Con bộ đội học đại học có phải mua thẻ BHYT không?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Năm nay cháu học năm 2 Đại học Bách khoa Hà Nội. Bố cháu là quân nhân chuyên nghiệp, nên từ nhỏ đến hết cấp 3 cháu đều được cấp thẻ BHYT miễn phí. Đến nay, đi học đại học nhà trường yêu cầu cháu phải mua thẻ BHYT. Vậy xin hỏi, trường hợp của cháu có được cấp thẻ BHYT miễn phí nữa không ạ? Xin cảm ơn!

Trả lời:

1. Con quân nhân học Đại học có được cấp thẻ BHYT nữa không?

Căn cứ điểm c, khoản 13, Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng như sau:

Điều 3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng

[…]

13. Thân nhân của sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ, sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an, gồm:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng;

b) Vợ hoặc chồng;

c) Con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông.

Như vậy, sinh viên các trường cao đẳng, đại học là những người đã tốt nghiệp trung học phổ thông và đã trên 18 tuổi, nên không thuộc đối tượng con của bộ đội được cấp thẻ BHYT miễn phí nữa. Với trường hợp này, sinh viên cần đóng BHYT tại trường cơ sở giáo dục đang theo học để có thẻ BHYT.

2. Mức hưởng BHYT con của quân nhân khi tự mua BHYT như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi bởi khoản 15, Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014) về mức hưởng BHYT như sau:

Điều 22. Mức hưởng bảo hiểm y tế

1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:

a) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i khoản 3 Điều 12 của Luật này. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 của Luật này được chi trả từ nguồn kinh phí bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh của nhóm đối tượng này; trường hợp nguồn kinh phí này không đủ thì do ngân sách nhà nước bảo đảm;

b) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn mức do Chính phủ quy định và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã;

c) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến;

d) 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 2, điểm k khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 12 của Luật này;

đ) 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác.

Theo đó, nếu bạn mua thẻ BHYT tại trường mà bạn đang theo học thì mức hưởng của thẻ BHYT chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh trong trường hợp bạn khám chữa bệnh đúng tuyến.

Con-bo-doi-hoc-dai-hoc-phai-mua-the-BHYT

3. Mức đóng BHYT của sinh viên năm học 2023 - 2024

Theo quy định đối với học sinh, sinh viên mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, học sinh sinh viên tự đóng 70%).

Từ ngày 01/7/2023, mức lương cở được tăng lên 1.800.000 đồng. Khi đó, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên được quy định như sau:

Mức đóng = 4,5% x 1.800.000 đồng x 12 tháng = 972.000 đồng/năm.

Trong đó:

- Số tiền được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT là: 291.400 đồng/năm.

- Số tiền học sinh thực đóng BHYT là: 680.400đồng/năm.

Đặc biệt, ngoài việc được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT học sinh, sinh viên, trong năm học 2023 - 2024 dự kiến có một số tỉnh, thành phố tiếp tục hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho sinh viên từ ngân sách địa phương, do đó số tiền thực đóng BHYT của mỗi sinh viên tiếp tục được giảm.

Ngoài ra, định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng để phù hợp với kế hoạch chi tiêu của bạn. Nhà trường, nơi bạn theo học sẽ đại diện cho cơ quan BHXH thực hiện thu phí BHYT.

Xem thêm: Sinh viên có bắt buộc mua bảo hiểm y tế tại trường?

Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi "​​Con bộ đội học đại học có phải mua thẻ BHYT không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Hoàng Tuấn Vũ

Được tư vấn bởi: Luật sư Hoàng Tuấn Vũ

Công ty luật TNHH Tuệ Anh

090 165 9868

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi