Công văn 2468/UBND-VX TP HCM tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
Ghi chú

thuộc tính Công văn 2468/UBND-VX

Công văn 2468/UBND-VX của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Cơ quan ban hành: Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí MinhSố công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:2468/UBND-VXNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Công vănNgười ký:Nguyễn Thành Phong
Ngày ban hành:23/07/2021Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Y tế-Sức khỏe, COVID-19

tải Công văn 2468/UBND-VX

Tải văn bản tiếng Việt (.doc) Công văn 2468/UBND-VX DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tải văn bản tiếng Việt (.pdf) Công văn 2468/UBND-VX PDF
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: 2468/UBND-VX
Về tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 7 năm 2021

 

 

 

Kính gửi:

- Thủ trưởng các Sở, ban, ngành;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện;
- Các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

 

 

Thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ, Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương và Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố;

Trước tình hình hết sức cấp bách do chủng vi-rút mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường; để thực hiện bằng được mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân, ngăn chặn số ca nhiễm mới, hạn chế tối đa trường hợp tử vong, bảo vệ hệ thống y tế và khả năng điều trị, cứu chữa bệnh nhân; Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo tập trung thực hiện các nội dung như sau:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung đã được Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo tại Công văn số 2279/UBND-VX ngày 08 tháng 7 năm 2021 và các văn bản khác từ ngày 09 tháng 7 năm 2021 đến nay.

2. Tăng cường thực hiện một số biện pháp cụ thể sau:

2.1. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện triệt để các quy định về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình; thực hiện triệt để yêu cầu, quy định phòng, chống dịch:

a) Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết để cấp cứu, mua thực phẩm thiết yếu tại những nơi cung cấp theo quy định và đi làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động tại Mục 2.2 của văn bản này.

b) Tăng cường kiểm soát các khu phong tỏa, khu cách ly:

- Đối với các khu phong tỏa:

+ Trên cơ sở đánh giá vị trí, số dân, số ca nhiễm và các yếu tố nguy cơ dịch tễ, ảnh hưởng đến sự lây nhiễm dịch bệnh, các địa phương xác định phạm vi phong tỏa phù hợp (không quá hẹp để bỏ sót trường hợp F0, F1, nhưng cũng không quá rộng để ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân).

+ Thực hiện triệt để “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với các hộ gia đình xung quanh. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế. Chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc hình thức “đi chợ thay”.

+ Thành lập Tổ công tác quản lý tại các khu phong tỏa (sau đây gọi tắt là Tổ quản lý), trong đó có sự tham gia của lực lượng công an, quân sự, Thanh niên Xung phong, các đoàn thể và nhất là Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng (sau đây gọi tắt là Tổ COVID-19 cộng đồng) để tăng cường quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện quy định về giãn cách của các hộ gia đình trong khu vực phong tỏa.

Chính quyền địa phương phối hợp lực lượng công an, quân sự thường xuyên tổ chức tuần tra, giám sát việc thực hiện triệt để yêu cầu giãn cách giữa người với người, nhất là các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao.

+ Đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trợ giúp lương thực, thực phẩm cho người dân tại các khu vực này đề nghị liên hệ Tổ quản lý để có biện pháp đưa đến từng hộ dân, không để người dân tự ra ngoài nhận trực tiếp. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường chỉ đạo Tổ COVID-19 cộng đồng phối hợp lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố và tình nguyện viên của Thành Đoàn hỗ trợ điều phối, cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân tại các khu phong tỏa.

+ Tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách với bất kỳ lý do nào đều bị xử lý nghiêm khắc trách nhiệm người đứng đầu và những người có liên quan tại địa phương nơi đó.

+ Định kỳ thực hiện đánh giá mức độ an toàn tại khu phong tỏa và kịp thời gỡ bỏ phong tỏa từng phần đối với những khu vực đảm bảo các điều kiện an toàn nhằm giảm tâm lý cho người dân và giảm áp lực cho các lực lượng quản lý khu phong tỏa.

- Đối với các khu cách ly: người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế).

c) Giám sát chặt chẽ việc cách ly tại nhà đối với các ca F0, F1:

Đối với các gia đình có ca F0, F1 thực hiện cách ly tại nhà thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế, tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ trường hợp cấp cứu y tế); lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được chính quyền hỗ trợ, cung cấp tại nhà.

2.2. Về các nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời điểm áp dụng giãn cách:

a) Các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở. Dừng toàn bộ tất cả các cuộc họp không cần thiết. Số lượng người làm việc cụ thể tại công sở do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định và không quá 1/3 tổng số người lao động để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị và chỉ đạo của Thành phố; nghiên cứu tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày; riêng lực lượng vũ trang, ngành y tế Thành phố đảm bảo 100% quân số và các đơn vị đặc thù có văn bản gửi Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định.

b) Ngân hàng, chứng khoán bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất tối thiểu để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết, riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể tổ chức hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách; khuyến khích các đơn vị áp dụng phương thức “3 tại chỗ” để phòng tránh nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào đơn vị.

c) Các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu: y tế (trừ các hoạt động thẩm mỹ thực hiện tại các cơ sở: bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa), dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn công nghiệp cho các bệnh viện, các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị, các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”; các bếp ăn từ thiện; cung cấp điện, nước, xăng dầu, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, duy tu các lĩnh vực giao thông đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ; các đơn vị đang phục vụ công tác hậu cần trong phòng, chống dịch; các cơ sở lưu trú (khách sạn) đang thực hiện hỗ trợ các đội ngũ y bác sĩ lưu trú và phục vụ cách ly cho các chuyên gia và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.

Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và công tác phòng chống dịch bệnh; vận tải nguyên vật liệu, thành phẩm, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu; các doanh nghiệp dịch vụ logistic; các doanh nghiệp sản xuất đã đăng ký và bảo đảm công tác an toàn, tuân thủ nghiêm nguyên tắc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm”.

Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện theo quy định của doanh nghiệp được cho phép hoạt động; kiên quyết dừng ngay lập tức và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp hoạt động không bảo đảm các yêu cầu công tác phòng, chống dịch.

d) Các loại hình giao thông vận tải được phép lưu thông: vận chuyển hàng hóa đường thủy (hàng hải, đường thủy nội địa), bến phà, các bến thủy (Cần Giờ - Cần Giuộc, Cần Thạnh - Thạnh An, Thạnh An - Thiềng Liềng); giao thông đường bộ: xe công vụ, các loại phương tiện vận tải có giấy nhận diện (có QR code) được phép lưu thông vào Thành phố hoặc lưu thông xuyên qua Thành phố, xe ô tô, xe mô tô, xe 2 bánh của tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan nhà nước (công chức, viên chức, người lao động), lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch và các mục đích công vụ; xe đưa rước người dân Thành phố về quê theo kế hoạch; xe đưa rước công nhân, chuyên gia đối với các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “1 cung đường - 2 địa điểm”; xe taxi (được Sở Giao thông vận tải cấp phép hoạt động) chở hàng thiết yếu cho siêu thị và chở người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế và trong trường hợp cần thiết; xe mô tô công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu (phải đảm bảo yêu cầu về phòng dịch - thực hiện 5K) được Doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong thời gian giãn cách; xe vận chuyển (được cấp phép hoạt động hoặc có giấy vận chuyển của Bộ Tư lệnh Thành phố, Sở Y tế, các bệnh viện, cơ sở y tế): (1) đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế, người phục vụ phòng chống dịch, (2) người dân kết thúc thời gian cách ly y tế tại các khu cách ly tập trung, (3) người bệnh COVID-19, (4) người xuất viện từ các bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 về nơi cư trú.

đ) Các hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm (hình thức như chợ truyền thống) chỉ được phép hoạt động theo mô hình mới (theo hướng dẫn của Sở Công Thương), có quy mô giảm còn khoảng 30 %, chỉ cho phép kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu được hoạt động; có quy định nghiêm ngặt và kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không gian mở, thoáng, có màng ngăn giữa người mua và bán, niêm yết giá và khuyến khích bán hàng vào túi sẵn, thực hiện nghiêm giãn cách; các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn - lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác. Người đi chợ phải đảm bảo 5K, thực hiện quản lý ra vào chợ bằng mã QR để phục vụ công tác quản lý, truy xuất dữ liệu khi có yêu cầu.

e) Các công trình xây dựng, giao thông thật sự cấp bách: chỉ cho phép triển khai thi công đối với các công trình đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm”. Chủ đầu tư (nhà đầu tư) chịu hoàn toàn trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại các công trình triển khai thi công. Giao Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải hướng dẫn và phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra việc chấp hành tại công trình, quyết định việc dừng ngay lập tức và xử lý vi phạm nếu công trình thi công không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Các loại hình kinh doanh dịch vụ, cơ quan, đơn vị, tổ chức không đề cập trong Mục 2.2 của văn bản này tạm ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Tuy nhiên, cho phép các đơn vị duy trì chế độ trực cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ, duy trì các hệ thống thông tin.

2.3. Về nâng cao hiệu quả công tác xét nghiệm, điều trị và tiêm vắc xin:

a) Về công tác xét nghiệm:

- Truy vết, xét nghiệm nhanh, tìm nguồn F0 và cách ly F1 sớm, tránh lây lan trong cộng đồng: có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả, cân đối giữa nguồn nhân lực y tế dự phòng và điều trị trong giai đoạn hiện nay; phát huy thế mạnh của xét nghiệm test kháng nguyên nhanh tại các vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, điểm nóng để quét nhanh bóc tách trường hợp nghi nhiễm và nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ra khỏi cộng đồng. Đồng thời, tổ chức chặt chẽ đội nhóm trực 24/24 để tiếp nhận thông tin tại từng khu phố, ấp và đáp ứng kịp thời xét nghiệm cho người có triệu chứng, người có yếu tố dịch tễ (kể cả trong khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ hay khu vực cộng đồng ít nguy cơ...).

- Kết hợp việc xét nghiệm test nhanh kháng nguyên với hướng dẫn tạm cách ly tại nhà đối với người chờ kết quả khẳng định của xét nghiệm PCR.

- Khẩn trương hoàn thiện công tác nhập liệu để phục vụ cho việc phân tích, dự báo và đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình diễn biến của dịch; triển khai trả kết quả xét nghiệm qua tin nhắn điện thoại và ứng dụng y tế trên điện thoại thông minh.

b) Về công tác điều trị:

- Nâng cao năng lực điều trị, áp dụng kết hợp cả đông và tây y; vận động các cơ sở y tế tư nhân cùng tham gia điều trị; tăng cường hệ thống trang thiết bị, nhân lực để đảm bảo luôn làm chủ trong mọi tình huống; trong đó chú trọng huy động đội ngũ y bác sỹ đã nghỉ hưu, lương y, các chức sắc tôn giáo, Hội Chữ thập đỏ tham gia phòng, chống dịch.

- Chủ động rà soát, thống kê, nắm chắc các nguồn lực hiện có và bảo đảm nhân lực; danh mục và cơ số trang thiết bị, vật tư tiêu hao, oxy y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc thiết yếu; thiết bị, kít xét nghiệm và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm sẵn sàng đáp ứng khi diễn biến dịch phức tạp. Tất cả các cơ sở thu dung điều trị phải bố trí các giường bệnh cấp cứu ban đầu có đủ oxy để điều trị các bệnh nhân có chuyển biến nặng, khi chưa kịp chuyển đến bệnh viện tuyến cao hơn.

- Thực hiện giảm tải cho hệ thống y tế, thực hiện phân tầng điều trị, trong đó tăng cường quản lý việc điều trị và theo dõi tại nhà; khẩn trương triển khai thực hiện cách ly theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại nhà đối với F0, F1 theo quy định của ngành y tế với mục tiêu không để lây nhiễm tại cộng đồng và quan tâm, động viên, hướng dẫn, chia sẻ để người bệnh có tâm lý tốt nhất và sớm hồi phục sức khỏe.

- Thực hiện tốt công tác theo dõi các F0 tại các cơ sở cách ly tập trung tại thành phố Thủ Đức và các quận huyện, các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 và phát huy Đội phản ứng nhanh của các quận, huyện và thành phố Thủ Đức để kịp thời xử lý ngay khi người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng; trong đó chú trọng việc hướng dẫn cho người bệnh có thể cùng với nhân viên y tế tự theo dõi sức khỏe bản thân, giúp giảm tải hệ thống y tế.

- Yêu cầu Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, các bệnh viện thu dung, điều trị và các quận, huyện, thành phố Thủ Đức thực hiện nghiêm việc cập nhật thông tin liên quan đến công tác xét nghiệm, cách ly, điều trị COVID-19 để Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố có số liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời nhằm giúp điều hành tốt công tác chuyển viện, cấp cứu bệnh nhân trong thời gian sớm nhất nhằm giảm thiểu tử vong.

c) Về công tác tổ chức tiêm vắc xin:

- Tập trung thực hiện Kế hoạch tiêm vắc xin Đợt 5 đảm bảo an toàn, công bằng, minh bạch, trong đó ưu tiên cho người cao tuổi (trên 65 tuổi) và người có bệnh nền; với mục tiêu là tiêm an toàn, không chạy theo tiến độ, thực hiện đúng tinh thần giãn cách.

- Đẩy nhanh công tác đàm phán và mua vắc xin, phấn đấu đến Quý 1 năm 2022 có 2/3 dân số Thành phố được tiêm chủng.

2.4. Về đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, thực hiện nghiêm quy định giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg:

a) Giao Sở Công Thương

- Chỉ đạo các hệ thống phân phối, doanh nghiệp bình ổn thị trường tiếp tục gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng, đảm bảo nguồn cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn Thành phố; đồng thời, tiếp tục phát huy các kênh bổ trợ bán hàng và các kênh mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử lớn nhằm gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa cho người dân.

- Tổ chức thực hiện Phương án cung ứng hàng hóa phù hợp trên cơ sở tình hình, diễn biến dịch bệnh hiện nay; hỗ trợ nguồn hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho các quận - huyện, thành phố Thủ Đức để kịp thời phân phối đến người dân tại các khu cách ly, khu phong tỏa và bệnh viện dã chiến.

- Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm; xăng, dầu; cung cấp điện, nước, gas; logistics; sản xuất thiết bị y tế); chủ động phối hợp các Sở, ban, ngành Thành phố kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động; báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo đối với các nội dung vượt thẩm quyền.

- Kiểm tra, hướng dẫn công tác tổ chức hoạt động chợ truyền thống và các điểm cung ứng hàng hóa trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch của Ủy ban nhân dân các quận - huyện, thành phố Thủ Đức.

- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động chợ truyền thống (như mô hình “Tổng đài đặt lịch đi chợ”, “App đặt lịch đi chợ dành cho người dân”...) để triển khai cho các quận - huyện, thành phố Thủ Đức thực hiện.

b) Giao Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố cơ chế hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp phân phối, sản xuất hàng thiết yếu và các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế để mua dự trữ hàng hóa, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch và nhu cầu dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm của người dân Thành phố.

2.5. Về công tác hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy nhanh thực hiện giải ngân gói an sinh xã hội theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 25 tháng 6 năm 2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố cho người lao động không giao kết hợp đồng lao động; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; các hộ kinh doanh cá thể bị dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền. Khẩn trương rà soát, đề xuất, tiến hành hỗ trợ đối với các lao động tự do không đủ điều kiện được hỗ trợ theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc”.

Kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Có phương thức chi hỗ trợ phù hợp, kịp thời, thuận lợi; đảm bảo thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

2.6. Về công tác đảm bảo giao thông, an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ trên địa bàn Thành phố

a) Giao Công an Thành phố:

- Nắm chắc tình hình diễn biến của dịch bệnh, chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tình huống phức tạp; chủ động xây dựng kế hoạch; phương án đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ trên địa bàn; đặc biệt tập trung bảo vệ an toàn tuyệt đối và phòng chống cháy, nổ tại các bệnh viện dã chiến, điều trị, khu phong tỏa, khu cách ly.

- Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành tổ chức các chốt trạm kiểm soát cấp Thành phố, trong đó chỉ thực hiện kiểm tra (thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát trên tuyến) đối với các phương tiện có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống dịch và an toàn giao thông; không thực hiện kiểm tra phòng, chống dịch tại chốt kiểm soát dịch trên tất cả các tuyến giao thông đối với phương tiện vận tải hàng hóa có Giấy nhận diện phương tiện (QR code) do Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa.

- Chỉ đạo công an địa phương tham mưu tổ chức các chốt trạm kiểm soát cấp quận - huyện, thành phố Thủ Đức và tổ tuần tra xử lý đảm bảo khép kín địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Ban Thường vụ Thành ủy hoặc lợi dụng tình hình dịch bệnh để hoạt động phạm tội hoặc xuyên tạc, kích động, chống phá trên địa Thành phố.

- Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong toàn lực lượng Công an Thành phố và đảm bảo lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống dịch của Thành phố.

b) Giao Bộ Tư lệnh Thành phố

Thực hiện hiệu quả các biện pháp các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch; phát huy vai trò chủ trì, phối hợp điều hành hoạt động các trung tâm cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh COVID-19 Thành phố bảo đảm chặt chẽ, an toàn, hiệu quả, không để lây nhiễm chéo và lây nhiễm trong lực lượng phục vụ tại các khu cách ly; phối hợp các lực lượng phun khử khuẩn diện rộng toàn Thành phố; tổ chức đoàn xe tham gia vận tải hàng hóa phục vụ Nhân dân Thành phố khi cần thiết. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra. Đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Thủ Đức và các quận, huyện trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở cách ly tập trung cho F0 tại địa bàn.

c) Giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức cho phương tiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa vào và trong Thành phố hoặc lưu thông ngang qua Thành phố. Đồng thời tiếp tục triển khai việc cấp giấy nhận diện phương tiện (QR code) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg.

d) Các chốt phòng, chống dịch do Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm: tổ chức thiết lập chốt, có phương pháp tuần tra, kiểm soát linh hoạt, khoa học tuyệt đối không để xảy ra ùn tắc giao thông; tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải có Giấy nhận diện phương tiện (QR code) lưu thông.

2.7. Về công tác thông tin tuyên truyền và ứng dụng Công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh

a) Về công tác thông tin, tuyên truyền:

- Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, thực hiện triệt để phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát tờ rơi hướng dẫn thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch.

- Nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về diễn biến tình hình dịch bệnh của Thành phố, ý thức chấp hành nghiêm quy định giãn cách xã hội, kiến thức về cơ chế lây bệnh, kiến thức chăm sóc sức khỏe và giữ thái độ bình tĩnh trước các tình huống. Đồng thời, đa dạng và thay đổi hình thức tuyên truyền như: tờ rơi, xe phát thanh lưu động, các ứng dụng trên điện thoại di động,... để thông tin kịp thời đến người dân, đặc biệt là các hộ gia đình trong các khu dân cư, khu phong tỏa.

- Khẩn trương phổ biến ngay đến từng hộ gia đình các hướng dẫn của Thành phố về: (1) Những điều người sống trong khu phong tỏa cần biết; (2) Những điều cần thực hiện khi cách ly F1 tại nhà; (3) Triển khai xuất viện sớm và cách ly điều trị tại nơi cư trú các trường hợp F0 không có triệu chứng.

- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy định hướng hiệu quả công tác tuyên truyền, tăng cường và chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan truyền thông, định hướng dư luận xã hội. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an Thành phố kịp thời xử lý hiệu quả các sự cố về truyền thông và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, xuyên tạc, kích động, chống phá, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

b) Về ứng dụng Công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh

- Yêu cầu thủ trưởng, giám đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai mã QR khai báo Y tế điện tử tại tất cả các trụ sở cơ quan, đơn vị, các địa điểm công cộng trên địa bàn. Yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị, chính quyền các cấp thực hiện đầy đủ việc khai báo y tế điện tử; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn cho gia đình, người thân thực hiện khai báo y tế điện tử.

- Yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục duy trì, cải tiến và phát huy hiệu quả của các ứng dụng công nghệ thông tin đang thực hiện; hoàn thiện công tác phân tích dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch, theo hướng cần xác định rõ hơn nữa những khu vực nào có xu hướng nguy cơ cao, những khu vực nào đang xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo, nhất là khu phong tỏa để kịp thời khoanh vùng, dập dịch.

- Phối hợp với VNPT Thành phố triển khai Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 qua Cổng thông tin 1022.

- Phối hợp Sở Y tế, VNPT Thành phố thiết lập Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe phòng, chống dịch COVID-19 qua Cổng thông tin 1022.

- Xây dựng Website cung cấp nền tảng kết nối cho nhu cầu của người trong khu cách ly, bệnh viện dã chiến với các mạnh thường quân, các nguồn lực xã hội.

- Kết nối liên thông với Hệ thống Tờ khai y tế của Bộ Y tế để các tỉnh, thành kế cận và Thành phố Hồ Chí Minh có thể sử dụng kết quả xét nghiệm qua mã QR với nhau.

- Hoàn thành phần mềm quản lý nguồn lực xã hội hỗ trợ cho Quỹ vắc xin.

3. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận huyện:

- Xây dựng kế hoạch chi tiết, huy động tất cả mọi nguồn lực xã hội, phân công đúng người, rõ việc, rõ trách nhiệm và tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp tăng cường thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg. Phát huy vai trò lực lượng nòng cốt cơ sở để đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, sát với tình hình thực tế diễn biến dịch hiện nay để vận động Nhân dân tự giác thực hiện triệt để các quy định về phòng, chống dịch, thực hiện triệt để giãn cách trên toàn Thành phố, nhất là trong khu phong tỏa, khu cách ly tập trung, các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân cư cao; quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định về tiêm vắc xin; các biện pháp cách ly F0, F1 tại nhà. Xử lý các vấn đề nhân đạo tại địa bàn, khu điều trị. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những nhân tố tích cực, những tổ chức, cá nhân điển hình, năng động, sáng tạo, vượt khó, dũng cảm... để động viên, khen thưởng; đồng thời uốn nắn, chấn chỉnh những thiếu sót; kiên quyết xử lý những vi phạm do chủ quan, thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng, chống dịch.

- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát vai trò người đứng đầu Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn trong xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, bảo đảm các chỉ đạo của các cấp phải được tổ chức triển khai kịp thời đến từng khu phố, ấp và hộ dân; củng cố phát huy vai trò của Tổ giám sát và tuyên truyền COVID-19 cộng đồng để kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm túc các quy định trong khu vực phong tỏa, khu cách ly tập trung trên địa bàn quản lý, nhất là giám sát, quản lý chặt chẽ các gia đình có ca F0, F1 thực hiện cách ly tại nhà và thực hiện cưỡng chế, xử phạt thật nghiêm đối với người vi phạm theo quy định; đồng thời nắm chắc người dân, hộ gia đình có ca F0, F1 thuộc dạng nghèo, khó khăn, neo đơn, khuyết tật, tôn giáo, dân tộc... kể cả người nghiện, để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp; tổ chức điều phối chu đáo, chặt chẽ công tác chăm lo và cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn và giải quyết các nhu cầu cấp thiết của các trường hợp F0, F1 cách ly tại gia; phân công trực các đường dây nóng 24/24 để giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của người dân.

4. Thời gian thực hiện các nội dung trên: từ nay đến hết ngày 01 tháng 8 năm 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17 tháng 7 năm 2021.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo trên; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố nếu để xảy ra các trường hợp không chấp hành nghiêm quy định trên địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách./.

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ; (để báo cáo)
- Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng,
chống dịch COVID-19; (để báo cáo)
- Bộ Y tế; (để báo cáo)
- Thường trực Thành ủy; (để báo cáo)
- Thường trực HĐND TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Văn phòng Thành ủy;
- Trung tâm Báo chí;
- VPUB: CVP, các PCVP;
- Phòng VX, TH;
- Lưu: VT, VNga (VX)

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Phong

 

 

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiển thị:
download Văn bản gốc có dấu (PDF)
download Văn bản gốc (Word)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Quyết định 1401/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Sở Lao động Thương binh và Xã hội trong việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Quyết định 1401/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Sở Lao động Thương binh và Xã hội trong việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Lao động-Tiền lương, Y tế-Sức khỏe, Hành chính, COVID-19

văn bản mới nhất

Quyết định 6527/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc giao 24.158,7m2 đất (đã hoàn thành giải phóng mặt bằng) tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng cho Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng để thực hiện dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất ở khu Đồng Sậy giai đoạn 4, 5, 6 xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội

Quyết định 6527/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc giao 24.158,7m2 đất (đã hoàn thành giải phóng mặt bằng) tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng cho Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng để thực hiện dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất ở khu Đồng Sậy giai đoạn 4, 5, 6 xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội

Đất đai-Nhà ở, Xây dựng

loading
×
×
×
Vui lòng đợi