Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Thông báo 323/TB-VPCP kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Thông báo 323/TB-VPCP
Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 323/TB-VPCP | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo | Người ký: | Cao Huy |
Ngày ban hành: | 09/09/2020 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Hành chính |
tải Thông báo 323/TB-VPCP
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ Số: 323/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 2020 |
THÔNG BÁO
Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc
___________
Ngày 24 tháng 8 năm 2020, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo Kết quả triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công 7 tháng đầu năm 2020; các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công các tháng cuối năm 2020 và một số đề xuất, kiến nghị của Tỉnh, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ chính quyền, quân và dân tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua, đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá với mức tăng bình quân 8,05%/năm; công nghiệp - xây dựng tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, tăng trưởng bình quân đạt 10,61%/năm. Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 103,1 triệu đồng/người, đứng thứ 4/11 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng vị trí thứ 10/63 tỉnh/thành phố cả nước; năng suất lao động đạt 186,63 triệu đồng/lao động. Trong 8 tháng đầu năm 2020, Tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện nhiều giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp dần khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu đạt tỷ lệ cao.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống người dân được nâng lên. Hết năm 2019, toàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công; không có hộ nghèo ở nhà dột nát, nhà thiếu kiên cố; 100% người nghèo trong độ tuổi lao động có yêu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm phù hợp. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,46%, tỷ lệ dân số có bảo hiểm y tế đạt 92,5%. Hiện đại hóa nền hành chính được tăng cường.
Tuy nhiên, Vĩnh Phúc còn một số hạn chế cần lưu ý khắc phục: Trong 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) âm 2,7%; thu ngân sách đạt thấp, bằng 84% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nhất là giải ngân vốn ODA. Công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản của chính quyền cơ sở chưa hiệu quả. Nhiều vụ việc tập trung đông người, có nguy cơ tiềm ẩn phức tạp phát sinh trên địa bàn nhưng cấp ủy, chính quyền chưa có các biện pháp triệt để giải quyết.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Tình hình thế giới gặp khó khăn, nhiều nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tác động đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước và tỉnh Vĩnh Phúc, trong thời gian tới,Tỉnh tập trung làm tốt một số trọng tâm công tác sau:
1. Phát huy kết quả đạt được và kinh nghiệm phát triển trong những năm qua, từ nay đến cuối năm 2020 và những năm tới, Tỉnh rà soát nhiệm vụ được giao, có giải pháp, quyết tâm cao hơn nữa, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, trọng tâm là các dự án trọng điểm, các dự án có vốn bố trí lớn, dự án hoàn thành trong năm 2020. Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công và tập trung giải ngân các nguồn vốn đầu tư, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch 5 năm tới.
2. Người đứng đầu chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020; tích cực chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA theo quy định. Trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền; thực hiện việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm nhà thầu có năng lực triển khai thực hiện dự án.
3. Quản lý chặt chẽ lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản theo hướng sử dụng tiết kiệm đất, tài nguyên khoáng sản, tăng trưởng xanh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch, bảo vệ cảnh quan môi trường. Làm tốt công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường trong các khu công nghiệp, khu du lịch, làng nghề, đô thị, vùng nông thôn để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
4. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, phát triển mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến. Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, đưa công nghệ số vào mọi mặt của đời sống. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo.
5. Đề cao trách nhiệm công vụ, chất lượng cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng xử lý thông tin phản hồi của các doanh nghiệp, người dân; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về việc kéo dài thời gian thực hiện các quy hoạch giai đoạn 2016-2020 đến hết năm 2021 để có cơ sở chuẩn bị đầu tư các dự án trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025:
- Tỉnh Vĩnh Phúc rà soát các quy hoạch theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 và căn cứ vào các quy hoạch còn hiệu lực để thực hiện.
- Đối với quy hoạch sử dụng đất: Tỉnh căn cứ khoản 9 Điều 49 Luật đất đai quy định khi kết thúc thời kỳ quy hoạch sử dụng đất mà các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất chưa thực hiện hết thì vẫn được tiếp tục thực hiện đến khi quy hoạch sử dụng đất kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt để thực hiện.
2. Về việc tách tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng đối với dự án nhóm B; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách địa phương; hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trong quy định chủ trương đầu tư chương trình, dự án với quy hoạch (trong Luật Đầu tư công 2019): Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kiến nghị của Tỉnh để báo cáo cấp có thẩm quyền, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công.
3. Về việc ủy quyền thẩm định thiết kế bản vẽ thi công - dự toán của công trình cấp I nằm trên địa bàn các tỉnh; điều chỉnh phân cấp loại công trình để phân quyền cho các địa phương: Giao Bộ Xây dựng xem xét, trả lời kiến nghị của Tỉnh theo nguyên tắc tăng cường ủy quyền phân cấp thẩm định cho địa phương để rút ngắn thời gian đi lại thực hiện thủ tục trên cơ sở thực hiện ủy quyền đối với các công trình cụ thể và đảm bảo năng lực thực hiện của đơn vị được ủy quyền.
4. Về đề nghị các địa phương được căn cứ vào chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch đã được phê duyệt để lập, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm làm cơ sở thu hồi, giải phóng mặt bằng các dự án mới phát sinh trong kỳ nhưng chưa có tên trong quy hoạch sử dụng đất: Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
5. Về việc Người quyết định đầu tư có thể ủy quyền để cơ quan thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án thẩm định và phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư: Giao Bộ Xây dựng nghiên cứu kiến nghị của tỉnh trong quá trình sửa đổi Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2019 để sửa đổi theo hướng phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công và đơn giản thủ tục, đảm bảo tiến độ, hiệu quả dự án.
6. Về sửa Khoản 3, Điều 39 của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2015 (chủ đầu tư được gia hạn thực hiện hợp đồng nhưng không quá thời gian thực hiện dự án; chủ đầu tư và nhà thầu chủ động điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng): Giao Bộ Xây dựng nghiên cứu kiến nghị của Tỉnh trong quá trình sửa đổi Nghị định số 37/2015/NĐ-CP nêu trên.
7. Bộ Xây dựng hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung số 62/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội, báo cáo Chính phủ theo quy định.
8. Về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc (vay vốn WB), gia hạn thời gian thực hiện Hiệp định vay: Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thiện thủ tục (thẩm định nội bộ và lấy ý kiến Hội đồng nhân dân tỉnh), trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
9. Về việc điều chỉnh và gia hạn thời gian thực hiện đối với Dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Dự án thành phần tỉnh Vĩnh Phúc (vay vốn ADB): Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
10. Về việc ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 theo đúng chỉ đạo tại công văn 5082/VPCP-KTTH ngày 24 tháng 6 năm 2020.
11. Về việc bổ sung nguồn vốn ngân sách trung ương và vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 để mở rộng đường Vành đai 5 vùng Thủ đô; Cầu Vân Phúc qua sông Hồng.
- Về đường Vành đai 5 vùng Thủ đô: Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 787/TTg-CN ngày 24 tháng 6 năm 2020.
- Về Cầu Vân Phúc qua sông Hồng: Tỉnh căn cứ Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29 tháng 7 năm 2019, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020, rà soát các dự án đề xuất đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.
12. Về việc ban hành chính sách hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô:
- Về miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện sản xuất trong nước: Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ.
- Về chính sách ưu đãi để phát triển dòng xe chiến lược dung tích nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường: Thực hiện theo quy định Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.
13. Về việc xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp:
- Về khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực 2, giai đoạn 1): Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 4863/VPCP-CN ngày 17 tháng 6 năm 2020.
- Về khu công nghiệp Nam Bình Xuyên, Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I (khu vực 2): Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khẩn trương có công văn giải trình, bổ sung một số vấn đề liên quan đến hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
14. Về việc hưởng các ưu đãi (miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa, máy móc thiết bị...) trong thời gian các doanh nghiệp chờ hoàn tất các thủ tục để được công nhận là doanh nghiệp chế xuất: Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn đặc biệt do phải nộp thuế nhập khẩu trong giai đoạn chưa được công nhận là doanh nghiệp chế xuất thì gửi hồ sơ về Bộ Tài chính để nghiên cứu, xem xét từng vụ việc cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ miễn thuế theo đúng quy định của pháp luật.
15. Về sửa đổi điều kiện hỗ trợ cho người lao động bị hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương theo quy định tại Điều 1, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 04 năm 2020: Văn phòng Chính phủ khẩn trương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
16. Giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị nêu tại Báo cáo số 220/BC-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và có văn bản trả lời địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 9 năm 2020.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |