Nghị quyết 169/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020

  • Tóm tắt
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi VB

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
In
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Nghị quyết 169/NQ-CP

Nghị quyết 169/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2020
Cơ quan ban hành: Chính phủSố công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:169/NQ-CPNgày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Nghị quyếtNgười ký:Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành:11/11/2020Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Chính sách, Hành chính

TÓM TẮT VĂN BẢN

Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Ngày 11/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 169/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2020.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các địa phương cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, rà soát những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, chủ động xây dựng phương án, huy động lực lượng di dời kịp thời người dân đến nơi an toàn, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, hỗ trợ lương thực, thực phẩm.

Bên cạnh đó, để hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cả năm từ 2,5 – 3%; Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, nhất là kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, đeo khẩu trang tại nơi công cộng và nơi tập trung đông người.

Ngoài ra, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nâng cao năng lực xét nghiệm, điều trị trên diện rộng, chủ động sản xuất và hợp tác để người dân sớm tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Xem chi tiết Nghị quyết 169/NQ-CP tại đây

tải Nghị quyết 169/NQ-CP

Tải văn bản tiếng Việt (.doc) Nghị quyết 169/NQ-CP DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tải văn bản tiếng Việt (.pdf) Nghị quyết 169/NQ-CP PDF (Bản có dấu đỏ)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
______

Số: 169/NQ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2020

NGHỊ QUYẾT

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2020

__________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2020, tổ chức vào ngày 30 tháng 10 năm 2020,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về công tác ứng phó bão lũ, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống người dân

Vừa qua, tại các tỉnh miền Trung xảy ra liên tiếp tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ”, riêng tháng 10 có tới 4 cơn bão lớn, trong đó cơn bão số 9 được đánh giá là cơn bão lớn nhất trong 20 năm qua đã gây mưa, lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng và sạt lở đất nghiêm trọng ở nhiều điểm, ảnh hưởng rất nặng nề đến sản xuất và đời sống của hàng triệu người dân. Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, nhất là cấp ủy, chính quyền các địa phương chủ động ứng phó quyết liệt, kịp thời với phương châm “4 tại chỗ”; thành lập Sở chỉ huy tiền phương ngay tại tâm bão để chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ và tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; xuất cấp hàng chục nghìn tấn gạo và bảo đảm nhu yếu phẩm cho người dân; có biện pháp bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương khắc phục hậu quả. Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, lãnh đạo các địa phương đã ngày đêm túc trực, chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường; nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trực tiếp đến khu vực bị bão, lũ để chỉ đạo khắc phục hậu quả và thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại.

Chính phủ chia sẻ mất mát, khó khăn của đồng bào miền Trung, đặc biệt là gia đình của những người bị nạn, các cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Trong khó khăn, hoạn nạn, chúng ta càng thấy ngời sáng tình thương yêu, đùm bọc của đồng bào, đồng chí, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả nước cùng hướng về miền Trung ruột thịt. Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, với tinh thần sẻ chia, tương thân, tương ái, đùm bọc lẫn nhau, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã có nhiều việc làm thiết thực hỗ trợ đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, thể hiện nét đẹp văn hoá, truyền thống và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Chính phủ đánh giá cao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương, các lực lượng quân đội, công an, nhất là các đơn vị trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, trong đó có hàng chục cán bộ, chiến sỹ, có những sỹ quan cao cấp đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các địa phương cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, rà soát những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, chủ động xây dựng phương án, huy động lực lượng di dời kịp thời người dân đến nơi an toàn; chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân vùng bị thiên tai, bão lũ, sạt lở đất với tinh thần không để người dân bị đói rét, không có chỗ ở; bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; giúp người dân sửa chữa nhà cửa hư hỏng, khôi phục các cơ sở hạ tầng bị thiệt hại để sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân vùng bị thiên tai; trong đó yêu cầu:

- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cùng các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo huy động phương tiện, lực lượng cần thiết, khẩn cấp triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân, người mất tích do bị sạt lở đất, ngư dân mất liên lạc trên biển; đồng thời có phương án bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với thiên tai.

- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ sớm ổn định đời sống và sản xuất.

- Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các địa phương khẩn trương khôi phục lại hoạt động của các cơ sở y tế bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ; tập trung huy động nguồn lực cứu chữa những người bị nạn. Đồng thời, hướng dẫn, khuyến cáo cách xử lý nước sinh hoạt an toàn; bảo đảm vệ sinh môi trường và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng các địa phương bị thiệt hại do thiên tai khắc phục khó khăn, bảo đảm các điều kiện cần thiết để học sinh sớm được đến trường; hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình dạy và học.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan và các địa phương liên quan khẩn trương tổng hợp đề xuất hỗ trợ thiệt hại do thiên tai của các địa phương. Phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất tại vùng bị thiệt hại do thiên tai theo quy định.

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại về nhà ở do thiên tai gây ra trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây Nguyên, báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động rà soát các khoản nợ vay của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, có giải pháp tháo gỡ khó khăn về vay vốn và thực hiện xử lý nợ vay bị rủi ro theo quy định.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương liên quan sớm rà soát, đề xuất và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người dân các địa phương bị thiệt hại do thiên tai.

- Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức cung ứng đầy đủ các hàng hóa, vật tư thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ người dân vùng bị thiệt hại do thiên tai, bảo đảm bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến. Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương khôi phục hệ thống lưới điện, bảo đảm cung ứng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

- Bộ Giao thông vận tải khẩn trương có phương án khắc phục, khôi phục các cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là những khu vực giao thông bị chia cắt; bảo đảm an toàn giao thông vùng bị thiệt hại do thiên tai.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tiếp tục phát huy truyền thống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, quan tâm, hỗ trợ, ủng hộ nhân dân các địa phương bị thiệt hại do thiên tai bão lũ sớm vượt qua khó khăn, mất mát, ổn định đời sống. Các cấp, các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời để cộng đồng doanh nghiệp, người dân nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động để bù đắp, góp phần giảm bớt những tổn thất, thiệt hại do thiên tai, bão lũ đã gây ra đối với đồng bào miền Trung.

2. Về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020

Chính phủ thống nhất đánh giá: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhân dân cả nước và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội nước ta có chuyển biến tích cực. Chúng ta tiếp tục kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, không để lây lan trong cộng đồng; tạo điều kiện cho nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi và được các tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao (Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo năm 2020 Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN-5, quy mô GDP đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á). Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục xu hướng giảm dần, bình quân 10 tháng tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công tiếp tục là điểm sáng; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 69,8% kế hoạch cả năm. Tiếp tục thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn, công nghệ cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Xuất khẩu tăng 4,7%; xuất siêu đạt kỷ lục 18,72 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tháng 10 có dấu hiệu khởi sắc, trong đó ngành chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có xu hướng tăng, tháng 10 tăng 2,4% so với tháng trước. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10 tăng 18,4% và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,4% so với tháng trước. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, giáo dục và đào tạo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, hình ảnh và uy tín của Việt Nam được nâng lên. Việc tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp đã tạo thêm niềm tin, khí thế mới trong toàn xã hội tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bên cạnh kết quả đạt được và thời cơ, thuận lợi, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều nước phải áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách xã hội; căng thẳng thương mại và nguy cơ bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng trên nhiều lĩnh vực. Trong nước, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, đe dọa tính mạng, đời sống của người dân và ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, nền kinh tế tuy đã từng bước phục hồi nhưng không đồng đều, ngành dịch vụ, nhất là hàng không, du lịch, lưu trú vẫn suy giảm sâu; ngành công nghiệp và xây dựng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là với một số đối tác lớn.

Để hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong thời gian còn lại của năm, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cả năm từ 2,5 - 3%; tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó chú trọng thực hiện một số nội dung sau:

- Các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là hai Thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh, không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, nhất là kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, đeo khẩu trang tại nơi công cộng và nơi tập trung đông người. Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nâng cao năng lực xét nghiệm, điều trị trên diện rộng, khả năng truy vết, dự trữ đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế; chủ động sản xuất và hợp tác để người dân sớm tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19. Đồng thời, có giải pháp phù hợp, tạo thuận lợi cho chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh và đón công dân về nước.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị toàn quốc về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA, vốn vay ưu đãi, bảo đảm gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI; các mô hình kinh tế mới.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, không hạ chuẩn tín dụng. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương có giải pháp sớm khôi phục các chuỗi cung ứng, thúc đẩy phát triển ngành logistics, công nghiệp hỗ trợ. Tranh thủ cơ hội duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA; tăng cường thực hiện các giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hoá. Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa phù hợp, tổ chức tốt các kênh phân phối hàng hóa gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chú trọng phát triển thương mại điện tử. Chủ động kế hoạch bảo đảm nguồn cung hàng hoá dịp cuối năm.

- Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất và triển khai dự án xây dựng sân bay Long Thành theo kế hoạch đề ra.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá những ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai, bão lũ đối với hoạt động dự báo khí tượng thủy văn tại khu vực miền Trung thời gian vừa qua để có biện pháp khắc phục kịp thời theo quy định, trường hợp vượt thẩm quyền, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ để báo cáo Quốc hội việc sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường cho các nhiệm vụ quan trọng cấp bách như quy định tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 154/NQ-CP và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg để sớm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc phân phối, sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo tại các cơ sở giáo dục phổ thông; khẩn trương chỉ đạo việc rà soát, tiếp thu ý kiến đóng góp một cách cầu thị, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan để có biện pháp xử lý, điều chỉnh phù hợp nội dung của sách giáo khoa lớp 1 với tinh thần minh bạch, khách quan. Nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng giáo sư các cấp, bảo đảm công bằng, khách quan, không để xảy ra tiêu cực trong việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2020.

- Bộ Y tế phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế cho hoạt động khám chữa bệnh từ xa; phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong thanh toán bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Rà soát, đánh giá hiệu quả việc triển khai chương trình sữa học đường giai đoạn 2016 - 2020.

- Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, bổ sung quy định về quản lý, kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả các công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường; hoàn thiện, bổ sung chính sách và tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các ưu đãi hỗ trợ khoa học, công nghệ.

- Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo phân công; khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.

- Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp các bộ, ngành xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức tốt Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các sự kiện bên lề. Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, nhất là tại các nước dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

- Bộ Quốc phòng tiếp tục nắm chắc tình hình, dự báo kịp thời, chính xác các tình huống, nhất là trên biển, để có phương án ứng phó kịp thời, không để bị động bất ngờ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

- Bộ Công an theo dõi sát tình hình, chủ động phương án, kế hoạch đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động, mở cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2021 và trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về những kết quả đạt đuợc trong việc thực hiện “mục tiêu kép”; các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, tôn vinh những tấm gương người tốt, việc tốt, tấm gương hy sinh cao cả giúp người dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cấp hạ tầng số, công nghệ thông tin, băng thông rộng quốc tế để triển khai mạng 5G quy mô quốc gia.

- Thành phố Hà Nội khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đẩy nhanh việc bố trí trụ sở làm việc phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ.

- Các thành viên Chính phủ chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung để trả lời chất vấn và giải trình đầy đủ những vấn đề Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm liên quan đến ngành, lĩnh vực phụ trách.

3. Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê

Chính phủ thống nhất thông qua các chính sách và Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; tiếp tục rà soát toàn diện các nhóm chỉ tiêu, bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống để không tạo ra khoảng trống trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, phù hợp với quy định của các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành có liên quan và phản ánh kịp thời diễn biến tình hình kinh tế - xã hội trước những thay đổi nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, trình Chính phủ trong tháng 6 năm 2021.

- Giao Bộ Tư pháp tổng hợp Đề nghị xây dựng Luật này. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyên Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

4. Về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các Thành viên Chính phủ tại phiên họp, hoàn thiện đề xuất, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 15 tháng 11 năm 2020.

5. Về dự thảo Nghị định quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Chính phủ thống nhất thông qua Nghị định quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

6. Chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp khi tài trợ máy thở để phòng, chống đại dịch Covid-19

Chính phủ thống nhất nội dung đề xuất của Bộ Tài chính nêu tại văn bản số 13256/BTC-TCHQ ngày 29 tháng 10 năm 2020 về nội dung thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 liên quan đến kiến nghị của Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần.

Giao Bộ Tài chính ban hành danh mục cụ thể linh kiện nhập khẩu để sản xuất máy thở được miễn thuế nhập khẩu cho đến khi có văn bản công bố hết dịch Covid-19 của cơ quan có thẩm quyền và hướng dẫn cơ quan hải quan thực hiện đúng quy định.

7. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả của Tổ công tác tháng 10 năm 2020

a) Tình hình thực hiện nhiệm vụ

- Các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo quyết liệt, tích cực hơn nữa trong việc hoàn thành các nhiệm vụ giao, không để nợ đọng. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng, bảo đảm trình các đề án nợ đọng trước ngày 15 tháng 11 năm 2020, trình đúng tiến độ các đề án theo chương trình công tác tháng 11 tháng 2020.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giao, nhất là liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính; chủ động làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, rào cản mà doanh nghiệp đang gặp phải, kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có hướng xử lý, tháo gỡ.

b) Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh

Các bộ, cơ quan ngang bộ theo phân công khẩn trương trình ngay các văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 01 năm 2021 trước ngày 15 tháng 11 năm 2020, không để tiếp tục nợ đọng văn bản quy định chi tiết.

8. Về vướng mắc liên quan đến thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có nguồn gốc nhập khẩu theo báo cáo của Bộ Tài chính tại công văn số 11098/BTC-TCHQ ngày 14 tháng 9 năm 2020

- Các Bộ: Tài chính, Công an, Quốc phòng khẩn trương sửa đổi, bãi bỏ các quy định về tờ khai nguồn gốc không phù hợp, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu nguồn gốc xe nhập khẩu làm căn cứ thay thế tờ khai nguồn gốc và thực hiện thí điểm cấp đăng ký, biển số xe trên cổng Dịch vụ công quốc gia trong quý IV năm 2020 để triển khai thực hiện trên toàn quốc từ năm 2021.

- Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thí điểm việc chia sẻ dữ liệu điện tử về nguồn gốc xe nhập khẩu để phục vụ việc đăng ký, quản lý, sử dụng xe cơ giới trong Bộ Quốc phòng, hoàn thành trong quý II năm 2021./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tốỉ cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN; Trợ lý, Thư ký TTg, PTTg; các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo, TGĐ Cổng TTĐT CP;
- Lưu: Văn thư, TH (2b).

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

 

 

Nguyễn Xuân Phúc

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiển thị:
download Văn bản gốc có dấu (PDF)
download Văn bản gốc (Word)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Quyết định 2976/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 159/QĐ-BYT ngày 18/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế về công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính bị thay thế và bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09/01/2023 và Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Quyết định 743/QĐ-BYT ngày 28/03/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 159/QĐ-BYT

Quyết định 2976/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 159/QĐ-BYT ngày 18/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế về công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính bị thay thế và bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09/01/2023 và Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Quyết định 743/QĐ-BYT ngày 28/03/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 159/QĐ-BYT

Y tế-Sức khỏe, Hành chính

văn bản mới nhất

loading
×
×
×
Vui lòng đợi