Thông tư 91/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Thông tư 91/2006/TT-BTC
Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 91/2006/TT-BTC | Ngày đăng công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Đỗ Hoàng Anh Tuấn |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 02/10/2006 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, Chính sách |
TÓM TẮT VĂN BẢN
* Chính sách đối với các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập - Ngày 02/10/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 91/2006/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 53/2006/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập. Theo đó, cơ sở ngoài công lập được liên doanh, liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật, nhằm huy động vốn, nhân lực và công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tài sản của cơ sở ngoài công lập bao gồm tài sản của cá nhân, tập thể tham gia góp vốn khi thành lập và phần tài sản được hình thành trong quá trình hoạt động, trong đó tài sản được hiến, tặng hoặc viện trợ không hoàn lại trong quá trình hoạt động của cơ sở ngoài công lập không được chia cho cá nhân, chỉ sử dụng chung cho lợi ích của cơ sở và cộng đồng. Cơ sở ngoài công lập được ưu tiên thuê nhà, cơ sở hạ tầng để cung cấp các sản phẩm dịch vụ trong các lĩnh vực giáo dục- đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, khoa học-công nghệ, môi trường (vệ sinh môi trường, cấp, thoát nước và hoạt động môi trường khác), xã hội (cơ sở chăm sóc người già cô đơn, chăm sóc người tàn tật, cơ sở cai nghiện ma tuý), dân số, gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của địa phương và của Nhà nước. Mức giá cho thuê không bao gồm tiền thuê đất, tiền đền bù giải phóng mặt bằng (nếu có) và lãi vay vốn xây dựng nhà, cơ sở hạ tầng theo dự án được duyệt, Được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động... Đối với cơ sở ngoài công lập xây dựng nhà, cơ sở vật chất thuộc đối tượng phải nộp phí xây dựng, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định chế độ miễn, giảm phí xây dựng cho cơ sở ngoài công lập để thực hiện ở địa phương... Trường hợp cơ sở công lập, bán công chuyển sang loại hình ngoài công lập thì được tiếp tục sử dụng đất giao không thu tiền, hoặc được giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất, hoặc được nhà nước cho thuê đất... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Xem chi tiết Thông tư 91/2006/TT-BTC tại đây
tải Thông tư 91/2006/TT-BTC
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 91/2006/TT-BTC NGÀY 02 THÁNG 10 NĂM 2006
HƯỚNG DẪN NGHỊ ĐỊNH SỐ 53/2006/NĐ-CP NGÀY 25/5/2006 CỦA
CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN
CÁC CƠ SỞ CUNG ỨNG DỊCH VỤ NGOÀI CÔNG LẬP
Căn cứ Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập; Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện về chính sách khuyến khích các cơ sở ngoài công lập như sau:
I. Đối tượng điều chỉnh quy định tại Điều 1 Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 53), được hướng dẫn thực hiện như sau:
1.Các cơ sở ngoài công lập được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá thông tin, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, xã hội, dân số, gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bao gồm:
a). Các cơ sở ngoài công lập được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 53 của Chính phủ, bao gồm cơ sở dân lập và cơ sở tư nhân (hoặc tư thục đối với giáo dục-đào tạo), hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao, khoa học công nghệ, môi trường (vệ sinh môi trường, cấp, thoát nước và hoạt động môi trường khác), xã hội (cơ sở chăm sóc người già cô đơn, chăm sóc người tàn tật, cơ sở cai nghiện ma tuý), cơ sở dân số, gia đình và trẻ em.
b). Các cơ sở ngoài công lập đã được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ.
2. Tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao, khoa học công nghệ, môi trường (vệ sinh môi trường, cấp, thoát nước và hoạt động môi trường khác), xã hội (cơ sở chăm sóc người già cô đơn, chăm sóc người tàn tật, cơ sở cai nghiện ma tuý), cơ sở bảo vệ chăm sóc trẻ em, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
II. Cơ sở ngoài công lập quy định tại Điều 2 Nghị định số 53, được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Cơ sở ngoài công lập là cơ sở do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tổ chức kinh tế, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoặc cộng đồng dân cư thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tự bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước và hoạt động theo quy định của pháp luật.
2. Cơ sở ngoài công lập được thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng được mở tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc nhà nước.
3.Cơ sở ngoài công lập được thành lập theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục- đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, khoa học-công nghệ, môi trường (vệ sinh môi trường, cấp, thoát nước và hoạt động môi trường khác), xã hội (cơ sở chăm sóc người già cô đơn, chăm sóc người tàn tật, cơ sở cai nghiện ma tuý), dân số, gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em.
III. Nguyên tắc hoạt động của các cơ sở ngoài công lập quy định tại Điều 3 Nghị định số 53, được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Cơ sở ngoài công lập hoạt động theo nguyên tắc tự đảm bảo kinh phí.
2. Nhà nước, xã hội coi trọng và đối xử bình đẳng trong hoạt động cũng như đối với các sản phẩm và dịch vụ của cơ sở ngoài công lập như cơ sở công lập. Các cơ sở ngoài công lập được tham gia các dịch vụ công do nhà nước tài trợ, đặt hàng; tham gia đấu thầu nhận các hợp đồng, dự án sử dụng nguồn vốn trong và ngoài nước phù hợp với chức năng nhiệm vụ hoạt động theo quy định của pháp luật.
3. Cơ sở ngoài công lập được liên doanh, liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật, nhằm huy động vốn, nhân lực và công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ.
4. Tài sản của cơ sở ngoài công lập bao gồm tài sản của cá nhân, tập thể tham gia góp vốn khi thành lập và phần tài sản được hình thành trong quá trình hoạt động; trong đó tài sản được hiến, tặng hoặc viện trợ không hoàn lại trong quá trình hoạt động của cơ sở ngoài công lập không được chia cho cá nhân, chỉ sử dụng chung cho lợi ích của cơ sở và cộng đồng.
5. Trường hợp cơ sở ngoài công lập ngừng hoạt động, phải giải thể thì vận dụng theo trình tự, thủ tục phá sản theo quy định của Luật phá sản.
IV. Cho thuê nhà, xây dựng cơ sở vật chất thực hiện Điều 4 Nghị định số 53, được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Cơ sở ngoài công lập được ưu tiên thuê nhà, cơ sở hạ tầng để cung cấp các sản phẩm dịch vụ trong các lĩnh vực giáo dục- đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, khoa học-công nghệ, môi trường (vệ sinh môi trường, cấp, thoát nước và hoạt động môi trường khác), xã hội (cơ sở chăm sóc người già cô đơn, chăm sóc người tàn tật, cơ sở cai nghiện ma tuý), dân số, gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của địa phương và của Nhà nước.
a). Căn cứ vào quỹ nhà, cơ sở hạ tầng hiện có, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện, khuyến khích các cơ quan có liên quan đầu tư, cải tạo nâng cấp quỹ nhà, cơ sở hạ tầng thuộc Nhà nước quản lý, để chuyển giao cho các cơ sở ngoài công lập thuê dài hạn với giá ưu đãi.
b). Căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét quyết định việc xây dựng mới nhà, cơ sở hạ tầng để cho các cơ sở ngoài công lập thuê dài hạn với giá ưu đãi.
2. Giá cho thuê ưu đãi đối với cơ sở ngoài công lập được xác định cụ thể như sau:
Mức giá cho thuê không bao gồm tiền thuê đất, tiền đền bù giải phóng mặt bằng (nếu có) và lãi vay vốn xây dựng nhà, cơ sở hạ tầng theo dự án được duyệt. Đơn giá cho thuê nhà, cơ sở hạ tầng đối với cơ sở ngoài công lập do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định cụ thể phù hợp với thực tế tại địa phương, cụ thể:
a). Đối với nhà cửa, cơ sở hạ tầng hiện có, giá cho thuê được xác định trên cơ sở đánh giá lại tài sản theo quy định hiện hành về quản lý tài sản.
b). Đối với nhà, cơ sở hạ tầng đầu tư xây dựng mới được xác định bằng giá xây dựng (bao gồm cả thuế của đơn vị xây dựng), không bao gồm tiền thuê đất, đền bù giải phóng mặt bằng, tiền lãi vay vốn xây dựng.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào tình hình cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương ban hành quy định về việc hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay vốn sửa chữa, xây dựng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức có chức năng kinh doanh nhà, cơ sở hạ tầng cho cơ sở ngoài công lập thuê.
Căn cứ để hỗ trợ lãi vay cho cơ quan, đơn vị, tổ chức có chức năng kinh doanh nhà, cơ sở hạ tầng do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.
3. Hồ sơ, thủ tục để được xét hưởng ưu đãi thuê nhà, cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu Nhà nước theo hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định.
4. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính, cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan khác để các cơ sở ngoài công lập thực hiện đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất theo quy hoạch.
5. Đối với cơ sở ngoài công lập xây dựng nhà, cơ sở vật chất thuộc đối tượng phải nộp phí xây dựng, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định chế độ miễn, giảm phí xây dựng cho cơ sở ngoài công lập để thực hiện ở địa phương.
6. Trường hợp cơ sở ngoài công lập xây dựng nhà, cơ sở vật chất nằm trong các dự án, khu đô thị mới đã được xây dựng cơ sở hạ tầng phải nộp chi phí xây dựng hạ tầng, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào khả năng của ngân sách địa phương ban hành quy định về việc hỗ trợ một phần chi phí xây dựng hạ tầng cho cơ sở ngoài công lập.
Hồ sơ, thủ tục để được xem xét hỗ trợ chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho cơ sở ngoài công lập theo hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
V. Giao đất, cho thuê đất quy định tại Điều 5 Nghị định số 53, được hướng dẫn như sau:
1. Cơ sở ngoài công lập hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, phục vụ lợi ích công cộng được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
2. Cơ sở ngoài công lập hoạt động trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, môi trường (vệ sinh môi trường, cấp, thoát nước và hoạt động môi trường khác), xã hội (cơ sở chăm sóc người già cô đơn, chăm sóc người tàn tật, cơ sở cai nghiện ma tuý), dân số, gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em phục vụ lợi ích công cộng và các công trình khác được lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất; hoặc thuê đất nhưng được miễn thu tiền thuê đất trong thời hạn được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
3. Cơ sở ngoài công lập nêu tại điểm 1 và 2 khoản V này phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đất theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư (nếu có), và được hạch toán vào vốn đầu tư của dự án.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ quy mô, tính chất quan trọng của dự án đầu tư, căn cứ khả năng ngân sách địa phương ban hành quy định về việc hỗ trợ một phần cho cơ sở ngoài công lập các khoản chi phí này hoặc hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi suất phát sinh khi cơ sở ngoài công lập thực hiện vay vốn, huy động vốn để chi thực hiện những nhiệm vụ nêu tại mục này.
4. Trường hợp cơ sở công lập, bán công chuyển sang loại hình ngoài công lập thì được tiếp tục sử dụng đất giao không thu tiền, hoặc được giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất, hoặc được nhà nước cho thuê đất theo hướng dẫn tại điểm 1 và điểm 2 mục V này.
5. Cơ sở ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, khoa học công nghệ, môi trường (vệ sinh môi trường, cấp, thoát nước và hoạt động môi trường khác), xã hội (cơ sở chăm sóc người già cô đơn, chăm sóc người tàn tật, cơ sở cai nghiện ma tuý), dân số, gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em phải sử dụng đất đúng mục đích; trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích thì cơ sở ngoài công lập bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai, đồng thời phải nộp lại toàn bộ tiền thuê đất được miễn theo giá đất tại thời điểm bị thu hồi đối với thời gian sử dụng không đúng mục đích, và phải nộp lại những khoản cơ sở ngoài công lập được ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 53/2006/NĐ-CP
6. Thủ tục, trình tự giao đất, cho thuê đất, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chuyển tài sản gắn với quyền sử dụng đất từ hình thức công lập, bán công sang ngoài công lập thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.
7. Cơ sở ngoài công lập được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất, cho thuê đất nhưng miễn thu tiền thuê đất phải thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Đất đai; Không được tính giá trị quyền sử dụng đất đang sử dụng vào tài sản của mình để thực hiện thế chấp tài sản khi cầm cố, vay vốn.
VI. Xử lý tài sản trên đất khi chuyển các cơ sở công lập, bán công ra ngoài công lập quy định tại Điều 6 Nghị định số 53, được hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Xử lý tài sản trên đất khi các cơ sở công lập, bán công được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển sang loại hình ngoài công lập (hoặc doanh nghiệp) như sau:
a). Khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép cơ sở công lập, bán công chuyển đổi hình thức hoạt động sang cơ sở ngoài công lập (hoặc doanh nghiệp) thì đơn vị phải tiến hành kiểm kê toàn bộ tài sản. Đánh giá lại giá trị tài sản theo quy định của pháp luật tại thời điểm kiểm kê; lập phương án xử lý tài sản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính (đối với tài sản thuộc cơ quan do trung ương quản lý), báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc trung ương (đối với tài sản thuộc cơ quan do địa phương quản lý).
Phương án xử lý tài sản phải báo cáo đầy đủ số lượng và giá trị tài sản hiện có; nhu cầu sử dụng tài sản; số lượng tài sản bán cho cơ sở ngoài công lập (hoặc doanh nghiêp); tài sản cho cơ sở ngoài công lập (hoặc doanh nghiệp) thuê; tài sản chuyển giao hoặc trả lại cho nhà nước.
b). Phương pháp đánh giá lại giá trị tài sản như sau:
- Đối với những tài sản mới mua hoặc mới lắp đặt, xây dựng xong đưa vào sử dụng, giá trị đánh giá lại được căn cứ vào giá mua thực tế trên hoá đơn được cấp có thẩm quyền chấp nhận thanh toán, giá lắp đặt, xây dựng mới theo quyết toán công trình được duyệt, hoặc quyết toán hoàn thành các hạng mục công trình (đối với công trình dở dang).
- Đối với những tài sản đã sử dụng lâu, khi đánh giá phải xác định lại giá trị tài sản theo giá tại thời điểm có quyết định đánh giá; việc xác định giá trị tài sản được căn cứ vào chất lượng còn lại của từng tài sản và đơn giá thực tế mua mới tài sản đó tại thời điểm và địa điểm đánh giá.
Giá trị còn lại của từng tài sản (đồng) |
= |
Tỷ lệ % chất lượng còn lại của từng loại tài sản |
x |
Giá mua hoặc giá xây dựng mới của từng tài sản tại thời điểm đánh giá (đồng) |
+ Tỷ lệ chất lượng còn lại của từng tài sản được xác định căn cứ vào tài sản, thời gian sử dụng và thời gian đã sử dụng của từng tài sản đó để xác định. Riêng đối với nhà cửa và vật kiến trúc thực hiện theo quy định tại phần II Thông tư Liên Bộ Xây dựng - Tài chính - Vật giá Chính phủ số 13/LB-TT ngày 18-8-1994.
+ Giá mua của tài sản là giá của loại tài sản cùng loại được bán trên thị trường tại thời điểm đánh giá.
Giá xây dựng mới của nhà cửa công trình xây dựng được tính như sau:
Giá xây dựng mới của nhà cửa công trình XD |
= |
Đơn giá 1m2 xây dựng mới |
x |
Diện tích xây dựng của nhà cửa, công trình xây dựng |
Đơn giá 1m2 xây dựng mới được áp dụng theo bảng giá chuẩn đơn giá xây dựng để duyệt quyết toán cho những công trình tương tự cùng loại tại thời điểm và địa điểm đánh giá theo hướng dẫn của cơ quan quản lý xây dựng.
- Tổng giá trị còn lại của toàn bộ tài sản phải đánh giá là giá trị còn lại của từng tài sản cộng lại.
2. Trường hợp tài sản của nhà nước đầu tư được bán cho cơ sở ngoài công lập (hoặc doanh nghiệp) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được thực hiện như sau:
a). Căn cứ vào kết quả đánh giá lại giá trị tài sản do các tổ chức có chức năng định giá tài sản Nhà nước thực hiện, và báo cáo của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) gửi đến, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan đoàn thể Trung ương quyết định bán tài sản của Nhà nước cho các cơ sở ngoài công lập sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính (đối với tài sản thuộc cơ quan do trung ương quản lý). Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định bán tài sản của nhà nước cho cơ sở ngoài công lập (đối với tài sản thuộc cơ quan do địa phương quản lý).
b). Thủ tục bán, thanh lý tài sản Nhà nước như sau:
- Thành lập Hội đồng bán, thanh lý tài sản Nhà nước:
Thủ trưởng các Bộ, cơ quan đoàn thể Trung ương, hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập Hội đồng bán, thanh lý tài sản Nhà nước cho cơ sở ngoài công lập. Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp làm chủ tịch Hội đồng cùng với các thành viên:
+ Đại diện bộ phận kế toán, tài vụ của cơ quan.
+ Đại diện bộ phận trực tiếp quản lý tài sản.
+ Chuyên gia có hiểu biết về đặc điểm, tính năng kỹ thuật của tài sản được bán.
- Tổ chức việc bán tài sản của Nhà nước cho cơ sở ngoài công lập.
Sau khi hoàn thành việc bán tài sản của nhà nước cho cơ sở ngoài công lập (hoặc doanh nghiệp), cơ quan trực tiếp quản lý tài sản và cơ quan chủ quản được ghi giảm tài sản và giá trị tài sản theo đúng số lượng, giá trị hạch toán trên sổ sách kế toán tại thời điểm bán hoặc thanh lý tài sản.
d). Toàn bộ tiền bán tài sản sau khi trừ đi các chi phí cho công tác bán, thanh lý tài sản theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành được xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp tài sản do nhà nước đầu tư, cho cơ sở ngoài công lập thuê lại được tổ chức thực hiện như sau:
- Tất cả tài sản của nhà nước cho cơ sở ngoài công lập (hoặc doanh nghiệp) thuê lại được quản lý theo chế độ quản lý tài sản của nhà nước. Tài sản do nhà nước quản lý cho cơ sở ngoài công lập thuê được chuyển giao cho tổ chức của nhà nước có chức năng cho thuê tài sản của nhà nước, hoặc cơ quan tài chính cùng cấp (đối với nơi không có tổ chức cho thuê tài sản của nhà nước) để quản lý và cho cơ sở ngoài công lập thuê.
- Cơ sở ngoài công lập (hoặc doanh nghiệp) thực hiện ký hợp đồng thuê tài sản nhà nước đối với tổ chức của nhà nước có chức năng cho thuê tài sản nhà nước, hoặc cơ quan tài chính cùng cấp (đối với nơi không có tổ chức cho thuê tài sản của nhà nước). Thanh toán trả tiền thuê tài sản hàng năm theo hợp đồng đã ký và thực hiện việc xử lý tiền cho thuê theo quy định của pháp luật.
- Giá cho thuê tài sản được xác định theo giá trị do các tổ chức có chức năng định giá tài sản nhà nước đánh giá lại tại thời điểm chuyển giao, thời gian sử dụng còn lại của từng loại tài sản để xác định giá cho thuê và do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định (đối với tài sản của các cơ sở do địa phương quản lý); do Bộ Tài chính quyết định (đối với tài sản của các đơn vị thuộc Bộ, ngành Trung ương quản lý trên cơ sở đề nghị của Bộ, ngành quản lý tài sản.
Tài sản của nhà nước cho cơ sở ngoài công lập (hoặc doanh nghiệp) thuê, nếu hết thời gian thuê theo hợp đồng đã ký mà cơ sở ngoài công lập không còn nhu cầu thuê tiếp, hoặc trong thời gian hợp đồng thuê còn hiệu lực mà sử dụng sai mục đích như: chuyển giao, chuyển nhượng cho đơn vị khác thuê lại sử dụng mà chưa được cơ quan ký hợp đồng cho thuê đồng ý, thì cơ quan ký hợp đồng cho thuê thực hiện thu hồi tài sản và không được bồi thường. Trong quá trình sử dụng nếu tài sản bị hư hỏng không sửa chữa được, hoặc đã hết thời hạn không còn sử dụng được thì cơ sở ngoài công lập (hoặc doanh nghiệp) phải có văn bản đề nghị cơ quan quản lý tài sản xử lý bán, hoặc thanh lý theo quy định hiện hành.
4. Thủ tục và trình tự chuyển đổi cơ sở công lập, bán công sang loại hình ngoài công lập (hoặc doanh nghiệp) của từng lĩnh vực theo hướng dẫn của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
VII. Về thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện Điều 8 Nghị định số 53, được hướng dẫn như sau:
1. Cơ sở ngoài công lập trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường (vệ sinh môi trường, cấp, thoát nước và hoạt động môi trường khác), xã hội (cơ sở chăm sóc người già cô đơn, chăm sóc người tàn tật, cơ sở cai nghiện ma tuý), dân số, gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em có các hoạt động: dạy học; dạy nghề; y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và kế hoạch hoá gia đình; biểu diễn ca múa, nhạc dân tộc, nghệ thuật dân tộc, chiếu phim; sưu tầm, bảo tồn, phát triển, phổ biến văn hoá dân tộc; triển lãm và hoạt động thể dục thể thao, nghiên cứu triển khai, chăm sóc người già, chăm sóc trẻ em, người tàn tật, được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động.
2. Cơ sở ngoài công lập có các hoạt động khác ngoài các hoạt động nêu tại điểm 1 khoản này thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành và các văn bản hướng dẫn.
3. Cơ sở ngoài công lập được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành và các văn bản hướng dẫn. Trình tự, thủ tục, phương pháp xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành.
VIII. Huy động vốn đầu tư quy định tại Điều 9 Nghị định số 53, được hướng dẫn như sau:
1. Huy động vốn
a). Cơ sở ngoài công lập được vay vốn để đầu tư các dự án hoạt động trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo và y tế và hưởng ưu đãi tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước theo quy định của pháp luật.
b). Cơ sở ngoài công lập được vay vốn của các tổ chức kinh tế, cá nhân để đầu tư phát triển cơ sở vật chất và có trách nhiệm sử dụng, hoàn trả vốn vay theo thoả thuận. Khoản chi trả lãi được hạch toán vào chi phí của cơ sở ngoài công lập.
c). Cơ sở ngoài công lập được phép huy động vốn dưới dạng góp cổ phần, vốn góp từ người lao động trong đơn vị, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác thông qua hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Phần lãi trả cho vốn góp cổ phần được lấy từ lợi nhuận sau thuế của cơ sở ngoài công lập.
d). Lãi suất huy động vốn do cơ sở ngoài công lập thỏa thuận với tổ chức cho vay theo quy định của pháp luật. Lãi suất huy động vốn phải được ghi trong khế ước hoặc hợp đồng vay vốn.
2. Trách nhiệm sử dụng và hoàn trả vốn vay, vốn huy động:
Việc huy động vốn, vay vốn cần được tính toán, cân nhắc kỹ về hiệu quả kinh tế. Vốn vay, vốn huy động phải sử dụng đúng mục đích đã cam kết với tổ chức, cá nhân cho vay vốn. Vốn vay, vốn huy động phải được quản lý chặt chẽ, đầu tư có hiệu quả. Cơ sở ngoài công lập phải trả nợ gốc và lãi theo đúng cam kết khi huy động vốn.
Chủ tịch Hội đồng quản trị (hay Hội đồng trường) hoặc Thủ trưởng (đối với cơ sở ngoài công lập không có Hội đồng quản trị) chịu trách nhiệm phê duyệt phương án huy động vốn. Nếu phương án huy động vốn không có hiệu quả dẫn đến tổn thất tài sản, thua lỗ thì Chủ tịch Hội đồng quản trị (hay Hội đồng trường), Thủ trưởng cơ sở ngoài công lập phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ thực tế ở địa phương và theo khả năng ngân sách của địa phương quyết định chế độ về việc hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay cho các cơ sở ngoài công lập đã đầu tư xây dựng các dự án thuộc các lĩnh vực nêu tại khoản 1, Mục I Thông tư này. Phương thức hỗ trợ thực hiện theo Thông tư số 51/2001/TT-BTC ngày 28/6/2001 của Bộ tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 58/2001/QĐ-TTg ngày 24/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; mức tính lãi suất để tính hỗ trợ không vượt quá mức lãi suất vay ngân hàng Đầu tư phát triển cùng thời điểm.
IX. Đào tạo cán bộ quy định tại Điều 11 Nghị định số 53, được hướng dẫn như sau:
1. Cơ sở ngoài công lập có kế hoạch và chủ động thực hiện các hình thức đào tạo để nâng cao trình độ cho người lao động, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ theo quy định của ngành nghề hoạt động.
2. Chi phí đào tạo khi cử người lao động đi học tập (do cơ sở ngoài công lập trả lương) trong và ngoài nước được tính vào chi phí hợp lệ của cơ sở ngoài công lập theo quy định.
3. Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở kế hoạch đào tạo để chuẩn hoá bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cơ bản cho cán bộ thuộc các cơ sở ngoài công lập, Uỷ ban nhân dân các cấp tuỳ theo khả năng ngân sách của địa phương xem xét hỗ trợ kinh phí đào tạo cho đội ngũ cán bộ thuộc các cơ sở ngoài công lập.
- Nội dung hỗ trợ bao gồm:
+ Chi thù lao giảng viên; chi phí cho việc đi lại, ăn ở của giảng viên.
+ Chi tài liệu học tập.
+ Chi tổ chức lớp học như: tiền thuê hội trường, phòng học, thiết bị phục vụ học tập; biên soạn chương trình, giáo trình giảng dạy; chi ra đề thi, coi thi, chấm thi; tiền điện, nước, văn phòng phẩm, chi phục vụ, trông xe; chi tổ chức cho học viên đi khảo sát, thực tế; chi tiền thuốc y tế thông thường cho học viên; chi phí ăn ở cho cán bộ quản lý lớp của cơ sở đào tạo trong trường hợp phải tổ chức lớp ở xa cơ sở ngoài công lập.
Phương thức hỗ trợ:
+ Căn cứ vào dự toán chi đào tạo được thông báo hỗ trợ hàng năm, cơ sở ngoài công lập ứng chi phí đào tạo cho người lao động do cơ sở trả lương khi cử đi học. Căn cứ vào số chi đào tạo cán bộ của cơ sở ngoài công lập thực tế phát sinh theo yêu cầu, hàng quý, năm cơ sở lập báo cáo gửi cơ quan tài chính cùng cấp đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo.
+ Cơ quan tài chính các cấp: Bộ Tài chính, Sở Tài chính, Phòng Tài chính căn cứ vào đề nghị của các cơ sở ngoài công lập trình cấp có thẩm quyền để cấp hỗ trợ kinh phí đào tạo cho cơ sở ngoài công lập theo chế độ hiện hành của nhà nước.
4. Căn cứ vào kế hoạch đào tạo cán bộ cho cơ sở ngoài công lập hàng năm do các Bộ chuyên ngành (ở Trung ương) và Sở chuyên ngành (ở địa phương) lập, cơ quan tài chính các cấp bố trí ngân sách và giao dự toán để hỗ trợ chi đào tạo cho các cơ sở ngoài công lập trong năm theo kế hoạch.
Dự toán ngân sách hỗ trợ hàng năm cho cơ sở ngoài công lập được thực hiện công khai và thông báo đến các cơ sở ngoài công lập được hỗ trợ.
X. Nguồn thu của cơ sở ngoài công lập quy định tại Điều 13 Nghị định số 53, được hướng dẫn như sau:
1. Trên cơ sở các khoản thu được quy định tại Nghị định số 53, cơ sở ngoài công lập chủ động quản lý sử dụng nguồn thu, đảm bảo thực hiện chính sách xã hội đối với các đối tượng chính sách theo quy định của Nhà nước.
2. Đối với các khoản thu phí, lệ phí theo quy định của Nhà nước, khoản thu từ hoạt động cung cấp hàng hoá, dịch vụ khác, thu từ lãi được chia từ các hoạt động liên doanh, liên kết; lãi từ tiền gửi ngân hàng, trái phiếu cơ sở ngoài công lập phải theo dõi chặt chẽ và ghi chép vào sổ sách kế toán theo quy định của pháp luật.
3. Đối với những khoản thu phí, lệ phí Nhà nước không quy định mức thu, cơ sở ngoài công lập được tự quyết định nhưng phải công khai mức thu.
4. Đối với kinh phí do nhà nước cấp (nếu có), cơ sở ngoài công lập phải theo dõi riêng và quyết toán theo quy định về chế độ báo cáo, quyết toán của của Nhà nước, cụ thể :
- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng.
- Kinh phí hỗ trợ thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ.
- Kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
- Kinh phí thực hiện chương trình đào tạo bồi dưỡng người lao động.
- Các khoản tài trợ, hỗ trợ lãi suất.
- Khoản kinh phí khác.
5. Đối với các khoản thu từ viện trợ, tài trợ, quà biếu, tặng phải được theo dõi và công khai theo điều lệ hoạt động của cơ sở ngoài công lập.
XI. Phân phối kết quả tài chính của cơ sở ngoài công lập quy định tại Điều 14 Nghị định số 53, được hướng dẫn như sau:
1. Căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính hàng năm, thu nhập của cơ sở ngoài công lập sau khi đã trang trải các khoản chi phí, chi trả lãi vay, nộp đủ thuế cho ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật được phân phối để trích lập các quỹ và chia lãi cho các thành viên góp vốn.
2. Nội dung các khoản chi và mức chi do cơ sở ngoài công lập tự quyết định và chịu trách nhiệm, nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định của Nhà nước đối với các khoản chi phí hợp lệ để làm căn cứ xác định thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở ngoài công lập. Các nội dung chi phải được theo dõi, phản ảnh đầy đủ trên số sách kế toán của cơ sở ngoài công lập.
3. Việc trích lập các quỹ, mức chi trả thu nhập cho người lao động và chia lãi cho các thành viên góp vốn do Hội đồng Quản trị (hay Hội đồng trường) hoặc Thủ trưởng (đối với cơ sở không có Hội đồng quản trị) cơ sở ngoài công lập quyết định phù hợp với Điều lệ tổ chức hoạt động của cơ sở.
XII. Trách nhiệm của cơ sở ngoài công lập quy định tại Điều 15 Nghị định số 53, được hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Các cơ sở ngoài công lập phải đăng ký với cơ quan thuế khi hoạt động. Định kỳ hàng quý và hàng năm lập báo cáo hoạt động nghiệp vụ chuyên môn gửi cơ quan quản lý ngành (cơ quan cấp phép hoạt động). Báo cáo hoạt động tài chính gửi cơ quan quản lý ngành và cơ quan tài chính cùng cấp. (Báo cáo tài chính thực hiện theo chế độ kế toán hiện hành áp dụng cho các đơn vị ngoài công lập). Tổ chức công tác kế toán, thống kê theo quy định của pháp luật.
2. Cơ sở ngoài công lập phải tuân thủ theo điều lệ hoạt động, bảo đảm các điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, nhân lực, cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật để cung cấp cho xã hội các sản phẩm, dịch vụ đạt yêu cầu, tiêu chuẩn về nội dung và chất lượng.
3. Hàng năm, các cơ sở ngoài công lập phải thực hiện công khai hoạt động của cơ sở và công khai tình hình hoạt động tài chính. Hội đồng Quản trị (hay Hội đồng trường) hoặc Thủ trưởng (đối với cơ sở không có Hội đồng quản trị) cơ sở ngoài công lập thực hiện công khai theo điều lệ hoạt động của cơ sở ngoài công lập. Đặc biệt cần công khai các nội dung sau:
- Công khai mức thu phí, lệ phí.
- Công khai mức hỗ trợ và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ cho cơ sở ngoài công lập.
- Công khai các khoản đóng góp cho ngân sách nhà nước của cơ sở ngoài công lập.
5. Cơ sở ngoài công lập do tổ chức, cá nhân thành lập phải đăng ký nội dung hoạt động chuyên môn với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương và hoạt động theo quy định của pháp luật. Đăng ký hoạt động với cơ quan thuế để làm căn cứ ưu đãi hoặc tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
XIII. Quản lý nhà nước đối với cơ sở ngoài công lập quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định số 53, được hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực bố trí cán bộ theo dõi, quản lý cơ sở ngoài công lập để giúp Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước đối với các cơ sở ngoài công lập.
Định kỳ hàng quý và hàng năm, cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực lập báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động của các cơ sở ngoài công lập gửi chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Bộ, ngành quản lý theo từng lĩnh vực.
Định kỳ hàng năm các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đánh giá tình hình thực triển khai thực hiện xã hội hoá thuộc phạm vi quản lý, gửi báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ chuyên ngành và các cơ quan có liên quan .0
Các Bộ quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực đã nêu tại điểm a, khoản 1, Mục 1 thông tư này có trách nhiệm lập báo cáo tổng hợp để báo cáo Chính phủ, đồng gửi đến Bộ Tài chính.
Cơ quan quản lý ngành đối với cơ sở ngoài công lập có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động của các cơ sở ngoài công lập gửi Tổng cục Thống kê (nếu cơ sở do Trung ương thành lập) và Cục Thống kê địa phương (nếu cơ sở do địa phương thành lập).
2. Cơ quan tài chính, cơ quan quản lý nhà nước đối với các cơ sở ngoài công lập phối hợp với cơ quan hữu quan, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra chất lượng sản phẩm, dịch vụ, xử lý vi phạm đối với cơ sở ngoài công lập trong quá trình hoạt động.
3. Các cơ sở ngoài công lập hoạt động có sai phạm nghiêm trọng phải đình chỉ hoạt động. Cấp nào cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở ngoài công lập thì cấp đó quyết định đình chỉ hoạt động của cơ sở ngoài công lập.
Cơ quan ra quyết định đình chỉ, giải thể các cơ sở ngoài công lập phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình.
4. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:
- Quy hoạch sử dụng đất của địa phương, ưu tiên dành quỹ đất cho các cơ sở ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, khoa học- công nghệ, môi trường, xã hội, dân số, gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em.
- Căn cứ hướng dẫn cụ thể của thông tư này và các thông tư hướng dẫn của các Bộ theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập ban hành chế độ quy định ưu đãi cụ thể về giao đất, cho thuê đất, về hỗ trợ lãi suất...phù hợp với quy mô, hình thức hoạt động, loại hình ngoài công lập; phù hợp với yêu cầu phát triển của từng lĩnh vực ở địa phương.
- Căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng ngân sách của địa phương, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành chính sách ưu đãi thêm đối với cơ sở ngoài công lập; bố trí nguồn kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các cơ sở ngoài công lập vào dự toán ngân sách địa phương hàng năm.
- Những chế độ chính sách do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành quy định ưu đãi tại Mục IV; Mục V; và
Mục XIII này, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần báo cáo xin ý kiến Hội đồng nhân dân trước khi ban hành.
- Chỉ đạo cơ quan thuế ở địa phương cấp mã số thuế cho cơ sở ngoài công lập, báo cáo tình hình ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ sở ngoài công lập thực hiện theo Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ theo quy định.
XIV. Tổ chức thực hiện:
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 18/2000/TT-BTC ngày 1/3/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 73/1999/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/8/1999 về chế độ tài chính khuyến khích đối với các cơ sở ngoài công lập trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao.
2. Các cơ sở ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao đã thành lập theo Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 phải đăng ký lại với cơ quan thuế để tiếp tục được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh phản ảnh về Bộ Tài chính để kịp thời giải quyết./.
Nơi nhận : |
KT. BỘ TRƯỞNG |