ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN ------------- Số: 01/2017/QĐ-UBND | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------- Hưng Yên, ngày 11 tháng 01 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
---------------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;
Căn cứ Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm;
Theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1655/TTr-SGDĐT ngày 28/12/2016.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 01 năm 2017.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CHỦ TỊCH (đã ký) Nguyễn Văn Phóng |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN ------------------------ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------- |
QUY ĐỊNH
Về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2017/QĐ-UBND
ngày 11/01/2017 của UBND tỉnh Hưng Yên)
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về trách nhiệm của UBND các cấp, trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục và các sở, ngành liên quan trong việc quản lý dạy thêm, học thêm; trách nhiệm của học sinh và cha mẹ học sinh tham gia học thêm; thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; việc thu, quản lý và sử dụng tiền học thêm; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Những vấn đề khác liên quan đến dạy thêm, học thêm thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm.
2. Văn bản này áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm và các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém; việc bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền của học sinh, không coi là dạy thêm, học thêm.
Điều 2. Thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm
1. Không dạy thêm, học thêm vào ngày Chủ nhật và các ngày nghỉ lễ do nhà nước quy định.
Hàng ngày chỉ tổ chức dạy thêm vào các khoảng thời gian: từ 7 giờ sáng đến 11 giờ 30 phút; từ 13 giờ 30 phút đến 20 giờ.
2. Việc tổ chức dạy thêm, học thêm không quá 2 buổi/tuần đối với học sinh trung học cơ sở hoặc học sinh tiểu học bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không quá 3 buổi/tuần đối với học sinh trung học phổ thông. Mỗi buổi dạy thêm, học thêm không quá 3 tiết, mỗi tiết 45 phút.
3. Thời gian nghỉ hè chỉ được tổ chức dạy thêm cho học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10 trung học phổ thông, học sinh lớp 12 chuẩn bị thi trung học phổ thông quốc gia.
Chương II. THẨM QUYỀN CẤP GIẤY PHÉP DẠY THÊM VÀ THU, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN HỌC THÊM
Điều 3. Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm
1. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình trung học phổ thông hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học phổ thông.
2. Chủ tịch UBND cấp huyện cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình trung học cơ sở hoặc chương trình bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống đối với học sinh tiểu học.
Điều 4. Thu và quản lý, sử dụng tiền học thêm
1. Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường
a) Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm.
b) Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường nhưng không vượt quá mức thu đã quy định tại Quyết định số 15/2016/QĐ-UBND ngày 11/8/2016 của UBND tỉnh về việc quy định mức thu các khoản thu tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc tỉnh quản lý.
c) Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.
Nghiêm cấm giáo viên dạy thêm thu tiền hỗ trợ từ cha mẹ học sinh có con học thêm dưới bất cứ hình thức nào.
2. Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
a) Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm; phải niêm yết công khai mức thu tiền dạy thêm cho học sinh và phụ huynh biết.
b) Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền học thêm.
Chương III. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY THÊM, HỌC THÊM
Điều 5. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức triển khai, tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện quy định này và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
2. Ban hành các loại mẫu, văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến dạy thêm, học thêm để các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Quy định này.
3. Tổng hợp kết quả thực hiện quản lý dạy thêm, học thêm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo yêu cầu.
Điều 6. Trách nhiệm của các sở, ngành
Phối hợp, tuyên truyền, tham gia thanh tra, kiểm tra về những nội dung có liên quan theo quy định này và các quy định pháp luật khác về dạy thêm, học thêm trên cơ sở đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
2. Chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn để phát hiện các sai phạm, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý.
3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Có trách nhiệm xác nhận vào hồ sơ xin cấp hoặc gia hạn giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định.
b) Báo cáo kịp thời UBND cấp huyện về tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
Điều 8. Trách nhiệm của phòng Giáo dục và Đào tạo
1. Thực hiện việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường của tổ chức, cá nhân theo quy định. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
2. Phổ biến, chỉ đạo các trường, các tổ chức và cá nhân liên quan thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm.
3. Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo tổ chức hoặc phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra nội dung dạy thêm, học thêm; phát hiện và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
4. Tổng hợp kết quả thực hiện dạy thêm, học thêm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo theo yêu cầu.
Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xác nhận vào hồ sơ xin cấp hoặc gia hạn giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định.
2. Quản lý và xử lý những hành vi vi phạm về hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn, đồng thời phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm nhằm xử lý hoặc kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
3. Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm khi cấp trên yêu cầu.
Điều 10. Trách nhiệm của học sinh và cha mẹ học sinh tham gia học thêm
1. Trách nhiệm của học sinh
a) Học sinh phải có thái độ tôn trọng, lễ phép với người dạy thêm.
b) Chọn môn học thêm, lớp học thêm phù hợp với khả năng, trình độ, nhu cầu của bản thân. Phản ánh với người dạy hoặc người tổ chức hoạt động dạy thêm những vấn đề bất cập trong việc dạy thêm, học thêm để kịp thời giải quyết.
c) Khi tham gia học thêm phải có đơn xin học thêm, được sự đồng ý và cam kết của cha, mẹ.
2. Trách nhiệm của cha mẹ học sinh
a) Cha, mẹ học sinh có trách nhiệm hướng dẫn, chọn nội dung, hình thức học thêm phù hợp đáp ứng yêu cầu học tập, đảm bảo sức khỏe và thường xuyên quản lý việc học thêm của con mình.
b) Phản ánh kịp thời những bất cập trong dạy thêm, học thêm với tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm hoặc với cơ quan quản lý giáo dục theo phân cấp quản lý để được giải quyết.
Chương IV. THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 11. Thanh tra, kiểm tra
1. Hoạt động dạy thêm, học thêm chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục, của các cơ quan thanh tra cấp tỉnh, thanh tra chuyên ngành có liên quan và của chính quyền các cấp.
2. Sở Giáo dục và Đào tạochỉ đạo thanh tra Sở, các phòng chuyên môn thuộc Sở lập kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân có tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; tăng cường kiểm tra hiệu quả hoạt động dạy thêm, học thêm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân nêu trên.
Điều 12. Xử lý vi phạm
1. Cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính,phạt tiền, thu hồi giấy phép và các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ, giáo viên đang công tác, giảng dạy trong ngành Giáo dục và Đào tạo vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm thì tùy theo đối tượng, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CHỦ TỊCH (đã ký) Nguyễn Văn Phóng |