UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ---------- Số: 113/2006/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------- Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI GẮN BIỂN CÔNG TRÌNH CHÀO MỪNG CÁC NGÀY LỄ LỚN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
----------------------------
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định 121/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;
Theo đề nghị của Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế tạm thời “Gắn biển công trình” chào mừng các ngày lễ lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 2. Quyết định này thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội và có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng, Chủ tịch UBND các quận, huyện; Giám đốc các sở, ban, ngành; Thủ trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Đỗ Hoàng Ân |
QUY CHẾ TẠM THỜI
GẮN BIỂN CÔNG TRÌNH CHÀO MỪNG CÁC NGÀY LỄ LỚN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 113/2006/QĐ-UBND ngày 04/07/2006 của UBND thành phố Hà Nội)
Chương I.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Gắn biển công trình chào mừng các ngày lễ lớn: là một hình thức khen thưởng của thành phố Hà Nội đối với các công trình được xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp có quy mô, giá trị kinh tế - xã hội thuộc các lĩnh vực trên địa bàn Thành phố nhằm ghi nhận, động viên khích lệ các đơn vị chủ đầu tư, đơn vị xây dựng công trình chất lượng cao, thực sự tiêu biểu, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.
Điều 2. Đối tượng phạm vi xét chọn
Công trình được xem xét, lựa chọn gắn biển của UBND thành phố bao gồm:
2.1. Các công trình tiêu biểu của các quận, huyện, sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc thành phố, công trình thuộc bộ, ngành TW, công trình không thuộc nguồn vốn Nhà nước đạt các điều kiện nêu tại Điều 3 và Điều 4 quy chế này. Công trình thuộc cấp nào do Hội đồng Thi đua - khen thưởng cấp đó xét chọn và đề nghị.
2.2. Các công trình thuộc các Bộ, ngành Trung ương, Tổng Công ty 91, Tập đoàn kinh tế (gồm công trình của đơn vị hoặc công trình thuộc Bộ, ngành Trung ương Tổng Công ty 91, Tập đoàn kinh tế) trực tiếp phục vụ, đóng góp cho Hà Nội do Bộ, ngành chủ quản, Tổng Công ty 91, Tập đoàn kinh tế trực tiếp giới thiệu để thành phố lựa chọn.
2.3. Công trình không thuộc nguồn vốn Nhà nước do cá nhân, đơn vị trực tiếp đăng ký và đề nghị với UBND Thành phố (qua Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố).
Chương II.
TIÊU CHUẨN ĐIỀU KIỆN GẮN BIỂN CÔNG TRÌNH
Điều 3. Công trình được gắn biển phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau:
3.1. Công trình được xây dựng theo đúng quyết định đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3.2. Chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng, đảm bảo tiến độ thời gian, chất lượng, đảm bảo kỹ, mỹ thuật, hiệu quả đầu tư.
3.3. Đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình xây dựng, không để xẩy ra tai nạn chết người hoặc sự cố rủi ro khác.
3.4. Đảm bảo môi sinh, môi trường trong quá trình xây dựng và sử dụng công trình.
3.5. Công trình được nghiệm thu, bàn giao được đưa ngay vào sử dụng.
3.6. Công trình được gắn biển cấp thành phố có tổng mức đầu tư thấp nhất là 30 tỷ đồng. Công trình cấp quận, huyện, ngành gắn biển có tổng mức đầu tư 3 tỷ đồng trở lên. Trong đó, giá trị xây lắp phải chiếm trên 2/3 tổng kinh phí trừ công trình đặc biệt theo chỉ đạo của UBND Thành phố).
Điều 4. Công trình gắn biển phải đảm bảo các điều kiện:
4.1. Công trình được thành phố hoặc quận, huyện, sở, ngành xem xét, lựa chọn quyết định gắn biển, khen thưởng là công trình có ý nghĩa về chính trị, kinh tế - xã hội tiêu biểu nhất thuộc các quận, huyện, sở, ngành thành phố hoặc thuộc các Bộ, ngành Trung ương được xây dựng trên địa bàn thành phố hoặc có tác dụng đặc biệt đối với thành phố.
4.2. Công trình được xây dựng và hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của Thành phố hoặc đất nước, được Chủ tịch UBND các quận, huyện, Thủ trưởng các sở, ban, ngành hoặc lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương đề nghị và được cấp có thẩm quyền quyết định.
4.3. Công trình phải được chủ đầu tư đăng ký với Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố hoặc Thường trực thi đua quận, huyện, sở, ngành (nếu gắn biển cấp quận, huyện, sở, ngành).
Chương III.
THỦ TỤC HỒ SƠ, QUY TRÌNH XÉT CHỌN
Điều 5. Thủ tục hồ sơ
5.1. Thủ tục đăng ký công trình: Công văn đề nghị khen thưởng, gắn biển công trình của quận, huyện, sở, ngành (hoặc của bộ, ngành Trung ương nếu công trình đó thuộc bộ, ngành Trung ương quản lý) kèm bản đăng ký công trình đề nghị UBND Thành phố xem xét khen thưởng gắn biển của chủ đầu tư (theo mẫu quy định thống nhất của thành phố).
Thời gian gửi bản đăng ký công trình: Trước ngày hoàn thành (60 ngày), chủ đầu tư gửi về UBND Thành phố (qua Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội) hoặc Thường trực Hội đồng thi đua - khen thưởng quận, huyện, sở ngành (nếu gắn biển cấp quận, huyện, sở ngành).
5.2. Thủ tục xét khen thưởng công trình:
- Báo cáo kết quả xây dựng công trình của chủ đầu tư nêu rõ ý nghĩa kinh tế - xã hội của công trình (theo mẫu của thành phố, có xác nhận của cấp trên trực tiếp), công văn đề nghị khen thưởng, gắn biển công trình của Chủ tịch UBND quận, huyện; Thủ trưởng các sở, ban, ngành hoặc bộ, ngành TW.
- Bản xác nhận về thực hiện quy hoạch và chất lượng công trình của Sở chuyên ngành theo Quyết định 73/2006/QĐ-UBND ngày 22/5/2006 của UBND Thành phố và các quy định hiện hành.
Thời gian gửi hồ sơ khen thưởng: trước ngày dự kiến gắn biển 15 ngày về Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố và Thường trực Hội đồng thi đua - khen thưởng quận, huyện, sở ngành (nếu gắn biển cấp quận, huyện, sở ngành).
Điều 6. Quy trình xét chọn
6.1. Đối với chủ đầu tư: Sau khi bản đăng ký công trình được UBND Thành phố (hoặc quận, huyện, sở, ngành) chấp nhận, phải khẩn trương triển khai dự án theo đúng quyết định đã được phê duyệt, tổ chức phát động phong trào thi đua và thường xuyên báo cáo tiến độ thực hiện công trình về Ban thi đua - khen thưởng Thành phố (hoặc quận, huyện, sở, ngành).
6.2. Đối với cấp trên chủ đầu tư:
Các bộ ngành TW, quận, huyện, sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc thành phố (cấp trên của chủ đầu tư) có trách nhiệm:
- Chỉ đạo đôn đốc chủ đầu tư triển khai và thực hiện dự án đúng theo quyết định đã được phê duyệt.
- Khẩn trương báo cáo những vướng mắc và phối hợp với các sở, ngành chức năng giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh.
6.3. Đối với các sở chuyên ngành Thành phố:
a. Sau khi nhận được đăng ký của cơ sở và văn bản đề nghị của cấp trên cơ sở, Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Giao thông công chính, Liên đoàn Lao động Thành phố, các sở chuyên ngành và đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra đánh giá theo các nội dung quy định tại chương I, II quy chế này, báo cáo UBND Thành phố quyết định khen thưởng, gắn biển đối với công trình đạt tiêu chuẩn. Xác định vị trí đặt biển và hướng dẫn cơ sở tổ chức lễ gắn biển.
b. Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Giao thông công chính Hà Nội, sở chuyên ngành chịu trách nhiệm hướng dẫn, quận, huyện, sở, ngành kiểm tra đánh giá tiêu chuẩn, điều kiện công trình theo quyết định được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chương IV.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Hình thức khen thưởng
7.1. Công trình được Thành phố gắn biển:
- Chủ đầu tư được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen và thưởng 5 triệu đồng. Tiền thưởng được trích từ Quỹ khen thưởng của Thành phố.
- Công trình được UBND Thành phố biểu dương trên các phương tiện thông tin (báo, đài).
7.2. Công trình quận, huyện, sở, ngành gắn biển: Chủ đầu tư được quận, huyện, sở, ngành tặng giấy khen và thưởng 1 triệu đồng.
Điều 8. Tổ chức gắn biển công trình
- Sau khi có quyết định của UBND Thành phố (hoặc quận, huyện, sở, ngành...) chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức để gắn biển công trình.
- Kinh phí tổ chức gắn biển công trình do chủ đầu tư thống nhất với đơn vị thi công công trình thực hiện.
- Biển công trình: do chủ đầu tư chuẩn bị, thống nhất theo mẫu của Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố Hà Nội.
Điều 9. Chủ đầu tư phải tổ chức thực hiện tốt nội dung đã cam kết trong đăng ký công trình gắn biển và chịu trách nhiệm về báo cáo kết quả thực hiện công trình. Trường hợp đã đăng ký nhưng vì lý do nào đó không thực hiện được phải có văn bản báo cáo kịp thời về UBND Thành phố (qua Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố).
Sau khi công trình được gắn biển, đơn vị nhận bàn giao, sử dụng công trình phải thường xuyên duy tu, bảo quản và tổ chức sử dụng công trình có hiệu quả, đúng mục đích xây dựng.
Nếu công trình đã xuống cấp hoặc có thay đổi về quy hoạch, phải báo cáo ngay UBND Thành phố để có biện pháp chỉ đạo giải quyết.
Công trình đã đăng ký nhưng không đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện tại Điều 3, Điều 4 của Quy chế này, các ngành chức năng kiểm tra phát hiện sẽ bị khiển trách và bị trừ điểm thi đua tổng kết năm.
Chương V.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Quy chế này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố phối hợp các sở, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện quy chế này./.