ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
------------------
Pháp lệnh số: 14/2011/UBTVQH12
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------------
|
PHÁP LỆNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH THẨM PHÁN VÀ HỘI THẨM
CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân dân số 33/2002/QH10;
Căn cứ Nghị quyết số 27/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007 - 2011);
Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân số 02/2002/PL-UBTVQH11.
Điều 1.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân:
1. Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 2
1. Thẩm phán Tòa án nhân dân ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:
a) Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
b) Thẩm phán trung cấp;
c) Thẩm phán sơ cấp;
d) Thẩm phán Tòa án quân sự bao gồm Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương đồng thời là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp.
2. Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự trung ương có Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh), Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện), Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực có Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp.
Số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
3. Hội thẩm Tòa án nhân dân ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:
a) Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân cấp huyện (gọi chung là Hội thẩm nhân dân);
b) Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự khu vực (gọi chung là Hội thẩm quân nhân).”
2. Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 19
1. Để bảo đảm cho các Tòa án nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định:
a) Điều động Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp từ Tòa án nhân dân này đến làm nhiệm vụ tại Tòa án nhân dân khác không cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
b) Biệt phái Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp từ Tòa án nhân dân này đến làm nhiệm vụ có thời hạn tại Tòa án nhân dân khác không cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Để bảo đảm cho các Tòa án nhân dân địa phương thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định:
a) Điều động Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp từ Tòa án nhân dân này đến làm nhiệm vụ tại Tòa án nhân dân khác trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
b) Biệt phái Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp từ Tòa án nhân dân này đến làm nhiệm vụ có thời hạn tại Tòa án nhân dân khác trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Để bảo đảm cho các Tòa án quân sự thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định:
a) Điều động Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp từ Tòa án quân sự này đến làm nhiệm vụ tại Tòa án quân sự khác sau khi thống nhất với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
b) Biệt phái Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp từ Tòa án quân sự này đến làm nhiệm vụ có thời hạn tại Tòa án quân sự khác.”
3. Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 20
Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 5 Pháp lệnh này, có thời gian làm công tác pháp luật từ bốn năm trở lên, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự.”
4. Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 21
1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 5 của Pháp lệnh này và đã là Thẩm phán sơ cấp ít nhất là năm năm, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp thuộc Tòa án nhân dân; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp thuộc Tòa án quân sự.
2. Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của ngành Tòa án nhân dân, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 5 của Pháp lệnh này và đã có thời gian làm công tác pháp luật từ mười năm trở lên, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp thuộc Tòa án nhân dân; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp thuộc Tòa án quân sự.”
5. Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 22
1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 5 của Pháp lệnh này và đã là Thẩm phán trung cấp ít nhất là năm năm, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự trung ương, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương.
2. Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của ngành Tòa án nhân dân, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 5 của Pháp lệnh này và đã có thời gian làm công tác pháp luật từ mười lăm năm trở lên, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự trung ương, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương.”
6. Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 23
Trong trường hợp cần thiết, người công tác trong ngành Tòa án nhân dân hoặc người do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến công tác tại ngành Tòa án nhân dân tuy chưa có đủ thời gian làm Thẩm phán sơ cấp hoặc Thẩm phán trung cấp hoặc chưa có đủ thời gian làm công tác pháp luật, nhưng có đủ các tiêu chuẩn khác quy định tại các điều 20, 21 hoặc Điều 22 của Pháp lệnh này, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp hoặc Thẩm phán trung cấp thuộc Tòa án nhân dân hoặc Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp hoặc Thẩm phán trung cấp thuộc Tòa án quân sự hoặc Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương.”
7. Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 25
1. Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân gồm có:
a) Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương;
b) Các Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân;
c) Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự.
2. Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán làm việc theo chế độ tập thể. Quyết định của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.”
8. Điều 27 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 27
1. Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân gồm có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chấp hành Hội luật gia cấp tỉnh là ủy viên.
Danh sách ủy viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
2. Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn làm Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm;
b) Xem xét những trường hợp Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân có thể được miễn nhiệm chức danh Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 29 của Pháp lệnh này theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao miễn nhiệm;
c) Xem xét những trường hợp Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án nhân dân có thể bị cách chức chức danh Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 30 của Pháp lệnh này theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cách chức.”
9. Điều 28 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 28
1. Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự gồm có: Chánh Tòa án quân sự trung ương làm Chủ tịch, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chấp hành trung ương Hội luật gia Việt Nam là ủy quyền.
Danh sách ủy viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án quân sự trung ương.
2. Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn làm Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự theo đề nghị của Chánh án Tòa án quân sự trung ương và đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm;
b) Xem xét những trường hợp Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự có thể được miễn nhiệm chức danh Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 29 của Pháp lệnh này theo đề nghị của Chánh án Tòa án quân sự trung ương và đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao miễn nhiệm;
c) Xem xét những trường hợp Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự có thể bị cách chức chức danh Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 30 của Pháp lệnh này theo đề nghị của Chánh án Tòa án quân sự trung ương và đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cách chức.”
Điều 2.
1. Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2011.
2. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.
|
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
Nguyễn Phú Trọng
|