dung, bố trí nơi ăn, ở trong thời gian người bệnh đã điều trị ổn định, chờ ra viện và duy trì các chế độ theo quy định của bệnh viện;
- Tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình người bệnh, tổ chức lấy nhiệt độ, mạch, huyết áp hàng ngày; lấy bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm lại; tổ chức chuyển vào khu điều trị nếu bệnh tiến triển nặng lên hoặc cho người bệnh ra viện khi người bệnh đã hoàn toàn khỏi bệnh theo quy định của Bộ Y tế;
- Tổ chức thực hiện nghiêm chế độ cách ly, giữ khoảng cách, bảo đảm không bị lây chéo giữa người bệnh và nhân viên điều trị, giữa người bệnh và người bệnh cùng khu vực;
- Quản lý, sử dụng tốt trang bị, vật tư y tế hiệu quả;
- Thực hiện nghiêm các quy định về công tác thống kê, báo cáo. c) Sắp xếp và bố trí các buồng bệnh như sau:
- Buồng bệnh cho người bệnh hết triệu chứng, chờ ra viện;
- Buồng trực cho nhân viên y tế;
- Buồng hành chính: bàn, ghế làm việc, giao ban, tủ đựng hồ sơ bệnh án, sổ sách, biểu mẫu, máy tính, máy in, điện thoại, v.v..;
- Buồng kỹ thuật: nơi để tủ thuốc, xe tiêm và các dụng cụ phục vụ chăm sóc người bệnh;
- Buồng vệ sinh cho nhân viên y tế.
d) Nhân lực: bác sĩ nội, nhi, truyền nhiễm, điều dưỡng, y công.Bố trí đủ nhân lực điều trị và chăm sóc số người bệnh theo quy mô bệnh viện dã chiến.
e) Trang thiết bị: giường bệnh (có thể là giường xếp);
f) Phương tiện phòng hộ cá nhân: trang phục phòng hộ, khẩu trang N95 hoặc tương đương, khẩu trang ngoại khoa.
g) Phương tiện thu gom và vận chuyển chất thải, đồ vải, dụng cụ y tế.
h) Phương tiện vệ sinh buồng bệnh.
i) Dung dịch sát khuẩn tay nhanh có chứa cồn.
8. Khu dược, cấp phát thuốc và vật tư, hoá chất
a) Khu dược, cấp phát thuốc và vật tư, hoá chất chịu sự chỉ đạo của giám đốc bệnh viện, sự chỉ đạo trực tiếp và giám sát kỹ thuật của phó giám đốc y vụ;
b) Khu dược, cấp phát thuốc và vật tư, hoá chất có chức năng bảo đảm thuốc, trang bị, vật tư y tế cho mọi hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về y tế của bệnh viện và có nhiệm vụ sau:
- Tổ chức xây dựng kế hoạch, bảo đảm thuốc, hoá chất, sinh phẩm, trang thiết bị vật tư y tế cho các khu lâm sàng, cận lâm sàng và toàn bộ hoạt động chuyên môn của của bệnh viện;
- Quản lý sử dụng, bảo quản tốt thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế theo đúng chế độ. Hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn hợp lý, chống thuốc giả, thuốc kém phẩm chất, quá hạn, tổ chức kho an toàn chống cháy nổ;
- Hàng ngày, báo cáo tình hình sử dụng trang bị, vật tư y tế với giám đốc bệnh viện. c) Nhân lực: dược sĩ, dược tá.
d) Thuốc và phương tiện:Cơ số thuốc, vật tư, hoá chất, theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm COVID-19 và theo nhu cầu thực tế điều trị tại khu vực hồi sức cấp cứu và khu điều trị người bệnh.
9. Khu đồ vải và dụng cụ y tế
a) Khu đồ vải và dụng cụ y tế chịu sự chỉ đạo của giám đốc bệnh viện, sự chỉ đạo trực tiếp và giám sát kỹ thuật của phó giám đốc y vụ. Có nhiệm vụ cung ứng và xử lý đồ vải, dụng cụ y tế cho khu điều trị và các khu khác.
b) Nhân lực: nhân viên làm nhiệm vụ giặt, là hấp, sấy đồ vải và xử lý dụng cụ y tế.
c) Trang thiết bị, dụng cụ: Máy giặt, máy sấy, autoclave có công suất đáp ứng yêu cầu, bàn là.
d) Phương tiện vận chuyển đồ vải sạch, bẩn.
e) Các phương tiện khác.
f) Trường hợp không thể bố trí khu đồ vải và dụng cụ y tế thì cần xác định đơn vị cung ứng và xử lý đồ vải, dụng cụ y tế từ bên ngoài.
10. Nhà ăn
a) Nhà ăn chịu sự chỉ đạo của giám đốc bệnh viện; sự chỉ đạo trực tiếp chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của phó giám đốc hậu cần. Khu Nhà ăn có chức năng tham mưu giúp lãnh đạo bệnh viện, tổ chức đội ngũ điều dưỡng, hộ lý trong công tác điều trị, nuôi dưỡng, phục vụ người bệnh và có các nhiệm vụ trực tiếp chế biến hoặc/và cung cấp suất ăn cho người bệnh, nhân viên y tế.
b) Nhân lực: Có đủ nhân lực để chế biến và phục vụ ăn cho người bệnh và nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện dã chiến.
c) Thiết bị và phương tiện:
- Sử dụng nhà bếp sẵn có.
- Trang bị thêm bếp gas, bàn ăn và các dụng cụ chế biến thức ăn.
d) Nhà ăn yêu cầu được chia thành 2 khu vực riêng biệt:
- Người bệnh: ăn tại giường, không bố trí ăn tại nhà ăn; vì vậy, khu vực này bố trí nơi chế biến suất ăn bệnh lý và suất ăn cho người bệnh. Có trang bị tủ đựng và đưa thức ăn (có giữ nhiệt) đến từng giường bệnh;
- Khu cho nhân viên y tế: Các bàn ăn và ghế ngồi ăn của nhân viên y tế bố trí ngồi cùng chiều (để tránh nguy cơ lây nhiễm), hạn chế ăn tập trung đông người tại nhà ăn, giữ khoảng cách của các bàn, ghế ngồi ăn;
e) Trường hợp không thể bố trí được Nhà ăn thì cần xác định đơn vị cung ứng dịch vụ ăn uống từ bên ngoài.
11. Khu nghỉ ngơi cho người phục vụ
a) Khu nghỉ ngơi cho người phục vụ chịu sự chỉ đạo của giám đốc bệnh viện; sự chỉ đạo trực tiếp của phó giám đốc hậu cần.
b) Khu nghỉ ngơi cho người phục vụ là nơi để nhân viên y tế, người phục vụ nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe, bảo đảm nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến.
c) Nhân lực: Nhân viên phục vụ ăn uống, giặt là và vệ sinh.
d) Thiết bị và phương tiện:
- Giường, chăn, màn, tủ cá nhân;
- Thu gom đồ vải, chăn màn, quần áo, giặt là;
- Các đồ thiết yếu cá nhân.
12. Khu lưu giữ, bảo quản tử thi
a) Khu lưu giữ, bảo quản tử thi chịu sự chỉ đạo của giám đốc bệnh viện; sự chỉ đạo trực tiếp chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của phó giám đốc y vụ.
b) Khu lưu giữ, bảo quản tử thi là nơi bảo quản, lưu giữ tử thi tại các khu vực tập trung của bệnh viện dã chiến, bảo đảm tôn trọng, trang nghiêm, phòng chống lây nhiễm sau khi tử vong.
c) Trường hợp các người bệnh tử vong, thi thể được bảo quản, lưu giữ, xử lý theo quy trình xử lý tử thi do Bộ Y tế quy định.
d) Khu lưu giữ, bảo quản tử thi cần xác định phối hợp với đơn vị có chức năng và phương tiện lưu giữ, bảo quản, xử lý tử thi từ bên ngoài.
13. Khu kiểm soát nhiễm khuẩn
a) Khu kiểm soát nhiễm khuẩn chịu sự chỉ đạo của giám đốc bệnh viện; sự chỉ đạo trực tiếp chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của phó giám đốc y vụ.
b) Khu kiểm soát nhiễm khuẩn có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn tại buồng bệnh và toàn bộ bệnh viện hàng ngày, có các phương tiện vệ sinh và khử khuẩn buồng bệnh, phương tiện thu gom và lưu giữ chất thải rắn tập trung. Quản lý và xử lý chất thải lỏng của các cơ sở y tế được thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ Y tế.
c) Nhân lực: nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn, nhân viên thu gom, xử lý chất thải y tế và nhân viên vệ sinh bệnh viện.
d) Thiết bị và phương tiện:
- Phương tiện vệ sinh và khử khuẩn buồng bệnh;
- Túi, thùng đựng chất thải rắn y tế các loại;
- Xe thu gom chất thải y tế;
- Thùng lưu giữ tạm thời chất thải y tế (lây nhiễm) và chất thải thông thường.
14. Biển hiệu và bảo vệ
a) Khu bảo vệ chịu sự chỉ đạo của giám đốc bệnh viện, sự chỉ đạo trực tiếp của phó giám đốc hậu cần của bệnh viện được phân công phụ trách.
b) Bố trí đội bảo vệ bệnh viện có các nhiệm vụ kiểm soát việc ra vào bệnh viện dã chiến, tổ chức tuần tra canh gác, bảo đảm an toàn bệnh viện. Quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị của bệnh viện (sử dụng, bảo quản, sửa chữa, điện nước) chống tham ô lãng phí. Tổ chức kho an toàn, chống cháy nổ.
c) Khu vực buồng bệnh cách ly ghi rõ hạn chế việc ra vào.
d) Bệnh viện dã chiến và các khu vực trong bệnh viện phải có hệ thống biển hiệu đầy đủ và rõ ràng.
III. SƠ ĐỒ THIẾT KẾ CỦA BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN:
1. Sơ đồ khối chức năng và mối liên hệ (SĐ01)
2. Sơ đồ phân luồng giao thông của nhân viên y tế và người phục vụ (SĐ02)
3. Sơ đồ phân luồng giao thông của bệnh nhân (SĐ 03)
4. Sơ đồ phân luồng giao thông của Dược, Vật tư, Hóa chất, đồ vải, trang thiết bị và năng lượng (SĐ 04)
5. Sơ đồ phân luồng giao thông của dịch vụ (ăn uống, nhu yếu phẩm) (SĐ 05)
6. Sơ đồ hệ thống cung cấp công nghệ thông tin (SĐ 06)./.