Công văn 8326/BGTVT-VP của Bộ Giao thông vận tải về việc báo cáo kiểm điểm chỉ đạo điều hành năm 2008 và chương trình công tác năm 2009

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
Ghi chú

thuộc tính Công văn 8326/BGTVT-VP

Công văn 8326/BGTVT-VP của Bộ Giao thông vận tải về việc báo cáo kiểm điểm chỉ đạo điều hành năm 2008 và chương trình công tác năm 2009
Cơ quan ban hành: Bộ Giao thông Vận tảiSố công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:8326/BGTVT-VPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Công vănNgười ký:Hồ Nghĩa Dũng
Ngày ban hành:14/11/2008Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Giao thông
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

 

Số: 8326/BGTVT-VP

V/v: Báo cáo kiểm điểm chỉ đạo điều hành năm 2008 và chương trình công tác năm 2009

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2008

 

 

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

 

 

Thực hiện yêu cầu của Văn phòng Chính phủ tại công văn số 6957/VPCP-TH ngày 17/10/2008 về việc kiểm điểm công tác sự chỉ đạo, điều hành năm 2008 và xây dựng Chương trình công tác năm 2009 của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xin báo cáo như­ sau:

A. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH NĂM 2008

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯ­ỚNG CHÍNH PHỦ TRONG VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 2008

Trong năm 2008, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, giá cả tiêu dùng biến động không ngừng, giá nhiều loại vật tư, nguyên liệu tăng cao, gây ảnh hưởng mạnh đến sản xuất trong nước; tình hình thiên tai, lũ lụt trên cả nước và rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh phía Bắc vào thời gian đầu năm, cùng với dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đã gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống của dân cư. Tuy nhiên ngay từ đầu năm, Chính phủ đã xây dựng và triển khai các chương trình hành động, đề ra các giải pháp cụ thể tập trung giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, huy động các nguồn lực cho đầu tư­ phát triển. Cụ thể, Chính phủ đã:

- Tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất n­ước. Hoạt động xây dựng pháp luật của Chính phủ đã góp phần to lớn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam góp phần thúc đẩy đầu tư, kinh doanh và duy trì tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế; là cơ sở quan trọng bảo đảm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần tích cực cải thiện và nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân và sự phát triển trên tất cả các mặt của đời sống xã hội.

- Đẩy mạnh thực hiện ch­ương trình cải cách hành chính, nhất là tập trung hoàn thiện thể chế, phân cấp mạnh về quản lý, đơn giản hóa thủ tục, từng b­ước nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế và người dân khi làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước.

- Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch sớm nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ GTVT triển khai kế hoạch ngay từ đầu năm (Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 19/11/2007). Các Bộ, ngành, địa phương đã chấp hành đúng việc phân bổ vốn đầu tư về tổng mức ngân sách được giao. Cơ cấu vốn được định hướng, bố trí đầu tư tập trung vào các công trình trọng điểm, kiên quyết chống đầu tư dàn trải.

- Trong điều hành cụ thể, Chính phủ đã rất chủ động và quyết liệt trong công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện những chủ trương đã có đồng thời xử lý vướng mắc phát sinh tại cơ sở. Đối với Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã nhiều lần tổ chức cuộc họp nghe Bộ GTVT báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch, những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và có ý kiến chỉ đạo kịp thời, đặc biệt là giải quyết cơ chế chính sách tạo điều kiện cho Bộ GTVT hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, trong Nghị quyết các phiên họp thường kỳ, hàng tháng, quý, sơ kết 6 tháng của Chính phủ đều có kiểm điểm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch và đề ra các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2008 gắn liền với kế hoạch 5 năm 2006-2010.

- Chính phủ đã đề ra và tập trung cao trong việc thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Các Bộ, ngành và địa phương đã phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp nên đến tháng 9, 10/2008 tỷ lệ lạm phát đã được kiềm chế và giá cả các mặt hàng đã bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ.

- Chỉ đạo quyết liệt các ngành, các địa phương thực hiện những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nư­ớc năm 2008, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Tập trung chỉ đạo, đôn đốc công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là giảm thiểu và kiềm chế tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn.

- Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các thành phần kinh tế, huy động nguồn vốn, nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng.

- Tập trung vào việc xây dựng, điều chỉnh cơ chế, chính sách, xử lý biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng để tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Kết quả giải ngân đến tháng 10/2008 của các đơn vị cơ bản sát với kế hoạch đề ra.

- Chính phủ có chỉ đạo kịp thời, đồng bộ, quyết liệt và các ngành, địa phương chủ động phòng, chống với nỗ lực rất cao nên đã hạn chế tối đa thiệt hại lũ lụt gây ra; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; giữ vững an ninh, quốc phòng.

II. KIỂM ĐIỂM, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP ĐÃ ĐỀ RA TRONG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ GTVT

Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011 được ban hành tại Nghị quyết số 03/2008/NQ-CP ngày 11/01/2008, Bộ GTVT đã xây dựng Chương trình hành động của Bộ GTVT nhiệm kì 2007-2011.

Bộ GTVT đã có Quyết định số 278/QĐ-BGTVT ngày 29/01/2008 ban hành Chương trình hành động của Bộ GTVT thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành trung ương Đảng khoá X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Thực hiện Nghị quyết số 02/2008/NQ-CP ngày 09/01/2008 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nư­ớc năm 2008, Bộ GTVT đã xây dựng chương trình hành động của Bộ, đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể nhằm thực hiện hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ của ngành; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ đư­ợc giao tại Nghị quyết.

Các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Chỉ thị và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ t­ướng Chính phủ đã đ­ược Bộ GTVT chỉ đạo triển khai đến từng đơn vị trực thuộc. Lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các Vụ, Cục quản lý chuyên ngành thực hiện chế độ giao ban tuần, giao ban tháng, giao ban chuyên đề xây dựng cơ bản, an toàn giao thông để kiểm điểm các nội dung công việc theo chương trình công tác của Chính phủ, của Bộ, xác định trọng tâm công tác tháng sau cùng các giải pháp thực hiện. Bộ đã giải quyết kịp thời các v­ướng mắc trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, nhờ đó đã có tác dụng khắc phục những yếu kém tồn tại để công việc đạt hiệu quả tốt hơn.

Triển khai thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định sản xuất trong lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ GTVT đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BGTVT ngày 17/4/2008 chỉ đạo các cơ quan đơn vị thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc các giải pháp: rà soát toàn bộ các công trình dự án đầu tư bằng ngân sách, trái phiếu Chính phủ; các đơn vị xuất nhập khẩu thuộc Bộ phải thực hiện việc giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm các nguồn năng lượng, vật tư, chi phí lưu thông để nâng cao sức cạnh tranh đối với các mặt hàng xuất khẩu; tăng cường kiểm soát chi tiêu, thực hiện tiết kiệm chi ngân sách theo chỉ tiêu tiết kiệm nhà nước giao, tạm dừng hoặc huỷ bỏ các chuyến công tác nước ngoài chưa cần thiết, không tổ chức hội nghị, hội thảo không cần thiết. Bộ GTVT cũng đã ban hành Quyết định số 1368/QĐ-BGTVT ngày 16/5/2008 giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2008 cho các đơn vị thụ hưởng ngân sách thuộc Bộ.

Ngoài việc thường xuyên quan tâm chỉ đạo đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, lãnh đạo Bộ đã tập trung nhiều thời gian chỉ đạo rà soát, ban hành mới các văn bản pháp lý về công tác vận tải, tổ chức vận tải, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và công tác quy hoạch, nhờ đó những lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến rõ nét.

Một số nhiệm vụ trọng tâm đã được Bộ GTVT tập trung triển khai thực hiện trong năm 2008 là:

1. Công tác vận tải, đảm bảo trật tự an toàn giao thông:

Trong năm 2008, Bộ GTVT đã: (i) xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 03/2008/CT-TTg ngày 17/01/2008 về việc tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nâng cao chất lượng phục vụ vận tải khách dịp tết Nguyên Đán và mùa Lễ hội Xuân Mậu Tý 2008; (ii) hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 04/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông Quốc gia đến năm 2010; (iii) xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31/7/2008 về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Thực hiện Chỉ thị số 03/2008/CT-TTg ngày 17/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nâng cao chất lượng phục vụ vận tải khách dịp Tết Nguyên đán và Lễ Hội Xuân Mậu Tý 2008, Công điện số 169/CĐ-TTg ngày 29/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc không để tai nạn giao thông gia tăng và ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép pháo các loại trong dịp Tết Mậu Tý, lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt công tác vận tải và an toàn giao thông trong dịp Tết, trực tiếp đi kiểm tra công tác vận tải tại các nhà ga, bến xe, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông tại các điểm nóng. Do có sự chuẩn bị kịp thời và đầy đủ nên các cơ quan, đơn vị liên quan đã phục vụ đầy đủ, kịp thời, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân; số vụ tai nạn, số người bị chết, bị thương do tai nạn giao thông trong dịp Tết Mậu Tý đã giảm đáng kể so với Tết Đinh Hợi 2007.

Bộ GTVT đã ban hành văn bản số 2071/BGTVT-VT ngày 02/4/2008 về Kế hoạch triển khai Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 04/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông Quốc gia đến năm 2010, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện; đồng thời ban hành Chỉ thị số 07/2008/CT-BGTVT ngày 30/5/2008 về việc tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông vận tải giai đoạn 2008-2012.

Kết quả trong lĩnh vực vận tải, đảm bảo an toàn giao thông cụ thể như sau:

a. Vận tải:

Trong năm 2008, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lũ, hạn hán xảy ra liên tục, kéo dài, giá nhiên liệu và các chi phí có liên quan đến hoạt động vận tải đều tăng, trong khi Chính phủ chủ trương bình ổn giá cước vận tải để kiềm chế lạm phát…, do đó các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, trên tất cả các lĩnh vực vận tải đều có sự tăng trưởng, chất lượng phục vụ được cải thiện, đáp ứng được nhu cầu vận tải trong và ngoài n­ước, kể cả các dịp Lễ, Tết.

Trong lĩnh vực vận tải đường bộ, Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị 01/2004/CT-TTg ngày 02/01/2004, đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch và xử lý vi phạm nhằm chấn chỉnh hoạt động vận tải khách liên tỉnh bằng ôtô, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết. Đến nay, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đã có nhiều chuyển biến tích cực, trật tự vận tải khách đã được cải thiện.

Từng bước nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải trong nước; tăng sức cạnh tranh vận tải đường biển và hàng không quốc tế.

Sản lượng vận tải 10 tháng đầu năm 2008 dự kiến đạt 314,59 triệu tấn hàng -122,42 tỷ TKm; 1.271,14 triệu lượt hành khách - 56,87 tỷ HKKm; so với cùng kỳ năm trước tăng 8,5% về tấn vận chuyển và 45,2% về TKm; 7,3% về hành khách vận chuyển và 8,6% về HKKm.

Hàng thông qua cảng biển ước đạt 165,46 triệu tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 12,9%.

b. An toàn giao thông

Bộ GTVT cũng tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP và 05/2008/NQ-CP trên toàn quốc về các lĩnh vực cụ thể như: công tác thanh tra giao thông; công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ; công tác bảo dưỡng, duy tu đường bộ và cầu yếu, công tác quản lý vận tải khách liên tỉnh. Đồng thời, Chủ tịch Uỷ ban ATGTQG đã thành lập nhiều đoàn do Lãnh đạo Uỷ ban ATGTQG và Bộ GTVT làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP và Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP của Chính phủ tại các địa phương.

Thực hiện Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, Bộ GTVT đã ban hành các văn bản triển khai (số 8497/BGTVT-VT ngày 31/12/2007 và số 315/BGTVT-VT ngày 14/01/2008); phối hợp với các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương để đồng loạt đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân để nhân dân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm; kết hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, tiến hành rà soát, thống kê các vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; sau khi tổng kết giai đoạn I triển khai cưỡng chế giải toả các công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện giai đoạn II trên phạm vi toàn quốc.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông được thực hiện thống nhất, mạnh mẽ với nhiều hình thức đã tạo sự chuyển biến tích cực trong ý thức tự giác chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của nhân dân. Việc thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy được toàn dân hưởng ứng, chấp hành nghiêm túc trên phạm vi toàn quốc và được dư luận quốc tế đánh giá cao. Đây là thành công của việc triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác tuyên truyền giáo dục và kiểm tra, xử lý của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Trong 10 tháng đầu năm 2008 xảy ra 10.459 vụ tai nạn giao thông, giảm 1.668 vụ (giảm 13,75%); làm chết 9.456 người, giảm 1.434 người (giảm 13,17%); bị thương 6.778 người, giảm 2.344 người (giảm 25,7%) so với cùng kỳ năm 2007.

Riêng về tai nạn giao thông đường bộ, nếu tính theo số vụ trên 10.000 phương tiện thì trong 10 tháng đầu năm 2008 xảy ra 3,69 vụ, làm 3,44 người chết và 2,45 người bị thương (giảm 1,52 vụ, giảm 1,31 người chết, giảm 1,53 người bị thương so với cùng kỳ năm 2007).

Như vậy, trong điều kiện số lượng phương tiện giao thông bùng phát quá nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông phát triển chậm, việc kiềm chế và giảm được tốc độ gia tăng tai nạn giao thông cả năm 2007 và 10 tháng đầu năm 2008 là một thành công đáng khích lệ, đặc biệt số người chết do tai nạn giao thông 10 tháng đầu năm 2008 đã giảm được 1.434 người, các trường hợp bị chấn thương sọ não giảm 30 - 40%. Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, sự cố gắng và nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương trong việc thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP, Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Tuy vậy, tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp. Để những kết quả ban đầu về kiềm chế tai nạn giao thông trở nên bền vững, cần có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và toàn xã hội.

2. Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả đầu tư­

Bộ GTVT đã triển khai giao kế hoạch 2008 cho các chủ đầu tư (Quyết định số 4090/QĐ-BGTVT ngày 28/12/2007) đúng thời hạn theo quyết định 1569/QĐ-TTg ngày 19/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2008.

Bộ GTVT đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BGTVT ngày 25/01/2008 về việc tăng cường thực hiện một số giải pháp, phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ kế hoạch xây dựng công trình giao thông năm 2008, Chỉ thị số 10/CT-BGTVT ngày 18/9/2008 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án giao thông hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2008.

Do kế hoạch vốn ngân sách nhà nước Bộ GTVT được giao đầu năm thấp (5.666 tỷ) chỉ đủ bố trí cho các dự án ODA, các dự án chuyển tiếp của kế hoạch 2007 và khởi công một số dự án cấp bách không có nguồn. Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc triển khai kế hoạch 2008 và được Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho ứng trước 3.022 tỷ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp của kế hoạch 2007 và khởi công một số dự án cấp bách (Cầu Đồng Nai, Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tê Nội Bài, QL12 và cầu Hang Tôm tránh ngập thuỷ điện Sơn La vv…).

Đã đăng ký kế hoạch giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ năm 2008, đồng thời giao chỉ tiêu giải ngân năm 2008 cho các Chủ đầu tư, các Ban QLDA. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đang cập nhật lại tổng mức đầu tư các dự án vốn trái phiếu Chính phủ có trong quyết định 171/2006/QĐ-TTg để chuẩn xác nhu cầu vốn giai đoạn 2003 - 2010, đồng thời chuẩn bị danh mục các dự án quan trọng đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn sau 2010 báo cáo Bộ Kế hoạch và đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Bộ GTVT chỉ triển khai các dự án cân đối đư­ợc nguồn vốn, tăng c­ường công tác quản lý đầu tư­ nhằm nâng cao chất lư­ợng công trình, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đã có nguồn vốn. Công tác chuẩn bị đầu t­ư luôn chủ động đi trư­ớc một b­ước và tranh thủ được ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành và địa phương để kịp thời triển khai khi có vốn. Các dự án chuẩn bị đầu tư­ phù hợp với quy hoạch đư­ợc duyệt. Quá trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư­ đư­ợc thực hiện tuân thủ các quy định của quy chế Quản lý đầu tư­ và xây dựng.

Bộ Giao thông vận tải đã sắp xếp chuyển 5 Ban quản lý dự án trực thuộc Bộ về cho các Cục quản lý nhà nước chuyên ngành cho phù hợp với thẩm quyền quản lý dự án của các chủ đầu tư; xây dựng đề án thí điểm chuyển 02 Ban quản lý dự án thành doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp

Hoàn thiện cơ chế chính sách và kiện toàn bộ máy thực hiện công tác giải phóng mặt bằng: Bộ GTVT đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ một số biện pháp giải quyết vướng mắc để các địa phương thực hiện công tác GPMB và bàn giao mặt bằng đúng thời hạn. GPMB chậm làm chậm tiến độ dự án, phát sinh kinh phí do trượt giá, biến động giá và do “trượt giá” chi phí GPMB, làm phát sinh các vấn đề xã hội phức tạp.

Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện các dự án tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành về quản lý chất lư­ợng công trình xây dựng. Các Chủ đầu tư­, Ban QLDA tăng cường năng lực quản lý chất lư­ợng trong thi công và nghiệm thu dự án; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu (bao gồm cả nhà thầu chính và phụ), năng lực cũng nh­ư công tác tổ chức và triển khai của hoạt động t­ư vấn giám sát hiện trư­ờng; chú trọng công tác kiểm định chất l­ượng thi công của các đơn vị t­ư vấn kiểm định độc lập nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những sai sót về chất l­ượng. Đồng thời, Bộ GTVT cũng chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng giao thông tăng cư­ờng nhân lực, vật tư­ thiết bị và mọi mặt nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công của dự án.

Trong quá trình triển khai thi công các dự án gặp nhiều v­ướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách về định mức, đơn giá; biến động giá; khan hiếm vật liệu; khó khăn về giải phóng mặt bằng; khó khăn về tài chính của các doanh nghiệp xây dựng giao thông kéo dài từ nhiều năm qua. Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết, điều chỉnh, thay đổi một số Nghị định, Thông tư, nhiều quy định chồng lấn trách nhiệm, thiếu thực tiễn gây khó khăn khi thực hiện Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu… để đẩy nhanh tiến độ và chất lư­ợng của các dự án.

Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu (văn bản số 662/BGTVT-CGĐ ngày 30/01/2008 về việc thực hiện công tác GPMB các dự án xây dựng giao thông; số 179/BGTVT-CGĐ ngày 09/1/2008 về việc điều chỉnh, bổ sung, thay thế nhà thầu trong trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ thi công; số 4199/BGTVT-QLXD ngày 02/6/2008 về việc thực hiện điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng theo Thông tư số 09/2008/TT-BXD đối với các dự án đầu tư xây dựng do Bộ GTVT quản lý), Bộ trưởng và các Thứ trưởng còn phân công trực tiếp đi kiểm tra hiện trường thi công, làm việc cụ thể với từng nhà thầu và với địa phương, chủ trì họp kiểm điểm, giải quyết tháo gỡ tại chỗ các vướng mắc về thủ tục, về công tác giải phóng măt bằng, về vốn…nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm.

Kết quả đầu tư

Nguồn ngân sách nhà nước:

- 10 tháng đầu năm toàn ngành thực hiện 4.849 tỷ (52,5% kế hoạch); giải ngân 5.378 tỷ (58,2% kế hoạch).

- Các dự án Bộ GTVT trực tiếp quản lý 10 tháng đầu năm 2008 thực hiện 4.511 tỷ (52% kế hoạch); giải ngân 5.052,4 tỷ (58,2% kế hoạch - trong đó đã thanh toán ra khỏi Kho bạc 4.772 tỷ), riêng tháng 10 giải ngân đạt 998 tỷ; vốn nước ngoài thực hiện 2.315 tỷ (66,7% kế hoạch), giải ngân 2.736 tỷ (79% kế hoạch - trong đó đã thanh toán ra khỏi Kho bạc 2.561 tỷ), riêng tháng 10 giải ngân đạt 520 tỷ; vốn trong nước thực hiện 2.196 tỷ (42,1% kế hoạch bao gồm cả kế hoạch ứng 3.022,6 tỷ), giải ngân 2.316 tỷ (44,4% kế hoạch - trong đó đã thanh toán ra khỏi Kho bạc 2.211 tỷ), riêng tháng 10 giải ngân đạt 477,4 tỷ. Riêng vốn đối ứng các dự án ODA thực hiện 767,3 tỷ (36,7% kế hoạch), giải ngân 808,1 tỷ (38,7% kế hoạch- trong đó đã thanh toán ra khỏi Kho bạc 774 tỷ), riêng tháng 10 giải ngân đạt 171,4 tỷ.

Nguồn trái phiếu Chính phủ:

Theo báo cáo của các chủ đầu tư, 10 tháng đầu năm 2008 thực hiện 4.790 tỷ (60% kế hoạch); giải ngân 4.905 tỷ (61,3% kế hoạch - trong đó ra khỏi Kho bạc 4.605,5 tỷ), riêng tháng 10 giải ngân đạt 580 tỷ.

Nguồn vay tín dụng:

10 tháng đầu năm 2008 thực hiện 46,3 tỷ, giải ngân 29,2 tỷ.

Nguồn ngoài ngân sách:

- Các dự án BOT (vốn của các nhà đầu tư): 10 tháng đầu năm 2008 khối lượng thực hiện đạt 1.448,4 tỷ, giải ngân đạt 1.685 tỷ.

- Dự án đường ô tô cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương: 10 tháng đầu năm 2008 khối lượng thực hiện đạt 1.810 tỷ; giải ngân đạt 1.588,2 tỷ (trong đó ra khỏi Kho bạc 1.560,7 tỷ), riêng tháng 10 giải ngân đạt 241 tỷ.

Sau nhiều tháng tỷ lệ giải ngân XDCB đạt thấp do thủ tục giải ngân của các Ban quản lý dự án, các doanh nghiệp thực hiện chậm; công tác giải phóng mặt bằng ở các địa phương chậm, rất khó khăn; giá cả tăng cao, vốn lưu động của các doanh nghiệp đã thiếu lại càng bức bách; lãi suất ngân hàng tăng cao đẩy các doanh nghiệp vào thế vô cùng khó khăn về tài chính; thời gian điều chỉnh thủ tục, điều chỉnh hợp đồng kéo dài, nhiều dự án đình trệ chờ giải quyết vốn... Bộ GTVT đã có nhiều giải pháp quyết liệt (lãnh đạo Bộ trực tiếp đi kiểm tra hiện trường thi công, làm việc cụ thể với từng nhà thầu và với địa phương, chủ trì họp kiểm điểm, giải quyết tháo gỡ tại chỗ các vướng mắc về thủ tục, về công tác giải phóng mặt bằng, về vốn…) nên trong các tháng cuối năm, tiến độ thực hiện và tình hình giải ngân các dự án đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo tiền đề hoàn thành kế hoạch năm 2008 (giải ngân các tháng 8, 9, 10/2008 liên tục tăng tháng sau cao hơn tháng trước; so với cùng kỳ 2007, các dự án nguồn ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm 2008 giải ngân tăng 40% (5.052/3.606 tỷ); theo số liệu của Kho bạc nhà nước giải ngân trái phiếu Chính phủ các dự án do Bộ GTVT quản lý 9 tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ 2007 tăng 226,8% (4.584/1.403 tỷ).

Dự kiến cả năm 2008:

- Phấn đấu giải ngân đạt 100% nguồn ngân sách nhà nước 8.688 tỷ (bao gồm cả ứng trước kế hoạch 3.022 tỷ); 8.000 tỷ nguồn trái phiếu Chính phủ; thúc đẩy tiến độ thi công các dự án BOT.

- Hoàn thành bàn giao: Cầu Rạch Miễu, QL61, tuyến N1 (Tịnh Biên - Hà Tiên), QL30 (An Hữu - Cao Lãnh, Hồng Ngự - Dinh Bà), QL63 (Cà Mau, Kiên Giang), phà Cổ Chiên, QL62 (Tân Thạnh - Bình Hiệp), QL46 (M12 - Thanh Thuỷ), QL39 thị xã Hưng Yên, QL1 (tuyến tránh thị xã Đồng Hới, tránh thị xã Hà Tĩnh), QL3 (tuyến tránh TP Thái Nguyên), QL2 (Nội Bài - Vĩnh Yên), QL18 (tuyến tránh Đông Triều), QL26 (đoạn giao QL14 đến Hoà Đông), kè sông vệ QL1A, QL14E (Km32-Km79), cầu Ông Bộ QL1A, QL14C (đoạn qua Kon Tum), Đường HCM (Hoà Lạc - Thạch Quảng, Nghi Sơn - Bãi Trành, đoạn nối với Trung tâm di sản Phong Nha - Kẻ Bàng, đoạn qua TP Pleiku, Đức Hoà - Thạnh Hoá), tuyến vận tải thủy cảng Gianh - Tiến Hoá, nạo vét luồng ngoài cảng Cái Lân, đê chắn cát cảng Cửa Lò; cảng hàng không Đồng Hới.

- Năng lực tăng thêm: Cải tạo nâng cấp, làm mới 650km đường quốc lộ, hơn 8.800m cầu; 13.500km đường giao thông nông thôn; 42km đường sắt, nạo vét 7,5 km luồng ngoài cảng biển, nâng cấp 37km tuyến vận tải thuỷ, hoàn thành xây dựng mới cảng hàng không Đồng Hới với năng lực thông qua 300.000 HK/năm.

3. Công nghiệp GTVT

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên không đồng đều, giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng đạt 27.717,8 tỷ đồng, tăng 68,4%; doanh thu đạt 23.856 tỷ tăng 71,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

- Công nghiệp tàu thủy: Sau nhiều năm tập trung đầu tư phát triển, đã có được cơ sở vật chất với trang thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại, đủ năng lực đóng mới được những con tàu có trọng tải lớn với tính năng kỹ thuật cao. Tăng trưởng tiếp tục đạt cao hơn so với dự kiến. Giá trị sản xuất đạt 23.031,9 tỷ tăng 86,7%, doanh thu đạt 19.424,4 tỷ tăng 87,7% so với cùng kỳ 2007. Bên cạnh đó, công nghiệp phụ trợ đã sản xuất được thép tấm phục vụ cho đóng tàu, sản xuất nội thất, thiết bị điện tàu thủy, cần cẩu, container các loại, tiến hành lắp ráp và sản xuất động cơ đến 9.000 sức ngựa... Tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cấp các nhà máy đóng, sửa chữa tàu, các khu công nghiệp phụ trợ.

- Công nghiệp ô tô: Gặp nhiều khó khăn như sức ép gia nhập WTO, chính sách nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng, người tiêu dùng hướng tới thị trường ô tô giá rẻ, tính cạnh tranh cũng yếu cả về chất lượng và giá cả. Giá trị sản xuất đạt 4.256,2 tỷ tăng 11,2%, doanh thu đạt 3.727 tỷ tăng 13,1% so cùng kỳ năm 2007. Sau 2 năm rưỡi thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2011, công nghiệp ô tô không đạt tốc độ tăng trưởng đề ra.

Sản phẩm chủ yếu: Công nghiệp tàu thuỷ 10 tháng đầu năm nay bàn giao 03 tàu hàng rời 53.000 DWT, 02 tàu hàng 8.700 DWT, 02 tàu dầu 6.500 DWT và 01 tàu hàng 20.000 tấn, 2 tàu hàng 22.500 DWT, chuẩn bị bàn giao 01 tàu dầu 13.500 DWT, 01 tàu hàng 2.500 DWT; công nghiệp ô tô sản xuất 2.000 xe buýt và xe chở khách các loại, 17.300 xe tải các loại; đường sắt đóng mới 59 toa xe hàng, đại tu hơn 440 đầu máy và toa xe các loại ...

4. Công tác Phòng, chống tham nhũng; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

a. Công tác phòng, chống tham nhũng

Bộ GTVT xác định đây là nhiệm vụ cơ bản, khâu quan trọng để phòng ngừa tham nhũng, đã có chư­ơng trình hành động cụ thể, đã th­ường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện, kết quả thực hiện nh­ư sau:

- Bộ GTVT đã ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác phòng chống tham nhũng của Bộ GTVT kèm theo Quyết định số 1379/QĐ-BGTVT ngày 19/5/2008; Quyết định 1555/QĐ-BGTVT ngày 30/5/2008 phân công công việc, trong đó Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, đồng thời phân công Thứ trưởng thường trực giúp Bộ trưởng thực hiện công tác này; ban hành Quyết định 1678/QĐ-BGTVT ngày 12/6/2008 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phối hợp thực hiện công tác phòng chống tham nhũng của Bộ GTVT, thứ trưởng thường trực là Trưởng Ban chỉ đạo, Chánh Thanh tra Bộ là Phó Trưởng Ban thường trực, các uỷ viên là đại diện một số Vụ tham mưu…

- Bộ GTVT đã mở trang thông tin điện tử (website) để công bố công khai các hoạt động của cơ quan như­ thông tin đấu thầu, thông tin dự án, khoa học công nghệ, thanh tra, kiểm tra, an toàn giao thông, xây dựng pháp luật…

- Công khai, minh bạch trong quản lý dự án đầu t­ư xây dựng, trong đó lư­u ý đến công tác đấu thầu các dự án; thông báo công khai tại nơi làm việc các quyết định giao kế hoạch chuẩn bị đầu tư­ và quy hoạch cũng nh­ư quyết định về điều hòa, điều chỉnh kế hoạch đầu tư­ xây dựng cơ bản vốn ngân sách nhà nước hàng năm.

- Công tác thẩm định và phê duyệt dự án tuân thủ các quy định cơ bản về XDCB. Các dự án điều chỉnh đều đ­ược lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư­.

- Bộ GTVT công bố công khai dự toán thu, chi ngân sách hàng năm nguồn kinh phí chi thường xuyên, đã gửi đến Văn phòng Chính phủ, các đơn vị trong ngành.

- Ch­ương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đư­ợc công khai từ khi lập dự kiến trên cơ sở nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao và đề nghị của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ; khi có quyết định chính thức, Chư­ơng trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đư­ợc gửi đến tất cả các cơ quan đơn vị thực hiện. Trong quá trình soạn thảo văn bản đã tổ chức lấy ý kiến tham gia rộng rãi của cơ quan và tổ chức liên quan…

- Tổ chức, hướng dẫn thực hiện quy định về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

- Nghiên cứu xây dựng và thực hiện quy định về chuyển đổi và luân chuyển cán bộ và vị trí công tác của cán bộ, công chức thuộc Bộ GTVT theo lộ trình và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Hướng dẫn các đơn vị và tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/03/2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập.

- Bộ GTVT đã tiến hành thanh tra theo kế hoạch về các lĩnh vực: đầu tư­ XDCB; công tác đăng kiểm; đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe; hoạt động đầu t­ư, mua sắm của các doanh nghiệp… Kết luận thanh tra của các cấp được Bộ nghiêm túc triển khai thực hiện.

b. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Tiếp tục triển khai Chương trình hành động của Bộ GTVT về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ GTVT đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BGTVT ngày 08/9/2008 về việc tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ GTVT. Bộ thường xuyên quán triệt chủ trương tiết kiệm trong bối cảnh mới nhằm hạn chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị xây dựng và thực hiện Chương trình hành động thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ngoài việc thực hiện tiết kiệm 10% kinh phí chi thường xuyên được giao trong năm 2008 (Bộ GTVT được giao tiết kiệm khoảng 28 tỷ đồng) qua báo cáo một số đơn vị đã đề ra các biện pháp cụ thể và có kết quả như : Trong Quý I và Quý II năm 2008 các Cảng vụ Hàng hải thuộc Cục Hàng hải VN tiết kiệm gần 2 tỷ đồng. Cục Đăng kiểm VN tiết kiệm chi xăng dầu, hội nghị, tiếp khách, điện nước quý 1 năm 2008 khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2007...

Thực hành tiết kiệm góp phần giảm lạm phát, Bộ GTVT đã chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng và thực hiện các chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể. Trong 10 tháng đầu năm 2008, mặc dù giá xăng dầu tăng nhưng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn giữ nguyên giá cước, đồng thời tạm ngừng một số dự án với giá trị khoảng 16,7 tỷ đồng và giãn tiến độ với 03 dự án sử dụng ngân sách với tổng số vốn khoảng 94,6 tỷ đồng; Tổng công ty đường sông miền Nam tiết kiệm khoảng 300 triệu đồng, trong đó tiết kiệm do sáng kiến khoảng 200 triệu đồng. Từ 4/4/2008 đến 07/7/2008 Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam đã tiết kiệm gần 19,5 tỷ đồng, tạm dừng và giãn tiến độ 49 dự án với số vốn khoảng 6.500 tỷ đồng.

Trong sử dụng đất đai và phương tiện đi lại, Bộ GTVT đã tiến hành kiểm tra và đã có phương án gửi tới Bộ Tài chính đối với các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Đối với các tỉnh thành phố còn lại đã cơ bản hoàn thành công tác kiểm tra các cơ sở nhà, hiện nay đang xây dựng phương án xử lý để gửi các Tỉnh, Thành phố theo quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Bộ đã chỉ đạo việc mua sắm phương tiện đi lại, đặc biệt là xe ô tô phục vụ công tác theo đúng quy định.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được xác định là biện pháp quan trọng để phát hiện, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị tự kiểm tra và đã thực hiện kiểm tra trực tiếp về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại 05 đơn vị trực thuộc Bộ (gồm các Tổng công ty và các đơn vị hành chính sự nghiệp); thực hiện nhiều cuộc kiểm tra về tài chính, về quản lý tài sản tại một số Ban quản lý dự án và các đơn vị khác.

5. Công tác sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà n­ước; cải cách hành chính

Năm 2008, Bộ GTVT tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nư­ớc thuộc Bộ, mà trọng tâm là cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nư­ớc. Cụ thể, Bộ GTVT đã:

- Chỉ đạo các Tổng công ty thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp theo quy định tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Tổng công ty XDCTGT 1, Tổng công ty XDCTGT 5, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng công ty Xây dựng đường thuỷ, Tổng công ty Đường sông miền Nam.

- Tiếp tục cổ phần hoá, hoàn tất thủ tục chuyển đổi các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hoá năm 2007 sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và Luật Doanh nghiệp, đã phê duyệt phương án và chuyển 10 doanh nghiệp sang công ty cổ phần.

- Đã Quyết định thành lập Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam, Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung, Tổng công ty đảm bảo an toàn bay Việt Nam.

- Bộ GTVT đang tiến hành thủ tục để chuyển 01 doanh nghiệp thành công ty TNHH một thành viên hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; sáp nhập 04 doanh nghiệp; bán 02 doanh nghiệp; tổ chức lại 04 doanh nghiệp nhà nước thành các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cung cấp các dịch vụ công ích. Công nhận 42 công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích theo Nghị định số 31/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

Bộ GTVT đã và đang triển khai mạnh mẽ công tác cải cách hành chính trên các mặt: cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Bộ thường xuyên rà soát, hệ thống hoá các văn bản về lĩnh vực giao thông vận tải, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ những văn bản không còn phù hợp. Đã tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung các định mức kinh tế - kỹ thuật trong các lĩnh vực: quản lý, bảo trì đường sắt, quản lý, bảo trì đường bộ; quản lý, bảo trì đường sông; ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài chính, tài sản như: các Thông tư về quản lý kinh phí sự nghiệp đường sắt, đường bộ, đường sông, hàng hải...; Quy định về phân cấp quản lý tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp công lập; Quy trình kiểm tra và phê duyệt quyết toán ngân sách; Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các DNNN....

Kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính nhà nước của Bộ GTVT, thành lập Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Bộ trưởng Bộ GTVT, bước đầu đã báo cáo Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ 162 danh mục thủ tục hành chính, 182 danh mục mẫu đơn, tờ khai hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ GTVT. Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo các đơn vị hành chính trực thuộc thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo quy định của Chính phủ.

Đã tăng cường công tác thông tin trên WEBSITE của Bộ GTVT về hoạt động chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ và hoạt động của các đơn vị trong ngành GTVT; triển khai chuyên mục “Tiếp nhận ý kiến của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính” của Bộ GTVT; Có 2/8 cơ quan quản lý hành chính nhà nước đang thực hiện Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001-2000, các cơ quan còn lại đang triển khai thực hiện.

6. Tăng cường hợp tác với các nước, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế

Bộ GTVT đã thực hiện tốt công tác đối ngoại liên quan đến các lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường sắt, đường sông và đường bộ; hợp tác trong khuôn khổ CLMV, GMS, ASEAN, ACMECS cũng như hợp tác với các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc… và các nước láng giềng Lào, Campuchia, Trung Quốc đã được đẩy mạnh. Bộ Giao thông vận tải cũng đã phối hợp hiệu quả với các Bộ, ngành liên quan trong công tác ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế. Trong năm 2008, Chính phủ đã đã ủy quyền cho Lãnh đạo Bộ GTVT ký các điều ước quốc tế sau đây: Hiệp định khung ASEAN về Vận tải liên quốc gia, Hiệp định đa biên ASEAN về vận tải hàng không và Hiệp định đa biên ASEAN về tự do hóa hoàn toàn dịch vụ vận tải hàng hóa đường không, Thỏa thuận Việt Nam - Campuchia về địa điểm nối ray giữa hai nước., Bản ghi nhớ sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Hiệp định vận chuyển hàng không Việt Nam - Phần Lan.

Bên cạnh đó, trong năm 2008, Bộ GTVT cũng đã tiến hành đàm phán các điều ước quốc tế sau: đàm phán sửa đổi Hiệp định Vận tải Hàng không Việt Nam - Hoa Kỳ, đàm phán Hiệp định Vận tải biển với Hy Lạp, I-xra-en, đàm phán sửa đổi Hiệp định và Nghị định thư Vận tải đường bộ với Trung Quốc.

III. KIỂM ĐIỂM VIỆC THỰC HIỆN QUY CHẾ LÀM VIỆC VÀ CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

1. Kiểm điểm việc xây dựng các văn bản và đề án trong Chư­ơng trình công tác của Chính phủ do Bộ GTVT chủ trì trong năm 2008:

1.1. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2008/NĐ-CP này 22/4/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT;

1.2. Các đề án được duyệt năm 2008 (tính đến 11/2008): Quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội (quyết định số 90/2008/QĐ-TTg ngày 9/7/2008); Điều chỉnh quy hoạch tổng thể cảng hàng không Nội Bài (quyết định 590/QĐ-TTg ngày 20/5/2008); Quy hoạch tổng thể cảng hàng không Đà Nẵng (quyết định 542/QĐ-TTg ngày 13/5/2008); Quy hoạch tổng thể cảng hàng không Chu Lai (quyết định 543/QĐ-TTg ngày 13/5/2008); Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (quyết định số 1608/QĐ-TTg ngày 10/11/2008).

1.3. Các đề án của Bộ GTVT trình Chính phủ, Thủ tư­ớng Chính phủ:

a. Những đề án đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2007 được bổ sung thủ tục và trình lại trong năm 2008:

- Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050 (trình tại văn bản số 3000/TTr-BGTVT ngày 9/5/2008);

- Điều chỉnh chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020.

- Quy hoạch phát triển GTVT hàng không đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020.

- Huy động vốn hiện đại hoá đội tầu biển Việt Nam.

b. Các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2008:

- Ngày 24/3/2007, Bộ GTVT có văn bản số 1744/BGTVT-VP gửi Văn phòng Chính phủ xin đăng ký các đề án trong Chư­ơng trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2008, theo đó Bộ GTVT đã đăng ký 27 đề án. Trong quá trình thực hiện, vì lý do khách quan và chủ quan, Bộ GTVT đã có các công văn xin lùi thời gian trình một số đề án sang năm 2009.

Theo kế hoạch trong năm 2008 Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ 16 đề án, tình hình thực hiện đến ngày 31/10/2008 như sau:

- Những đề án đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:

(1) Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT (thay thế Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 4/4/2003) đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008;

(2) Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi): Bộ GTVT đã trình Chính phủ ngày 14/3/2008 (tờ trình số 1570/TTr-BGTVT). Chính phủ đã cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2008. Ngày 01/4/2008, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký Tờ trình số 27/TTr-CP trình Quốc hội Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với Dự án Luật vào các ngày 28-29/5/2008. Bộ GTVT đã phối hợp với Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội và các cơ quan, hoàn thiện Dự án Luật. Ngày 13/11/2008, Quốc hội đã thông qua Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) với tỷ lệ số phiếu tán thành rất cao 441 đồng ý/444 đại biểu có mặt.

(3) Đề án nghiên cứu khai thác nguồn vốn đầu tư để hiện đại đội tàu biển Việt Nam: Bộ GTVT đã trình tại văn bản số 2001/BGTVT-KHĐT ngày 28/3/2008;

(4) Đề án gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town: Bộ GTVT đã trình tại văn bản số 2522/BGTVT-PC ngày 18/4/2008. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 05/5/2008, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn số 3249/BGTVT-PC báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town.

(5) Nghị định quản lý chuyên cơ hàng không dân dụng: Bộ GTVT đã trình tại Tờ trình số 4530/TTr-BGTVT ngày 13/6/2008.

(6) Nghị định thay thế Nghị định số 49/2006/NĐ-CP về đăng ký và mua bán tàu biển: Bộ GTVT đã trình tại Tờ trình số 4879/TTr-BGTVT ngày 30/06/2008.

(7) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo: Bộ GTVT đã trình tại tờ trình số 7056/BGTVT-KHĐT ngày 05/11/2008.

(8) Quyết định phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030: Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt số 1608/QĐ-TTg ngày 10/11/2008.

(9) Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050: Bộ GTVT đã trình tại tờ trình số 7731/BGTVT-KHĐT ngày 22/10/2008.

(10) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hàng hải Việt Nam: Bộ GTVT đã trình tại tờ trình số 8001/BGTVT-TCCB ngày 31/10/2008.

(11) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hàng không Việt Nam: Bộ GTVT đã trình tại tờ trình số 8002/BGTVT-TCCB ngày 31/10/2008.

- Những đề án chưa trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:

(1) Nghị định ban hành nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của lực lượng an ninh hàng không dân dụng. Dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 11/2008.

(2) Quyết định sửa đổi Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 07/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, truyền phát thông tin an ninh hàng hải. Dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 11/2008.

(3) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 12/2008.

(4) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Phương án khẩn nguy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng. Dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2008.

(5) Đề án tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải: Ngày 8/5/2008, Bộ GTVT đã có văn bản số 2894/BGTVT-VP xin lùi đề án này đến sau khi Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được thông qua vì tổ chức và hoạt động của lực lượng thanh tra giao thông vận tải có những nét đặc thù riêng, gắn liền với tổ chức và hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành đang được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 12/2008.

Đánh giá: Bộ GTVT đã cố gắng trong việc soạn thảo và trình Chính phủ, Thủ t­ướng Chính phủ các đề án. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, vì các lý do khách quan và chủ quan nên một số đề án không được trình đúng thời hạn đăng ký (một số Bộ, ngành chậm hoặc không có văn bản đóng góp ý kiến về các văn bản quy phạm pháp luật; một số thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ được giao nhiệm vụ chưa thực sự quán triệt và quan tâm chỉ đạo quyết liệt); Bộ GTVT đã kiểm điểm nghiêm túc và rút kinh nghiệm về vấn đề này, đồng thời đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới, trong đó đề cao trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo đề án.

2. Sự phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ, Ch­ương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ (ban hành kèm Nghị định 179/2007/NĐ-CP), Bộ GTVT th­ường xuyên phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, tranh thủ đư­ợc sự giúp đỡ có hiệu quả trong quá trình xây dựng các dự án Luật, các văn bản quy phạm pháp luật, trong việc giao kế hoạch, lập quy hoạch, triển khai các dự án đầu t­ư; xử lý các v­ướng mắc phát sinh…

Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ GTVT đã dành nhiều thời gian làm việc với các địa phương về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, trong đó chú trọng cơ chế phối hợp theo dõi tình hình thực hiện cam kết giữa Bộ và các địa phư­ơng (giao các cơ quan tham mưu định kỳ 3 tháng một lần rà soát tình hình thực hiện kết luận của lãnh đạo, định kỳ 6 tháng đến một năm lãnh đạo Bộ và lãnh đạo địa phương sẽ làm việc trực tiếp để kiểm điểm kết quả thực hiện các cam kết). Bộ GTVT đã luôn phối hợp chặt chẽ với các địa phư­ơng trong việc lập quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư­, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng; triển khai các Nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ GTVT về công tác an toàn giao thông, quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ, đ­ường sắt, đư­ờng sông; quản lý bảo vệ các công trình giao thông; giải quyết các đề nghị của địa phương về việc đấu nối các đ­ường ngang vào hệ thống các quốc lộ để đảm bảo an toàn giao thông...

Tuy nhiên, vẫn còn một số văn bản Bộ GTVT đề nghị các Bộ, ngành và địa phương góp ý kiến nhưng các cơ quan, đơn vị không có ý kiến trả lời, hoặc có ý kiến nhưng quá thời gian quy định.

B. CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NĂM 2009

1. Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GTVT

Căn cứ Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và Chương trình công tác của Chính phủ, xây dựng Chương trình công tác của Bộ trong năm 2009, trọng tâm là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được Quốc hội khoá XII thông qua ngày 13/11/2008.

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng chiến lược quy hoạch; kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của từng vùng miền cũng như cả nước.

Triển khai thực hiện và hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, phân công, phân cấp mạnh, nâng cao chế độ trách nhiệm và huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các dự án đã có vốn. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm túc các thiếu sót, sai phạm.

Ngoài các nguồn vốn đã có, đẩy mạnh công tác thu hút vốn đầu tư từ nhiều nguồn, đồng thời tăng cường công tác quản lý bảo trì nhằm kéo dài tuổi thọ công trình. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, tăng cường công tác quản lý, huy động vốn để phát triển hệ thống giao thông địa phương

Phát huy vai trò quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, dịch vụ vận tải ở các cấp Bộ, Cục, địa phương theo hướng: đơn giản và hiệu quả; phân cấp triệt để và rõ ràng, tránh chồng chéo. Tiếp tục phát triển vận tải theo hướng hiện đại với phân công hợp lý giữa các phương thức vận tải, đẩy mạnh tổ chức vận tải đa phương thức nội địa. Nhanh chóng đổi mới và nâng cao năng lực phương tiện vận tải; nâng cao chất lượng cạnh tranh.

Kiện toàn sắp xếp đổi mới doanh nghiệp (vận tải, xếp dỡ, dịch vụ vận tải, kinh doanh kho bãi, bến cảng, nhà ga, bến xe). Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp đường sắt, hàng không, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh được tham gia vào vận tải. Xúc tiến hình thành các doanh nghiệp vận tải mạnh theo mô hình tập đoàn, công ty mẹ con để có điều kiện tích tụ đầu tư, đổi mới công nghệ, áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong vận tải nhằm nâng cao sản lượng, hạ giá thành sản phẩm và là yếu tố cơ bản góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện gia nhập WTO.

Về an toàn giao thông: Tiếp tục tuyên truyền và triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; Nghị định số 146/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ; Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt...

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà trường trong việc thực hiện các quy định về giáo dục an toàn giao thông. Kiên quyết cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm phải xử lý công khai và đúng pháp luật, không phân biệt người vi phạm đi bộ, đi xe đạp, đi môtô hay lái ôtô; từng bước áp dụng công nghệ mới trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

- Nâng cao điều kiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông, khắc phục kịp thời những “điểm đen” về tai nạn giao thông; ngăn chặn việc mở đường ngang trái phép vượt qua đường sắt. Tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật của phương tiện cơ giới đường bộ và đường thủy; giải quyết tình trạng phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật vẫn tham gia giao thông; thực hiện nghiêm túc việc loại bỏ phương tiện hết niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ.

Phối hợp chặt chẽ với hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong việc thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

2. Kiến nghị những định hướng, công tác trọng tâm của Chính phủ:

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành đẩy nhanh quá trình thẩm định để sớm phê duyệt các quy hoạch, đề án Bộ GTVT đã trình để có cơ sở pháp lý cho việc triển khai các bước tiếp theo.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong đầu tư xây dựng bảo đảm tính đồng bộ trong việc triển khai thực hiện.

- Với kế hoạch trung hạn do Bộ KHĐT thông báo (số 5799/BKH-TH ngày 11/8/2008), năm 2009 dự kiến phân bổ cho Bộ GTVT 6.100 tỷ, với số vốn này chỉ đủ bố trí vốn cho các dự án ODA, không có vốn để trả nợ, nhất là nợ ứng trước kế hoạch 2009 3.022 tỷ, các dự án khác đều không có vốn triển khai. Để có thể triển khai được kế hoạch 2009, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ:

- Bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp, đặc biệt là các dự án hoàn thành 2009 để đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư và khởi công các dự án đã có đủ điều kiện. Trong trường hợp khó khăn, cho khoanh nợ ứng trước kế hoạch 2009 và ứng tiếp để hoàn thành các dự án dở dang, không để tình trạng đình hoãn, gây lãng phí và phát sinh nợ đọng.

- Đối với các dự án quan trọng cấp bách khởi công mới: Nếu nguồn ngân sách nhà nước còn khó khăn, đề nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung danh mục và mức vốn sử dụng trái phiếu Chính phủ để triển khai thi công đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đối với các dự án đang triển khai theo quyết định số 171/QĐ-TTg, hiện nay do biến động giá nên hầu hết đều tăng tổng mức đầu tư, với mức vốn Thủ tướng Chính phủ giao giai đoạn 2003 - 2010 là 54.788 tỷ còn thiếu nhiều. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ để hoàn thành dứt điểm những dự án này sớm đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.

- Phần nợ ngân sách nhà nước (bao gồm nợ theo QĐ 910, nợ ứng trước kế hoạch); nợ Ngân hàng phát triển VN; nợ Ngân hàng đầu tư phát triển VN, đề nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn riêng để trả dứt điểm không cân đối vào ngân sách hàng năm của Bộ GTVT.

- Năm 2008 do thiếu vốn nên kế hoạch đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước bị cắt giảm 30%, Thủ tướng Chính phủ đã phải quyết định ứng trước kế hoạch 3.022 tỷ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp và các công trình cấp bách. Việc Bộ KHĐT căn cứ kế hoạch 2008 để xây dựng kế hoạch trung hạn là không hợp lý và trong thực tế không triển khai được kế hoạch (năm 2009 bố trí 6.100 tỷ, sau khi hoàn nợ ứng 3.022 tỷ, còn lại 3.078 tỷ, mới đáp ứng 50% nhu cầu vốn của các dự án ODA). Đề nghị Bộ KHĐT điều chỉnh kế hoạch trung hạn.

- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ GPMB để sớm bàn giao cho nhà thầu triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ.

- Đề nghị nhà nước có chính sách ưu đãi nhằm thu hút mạnh hơn nữa nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT. Giao các Bộ ngành liên quan cân đối để phối hợp với các nhà tài trợ, các tổ chức tài chính quốc tế triển khai mạnh mẽ hình thức đầu tư PPP (nhà nước kết hợp với tư nhân) cho phù hợp với các dự án cơ sở hạ tầng giao thông trong điều kiện hiện nay.

- Để bình ổn giá, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có cơ chế, chính sách để kiềm chế lạm phát, trong đó chú trọng một số mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng đến ngành GTVT (xăng, dầu, thép, xi măng, điện, ...)

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, kiến nghị các cơ quan Thanh tra kiểm tra sớm tiếp thu và giải quyết những đề xuất, giải trình chính đáng, hợp lý, hợp tình từ các đơn vị được thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, nghiên cứu ban hành những quy định và biện pháp cụ thể giám sát, quản lý kết quả thực hiện sau kết luận thanh tra, kiểm tra.

Cần có cải cách về chế độ tiền lương, bảo đảm thu nhập cho cán bộ, công chức làm nền móng vững chắc cho việc phòng, chống tham nhũng và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Danh mục các đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2009: Bộ GTVT đăng ký danh mục các đề án sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Phụ lục kèm theo văn bản này.

Trên đây là báo cáo công tác chỉ đạo điều hành năm 2008 và xây dựng Chương trình công tác năm 2009 của Bộ GTVT, đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 

Nơi nhận :

- Như trên;

- Các Thứ trư­ởng;

- Vụ KHĐT, PC;

- Lưu: VT, TH.

BỘ TRƯỞNG

 

 

Hồ Nghĩa Dũng

 

 

 

DANH MỤC

Các Đề án Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2009

 

STT

Tên văn bản

Thời gian trình CP, TTCP

Cơ sở đăng ký

1

Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Cam Ranh

01/2009

Chuyển từ kế hoạch năm trước (2007)

2

Điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không quốc tế Phú Bài

01/2009

Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ số 10/TB-VPCP ngày 12/01/2007 về cho phép chuyển cảng hàng không Phú Bài thành cảng hàng không quốc tế

3

Chiến lược tổng thể phát triển dịch vụ vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải toàn ngành

01/2009

Chuyển từ Chương trình năm 2008

4

Nghị định ban hành quy chế về quản lý mua tàu bay, động cơ, vật tư, phụ tùng tàu bay và dịch vụ bảo dưỡng tàu bay

02/2009

Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ số 158/TB-VPCP ngày 22/8/2007 về tài chính trong hàng không dân dụng Việt Nam.

5

Nghị định Quy định danh mục hàng nguy hiểm, vận tải và kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm bằng ô tô (*)

03/2009

Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

6

Nghị định Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (*)

04/2009

Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

7

Nghị định Quy định về Quỹ Bảo trì đường bộ (*)

04/2009

Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

8

Nghị định Quy định niên hạn sử dụng đối với ô tô tải và ô tô chở người (*)

04/2009

Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

9

Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (*)

04/2009

Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

10

Nghị định Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (*)

04/2009

Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

11

Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định số 125/2003/NĐ-CP về vận tải đa phương thức quốc tế (*)

04/2009

Chuyển từ Chương trình năm 2006

12

Đề án quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam

04/2009

Quyết định số 412/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

13

Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

05/2009

Nghị quyết số 25/2006/NQ-CP ngày 09/10/2006

14

Đề án quy hoạch tuyến đường bộ ven biển

5/2009

Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30/5/2007

15

Đề án điều chỉnh quy hoạch cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

06/2009

Chuyển từ Chương trình năm 2007

16

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không trên lãnh thổ Việt Nam

06/2009

 

17

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

07/2009

Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006; Quyết định số 1325/QĐ-BGTVT ngày 07/5/2007

18

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

09/2009

Nghị quyết số 25/2006/NQ-CP ngày 09/10/2006; Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30/5/2007

19

Đề án giảm thiểu ô nhiễm do hoạt động giao thông vận tải

09/2009

Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ

20

Nghị định thay thế Nghị định số 62/2006/NĐ-CP ngày 21/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải

09/2009

 

21

Nghị định thay thế Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải

10/2009

 

22

Đề án Nghiên cứu, đề xuất gia nhập Công ước quốc tế về trách nhiệm dân sự liên quan đến thiệt hại ô nhiễm dầu nhiên liệu từ tàu biển năm 2001 (Bunker 2001)

10/2009

Chuyển từ Chương trình năm 2007

23

Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố lớn

10/2009

Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ

24

Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành

12/2009

 

25

Đề án cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt Việt nam đến năm 2020 (Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam)

 

 

26

Đề án xây dựng tuyến vận tải hành khách cao tốc Bắc - Nam trên biển

 

Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30/5/2007

27

Quy hoạch đấu nối hệ thống giao thông Việt Nam - Cam Pu Chia

 

 

Ghi chú: (*) Luật GTĐB sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2008. Thời gian đăng ký các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này chỉ là tạm thời. Bộ GTVT sẽ họp để xác định lại danh mục đề án các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật GTĐB sửa đổi cũng như thời gian trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sẽ báo cáo Văn phòng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Nội dung văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

×
×
×
Vui lòng đợi