Quyết định 74/QĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao về việc phê duyệt Đề án Phát triển án lệ của Tòa án nhân dân

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
In
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Quyết định 74/QĐ-TANDTC

Quyết định 74/QĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao về việc phê duyệt Đề án "Phát triển án lệ của Tòa án nhân dân"
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân tối caoSố công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:74/QĐ-TANDTCNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Nguyễn Sơn
Ngày ban hành:31/10/2012Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Tư pháp-Hộ tịch

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

 

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
------------------
Số: 74/QĐ-TANDTC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------------
Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2012
 
 
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Đề án “Phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao”
-----------------------
CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
 
          Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân;
          Theo đề nghị của Viện trưởng Viện khoa học xét xử,
 
 
QUYẾT ĐỊNH:
 
 
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển án lệ của Toà án nhân dân tối cao” với các nội dung sau:
I. Mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, định hướng
1. Mục tiêu
Thực hiện các chủ trương, quan điểm về cải cách tư pháp trong các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.
- Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” xác định: “Khi xét xử, các tòa án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa…”, “Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh…”, “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ các cơ quan tư pháp; hàng năm nhận xét, đánh giá về trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, năng lực của cán bộ có chức danh tư pháp để xem xét việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phân công nhiệm vụ hoặc miễn nhiệm…”, “Đảng đoàn Quốc hội chủ trì cùng Ban cán sự đảng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Ban Nội chính trung ương rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và từng bước hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác tư pháp”…
- Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”, xác định “Thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp…”, “Xác định đúng, đủ quyền năng và trách nhiệm pháp lý cho từng cơ quan, chức danh tư pháp”, “Nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ…”, “Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc xây dựng chương trình xây dựng pháp luật dài hạn và hàng năm, trong đó ưu tiên, trọng điểm trên mỗi lĩnh vực xây dựng pháp luật trong từng giai đoạn; giám sát chặt chẽ để đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng pháp luật”.
- Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” xác định: “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”, “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc thể chế hóa các chủ trương, định hướng, nội dung, nhiệm vụ cải cách tư pháp”.
- Những nhiệm vụ cải cách tư pháp do Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương giao cho Tòa án nhân dân tối cao thực hiện.
Trên cơ sở đó, việc phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao nhằm những mục tiêu:
a) Mục tiêu tổng quát:
Việc phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao nhằm nâng cao chất lượng của bản án, quyết định của ngành Tòa án nói chung, đặc biệt là Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao; góp phần đảm bảo việc áp dụng pháp luật đúng, thống nhất, từ đó đảm bảo sự bình đẳng của mọi tổ chức và công dân trước pháp luật.
b) Mục tiêu cụ thể:
Việc phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao giúp ngăn ngừa sự duy ý chí của Thẩm phán khi áp dụng pháp luật, nâng cao kỹ năng và chất lượng xét xử của Thẩm phán. Thông qua việc tham khảo, viện dẫn án lệ đã có, Thẩm phán có thể đưa ra phán quyết một cách có cơ sở hơn, đảm bảo số lượng bản án, quyết định bị Tòa án cấp trên hủy, sửa sẽ giảm đi.
Quyết định giám đốc thẩm trở thành án lệ sẽ là khuôn mẫu cụ thể, rõ ràng để dễ nhận biết vấn đề pháp lý được đặt ra của vụ án. Phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao giúp chuẩn hóa việc viết bản án, quyết định của Tòa án. Viện dẫn án lệ trong xét xử trở thành hoạt động thường xuyên của ngành Tòa án.
2. Quan điểm chỉ đạo
- Án lệ là Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Quyết định giám đốc thẩm của Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua, trở thành án lệ có giá trị tham khảo đối với Thẩm phán khi giải quyết các vụ việc cụ thể.
- Để hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử; Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền ban hành án lệ, có quyền giám sát các Tòa án cấp dưới trong việc tham khảo, viện dẫn án lệ của Tòa án nhân dân tối cao để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật trong xét xử. Nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán trong công tác xét xử tại phiên tòa cũng như tăng cường việc bồi dưỡng, đào tạo các chức danh tư pháp, bảo đảm các yêu cầu của cải cách tư pháp.
- Áp dụng án lệ không cứng nhắc, Tòa án nhân dân tối cao có thể phản ứng linh hoạt khi có những thay đổi và phát triển của xã hội và pháp luật như thay đổi về kinh tế, văn hóa, giáo dục, tư tưởng, khoa học công nghệ, quan hệ quốc tế… dẫn đến thay đổi về pháp luật. Tòa án nhân dân tối cao thay đổi án lệ.
3. Định hướng phát triển án lệ gồm các nội dung như sau:
a) Việc sử dụng án lệ chỉ coi là thứ yếu, sau văn bản quy phạm pháp luật và không phải là Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, án lệ được ban hành khi chưa có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thông qua việc xét xử vụ án cụ thể, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lập luận về một vấn đề chưa được hướng dẫn và đưa ra cách giải quyết về vụ án và là nguồn cung cấp để pháp điển hóa thành văn bản hướng dẫn hoặc có thể là nguồn để đề nghị sửa đổi về một quy phạm pháp luật cụ thể có liên quan, có giá trị tham khảo đối với Thẩm phán khi giải quyết các vụ việc cụ thể. Tuy nhiên, khi xét xử, các Tòa án được khuyến khích viện dẫn án lệ của Tòa án nhân dân tối cao. Việc viện dẫn án lệ vào một quyết định của Tòa án không có nghĩa án lệ là cơ sở pháp lý cho quyết định của vụ án mà Tòa án xét xử. Cơ sở cho quyết định của Tòa án phải dựa trên cơ cở pháp luật trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Viện dẫn án lệ là cách bày tỏ quan điểm về sự tôn trọng tính thống nhất trong áp dụng pháp luật của Thẩm phán, đảm bảo tính chặt chẽ và tính có căn cứ trong quyết định của mình, Thẩm phán tự mình quyết định có theo đường lối xét xử trong án lệ viện dẫn hay không.
b) Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật:
- Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thực hiện chức năng hướng dẫn áp dụng thống nhất thông qua cách giải thích, lập luận đường lối cách thức áp dụng pháp luật trong những vụ án cụ thể;
- Toà án nhân dân tối cao ban hành các “Tuyển tập án lệ” (các án lệ của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; các Quyết định giám đốc thẩm của Toà chuyên trách Toà án nhân dân tối cao được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua, trở thành án lệ và đưa vào “Tuyển tập án lệ”);
- Toà án nhân dân tối cao giám sát các Tòa án cấp dưới trong áp dụng án lệ để đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Khi xét xử các vụ việc liên quan đến quyết định đã trở thành án lệ, các Thẩm phán phải có trách nhiệm viện dẫn án lệ, áp dụng án lệ đó nếu nhận thấy vụ việc đang xét xử có tính tương tự. Nếu không áp dụng án lệ thì phải chỉ ra lý do trong trường hợp không áp dụng án lệ đó và tự chịu trách nhiệm trong trường hợp không viện dẫn án lệ liên quan đến vụ việc mình đang xét xử, có nghĩa là Thẩm phán phải nêu ra lý do chính đáng trong việc không áp dụng án lệ đã có.
c) Án lệ có thể thay đổi nếu thấy cần thiết. Bãi bỏ án lệ chính là sự thay đổi mang tính phủ định đường lối xét xử của án lệ cũ trên cơ sở Tòa án thiết lập một án lệ mới. Án lệ bị bãi bỏ trong một số trường hợp sau đây:
- Án lệ bị bãi bỏ khi văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, thay đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật cũ hoặc quy định những vấn đề pháp lý mà án lệ đề cập đến.
- Án lệ có thể bị bãi bỏ bởi chính Tòa án đã thiết lập ra án lệ, việc bãi bỏ án lệ của Toà án nhân dân tối cao do chính Toà án nhân dân tối cao thực hiện.
d) Quyết định trở thành án lệ là Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Quyết định giám đốc thẩm của Toà chuyên trách Toà án nhân dân tối cao được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua khi hội đủ ba điều kiện sau:
- Là quyết định chứa đựng sự giải thích, lập luận cho một hoặc một số các văn bản quy phạm pháp luật (Văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật) về một vấn đề pháp lý đặt ra chưa được văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật đề cập hoặc đề cập còn chung chung, thiếu tính cụ thể hoặc có mâu thuẫn;
- Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc các Thẩm phán viện dẫn làm căn cứ trong phần lập luận, quyết định của bản án, quyết định về vụ án cụ thể;
- Là Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao sau cùng về vấn đề pháp lý đó mà được các Toà án khác vận dụng giải quyết vụ việc có nội dung tương tự.
đ) Án lệ và văn bản quy phạm pháp luật:
- Án lệ bổ trợ cho các văn bản quy phạm pháp luật: các quy phạm pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng khi xét xử và án lệ là để định hướng cho Tòa án các cấp áp dụng pháp luật thống nhất, chính xác, giải quyết vụ việc khi không có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật điều chỉnh;
e) Án lệ và vấn đề giải thích pháp luật:
Việc phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao cũng như việc thừa nhận thẩm quyền ban hành án lệ của Tòa án nhân dân tối cao không xâm phạm đến thẩm quyền giải thích pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bởi vì, quyết định của Tòa án nhân dân tối cao trái với giải thích pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội (hoặc Hội đồng Hiến pháp) thì không thể trở thành án lệ, không được áp dụng với tư cách là án lệ.
II. Một số giải pháp
1. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc phát triển án lệ
Trên cơ sở Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị Về chiến lược cải cách tư pháp, Toà án nhân dân tối cao kiến nghị Quốc hội:
- Sửa đổi, bổ sung Hiến Pháp Việt Nam năm 1992. Điều 134 của Hiến pháp năm 1992 nên được sửa đổi theo hướng “Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và ban hành án lệ”.
- Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, cụ thể quy định tại Điều 19 về chức năng “ban hành án lệ” trong nhiệm vụ và quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao và cần bổ sung nguyên tắc này vào trong văn bản pháp luật về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính.
- Sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân về quy định Thẩm phán có nghĩa vụ áp dụng án lệ khi xét xử vụ việc trong trường hợp pháp luật quy định không rõ ràng về vấn đề pháp lý đặt ra trong vụ việc đó.
2. Thiết lập án lệ của Tòa án nhân dân tối cao
a) Xác định các Quyết định giám đốc thẩm của Toà án nhân dân tối cao là các án lệ của Toà án nhân dân tối cao phát hành “Tuyển tập án lệ” đến Tòa án các cấp:
- Toà án nhân dân tối cao lựa chọn những Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Quyết định giám đốc thẩm của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành có giá trị án lệ trình Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua. Những quyết định được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua là án lệ, được đưa vào Tuyển tập án lệ để phát hành.
- Toà án nhân dân tối cao lập kế hoạch xây dựng các Quyết định giám đốc thẩm sẽ có giá trị án lệ, trước khi xét xử giao cho một bộ phận lựa chọn, đề xuất những vụ án điển hình có những vấn đề phức tạp cần giải quyết về pháp luật trình Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Khi Quyết định giám đốc thẩm được ban hành về những vụ án đó, đương nhiên quyết định trở thành án lệ và được đưa vào “Tuyển tập án lệ” để phát hành.
b) Công bố các Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao theo hai hình thức:
- Toà án nhân dân tối cao công bố toàn bộ các Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trên mạng internet qua website của Tòa án nhân dân tối cao (http://www.toaan.gov.vn), lập kế hoạch để tiến tới công bố tất cả các bản án, quyết định của Toà án nhân dân tối cao
- Tòa án nhân dân tối cao thành lập một bộ phận có trách nhiệm chọn lọc, tập hợp các Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao theo từng lĩnh vực pháp luật trình Hội đồng Thẩm phán thông qua và công bố trong những ấn phẩm riêng là “Tuyển tập án lệ” của Toà án nhân dân tối cao.
Tòa án nhân dân tối cao giao cho các toà chuyên trách Toà án nhân dân tối cao chọn lọc những Quyết định giám đốc thẩm chứa đựng đường lối xét xử mới mà chưa được đề cập trong Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xem xét và khi quyết định được ban hành thì được đưa vào “Tuyển tập án lệ”.
3. Cải tiến cách viết và thông qua các bản án, quyết định của Toà án đặc biệt là quyết định giám đốc thẩm của Toà án nhân dân tối cao.
Cải tiến cách viết các bản án, quyết định của Toà án theo hướng làm rõ lập luận của Hội đồng Thẩm phán, từng thành viên Hội đồng Thẩm phán, làm rõ hơn căn cứ để ra quyết định, ngoài các nội dung thể hiện trong phần xét thấy đã được hướng dẫn phải bổ sung việc viện dẫn án lệ liên quan làm căn cứ cho việc đưa ra quyết định của Hội đồng Thẩm phán.
Cải tiến cách viết các quyết định giám đốc thẩm đặc biệt là Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao theo hướng viết chi tiết phần “Xét thấy” phân tích rõ những sai lầm trong áp dụng pháp luật của tòa án cấp dưới. Các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau thì cần nêu rõ lập luận về ý kiến khác nhau đó và Hội đồng kết luận, lý do đưa ra kết luận. Trong trường hợp có ý kiến bảo lưu cũng cần đề cập đến nhưng nêu rõ ý kiến này không được Hội đồng chấp thuận. Giải thích rõ việc giải quyết vụ án như thế nào là đúng pháp luật để các tòa án cấp dưới biết đường lối xét xử trong phần “quyết định” của mỗi quyết định giám đốc thẩm. Trong những Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao phải có thêm những phần lập luận và viện dẫn đến các quyết định trước (những án lệ). Điều này đặc biệt quan trọng khi Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thiết lập án lệ mới so với những án lệ đã từng tồn tại trước đây, tránh được việc các vụ án tương tự như nhau có đường lối xét xử khác nhau. Việc viện dẫn tới các quyết định đã xét xử không có nghĩa là Toà án Việt Nam xét xử dựa trên căn cứ án lệ. Án lệ sẽ chỉ đóng vai trò là khuôn mẫu, nguồn bổ trợ làm tăng tính thuyết phục và rõ ràng trong các quyết định của tòa án.
4. Tăng cường việc sử dụng án lệ trong thực tiễn xét xử
a) Công bố các bản án, quyết định của Toà án về tất cả các lĩnh vực dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình, hình sự, hành chính:
- Toà án nhân dân tối cao công bố toàn bộ các Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, các Quyết định giám đốc thẩm của các Toà chuyên trách Toà án nhân dân tối cao trên trang thông tin điện tử của Toà án nhân dân tối cao (http://www.toaan.gov.vn/).
- Toà án nhân dân tối cao yêu cầu Tòa án nhân dân các cấp công bố bản án, quyết định của Tòa án mình trên trang thông tin điện tử của Tòa án. Nghiên cứu xây dựng quy chế thống nhất trong ngành Toà án, trong thời hạn nhất định kể từ ngày tuyên án, Thẩm phán chủ toạ phiên toà có trách nhiệm công bố bản án, quyết định trên mạng internet qua website của Toà án.
b) Xây dựng cơ chế viện dẫn án lệ khi xét xử theo các hướng sau:
- Án lệ của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao sẽ có giá trị cao nhất và có tính thuyết phục hơn so với các án lệ của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao. Khi không có án lệ của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì các án lệ của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao và các án lệ trong “Tuyển tập án lệ” phải được viện dẫn.
- Khuyến khích việc viện dẫn án lệ vào bản án, quyết định của Thẩm phán để Thẩm phán bày tỏ lập luận cho quyết định của vụ việc có sự thống nhất trong đường lối xử lý các vụ án.
- Thẩm phán cân nhắc thật kỹ về nội dung của án lệ và lập luận viện dẫn một án lệ cụ thể trong bản án, quyết định của họ. Ví dụ, khi xét xử, Thẩm phán bổ sung vào phần “Xét thấy” một đoạn lập luận: “Căn cứ vào thực tiễn (án lệ) xét xử trước đây cho thấy”: vụ việc này tương tự với vụ việc đã được xét xử bởi Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao,... Phần quyết định của bản án, quyết định viện dẫn điều luật cụ thể, như Điều … Bộ luật…, không viện dẫn án lệ trong phần quyết định của bản án, quyết định.
- Hội đồng xét xử đưa ra quyết định không theo đường lối xét xử đã thiết lập trong án lệ. Đây là trường hợp Hội đồng xét xử đã tạo ra một quyết định mà trong đó nó có thể ảnh hưởng đến việc thiết lập một án lệ mới so với án lệ đã tồn tại trước đó. Hội đồng xét xử phải nêu rõ lý do không vận dụng án lệ và có quan điểm mới.
c) Xây dựng cơ chế giám sát việc viện dẫn, sử dụng án lệ:
- Giám sát trách nhiệm của Thẩm phán trong hệ thống Tòa án đối với việc ra những quyết định cẩu thả mà không cân nhắc đến án lệ của Tòa án tối cao;
- Trong thủ tục tái bổ nhiệm Thẩm phán, phải tính đến tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn của Thẩm phán. Nếu Thẩm phán có nhiều quyết định bị hủy, sửa mà có lỗi là không viện dẫn án lệ liên quan đã được Toà án nhân dân tối cao công bố thì sẽ không được tái bổ nhiệm;
- Bản án, quyết định ở Tòa án cấp dưới có thể không tuân theo án lệ của Toà án nhân dân tối cao, nhưng khi xét xử, Thẩm phán đã tham khảo, viện dẫn án lệ liên quan (nếu có) và đã phân tích, lý giải trong bản án, quyết định lý do vì sao không tuân theo án lệ. Trường hợp không tuân theo án lệ nhưng bản án, quyết định đã xét xử đúng pháp luật, thì lập luận quan điểm ban hành quyết định mới có giá trị nghiên cứu chuyển hóa đưa ra án lệ được thiết lập. Tòa án nhân dân tối cao có chế độ khen thưởng đối với Thẩm phán đưa ra quan điểm mới.
d) Khuyến khích việc phân tích và bình luận các án lệ
- Toà án nhân dân tối cao nghiên cứu và giao cho một đơn vị trực thuộc có trách nhiệm cập nhật án lệ, chủ động tổ chức hoạt động bình luận án lệ bằng việc mời các chuyên gia pháp lý, các Thẩm phán có uy tín, kinh nghiệm hội thảo, phân tích và bình luận các bản án. Tài liệu bình luận cập nhật kèm theo bản án thành ấn phẩm riêng được công bố định kỳ theo từng quý.
- Khuyến khích các tạp chí pháp lý trong nước công bố các quan điểm bình luận án lệ của Tòa án, các Kiểm sát viên, Luật sư, nhà nghiên cứu tự do lựa chọn các quyết định của Tòa án để phân tích bình luận.
đ) Tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, khuyến khích Kiểm sát viên, Luật sư tranh tụng viện dẫn án lệ đã có, có liên quan đến vụ án đang xét xử.
e) Tổ chức hội thảo về sử dụng án lệ:
Tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi nghiệp vụ về án lệ cụ thể đã được ban hành có sự tham gia của Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư để Kiểm sát viên hay Luật sư có thể chỉ ra sự tồn tại của án lệ; đồng thời, thảo luận tích cực về án lệ kể cả ý kiến đồng thuận và ý kiến không đồng thuận, trên cơ sở đó, các Thẩm phán cân nhắc việc vận dụng án lệ trong vụ án tương tự hay không.
g) Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ:
- Khuyến khích đưa án lệ vào hoạt động đào tạo luật và đào tạo Thẩm phán tại các cơ sở đào tạo nguồn Thẩm phán;
- Nghiên cứu xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về án lệ cho nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Thẩm tra viên, Chuyên viên, Thư ký; đào tạo nâng cao cho các chức danh trên…
5. Thành lập bộ phận chuyên trách tuyển tập án lệ
Tòa án nhân dân tối cao thành lập “Ban tuyển tập án lệ”.
Nhiệm vụ: Ban tuyển tập án lệ có trách nhiệm chọn lọc, tập hợp các Quyết định giám đốc thẩm của Toà án nhân dân tối cao có giá trị án lệ. Chủ động tổ chức hoạt động bình luận các bản án bằng việc mời các chuyên gia pháp lý, các Thẩm phán có uy tín, kinh nghiệm tham gia phân tích và bình luận các bản án. Bản án và phần bình luận được cho là ngắn gọn và tốt nhất sẽ được trình lên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cân nhắc, quyết định những bản án quyết định nào sẽ được đưa vào tuyển tập và công bố trong những ấn phẩm riêng. Các ấn phẩm công bố các bản án có kèm theo phần bình luận cần được công bố định kỳ theo quý trong một năm.
Điều 2. Trách nhiệm và tiến độ thực hiện
1. Trách nhiệm chỉ đạo, lãnh đạo
Kiến nghị Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao và các bộ, ngành có liên quan nội dung sau:
a) Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, đề xuất những nội dung liên quan đến án lệ trong các dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội các dự án luật sửa đổi, bổ sung các luật tố tụng có liên quan để đảm bảo triển khai Đề án đồng bộ.
b) Các Bộ, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp chặt chẽ với Toà án nhân dân tối cao trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
2. Trách nhiệm cụ thể
a) Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án; định kỳ đánh giá, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện Đề án, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
b) Tòa án nhân dân tối cao giao các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao và Toà án địa phương thực hiện những yêu cầu cụ thể đã đề ra nêu trên.
3. Tiến độ thực hiện
a) Sau khi Đề án được phê duyệt đến hết năm 2013:
- Khẩn trương kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các văn bản pháp luật tố tụng có liên quan.
b) Sau khi Quốc hội thông qua các dự án luật có liên quan đến việc ban hành án lệ, xây dựng các Kế hoạch và triển khai thực hiện:
- Thành lập bộ phận chuyên trách tuyển tập án lệ.
- Cải tiến cách viết và thông qua các quyết định giám đốc thẩm.
- Ban hành “Tuyển tập án lệ”, công bố các quyết định gíam đốc thẩm của Toà án nhân dân tối cao về các lĩnh vực dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình, hình sự, hành chính.
- Mở mục Bình luận án trên Tạp chí Toà án nhân dân và khuyến khích các nhà khoa học, Thẩm phán, Luật sư, Kiểm sát viên bình luận và công bố các quan điểm bình luận án.
- Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về khái niệm án lệ, kỹ năng viện dẫn án lệ, kỹ năng sử dụng án lệ.
- Tổ chức hội thảo về sử dụng án lệ cho Thẩm phán, Luật sư, Kiểm sát viên.
- Kiểm tra thanh tra và xử lý vi phạm trong việc sử dụng án lệ.
- Xây dựng Quy chế thi đua, khen thưởng trong việc áp dụng và sử dụng án lệ.
4. Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện Đề án được lấy trong kinh phí hoạt động thường xuyên theo dự toán cho từng năm, đề nghị bổ sung kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Trưởng ban Ban thanh tra, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Viện trưởng Viện khoa học xét xử và thủ trưởng các đơn vị có liên quan của Toà án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
 

 

  Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; 
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;                                                                   
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;                                  
- Văn phòng Quốc hội;                                                                      
- Bộ Tư pháp;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Đ/c Chánh án TANDTC;
- Các đ/c Phó Chánh án TANDTC;
- Các đ/c Thành viên Hội đồng thẩm phán TANDTC;
- Chánh án Tòa án quân sự TW;
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC;
- Các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Lưu VT: VP, VKHXX TANDTC.
KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN

(Đã ký)


Nguyễn Sơn
 

 

PHỤ LỤC 1
ÁN LỆ VÀ MỘT SỐ KHÁI NIỆM TƯƠNG ĐỒNG
 
1. Quan niệm về án lệ
Theo Từ điển luật học của Anh[1] thì án lệ là bản án hoặc quyết định được nêu ra để chứng minh cho một quyết định trong một vụ việc gần tương tự sau đó.Theo Từ điển luật học của Mỹ[2] định nghĩa án lệ là một quyết định xét xử mà ở đó tạo ra một quy tắc với vai trò là điểm quy chiếu để quyết định những vụ án sau này có cùng tình tiết hoặc vấn đề pháp lý. Từ điển tiếng Việt không định nghĩa án lệ nhưng có giải thích về từ “án” và từ “lệ”; từ "án" có nghĩa "vụ phạm pháp hoặc tranh chấp quyền lợi cần được xét xử trước Tòa án hoặc quyết định của Tòa xét xử vụ án", còn từ "lệ" được hiểu "Điều quy định có từ lâu đã trở thành nề nếp, mọi người cứ theo thế mà làm hoặc điều đó được lặp đi lặp lại nhiều lần, tự nhiên đã thành thói quen". Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam[3] thì án lệ được hiểu là: “quyết định hoặc bản án của tòa cấp trên có giá trị bắt buộc đối với tòa án cấp dưới; tòa phá án cũng phải tôn trọng quyết định trước đó của bản thân mình ”. Theo Từ điển Luật học[4] thì án lệ được hiểu là: “Bản án đã tuyên hoặc một sự giải thích, áp dụng pháp luật được coi như một tiền lệ làm cơ sở để các Thẩm phán sau đó có thể áp dụng trong các trường hợp tương tự”. Trong Từ điển pháp luật Anh – Việt[5] thì khái niệm “precedent” hay tiền lệ được hiểu như sau: “Lời phán quyết của tòa án, thông thường được ghi lại trong tập san án lệ (law report) và sử dụng như một quyền để đưa ra quyết định tương tự trong các vụ án tiếp theo”.
Như vậy, qua việc liệt kê các khái niệm án lệ nêu trên có thể thấy các khái niệm về án lệ không giống nhau tùy vào từng hệ thống pháp luật cũng như việc áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử. Án lệ có thể nhìn dưới nhiều góc độ. Khái niệm án lệ là một khái niệm bao hàm trong nó những thực tế rất đa dạng[6]. Từ những khái niệm nêu trên có thể rút ra một số nhận xét sau đây:
Thứ nhất, án lệ trước hết phải là bản án, quyết định của Tòa án nhưng không phải toàn bộ bản án, quyết định của tòa án mà khi nhắc tới án lệ là nhắc tới bản án, quyết định chứa đựng cách thức chung, quan điểm chung được Tòa án áp dụng trong việc giải quyết vấn đề pháp luật trong bản án, quyết định đó.
Thứ hai, án lệ là đề cập đến sự lặp đi lặp lại của một giải pháp được Tòa án áp dụng cho nhiều vụ án tạo ra cái gọi là tiền lệ. Chính do đặc điểm này mà không phải mọi bản án, quyết định của Tòa án đều có giá trị án lệ mà chỉ những bản án, quyết định chứa đựng những vấn đề về giải thích và áp dụng pháp luật từ đó có thể rút ra nguyên tắc chung để áp dụng cho những vụ án khác. Tuy nhiên, tính tiền lệ này khác nhau ở từng nước. Những nước có xu hướng theo hệ thống pháp luật dân sự (sau đây gọi tắt là hệ thống Civil law) thì tính tiền lệ này chỉ có sự ràng buộc về mặt tâm lý còn tại các nước có xu hướng theo hệ thống thông luật (sau đây gọi tắt là hệ thống Common law) thì tính tiền lệ này có hiệu lực pháp lý bắt buộc – Tòa án cấp dưới xét xử vụ việc sau bắt buộc phải áp dụng giải pháp của các Tòa án cấp trên đã xét xử vụ việc trước tương tự, đặc biệt là của Tòa án tối cao trong cùng một hệ thống[7]. Tiêu chí phân biệt hai xu hướng trên là ở chỗ nếu như những nước có xu hướng theo hệ thốngCivil law thì việc Tòa án trích dẫn một bản án cụ thể làm căn cứ để đưa ra phán quyết cho vụ án mình đang giải quyết là không được chấp nhận[8] thì việc này hoàn toàn được chấp nhận tại những nước có xu hướng theo hệ thống Common law[9].
Thứ ba, bản án, quyết định là có giá trị án lệ phải là cơ sở cho Tòa án cấp dưới vận dụng khi xét xử một vụ án tương tự. Cơ sở này có thể mang tính chất bắt buộc hoặc mang tính chất tham khảo. Tính tương tự ở đây được hiểu là tương tự nhau về tình tiết, sự kiện cơ bản và tương tự về vấn đề pháp lý.
Qua nghiên cứu khái niệm án lệ của một số nước, cũng như tìm hiểu bản chất của án lệ có thể hiểu khái niệm án lệ như sau:
Án lệ là bản án, quyết định của Tòa án chứa đựng sự giải thích, áp dụng pháp luật được Tòa án vận dụng giải quyết vụ án có nội dung tương tự”.
2. Khái niệm án lệ và một số khái niệm tương đồng
Để làm rõ khái niệm, điều cần thiết là phải tìm hiểu những khái niệm tương đồng như tiền lệ, luật lệ, tiền lệ án, thực tiễn tòa án, tiền lệ pháp, thông luật và những khái niệm có mối liên hệ mật thiết khác như luật tương tự và tập quán pháp.
1.2.1. Khái niệm án lệ và khái niệm tiền lệ, luật lệ, tiền lệ án, thực tiễn Tòa án, tiền lệ pháp, thông luật
“Tiền lệ” là việc xảy ra từ trước, tạo thành cái lệ cho những việc về sau. “Luật lệ” là pháp luật và những điều đã thành lệ mà mọi người trong xã hội phải tuân theo[10]. Như vậy, nội hàm của những khái niệm tiền lệ và khái niệm luật lệ có phạm vi rộng hơn khái niệm án lệ.
“Tiền lệ án” hay “Thực tiễn Tòa án” là những khái niệm mà có quan điểm cho rằng đây là cách gọi khác của án lệ trong tư pháp quốc tế. Tuy nhiên, những khái niệm này không mang tính pháp lý và có nội hàm rộng hơn khái niệm án lệ bao gồm tất cả những bản án đã có của Tòa án và tất cả các hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động xét xử của Tòa án.
Tiền lệ pháp hay án lệ hai khái niệm độc lập với nhau và việc sử dụng hai khái niệm này không giống nhau. Nếu muốn nhắc đến một hình thức pháp luật (là sự biểu hiện ra bên ngoài của pháp luật, cách thức mà giai cấp thống trị nâng ý chí của mình thành luật), xem xét nó trong mối tương quan với tập quán pháp và văn bản pháp luật và xem xét ở một mức độ rộng rãi thì sử dụng thuật ngữ tiền lệ pháp (Precedent). Nếu chỉ muốn nói đến những bản án cụ thể của Tòa án (được áp dụng cho những vụ việc có tình tiết hoặc vấn đề tương tự sau này thì thường sử dụng thuật ngữ án lệ (Case Law). Theo cách hiểu như vậy thì án lệ có ở bất cứ quốc gia nào và bất cứ hệ thống pháp luật nào nhưng tiền lệ pháp chỉ là hình thức pháp luật được sử dụng ở các nước theo trường phái thông luật.
Về mặt thuật ngữ thì khái niệm án lệ còn có mối quan hệ mật thiết với khái niệm thông luật (Common Law). Thông luật là tên gọi của một truyền thống pháp luật (hay hệ thống pháp luật) thường chỉ Hệ thống pháp luật Anh - Mỹ hay còn được biết đến với các tên khác như: Hệ thống pháp luật Anglo - Saxon, hệ thống Thông luật, Hệ thống luật Án l.... Trong Thông luật còn bao gồm cả luật tập quán (tục lệ) và án lệ. Trong khi đó tiền lệ pháp hay án lệ chỉ bao gồm các bản án, quyết định của Tòa án được áp dụng để giải quyết các vụ việc tương tự về sau. Nếu chúng ta xem một truyền thống pháp luật hoặc xem xét lịch sử phát triển của nó thì ưu tiên sử dụng thuật ngữ Thông luật (Common Law).
1.2.2. Khái niệm án lệ và khái niệm tập quán pháp, luật tương tự
Khi xem xét án lệ với khái niệm tập quán pháp, cần đặt các khái niệm này trong một cái nhìn tổng thể chung về hình thức pháp luật. Theo Từ điển Luật học của Việt Nam thì: Hình thức pháp luật: cách thức mà giai cấp thống trị sử dụng để thể hiện ý chí của mình thành các quy tắc xử sự có tình bắt buộc chung. Có ba hình thức pháp luật phổ biến là pháp luật tập quán, pháp luật án lệ và văn bản quy phạm pháp luật. (1) Pháp luật tập quán (tập quán pháp) là những tập quán được Nhà nước thừa nhận và đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế Nhà nước; (2) Án lệ pháp luật (án lệ pháp, tiền lệ pháp) là hình thức pháp luật hình thành từ hoạt động xét xử của Tòa án, các bản án mẫu mực sau khi được một hội đồng Thẩm phán có thẩm quyền thừa nhận sẽ trở thành khuôn mẫu áp dụng cho các vụ việc tương tự về sau; (3) Văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự luật định trong đó có chứa các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung, được Nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội quan trọng, cơ bản hoặc cần thiết[11]. Và nếu xem xét khái niệm nguồn của pháp luật với tư cách là nơi chứa quy tắc pháp luật cần thiết cho xử sự của chủ thể pháp luật hay nơi chứa đựng quy phạm pháp luật thì nguồn của pháp luật đồng nghĩa với khái niệm hình thức pháp luật[12]. Với quan niệm như trên thì có thể nói khái niệm tiền lệ pháp và tập quán pháp được phân biệt một cách rất rõ ràng.
Khái niệm luật tương tự hay áp dụng pháp luật tương tự là khái niệm độc lập với khái niệm án lệ, tuy nhiên, đôi khi người ta hiểu khái niệm án lệ theo hướng là việc đưa ra những nguyên tắc, nền tảng cho những vụ việc xảy ra sau này, hay là cách thức sử dụng các nguyên tắc có sẵn như là những căn cứ áp dụng để quyết định các vụ việc xảy ra trong tương lai. Và khi hiểu án lệ theo hướng này thì người ta thấy nét tương đồng của khái niệm án lệ với các khái niệm áp dụng tương tự pháp luật. Cách hiểu này là chưa chính xác về mặt thuật ngữ.
Tìm hiểu khái niệm án lệ cho thấy, hiểu chính xác về khái niệm án lệ thì án lệ cần phải được hình thành bởi các quyết định của Tòa án trong một vụ việc cụ thể. Và vì vậy khái niệm án lệ là rất khác với những khái niệm như Công văn hướng dẫn áp dụng pháp luật (Công văn trao đổi nghiệp vụ), Kết luận của Chánh án, Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án nhân dân tuy nhiên việc sử dụng các khái niệm này có nhiều nghĩa tương đồng. Trước năm 1998, các công văn hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao cũng được Tòa án cấp dưới coi là cơ sở để ra các quyết định trong vụ án. Hiện nay, các công văn này chỉ có giá trị tham khảo. Kết luận của Chánh án, Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án nhân dân….được coi là “lệ” trong khái niệm luật lệ và được Tòa án nhân dân cấp dưới tôn trọng. Có quan điểm cho rằng báo cáo hàng năm của TANDTCvề tổng kết kinh nghiệm xét xử là một hình thức án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Cũng có quan điểm cho rằng hình thức này không phải là án lệ mà án lệ bao giờ cũng gắn với một vụ việc cụ thể (các báo cáo tổng kết kinh nghiệm xét xử thường không nêu bật ví dụ đưa ra là vụ việc cụ thể nàoTòa án đã xét xử). Quan điểm này cho rằng hình thức báo cáo tổng kết gắn với sự tổng kết kinh nghiệm xét xử của TANDTC là một đặc trưng của Tòa án tối cao trong hệ thống tòa án theo mô hình các nước xã hội chủ nghĩa[13]. Theo chúng tôi, thì về mặt bản chất các kết luận của Chánh án, Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án nhân dân, Công văn trao đổi nghiệp vụ thường chứa đựng các đường lối xét xử các vụ án. Đây là nét tương đồng với khái niệm án lệ, tuy nhiên các loại hình văn bản nêu trên không phải là án lệ, bởi vì án lệ đầu tiên và trước hết phải là bản án, quyết định của Tòa án. Hơn nữa việc phát triển án lệ còn làm giảm hay triệt tiêu những loại hình văn bản nêu trên vì nó được coi là không phù hợp với nguyên tắc: “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân độc lập, chỉ tuân theo pháp luật”.
PHỤ LỤC 2
ÁN LỆ VÀ THỰC TIỄN SỬ DỤNG ÁN LỆ
TẠI MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
 
Trên thế giới hình thành hai trường phái án lệ, đó là: “án lệ ràng buộc” và “án lệ thuyết phục”. Tuy nhiên, việc phân biệt này không phải lúc nào cũng rõ ràng. Án lệ ràng buộc hoặc bắt buộc chính là luật và được lập ra và phải được tôn trọng và tuân thủ theo. Án lệ có sức thuyết phục là án lệ có tính phù hợp và có sức ảnh hưởng nhưng không nhất thiết phải được áp dụng. Đối với các nước thuộc hệ thống Thông luật (Common Law) theo trường phái án lệ ràng buộc, đối với các nước thuộc hệ thống Dân luật (Civil Law) theo trường phái án lệ thuyết phục.
Trên cơ sở những nghiên cứu về án lệ trong các nước Anh, Mỹ, Úc,… đại diện cho hệ thống pháp luật các nước theo truyền thống pháp luật Thông luật, chúng tôi xin chỉ ra nhưng nét cơ bản trong thực tiễn áp dụng án lệ của hệ thống pháp luật các nước theo truyền thống này như sau:
Có thể nói rằng sự tuân thủ án lệ đã trở thành một yếu tố gắn sâu vào văn hóa pháp lý của các nước Thông luật. Điều này được giải thích bởi hai lý do cơ bản sau: Thứ nhất, sự pháp điển hóa pháp luật của các nước Thông luật không giống như ở các nước Dân luật thành văn, trong hệ thống pháp luật Anh, Mỹ vẫn còn nhiều lĩnh vực pháp luật trong đó nguồn luật chủ yếu được dựa trên án lệ (hay nói cách khác là dựa trên Thông luật). Thứ hai, các văn bản qui phạm pháp luật được hình thành chủ yếu dựa vào những nguyên tắc, luật đã được hình thành thông qua những án lệ. Hơn nữa, vai trò giải thích luật thành văn của Thẩm phán đã tạo ra vô số những án lệ mà nó được coi là luật chi tiết trong áp dụng.
uân theo án lệ của tòa án cấp trên
Về nguyên tắc trong mỗi hệ thống pháp luật thì án lệ của tòa án cấp trên sẽ có giá trị ràng buộc đối với tòa án cấp dưới. Theo mối quan hệ này thì án lệ của tòa án cấp cao nhất (Tòa án tối cao) sẽ có giá trị ràng buộc đối với tất cả các tòa án cấp dưới.
Rupert Cross một nhà nghiên cứu về án lệ của nước Anh đã hệ thống ba qui tắc cơ bản về mối quan hệ giữa các tòa án trong hệ thống tòa án của Vương quốc Anh liên quan đến sự tuân thủ án lệ như sau: “Rule 1) (Qui tắc 1): Tất cả các tòa án phải lưu ý đến các án lệ có liên quan đến các vụ án trong hoạt động xét xử; Rule 2 (Qui tắc 2): Tất cả các tòa án cấp dưới phải tuân thủ án lệ của các tòa án cấp trên trong hệ thống tòa án; Rule 3 (Qui tắc 3): Các tòa án phúc thẩm nhìn chung bị ràng buộc bởi chính án lệ của nó trong hoạt động xét xử”[14].
Trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, các tòa án cấp dưới của liên bang và các tòa án của bang có nghĩa vụ tuân thủ các quyết định trước đây của Tòa án tối cao Liên bang. Các phán quyết của tòa án phúc thẩm khu vực của liên bang mang tính bắt buộc tuân theo đối với các tòa án cấp dưới nằm trong lãnh thổ khu vực đó chứ không ràng buộc các tòa án khu vực khác. Tương tự, các tòa án cấp trên chỉ có giá trị ràng buộc đối với các tòa án cấp dưới của bang mà thôi[15].
Cũng như ở Anh, ở Úc Tòa án cấp dưới có nghĩa vụ phải tuân theo các phán quyết trước đây của tòa án cấp trên, cụ thể là Tòa án tối cao của bang phải tuân theo phán quyết của Full Court (Tòa toàn phần) hoặc Tòa Phúc thẩm hoặc Tòa Phúc thẩm Hình sự; và các tòa án này phải tuân theo các phán quyết của Tòa án tối cao Liên bang (High Court). 
Các tòa án cùng cấp với nhau thì không bị lệ thuộc vào án lệ của nhau. Ví dụ, như tại Úc, Tòa án tối cao của bang này không bị ràng buộc bởi án lệ của Tòa án tối cao bang khác. Nhưng trên thực tế các Tòa án tối cao các bang của Úc rất chú ý tham khảo án lệ của nhau[16]. Điều này cũng được thể hiện tương tự trong hệ thống pháp luật liên bang đặc trưng ở Mỹ.
Tòa án tối cao thường không có nghĩa vụ phải tuân thủ cứng nhắc các phán quyết trước đây của mình. Bởi lẽ cơ quan tối cao có trách nhiệm với chính sách pháp lý tổng thể của đất nước cho nên Tòa án tối cao cần phải linh động. Tuy nhiên, việc trực tiếp bác bỏ tiền lệ là một biện pháp ngoại lệ mà các tòa án tối cao thường cố gắng tránh. Ví dụ: thông qua số liệu thống kê cho thấy, kể từ năm 1966 đến năm 1987, Thượng Nghị viện Anh (hiện nay là Toà án tối cao của Anh) mới chỉ thực hiện có 7 lần bãi bỏ các án lệ của chính Thượng Nghị viện Anh thông qua hàng nghìn vụ án mà Thượng Nghị viện đã xét xử.
Các án lệ được coi là luật và nó cũng có thể bị bãi bỏ. Có hai cách để án lệ có thể bị bãi bỏ:
- Thứ nhất, án lệ có thể bị bãi bỏ bởi chính tòa án đã tạo ra nó hoặc một tòa án cấp cao hơn tòa án đã tạo ra án lệ.
- Thứ hai, án lệ có thể bị bãi bỏ bởi một luật do cơ quan lập pháp thông qua.
Thực tiễn áp dụng án lệ trong hệ thống pháp luật của các nước hình thành trên cơ sở truyền thống Thông luật cho thấy việc hiểu thấu đáo khái niệm án lệ và sự vận dụng nó trong thực tiễn xét xử phụ thuộc vào những vấn đề mang tính kỹ thuật trong áp dụng án lệ gồm: (1) Trong những bản án thì phần nào được coi là có giá trị án lệ bắt buộc; (2) Việc phân biệt án lệ trong áp dụng đối với các vụ việc cụ thể (precedent can be distinguishable); (3) Giá trị của án lệ gắn với thứ bậc của tòa án đã tạo ra nó; (4) Cách viện dẫn án lệ chỉ có giá trị tham khảo thay vì án lệ có giá trị bắt buộc trong các bản án; (5) Sự lập luận hợp lý của Thẩm phán trong án lệ (legal reasoning); (6) Cách đọc và phân tích nội dung của các án lệ; (7) Cách viện dẫn án lệ trong những bản án; (8) Những ý kiến bất đồng có thể được công bố trong các án lệ.
            Thực tiễn cho thấy trong các nước Thông luật, có những tình huống sau đây làm cho án lệ chỉ có tính tham khảo đối với Thẩm phán trong xét xử.
- Tòa án cấp cao có thể viện dẫn, tham khảo án lệ của tòa án cấp dưới.
- Khi một tòa án cấp dưới viện dẫn án lệ của tòa án cấp trên, hoặc một tòa án viện dẫn án lệ của chính nó nhưng sự viện dẫn này chỉ liên quan đến phần Obiter dictum (phần không có giá trị bắt buộc trong bản án), thì án lệ được viện dẫn không có giá trị bắt buộc. Các tòa án (đặc biệt là các tòa án phúc thẩm và tối cao) có thể viện dẫn án lệ của chính nó với mục đích tham khảo và tăng giá trị thuyết phục cho quyết định của tòa án. Những án lệ này không có tính bắt buộc.
- Sự viện dẫn tham khảo án lệ của pháp luật nước ngoài không có giá trị bắt buộc.
Trên cơ sở những nghiên cứu về án lệ trong các nước Pháp, Đức, Nhật bản, đại diện cho các nước thuộc hệ thống dân luật thành văn, chúng tôi xin chỉ ra những nét đặc trưng cơ bản trong thực tiễn áp dụng án lệ trong hệ thống này như sau.
Án lệ trong hệ thống dân luật thành văn có điểm đối lập cơ bản với án lệ trong hệ thống Thông luật ở chỗ trong hệ thống dân luật thành văn án lệ không được coi là một nguồn luật bắt buộc. Nguyên tắc “Stare decisis” - nguyên tắc tuân theo án lệ là nguyên tắc nền tảng trong việc xác định cách thức áp dụng và tuân thủ của tòa án các nước thuộc hệ thống Thông luật. Đối với các nước trong hệ thống dân luật, không tồn tại khái niệm “Stare decisis” trong văn hóa pháp lý truyền thống của họ. Về cơ bản, các nước thuộc hệ thống dân luật thành văn không coi án lệ như một nguyên tắc xét xử, bởi quan niệm luật là những quy định thành văn được ban hành thành luật và những gì không ban hành thành văn bản thì không phải là luật.
Trong hệ thống pháp luật Pháp, nguyên tắc hiến định ở Pháp là những phán quyết của tòa án đã có hiệu lực pháp luật được coi là “án lệ”[17](le jurisprudence) không phải là nguồn luật. Các án lệ này chỉ có giá trị tham khảo thể hiện: khi vận dụng “tinh thần” của những phán quyết trước đây có tình tiết tương tự Tòa án không trích dẫn những phán quyết đó. Nếu Tòa án nào đó trích dẫn vụ án cụ thể nào đó làm cơ sở đưa ra phán quyết đối với vụ án đang thụ lý giải quyết thì phán quyết đó bị huỷ bỏ vì bị coi là không có cơ sở pháp lý[18]. Ngay cả Tòa Phá án Pháp “Cour de casation” muốn huỷ các bản án của Tòa án cấp dưới có mâu thuẫn với “le jurisprudence” của mình thì “Cour de casation” cũng không thể dẫn chiếu đến bản án trước đây của mình (mặc dù ai cũng có thể nhìn thấy điều đó) mà vẫn phải trích dẫn điều luật cụ thể hoặc những nguyên tắc pháp lý nhất định.
Trong hệ thống pháp luật Nhật Bản, về nguyên tắc, án lệ không được coi là một nguồn luật bắt buộc có giá trị như những văn bản qui phạm pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành. Ở Nhật Bản, không có quy định cụ thể nào về hiệu lực chung của các bản án và quyết định của Toà án tối cao như là “án lệ”, vì tại khoản 3 Điều 76 Hiến pháp Nhật Bản có quy định: “Tất cả các Thẩm phán độc lập làm việc theo lương tâm và chỉ bị rằng buộc bởi Hiến pháp và pháp luật”. Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Tố tụng hình sự quy định Thẩm phán của toà án cấp dưới đôi khi có thể xét xử khác so với án lệ của Toà án tối cao, Toà án tối cao cũng có thể không huỷ án của toà án cấp dưới cho dù nó trái ngược với án lệ. Tuy nhiên, trong một số văn bản pháp luật có những quy định cụ thể về vấn đề ràng buộc án lệ đối với toà án các cấp, cụ thể như sau:
Tại khoản 4 của Đạo luật Toà án của Nhật Bản quy định “một kết luận trong một bản án của toà cấp cao hơn sẽ ràng buộc toà án cấp dưới phải tuân theo đối với vụ án liên quan. Điều luật này chỉ quy định, một kết luận trong bản án của toà phúc thẩm sẽ ràng buộc toà án cấp dưới nếu toà phúc thẩm (ở Nhật Bản không có trình tự giám đốc thẩm, mà bản án, quyết định của toà án cấp phúc thẩm là cuối cùng. Riêng cấp phúc thẩm có phúc thẩm lần một và phúc thẩm lần 2 “kháng cáo Jokoku”) huỷ bản án sơ thẩm và giao lại vụ án cho toà án đó giải quyết lại; điều luật này quy định hiệu lực ràng buộc chỉ “đối với vụ án liên quan” và không quy định hiệu lực pháp lý đối với các trường hợp khác.
Khoản 1 Điều 318 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: khi có đơn yêu cầu của đương sự và quyết định trái với án lệ của Toà án tối cao thì “kháng cáo Jokoku” có thể được thực hiện. Theo đó, có khả năng các bản án của toà án cấp dưới sẽ bị huỷ, bởi vì chúng đối lập với án lệ của Toà án tối cao hoặc Toà án tối cao có thể xét xử lại một vụ án mà trái với án lệ của Toà án tối cao trước đó, trường hợp này thường diễn ra đối với những vụ án có liên quan đến những vấn đề quan trọng về việc giải thích pháp luật.
Khoản 2 Điều 405 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: khi một Toà án cấp cao ra quyết định trái với án lệ của Toà án tối cao, “kháng cáo Jokoku” đối lập với bản án có thể được thực hiện và Toà án tối cao có thể xét xử lại vụ án đó. Vì thế, bản án của toà án cấp cao có thể sẽ bị huỷ do đối lập với án lệ của Toà án tối cao.
            Nghiên cứu thực tiễn áp dụng án lệ trong hệ thống tòa án các nước trong hệ thống Dân luật cho chúng ta thấy các tòa án cấp cao, đặc biệt là những Tòa án tối cao có chức năng chủ đạo trong việc thiết lập và tạo ra cơ chế cho việc phát huy vai trò của án lệ trong xét xử. Điều này được thể hiện cụ thể trong một số nước sau đây:
            Trong hệ thống Tòa án Pháp, hệ thống tòa án được chia thành hai ngạch là Tòa án Tư pháp và Tòa án Hành chính, trong đó chỉ những tòa án cấp cao nhất của hai hệ thống tòa án này mới có thẩm quyền tạo ra án lệ. Tòa Phá án là tòa án cấp cao nhất của ngạch Tòa án Tư pháp, có vai trò quan trọng trong việc tạo ra án lệ thông qua chức năng giám đốc thẩm (chức năng phá án) của nó. Tòa Hành chính tối cao của Pháp còn được gọi là Hội đồng nhà nước là Tòa án cao nhất trong ngạch Tòa Hành chính. Những án lệ của tòa án này thực sự đã đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển luật hành chính ở Pháp. Luật hành chính của Pháp không được phát triển dựa trên nền tảng pháp điển hóa trong các bộ luật như trong lĩnh vực dân sự, thương mại hay hình sự. Những văn bản pháp luật đơn lẻ cộng với vai trò giải thích pháp luật của hệ thống tòa hành chính ở Pháp đã làm cho pháp luật hành chính phát triển hàng ngày để theo kịp những thay đổi liên tục của hoạt động quản lý xã hội. Về nguyên tắc không có qui định bắt buộc tòa án cấp dưới phải tuân theo án lệ của Toà hành chính tối cao, nhưng sự tôn trọng và đề cao vai trò các án lệ của Hội đồng Nhà nước đã trở thành một nét đặc trưng trong văn hóa pháp lý ở Pháp.
            Trong hệ thống Tòa án của Đức, thẩm quyền tạo ra án lệ chỉ thuộc về những tòa án cấp cao nhất trong hệ thống tòa án liên bang. Tòa án Hiến pháp Đức được coi là tòa án duy nhất ở Đức có thẩm quyền tạo ra các án lệ mang tính bắt buộc được đảm bảo bằng những qui định của Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Đức và Luật Tòa án Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức. “Điều 31.(1) của Luật Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức qui định “Các quyết định của Toà án Hiến pháp Liên bang có hiệu lực bắt buộc với các cơ quan của chính quyền liên bang và các tiểu bang cũng như tất cả những toà án và các cơ quan nhà nước khác”. Hơn nữa, có thể chấp nhận được việc án lệ đã được viện dẫn đến trong quyết định của các tòa án của nước Đức”[19].
Trong hệ thống tòa án của Nhật Bản, thông thường thì những bản án và quyết định của toà án cấp cao hơn thường được xem là “án lệ”, đặc biệt là những bản án, quyết định của toà án tối cao, vì có “hiệu quả pháp lý nhất định” đối với toà án cấp dưới. Tuy nhiên, có trường hợp không chỉ các bản án và quyết định của toà án cấp cao mà ngay cả những bản án và quyết định của các toà án cấp dưới đều có thể trở thành “án lệ”. Pháp luật Nhật Bản không có quy định nào về nghĩa vụ của Thẩm phán thuộc tòa án cấp dưới buộc phải tuân theo án lệ. Vì thế, các Thẩm phán của tòa cấp dưới không tuân theo những án lệ một cách mù quáng mà họ xem xét án lệ với quan điểm phê bình và theo đuổi những cách giải quyết phù hợp nhất đối với vụ án mà họ xử lý.
 

[1] Từ điển luật học, Tái bản lần 4, in và xuất bản tại Anh, 1993, trang 293.
[2] Từ điển Black’s Law (West Group, St. Paul MN, tái bản lần thứ 9, 2004) 1295, Kinh nghiệm quốc tế trong việc áp dụng tiền lệ và án lệ (trang 3, 4) khái niệm án lệ nêu trên có nét khác so với khái niệm án lệ trong Black's Law Dictionary, 1059 (Tái bản lần thứ năm năm 1979). “Black`s Law Dictionary, 7th ed 1999” (Xem khái niệm án lệ theo “Black`s Law Dictionary, 7th ed 1999” tại Nguyễn Văn Nam, Lý luận và thực tiễn về án lệ trong hệ thống pháp luật của các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức và những kiến nghị đối với Việt Nam, Luận án Tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Tr 15) và khái niệm án lệ theo Black's Law Dictionary, 1059 (Tái bản lần thứ năm năm 1979) là quy tắc pháp luật được tạo lập lần đầu tiên bởi Tòa án cho một loại vụ việc đặc biệt mà sau đó được viện dẫn để quyết định những vụ việc tương tự.).
[3]Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 1, Trung tâm biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà nội, 1995, trang 46.
[4]Từ điển Luật học, Viện khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, Nhà xuất bản tư pháp và Nhà xuất bản từ điển bách khoa, trang 13.
[5] Từ điển pháp luật Anh – Việt, Nhà xuất bản thế giới, 1998, trang 727.
[6] Trần Đức Sơn, Tìm Hiểu Hệ thống án lệ của Cộng hòa Pháp, Thông tin khoa học xét xử số 5 năm 2003 của Viện khoa học xét xử TANDTC, trang 27.
[7] Đây chỉ là nguyên lý chung mà tác giả nhận thấy, mỗi nước có một hệ thống pháp luật và việc áp dụng án lệ là không giống nhau.
[8] Lưu Tiến Dũng, Thạc sĩ luật học, Trọng tài viên trọng tài thương mại quốc tế Việt Nam, “Vai trò của án lệ ở các nước theo Hệ thống Common Law (commonlaw) và các nước theo hệ thống dân luật (civil law)”, Thông tin khoa học xét xử số 5 năm 2003, TANDTC, trang 10.
[9] Một số vấn đề về án lệ theo pháp luật của Úc, Người dịch Trương Thị Quyên, Thông tin khoa học xét xử số 5 năm 2003, TANDTC, trang 50.
[10] Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Đà Nẵng và trung tâm từ điển học, tr 984, tr 591
[11]Từ điển Luật học,Viện khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, Nhà xuất bản Từ điển bách khoa – Nhà xuất bản tư pháp trang 363
[12]Từ điển Luật học, Viện khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, Nhà xuất bản Từ điển bách khoa – Nhà xuất bản tư pháp trang 563
[13] Nguyễn Văn Nam, Lý luận và thực tiễn về án lệ trong hệ thống pháp luật của các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức và những kiến nghị đối với Việt Nam, Luận án Tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội tr 248.
[14] Rupert Cross, “The House of Lords and Rule of Precedent”, in Law, Morality and Society (1977), ed. P.M.S Hacker and J.Raz., p.145.
[15] Xem The American Courts trên trang http://www.gleim.com/buslaw/LCE-CH02.html.
[16]Xem vụ McCOLL kiện BRIGHT năm 1939.
 
[17]Tạm gọi là “án lệ” để tiện so sánh, chứ thực chất ở các nước theo hệ thống pháp luật dân sự thì không có khái niệm án lệ như đối với các nước theo hệ thống Common Law.
[18]Cơ sở pháp lý của phán quyết là điều luật cụ thể áp dụng cho tình tiết của vụ án.
 
[19] Xem: Nguyễn Văn nam, Lý luận và thực tiễn về án lệ trong hệ thống pháp luật của các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức và những kiến nghị đối với Việt Nam, Luận án Tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà nội,tr. 161.
Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Nội dung văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

×
×
×
Vui lòng đợi