Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Quyết định 44/2016/QĐ-UBND Đắk Nông về xử lý trách nhiệm bảo vệ rừng
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Quyết định 44/2016/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 44/2016/QĐ-UBND | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Nguyễn Bốn |
Ngày ban hành: | 30/12/2016 | Ngày hết hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
tải Quyết định 44/2016/QĐ-UBND
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
ỦY BAN NHÂN DÂN Số: 44/2016/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Đắk Nông, ngày 30 tháng 12 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM VÀ XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM CHỦ RỪNG, CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN CÓ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ RỪNG, BẢO VỆ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
__________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Bộ Luật lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ; Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ quy định, về xử lý kỷ luật đối với công chức; Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức;
Căn cứ Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 258/TTr-SNN ngày 01 tháng 11 năm 2016 và Báo cáo giải trình số 2215/BC-SNN ngày 26 tháng 12 năm 2016.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm chủ rừng, các Cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2017.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Chủ tịch, Giám đốc các đơn vị chủ rừng; Thủ trưởng các đơn vị và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
|
QUY ĐỊNH
VỀ TRÁCH NHIỆM VÀ XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ RỪNG, CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN CÓ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ RỪNG, BẢO VỆ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 44/2016/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh Đắk Nông)
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của chủ rừng, các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Là các tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ quản lý rừng, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, cụ thể như sau:
Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách quản lý rừng, bảo vệ rừng; Trạm trưởng, Phó trạm trưởng Trạm cửa rừng; công chức, viên chức, người lao động của Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, Khu Bảo tồn thiên nhiên, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp hoặc các đơn vị khác thuộc Doanh nghiệp Nhà nước; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; công nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng; nhận chuyển nhượng rừng từ chủ rừng khác (sau đây gọi chung là chủ rừng).
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Sau đây gọi là UBND cấp xã).
Kiểm lâm địa bàn; công chức Kiểm lâm; Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm địa bàn xã, Trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã, Trạm cửa rừng; Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, thị xã; Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên; Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng; Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ.
Chương II. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 3. Trách nhiệm của chủ rừng
1. Chủ rừng có trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Tổ chức phân công bố trí đủ lực lượng bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng theo đúng phương án quản lý rừng, bảo vệ rừng tập trung; phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.
3. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc lực lượng của đơn vị trong việc tuần tra, kiểm tra phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn bắt giữ các hành vi vi phạm phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng.
4. Huy động lực lượng hoặc đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ tăng cường lực lượng đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng.
5. Phối hợp Hạt Kiểm lâm sở tại, Ủy ban nhân dân cấp xã, Kiểm lâm địa bàn và các đơn vị chủ rừng liền kề tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; vận động nhân dân tham gia phát hiện tố giác hành vi vi phạm phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng.
6. Thực hiện sự chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hành vi vi phạm phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng.
7. Phối hợp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xác minh làm rõ các vụ vi phạm liên quan đến hành vi vi phạm phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng.
8. Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo về công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền khi cần thiết; báo cáo diện tích rừng bị phá trái pháp luật phải đúng thực tế xảy ra.
9. Chủ rừng không thực hiện theo nội dung Quy định này hoặc có biểu hiện làm ngơ, thao túng, bao che cho cấp dưới nhằm trốn tránh trách nhiệm; không có mặt kịp thời tại hiện trường nơi xảy ra phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng, gây thiệt hại về rừng mà không có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn kịp thời thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý trách nhiệm theo Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã)
1. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý nhà nước theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Tuyên truyền giáo dục pháp luật, các chế độ, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng; chỉ đạo, hướng dẫn chủ rừng, chủ lâm sản thực hiện các quy định của nhà nước về khai thác rừng, lưu thông và kinh doanh lâm sản theo thẩm quyền trên địa bàn.
3. Quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn xã, bao gồm: Diện tích, ranh giới các khu rừng, danh sách chủ rừng, các hợp đồng giao nhận khoán, bảo vệ khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng của chủ rừng với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.
4. Chỉ đạo các thôn, bon, buôn, tổ dân phố xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ rừng phù hợp với quy định của pháp luật; hướng dẫn nhân dân thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng đất lâm nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt.
5. Thực hiện theo dõi diễn biến rừng, biến động đất lâm nghiệp, cung cấp thông tin, số liệu báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Hạt Kiểm lâm sở tại; chủ động hoặc phối hợp với cơ quan Kiểm lâm nắm bắt tình hình quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.
6. Chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn phối hợp với các lực lượng của cấp xã và đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện chốt chặn, tuần tra cơ động để ngăn chặn, truy quét những tổ chức, cá nhân phá rừng trái pháp luật ra khỏi rừng trên địa bàn.
7. Chỉ đạo cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn phối hợp với Kiểm lâm địa bàn cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; kiểm tra, ngăn chặn, xử lý lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép theo quy định của pháp luật.
8. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã liền kề thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng vùng giáp ranh.
9. Quản lý chặt chẽ nhân, hộ khẩu đến cư trú bất hợp pháp ở trong rừng; thống kê, phân hóa đối tượng “đầu nậu”, chủ đường dây buôn bán lâm sản trái pháp luật, kẻ chủ mưu, thuê, kích động xúi giục người dân phá rừng, chống người thi hành công vụ, khiếu kiện, vu khống, gây rối trật tự xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật.
10. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ và kịp thời trách nhiệm được quy định tại Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Nếu trên địa bàn của xã, phường, thị trấn nào để xảy ra tình trạng phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng, gây thiệt hại về rừng, mà không có biện pháp phòng; ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch được phân công phụ trách quản lý rừng, bảo vệ rừng và những người có liên quan của Ủy ban nhân dân cấp xã đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm theo Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 5. Trách nhiệm của Kiểm lâm địa bàn, công chức Kiểm lâm (sau đây gọi tắt là công chức Kiểm lâm)
1. Công chức Kiểm lâm có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật.
2. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, hướng dẫn chủ rừng, chủ lâm sản thực hiện các quy định của nhà nước về khai thác rừng, lưu thông và kinh doanh lâm sản theo thẩm quyền trên địa bàn.
3. Kiểm tra nắm bắt tình hình quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn quản lý, bao gồm: Diện tích, ranh giới các khu rừng, danh sách chủ rừng, các hợp đồng giao nhận khoán, bảo vệ khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng của các chủ rừng với hộ gia đình, cá nhân.
4. Hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư thôn, bon, buôn xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ rừng.
5. Thực hiện theo dõi diễn biến rừng, biến động đất lâm nghiệp, cung cấp thông tin, số liệu báo cáo Hạt Kiểm lâm sở tại, Hạt Kiểm lâm và Ủy ban nhân dân cấp xã.
6. Chủ động phối hợp với các lực lượng của xã, phường, thị trấn và đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện chốt chặn, tuần tra cơ động để ngăn chặn, truy quét những tổ chức, cá nhân phá rừng trái pháp luật ra khỏi rừng.
7. Phối hợp với cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; tham mưu cho Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm; Hạt trưởng: Hạt Kiểm lâm sở tại, Hạt Kiểm lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xử lý vi phạm phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng; trong trường hợp cần thiết thì đề nghị Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm; Hạt trưởng: Hạt Kiểm lâm sở tại, Hạt Kiểm lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã huy động lực lượng, phương tiện của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để chữa cháy rừng, phòng, chống phá rừng trái pháp luật.
8. Phối hợp với Công chức Kiểm lâm ở địa bàn liền kề thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng vùng giáp ranh.
9. Phối hợp với chủ rừng và các cơ quan có thẩm quyền trong việc xác minh, điều tra, xử lý các vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng theo quy định của pháp luật.
10. Thống kê, phân hóa đối tượng “đầu nậu”, chủ đường dây buôn bán lâm sản trái pháp luật, kẻ chủ mưu, thuê, kích động xúi giục người dân phá rừng, chống người thi hành công vụ, khiếu kiện, vu khống, gây rối trật tự xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật.
11. Công chức Kiểm lâm chịu trách nhiệm trước Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm; Hạt trưởng: Hạt Kiểm lâm sở tại, Hạt Kiểm lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ và kịp thời trách nhiệm được quy định tại Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Nếu trên địa bàn quản lý để xảy ra tình trạng phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng, gây thiệt hại về rừng mà không có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời thì công chức Kiểm lâm đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm theo Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 6. Trách nhiệm của Trạm Kiểm lâm địa bàn xã, Trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã, Trạm cửa rừng (sau đây gọi tắt là Trạm Kiểm lâm)
1. Trạm Kiểm lâm có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật.
2. Quản lý, chỉ đạo, điều hành Kiểm lâm địa bàn, công chức Kiểm lâm thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo chỉ đạo của Hạt Kiểm lâm sở tại, Hạt Kiểm lâm, Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; hướng dẫn chủ rừng, chủ lâm sản thực hiện các quy định của nhà nước về khai thác rừng, lưu thông và kinh doanh lâm sản theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
4. Chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn, công chức Kiểm lâm kiểm tra nắm bắt tình hình quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn quản lý, bao gồm: Diện tích, ranh giới các khu rừng, danh sách chủ rừng, các hợp đồng giao nhận khoán, bảo vệ khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng của các chủ rừng với hộ gia đình, cá nhân.
5. Hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư thôn, bon, buôn xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ rừng. Cung cấp thông tin, số liệu về bảo vệ và phát triển rừng để báo cáo Hạt Kiểm lâm sở tại, Hạt Kiểm lâm và Ủy ban nhân dân cấp xã.
6. Chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng của xã, phường, thị trấn và đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện chốt chặn, tuần tra cơ động để ngăn chặn, truy quét những cá nhân, tổ chức phá rừng trái pháp luật ra khỏi rừng.
7. Tổ chức kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn xử lý hành vi vi phạm phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng; trong trường hợp cần thiết thì đề nghị Hạt trưởng: Hạt Kiểm lâm sở tại, Hạt Kiểm lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã huy động các lực lượng, phương tiện để chữa cháy rừng, phòng, chống phá rừng trái pháp luật.
8. Phối hợp với công chức Kiểm lâm ở địa bàn liền kề thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng vùng giáp ranh.
9. Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền và chủ rừng xác minh, điều tra, xử lý các vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng theo quy định của pháp luật.
10. Tổ chức thực hiện thống kê, phân hóa đối tượng “đầu nậu”, chủ đường dây buôn bán lâm sản trái pháp luật, kẻ chủ mưu, thuê, kích động xúi giục người dân phá rừng, chống người thi hành công vụ, khiếu kiện, vu khống, gây rối trật tự xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật.
11. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm chịu trách nhiệm trước Hạt trưởng: Hạt Kiểm lâm sở tại, Hạt Kiểm lâm; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ và kịp thời trách nhiệm được quy định tại Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Nếu trên địa bàn quản lý để xảy ra tình trạng phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng, gây thiệt hại về rừng mà không có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời thì Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm theo Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 7. Trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ (sau đây gọi tắt là Hạt Kiểm lâm)
1. Hạt Kiểm lâm có trách nhiệm quản lý nhà nước theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Phổ biến, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trong phạm vi khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ theo Quyết định của cấp có thẩm quyền.
3. Tổ chức bảo vệ tài nguyên rừng, chống chặt phá rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng, trừ sâu bệnh hại rừng trong phạm vi khu rừng đặc dụng hoặc khu rừng phòng hộ.
4. Tổ chức, chỉ đạo, quản lý các Trạm Kiểm lâm ở khu rừng đặc dụng hoặc khu rừng phòng hộ.
5. Phối hợp với Hạt Kiểm lâm sở tại, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, các lực lượng trên địa bàn và Ủy ban nhân dân cấp xã ngăn chặn các hành vi vi phạm phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng; trong trường hợp cần thiết thì phối hợp với Hạt Kiểm lâm sở tại tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện huy động các lực lượng, phương tiện của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để chữa cháy rừng, phòng, chống phá rừng trái pháp luật.
6. Chỉ đạo các Trạm Kiểm lâm phối hợp với Ủy ban nhân cấp xã, Kiểm lâm địa bàn và các lực lượng của xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện chốt chặn, tuần tra cơ động để ngăn chặn, truy quét những tổ chức, cá nhân phá rừng trái pháp luật ra khỏi rừng thuộc khu rừng đặc dụng hoặc khu rừng phòng hộ.
7. Kịp thời đề xuất Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên, Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ, Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết đối với các vụ việc khi vượt quá nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
8. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ và kịp thời trách nhiệm được quy định tại Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Nếu trên địa bàn quản lý để xảy ra tình trạng phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng, gây thiệt hại về rừng mà không có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời thì Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng và những người có liên quan của Hạt Kiểm lâm đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý trách nhiệm theo Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 8. Trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm huyện, thị xã (sau đây gọi tắt là Hạt Kiểm lâm Sở tại)
1. Hạt Kiểm lâm sở tại có trách nhiệm quản lý nhà nước theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chế độ, chính sách về quản lý rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng, quản lý khai thác và sử dụng lâm sản; vận động nhân dân bảo vệ rừng, phát triển rừng; xây dựng lực lượng quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; huấn luyện nghiệp vụ cho các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
3. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc phân công Trạm Kiểm lâm, công chức Kiểm lâm phụ trách địa bàn tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, phát triển rừng.
4. Chỉ đạo các Trạm Kiểm lâm, Kiểm lâm địa bàn tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quy định về quản lý rừng, bảo vệ rừng của chủ rừng.
5. Phối hợp với các Hạt Kiểm lâm sở tại, Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, các lực lượng trên địa bàn và Ủy ban nhân dân cấp xã ngăn chặn các hành vi vi phạm gây thiệt hại đến rừng, phòng trừ sinh vật hại rừng; triển khai mạng lưới quản lý rừng, bảo vệ rừng ở các xã, phường, thị trấn; huy động lực lượng trên địa bàn giúp các chủ rừng ngăn chặn hành vi vi phạm phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng.
6. Chỉ đạo các Trạm Kiểm lâm, Kiểm lâm địa bàn phối hợp với các lực lượng của xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện chốt chặn, tuần tra cơ động để ngăn chặn, truy quét những cá nhân, tổ chức phá rừng trái pháp luật ra khỏi rừng.
7. Phối hợp với các Hạt Kiểm lâm sở tại, Hạt Kiểm lâm thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng vùng giáp ranh; kịp thời đề xuất Chi cục Kiểm lâm, Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết các vụ việc liên quan vượt quá nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
8. Phối hợp Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi thống kê các đối tượng vi phạm có tính chuyên nghiệp, chống người thi hành công vụ để có biện pháp ngăn chặn xử lý; kiểm tra, rà soát, lập biên bản đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phá rừng trái pháp luật, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để xử lý theo quy định của pháp luật.
9. Phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân cấp xã và chủ rừng thiết lập hồ sơ vi phạm; trong trường hợp cần thiết tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng phương án cưỡng chế giải tỏa, di dời các công trình xây dựng, hoa màu trồng tỉa trái phép ra khỏi rừng, bàn giao lại đất rừng để chủ rừng tái tạo rừng, trồng lại rừng.
10. Chịu sự chỉ đạo, điều hành, chấp hành chế độ báo cáo thống kê và thực hiện các nhiệm vụ khác do Chi cục Kiểm lâm và Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.
11. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm sở tại chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ và kịp thời trách nhiệm được quy định tại Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Nếu trên địa bàn quản lý để xảy ra tình trạng phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng, gây thiệt hại về rừng mà không có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời thì Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng được phân công phụ trách quản lý rừng, bảo vệ rừng và những người có liên quan của Hạt Kiểm lâm sở tại đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý trách nhiệm theo Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Chương III. XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 9. Nguyên tắc xử lý trách nhiệm
1. Chủ rừng, các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng quy định tại các Điều (từ Điều 3 đến Điều 8) của Quy định này chưa làm hết trách nhiệm để xảy ra phá rừng trái pháp luật, gây thiệt hại về rừng mà không có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời thì người đứng đầu, cấp phó được phân công phụ trách quản lý rừng, bảo vệ rừng và những người có liên quan thực hiện trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng theo quy định phải bị xem xét kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo Quy định này hoặc các quy định pháp luật khác có liên quan.
a) Các hình thức kỷ luật giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
b) Không xem xét xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp đã thực hiện, thực hiện đầy đủ và kịp thời trách nhiệm được giao nhưng vượt quá khả năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, kịp thời báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
c) Trường hợp đang thi hành quyết định kỷ luật về trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng mà tiếp tục bị xem xét, xử lý kỷ luật tương ứng hoặc nhẹ hơn thì áp dụng hình thức kỷ luật mới nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành theo quy định của pháp luật.
d) Trường hợp các vụ việc phá rừng trái pháp luật cấp dưới báo cáo lên, người đứng đầu, cấp phó được phân công phụ trách quản lý rừng, bảo vệ rừng không tổ chức triển khai thực hiện hoặc phối hợp tổ chức triển khai thực hiện không kịp thời, để xảy ra phá rừng trái pháp luật mà không có biện pháp ngăn chặn và xử lý số bị xử lý trách nhiệm theo Quy định này hoặc các quy định pháp luật khác có liên quan.
đ) Cơ sở xử lý trách nhiệm căn cứ vào hồ sơ các vụ vi phạm hoặc kết luận sau thanh tra, kiểm tra, xác minh của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
e) Trường hợp tổ chức, cá nhân có chức danh trong Quy định này hoặc quy định của pháp luật khác có liên quan, có sự thay đổi về tên gọi thì tổ chức, cá nhân có chức danh đó vẫn bị xem xét xử lý trách nhiệm theo Quy định này hoặc các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Đối với các đơn vị chủ rừng thuộc quản lý của lực lượng Quân đội nhân dân; các cơ quan, tổ chức khác không thuộc xử lý trách nhiệm tại Quy định này thì đề nghị đơn vị Quân đội nhân dân; các cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
3. Xử lý trách nhiệm và áp dụng hình thức kỷ luật phải đúng trình tự, thủ tục theo thẩm quyền phân cấp quản lý của pháp luật quy định.
a) Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, Công chức; Luật Viên chức và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
b) Các hình thức kỷ luật đối với người lao động thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
4. Đối với diện tích rừng bị phá trái pháp luật dưới mức khung xử lý trách nhiệm tại Quy định này nhưng để xảy ra từ 03 vụ vi phạm trở lên/01 tháng thì phải bị xem xét kiểm điểm và xử lý hình thức kỷ luật theo quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 10; tại điểm a khoản 1 Điều 11 và điểm a khoản 1 Điều 13 của Quy định này.
5. Xem xét xử lý trách nhiệm tại Quy định này chỉ được thực hiện khi chủ rừng, các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng không có dấu hiệu của tội phạm hình sự hoặc có dấu hiệu phạm tội hình sự nhưng không áp dụng xử lý theo pháp luật hình sự.
Điều 10. Xử lý trách nhiệm đối với chủ rừng
1. Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng Trạm cửa rừng; công chức, viên chức, người lao động có nhiệm vụ quản lý rừng, bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, Khu Bảo tồn thiên nhiên, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp hoặc các đơn vị khác thuộc doanh nghiệp nhà nước được quy định tại Điều 3 Quy định này để rừng bị phá trái pháp luật sẽ bị xem xét kiểm điểm và xử lý một trong các hình thức kỷ luật sau:
a) Khiển trách: Từ 0,5 ha đến dưới 01 ha/tháng hoặc từ 03 ha đến dưới 05 ha/năm.
b) Cảnh cáo: Từ 01 ha đến dưới 03 ha/tháng hoặc từ 05 ha đến dưới 07 ha/năm.
c) Hạ bậc lương: Từ 03 ha đến dưới 05 ha/tháng hoặc từ 07 ha đến dưới 10 ha/năm.
d) Giáng chức: Từ 05 ha đến dưới 07 ha/tháng hoặc từ 10 ha đến dưới 15 ha/năm.
đ) Cách chức: Từ 07 ha trở lên/tháng hoặc từ 15 ha trở lên/năm.
2. Giám đốc, Phó giám đốc phụ trách quản lý rừng, bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, Khu bảo tồn thiên nhiên, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp hoặc các đơn vị khác thuộc doanh nghiệp nhà nước được quy định tại Điều 3 Quy định này để rừng bị phá trái pháp luật sẽ bị xem xét kiểm điểm và xử lý một trong các hình thức kỷ luật sau:
a) Khiển trách: Từ 01 ha đến dưới 02 ha/tháng hoặc từ 07 ha đến dưới 10 ha/năm.
b) Cảnh cáo: Từ 02 ha đến dưới 05 ha/tháng hoặc từ 10 ha đến dưới 15 ha/năm.
c) Hạ bậc lương: Từ 05 ha đến dưới 10 ha/tháng hoặc từ 15 ha đến dưới 20 ha/năm.
d) Giáng chức: Từ 10 ha đến dưới 20 ha/tháng hoặc từ 20 ha đến dưới 40 ha/năm.
đ) Cách chức: Từ 20 ha trở lên/tháng hoặc từ 40 ha trở lên/năm.
3. Viên chức hoặc người lao động theo chế độ hợp đồng lao động của chủ rừng chưa làm hết trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng để rừng bị phá trái pháp luật bị xem xét xử lý trách nhiệm theo nội quy, quy định của chủ rừng hoặc các quy định pháp luật khác có liên quan.
4. Chủ rừng là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư (không thuộc doanh nghiệp nhà nước) được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng tự nhiên hoặc rừng trồng bằng vốn ngân sách, vốn viện trợ không hoàn lại để quản lý, bảo vệ và sử dụng vào mục đích lâm nghiệp có trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ và kịp thời trách nhiệm theo quy định thì bị xử lý như sau:
a) Để rừng bị phá trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng phải bồi thường thiệt hại về rừng cho nhà nước theo giá rừng bình quân của các loại rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông theo quy định pháp luật hiện hành.
b) Để rừng bị phá trái pháp luật trong một năm trên 5% tổng diện tích rừng được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng sẽ bị xem xét thu hồi rừng theo quy định tại Điều 26 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Điều 11. Xử lý trách nhiệm đối với Ủy ban nhân cấp xã
1. Chủ tịch, Phó Chủ tịch được phân công phụ trách quản lý rừng, bảo vệ rừng và những người có liên quan của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao thực hiện trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng đối với các diện tích rừng do chủ rừng quản lý nằm trên địa giới hành chính của cấp xã hoặc diện tích rừng vùng giáp ranh của địa phương khác khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ và kịp thời trách nhiệm theo quy định tại Điều 4 Quy định này để rừng bị phá trái pháp luật sẽ bị xem xét kiểm điểm và xử lý một trong các hình thức kỷ luật sau:
a) Khiển trách: Từ 05 ha đến dưới 10 ha/tháng hoặc từ 20 ha đến dưới 25 ha/năm.
b) Cảnh cáo: Từ 10 ha đến dưới 20 ha/tháng hoặc từ 25 ha đến dưới 40 ha/năm.
c) Cách chức: Từ 20 ha trở lên/tháng hoặc từ 40 ha trở lên/năm.
2. Đối với diện tích rừng do Ủy ban nhân dân cấp xã đang quản lý hoặc diện tích rừng do Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tổ chức giao, cho thuê đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng mà theo quy định của pháp luật Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, giám sát; nếu để rừng bị phá trái pháp luật sẽ bị xem xét kiểm điểm và xử lý tại khoản 2 Điều 10 Quy định này.
Điều 12. Xử lý trách nhiệm đối với Kiểm lâm địa bàn, công chức Kiểm lâm, Trạm Kiểm lâm địa bàn, Trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã, Trạm cửa rừng, Hạt Kiểm lâm
Kiểm lâm địa bàn; Công chức Kiểm lâm; Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm; Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm và những người có liên quan được giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý rừng, bảo vệ rừng khi không thực hiện hoặc thực hiện không; đầy đủ và kịp thời trách nhiệm theo quy định tại các Điều từ 5 đến 7 của Quy định này sẽ bị xem xét kiểm điểm và xử lý một trong các hình thức kỷ luật quy định tại khoản 2 Điều 10 Quy định này.
Điều 13. Xử lý trách nhiệm đối với Hạt Kiểm lâm Sở tại
Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng được phân công phụ trách quản lý rừng, bảo vệ rừng và những người có liên quan của Hạt Kiểm lâm sở tại được giao thực hiện trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ và kịp thời trách nhiệm theo quy định tại Điều 8 Quy định này để rừng bị phá trái pháp luật sẽ bị xem xét kiểm điểm và xử lý một trong các hình thức kỷ luật sau:
a) Khiển trách: Từ 10 ha đến dưới 20 ha/tháng hoặc từ 30 ha đến dưới 40 ha/năm.
b) Cảnh cáo: Từ 20 ha đến dưới 30 ha/tháng hoặc từ 40 ha đến dưới 50 ha/năm.
c) Hạ bậc lương: Từ 30 ha đến dưới 40 ha/tháng hoặc từ 50 ha đến dưới 60 ha/năm.
d) Giáng chức: Từ 40 ha đến dưới 50 ha/tháng hoặc từ 60 ha đến dưới 100 ha/năm.
đ) Cách chức: Từ 50 ha trở lên/tháng hoặc từ 100 ha trở lên/năm.
Chương IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Tổ chức thực hiện
1. Các chủ rừng có trách nhiệm xây dựng Quy định, Quy chế quản lý rừng, bảo vệ rừng của đơn vị với nội dung, nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng bộ phận gián tiếp, trực tiếp quản lý rừng, bảo vệ rừng nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng và thuận lợi trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm. Triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định này; xử lý và đề nghị xử lý trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng của đơn vị theo thẩm quyền.
2. Hạt Kiểm lâm sở tại, Hạt Kiểm lâm
a) Chỉ đạo, phối hợp các đơn vị có liên quan thiết lập đầy đủ hồ sơ các vụ phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng, lâm sản theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định; Hạt trưởng: Hạt Kiểm lâm sở tại, Hạt Kiểm lâm phải chịu trách nhiệm về các trường hợp vi phạm về quản lý rừng, bảo vệ rừng do không kịp thời lập hồ sơ hoặc lập hồ sơ không đúng quy định.
b) Thực hiện xem xét đề xuất xử lý kỷ luật về trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng đối với công chức Kiểm lâm, Kiểm lâm địa bàn, Trạm Kiểm lâm; tham mưu cho Chi cục Kiểm lâm, Ủy ban nhân dân cấp huyện xử lý kỷ luật về trách nhiệm của Kiểm lâm trên địa bàn quản lý.
c) Theo dõi, cập nhật đầy đủ và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chi cục Kiểm lâm tình hình xử lý các vụ vi phạm về quản lý rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn phân cấp quản lý.
3. Chi cục Kiểm lâm
a) Trên cơ sở kết quả theo dõi diễn biến rừng hàng năm có trách nhiệm thống kê tình hình rừng bị thiệt hại do phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng, lâm sản; đề nghị cơ quan, đơn vị có chức trách, nhiệm vụ quản lý rừng, bảo vệ rừng thực hiện xử lý kỷ luật về trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng theo quy định; chỉ đạo, thực hiện xử lý kỷ luật về trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng đối với Kiểm lâm theo thẩm quyền.
b) Định kỳ 06 tháng tổng hợp, tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình xử lý trách nhiệm về quản lý rừng, bảo vệ rừng và tình hình xử lý các vụ vi phạm về quản lý rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản trên toàn tỉnh.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Quy định này; theo dõi, chỉ đạo xử lý hoặc phối hợp trong xử lý kỷ luật về trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng đối với chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp xã, Hạt Kiểm lâm sở tại, Hạt Kiểm lâm.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã theo dõi, đôn đốc việc thực hiện xử lý kỷ luật về trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng đối với các chủ rừng, các đơn vị trực thuộc.
6. Các cơ quan, đơn vị khác theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao ở địa phương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các đơn vị có liên quan tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân thực hiện các quy định của nhà nước về quản lý rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Khi nhận được lệnh điều động của cấp có thẩm quyền phải nhanh chóng điều động người, phương tiện, trang thiết bị cần thiết của đơn vị, tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, ứng cứu những vụ phá rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác xâm hại đến rừng trong những tình huống cấp thiết.
7. Trong quá trình thực hiện Quy định này nếu có những vướng mắc, phát sinh không phù hợp; các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định điều chỉnh, bổ sung./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Bốn