Thông tư 12/1998/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về sử dụng vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho dự án Nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Thông tư 12/1998/TT-BTC
Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 12/1998/TT-BTC | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Lê Thị Băng Tâm |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 04/02/1998 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng, Thuế-Phí-Lệ phí |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Thông tư 12/1998/TT-BTC
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
THÔNG TƯ
CỦA BỘ
TÀI CHÍNH SỐ 12/1998/TT-BTC NGÀY 4 THÁNG 2 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ
TÀI CHÍNH VỀ SỬ DỤNG VỐN VAY
CỦA NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á (ADB) CHO DỰ ÁN
"NÂNG CẤP CƠ SỞ HẠ TẦNG NGHỀ CÁ"
Căn cứ vào Hiệp định
vay vốn số 1404 VIE (SF) giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngân hàng
phát triển châu á (ADB) cho dự án "Khôi phục cơ sở hạ tầng nghề cá"
ký ngày 21/12/1995;
Căn cứ vào Nghị định
số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ
chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ vào Nghị định
số 58/CP ngày 30/8/1993 của Chính phủ quy định về Quy chế quản lý vay và trả nợ
nước ngoài và các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định;
Căn cứ vào Nghị định
42/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng
và Nghị định 92/CP ngày 23/8/1997 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của
Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng;
Căn cứ Nghị định 43/CP
ngày 16/7/1996 của Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu và Nghị định 93/CP ngày
23/8/1997 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế đấu thầu;
Căn cứ Nghị định 87/CP
ngày 19/12/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp quản lý lập, chấp
hành quyết toán Ngân sách Nhà nước và các Thông tư hướng dẫn Nghị định;
Căn cứ vào Quyết định
số 428/TTg ngày 7/8/1995 của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn chủ trương đầu tư
cho dự án "Nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá";
Bộ Tài chính hướng dẫn
cơ chế quản lý và sử dụng vốn vay ADB cho dự án "Nâng cấp cơ sở hạ tầng
nghề cá" như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:
1. Giải thích từ ngữ: Các khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong Thông tư này có cùng ý nghĩa như trong Hiệp định vay vốn và được hiểu như sau:
- Dự án: là Dự án đầu tư khôi phục cơ sở hạ tầng nghề cá, Dự án gồm có 10 dự án thành phần đã được xác định trong Hiệp định vay.
- Cơ quan chủ quản Dự án là Bộ Thuỷ sản được Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức điều hành dự án, thực hiện phần đầu tư cơ sở hạ tầng các cảng cá.
- Ban Quản lý Tổng Dự án Trung ương (viết tắt là BQLTDATW) là đơn vị được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản để tổ chức việc điều hành, thực hiện dự án.
- Ban quản lý dự án thành phần (viết tắt là BQLDATP) là đơn vị được thành lập theo quyết định của Uỷ ban nhân dân các tỉnh có dự án thành phần để tổ chức việc thực hiện dự án thành phần ở địa phương.
- Ban quản lý dự án của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là đơn vị được thành lập theo quyết định của Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để thực hiện phần B của dự án.
2. Nguyên tắc quản lý:
- Nguồn vốn vay của ADB là nguồn vay nước ngoài của Chính phủ Việt Nam, vì vậy toàn bộ tiền vay phải được phản ánh vào Ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính quản lý, theo dõi việc thực hiện khoản vay và trả nợ cho ADB khi đến hạn theo các điều khoản do Hiệp định quy định và phù hợp với các quy định hiện hành của Việt Nam.
- Sử dụng vốn vay cho Dự án: Dự án Nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá là dự án đầu tư xây dựng cơ bản, việc quản lý và sử dụng vốn cho dự án phải tuân theo những quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
- Cơ quan chủ quản dự án có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích và nội dung dự án đã được duyệt, phù hợp với các điều kiện đã cam kết trong Hiệp định và các quy định hiện hành của Việt Nam.
- Vốn đầu tư cho dự án được thực hiện qua hai phần chính:
Phần A - Vốn cấp phát: dùng để nâng cấp, phát triển các phương tiện và dịch vụ hỗ trợ ngành thuỷ sản, gồm nâng cấp 10 cảng cá, cung cấp dịch vụ bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và bảo vệ môi trường. Phần này được cấp bằng hai nguồn: (i) nguồn vốn đối ứng trong nước thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước; (ii) vốn ngoài nước được cấp theo các quy định tại Thông tư này phù hợp với Hiệp định vay.
Phần B - Vốn cho vay lại: Được thực hiện thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cung cấp tín dụng dân chài tại các cảng cá của dự án để mua sắm động cơ cho tàu đánh cá công suất trên 100 mã lực, trang thiết bị hàng hải và thiết bị đánh cá; cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp địa phương để xây dựng nhà máy nước đá và các trang thiết bị kho đông lạnh tại các cảng của dự án; cung cấp tín dụng để tài trợ một số hoạt động khác như thoả thuận với ADB.
Phần vốn cho vay lại thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam: thực hiện theo các quy định tại Hiệp định vay, Hiệp định vay phụ và quy định hướng dẫn tại Thông tư này.
- Ngân hàng Đầu tư Phát triển là ngân hàng phục vụ dự án thực hiện các thủ tục rút vốn từ ADB và thanh toán theo yêu cầu của dự án khi có ý kiến đồng ý của Bộ Tài chính. Trong quá trình thực hiện, Ngân hàng Đầu tư Phát triển được hưởng phí dịch vụ theo từng nghiệp vụ phát sinh theo biểu phí của Ngân hàng Đầu tư Phát triển và phù hợp với các quy định của Ngân hàng Nhà nước về thu phí dịch vụ thanh toán qua ngân hàng. Khoản phí dịch vụ trên được tính trong tổng mức đầu tư của dự án và được thanh toán bằng vốn đối ứng.
II. LẬP KẾ HOẠCH:
1. Lập kế hoạch tài chính cho dự án:
Cơ quan chủ quản dự án có trách nhiệm lập và trình duyệt dự án vốn đầu tư từ các nguồn vốn vay ADB và vốn đối ứng trong nước cần thiết hàng năm theo chế độ quy định hiện hành.
a. Hàng năm, theo chế độ lập, trình và xét duyệt kế hoạch ngân sách nhà nước, Ban quản lý tổng dự án trung ương cần chuẩn bị kế hoạch tài chính của dự án cho năm sau trình Bộ Thuỷ sản để tổng hợp vào kế hoạch ngân sách chung của Bộ, gửi và bảo vệ kế hoạch với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm lập kế hoạch rút vốn để thực hiện phần B của dự án gửi Bộ Thuỷ sản, Bộ Tài chính để tổng hợp trong kế hoạch tài chính chung của cả dự án.
b. Nội dung kế hoạch tài chính phải thể hiện đầy đủ nội dung công việc sẽ được thực hiện, số vốn đầu tư tương ứng được phân theo nguồn vốn (vốn vay ADB và vốn đối ứng), và phân bổ kế hoạch cho từng dự án thành phần, kế hoạch này phải bao gồm cả kế hoạch vốn vay ADB về cho Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn vay lại.
c. Khi kế hoạch được Quốc hội phê duyệt, Bộ Thuỷ sản triển khai phân bổ kế hoạch đã được phê duyệt cho Dự án và dự án thành phần, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Đầu tư Phát triển) sẽ thông báo kế hoạch cấp phát vốn đầu tư cho các cục, chi cục Đầu tư Phát triển tại các tỉnh có dự án thành phần.
Mẫu biểu lập kế hoạch gồm các bảng 1, 2 trong Phụ lục 1 kèm theo.
III. MỞ TÀI KHOẢN:
- Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) mở Tài khoản tạm ứng đứng tên dự án để tiếp nhận vốn vay ADB theo hình thức tạm ứng.
- Ban quản lý tổng dự án trung ương mở một Tài khoản dự án tại Ngân hàng Đầu tư Phát triển để tiếp nhận vốn tạm ứng của ADB chuyển từ Tài khoản tạm ứng sang để chi tiêu cho các công việc của dự án (sau đây gọi là Tài khoản dự án), đồng thời mở các tiểu khoản cho từng dự án thành phần để theo dõi việc sử dụng vốn tạm ứng cho các dự án thành phần.
- Ban quản lý tổng dự án trung ương mở Tài khoản cấp phát vốn tại Tổng cục Đầu tư Phát triển để theo dõi việc sử dụng vốn đối ứng và vốn vay ADB cấp phát cho dự án. Hệ thống Tổng cục Đầu tư Phát triển có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc sử dụng các nguồn vốn của dự án và xác nhận khối lượng xây dựng cơ bản đủ điều kiện thanh toán theo các quy định hiện hành.
- Ban quản lý dự án thành phần mở Tài khoản cấp phát vốn tại Cục đầu tư phát triển tỉnh để tiếp nhận vốn đối ứng cấp phát cho dự án thành phần và theo dõi vốn vay ADB cấp phát cho dự án thành phần.
- Ban quản lý dự án Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mở Tài khoản thực hiện phần B của dự án tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn để tiếp nhận vốn tạm ứng thực hiện phần B của dự án.
IV. RÚT VỐN, CẤP PHÁT VÀ QUẢN LÝ VỐN
ĐẦU TƯ CHO DỰ ÁN:
A. QUẢN LÝ VÀ CẤP PHÁT VỐN ĐỐI ỨNG:
Trên cơ sở kế hoạch vốn đối ứng hàng năm cho Dự án, và kế hoạch phân bổ cho từng dự án thành phần đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hệ thống Tổng cục Đầu tư Phát triển thực hiện việc quản lý và cấp phát vốn đối ứng theo tiến độ thực hiện dự án, phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý, cấp phát ngân sách.
B. QUẢN LÝ VÀ CẤP PHÁT VỐN VAY ADB:
Việc quản lý và cấp phát vốn vay ADB được thực hiện tuỳ theo các hình thức rút vốn như sau:
1. Rút vốn theo hình thức Thanh toán trực tiếp:
Ban Quản lý tổng dự án trung ương chịu trách nhiệm lập hồ sơ rút vốn của các khoản thanh toán trực tiếp kể cả các khoản thanh toán trực tiếp theo đề nghị của Ban quản lý dự án thành phần, gửi hồ sơ rút vốn tới Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) và Ngân hàng Đầu tư Phát triển. Hồ sơ rút vốn gồm có:
* Công văn đề nghị rút vốn.
* Đơn rút vốn và bảng tổng hợp chi tiêu.
* Hợp đồng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
* Ngoài ra, nếu:
+ Thanh toán cho người cung cấp hàng hoá thì cần có thêm hoá đơn, vận đơn của người cung cấp;
+ Thanh toán cho tư vấn hay các dịch vụ khác thì cần có thêm hoá đơn của tư vấn hay người cung cấp dịch vụ;
+ Thanh toán cho nhà thầu xây dựng thì cần có thêm biên bản nghiệm thu, bàn giao khối lượng có xác nhận của Cục đầu tư phát triển tỉnh.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) có công văn chấp thuận đề nghị rút vốn gửi Ngân hàng Đầu tư Phát triển để cùng với BQLTDATW làm thủ tục rút vốn.
Sơ đồ luân chuyển hồ sơ, rút vốn thanh toán trực tiếp theo phụ lục 2.
2. Rút vốn theo Thủ tục như cam kết:
Ban Quản lý tổng dự án trung ương chịu trách nhiệm lập hồ sơ rút vốn của các khoản thanh toán theo hình thức Thủ tục như cam kết kể cả các khoản thanh toán theo đề nghị của Ban quản lý dự án thành phần, gửi hồ sơ rút vốn tới Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) và Ngân hàng Đầu tư Phát triển. Hồ sơ rút vốn gồm có:
* Công văn đề nghị rút vốn theo thủ tục như cam kết,
* Công văn đề nghị ngân hàng phục vụ mở thư tín dụng L/C,
* Đơn xin mở thư cam kết,
* Hợp đồng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đăng ký hợp lệ.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) có công văn chấp thuận đề nghị rút vốn theo hình thức Thư cam kết gửi Ngân hàng Đầu tư Phát triển để làm thủ tục mở L/C và ký đơn đề nghị ADB phát hành thư cam kết.
Sơ đồ luân chuyển hồ sơ rút vốn thanh toán theo Phụ lục 3.
3. Thủ tục hoàn vốn/hồi tố:
Đối với các khoản tiền ngân sách đã chi cho các công việc của dự án được tài trợ bằng vốn ADB theo phương thức hoàn vốn hay hồi tố, BQLTDATW có trách nhiệm làm thủ tục rút vốn để hoàn trả lại ngân sách. Ban Quản lý dự án trung ương chuẩn bị các hồ sơ chứng từ rút vốn gửi cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) và Ngân hàng đầu tư phát triển. Hồ sơ rút vốn gồm:
+ Công văn đề nghị rút vốn.
+ Đơn rút vốn và bản tổng hợp chi tiêu.
+ Hợp đồng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoá đơn, cùng các chứng từ chứng minh việc thanh toán đã được thực hiện.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) có công văn chấp thuận đề nghị rút vốn gửi Ngân hàng Đầu tư Phát triển để cùng với BQLTDATW làm thủ tục rút vốn.
Khi nhận được tiền do ADB giải ngân, Ngân hàng Đầu tư Phát triển thông báo cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại và Tổng cục Đầu tư Phát triển). Số tiền hoàn vốn/hồi tố do ngân sách đã ứng trước phải được hoàn trả lại ngân sách.
Sơ đồ luân chuyển chứng từ và thanh toán theo Phụ lục 4.
4. Rút vốn và thanh toán qua Tài khoản Tạm ứng:
4.1. Rút vốn lần đầu về Tài khoản tạm ứng:
- BQLTDATW gửi Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) và Ngân hàng Nhà nước (Sở giao dịch) công văn đề nghị rút vốn và đơn rút vốn. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ, Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) có công văn chấp thuận đề nghị rút vốn gửi Ngân hàng Nhà nước (Sở giao dịch). Căn cứ vào ý kiến đồng ý của Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại), Ngân hàng Nhà nước (Sở giao dịch) làm thủ tục rút vốn.
- Khi ADB chuyển tiền về Tài khoản tạm ứng, trong cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước (Sở giao dịch) làm thủ tục chuyển toàn bộ số tiền đó về Tài khoản dự án mở tại Ngân hàng Đầu tư Phát triển.
Sơ đồ luân chuyển chứng từ và thanh toán theo Phụ lục 5.
4.2. Rút vốn từ ADB để bổ sung Tài khoản tạm ứng:
Nguyên tắc rút vốn bổ sung Tài khoản tạm ứng là nguyên tắc thực chi nghĩa là BQLTDATW chỉ được rút vốn bổ sung cho những khoản đã thực thanh toán.
Khi có nhu cầu rút vốn bổ sung tài khoản tạm ứng, BQLTDATW đồng thời gửi cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) và Ngân hàng Nhà nước (Sở giao dịch) bộ hồ sơ chứng từ rút vốn gồm:
- Công văn đề nghị rút vốn.
- Đơn rút vốn và các chứng từ kèm theo theo quy định của ADB.
- Sao kê chi tiêu và bản kê đối chiếu với Ngân hàng Đầu tư Phát triển.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) có công văn chấp nhận đề nghị rút vốn gửi Ngân hàng Nhà nước (Sở giao dịch). Căn cứ vào ý kiến đồng ý của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (Sở giao dịch) làm thủ tục rút vốn từ ADB về Tài khoản tạm ứng.
Khi tiền về Tài khoản tạm ứng, Ngân hàng Nhà nước (Sở giao dịch) thông báo cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) và chuyển toàn bộ số tiền đó về Tài khoản dự án tại Ngân hàng Đầu tư Phát triển. Hàng tháng lãi tiền gửi phát sinh từ Tài khoản dự án sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Sơ đồ luân chuyển chứng từ và thanh toán theo Phụ lục 5.
4.3. Rút vốn từ Tài khoản dự án để chi trả:
Thanh toán theo đề nghị của BQLTDATW:
Khi có nhu cầu chi từ Tài khoản dự án để thanh toán cho hoạt động thường xuyên của BQLTDATW hay trả cho các nhà thầu, người cung cấp hàng hoá, dịch vụ, Ban quản lý tổng dự án trung ương gửi các hồ sơ chứng từ sau tới Tổng cục Đầu tư Phát triển:
- Công văn đề nghị thanh toán từ Tài khoản dự án.
- Kế hoạch chi tiêu của văn phòng dự án trong năm kế hoạch, dự toán chi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Hợp đồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt,
- Và các tài liệu, chứng từ cần thiết khác theo quy định hiện hành trong nước.
Trong vòng 5 ngày làm việc, sau khi nhận đủ các hồ sơ, chứng từ, Tổng cục Đầu tư Phát triển có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra chứng từ và khối lượng xây dựng cơ bản thực hiện và xác nhận khối lượng xây dựng cơ bản đủ điều kiện cấp vốn theo đúng quy định hiện hành và có văn bản chấp thuận đề nghị của BQLTDATW thanh toán từ Tài khoản dự án gửi Ngân hàng Đầu tư Phát triển để ngân hàng thanh toán theo yêu cầu của dự án.
Quá trình luân chuyển chứng từ, rút vốn được thể hiện tại sơ đồ Phụ lục 6.
Thanh toán theo đề nghị của BQLDATP:
a. Khi có nhu cầu chi từ Tài khoản dự án để thanh toán cho hoạt động thường xuyên của BQLDATP, hay trả cho nhà thầu, người cung cấp hàng hoá, dịch vụ, BQLDATP gửi các hồ sơ chứng từ sau tới Cục đầu tư phát triển:
- Công văn đề nghị thanh toán từ Tài khoản dự án,
- Kế hoạch chi tiêu của văn phòng dự án trong năm kế hoạch, dự toán chi được cấp có thẩm quyền phê duyệt,
- Hợp đồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt,
- Và các tài liệu, chứng từ cần thiết khác theo quy định hiện hành trong nước.
b. Trong vòng 5 ngày làm việc, sau khi nhận đủ các hồ sơ chứng từ, Cục Đầu tư Phát triển có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra chứng từ, khối lượng xây dựng cơ bản thực hiện và xác nhận khối lượng xây dựng cơ bản đủ điều kiện cấp vốn theo đúng quy định hiện hành và có văn bản chấp thuận đề nghị thanh toán của BQLDATP.
c. BQLDATP gửi hồ sơ đề nghị thanh toán từ Tài khoản dự án có xác nhận của Cục đầu tư phát triển tỉnh lên BQLTDATW để BQLTDATW làm thủ tục thanh toán gửi Ngân hàng đầu tư phát triển để Ngân hàng thực hiện thanh toán theo yêu cầu của dự án thành phần (trong trường hợp này, hồ sơ thanh toán đã có xác nhận của Cục đầu tư phát triển tỉnh nên không cần qua Tổng cục Đầu tư phát triển).
Quá trình luân chuyển chứng từ, rút vốn được thể hiện tại sơ đồ Phụ lục 7.
5. Rút vốn để thực hiện phần B của dự án:
5.1. Rút vốn tạm ứng lần đầu:
- Ban quản lý dự án Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lập hồ sơ xin rút vốn lần đầu gồm công văn đề nghị rút vốn và đơn rút vốn theo hạn mức đã thống nhất với ADB về Tài khoản Tạm ứng dự án gửi Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) và Ngân hàng Nhà nước (Sở giao dịch). Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ, Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) có công văn chấp thuận đề nghị rút vốn gửi Ngân hàng Nhà nước (Sở giao dịch). Căn cứ vào ý kiến đồng ý của Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại), Ngân hàng Nhà nước (Sở giao dịch) làm thủ tục rút vốn.
- Sau khi ADB chuyển tiền về Tài khoản Tạm ứng, trong cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước (Sở giao dịch) chuyển toàn bộ số tiền trên về Tài khoản thực hiện phần B của dự án.
5.2. Rút vốn bổ sung tài khoản thực hiện phần B của dự án:
- Thực hiện phần B của dự án là việc cho vay tín dụng đến các đối tượng đã được xác định trong Hiệp định vay, Hiệp định dự án, Hiệp định vay phụ, do đó việc bổ sung Tài khoản thực hiện phần B của dự án dựa trên cơ sở các khoản đã thực tế giải ngân từ Tài khoản thực hiện phần B của dự án đến đối tượng được vay.
- Hồ sơ xin rút vốn bổ sung gồm có công văn đề nghị rút vốn, đơn xin rút vốn, sao kê và các chứng từ chứng minh việc giải ngân theo quy định của ADB. Trình tự rút vốn bổ sung thực hiện như phần 5.1
Quá trình luân chuyển chứng từ, rút vốn thực hiện theo sơ đồ Phụ lục 5.
V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO,
KIỂM TRA, KIỂM TOÁN, QUYẾT TOÁN:
1. Chế độ báo cáo:
- BQLTDATW có trách nhiệm tổng hợp quyết toán toàn bộ chi tiêu của dự án, báo cáo Bộ Thuỷ sản và Bộ Tài chính (Tổng cục Đầu tư Phát triển, Vụ Tài chính Đối ngoại), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và ADB tình hình thực hiện Dự án, đặc biệt là tình hình rút, sử dụng vốn vay ADB và vốn đối ứng hàng quý, báo cáo kế toán năm và báo cáo quyết toán hoàn thành Dự án.
- Để thực hiện tổng hợp báo cáo và quyết toán BQLTDATW có trách nhiệm hướng dẫn các dự án thành phần thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 66 TC/ĐTPT ngày 2/11/1996 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
- BQLDATP lập sổ sách kế toán toàn bộ chi tiêu của dự án thành phần, báo cáo quý, báo cáo năm tình hình thực hiện dự án thành phần, đặc biệt tình hình sử dụng vốn vay ADB, vốn đối ứng và làm báo cáo kết toán năm, báo cáo quyết toán hoàn thành dự án gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Thuỷ sản, Sở Kế hoạch Đầu tư, Cục đầu tư phát triển tỉnh, BQLTDATW.
- Ban Quản lý dự án Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm lập báo cáo quý, năm và báo cáo quyết toán tình hình thực hiện phần B của dự án gửi Bộ Tài chính và Ban Quản lý Tổng dự án Trung ương.
- Hàng tháng Ngân hàng Đầu tư Phát triển có trách nhiệm thông báo cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại, Tổng cục Đầu tư phát triển), Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) sao kê chi tiết Tài khoản dự án ghi rõ nội dung chi, ngày chi trả, đơn vị hưởng thụ, số tiền thanh toán (hoặc tỷ giá thanh toán và số tiền Việt Nam tương đương - nếu thanh toán bằng ngoại tệ), số dư của Tài khoản dự án, sỗ lãi phát sinh hàng tháng và ngày chuyển trả lãi đó vào ngân sách Nhà nước.
2. Kiểm tra:
Định kỳ và đột xuất, Bộ Tài chính, Bộ Thuỷ sản và Uỷ ban nhân dân các tỉnh có dự án sẽ kiểm tra tình hình thực hiện dự án và việc sử dụng vốn. Nếu phát hiện trường hợp sử dụng vốn không đúng quy định, Bộ Tài chính sẽ đình chỉ chuyển vốn và xử lý vi phạm theo quy định hiện hành.
3. Kiểm toán:
Hàng năm Tài khoản tạm ứng, Tài khoản dự án, tài khoản của các dự án thành phần, sổ sách, chứng từ, hồ sơ kế toán của dự án phải được các công ty kiểm toán độc lập được Bộ Tài chính và ADB chấp thuận kiểm toán phù hợp với quy định của Việt Nam và ADB. Báo cáo kiểm toán phải được gửi đến Bộ Thuỷ sản, Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại và Tổng cục Đầu tư Phát triển).
VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan cần phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
PHỤ LỤC 1
BẢNG 1
KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ NĂM 199...
(Kèm theo Thông tư số 12/1998 TT-BTC ngày 4 tháng 2 năm 1998)
Dự án:..........................
Đơn vị: Ban QLTDATW - Bộ Thuỷ sản
Đơn vị chi/Nội dung công việc |
Tổng |
Vốn vay ADB |
Vốn đối ứng |
1. Ban Quản lý tổng dự án Trung ương |
|
|
|
- Nội dung 1 |
|
|
|
- Nội dung 2 |
|
|
|
- Nội dung 3 |
|
|
|
- Nội dung 4 |
|
|
|
.... |
|
|
|
2. Ban Quản lý dự án tỉnh A |
|
|
|
- Nội dung 1 |
|
|
|
- Nội dung 2 |
|
|
|
- Nội dung 3 |
|
|
|
.... |
|
|
|
3. Ban Quản lý dự án tỉnh B |
|
|
|
.... |
|
|
|
4. NHNN & PTNT |
|
|
|
Cộng |
|
|
|
BẢNG 2
KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ NĂM 199...
(PHÂN THEO QUÝ)
Dự án:..........................
Đơn vị: Ban QLTDATW - Bộ Thuỷ sản
|
Tổng số |
Quý I |
Quý II |
Quý III |
Quý IV |
Vốn vay |
|
|
|
|
|
Vốn đối ứng |
|
|
|
|
|
PHỤ LỤC 2
THANH
TOÁN
THEO HÌNH THỨC TRỰC TIẾP
(Ban hành kèm theo Thông
tư số 12/1998 TT-BTC ngày 4 tháng 2 năm 1998)
(1) Nhà thầu thực hiện hợp đồng và đề nghị Ban QLTDATW thanh toán khối lượng thực hiện/các chứng từ đủ điều kiện thanh toán.
(2) Ban QLTDATW kiểm tra, chấp thuận, có công văn đề nghị Bộ Tài chính duyệt.
(3) Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận và có công văn gửi Ngân hàng Đầu tư Phát triển.
(4) Ngân hàng Đầu tư Phát triển căn cứ vào ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính, ký đơn rút vốn gửi ADB.
(5) ADB xem xét và thanh toán cho nhà thầu.
PHỤ LỤC 3
THANH
TOÁN
THEO HÌNH THỨC THƯ CAM KẾT
(Ban hành kèm theo Thông
tư số 12/1998 TT-BTC ngày 4 tháng 2 năm 1998)
(1) Ban Quản lý tổng dự án Trung ương ký hợp đồng với nhà thầu.
(2) Tập hợp chứng từ, đề nghị Bộ Tài chính cho mở L/C và Thư cam kết
(3) Bộ Tài chính xem xét và có ý kiến gửi Ban Quản lý tổng dự án Trung ương và Ngân hàng Đầu tư Phát triển.
(4) Ngân hàng Đầu tư Phát triển làm thủ tục mở L/C và ký đơn đề nghị cam kết gửi ADB
(5) ADB xem xét và phát hành thư cam kết.
(6) Người bán tiến hành giao hàng và được thanh toán.
PHỤ LỤC 4
THANH
TOÁN
THEO HÌNH THỨC HOÀN VỐN
(Ban hành kèm theo Thông
tư số 12/1998 TT-BTC ngày 4 tháng 2 năm 1998)
(1) Ban Quản lý Tổng dự án Trung ương ứng vốn thanh toán cho nhà thầu
(2) Ban Quản lý Tổng dự án Trung ương chuẩn bị hồ sơ hoàn vốn gửi Bộ Tài chính.
(3) Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến gửi Ngân hàng Đầu tư Phát triển
(4) Ngân hàng Đầu tư Phát triển căn cứ vào ý kiến đồng ý của Bộ Tài chính, ký đơn rút vốn gửi ADB
(5) ADB xem xét và thanh toán hoàn vốn cho Ban Quản lý Tổng dự án Trung ương
PHỤ LỤC 5
RÚT VỐN
VỀ TÀI KHOẢN TẠM ỨNG
(Ban hành kèm theo Thông
tư số 12/1998 TT-BTC ngày 4 tháng 2 năm 1998)
(1) Ban Quản lý Tổng dự án Trung ương tập hợp chứng từ rút vốn về tài khoản tạm ứng và gửi Bộ Tài chính.
(2) Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến và thông báo cho Ngân hàng Nhà nước.
(3) Căn cứ ý kiến của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước ký đơn rút vốn và gửi ADB
(4) ADB xem xét, giải ngân cho dự án thông qua tài khoản đứng tên dự án tại Ngân hàng Nhà nước.
(5) Trong cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước chuyển toàn bộ tiền về Tài khoản dự án tại Ngân hàng Đầu tư Phát triển
PHỤ LỤC 6
THANH
TOÁN TỪ TÀI KHOẢN TẠM ỨNG THEO ĐỀ NGHỊ CỦA
BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN TRUNG ƯƠNG
(Ban hành kèm theo Thông
tư số 12/1998 TT-BTC ngày 4 tháng 2 năm 1998)
(1) Nhà thầu, người cung cấp gửi đề nghị thanh toán cho Ban Quản lý Tổng dự án Trung ương.
(2) Ban Quản lý Tổng dự án Trung ương kiểm tra, chấp thuận đề nghị thanh toán của nhà thầu, có công văn đề nghị Tổng cục Đầu tư Phát triển duyệt chi từ TKTƯ.
(3) Tổng cục Đầu tư Phát triển xem xét có ý kiến gửi Ngân hàng Đầu tư Phát triển và Ban Quản lý Tổng dự án Trung ương.
(4) Ngân hàng Đầu tư phát triển thanh toán cho nhà thầu theo đề nghị của Ban Quản lý Tổng dự án Trung ương.
PHỤ LỤC 7
THANH
TOÁN TỪ TÀI KHOẢN TẠM ỨNG THEO ĐỀ NGHỊ CỦA
BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN THÀNH PHẦN
(Ban hành kèm theo Thông
tư số 12/1998 TT-BTC ngày 4 tháng 2 năm 1998)
(1) Nhà thầu gửi đề nghị thanh toán cho Ban Quản lý dự án thành phần
(2) Ban Quản lý dự án thành phần kiểm tra, chấp thuận đề nghị thanh toán của nhà thầu, gửi hồ sơ đề nghị rút vốn thanh toán cho Cục Đầu tư Phát triển.
(3) Cục Đầu tư Phát triển xem xét, có ý kiến bằng văn bản gửi Ban Quản lý Tổng dự án thành phần. Ban Quản lý dự án thành phần tập hợp chứng từ có ý kiến chấp thuận của Cục Đầu tư Phát triển gửi Ban Quản lý Tổng dự án Trung ương.
(4) Ban Quản lý Tổng dự án Trung ương làm thủ tục đề nghị Ngân hàng Đầu tư Phát triển thanh toán.
(5) Ngân hàng Đầu tư Phát triển thanh toán cho nhà thầu theo yêu cầu của Ban Quản lý Tổng dự án Trung ương.