Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7289:2003 An toàn trong lấy mẫu sản phẩm hóa dùng trong công nghiệp
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7289:2003
Số hiệu: | TCVN 7289:2003 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Lĩnh vực: | Công nghiệp | |
Ngày ban hành: | 07/10/2003 | Hiệu lực: | |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
tải Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7289:2003
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
TIÊU CHUẨN VIỆT NAM
TCVN 7289:2003
LẤY MẪU SẢN PHẨM HÓA DÙNG TRONG CÔNG NGHIỆP - AN TOÀN TRONG LẤY MẪU
Sampling of chemical products for industrial use - Safety in sampling
1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Tiêu chuẩn này đưa ra những yêu cầu liên quan đến sự an toàn trong lấy mẫu các sản phẩm hóa dùng trong công nghiệp.
2. Yêu cầu chung
2.1. Những yêu cầu sau đây áp dụng cho tất cả các thao tác lấy mẫu, dù bản chất của nguyên liệu lấy mẫu là bất cứ loại nào. Người thao tác phải:
- đến và ra khỏi nơi thực hiện lấy mẫu một cách an toàn;
- nơi thực hiện lấy mẫu phải đảm bảo thông thoáng và đủ sáng.
Những điểm lấy mẫu tại các vị trí cố định phải được sắp xếp để đáp ứng đủ các yêu cầu an toàn cũng như những điều kiện đặc biệt khác phát sinh do tính chất của nguyên liệu được lấy mẫu. Cần chú ý tránh đổ vỡ khi lấy mẫu từ đỉnh bình chứa mẫu hay phương tiện chở mẫu, tránh làm đổ những vật chứa chứa đầy mẫu hay những vật rắn trong khối hàng.
2.2. Nếu bản thân nguyên liệu lấy mẫu mang tính độc hại, cần phải tuân theo những yêu cầu chung sau:
2.2.1. Thao tác lấy mẫu phải được tiến hành theo cách thức không làm tổn hại đến sự an toàn của khối hàng.
Điều này áp dụng đặc biệt đối với việc lấy mẫu chất lỏng qua van, khi van bị kẹt ở vị trí mở, có thể dẫn đến số lượng lớn chất lỏng thoát ra. Những thiết bị được sử dụng để lấy những mẫu này cần được sắp xếp sao cho hạn chế tổng số lượng lấy ra tại bất kỳ thời điểm nào và để giới hạn tốc độ dòng chảy tới một giá trị thích hợp.
Trong trường hợp mẫu là chất lỏng, chất lỏng rất dễ tràn ra, vì vậy phải bố trí một máng thoát, một khay hứng để hứng chất lỏng bị tràn một cách an toàn và một tấm chắn để bảo vệ người lấy mẫu khỏi bị chất lỏng văng vào.
Đối với chất lỏng và chất khí, khi có thể, cần phải cách ly điểm lấy mẫu khỏi khối hàng hoặc đường dẫn bằng một van khóa gần đó nhưng không được liền kề ngay điểm lấy mẫu, để có thể kiểm soát được dòng chảy từ một nơi an toàn khi xảy ra sự cố.
Trong tất cả các trường hợp, người lấy mẫu phải đảm bảo rằng các gói mẫu đã mở hoặc điểm lấy mẫu phải được người có trách nhiệm đóng lại một cách an toàn.
2.2.2. Khi cần thiết, phải tráng vật chứa mẫu bằng nguyên liệu được lấy mẫu, và nếu nguyên liệu này là nguyên liệu độc hại thì cần phải có các thiết bị thích hợp để chứa nguyên liệu tráng đã được sử dụng. Chất khí thoát ra không ảnh hưởng đến người lấy mẫu và người khác.
2.2.3. Cỡ mẫu và tần suất lấy mẫu không được lớn hơn mức cần thiết cho mục đích thử nghiệm.
2.2.4. Mẫu trong vật chứa phải được vận chuyển bằng phương tiện thích hợp, được thiết kế và chế tạo để dễ bị xử lý và giảm thiểu những nguy cơ và hậu quả của việc làm vỡ vật chứa mẫu.
2.2.5. Các thiết bị bao gồm những dụng cụ và vật chứa phải tương thích với nguyên liệu lấy mẫu và phù hợp với mục đích đã định. Ví dụ, vật chứa mẫu phải kín và phải lắp van xả áp. Mẫu phải được để cách xa các sản phẩm hóa học khác để tránh sự tương tác giữa chúng.
2.2.6. Trước khi lấy mẫu, hoặc càng sớm càng tốt, cần đánh dấu vật chứa để chỉ rõ bản chất của nguyên liệu và mức độ rủi ro liên quan đến nó.
2.2.7. Người lấy mẫu phải nhận thức một cách đầy đủ về bản chất độc hại của nguyên liệu và cần chú ý khi lấy mẫu. Người lấy mẫu phải được hướng dẫn sử dụng tất cả các trang thiết bị để đảm bảo an toàn, kể cả bình cứu hỏa, quần áo bảo hộ và kính bảo hộ vv… Người lấy mẫu phải được hướng dẫn báo cáo với người giám sát trước và sau khi lấy mẫu. Đồng thời, phải báo cáo với người có thẩm quyền về mọi tình huống xảy ra một cách bất thường.
Nếu chất lấy mẫu là chất độc, người lấy mẫu phải được hướng dẫn để báo cáo ngay lập tức với người giám sát khi cảm thấy bất ổn.
2.2.8. Người lấy mẫu phải có người đi kèm làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho người lấy mẫu. Trong suốt quá trình lấy mẫu, người đi kèm sẽ đứng ở vị trí thuận tiện để quan sát toàn bộ quá trình. Người quan sát phải được hướng dẫn một cách cụ thể các thao tác khi xảy ra trường hợp khẩn cấp. Những hướng dẫn này yêu cầu người quan sát trước tiên phải báo động và không được thực hiện công việc cứu chữa một mình, trừ trường hợp đặc biệt.
2.2.9. Những yêu cầu chung và cụ thể này được áp dụng như những hướng dẫn cảnh báo cần thiết trong việc chuẩn bị cho tất cả các công đoạn lấy mẫu.
2.2.10. Thiết bị bảo vệ mắt phải được sử dụng liên tục ở mọi nơi khi tiếp xúc với hóa chất.
2.2.11. Cần nhấn mạnh rằng, các yêu cầu trực tiếp về thao tác của người lấy mẫu phải được tính đến một cách cặn kẽ những hậu quả của rủi ro ít gặp phải nhất có thể xảy ra như tràn hóa chất lỏng, hỏng van khóa vv…
Người lấy mẫu phải được cung cấp những hướng dẫn cụ thể cả trong trường hợp thông thường cũng như những việc phải làm khi sự cố xảy ra. Điều quan trọng khác đó là người quan sát phải được hướng dẫn cụ thể mức độ an toàn khi mẫu được lấy là chất độc hay chất ăn mòn nguy hiểm (xem 3.4 và 3.5).
3. Yêu cầu cụ thể đối với nguyên liệu độc hại
Những đặc tính hóa học và vật lý của nguyên liệu được lấy mẫu có thể có ảnh hưởng sinh lý trực tiếp hay tương tự như vậy, ví dụ, nguy cơ về cháy nổ. Mức độ rủi ro luôn biến đổi và chỉ có thể đưa ra hướng dẫn chung. Việc phân loại tổng quát các nguy cơ rủi ro được liệt kê dưới đây cùng với những cảnh báo thích hợp được bổ sung vào điều 2.2. Giả định rằng, trong trường hợp thiếu thông tin an toàn, tất cả các nguyên liệu mới cần lấy mẫu đều mang tính độc hại.
Có rất nhiều hóa chất có nhiều tính chất độc hại. Ví dụ, benzen là chất độc và dễ cháy, và dạng khí của benzen gây nổ khi tương tác với không khí.
Những thông tin thêm về từng chất xem phần tài liệu tham khảo.
Các chất nguy hiểm sau có thể gặp:
- các chất nổ, bao gồm các chất không bền vững không được sử dụng như chất nổ (xem 3.1);
- các chất ôxy hóa (xem 3.2);
- các chất dễ cháy (xem 3.3);
- các chất độc (xem 3.4);
- các chất ăn mòn và gây kích ứng (xem 3.5);
- các chất nguy hiểm do trạng thái vật lý của chúng, đáng chú ý là nhiệt độ và áp suất của chúng (xem 3.6);
- các chất phóng xạ (xem 3.7);
3.1. Chất nổ và các chất không bền vững
3.1.1. Ví dụ
Những chất không bền vững được giữ trong nước hay những chất lỏng khác, hydro peroxit đậm đặc, keton peroxit, axetylen, axit hữu cơ peroxy.
3.1.2. Cảnh báo bổ sung
3.1.2.1. Vật chứa mẫu phải được đóng kín để ngăn chặn sự thất thoát của các thành phần hay bay hơi, nhưng cũng phải đảm bảo an toàn về áp suất.
3.1.2.2. Mẫu phải được bảo quản tránh nhiệt độ cao và bị lắc mạnh. Mẫu phải được vận chuyển bằng các phương tiện chuyên dùng để tránh bị vỡ hay rò rỉ.
3.1.2.3. Tất cả các sự cố khi hóa chất bị đổ phải được báo cáo ngay để có hành động xử lý tức thời.
3.1.2.4. Nghiêm cấm những nguồn lửa trần, hút thuốc và những thiết bị có thể tạo ra các tia lửa.
3.1.2.5. Phải mặc quần áo bảo hộ và đeo kính bảo hộ.
3.1.2.6. Phải thông thuộc vị trí của các hệ thống báo động và thiết bị chữa cháy.
3.2. Các chất ôxy hóa
3.2.1. Ví dụ
Khí lỏng và ôxy, axit có tính ôxy hóa và muối của chúng, hydro peroxit vv…
Mức độ rủi ro phụ thuộc vào bản chất của nguyên liệu và nguyên liệu dễ cháy bất kỳ khi tiếp xúc, đồng thời cũng phụ thuộc vào độ phân chia của chúng. Lưu ý là hầu hết quần áo của người lấy mẫu đều dễ bắt lửa.
3.2.2. Những cảnh báo bổ sung
3.2.2.1. Khu vực xung quanh chỗ thao tác lấy mẫu phải càng xa nguồn bắt lửa càng tốt.
3.2.2.2. Phải luôn có đủ bình cứu hỏa thích hợp.
3.2.2.3. Không được vận chuyển mẫu với các vật liệu đệm dễ cháy.
3.2.2.4. Nghiêm cấm hút thuốc và các nguồn lửa trần.
3.2.2.5. Tất cả các sự cố khi hóa chất bị đổ phải được báo cáo và xử lý càng sớm càng tốt.
3.2.2.6. Phải mặc quần áo bảo hộ và đeo kính bảo hộ.
3.3. Các chất dễ cháy
3.3.1. Ví dụ
Ngoài các chất khí, chất lỏng và chất rắn dễ cháy (điển hình là hydro, dầu đốt lò FO và than đá) còn có những chất mà thông thường bản thân chúng không được coi là chất dễ cháy, nhưng trở thành sản phẩm dễ cháy nếu để trong môi trường ẩm (ví dụ như hydrua kim loại kiềm và cacbua canxi) và những chất tự bắt cháy khi tiếp xúc với không khí như phospho trắng, kim loại tự cháy vv…
Mức độ rủi ro thay đổi theo từng chất, nhiệt độ và trạng thái phân chia của chúng. Thông thường, mức độ rủi ro đối với chất lỏng lớn hơn đối với chất rắn, và thường nghiêm trọng hơn nếu chất đó bay hơi và sinh ra chất khí dễ bắt lửa hay sinh ra dạng khí phân tán nhanh trong không khí. Cần chú ý tới nguy cơ nổ ở những nơi kín, có mặt một số chất dễ bay hơi bao gồm các dư lượng dung môi tích tụ lại, và ở những nơi mà bụi có thể sinh ra từ chất dễ cháy như bột mì, tinh bột, than đá, nếu khuếch tán sinh ra hỗn hợp nổ. Những người có trách nhiệm trong lấy mẫu phải hiểu biết về điểm phát sáng và những điểm tự cháy của những chất này, và giới hạn nồng độ cháy nổ của hơi của chúng trong không khí.
3.3.2. Những cảnh báo bổ sung theo mức độ rủi ro
3.3.2.1. Khu vực xung quanh nơi lấy mẫu phải tránh tuyệt đối những vật có khả năng gây cháy. Nghiêm cấm nguồn lửa trần, hút thuốc và những thiết bị có thể gây ra tia lửa.
3.3.2.2. Những cảnh báo phải được thực hiện để đảm bảo rằng không tồn tại điện tích tĩnh điện. Những phương tiện có lốp cao su phải được tiếp đất trước khi thao tác. Ở những thiết bị cố định, điểm lấy mẫu phải được tiếp đất. Cần lưu ý rằng, mặc dù những cảnh báo này đảm bảo không có điện tích ở nguyên liệu được lấy mẫu, nhưng vẫn có một số khả năng người lấy mẫu hay quần áo của người đó mang điện. Áo khoác bằng nylon thường mang điện tích khi thời tiết khô, vì vậy, nên mặc quần áo bằng sợi bông. Người lấy mẫu nên trang bị giày ủng dẫn điện. Dòng chảy của chất lỏng cũng như sự trộn chất lỏng có thể tạo ra tĩnh điện, vì vậy sau khi chuyển động dừng lại và trước khi lấy mẫu, nên có thời gian đủ để đảm bảo các điện tích tạo ra do chuyển động được tiếp đất hoàn toàn.
3.3.2.3. Bình cứu hỏa phải luôn có đủ và thích hợp.
3.3.2.4. Tất cả các sự cố khi hóa chất bị đổ phải được báo cáo và xử lý càng sớm càng tốt. Chất lỏng dễ cháy bị văng ra không được phép cho vào cống trừ khi chúng hòa tan với nước và có thể xối đi được bằng nước.
3.3.2.5. Phải mặc quần áo bảo hộ và đeo kính bảo hộ. Những quần áo này phải là những loại không bắt cháy. Không được mặc quần áo làm từ sợi tổng hợp hay từ nhựa.
3.3.2.6. Những chất tự phát cháy phải được xử lý trong chất lỏng trơ hoặc trong môi trường khí trơ.
3.4. Các chất độc
3.4.1. Giới thiệu
Chất độc có thể bị nhiễm phải do:
- ăn vào (xem 3.4.2)
- hô hấp (xem 3.4.3)
- hấp thụ (xem 3.4.4)
Trong trường hợp ngộ độc cấp tính, nghĩa là từ một liều nặng, những tác động có thể đi kèm với sự khó chịu tức thời cùng với những triệu chứng khác, nhưng trong một vài trường hợp, có những tác động chậm không xảy ra sau một vài giờ. Trong tất cả các trường hợp, cần phải chú ý đến những biểu hiện lâm sàng.
Những liều lượng nhỏ lặp lại của một số chất rất nguy hiểm đối với sức khỏe bởi sự tích tụ chất độc trong cơ thể hay do những thay đổi sinh lý nhỏ. Những người có biểu hiện của loại ngộ độc này phải được bác sỹ khám định kỳ.
Bất cứ chất độc nào được sử dụng hay lấy mẫu, người lấy mẫu đều đối mặt với rủi ro. Vì vậy, người lấy mẫu phải nhận thức được sự rủi ro, những triệu chứng ngộ độc và bản chất của bất cứ biểu hiện lâm sàng nào. Đồng thời, người lấy mẫu phải được hướng dẫn để tìm kiếm sự trợ giúp về y tế ngay khi cảm thấy bất ổn. Chất được lấy mẫu có thể có ảnh hưởng về sau, vì vậy người lấy mẫu luôn luôn phải được cung cấp thẻ theo dõi, chỉ rõ ngày và loại hóa chất người đó đã tiếp xúc, số điện thoại liên hệ của cán bộ y tế để nhận sự hướng dẫn.
Khi được đưa đi điều trị y tế, người được điều trị phải cung cấp chi tiết chất độc mà mình đã tiếp xúc.
3.4.2. Ngộ độc hóa chất khi nuốt phải
3.4.2.1. Yêu cầu chung
Hóa chất độc trong điều này bao gồm chất rắn và chất lỏng có áp suất hơi thấp, bởi vì chất độc có áp suất hơi đáng kể được coi là đại diện cho sự rủi ro chính thông qua hệ thống hô hấp. Nếu chất rắn bị phân chia mà tạo ra bụi, khi đó nguy cơ về ngộ độc đường hô hấp sẽ xảy ra.
3.4.2.2. Những cảnh báo bổ sung theo mức độ nghiêm trọng của rủi ro.
3.4.2.2.1. Nghiêm cấm việc hút thuốc, hút mạnh, ăn hay uống ở xung quanh khu vực có hóa chất độc.
2.4.2.2.2. Người lấy mẫu phải được cung cấp và sử dụng những dụng cụ tẩy rửa thích hợp sau khi tiếp xúc với vật chứa mẫu và trước khi rời khu vực lấy mẫu. Cần cung cấp các phương tiện thích hợp để làm sạch hoàn toàn các thiết bị sau khi lấy mẫu xong.
3.4.2.2.3. Van lấy mẫu chất lỏng phải được sắp xếp để tránh việc bị văng ra ngoài và để ngăn chặn bất kỳ việc tràn hóa chất ra ngoài. Cần phải cung cấp các phương tiện để cách ly điểm lấy mẫu với hệ thống bằng một van ở gần đó nhưng không được ở ngay cạnh điểm lấy mẫu.
3.4.2.2.4. Tất cả các vật chứa mẫu và các dụng cụ phải sạch và phù hợp với mục đích sử dụng mà không cần tráng lại bằng nguyên liệu lấy mẫu. Nếu cần thiết phải rửa, hay đường ống mẫu đòi hỏi phải được làm sạch thì phải có những thùng chứa có đánh dấu để chứa chất lỏng dư thừa và phải có chỉ dẫn cụ thể để xử lý số dư thừa này.
3.4.2.2.5. Tất cả các sự cố khi hóa chất bị đổ phải được báo cáo ngay lập tức. Nếu cần thiết, người lấy mẫu phải mặc quần áo khoác thích hợp để có thể thay trong trường hợp bị nhiễm độc. Quần áo bị nhiễm độc không được đưa tới quầy giặt cho đến khi người có thẩm quyền xác định được những nguy hiểm có liên quan và tiến hành các bước thích hợp để loại bỏ sự lây nhiễm.
3.4.3. Ngộ độc đường hô hấp
3.4.3.1. Yêu cầu chung
Hóa chất độc ở đây bao gồm chất khí, chất lỏng dễ bay hơi, những chất lỏng và chất rắn độc có thể tạo ra lớp sương độc hay bụi khi thao tác.
Cần lưu ý rằng, theo một góc độ nào đấy, tất cả chất khí đều được coi là nguy hiểm tới sức khỏe. Nồng độ rất cao của chất khí sẽ làm giảm lượng ôxy trong không khí thở. Ngay cả với nitơ, mặc dù nó là một phần cơ bản của không khí thở, tuy nhiên, theo như cách hiểu này, nitơ cũng là tiềm năng nguy hiểm. Vì vậy, không khí ở nơi lấy mẫu chất khí có áp suất, phải đảm bảo thông thoáng tốt.
Khi xảy ra ngộ độc về đường hô hấp, biện pháp bảo vệ người lấy mẫu được tiến hành theo cách hoặc cung cấp dưỡng khí bằng mặt nạ phòng độc hoặc cung cấp mặt nạ có bộ lọc có chứa chất hấp thụ phù hợp. Đối với một vài chất khí có nồng độ cao, đáng chú ý là cacbon monoxit, việc thích hợp nhất là cung cấp dưỡng khí bằng mặt nạ. Chỉ nên sử dụng hộp bảo vệ có chất hấp thụ nếu nồng độ chất khí thấp hoặc chất đó không bay hơi và chất hấp thụ chỉ tác động như một tấm lọc đối với bụi và phân tử nhỏ giọt.
Mặt khác, việc sử dụng hộp hấp thụ bị cấm khi người lấy mẫu không có khả năng phát hiện ra lỗi hỏng của mặt nạ cũng như bản chất của khí. Một số người không có khả năng phát hiện ra mùi của hydro xyanua cũng như nhận biết về hydro sunfua một cách nhanh chóng, phải hạn chế tiếp xúc với chất này.
3.4.3.2. Những cảnh báo bổ sung
3.4.3.2.1. Người có liên quan đến thao tác lấy mẫu phải được cung cấp và sử dụng trang thiết bị bảo vệ đường hô hấp.
3.4.3.2.2. Người lấy mẫu phải có người đi kèm làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho người lấy mẫu. Trong suốt quá trình lấy mẫu, người đi kèm sẽ đứng ở vị trí thuận tiện để quan sát toàn bộ quá trình. Người quan sát phải được hướng dẫn một cách cụ thể các thao tác khi xảy ra trường hợp khẩn cấp. Những hướng dẫn này yêu cầu người quan sát trước tiên phải báo động và không được thực hiện công việc cứu chữa một mình, trừ trường hợp đặc biệt.
3.4.3.2.3. Van lấy mẫu chất lỏng phải được sắp xếp để tránh việc bị văng ra ngoài và để ngăn chặn bất kỳ việc tràn hóa chất ra ngoài. Cần phải cung cấp các phương tiện để cách ly điểm lấy mẫu với hệ thống bằng một van ở gần đó nhưng không được ở ngay cạnh điểm lấy mẫu.
3.4.3.2.4. Các vật chứa mẫu phải được niêm phong trước khi rời khu vực lấy mẫu.
3.4.3.2.5. Tất cả các sự cố khi hóa chất bị đổ phải được báo cáo ngay lập tức. Nếu cần thiết, người lấy mẫu phải mặc quần áo khoác phù hợp để có thể thay khi bị nhiễm. Quần áo bị nhiễm độc không được đưa đến nơi giặt cho đến khi người có thẩm quyền xác định được những nguy hiểm có liên quan và tiến hành các bước cần thiết để loại bỏ sự lây nhiễm.
3.4.4. Ngộ độc khi tiếp xúc
3.4.4.1. Yêu cầu chung
Ngộ độc do tiếp xúc qua da được phân biệt với những hóa chất ăn mòn được đề cập ở phần sau (3.5). Nhìn chung, chất ăn mòn là những chất gây nên tổn thương ngay lập tức đối với mô khi tiếp xúc và gây độc khi bị tổn thương. Mặt khác, ngộ độc tiếp xúc thường bị hấp thu qua da vào tế bào dưới da mà không gây nên sự tổn thương tức thời ở bề mặt hay có cảm giác bị ngộ độc. Ví dụ một số chất như axit flohydric mang cả tính ăn mòn và tính độc khi tiếp xúc. Nhưng nhìn chung, ngộ độc do tiếp xúc nguy hiểm hơn chất ăn mòn vì khi thâm nhập vào cơ thể nó không gây ra các biểu hiện tức thời đối với nạn nhân.
Hơi của những chất thuộc loại này được thừa nhận có thể thâm nhập vào cơ thể người qua da một cách nhanh chóng như chất lỏng hay chất rắn và gây ngộ độc đường hô hấp. Tất cả những chất này đều gây độc nếu nuốt phải.
Người lấy mẫu cần được cảnh báo phải tránh tiếp xúc với những chất lỏng hữu cơ và phải quan tâm đến bản chất của hóa chất cần lấy mẫu, và người lấy mẫu phải rửa sạch tay để tránh bị lây nhiễm
3.4.4.2. Cảnh báo bổ sung
3.4.4.2.1. Người lấy mẫu phải được trang bị và phải mặc quần áo bảo hộ chuyên dụng. Tùy theo mức độ rủi ro, cần thực hiện những quy định sau.
- quần áo bảo hộ đảm bảo không thấm nước và bao gồm cả găng tay, ủng và mặt nạ phòng độc hoặc;
- tấm chắn không thấm nước, găng tay, ủng và mặt nạ phòng độc hoặc;
- mặt nạ và găng tay
Cần lưu ý rủi ro xảy ra do dùng giày ủng bảo hộ không phù hợp khi thao tác và gây ra việc bắn hóa chất, và găng tay không phù hợp gây nên việc bị thấm và dính hóa chất.
3.4.4.2.2. Cần cung cấp đầy đủ những thiết bị tẩy rửa thích hợp bao gồm vòi sen nước ấm và lạnh. Trước khi thao tác mẫu, người lấy mẫu cần kiểm tra vòi sen có hoạt động bình thường không.
3.4.4.2.3. Cần loại bỏ ngay lập tức quần áo bị nhiễm độc
3.4.4.2.4. Người lấy mẫu phải có người đi kèm làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho người lấy mẫu. Trong suốt quá trình lấy mẫu, người đi kèm sẽ đứng ở vị trí thuận tiện để quan sát toàn bộ quá trình. Người quan sát phải được hướng dẫn một cách cụ thể các thao tác khi xảy ra trường hợp khẩn cấp. Những hướng dẫn này yêu cầu người quan sát trước tiên phải báo động và không được thực hiện công việc cứu chữa một mình, trừ trường hợp đặc biệt.
3.4.4.2.5. Van lấy mẫu chất lỏng phải được sắp xếp để tránh việc bị văng ra ngoài và để ngăn chặn bất kỳ việc tràn hóa chất ra ngoài. Cần phải cung cấp các phương tiện để cách ly điểm lấy mẫu với hệ thống bằng một van ở dần đó nhưng không được ở ngay cạnh điểm lấy mẫu.
3.4.4.2.6. Tất cả các vật chứa mẫu và các dụng cụ phải sạch và phù hợp với mục đích sử dụng mà không cần tráng lại bằng nguyên liệu lấy mẫu. Nếu cần thiết phải rửa, hay đường ống mẫu đòi hỏi phải được làm sạch thì phải có những thùng chứa có đánh dấu để chứa chất lỏng dư thừa và phải có chỉ dẫn cụ thể để xử lý số dư thừa này.
3.5. Các chất ăn mòn và gây kích ứng
3.5.1. Yêu cầu chung
Những rủi ro có liên quan đến những chất này bao gồm những tác động nhanh chóng của các axit và kiềm mạnh. Nhưng cần chú ý đến sự khó chịu gây ra khi da tiếp xúc với các hóa chất. Những chất vô hại tương đối như natri cacbonat có thể gây ra chứng viêm da, những chất khác có thể gây mẫn cảm. Những cảnh báo đối với chất ăn mòn và chất gây kích ứng tương tự như những cảnh báo đối với ngộ độc tiếp xúc. Nhưng có một điểm đặc biệt cần nhấn mạnh đó là việc sử dụng kính an toàn để bảo vệ mắt. Để khắc phục tính ăn mòn của axit và kiềm mạnh là việc ngay lập tức pha loãng chúng và cần có sẵn một vòi phun nước hoặc một bể nhúng ngâm ngập nước ngay ở điểm lấy mẫu. Những thiết bị này phải được bảo vệ để tránh bị đóng băng và chuẩn bị sẵn sàng trước khi tiến hành thao tác lấy mẫu.
Những cảnh báo khác được mô tả ở phần 3.4.3.2.
3.6. Hóa chất nguy hiểm do trạng thái vật lý của chúng
3.6.1. Yêu cầu chung
Những hóa chất này bao gồm cả hóa chất ở nhiệt độ cực điểm và áp suất cao. Nhìn chung, những chất cực nóng hay cực lạnh đều gây ra những nguy hiểm tương tự như những chất ăn mòn, trừ trường hợp tổn thương xảy ra tức thời và việc phun nước không có hiệu quả.
3.6.2. Những cảnh báo bổ sung đối với chất nguy hiểm do tính chất của nhiệt độ
3.6.2.1. Cần thiết phải bảo vệ mắt tránh việc bị hóa chất văng vào.
3.6.2.2. Đối với chất cực nóng, cần có tấm che mặt và cổ để chống lại bức xạ nhiệt và cần phải bảo vệ mắt trước bức xạ này.
3.6.2.3. Cần phải bảo vệ tay tránh bị bắn hóa chất bằng việc đi găng tay đặc chủng không bị thấm hóa chất khi tiếp xúc.
3.6.2.4. Cần thiết phải có tạp dề. Giày ủng phải bền và cản được sự xâm nhập của hóa chất bị bắn ra.
3.6.3. Những cảnh báo bổ sung đối với những hóa chất nguy hiểm do đặc tính áp suất.
Việc lấy mẫu chất lỏng có áp suất phải được thực hiện tại áp suất khí quyển hoặc tại áp suất hệ thống.
3.6.3.1 Việc chuẩn bị lấy mẫu bao gồm những thiết bị phù hợp để hạn chế tốc độ dòng chảy tại đầu ra từ hệ thống áp suất cao tới một mức độ an toàn và tại đầu ra vận tốc chất lỏng thoát ra không có khả năng gây nên thương tổn.
3.6.3.2. Khi mẫu được lấy tại áp suất hệ thống, vật chứa mẫu phải được người có trách nhiệm kiểm tra định kỳ, người đó sẽ xác định sự phù hợp đối với việc sử dụng áp suất đã được thông báo và được đánh dấu trên vật chứa. Vật chứa chỉ được sử dụng cho mục đích này. Việc gắn kết vật chứa với điểm lấy mẫu phải thích hợp với hệ thống. Người lấy mẫu phải sử dụng những dụng cụ chuẩn xác để gắn vật chứa vào điểm lấy mẫu và kiểm tra mức độ an toàn của sự gắn kết này trước khi tiến hành lấy mẫu.
3.6.3.3. Vật chứa mẫu chỉ có thể được đổ chất lỏng sao cho còn một khoảng vơi thích hợp mà khoảng vơi này không ít hơn 5% trên tổng thể tích chất lỏng tại nhiệt độ tối đa.
3.7. Chất phóng xạ
3.7.1. Yêu cầu chung
Trong những trường hợp thông thường, những lượng chất phóng xạ nguy hiểm tiềm ẩn chỉ được xử lý bởi những người đã được đào tạo chuyên môn ở những cơ quan chuyên môn, ở đó có sẵn các thiết bị phòng tránh cần thiết và những chỉ dẫn của các nhà vật lý y tế có trình độ. Đối với những trường hợp khác, KHÔNG ĐƯỢC TIẾP CẬN, HOẶC TIẾP XÚC VỚI CHẤT PHÓNG XẠ CHO ĐẾN KHI CÓ CHUYÊN GIA VÀ CÓ CHỈ DẪN CHÍNH XÁC.
3.7.2. Những yêu cầu
Trước khi thao tác lấy mẫu, phải xem xét cẩn trọng các chỉ dẫn và đào tạo cho tất cả những người tham gia theo những phương pháp an toàn thích hợp như:
3.7.2.1. Những cảnh báo phải được ghi nhận và những hành động được thực hiện trong trường hợp xảy ra bất cứ sự cố nào có thể đoán trước được.
3.7.2.2. Mặc quần áo bảo hộ phù hợp.
3.7.2.3. Đeo các thiết bị kiểm tra phóng xạ.
3.7.2.4. Nghiêm cấm ăn, uống, hút thuốc trong khu vực thao tác với các chất phóng xạ bị hở.
3.7.2.5. Để tránh lây nhiễm cần trang bị thiết bị giám sát tay, giày, quần áo, các bồn rửa và vòi sen.
3.7.2.6. Trang bị chụp hút khói, găng tay và những phương tiện cách ly che chắn khác để ngăn chặn hoạt tính phóng xạ và để giảm sự tiếp xúc với phóng xạ tới mức có thể chấp nhận được.
3.7.2.7. Cần thiết bảo vệ đường hô hấp và/hoặc thời gian làm việc an toàn khi tính đến mức độ che chắn và/hoặc khoảng cách đối với nguyên liệu.
3.7.2.8. Cần thiết báo ngay với người giám sát bộ phận tất cả vấn đề liên quan đến việc đổ hóa chất và thực hiện các bước thích hợp để loại bỏ sự lây nhiễm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Substances chimiques dangereuses et proposition concernant leur e’tiquetage. Conseil de I’Europe (Sous-comité de la santé et sécurité industrielle) - (Section chimie), Strasbourg, 3ème édition 1971.
- Dangerous properties of industrial materials (Tính chất nguy hiểm của nguyên liệu công nghiệp), by N.Irving Sax, Published by Reinhold.
- Toxicity and metabolism of industrial solvents (Tính độc và sự trao đổi chất của dung môi công nghiệp), by Ethe Browning. Published by Elsevier.
- Hazards in the chemical laboratory (Chất độc hại trong phòng thí nghiệm hóa học), Ed. By G.D.Muir.Published by Royal Institute of Chemistry.
- The care, handling and disposal of dangerous chemicals (Xử lý, vận chuyển và sự thải các hóa chất nguy hiểm), by P.J.Gaston, Published by Institute of Science Technology.