BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ------- Số: 5591/CT-BNN-PC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CHẤN CHỈNH TÌNH TRẠNG LẠM DỤNG CÁC YÊU CẦU KHÔNG PHÙ HỢP ĐỐI VỚI GIẤY TỜ, VĂN BẢN QUY ĐỊNH, THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
TRONG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Ngày 20 tháng 06 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ nội dung quy định tại Điều 6 của Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký (sau đây gọi là Nghị định 79/2007/NĐ-CP): “1. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính không được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. 2. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao không có chứng thực có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính.” Tuy nhiên, trên thực tế các quy định trên không được thực hiện nghiêm, vẫn có tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực giấy tờ, văn bản; khi giải quyết thủ tục hành chính vẫn có tình trạng yêu cầu người dân, tổ chức xuất trình bản chính khi họ nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính.
Mặt khác, trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn tình trạng quy định về hồ sơ thủ tục hành chính chưa theo đúng quy định tại Điều 6 Nghị định 79/2007/NĐ-CP, những thành phần hồ sơ không liên quan trực tiếp đến nội dung giải quyết thủ tục hành chính hoặc bao gồm cả những thành phần hồ sơ là kết quả công việc của chính cơ quan giải quyết thủ tục hành chính;...
Những việc làm như trên không những gây phiền hà, tốn kém cho người dân, tổ chức, lãng phí cho xã hội mà còn tạo nên áp lực, quá tải cho các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là các cơ quan có thẩm quyền chứng thực.
Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ:
1. Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu sau trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính:
a) Quy định rõ trong văn bản nội dung Điều 6, Nghị định 79/2007/NĐ-CP về việc cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính có quyền lựa chọn các hình thức nộp các loại bản sao; trường hợp nộp bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính thì cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính không được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu; trường hợp nộp bản sao không có chứng thực thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu, người tiếp nhận hồ sơ phải tự đối chiếu và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính; trong một số trường hợp có thể nộp bản sao không có chứng thực (bản sao chụp) mà không cần xuất trình bản chính để đối chiếu;
b) Chỉ quy định trong hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính những loại giấy tờ cần thiết, có liên quan trực tiếp đến nội dung giải quyết thủ tục hành chính. Không quy định các loại hồ sơ là kết quả công việc của chính cơ quan giải quyết thủ tục hành chính; áp dụng những hình thức giảm nhẹ đối với yêu cầu chứng thực một số văn bản, giấy tờ như sử dụng bảng kê danh mục hồ sơ, chấp nhận bản tự sao của tổ chức, vv...đồng thời với việc thực hiện biện pháp hậu kiểm.
2. Thực hiện đầy đủ, chính xác, kịp thời việc công bố, công khai thủ tục hành chính tại trụ sở các cơ quan, đơn vị, tại các địa điểm giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của pháp luật.
Chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị mình khi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện đúng các quy định có liên quan đến yêu cầu nộp bản sao có chứng thực được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.
3. Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính theo thẩm quyền, nhất là tại các nơi trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức.
Nghiêm túc triển khai việc tiếp nhận, xử lý ý kiến người dân, tổ chức về các quy định, thủ tục hành chính; thiết lập và công khai đường dây nóng.
Kiên quyết xử lý các tổ chức trực thuộc, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về nội dung thủ tục hành chính, tự đặt ra thủ tục hành chính, gây sách nhiễu phiền hà cho người dân, tổ chức.
4. Triển khai rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức như quy định tại nội dung phần 1 trên đây.
Tổ chức rà soát, phát hiện những văn bản hành chính do cơ quan, tổ chức ban hành dưới hình thức quyết định, thông báo, công văn và các hình thức văn bản khác có quy định nội dung thủ tục hành chính không đúng quy định tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính để kiến nghị bãi bỏ hoặc tự bãi bỏ theo thẩm quyền.
Các công việc trên được hoàn thành và gửi kết quả về Bộ (Vụ Pháp chế) trước ngày 31 tháng 12 năm 2014.
5. Tổ chức thực hiện
a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ quán triệt nội dung Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị này tới tất cả các tổ chức trực thuộc; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị; có văn bản chỉ đạo cụ thể và thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị này.
b) Vụ Pháp chế có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị này; tiếp nhận, tổng hợp báo cáo, đề xuất của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ xây dựng báo cáo chung của Bộ;
- Nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, gắn kết công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật với công tác kiểm soát thủ tục hành chính.
c) Báo Nông nghiệp Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có chức năng truyền thông có trách nhiệm tuyên truyền rộng rãi nội dung Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị này, đưa tin về tình hình triển khai, kết quả thực hiện Chỉ thị, đăng tải và chuyển các cơ quan có trách nhiệm xử lý các kiến nghị, phản ánh của người dân, tổ chức về quy định, thủ tục hành chính.
Các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổng kết, đánh giá tình hình triển khai, báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị gửi về Bộ (Vụ Pháp chế) trước ngày 31 tháng 03 năm 2015./.
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ (để b/c); - Bộ Tư pháp; - Các Tổng cục, Cục, Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ; - Các Trung tâm, các Ban Quản lý Dự án; - Các Hiệp hội, Hội nghề nghiệp ngành nông nghiệp và PTNT; - Báo NNVN, Tạp chí NNPTNT, Cổng TTĐT của Bộ; - Lưu VT, PC (VT,KSTTHC). | BỘ TRƯỞNG Cao Đức Phát |