BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ---------------------
Số: 64/2011/TT-BGTVT
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------
Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2011
|
Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 28 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quy hoạch giao thông; hoạt động đầu tư, xây dựng công trình giao thông; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện vận tải để lưu hành; hoạt động vận tải.
Điều 3. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác quy hoạch, xây dựng, cải tạo công trình giao thông
1. Công tác quy hoạch
Tổ chức, cá nhân khi xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải phải đưa nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một tiêu chí để lựa chọn phương án; ưu tiên phát triển vận tải công cộng, phát triển phương tiện vận tải khối lượng lớn, hiệu suất sử dụng năng lượng cao (đường sắt, đường thủy, phương tiện vận tải khác); quan tâm khả năng kết nối các phương thức vận tải nhằm tiết kiệm nhiên liệu.
2. Đầu tư xây dựng, cải tạo công trình giao thông
a) Khuyến khích tổ chức, cá nhân khi tham gia thiết kế, lập dự án đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải lựa chọn hướng tuyến có cự ly ngắn, lợi dụng dòng chảy, hạn chế độ dốc; lựa chọn công nghệ, giải pháp thi công tiết kiệm năng lượng; tối ưu hóa nguồn cung ứng nguyên, vật liệu nhằm giảm khối lượng vận chuyển, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường.
b) Đơn vị tổ chức thi công có trách nhiệm: áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nêu trong dự án đã được phê duyệt; sử dụng hợp lý máy móc, thiết bị thi công; xây dựng và thực hiện định mức nhiên liệu, định mức ca máy, định ngạch bảo dưỡng sửa chữa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu của máy móc, thiết bị thi công.
c) Đơn vị nhận bàn giao khai thác, sử dụng công trình giao thông có trách nhiệm thực hiện công tác bảo trì theo quy định, duy trì tình trạng kỹ thuật của công trình nhằm giảm tiêu hao nhiên liệu trong khai thác vận tải.
Điều 4. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động vận tải
1. Tổ chức vận tải
a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khi xây dựng phương án tổ chức vận tải phải đưa nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một tiêu chí để lựa chọn phương án. Ưu tiên các phương án: rút ngắn cự ly vận chuyển, nâng cao hệ số lợi dụng trọng tải, hệ số lợi dụng quãng đường.
b) Khuyến khích tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành vận tải; kết hợp các phương thức vận tải nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động vận tải tại đơn vị.
2. Đầu tư và quản lý sử dụng phương tiện vận tải
Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải có trách nhiệm:
a) Xây dựng và thực hiện định mức tiêu thụ nhiên liệu tại doanh nghiệp; hàng năm cập nhật, hoàn thiện định mức nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định của pháp luật.
b) Xây dựng định ngạch và thực hiện đúng chế độ bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ phương tiện, thiết bị vận tải trong quá trình khai thác, sử dụng tại doanh nghiệp nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
c) Tuân thủ niên hạn sử dụng của phương tiện vận tải và xây dựng kế hoạch loại bỏ phương tiện không bảo đảm mức hiệu suất năng lượng tối thiểu theo quy định hiện hành.
3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, năng lượng mới trong giao thông vận tải.
Tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành được kết hợp các nguồn lực theo quy định hiện hành để tổ chức nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động giao thông vận tải.
Điều 5. Quản lý chỉ tiêu mức tiêu hao nhiên liệu của phương tiện vận tải nhằm quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
1. Phương tiện giao thông vận tải sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu để lưu hành phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức tiêu thụ nhiên liệu do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải phải đưa chỉ tiêu mức tiêu hao nhiên liệu cho 1000 đơn vị sản phẩm vận tải (T.Km; Hk.Km) vào hệ thống các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật vận hành phương tiện của đơn vị; triển khai các biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm giảm chỉ tiêu này tại đơn vị mình.
Điều 6. Chế độ báo cáo, thống kê sử dụng năng lượng
1. Các doanh nghiệp vận tải thuộc đối tượng cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP có trách nhiệm bố trí người quản lý năng lượng xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng năm năm và hàng năm, báo cáo tình hình sử dụng năng lượng hàng năm theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
2. Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan tại địa phương cập nhật danh sách cơ sở vận tải sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc địa phương quản lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP, hướng dẫn của Bộ Công Thương có báo cáo về Bộ Giao thông vận tải trước ngày 01 tháng 02 hàng năm.
3. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thuộc Bộ có trách nhiệm rà soát lập danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP; tổng hợp kế hoạch, báo cáo tình hình sử dụng năng lượng của các đơn vị trực thuộc theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP và gửi về Bộ Giao thông vận tải trước ngày 01 tháng 02 hàng năm.
Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan
1. Vụ Môi trường
a) Đôn đốc, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải, hàng năm báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả thực hiện.
b) Tham mưu, đề xuất kết hợp nguồn kinh phí để triển khai các đề án, dự án nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, ứng dụng năng lượng mới nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động giao thông vận tải theo các quy định hiện hành
2. Vụ Vận tải
Tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải công cộng; các biện pháp điều tiết nhu cầu vận tải giữa các phương thức vận tải; hạn chế phương tiện có năng lực thông qua thấp, tiêu tốn nhiều nhiên liệu; thúc đẩy phát triển phương thức vận tải sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
3. Cục Đăng kiểm Việt Nam
a) Xây dựng và trình Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức tiêu thụ nhiên liệu đối với một số loại phương tiện giao thông vận tải phù hợp với từng thời kỳ theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 33 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
b) Tổ chức kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận mức tiêu thụ nhiên liệu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với kiểu loại phương tiện giao thông vận tải sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu.
c) Thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; kiểm tra việc tuân thủ quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
4. Tổng cục đường bộ Việt Nam, các Cục: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam:
a) Thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác tổ chức, điều hành hệ thống giao thông vận tải theo phân cấp.
b) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các đơn vị trong phạm vi quản lý; hàng năm báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thực hiện.
5. Các Sở Giao thông vận tải
a) Tổ chức hướng dẫn, phân luồng giao thông nhằm hạn chế ùn tắc, giảm cự ly vận tải; phát triển và nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến vận tải công cộng; tùy theo điều kiện từng khu vực đô thị, thúc đẩy phát triển giao thông phi cơ giới (tuyến phố đi bộ; tuyến đường dành riêng cho xe đạp …).
b) Thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác tổ chức, điều hành hệ thống giao thông vận tải, quản lý phương tiện vận tải theo phân cấp; báo cáo Bộ Giao thông vận tải về kết quả thực hiện các quy định quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải tại địa phương.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Nơi nhận: - Như Điều 8; - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Các Thứ trưởng Bộ GTVT; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Công báo; Website CP, Website BGTVT; - Lưu: VT, MT.
|
BỘ TRƯỞNG Đinh La Thăng
|