Thông tư 46/2014/TT-BYT hướng dẫn quy trình kiểm dịch y tế

  • Tóm tắt
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
VB Song ngữ

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Lưu
Theo dõi VB

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
In
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư 46/2014/TT-BYT

Thông tư 46/2014/TT-BYT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quy trình kiểm dịch y tế
Cơ quan ban hành: Bộ Y tếSố công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:46/2014/TT-BYT Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Nguyễn Thanh Long
Ngày ban hành:05/12/2014Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Y tế-Sức khỏe

TÓM TẮT VĂN BẢN

Quy trình kiểm dịch y tế với người nhập cảnh, xuất cảnh
Ngày 05/12/2014, Bộ Y tế đã ra Thông tư số 46/2014/TT-BYT hướng dẫn quy trình kiểm dịch y tế, trong đó quy định những yêu cầu chặt chẽ trong quá trình kiểm dịch y tế đối với người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy.
Theo hướng dẫn của Thông tư này, kiểm dịch viên y tế tiếp nhận thông tin về tình trạng sức khỏe của người trên phương tiện hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và tiến hành xử lý thông tin, phân loại nguy cơ đối với người xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch bệnh; người xuất phát hoặc đi qua vùng có yếu tố nguy cơ sức khỏe; người đi cùng phương tiện có nguy cơ; người bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; người có dấu hiệu bị phơi nhiễm bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe…
Bên cạnh việc thu thập thông tin về người bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, kiểm dịch viên y tế phải kiểm tra tờ khai y tế, kiểm tra giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế; quan sát thể trạng; kiểm tra thân nhiệt; khám lâm sàng đối với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; đánh giá hiệu quả các biện pháp xử lý y tế đã áp dụng…
Trường hợp người bị kiểm tra bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A phải lập tức áp dụng các biện pháp dự phòng lây truyền bệnh; chuyển đến phòng cách ly tại khu vực cửa khẩu; khám sơ bộ, điều trị ban đầu hoặc chuyển về cơ sở y tế. Trường hợp người tiếp xúc với người nhập cảnh bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh, phải áp dụng các biện pháp dự phòng, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế, tuyên truyền và tư vấn phòng chống dịch bệnh…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/01/2015.

Xem chi tiết Thông tư 46/2014/TT-BYT tại đây

tải Thông tư 46/2014/TT-BYT

Tải văn bản tiếng Việt (.doc) Thông tư 46/2014/TT-BYT DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tải văn bản tiếng Việt (.zip) Thông tư 46/2014/TT-BYT ZIP (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ Y TẾ
------------
Số: 46/2014/TT-BYT
 
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------------------
Hà Nội, ngày  05 tháng 12 năm 2014

 
 
THÔNG TƯ
Hướng dẫn quy trình kiểm dịch y tế
 
Căn cứ Nghị định số 103/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới;
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình kiểm dịch y tế,
 
Chương I
QUY TRÌNH KIỂM DỊCH Y TẾ TẠI CỬA KHẨU ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT
 
Mục 1
QUY TRÌNH KIỂM DỊCH Y TẾ ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH VÀ QUÁ CẢNH
Điều 1. Tiếp nhận và xử lý thông tin
Kiểm dịch viên y tế tiếp nhận thông tin về phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt (sau đây gọi tắt là phương tiện) nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh từ chủ phương tiện hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và tiến hành việc xử lý thông tin, phân loại nguy cơ đối với phương tiện vận tải như sau:
1. Phương tiện có yếu tố nguy cơ bao gồm:
a) Phương tiện xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch;
b) Phương tiện chở người bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;
c) Phương tiện chở hàng hóa mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm hoặc nghi ngờ mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;
d) Phương tiện chở người xuất phát, đi qua vùng có dịch hoặc vùng đang bị ảnh hưởng bởi phóng xạ, hóa chất, sinh học và các yếu tố khác có khả năng gây tình trạng khẩn cấp ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng (sau đây gọi tắt là yếu tố nguy cơ sức khỏe);
đ) Phương tiện chở hàng hóaxuất phát, đi qua vùng có dịch hoặc vùng đang bị ảnh hưởng bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe;
e) Phương tiệncó trung gian truyền bệnh.
2. Phương tiện không có yếu tố nguy cơ là phương tiện không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp phương tiện không có yếu tố nguy cơ, kiểm dịch viên y tế thực hiện giám sát phương tiện trong thời gian chờ nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh theo quy định tại Điều 2 Thông tư này.
3. Trường hợp phương tiện có nguy cơ, kiểm dịch viên y tế thực hiện kiểm tra phương tiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.
Điều 2. Giám sát phương tiện không có yếu tố nguy cơ
1. Nội dung giám sát:
a) Giám sát trung gian truyền bệnh truyền nhiễm xâm nhập lên phương tiện;
b) Giám sát nguy cơ bị ô nhiễm bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe;
c) Giám sát việc bốc dỡ, tiếp nhận hàng hóa;
d) Giám sát việc cung ứng thực phẩm cho người trên phương tiện.
2. Trong quá trình giám sát, kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm thực hiện biện pháp kiểm tra y tế theo quy định tại Điều 3 Thông tư này nếu phát hiện phương tiện thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phương tiện có yếu tố nguy cơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này;
b) Không bảo đảm điều kiện vệ sinh chung.
3. Trường hợp phương tiện không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế kết thúc quy trình kiểm dịch.
Điều 3. Kiểm tra y tế đối với phương tiện có yếu tố nguy cơ
1. Kiểm dịch viên y tế hướng dẫn phương tiện vào khu vực kiểm tra để cách ly và thực hiện các nội dung kiểm tra như sau:
a) Kiểm tra giấy khai báo y tế đối với phương tiện;
b) Kiểm tra tình trạng vệ sinh chung trên phương tiện;
c) Kiểm tra trung gian truyền bệnh truyền nhiễm;
d) Kiểm tra yếu tố nguy cơ sức khỏe;
đ) Đánh giá hiệu quả các biện pháp xử lý y tế đã áp dụng;
e)Lấy mẫu xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc yếu tố nguy cơ sức khỏe.
2. Kiểm dịch viên y tế chuyển sang xử lý y tế theo quy định tại Điều 4 Thông tư này nếu phương tiện bị kiểm tra thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A mà chưa được xử lý y tế;
b) Mang hoặc có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, bao gồm: Chở người bệnh hoặc người mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Chở hàng hóa mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;Các trường hợp khác mà phương tiện mang hoặc có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
c) Bị ô nhiễm bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe.
3. Trường hợp phương tiện bị kiểm tra không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế kết thúc quy trình kiểm dịch y tế và thông báo cho cơ quan phụ trách cửa khẩu để làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cho phương tiện đó.
Điều 4. Xử lý y tế
1. Đối với phương tiện thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a và b Khoản 2 Điều 3 Thông tư này thì áp dụng các biện pháp khử trùng, diệt tác nhân gây bệnh, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm.
2. Đối với phương tiện quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 3 Thông tư này thì áp dụng các biện pháp loại bỏ yếu tố nguy cơ.
3. Sau khi hoàn thành việc xử lý y tế quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế cấp giấy chứng nhận xử lý y tế và kết thúc quy trình kiểm dịch.
Mục 2
QUY TRÌNH KIỂM DỊCH Y TẾ ĐỐI VỚI NGƯỜI NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH VÀ QUÁ CẢNH
Điều 5. Tiếp nhận và xử lý thông tin
Kiểm dịch viên y tế tiếp nhận thông tin về tình trạng sức khỏe của người trên phương tiện từ chủ phương tiện hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và tiến hành xử lý thông tin, phân loại nguy cơ đối với người như sau:
1. Người có yếu tố nguy cơ bao gồm:
a) Người xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch bệnh;
b) Người xuất phát hoặc đi qua vùng có yếu tố nguy cơ sức khỏe;
c) Người đi cùng phương tiện có nguy cơ quy định tại Khoản 1 Điều 1 hoặc hàng hóa có nguy cơ theo quy định Khoản 1 Điều 9 Thông tư này;
d) Người bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;
đ) Người có dấu hiệu bị phơi nhiễm bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe.
2. Người không có yếu tố nguy cơ là người không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp người không có yếu tố nguy cơ, kiểm dịch viên y tế chuyển sang giám sát theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.
3. Trường hợp người có yếu tố nguy cơ, kiểm dịch viên y tế thực hiện:
a) Thu thập thông tin:
- Tình trạng sức khỏe người bị bệnhhoặc nghi ngờ mắc bệnh và những người đi cùng;
- Các biện pháp y tế đã áp dụng đối với người bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh;
- Số người tiếp xúc gần, số người trên phương tiện;
- Biện pháp y tế cần hỗ trợ.
b) Báo cáo người đứng đầu tổ chức kiểm dịch y tế biên giới;
c) Kiểm tra y tế đối với người có yếu tố nguy cơ theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.
Điều 6. Giám sát đối với người không có yếu tố nguy cơ
1. Kiểm dịch viên y tế tiến hành giám sát như sau:
a) Quan sát thể trạng;
b) Giám sát thân nhiệt.
2. Trong quá trình giám sát, kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm thực hiện biện pháp kiểm tra y tế theo quy định tại Điều 7 Thông tư này nếu phát hiện người bị giám sát là người có yếu tố nguy cơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư này.
3. Trường hợp người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 5, kiểm dịch viên y tế kết thúc quy trình kiểm dịch.
Điều 7. Kiểm tra y tế đối với người có yếu tố nguy cơ
1. Kiểm dịch viên y tế áp dụng các biện pháp sau:
a) Kiểm tra tờ khai y tế theo quy định tại Thông tư số 32/2012/TT-BYT ngày 24 tháng 12 năm 2012 của Bộ Y tế ban hành quy định về khai báo y tế đối với người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam (sau đây gọi tắt là Thông tư số 32/2012/TT-BYT);
b) Kiểm tra giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng (nếu có);
c) Quan sát thể trạng;
d) Kiểm tra thân nhiệt;
đ) Khám lâm sàng đối với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;
e)Đánh giá hiệu quả các biện pháp xử lý y tế đã áp dụng;
g)Lấy mẫu xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A.
2. Kiểm dịch viên y tế chuyển sang xử lý y tế theo quy định tại Điều 8 Thông tư này nếu người bị kiểm tra thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Phơi nhiễm bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe;
c) Tiếp xúc với người nhập cảnh thuộc đối tượng quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này;
d) Không có hoặc có giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòngnhưng hết hiệu lựcđối với người xuất phát từ vùng có dịch bệnh hoặc đến vùng có dịch bệnh mà bệnh đó bắt buộc phải tiêm chủng hoặc áp dụng biện pháp dự phòng.
3. Trường hợp người bị kiểm tra không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế kết thúc quy trình kiểm dịch y tế và thông báo cho cơ quan phụ trách cửa khẩu để làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cho người đó.
Điều 8. Xử lý y tế
1. Đối với người bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, kiểm dịch viên y tế thực hiện các nội dung sau:
a) Áp dụng các biện pháp dự phòng lây truyền bệnh;
b) Chuyển đến phòng cách ly tại khu vực cửa khẩu;
c) Khám sơ bộ, điều trị ban đầu hoặc chuyểnvề cơ sở y tế theo quy định.
2. Đối với người bị phơi nhiễm bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe, ngoài việc thực hiện các quy định tại Khoản 1 Điều này, tùy theo tình hình thực tế, kiểm dịch viên y tế có thể áp dụng thêm biện pháp khử trùng, tẩy uế để loại bỏ yếu tố nguy cơ sức khỏe.
3. Người tiếp xúc với người nhập cảnh thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế lập danh sách đầy đủ các thông tin về họ tên, điện thoại và địa chỉ liên lạc để báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định, đồng thời áp dụng một hoặc nhiều biện pháp sau:
a) Áp dụng các biện pháp dự phòng;
b) Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế;
c) Tuyên truyền, tư vấn phòng chống dịch bệnh.
4. Đối với người không có hoặc có giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng nhưng hết hiệu lực, kiểm dịch viên y tế thực hiện việc tiêm chủng vắc xin, sinh phẩm y tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng phù hợp với quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
5. Sau khi hoàn thành việc xử lý y tế quy định tại Khoản 1, 2 hoặc 3 Điều này, kiểm dịch viên y tế cấp giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng và kết thúc quy trình kiểm dịch.
Mục 3
QUY TRÌNH KIỂM DỊCH Y TẾ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA NHẬP KHẨU, XUẤT KHẨU VÀ QUÁ CẢNH
Điều 9. Tiếp nhận và xử lý thông tin
Kiểm dịch viên y tế tiếp nhận thông tin về hàng hóa qua chủ hàng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và tiến hành xử lý thông tin, phân loại nguy cơ đối với hàng hóa như sau:
1. Hàng hóa có yếu tố nguy cơ gồm:
a) Hàng hóa xuất phát, đi qua vùng có dịch bệnh hoặc vùng bị ảnh hưởng bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe;
b) Hàng hóa mang hoặc có dấu hiệu mang mầm bệnh, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm;
c) Hàng hóavận chuyển bằng phương tiện có yếu tố nguy cơ;
d) Hàng hóa đi cùng người có yếu tố nguy cơ;
đ) Hàng hóa có thông báo của cơ quan có thẩm quyền về nguy cơ lây lan dịch bệnh.
2. Hàng hóa không có yếu tố nguy cơ là hàng hóa không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp hàng hóa không có yếu tố nguy cơ, kiểm dịch viên y tế thực hiện việc giám sát và kiểm tra giấy tờ liên quan đến y tếtheo quy định tại Điều 10 Thông tư này.
3. Trường hợp hàng hóa có yếu tố nguy cơ, kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm:
a) Thu thập thêm thông tin về các biện pháp xử lý y tế đã áp dụng và cần hỗ trợ;
b) Thực hiện kiểm tra y tế đối với hàng hóa theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.
Điều 10. Giám sát và kiểm tra giấy tờ liên quan đến y tế đối với hàng hóa không có yếu tố nguy cơ
1. Trong thời gian hàng hóa chờ nhập khẩu, xuất khẩu và quá cảnh, kiểm dịch viên y tế thực hiện các biện pháp sau:
a) Kiểm tra giấy khai báo y tế đối với hàng hóa, trừ trường hợp hàng hóa quá cảnh mà không bốc dỡ khỏi phương tiện;
b) Giám sát trung gian gây bệnh truyền nhiễm xâm nhập hàng hóa;
c) Giám sát cácyếu tố nguy cơ khác gây ảnh hưởng sức khỏe làm ô nhiễm hàng hóa.
2. Trong quá trình giám sát, kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm thực hiện biện pháp kiểm tra y tế theo quy định tại Điều 11 Thông tư này nếu phát hiện phương tiện thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hàng hóa có yếu tố nguy cơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư này;
b) Không bảo đảm điều kiện vệ sinh chung.
3. Trường hợp hàng hóa không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế cấp giấy chứng nhận đã kiểm tra và kết thúc quy trình kiểm dịch.
Điều 11. Kiểm tra đối với hàng hóa có yếu tố nguy cơ
1. Đối với hàng hóa thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 9 và Khoản 2 Điều 10 Thông tư này, kiểm dịch viên y tế hướng dẫn đưa hàng hóa vào khu vực kiểm tra và thực hiện kiểm tra các nội dung sau:
a)Kiểm tra giấy khai báo y tế hàng hóa trừ trường hợp hàng hóa đã được kiểm tra giấy tờ theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 10 Thông tư này;
b) Kiểm tra nội dung khai báo với thực tế hàng hóa;
c) Kiểm tra tình trạng vệ sinh chung;
d) Kiểm tra trung gian truyền bệnh truyền nhiễm hoặc yếu tố nguy cơ sức khỏe;
đ) Kiểm tra quy định về dụng cụ, bao gói chứa đựng, ghi trên nhãn và điều kiện vận chuyển đối với hàng hóa;
e) Đánh giá hiệu quả các biện pháp xử lý y tế đã áp dụng;
g) Lấy mẫu xét nghiệm trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định 103/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.
2. Kiểm dịch viên y tế chuyển sang xử lý y tế theo quy định tại Điều 12 Thông tư này đối với hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Hàng hóa mang hoặc có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Hàng hóa bị ô nhiễm bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe.
3. Hàng hóa không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế cấp giấy chứng nhận đã kiểm tra y tế và kết thúc quy trình kiểm dịch.
Điều 12. Xử lý y tế đối với hàng hóa
1. Đối với hàng hóa mang hoặc có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A phải được xử lý y tế như sau:
a)Khử trùng, diệt tác nhân gây bệnhtrung gian truyền bệnh truyền nhiễm;
b) Buộc tiêu hủy hoặc tái xuất đối với hàng hóa không thể diệt được tác nhân gây bệnh, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm.
2. Đối với hàng hóa bị ô nhiễm bởi yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe:
a) Loại bỏ yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe;
b) Buộc tiêu hủy hoặc tái xuất đối với hàng hóa không thể loại bỏ được yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe.
3. Sau khi hoàn thành việc xử lý y tế theo quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế cấp giấy chứng nhận xử lý y tế đối với hàng hóa và kết thúc quy trình kiểm dịch.
Mục 4
QUY TRÌNH KIỂM DỊCH Y TẾ ĐỐI VỚI THI THỂ, HÀI CỐT, TRO CỐT NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH VÀ QUÁ CẢNH
Điều 13. Kiểm tra y tế
1. Kiểm dịch viên y tế áp dụng các biện pháp kiểm tra y tế sau đây:
a) Kiểm dịch viên y tế kiểm tra giấy khai báo y tế thi thể, hài cốt, tro cốt;
b) Kiểm tra giấy xác nhận đã qua xử lý y tế của tổ chức y tế nơi xuất phát;
c) Đối chiếu nội dung khai báo y tế với thực tế bảo quản thi thể, hài cốt, tro cốt theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp thi thể, hài cốt có giấy xác nhận đã qua xử lý y tế đồng thời bảo đảm về vệ sinh trong khâm liệm và điều kiện vận chuyển theo quy định của Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng (sau đây gọi tắt là Thông tư số 02/2009/TT-BYT) hoặc tro cốt bảo đảm về điều kiện bảo quản, vận chuyển, kiểm dịch viên y tế cấp giấy chứng nhận kiểm dịch y tế thi thể, hài cốt, tro cốt và kết thúc quy trình kiểm dịch.
3. Trường hợp thi thể, hài cốt không có giấy xác nhận đã qua xử lý y tế hoặc không bảo đảm về vệ sinh trong khâm liệm và điều kiện vận chuyển theo quy định của Thông tư số 02/2009/TT-BYT hoặc tro cốt không bảo đảm về điều kiện bảo quản và vận chuyển thì áp dụng biện pháp xử lý y tế theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.
Điều 14. Xử lý y tế
1. Kiểm dịch viên y tế căn cứ kết quả kiểm tra thực tế để áp dụng biện pháp xử lý y tế sau đây:
a) Yêu cầu người vận chuyển thi thể, hài cốt, tro cốt qua biên giới thực hiện các biện pháp vệ sinh trong khâm liệm thi thể, hài cốt theo quy định của Thông tư số 02/2009/TT-BYT trước khi cho vận chuyển qua biên giới;
b) Yêu cầu người vận chuyển tro cốt qua biên giới thực hiện các điều kiện bảo quản, vận chuyển tro cốt theo đúng quy định trước khi cho vận chuyển qua biên giới.
2. Sau khi hoàn thành việc xử lý y tế quy định tại Khoản 1 Điều này, kiểm dịch viên y tế cấp giấy chứng nhận kiểm dịch y tế thi thể, hài cốt, tro cốt.
Mục 5
QUY TRÌNH KIỂM DỊCH Y TẾ ĐỐI VỚI MẪU VI SINH Y HỌC, SẢN PHẨM SINH HỌC, MÔ, BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH VÀ QUÁ CẢNH
Điều 15. Kiểm tra y tế
1. Kiểm dịch viên y tế áp dụng các biện pháp kiểm tra y tế sau đây:
a) Kiểm tra giấy khai báo y tế mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người;
b) Kiểm tra văn bản cho phép vận chuyển mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người của Bộ trưởng Bộ Y tế;
c) Đối chiếu nội dung khai báo với điều kiện bảo quản, vận chuyển theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Trường hợp mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người có văn bản cho phép vận chuyển qua biên giới của Bộ trưởng Bộ Y tế và                             bảo đảm điều kiện bảo quản, điều kiện vận chuyển, kiểm dịch viên y tế cấp giấy chứng nhận kiểm dịch y tế mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người và kết thúc quy trình kiểm dịch.
3. Trường hợp mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người không bảo đảm điều kiện bảo quản, điều kiện vận chuyển, kiểm dịch viên y tế chuyển sang xử lý y tế theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.
4. Không cho phép vận chuyển qua biên giới mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người nếu không có văn bản cho phép của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều 16. Xử lý y tế
1. Kiểm dịch viên y tế căn cứ kết quả kiểm tra thực tế để áp dụng các biện pháp bảo quản, vận chuyển phù hợp trước khi vận chuyển qua biên giới mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người.
2. Sau khi hoàn thành, kiểm dịch viên y tế cấp giấy chứng nhận kiểm dịch y tế mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người.
3. Không cho phép vận chuyển qua biên giới mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người nếu sau khi xử lý y tế mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người vẫn không đáp ứng các yêu cầu về bảo quản, vận chuyển.
 
Chương II
QUY TRÌNH KIỂM DỊCH Y TẾ CỬA KHẨU ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG
 
Mục 1
QUY TRÌNH KIỂM DỊCH Y TẾ ĐỐI VỚI TÀU BAY
Điều 17. Tiếp nhận và xử lý thông tin đối với tàu bay nhập cảnh
Trước khi tàu bay hạ cánh, kiểm dịch viên y tế tiếp nhận thông tin về chuyến bay từ cảng vụ hàng không, tiếp viên trưởng, cơ trưởng chuyến bay hoặc kiểm soát không lưu, đại diện các hãng hàng không và xử lý thông tin, phân loại nguy cơ của tàu bay như sau:
1. Tàu bay có yếu tố nguy cơ bao gồm:
a) Tàu bay xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch;
b) Tàu bay chở người bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;
c) Tàu bay chở hàng hóa mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm hoặc nghi ngờ mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;
d) Tàu bay chở người xuất phát, đi qua vùng có dịch hoặc vùng đang bị ảnh hưởng bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe;
đ) Tàu bay chở hàng hóaxuất phát, đi qua vùng có dịch hoặc vùng đang bị ảnh hưởng bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe;
e) Tàu bay có trung gian truyền bệnh.
2. Tàu bay không có yếu tố nguy cơ là tàu bay không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp tàu bay không có yếu tố nguy cơ, kiểm dịch viên y tế thực hiện việc giám sát và kiểm tra giấy tờ liên quan đến y tế theo quy định tại Điều 18 Thông tư này.
3. Trường hợp tàu bay có yếu tố nguy cơ, kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm:
a) Thu thập thêm thông tin về các biện pháp y tế đã áp dụng và cần hỗ trợ;
b) Thực hiện kiểm tra y tế theo quy định tại Điều 19 Thông tư này.
Điều 18. Giám sát và kiểm tra giấy tờ liên quan đến y tế đối với tàu bay không có yếu tố nguy cơ
1. Khi tàu bay ở vị trí đỗ, kiểm dịch viên y tế thực hiện các biện pháp sau:
a) Kiểm tra tờ khai chung hàng không theo quy định;
b) Giám sát điều kiện vệ sinh chung trên tàu bay;
c) Giám sát trung gian truyền bệnh truyền nhiễm và các yếu tố khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe trên tàu bay.
2. Trong quá trình giám sát, kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm thực hiện biện pháp kiểm tra y tế theo quy định tại Điều 19 Thông tư này nếu phát hiện phương tiện thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tàu bay có nguy cơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Thông tư này;
b) Không bảo đảm điều kiện vệ sinh chung.
3. Trường hợp tàu bay không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế kết thúc quy trình kiểm dịch.
Điều 19. Kiểm tra y tế đối với tàu bay có yếu tố nguy cơ
1. Tại vị trí đỗ, kiểm dịch viên y tế thực hiện các biện pháp sau:
a) Kiểm tra giấy khai báo y tế đối với tàu bay;
b) Kiểm tra tình trạng vệ sinh chung trên tàu bay;
c) Kiểm tra trung gian truyền bệnh truyền nhiễm;
d) Kiểm tra yếu tố nguy cơ sức khỏe;
đ) Lấy mẫu xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc yếu tố nguy cơ sức khỏe.
2. Sau khi kiểm tra theo quy định tại Khoản 1 Điều này, kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm thực hiện biện pháp xử lý y tế theo quy định tại Điều 20 Thông tư này nếu phát hiện phương tiện thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A mà chưa được xử lý y tế;
b) Mang hoặc có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, bao gồm: Chở người bệnh hoặc người mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Chở hàng hóa mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;Các trường hợp khác mà phương tiện mang hoặc có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
c) Bị ô nhiễm bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe.
3. Trường hợp tàu bay không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế cấp giấy chứng nhận đã kiểm tra y tế và kết thúc quy trình kiểm dịch.
Điều 20. Xử lý y tế đối với tàu bay
1. Đối với tàu bay thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a hoặc Điểm b Khoản 2 Điều 19 Thông tư này thì áp dụng các biện pháp khử trùng, diệt tác nhân gây bệnh, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm.
2. Đối với tàu bay quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 19 Thông tư này thì áp dụng các biện pháp loại bỏ yếu tố nguy cơ.
3. Sau khi hoàn thành việc xử lý y tế theo quy định tại Khoản 1 hoặc 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế cấp giấy chứng nhận xử lý y tế và kết thúc quy trình kiểm dịch.
Điều 21. Kiểm dịch y tế đối với tàu bay xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng
1. Trong thời gian tàu bay đỗ tại sân bay chờxuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng, kiểm dịch viên y tế thực hiện việc giám sát như sau:
a) Giám sát trung gian truyền bệnh truyền nhiễm hoặc yếu tố nguy cơ khác gây ảnh hưởng sức khỏe xâm nhập tàu bay;
b) Giám sát việc cung ứng thực phẩm, việc bốc dỡ hay tiếp nhận hàng hóa lên tàu bay.
2. Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện tàu bay thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 19 Thông tư này hoặc có bốc dỡ hay tiếp nhận thêm hàng hóa, kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm thực hiện biện pháp kiểm tra y tế, xử lý y tế như đối với tàu bay nhập cảnh.
3. Tàu bay không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viênkết thúc quy trình kiểm dịch.
Mục 2
QUY TRÌNH KIỂM DỊCH ĐỐI VỚI NGƯỜI NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, QUÁ CẢNH
Điều 22. Tiếp nhận và xử lý thông tin đối với người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh bằng đường hàng không
 Khi tàu bay chưa hạ cánh hoặc chờ xuất cảnh, quá cảnh, kiểm dịch viên y tế tiếp nhận thông tin về sức khỏe của hành khách, phi hành đoàn từ cảng vụ hàng không, tiếp viên trưởng hoặc cơ trưởng chuyến bay hoặc kiểm soát không lưu, đại diện các hãng hàng không và tiến hành xử lý thông tin, phân loại nguy cơ đối với người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh bằng đường hàng không theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.
Điều 23. Giám sát, kiểm tra y tế, xử lý y tế đối với người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh bằng đường hàng không
1. Việc giám sát, kiểm tra y tế đối với người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh bằng đường hàng không thực hiện theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư này.
2. Việc xử lý y tế đối với người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh bằng đường hàng không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.
Mục 3
QUY TRÌNH KIỂM DỊCH Y TẾ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA, THI THỂ, HÀI CỐT, TRO CỐT, MẪU VI SINH Y HỌC, SẢN PHẨM SINH HỌC, MÔ, BỘ PHẬN CƠ THỂ
Điều 24. Kiểm dịch y tế đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh tại cửa khẩu hàng không
Việc kiểm dịch y tế đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh tại cửa khẩu hàng không thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương I Thông tư này. 
Điều 25. Kiểm dịch y tế đối với thi thể, hài cốt, tro cốt, mẫu vi sinh y học, mô, bộ phận cơ thể người tại của khẩu hàng không
Kiểm dịch y tế đối với thi thể, hài cốt, tro cốt, mẫu vi sinh y học, mô, bộ phận cơ thể người tại cửa khẩu hàng không thực hiện theo quy định tại Mục 4 và Mục 5 Chương I Thông tư này.
 
Chương III
QUY TRÌNH KIỂM DỊCH Y TẾ CỬA KHẨU ĐƯỜNG THỦY
 
Mục 1
QUY TRÌNH KIỂM DỊCH ĐỐI VỚI TÀU THUYỀN NHẬP CẢNH
Điều 26. Tiếp nhận và xử lý thông tin đối với tàu thuyền nhập cảnh
Khi tàu thuyền chưa cập cảng, kiểm dịch viên y tế tiếp nhận thông tin về tàu thuyền từ cảng vụ hàng hải, thuyền trưởng hoặc qua đại lý hàng hải, chủ phương tiện và tiến hành xử lý thông tin, phân loại nguy cơ đối với tàu thuyền như sau:
1. Tàu thuyền có yếu tố nguy cơ bao gồm:
a) Tàu thuyền xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch;
b) Tàu thuyền chở người bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;
c) Tàu thuyền chở hàng hóa mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm hoặc nghi ngờ mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;
d) Tàu thuyền chở người xuất phát, đi qua vùng có dịch hoặc vùng đang bị ảnh hưởng bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe;
đ) Tàu thuyền chở hàng hóaxuất phát, đi qua vùng có dịch hoặc vùng đang bị ảnh hưởng bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe;
e) Tàu thuyền có trung gian truyền bệnh.
2. Tàu thuyền không có yếu tố nguy cơ là tàu thuyền không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp tàu thuyền không có yếu tố nguy cơ, kiểm dịch viên y tế thực hiện giám sát và kiểm tra giấy tờ liên quan đến y tếtheo quy định tại Điều 27 Thông tư này.
3. Trường hợp tàu thuyền có yếu tố nguy cơ, kiểm dịch viên y tế thực hiện nội dung sau:
a) Thu thập thêm thông tin về các biện pháp y tế đã áp dụng và cần hỗ trợ.
b) Thực hiện kiểm tra y tế theo quy định tại Điều 28 Thông tư này.
Điều 27. Giám sát và kiểm tra giấy tờ liên quan đến y tế đối với tàu thuyền không có yếu tố nguy cơ
1. Khi tàu thuyền vào vị trí kiểm tra, kiểm dịch viên y tế lên tàu thuyền và thực hiện các biện pháp sau:
a) Kiểm tra giấy khai báoy tế hàng hải; giấy chứng nhận miễn xử lý vệ sinh hoặc đã xử lý vệ sinh tàu thuyền;
b) Giám sát trung gian truyền bệnh truyền nhiễm;
c) Giám sát nguy cơ bị ô nhiễm bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe;
d) Giám sát việc bốc dỡ, tiếp nhận hàng hóa;
đ) Giám sát nước, thực phẩm cung ứng cho người trên phương tiện.
2. Sau khi thực hiện các biện pháp quy định tại Khoản 1 Điều này, kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm áp dụng biện pháp kiểm tra y tế theo quy định tại Điều 28 Thông tư này nếu tàu thuyền thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Tàu thuyền có yếu tố nguy cơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Thông tư này;
b) Không bảo đảm điều kiện vệ sinh chung.
3. Trường hợp phương tiện không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế cấp giấy chứng nhậnkiểm tra y tế hàng hóa, tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này và kết thúc quy trình kiểm dịch.
Điều 28. Kiểm tra y tế đối với tàu thuyền có yếu tố nguy cơ
1. Khi tàu thuyền vào vị trí kiểm tra, kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm:
a) Kiểm tra giấy khai báoy tế hàng hải; giấy chứng nhận miễn xử lý vệ sinh hoặc đã xử lý vệ sinh tàu thuyền trừ trường hợp tàu thuyền đã được kiểm tra giấy tờ theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 27 Thông tư này;
b) Kiểm tra điều kiện vệ sinh chung trên tàu thuyền;
c) Kiểm tra vệ sinh nước dằn tàu;
d) Kiểm tra, giám sát trung gian truyền bệnh truyền nhiễm và các yếu tố khác có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe trên tàu thuyền;
đ) Đánh giá hiệu quả của các biện pháp y tế đã áp dụng;
e) Lấy mẫu xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhóm A hoặc yếu tố nguy cơ khác gây ảnh hưởng sức khỏe trên tàu thuyền.
g) Lập biên bản kiểm tra y tế tàuthuyền theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Kiểm dịch viên chuyển sang xử lý y tế theo quy định tại Điều 29 Thông tư này nếu tàu thuyền thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A mà chưa được xử lý y tế;
b) Mang hoặc có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, bao gồm: Chở người bệnh hoặc người mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Chở hàng hóa mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;Các trường hợp khác mà phương tiện mang hoặc có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
c) Bị ô nhiễm bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe.
3. Trường hợp phương tiện không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế thực hiện nội dung sau:
a)Cấp giấy chứng nhận miễn xử lý vệ sinh đối với tàu thuyền/chứng nhận xử lý tàu thuyền không có giấy chứng nhận miễn xử lý vệ sinh hoặc tàu thuyềncó giấy chứng nhận miễn xử lý vệ sinh không còn giá trị;
b) Cấp chứng nhậnkiểm tra y tế hàng hóa, tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh.
Điều 29. Xử lý y tế đối với tàu thuyền
1. Căn cứ kết quả kiểm tra y tế, tàu thuyền phải được xử lý y tế bằng một hoặc một số biện pháp sau:
a) Áp dụng các biện pháp xử lý vệ sinh tàu thuyền;
b) Áp dụng các biện pháp diệt tác nhân gây bệnh, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm trên tàu thuyền;
c) Áp dụng các biện pháp loại bỏ yếu tố nguy cơ sức khỏe;
d) Hướng dẫn việc loại bỏ, tiêu hủy chất thải rắn, chất thải người, động vật trên tàu thuyền;
đ) Xử lý nước sinh hoạt và nước dằn tàu.
2. Sau khi thực hiện việc xử lý y tế theo quy định tại Khoản 1 Điều này, cấp Giấy chứng nhận xử lý vệ sinh đối với tàu thuyền và kết thúc quy trình kiểm dịch.
Điều 30. Kiểm dịch y tế đối với tàu thuyền xuất cảnh, quá cảnh và chuyển cảng
1. Trong thời gian tàu thuyền neo đậu tại cảng, kiểm dịch viên y tế thực hiện nội dung sau:
a) Giám sát trung gian truyền bệnh truyền nhiễm hoặc yếu tố nguy cơ khác gây ảnh hưởng sức khỏe xâm nhập tàu thuyền;
b) Giám sát việc thải bỏ nước dằn tàu, chất thải có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm của tàu thuyền;
c) Giám sát việc cung ứng nước, thực phẩm, việc bốc dỡ hay tiếp nhận hàng hóa lên tàu thuyền.
2. Trong quá trình giám sát, kiểm dịch viên y tế thực hiện các nội dung quy định tại Điều 28 và 29 Thông tư này nếu phát hiện phương tiện thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Có trung gian truyền bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Có yếu tố nguy cơ sức khỏe xâm nhập tàu thuyền;
c) Thải bỏ nước dằn tàu;
d) Có cung ứng nước, thực phẩm không an toàn.
3. Trường hợp phương tiện khôngthuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này,cấpgiấy chứng nhậnkiểm tra hàng hóa, tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh và giấy chứng nhận kiểm dịch y tế đối với tàu thuyền chuyển cảng theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
Mục 2
QUY TRÌNH KIỂM DỊCH ĐỐI VỚI NGƯỜI NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, QUÁ CẢNH, CHUYỂN CẢNG
Điều 31. Tiếp nhận và xử lý thông tin người nhập cảnh
Khi tàu thuyền chưa cập cảng hoặc chờ xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng kiểm dịch viên y tế tiếp nhận thông tin về sức khỏe của hành khách, thủy thủ trên tàu từ cảng vụ hàng hải, thuyền trưởng hoặc bác sĩ trên tàu hoặc qua đại lý hàng hải và phân loại nguy cơ đối với người theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.
Điều 32. Kiểm tra y tế đối với người không có nguy cơ, người có nguy cơ
Việc kiểm tra y tế đối với người không có nguy cơ, người có nguy cơ thực hiện theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư này.
Mục 3
QUY TRÌNH KIỂM DỊCH Y TẾ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA, THI THỂ, HÀI CỐT, TRO CỐT, MẪU VI SINH Y HỌC, SẢN PHẨM SINH HỌC, MÔ, BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI CỬA KHẨU ĐƯỜNG THỦY
Điều 33. Kiểm dịch y tế đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh tại cửa khẩu đường thủy
Việc kiểm dịch y tế đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh tại cửa khẩu đường thủy thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương I Thông tư này. 
Điều 34. Kiểm dịch y tế đối với thi thể, hài cốt, tro cốt, mẫu vi sinh y học, mô, bộ phận cơ thể người tại của khẩu đường thủy
Kiểm dịch y tế đối với thi thể, hài cốt, tro cốt, mẫu vi sinh y học, mô, bộ phận cơ thể người tại cửa khẩu đường thủy thực hiện theo quy định tại Mục 4 và Mục 5 Chương I Thông tư này.
 
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
 
Điều 35. Điều khoản tham chiếu
Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo văn bản thay thế hoặc văn bản sửa đổi, bổ sung đó.
Điều 36. Trách nhiệm thi hành
1. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:
a) Chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện Thông tư trên toàn quốc;
b) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình kiểm dịch y tế trên phạm vi toàn quốc;
c) Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông tư này trên phạm vi toàn quốc theo định kỳ.
a) Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy trình kiểm dịch y tế tại các tuyến thuộc khu vực phụ trách;
b) Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy trình kiểm dịch y tế tại các đơn vị ở các tuyến thuộc khu vực phụ trách.
3. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cửa khẩu có trách nhiệm như sau:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị y tế trên địa bàn quản lý thực hiện quy trình kiểm dịch y tế;
b) Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện quy trình kiểm dịch y tế.
4. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hoạt động kiểm dịch y tế có trách nhiệm như sau:
a) Tổ chức triển khai thực hiện quy trình kiểm dịch y tế trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các đơn vị kiểm dịch y tế tại cửa khẩu thực hiện quy trình kiểm dịch y tế;
b) Tuyên truyền hướng dẫn việc thực hiện Thông tư này;
c) Phối hợp với cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu hoặc cơ quan kiểm dịch thực vật cửa khẩu để phối hợp thực hiện kiểm dịch y tế, xử lý y tế đối với các đối tượng là động vật, sản phẩm động vật hoặc thực vật, sản phẩm thực vật;
d) Thực hiện báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế theo quy định.
Điều 37. Hiệu lực thi hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2015.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các đơn vị cần phản ánh kịp thời về Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế để nghiên cứu giải quyết./.
 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (Vụ KGVX, Công báo, Cổng TTĐT);
- Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Các Cục, Vụ, VPB, Thanh tra Bộ, Tổng cục thuộc Bộ Y tế;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Y tế các Bộ, Ngành;
- Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- TTYTDP, TTKDYTQT tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế;
- Lưu: VT, DP (03b), PC (02b).
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
 
 
 
 
 
 
Nguyễn Thanh Long

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Nội dung văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

loading
×
×
×
Vui lòng đợi