THÔNG TƯ
LIÊN TỊCH
CỦA BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ
SỐ 171/1998/TTLT/BVG-CAAV NGÀY 07 THÁNG 02 NĂM 1998
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ GIÁ TRONG NGÀNH HKDD VIỆT NAM
Căn cứ Luật Hàng không
dân dụng Việt Nam năm 1991 vào Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 1995;
Căn cứ Nghị định số
01/CP ngày 05/1/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của
Ban Vật giá Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số
68/CP ngày 25/10/1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức bộ máy của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số
137-HĐBT ngày 24/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về quản lý
giá;
Căn cứ Quyết định số
818/TTg ngày 13/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý cước hàng không dân
dụng Việt Nam;
Trưởng Ban Vật giá
Chính phủ và Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam quy định cơ chế quản
lý nhà nước về giá trong ngành Hàng không dân dụng Việt Nam như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Giá trong ngành Hàng không dân dụng Việt Nam (sau đây gọi
là giá HK) là giá của các dịch vụ hàng không và phi hàng không do các thể nhân,
pháp nhân hoạt động - kinh doanh trong lĩnh vực hàng không (sau đây gọi là
"các đơn vị") cung cấp cho hành khách, các hãng hàng không, các cá
nhân và các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ (sau đây gọi là người sử
dụng dịch vụ). Giá hàng không gồm các loại sau:
1.1. Giá cước vận chuyển hàng không, bao gồm cước vận chuyển
hành khách, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện, trên các đường bay quốc tế và trong
nước, cước cho thuê các dịch vụ bay phục vụ kinh tế quốc dân, các chuyến bay
chuyên cơ: được quản lý theo Thông tư số 904/CAAV ngày 06/5/1996 của Cục Hàng
không dân dụng Việt Nam hướng dẫn thực hiện Quyết định số 818/TTg ngày
13/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ.
1.2. Các loại giá khác trong ngành Hàng không được quản lý
theo các quy định tại Thông tư này.
2. Để thúc đẩy hoạt động của ngành Hàng không, giá hàng
không phải được xây dựng trên cơ sở chi phí hợp lý, có tính đến khả năng thu
hồi vốn đầu tư và tạo tích luỹ cho các đơn vị, đồng thời phải đảm bảo phù hợp
với mức giá của các nước trong khu vực, từng bước thực hiện các khuyến cáo
trong lĩnh vực giá của ICAO.
Giá hàng không còn phải được xây dựng trên cơ sở các chế độ
- chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hàng không; đảm bảo hài hoà giữa lợi
ích của đơn vị và của khách hàng, không được nâng giá bất hợp lý do tính chất
độc quyền trong kinh doanh.
3. Đối với các loại hình kinh doanh, dịch vụ có tính độc
quyền cao, liên quan trực tiếp đến việc sử dụng cơ sở hạ tầng của ngành hàng
không hoặc có ảnh hưởng trực tiếp tới các đối tượng sử dụng dịch vụ vận tải
hàng không và các nhà vận chuyển có hoạt động vận tải hàng không trên lãnh thổ
Việt Nam: Nhà nước quản lý giá thông qua việc quy định các loại giá hoặc quy
định nguyên tắc định giá, khung giá của các loại hình dịch vụ này.
Đối với các loại hình kinh doanh, dịch vụ khác: các đơn vị
định giá theo cơ chế thị trường, nhưng không được lợi dụng thế độc quyền hoặc
liên minh độc quyền để nâng giá, ép khách hàng và phải chịu sự quản lý chung về
giá của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Thông tư này.
II. THẨM QUYỀN QUY ĐỊNH
1. Ban Vật giá Chính phủ: trên cơ sở văn bản đề nghị của Cục
Hàng không dân dụng Việt Nam, Ban Vật giá Chính phủ thẩm định và giao cho Cục
Hàng không dân dụng Việt Nam quy định các loại giá sau:
1.1. Giá điều hành tàu bay bay đi đến.
1.2. Giá phục vụ hành khách hàng không tại Cảng HKSB.
1.3. Giá hạ cất cánh tàu bay.
2. Cục Hàng không DDVN:
2.1. Xây dựng hoặc hướng dẫn các đơn vị xây dựng phương án,
thẩm định và tổng hợp, đề nghị Ban Vật giá Chính phủ thẩm định các loại giá quy
định tại Điều 1 Phần II.
2.2. Trên cơ sở tình hình thực tế hoặc theo đề nghị của các
đơn vị, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam xem xét, thẩm định và quy định các
loại giá sau:
2.2.1. Giá soi chiếu an ninh hàng không.
2.2.2. Giá cho thuê quầy làm thủ tục hành khách tại Cảng
HKSB.
2.2.3. Giá sân đậu ô tô tại Cảng HKSB.
2.2.4. Giá nhượng quyền khai thác tại Cảng HKSB.
2.2.5. Giá thuê bao tại các Cảng HKSB.
2.2.6. Giá cung cấp các dịch vụ bổ sung điều hành bay quá
cảnh.
2.2.7. Giá sử dụng sân đậu tàu bay.
Và một số loại giá khác phát sinh trong quá trình hoạt động
của các đơn vị, cần thiết phải được quản lý, quy định chặt chẽ, để đảm bảo thực
hiện tốt các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh các loại hình
dịch vụ hàng không.
2.3. Cục Hàng không dân dụng Việt Nam: căn cứ tình hình thực
tế hoặc theo đề nghị của các đơn vị để:
2.3.1. Quy định nguyên tắc định giá cho loại giá sau:
Giá cung ứng xăng dầu máy bay
2.3.2. Quy định khung giá cho một số loại giá sau:
2.3.2.1. Giá làm mát phanh, vệ sinh lốp tàu bay
2.3.2.2. Giá cho thuê xe, phương tiện mặt đất tại Cảng HKSB.
2.3.2.3. Giá cho thuê mặt bằng quảng cáo tại Cảng HKSB.
2.3.2.4. Giá cho thuê mặt bằng tại Cảng HKSB.
2.3.2.5. Giá phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất cho tàu bay
2.3.2.6. Giá lưu kho, lưu bãi hàng hoá chuyên chở bằng đường
hàng không.
2.3.2.7. Giá kéo dắt tàu bay
2.3.2.8. Giá dẫn tàu bay
2.3.2.9. Giá cho thuê cầu dẫn khách lên/xuống tàu bay
2.3.2.10. Giá sử dụng băng chuyền trả hành lý tại Cảng HKSB.
2.3.2.11. Giá kinh doanh vận tải trong sân đỗ tại Cảng HKSB.
2.3.2.12. Một số loại giá phi hàng không của các dịch vụ
trực tiếp sử dụng cơ sở hạ tầng tại Cảng HKSB địa phương (không phải sân bay
Quốc tế).
Và một số loại giá khác, phát sinh trong quá trình hoạt động
của các đơn vị, cần thiết phải được quản lý về nguyên tắc định giá hoặc khung
giá.
3. Các đơn vị:
3.1. Xuất phát từ nhu cầu thị trường và trên cơ sở tuân thủ
các nguyên tắc hoặc khung giá do Cục Hàng không dân dụng Việt Nam quy định, các
đơn vị quy định mức giá cụ thể cho các loại giá đã nêu tại mục 2.3 ở trên.
3.2. Trên cơ sở nguyên tắc định giá theo cơ chế thị trường,
nhưng không được lợi dụng thế độc quyền hoặc liên minh độc quyền để nâng giá,
ép khách hàng, các đơn vị quy định các loại giá sau:
3.2.1. Giá canh gác máy bay
3.2.2. Giá trông giữ xe đạp, xe máy tại Cảng HKSB.
3.2.3. Giá sử dụng nhà tiễn vẫy tại Cảng HKSB.
3.2.4. Giá cung cấp thiết bị và dịch vụ trong lĩnh vực đặt
chỗ, bán vé vận chuyển hàng không.
3.2.5. Giá các loại dịch vụ khác, giá kinh doanh thương mại
do các đơn vị cung ứng.
3.3. Trong trường hợp phát sinh loại hình dịch vụ mới, chưa
được quy định cụ thể tại Thông tư này, các đơn vị được phép tạm thời áp dụng
mức giá thoả thuận với khách hàng hoặc mức giá do đơn vị quy định. Trong vòng
30 ngày kể từ ngày áp dụng giá tạm thời, đơn vị phải xây dựng phương án giá
hoặc khung giá, trình Cục Hàng không dân dụng Việt Nam và Ban Vật giá Chính phủ
xem xét, quyết định (trừ trường hợp các loại giá nêu tại mục 3.2 ở trên).
III. CÁC QUY ĐỊNH KHÁC
1. Đăng ký giá HK:
1.1. Các đơn vị có trách nhiệm đăng ký với Cục hàng không
dân dụng Việt Nam các loại giá HK nêu tại điểm 3 - phần II (trừ các loại giá ở
mục 3.2.5)
1.1.1. Đăng ký theo định kỳ: được thực hiện hàng năm (vào
các ngày trước ngày 01/2 hàng năm) đối với các loại giá dự kiến áp dụng trong
kỳ thiếp theo.
1.1.2. Đăng ký thông thường: các biểu giá mới phải được đăng
ký chậm nhất là 15 ngày trước ngày áp dụng chính thức; trừ trường hợp các loại
giá do Cục Hàng không quy định (giá tại mục 1 và 2.2 - phần II)
1.2. Các nội dung chủ yếu phải đăng ký là: tên gọi, đối
tượng áp dụng, mức giá hoặc khung giá áp dụng trong kỳ đăng ký, các trường hợp
áp dụng đặc biệt, các ghi chú - giải thích có liên quan, giải trình phương pháp
xây dựng và nội dung cấu thành của loại giá đăng ký (nếu có sự xây dựng mới,
thay đổi, bổ sung so với kỳ trước). Trường hợp trong kỳ đăng ký, đối với các
loại giá hoặc một số nội dung của giá không có thay đổi so với kỳ trước, đơn vị
chỉ phải nêu lại tên loại giá và ghi rõ "như năm 19... (năm trước năm đăng
ký)".
1.3. Trong quá trình thực hiện, xuất phát từ yêu cầu thực
tế, các đơn vị được quyền điều chỉnh mức giá tăng hoặc giảm không quá 5 % so
với mức hoặc khung giá đã đăng ký. Trường hợp thay đổi lớn hơn, đơn vị phải
đăng ký lại loại giá đó trước khi áp dụng mức giá mới theo quy định tại mục
1.1.2 ở trên.
Các trường hợp thay đổi các nội dung khác như: tên gọi, đối
tượng áp dụng, các trường hợp áp dụng đặc biệt... đơn vị phải đăng ký lại các
nội dung đó ngay khi áp dụng nội dung mới.
2. Hiệp thương Giá HK:
2.1. Trong trường hợp có sự tranh chấp đối với các loại giá
nêu tại điểm 3 - phần II các đơn vị hoặc người sử dụng dịch vụ có quyền đề nghị
tổ chức hiệp thương giá. Cơ quan chủ trì hiệp thương giá là Cục hàng không dân
dụng Việt Nam (có sự tham gia của Ban Vật giá Chính phủ).
2.2. Trong trường hợp các bên vẫn không thoả thuận được mức
giá qua hiệp thương, Cục hàng không dân dụng Việt Nam sẽ quyết định mức giá áp
dụng. Các bên có nghiã vụ chấp hành quyết định này.
3. Kiểm tra tình hình thực hiện giá KH:
3.1. Cục hàng không dân dụng Việt Nam, Ban vật giá Chính phủ
tổ chức kiểm tra độc lập hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành giá, khung giá
HK tại các đơn vị; xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo quy định hiện
hành; bổ sung, sửa đổi kịp thời những trường hợp giá, khung gá không phù hợp.
3.2. Các đơn vị có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện
giá HK về Cục hàng không dân dụng Việt Nam theo định kỳ 1 năm (vào cùng kỳ đăng
ký giá hàng năm) đối với các loại giá đã nêu tại Phần II ở trên, trừ các loại
giá nêu tại mục 3.2.5.
Trong trường hợp cần thiết, theo yêu cầu của Ban Vật giá
Chính phủ hoặc Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, đơn vị phải lập và gửi Báo cáo
đột xuất về tình hình thực hiện giá HK đối với tất cả các loại giá đã nêu trong
Thông tư này.
3.3. Nội dung các Báo cáo phải phản ánh được tình hình thực
hiện về giá trong kỳ báo cáo ở đơn vị, các điểm hợp lý - bất hợp lý, các kiến
nghị bổ sung, sửa đổi... và các nội dung khác theo yêu cầu của Cục Hàng không
dân dụng Việt Nam và Ban Vật giá Chính phủ.
3.4. Đối với các loại giá HK có liên quan dịch vụ của các
doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, việc đăng ký giá,
báo cáo tính hình thực hiện giá theo các quy định của Thông tư này được thực
hiện tập trung, thống nhất qua Tổng công ty HKVN.
3.5. Hàng năm, trên cơ sở các đăng ký và báo cáo tình hình
thực hiện giá của đơn vị, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam có trách nhiệm thông
báo tình hình thực hiện các loại giá đã nêu tại Mục 1 và 2.2 - Phần II cho Ban
Vật giá Chính phủ để phối hợp quản lý.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy
định trước đây trái với Thông tư này đều bị bãi bỏ.
2. Trong qua trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị
báo cáo kịp thời những vấn đề cần được bổ sung, sửa đổi về Ban Vật giá Chính
phủ, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam xem xét, giải quyết.