Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Quyết định 45/2021/QĐ-UBND Tiền Giang Quy định về cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Quyết định 45/2021/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 45/2021/QĐ-UBND | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Nguyễn Văn Vĩnh |
Ngày ban hành: | 01/11/2021 | Ngày hết hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Đất đai-Nhà ở |
tải Quyết định 45/2021/QĐ-UBND
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG ___________ Số: 45/2021/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________________ Tiền Giang, ngày 01 tháng 11 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định về cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
___________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 3030/TTr-STNMT ngày 30 tháng 7 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 11 năm 2021.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Bộ Tài nguyên và Môi trường; - Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL); - TT.TU, TT.HĐND tỉnh; - CT, các PCT UBND tỉnh; - UBMTTQVN tỉnh, các đoàn thể tỉnh; - VPUB: CVP, các PCVP, các phòng NC, BTCD; - Báo Ấp Bắc; Đài PT-TH Tiền Giang; - Cổng TTĐT tỉnh; Công báo tỉnh; - Lưu: VT, NC(Quốc) | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Vĩnh
|
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG ___________ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________________
|
QUY ĐỊNH
Về cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 45/2021/QĐ-UBND ngày 01/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)
_________
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người bị cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
2. Cơ quan, người có thẩm quyền tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
3. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu:
1. Người bị cưỡng chế là các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.
2. Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành là quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần 2 (hai) có hiệu lực thi hành theo quy định tại Điều 90a của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 58 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai).
Điều 4. Nguyên tắc, điều kiện cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
Nguyên tắc, điều kiện cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 91 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 59 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP).
Điều 5. Thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai và trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế
Thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai và trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 91 Nghị định sổ 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 59 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP).
Điều 6. Thời gian thực hiện thủ tục cưỡng chế
Thời gian thực hiện thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai do người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế quy định và được ghi rõ trong quyết định cưỡng chế nhưng không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày giao quyết định cưỡng chế cho người bị cưỡng chế; đối với vụ việc phức tạp, Trưởng ban thực hiện cưỡng chế báo cáo và kiến nghị người có thẩm quyền cưỡng chế xem xét gia hạn. Việc gia hạn chỉ thực hiện một lần và thời gian gia hạn không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày ký quyết định gia hạn.
Chương II. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI
Điều 7. Ban hành quyết định cưỡng chế
1. Khi quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành nếu các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không tự nguyện chấp hành quyết định và đã được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất tranh chấp vận động, thuyết phục nhưng vẫn không tự nguyện chấp hành thì trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày có biên bản vận động, thuyết phục và có yêu cầu của các bên hoặc một trong các bên tranh chấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp báo cáo bằng văn bản cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét ban hành quyết định cưỡng chế.
2. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét ban hành quyết định cưỡng chế.
Quyết định cưỡng chế gồm các nội dung cơ bản sau: số quyết định; ngày, tháng, năm ban hành quyết định; căn cứ ban hành quyết định; cơ quan ban hành quyết định; thông tin của người bị cưỡng chế (họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, địa chỉ thường trú và số, ngày cấp, nơi cấp giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân đối với cá nhân; tên, địa chỉ trụ sở chính và số, ngày cấp, nơi cấp quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức); lý do cưỡng chế; diện tích, loại đất, vị trí thửa đất cần thực hiện cưỡng chế; nội dung, biện pháp cưỡng chế phải thực hiện; thời gian và địa điểm thực hiện cưỡng chế; cơ quan, đơn vị được giao tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế; cơ quan có trách nhiệm phối hợp tham gia; chữ ký và họ tên của người ban hành quyết định, dấu của cơ quan ban hành quyết định.
3. Quyết định cưỡng chế phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất tranh chấp và các tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Điều 8. Giao và niêm yết công khai quyết định cưỡng chế
Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp có trách nhiệm:
1. Giao quyết định cưỡng chế cho người bị cưỡng chế. Trường hợp khi giao quyết định cưỡng chế mà người bị cưỡng chế vắng mặt đến lần thứ hai (kể cả trường hợp có lý do chính đáng) hoặc từ chối nhận quyết định cưỡng chế hoặc nhận quyết định cưỡng chế nhưng không ký nhận quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản có người chứng kiến ký tên vào biên bản; trường hợp này được coi là quyết định cưỡng chế đã được giao.
2. Niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất tranh chấp trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày niêm yết công khai. Việc mở niêm yết và kết thúc niêm yết quyết định cưỡng chế phải được lập thành biên bản, có xác nhận của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng khu dân cư (ấp, khu phố) nơi thực hiện việc niêm yết.
Điều 9. Thành lập Ban thực hiện cưỡng chế
1. Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế.
2. Thành phần Ban thực hiện cưỡng chế thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 91 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 59 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP).
Điều 10. Xây dựng, phê duyệt kế hoạch cưỡng chế
1. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế, sau khi tiến hành thu thập thông tin, khảo sát địa điểm tiến hành cưỡng chế, Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cưỡng chế trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch cưỡng chế trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được kế hoạch cưỡng chế.
2. Kế hoạch cưỡng chế gồm các nội dung cơ bản sau: đối tượng, nội dung, thời gian, địa điểm thực hiện cưỡng chế; lực lượng tham gia cưỡng chế; xác định tài sản bảo quản được, tài sản không bảo quản được, dễ bị hư hỏng; phương án cưỡng chế (phương án cưỡng chế phải nêu rõ các bước tiến hành cưỡng chế, công tác bố trí lực lượng, sử dụng phương tiện và công cụ để tiến hành cưỡng chế, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi trực tiếp thực hiện, tham gia và phối hợp thực hiện việc cưỡng chế; dự kiến các tình huống phức tạp có thể xảy ra khi tiến hành cưỡng chế và phương án ứng phó, xử lý); dự trù mức chi phí cưỡng chế.
Trên cơ sở kế hoạch cưỡng chế được phê duyệt, Ban thực hiện cưỡng chế lập thủ tục tạm ứng kinh phí cho hoạt động cưỡng chế.
Điều 11. Phổ biến kế hoạch cưỡng chế
Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày kế hoạch cưỡng chế được phê duyệt, Trưởng ban thực hiện cưỡng chế tổ chức họp Ban thực hiện cưỡng chế (có thể mời thêm các cơ quan, đơn vị tham gia phối hợp cưỡng chế cùng dự họp) để phổ biến, quán triệt kế hoạch cưỡng chế; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban thực hiện cưỡng chế, thành phần, lực lượng trực tiếp tham gia phối hợp cưỡng chế; thống nhất phương pháp, cách thức tiến hành cưỡng chế.
Điều 12. Vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế
Sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã giao quyết định cưỡng chế theo quy định tại khoản 1 Điều 8 của Quy định này, Ban thực hiện cưỡng chế phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng khu dân cư (ấp, khu phố) nơi có đất tranh chấp vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế.
Trường hợp người bị cưỡng chế chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận việc chấp hành. Việc thực hiện các nội dung trong quyết định giải quyết tranh chấp đất đai phải được thực hiện ngay sau khi lập biên bản dưới sự giám sát của Ban thực hiện cưỡng chế.
Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai sau khi đã được vận động, thuyết phục, đối thoại thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế và buộc người bị cưỡng chế thực hiện các nội dung của quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
Điều 13. Tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế
1. Ban thực hiện cưỡng chế tiến hành cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai với sự tham gia chứng kiến của đại diện Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; Trưởng khu dân cư (ấp, khu phố) nơi có đất tranh chấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trước khi tiến hành cưỡng chế, người bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành. Việc thực hiện các nội dung trong quyết định giải quyết tranh chấp đất đai phải được thực hiện ngay sau khi lập biên bản dưới sự giám sát của Ban thực hiện cưỡng chế.
Khi bắt đầu việc cưỡng chế, Trưởng ban thực hiện cưỡng chế công bố công khai nội dung quyết định cưỡng chế; biện pháp cưỡng chế; thời hạn thực hiện việc cưỡng chế; nêu rõ quyền, nghĩa vụ của người bị cưỡng chế, người thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật và phát lệnh cưỡng chế. Việc cưỡng chế phải được lập thành biên bản theo quy định tại Điều 15 của Quy định này.
Trường hợp người bị cưỡng chế cố tình vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc cưỡng chế vẫn tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến ký vào biên bản và nêu rõ lý do.
2. Ban thực hiện cưỡng chế có quyền yêu cầu người bị cưỡng chế, người không có liên quan ra khỏi khu đất cưỡng chế. Người bị cưỡng chế tự tháo dỡ tài sản gắn liền với đất; di chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; trường hợp người bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện, Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm yêu cầu lực lượng cưỡng chế tháo dỡ tài sản gắn liền với đất; di chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đưa người có hành vi cản trở, chống đối ra khỏi khu vực đất thực hiện quyết định cưỡng chế.
3. Ban thực hiện cưỡng chế xác định ranh giới, mốc giới trên thực địa theo quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực thi hành và bàn giao đất cho người sử dụng hợp pháp (nếu có).
Điều 14. Xử lý tài sản khi thực hiện cưỡng chế
Trường hợp trên đất có tài sản mà chủ sở hữu tài sản không tự nguyện chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế thì xử lý như sau:
1. Đối với tài sản bảo quản được, Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi rõ thời gian, địa điểm tổ chức cưỡng chế; biên bản gồm có người bị cưỡng chế; người chứng kiến; đại diện Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; Trưởng khu dân cư (ấp, khu phố) nơi có đất tranh chấp; tổ chức, cá nhân được giao trông giữ, bảo quản; nội dung biên bản phải thể hiện số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản trước khi niêm phong, hình thức vận chuyển, giao cho tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bàn giao tài sản cho Ủy ban nhân dân cấp xã để trông giữ, bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật; địa điểm, thời gian để chủ sở hữu tài sản nhận lại tài sản. Chủ sở hữu tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản. Biên bản xử lý tài sản phải được người bị cưỡng chế ký; trường hợp người bị cưỡng chế không ký phải nêu rõ lý do.
Trên cơ sở biên bản xử lý tài sản, người có thẩm quyền cưỡng chế ban hành thông báo nhận lại tài sản. Việc giao, nhận thông báo phải ghi rõ thời gian giao, nhận, có ký tên của người giao và chủ sở hữu tài sản; trường hợp chủ sở hữu tài sản không ký nhận thông báo thì phải ghi rõ lý do vào trong biên bản.
Quá thời hạn sáu (06) tháng, kể từ ngày chủ sở hữu tài sản nhận được thông báo nhận lại tài sản hoặc kể từ ngày niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã nơi có đất tranh chấp (trong trường hợp chủ sở hữu tài sản từ chối việc nhận và ký nhận thông báo) mà chủ sở hữu tài sản không đến nhận (trừ trường hợp có lý do chính đáng) thì Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương được bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật, số tiền thu được sau khi trừ các chi phí cho việc vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản sẽ được gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn tại ngân hàng và thông báo cho chủ sở hữu tài sản biết để nhận khoản tiền đó. Đối với tài sản hư hỏng và không còn giá trị sử dụng thì tổ chức tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
2. Đối với tài sản không bảo quản được, dễ bị hư hỏng, Ban thực hiện cưỡng chế thông báo cho chủ sở hữu tài sản nhận ngay sau khi tiến hành cưỡng chế; nếu chủ sở hữu tài sản từ chối nhận tài sản, Ban thực hiện cưỡng chế chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính hoặc tổ chức do Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập có chức năng về việc thanh lý tài sản tiến hành kiểm kê, tổ chức bán ngay các loại tài sản này. Việc xác định tài sản không bảo quản được, dễ bị hư hỏng thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành và pháp luật có liên quan.
Việc kiểm kê và bán tài sản phải lập thành biên bản gồm các nội dung: thành phần tham gia kiểm kê bán tài sản; đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, người chứng kiến, tên và địa chỉ đơn vị thu mua tài sản, chủ sở hữu tài sản, tổng số lượng bán được; biên bản phải có chữ ký của thành phần bán tài sản, chủ sở hữu tài sản (nếu có), đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, người chứng kiến, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng khu dân cư (ấp, khu phố) nơi có đất tranh chấp, người mua tài sản. Số tiền thu được, sau khi trừ các khoản chi phí xử lý tài sản sẽ được gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn tại ngân hàng và thông báo cho chủ sở hữu tài sản biết để nhận khoản tiền đó.
Điều 15. Biên bản thi hành quyết định cưỡng chế
1. Việc thi hành quyết định cưỡng chế phải được lập thành biên bản, trong biên bản phải ghi rõ: thời gian, địa điểm cưỡng chế; thành phần Ban thực hiện cưỡng chế; người bị cưỡng chế; người chứng kiến; đại diện Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; Trưởng khu dân cư (ấp, khu phố) nơi có đất tranh chấp; toàn bộ diễn biến trong quá trình cưỡng chế; các biện pháp thi hành cưỡng chế; kết quả thi hành cưỡng chế; các tình huống phát sinh (nếu có).
2. Biên bản thi hành quyết định cưỡng chế phải được lập thành 03 bản, Trưởng ban thực hiện cưỡng chế, người bị cưỡng chế, người chứng kiến ký tên xác nhận. Trường hợp người bị cưỡng chế vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký tên vào biên bản thì người lập biên bản phải ghi nhận và nêu rõ lý do vào biên bản. Biên bản thi hành quyết định cưỡng chế lập xong phải giao cho người bị cưỡng chế 01 bản, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp 01 bản và lưu hồ sơ thi hành quyết định cưỡng chế 01 bản.
Chương III. KINH PHÍ TỔ CHỨC CƯỠNG CHẾ
Điều 16. Xác định chi phí cưỡng chế
1. Chi phí cưỡng chế được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế đã phát sinh trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế phù hợp với giá cả ở từng địa phương.
2. Chi phí cưỡng chế bao gồm:
a) Chi phí huy động lực lượng thực hiện quyết định cưỡng chế;
b) Chi phí triển khai và bảo vệ cưỡng chế: chi bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế (người ban hành quyết định cưỡng chế; cán bộ, công chức thi hành quyết định cưỡng chế; lực lượng công an tham gia bảo vệ; dân quân bảo vệ; nhân viên y tế; đại diện chính quyền địa phương; đại diện tổ chức chính trị - xã hội); chi phí mua nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, thiết bị y tế cần thiết phục vụ thi hành quyết định cưỡng chế;
c) Chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, tài sản;
d) Chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản tạm giữ;
đ) Chi phí phòng, chống cháy, nổ (nếu có): thuê phương tiện chữa cháy, thiết bị phòng cháy chữa cháy; thuê rà, phá bom, mìn; thuê các phương tiện, thiết bị phòng chống cháy, nổ cần thiết khác;
e) Chi phí phục vụ xử lý tài sản sau khi thực hiện quyết định cưỡng chế, gồm: chi phí thù lao cho các chuyên gia định giá tài sản; chi phí tổ chức tiêu hủy tài sản;
g) Chi phí thực tế khác (nếu có).
Mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia cưỡng chế thực hiện theo quy định pháp luật. Các khoản chi phí khác phải căn cứ theo mức chi thực tế, hợp lý do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt theo đề nghị của Ban thực hiện cưỡng chế.
Điều 17. Kinh phí thực hiện cưỡng chế, tạm ứng và thanh toán chi phí cưỡng chế
1. Chi phí cưỡng chế được tạm ứng, thanh toán từ ngân sách nhà nước.
2. Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai cho Ủy ban nhân dân cấp huyện; hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và thanh toán chi phí cưỡng chế theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Chương IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thục hiện quyết định cưỡng chế
1. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, thành lập Ban thực hiện cưỡng chế; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; bảo đảm điều kiện, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc cưỡng chế.
3. Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm lập kế hoạch cưỡng chế và dự toán kinh phí cho hoạt động cưỡng chế trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt; tổ chức vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế trước khi tổ chức cưỡng chế; phối hợp với các cơ quan có liên quan huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện cưỡng chế theo kế hoạch cưỡng chế đã được phê duyệt; bàn giao đất cho người được công nhận quyền sử dụng đất (nếu có).
Ban thực hiện cưỡng chế phải gửi văn bản đề nghị đến cơ quan Công an nhân dân cấp huyện trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc trước khi thực hiện cưỡng chế để bố trí lực lượng.
4. Lực lượng Công an cấp huyện căn cứ vào kế hoạch cưỡng chế đã được phê duyệt, xây dựng phương án bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế; kịp thời ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền đối với những hành vi cản trở, gây rối, chống người thi hành công vụ trong quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế.
5. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc giao, gửi, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế; tham gia thực hiện cưỡng chế; phối hợp với Ban thực hiện cưỡng chế niêm phong, di chuyển tài sản của người bị cưỡng chế và của những người khác có liên quan; trông giữ, bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật.
6. Cơ quan tham mưu, giúp việc, lưu trữ hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai có trách nhiệm:
a) Cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định giải quyết tranh chấp đất đai để phục vụ cho công tác cưỡng chế khi có yêu cầu của Ban thực hiện cưỡng chế. Các hồ sơ, tài liệu phải được cơ quan cung cấp xác nhận và cung cấp cho Ban thực hiện cưỡng chế trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu;
b) Cử cán bộ, công chức phối hợp tham gia khi có yêu cầu.
7. Người bị cưỡng chế có trách nhiệm chấp hành nghiêm quyết định cưỡng chế, yêu cầu của Ban thực hiện cưỡng chế, cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền và các quy định khác của pháp luật.
8. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp trong quá trình thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai theo Quy định này.
Điều 19. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm Quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh các vấn đề mới hoặc cần sửa đổi, bổ sung, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh, đề xuất hướng giải quyết thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.