Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 10382:2014 Di sản văn hóa và các vấn đề liên quan-Thuật ngữ và định nghĩa chung

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiêu chuẩn liên quan
  • Lược đồ
  • Tải về
Mục lục Đặt mua toàn văn TCVN
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 10382:2014

Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 10382:2014 Di sản văn hóa và các vấn đề liên quan-Thuật ngữ và định nghĩa chung
Số hiệu:TCVN 10382:2014Loại văn bản:Tiêu chuẩn Việt Nam
Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệLĩnh vực: Văn hóa-Thể thao-Du lịch
Năm ban hành:2014Hiệu lực:
Người ký:Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 10382:2014

DI SẢN VĂN HOÁ VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN – THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA CHUNG

Cultural Heritage and related matters – General terms and definitions

Lời nói đầu

TCVN 10382:2014 do Cục Di sản văn hoá biên soạn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

DI SẢN VĂN HOÁ VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN – THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA CHUNG

Cultural heritage and related matters – General terms and definitions

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định thuật ngữ và định nghĩa trong lĩnh vực di sản văn hoá và các vấn đề liên quan.

2. Thuật ngữ và định nghĩa

2.1 Những vấn đề chung về di sản văn hoá (General issues of cultural heritage)

2.1.1

Bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (Replica of relics, antiquities, national treasures)

Sản phẩm được làm giống như bản gốc về hình dáng, kích thước, chất liệu, màu sắc, trang trí và những đặc điểm khác.

2.1.2

Bảo tồn di sản văn hóa (Conservation of cultural heritage)

Hoạt động nhằm bảo đảm sự tồn tại lâu dài, ổn định của di sản văn hóa.

2.1.3

Cơ sở dữ liệu di sản văn hóa (Database of cultural heritage)

Tập hợp thông tin về di sản văn hóa được sắp xếp hệ thống theo một trật tự quy định và được lưu trữ bằng các phương tiện kỹ thuật khác nhau.

2.1.4

Di sản tư liệu (Documentary heritage)

Sản phẩm mang thông tin được hình thành từ những kí hiệu, mật mã, âm thanh hoặc hình ảnh dưới nhiều dạng thức độc đáo, phản ánh thành tựu tiêu biểu về lịch sử, tư tưởng, văn hóa và khoa học.

2.1.5

Di sản văn hóa (Cultural heritage)

Sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể.

2.1.6

Kiểm kê di sản văn hóa (Inventorying cultural heritage/Inventory)

Hoạt động nhằm nhận diện, xác định giá trị và lập danh mục di sản văn hóa.

2.1.7

Ký ức thế giới (Memory of the world )

Tên chương trình của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu của nhân loại chống lại sự tàn phá của thời gian, của khí hậu và sự lãng quên hay sự phá hủy có chủ ý của con người.

2.1.8

Sưu tập (Collection)

Tập hợp các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc di sản văn hóa phi vật thể, được thu thập, gìn giữ, sắp xếp có hệ thống theo những dấu hiệu chung về hình thức, nội dung và chất liệu để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử tự nhiên và xã hội.

2.1.9

Tư liệu hóa di sản văn hóa (Documentation of cultural heritage)

Quá trình nghiên cứu, sử dụng các loại phương tiện, thiết bị, vật liệu để thu thập, phân loại và lưu giữ thông tin về di sản văn hóa theo một hệ thống nhất định, bằng nhiều hình thức khác nhau.

2.2 Bảo tàng và các vấn đề liên quan (Museum and relative issues)

2.2.1

Bảo tàng (Museum)

2.2.1.1

Bảo tàng (Museum)

Thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng.

2.2.1.2

Bảo tàng cấp tỉnh (Provincial museum)

Bảo tàng công lập của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người ở địa phương, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng.

2.2.1.3

Bảo tàng chuyên ngành (Specialised museum)

Bảo tàng công lập có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người theo từng lĩnh vực tự nhiên, xã hội, khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng.

2.2.1.4

Bảo tàng công lập (State museum)

Bảo tàng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập, kinh phí hoạt động được ngân sách nhà nước cấp.

2.2.1.5

Bảo tàng ngoài công lập (Private museum)

Bảo tàng do tổ chức, cá nhân thành lập và tự chủ về kinh phí hoạt động.

2.2.1.6

Bảo tàng quốc gia (National museum)

Bảo tàng công lập có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người trong phạm vi cả nước, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng.

2.2.1.7

Nhà bảo tàng (Museum building)

Tổ hợp công trình kiến trúc và cảnh quan được quy hoạch và xây dựng đáp ứng yêu cầu tổ chức trưng bày hiện vật, bảo quản hiện vật, đón tiếp khách tham quan và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ khác của bảo tàng.

2.2.2

Bảo tàng học (Museology)

2.2.2.1

Bảo tàng học (Museology)

Khoa học nghiên cứu về quy luật hình thành, phát triển, chức năng xã hội, nhiệm vụ và phương pháp thực hiện các nhiệm vụ đó của bảo tàng.

2.2.2.2

Đề án xây dựng bảo tàng (Museum construction proposal)

Văn bản trình bày có hệ thống một số nội dung chủ yếu về việc thành lập, phạm vi và nội dung trưng bày, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của bảo tàng để người có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

2.2.2.3

Hiện vật bảo tàng (Museum object)

Sản phẩm vật chất do con người hoặc tự nhiên tạo ra trong quá trình lịch sử, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, được bảo tàng sưu tầm, bảo quản và đã trải qua quá trình xử lý khoa học và pháp lý, nhằm phục vụ cho các hoạt động của bảo tàng.

2.2.2.4

Hiện vật gốc (Original object)

Sản phẩm vật chất do con người hoặc tự nhiên tạo ra trong quá trình lịch sử, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ.

2.2.2.5

Hiện vật phục chế (Restored object)

Hiện vật được tái tạo theo nguyên mẫu phần đã mất hoặc hư hỏng dựa trên cơ sở khoa học.

2.2.2.6

Phục chế hiện vật (Restoration of museum objects)

Việc dựa trên các cứ liệu khoa học và nhân chứng lịch sử phản ánh về hiện vật để tái tạo một phần hoặc toàn bộ hiện vật đó.

2.2.2.7

Số hóa hiện vật (Digitalization object)

Việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật của công nghệ thông tin để lưu giữ và phản ánh thông tin về hiện vật bảo tàng.

2.2.3

Sưu tầm (Collecting)

2.2.3.1

Sưu tầm hiện vật (Object collecting)

Việc sử dụng các phương thức khác nhau để thu thập hiện vật về bảo tàng, phục vụ hoạt động của bảo tàng.

2.2.3.2

Bảo hiểm hiện vật (Object insurance)

Việc bảo đảm bằng hợp đồng giữa tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc được giao quản lý hiện vật với tổ chức nhận trách nhiệm bảo hiểm để khi có tai nạn, rủi ro xảy ra làm hư hại hoặc phá hủy hiện vật, hoặc mất hiện vật, tổ chức nhận trách nhiệm bảo hiểm hiện vật phải trả cho tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc được giao quản lý hiện vật đó một khoản tiền theo hợp đồng đã ký kết.

2.2.3.3

Cho mượn hiện vật (Object loan)

Việc bảo tàng cho một tổ chức, cá nhân ngoài bảo tàng được phép sử dụng có thời hạn hiện vật của bảo tàng để nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu phục vụ công chúng, không vì mục đích lợi nhuận.

2.2.3.4

Chuyển giao hiện vật (Object transfer)

Việc một cơ quan, đơn vị không có chức năng, nhiệm vụ hoạt động bảo tàng chuyển giao cho bảo tàng quản lý và sử dụng vĩnh viễn những hiện vật thuộc đối tượng sưu tầm của bảo tàng do cơ quan, đơn vị thu giữ được trong quá trình thực thi công vụ.

2.2.3.5

Đề cương sưu tầm hiện vật (Collecting outline)

Văn bản thể hiện những vấn đề chủ yếu về mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng dự kiến sưu tầm, thời gian thực hiện và những vấn đề khác có liên quan đến việc triển khai sưu tầm hiện vật cho bảo tàng.

2.2.3.6

Hiến tặng hiện vật (Object donation)

Việc tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao cho bảo tàng sử dụng vĩnh viễn những hiện vật thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân, không kèm theo điều kiện về chi phí cho việc chuyển giao đó, để bảo tàng quản lý và phát huy giá trị hiện vật.

2.2.3.7

Hồ sơ sưu tầm hiện vật (Object collection profile)

Tập hợp các tài liệu khoa học và pháp lý về hiện vật, được hình thành trong quá trình nghiên cứu, thu thập và xử lý thông tin, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc đưa hiện vật về bảo tàng.

2.2.3.8

Kế hoạch sưu tầm (Collecting plan)

Văn bản thể hiện chi tiết những nội dung của Đề cương sưu tầm hiện vật, sau khi Đề cương sưu tầm hiện vật được người có thẩm quyền phê duyệt.

2.2.3.9

Trao đổi hiện vật (Object exchange)

Việc bảo tàng chuyển quyền quản lý, sử dụng hợp pháp những hiện vật của mình cho một tổ chức, cá nhân khác để nhận lại quyền quản lý, sử dụng hợp pháp hiện vật của tổ chức, cá nhân đó theo quy định của pháp luật.

2.2.4

Kiểm kê (Inventory)

2.2.4.1

Kiểm kê hiện vật (Objects inventory)

Việc xác lập cơ sở pháp lý, danh mục và hồ sơ về ý nghĩa, giá trị, tình trạng bảo quản của hiện vật, nhằm phục vụ hoạt động quản lý, bảo quản và phát huy giá trị hiện vật.

2.2.4.2

Đăng ký hiện vật bảo tàng (Museum object registration)

Việc ghi chép các thông tin về hiện vật bảo tàng vào sổ đăng ký hiện vật bảo tàng.

2.2.4.3

Hồ sơ hiện vật (Object profile)

Tập hợp các tài liệu khoa học và pháp lý do bảo tàng lập ra phản ánh toàn bộ quá trình sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản, sử dụng và giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của hiện vật bảo tàng.

2.2.4.4

Loại bỏ hiện vật (Deaccession)

Việc chuyển giao, thanh lý, hủy và đưa ra khỏi danh sách hiện vật của bảo tàng những hiện vật được xác định không phù hợp với đối tượng, nội dung, phạm vi hoạt động của bảo tàng; hoặc bị hư hỏng không có khả năng phục hồi, hoặc gây hại cho con người và môi trường; hoặc được xác định là thiếu chính xác về lịch sử, văn hóa, khoa học; hoặc không phù hợp với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; hoặc có nguồn gốc bất hợp pháp.

2.2.4.5

Miêu tả hiện vật bảo tàng (Description of museum object)

Việc sử dụng ngôn ngữ và thông tin phản ánh nội dung và hình thức biểu hiện của hiện vật phục vụ cho việc nghiên cứu, phân loại và phát huy giá trị của hiện vật.

2.2.4.6

Phân loại hiện vật bảo tàng (Museum object classification)

Việc bảo tàng chia hiện vật thành nhóm dựa trên những đặc điểm chính về chất liệu, chức năng sử dụng, niên đại và các đặc điểm có ý nghĩa phân biệt khác theo yêu cầu quản lý, bảo quản và phát huy giá trị hiện vật của bảo tàng.

2.2.4.7

Phần mềm quản lý hiện vật (Object collection management software)

Chương trình được sử dụng trên máy tính cho phép nhập, lưu trữ, quản lý, tìm kiếm và lập báo cáo các dữ liệu thông tin liên quan đến hiện vật của bảo tàng.

2.2.4.8

Phiếu hiện vật (Catalogue card )

Văn bản thể hiện những thông tin cơ bản về hiện vật theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

2.2.4.9

Số đăng ký hiện vật (Accession number/ Object number)

Tập hợp ký hiệu chữ và số được ấn định cho một hiện vật để quản lý theo quy định của bảo tàng.

2.2.4.10

Sổ đăng ký hiện vật (Assession register)

Tài liệu pháp lý và khoa học của bảo tàng, ghi danh sách hiện vật theo số thứ tự, thông tin về hiện vật thống nhất với Phiếu hiện vật, để quản lý hiện vật bảo tàng.

2.2.4.11

Sổ nhập hiện vật tạm thời (Contemporary accession register)

Tài liệu ghi theo trình tự thời gian các hiện vật mới được bảo tàng sưu tầm nhưng chưa được xử lý về khoa học và pháp lý để trở thành hiện vật bảo tàng.

2.2.4.12

Sổ phân loại hiện vật (Object classification register)

Tài liệu ghi toàn bộ hiện vật theo các nhóm hiện vật đã được phân loại dựa trên những đặc điểm chính về chất liệu, chức năng sử dụng, niên đại và các đặc điểm có ý nghĩa phân biệt khác theo yêu cầu quản lý, bảo quản và phát huy giá trị hiện vật của bảo tàng.

2.2.4.13

Sưu tập hiện vật bảo tàng (Museum collections)

Tập hợp hiện vật trong bảo tàng được thu thập, gìn giữ, sắp xếp có hệ thống theo những dấu hiệu chung về hình thức, nội dung và chất liệu.

2.2.4.14

Tên hiện vật bảo tàng (Museum object name)

Tên gọi chính thức, ngắn gọn về một hiện vật bảo tàng do Hội đồng khoa học của bảo tàng nghiên cứu, xác định, để nhận dạng hiện vật đó và phân biệt nó với hiện vật khác.

2.2.5

Bảo quản (Conservation)

2.2.5.1

Chế độ bảo quản hiện vật (Conservation regulations)

Quy định của bảo tàng về việc bảo vệ, phòng ngừa sự tự hủy hoại và loại trừ những yếu tố gây hại hiện vật do thiên nhiên hoặc con người gây ra.

2.2.5.2

Bảo quản định kỳ hiện vật (Regular conservation object)

Việc thực hiện theo chu kỳ thời gian biện pháp ngăn ngừa và loại trừ sự hủy hoại tự nhiên của hiện vật và sự hủy hoại hiện vật do thiên nhiên hoặc con người gây ra.

2.2.5.3

Bảo quản phòng ngừa hiện vật (Preventive conservation object)

Việc chủ động thực hiện biện pháp ngăn ngừa tối đa sự xuống cấp tự nhiên của hiện vật và sự hủy hoại hiện vật do thiên nhiên hoặc con người gây ra.

2.2.5.4

Bảo quản trị liệu hiện vật (Treatment conservation object)

Thực hiện biện pháp khoa học, kỹ thuật tác động vào hiện vật nhằm loại trừ nguyên nhân gây hại và tăng cường sự ổn định tình trạng hiện vật.

2.2.5.5

Đảm bảo an toàn hiện vật (Storage security)

Việc thực hiện biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ hư hỏng, hủy hoại hoặc mất hiện vật của bảo tàng.

2.2.5.6

Kho bảo quản hiện vật (Museum storage)

Công trình xây dựng đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên dụng để lưu giữ lâu dài, đảm bảo an ninh, an toàn và ổn định tình trạng hiện vật.

2.2.5.7

Kho mở (Open storage)

Kho bảo quản hiện vật được phép phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu về hiện vật bảo tàng.

2.2.5.8

Tình trạng hiện vật (Museum object conditions)

Trạng thái vật lý, hóa học của hiện vật bảo tàng ở một thời điểm xác định.

2.2.5.9

Tu sửa hiện vật (Object repair)

Việc áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật, mỹ thuật nhằm khắc phục hư hỏng, làm ổn định tình trạng hiện vật, để hiện vật tồn tại lâu dài, bền vững.

2.2.6

Trưng bày (Exhibition)

2.2.6.1

Trưng bày bảo tàng (Museum exhibition)

Việc giới thiệu, sắp xếp hiện vật bảo tàng và tư liệu liên quan có chủ đích, khoa học và hấp dẫn bằng các phương tiện, giải pháp kỹ thuật, mỹ thuật để khách tham quan được tiếp cận, nghiên cứu, học tập và trải nghiệm.

2.2.6.2

Chỉnh lý trưng bày (Exhibition adjustment)

Việc điều chỉnh nội dung và hình thức nhằm nâng cao chất lượng khoa học và tính hấp dẫn của trưng bày.

2.2.6.3

Chú thích hiện vật (Object label)

Văn bản khoa học giới thiệu ngắn gọn và đầy đủ thông tin về hiện vật.

2.2.6.4

Chủ đề trưng bày (Exhibition theme)

Vấn đề chủ yếu được giới thiệu tại một khu vực trong tổng thể trưng bày của bảo tàng.

2.2.6.5

Đề cương chi tiết nội dung trưng bày (General outline of exhibition content)

Văn bản thể hiện cụ thể những vấn đề được đề cập trong Đề cương tổng quát nội dung trưng bày.

2.2.6.6

Đề cương tổng quát nội dung trưng bày (Specific outline of exhibition content)

Văn bản thể hiện những vấn đề tổng thể về mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng, nội dung và kính phí thực hiện việc trưng bày của bảo tàng.

2.2.6.7

Không gian trưng bày (Exhibition space)

Khu vực dành cho việc trưng bày các sưu tập, hiện vật theo những chủ đề nhất định, bao gồm không gian trưng bày trong nhà, không gian trưng bày ngoài trời.

2.2.6.8

Khu khám phá trong bảo tàng (Discovery room)

Khu vực dành cho khách tham quan tự khám phá những vấn đề về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, khoa học thông qua các hoạt động tìm hiểu, trải nghiêm, tương tác và trực tiếp thực hành.

2.2.6.9

Sảnh bảo tàng (Museum lobby)

Không gian mở đầu tuyến tham quan, nơi tổ chức đón tiếp, cung cấp các thông tin chung về bảo tàng và các dịch vụ tiện ích cho khách tham quan.

2.2.6.10

Tài liệu khoa học phụ (Supporting documentation)

Tài liệu do bảo tàng làm ra để hỗ trợ cho việc làm sáng rõ nội dung trưng bày của bảo tàng.

2.2.6.11

Thiết kế chi tiết trưng bày (Museum exhibition design/Detailed design)

Tập hợp các bản vẽ, thuyết minh, đồ họa thể hiện phương án chi tiết về nghệ thuật trưng bày đối với từng hiện vật bảo tàng và các tài liệu khoa học phụ kèm theo, gắn với các giải pháp về âm thanh, ánh sáng, màu sắc, vật liệu và các phương tiện kỹ thuật khác để thực hiện việc thi công trưng bày.

2.2.6.12

Thiết kế sơ bộ trưng bày (Museum exhibition layout design/Conceptual design)

Phương án tổng thể nghệ thuật trưng bày, bao gồm việc phân bố không gian trưng bày theo chủ đề gắn với việc xác định tuyến tham quan và giải pháp sử dụng âm thanh, ánh sáng, màu sắc, vật liệu và các phương tiện kỹ thuật khác.

2.2.6.13

Trưng bày ảo (Virtual exhibition)

Việc giới thiệu toàn bộ hoặc một phần trưng bày của bảo tàng theo hình thức định dạng số, giúp cho công chúng có thể tham quan thông qua mạng internet và các thiết bị khác.

2.2.6.14

Trưng bày chuyên đề (Thematic exhibition)

Trưng bày về một vấn đề lịch sử, văn hóa, khoa học chuyên biệt trong thời gian ngắn hạn, xác định.

2.2.6.15

Trưng bày lưu động (Travelling exhibition)

Việc giới thiệu về một hoặc nhiều nội dung trưng bày hoặc một vấn đề lịch sử, văn hóa, khoa học chuyên biệt được bảo tàng thực hiện tại một bảo tàng khác hoặc một địa điểm bên ngoài nhà bảo tàng.

2.2.6.16

Trưng bày ngoài trời (Outdoor exhibition)

Phần trưng bày hiện vật bảo tàng được thực hiện ở khu vực không gian ngoại thất thuộc khuôn viên bảo tàng.

2.2.6.17

Trưng bày thường xuyên (Permanent exhibition) Phần trưng bày chủ đạo, ổn định lâu dài tại bảo tàng.

2.2.6.18

Tuyến tham quan (Exhibition route/Exhibit Itinerary)

Lộ trình định hướng giúp khách tham quan tiếp cận nội dung trưng bày bảo tàng đầy đủ, hợp lý và thuận tiện nhất.

2.2.7

Giáo dục bảo tàng (Museum education)

2.2.7.1

Giáo dục bảo tàng (Museum education)

Việc thiết lập chương trình giáo dục nhằm tạo cơ hội rộng rãi để khách tham quan học tập, trải nghiệm thông qua việc tìm hiểu hiện vật và tham gia các hoạt động của bảo tàng, với mục đích cung cấp đầy đủ, hấp dẫn những thông tin, kiến thức mà bảo tàng muốn truyền tải tới công chúng.

2.2.7.2

Khách tham quan (Visitors/audience)

Người đến bảo tàng để nghiên cứu, học tập, trải nghiệm và hưởng thụ văn hóa thông qua trưng bày, hoạt động của bảo tàng.

2.2.7.3

Thuyết minh bảo tàng (Museum docent)

Việc truyền đạt chính xác và biểu cảm thông tin liên quan đến hiện vật và nội dung trưng bày, nhằm hỗ trợ khách tham quan nghiên cứu, học tập, thưởng thức và trải nghiệm về trưng bày của bảo tàng.

2.2.8

Dịch vụ bảo tàng (Museum services)

2.2.8.1

Dịch vụ bảo tàng (Museum services)

Việc sử dụng nguồn lực của bảo tàng phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham quan, hưởng thụ văn hóa của công chúng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ nhằm mang lại nguồn thu cho hoạt động của bảo tàng.

2.2.8.2

Cửa hàng lưu niệm (Museum shop)

Nơi bán ấn phẩm và sản phẩm lưu niệm liên quan đến hiện vật và nội dung trưng bày của bảo tàng, nhằm mở rộng việc giới thiệu, quảng bá về bảo tàng và mang lại nguồn thu cho hoạt động của bảo tàng.

2.2.8.3

Tiếp thị bảo tàng (Museum marketing)

Việc tổ chức hoạt động giới thiệu, quảng bá về bảo tàng nhằm thu hút khách tham quan, tổ chức, cá nhân, đến bảo tàng và hỗ trợ cho các chương trình hoạt động của bảo tàng.

2.3 Di tích và các vấn đề liên quan (Relic and relative issues)

2.3.1

Di sản văn hóa vật thể (Tangible cultural heritage)

2.3.1.1

Di sản văn hóa vật thể (Tangible cultural heritage)

Sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

2.3.1.2

Danh lam thắng cảnh (Scenic landscape)

Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học.

2.3.1.3

Di sản thiên nhiên thế giới (World natural heritage)

Đối tượng có giá trị nổi bật toàn cầu đáp ứng từ 1 đến 4 tiêu chí của Hướng dẫn thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972 của UNESCO và được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận.

2.3.1.4

Di sản văn hóa thế giới (World cultural heritage)

Đối tượng có giá trị nổi bật toàn cầu đáp ứng từ 1 đến 6 tiêu chí của Hướng dẫn thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972 của UNESCO và được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận.

2.3.1.5

Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới hỗn hợp (Mixed cultural and natural heritage)

Di sản đáp ứng được tiêu chí của cả di sản văn hoá thế giới và di sản thiên nhiên thế giới.

2.3.1.6

Di tích cấp tỉnh (Provincial - level site/monument)

Công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó hoặc cảnh quan thiên nhiên, địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu của địa phương, được xếp hạng theo quy định của pháp luật.

2.3.1.7

Di tích khảo cổ (Archaeological monument)

Địa điểm lưu giữ những dấu tích, di vật phản ánh các giai đoạn phát triển của văn hóa khảo cổ có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, đã được xếp hạng theo quy định của pháp luật.

2.3.1.8

Di tích kiến trúc nghệ thuật (Architectural and artistic site/ monument)

Công trình kiến trúc nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị, đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật, đã được xếp hạng theo quy định của pháp luật.

2.3.1.9

Di tích lịch sử (Historical site/monument)

Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện tiêu biểu hoặc gắn với thân thế, sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia hoặc địa phương trong các thời kỳ lịch sử, đã được xếp hạng theo quy định của pháp luật.

2.3.1.10

Di tích lịch sử - văn hóa (Historical and cultural site/monument)

Công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, đã được xếp hạng theo quy định của pháp luật.

2.3.1.11

Di tích lưu niệm (Monument/Memorial)

Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu các sự kiện lịch sử hoặc gắn với các nhà hoạt động chính trị, văn hóa, nghệ thuật, khoa học có ảnh hưởng đối với tiến trình lịch sử nhằm lưu giữ những sự kiện lịch sử hoặc công trạng của những nhà hoạt động xuất sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đã được xếp hạng theo quy định của pháp luật.

2.3.1.12

Di tích quốc gia (National - level site)

Công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó hoặc cảnh quan thiên nhiên, địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu của quốc gia, được xếp hạng theo quy định của pháp luật.

2.3.1.13

Di tích quốc gia đặc biệt (Special national - level site)

Công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó hoặc cảnh quan thiên nhiên, địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt tiêu biểu của quốc gia.

2.3.1.14

Khu vực bảo vệ I (Protected zone I)

Vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích được xác định tại bản đồ và biên bản khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

2.3.1.15

Khu vực bảo vệ II (Protected zone II)

Vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I của di tích, được xác định tại bản đồ và biên bản khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

2.3.1.16

Vùng đệm (Buffer zone)

Khu vực bao quanh hoặc tiếp giáp với vùng lõi của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới có tầm quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản.

2.3.1.17

Vùng lõi (Strict protection zone)

Khu vực chứa đựng các yếu tố tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu, tính xác thực và tính toàn vẹn của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

2.3.1.18

Yếu tố gốc cấu thành di tích (Original elements constitute the relics)

Yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

2.3.2

Kiểm kê (Inventory)

2.3.2.1

Kiểm kê di tích (Monument inventory)

Hoạt động nhận diện, xác định giá trị công trình, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên để lập danh mục di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

2.3.2.2

Danh mục kiểm kê di tích (List of relics inventory)

Bản thống kê các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên có dấu hiệu là di tích nhưng chưa được xếp hạng do cơ quan có thẩm quyền quyết định công bố theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

2.3.2.3

Hồ sơ khoa học di tích (Scientific file of site/monument)

Tập hợp tài liệu khoa học và pháp lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa phản ánh thực trạng, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích.

2.3.2.4

Phân loại di tích (Classification of site/monument)

Việc chia di tích theo đặc điểm, giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ theo yêu cầu quản lý để có biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di tích phù hợp.

2.3.3

Bảo tồn (Conservation)

2.3.3.1

Bảo tồn di tích (Monument conservation)

Hoạt động nghiên cứu, quản lý, bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi nhằm bảo đảm tính toàn vẹn, tính xác thực và sự tồn tại lâu dài, ổn định của di tích để phát huy giá trị.

2.3.3.2

Bảo quản di tích (Conservation of relics)

Hoạt động nhằm phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ làm hư hỏng mà không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

2.3.3.3

Bảo vệ di tích (Monument protection)

Hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ xâm hại di tích và xử lý hành vi xâm hại di tích theo quy định của pháp luật.

2.3.3.4

Bảo vệ nguyên trạng mặt bằng và không gian di tích (Protection of original condition of monument ground and space/In-situ protection)

Duy trì bố cục tổng mặt bằng, sự sắp đặt, mối liên hệ giữa các hạng mục công trình tiêu biểu của di tích với nhau và giữa các hạng mục công trình đó với cảnh quan xung quanh đã được định hình qua thời gian.

2.3.3.5

Dự án tu bổ di tích (Monument restoration project)

Tập hợp đề xuất biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi yếu tố gốc của di tích, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và các yếu tố khác có liên quan nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

2.3.3.6

Gia cố, gia cường di tích (Reinforcing monument)

Biện pháp làm tăng sự bền vững và ổn định của di tích hoặc các bộ phận của di tích.

2.3.3.7

Hạ giải công trình di tích (Disassembly of monument structure)

Hoạt động tháo rời cấu kiện tạo thành kiến trúc của một di tích nhằm mục đích tu bổ di tích hoặc di chuyển cấu kiện đến một nơi khác để lắp dựng lại mà vẫn giữ gìn tối đa sự nguyên vẹn các cấu kiện đó.

2.3.3.8

Nối, vá, gắn, chắp cấu kiện di tích (Measures to connect, patch, piece the monument structure)

Việc làm liền lại hoặc bổ sung, thay thế phần cấu kiện, bộ phận di tích bị hư hỏng bằng kỹ thuật và vật liệu tương đồng, nhằm bảo đảm sự bền vững của cấu kiện, bộ phận gốc.

2.3.3.9

Phục hồi di tích (Restoration of site/monument)

Hoạt động nhằm phục dựng lại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đó.

2.3.3.10

Quy hoạch di tích (Planning of site/monument)

Việc xác định phạm vi và biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi yếu tố gốc của di tích trong một khu vực xác định, định hướng tổ chức không gian hạng mục công trình xây dựng mới, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và tạo lập môi trường cảnh quan thích hợp trong khu vực di tích.

2.3.3.11

Quy hoạch hệ thống di tích (The planning of monuments system)

Quy hoạch toàn bộ di tích trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh và đối tượng đã được kiểm kê di tích.

2.3.3.12

Quy hoạch tổng thể di tích (The master planning of relics)

Quy hoạch đối với một di tích quốc gia đặc biệt hoặc cụm di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học.

2.3.3.13

Thẩm định Dự án tu bổ di tích (Examination of site/monument conservation project)

Hoạt động của cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, sự phù hợp của nội dung dự án về biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi yếu tố gốc của di tích, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và các yếu tố khác có liên quan theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và xây dựng.

2.3.3.14

Thẩm định Quy hoạch tu bổ di tích (Examination of site/monument conservation planning)

Hoạt động của cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét sự phù hợp của quy hoạch về tính pháp lý, quan điểm, mục tiêu, phạm vi nghiên cứu, định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, tổ chức không gian xây dựng công trình mới, hạ tầng kỹ thuật, môi trường cảnh quan và cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và xây dựng.

2.3.3.15

Thẩm định Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích (Examination of design drawings for site/monument conservation)

Hoạt động của cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét sự phù hợp của thiết kế về các phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi công trình di tích và cảnh quan di tích; phương án phòng chống mối mọt, cháy nổ, xây dựng công trình mới, hạ tầng kỹ thuật; giải pháp kỹ thuật công nghệ, vật liệu và các nội dung khác theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn pháp luật về di sản văn hóa và xây dựng.

2.3.3.16

Tình trạng bảo tồn di tích (Site/monument conservation status) Hiện trạng về sự toàn vẹn, bền vững và ổn định của di tích.

2.3.3.17

Tính toàn vẹn của di tích (Integrity of site/monument)

Sự bảo lưu đầy đủ các yếu tố cấu thành một di tích, bao gồm cảnh quan môi trường, tổng thể kiến trúc với các đặc trưng kỹ thuật xây dựng, vật liệu sử dụng, nghệ thuật, kiểu thức trang trí và các động sản khác.

2.3.3.18

Tôn tạo di tích (Relics conservation/Restoration)

Hoạt động nhằm tăng cường khả năng sử dụng, khai thác và phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.

2.3.3.19

Trưng bày bổ sung di tích (Additional exhibition in site/monument)

Việc tổ chức trưng bày tại di tích những tài liệu, hiện vật trực tiếp liên quan đến di tích, được phát hiện trong quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ hơn về di tích đó cho khách tham quan.

2.3.3.20

Tu bổ di tích (Monument restoration)

Hoạt động nhằm tu sửa, gia cố, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

2.3.4

Khai quật khảo cổ (Archaeological excavation)

2.3.4.1

Khai quật khảo cổ (Archaeological excavation)

Hoạt động thực hiện các phương pháp khảo cổ học nhằm nghiên cứu địa tầng, tầng văn hóa, di tích, di vật khảo cổ để xác định nội dung, giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của địa điểm khảo cổ.

2.3.4.2

Báo cáo khoa học khai quật khảo cổ (Archaeological excavation scientific report)

Báo cáo chi tiết kết quả nghiên cứu, thăm dò, khai quật khảo cổ được người chủ trì và tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ thực hiện sau khi kết thúc việc xử lý khoa học các tài liệu, hiện vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ.

2.3.4.3

Báo cáo sơ bộ khai quật khảo cổ (Preliminary archaeological excavation report)

Báo cáo khái quát về kết quả nghiên cứu, thăm dò, khai quật khảo cổ được người chủ trì và tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ thực hiện ngay sau khi kết thúc thăm dò, khai quật khảo cổ.

2.3.4.4

Địa điểm khảo cổ (Archaeological site)

Nơi lưu giữ những di tích, di vật phản ánh các giai đoạn phát triển của văn hóa khảo cổ, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

2.3.4.5

Điều tra khảo cổ (Archaeological investigation survey)

Hoạt động nghiên cứu khoa học được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp điền dã nghiên cứu địa hình, địa mạo và lấy mẫu vật ở bề mặt của địa điểm khảo cổ nhằm bước đầu xác định vị trí, phạm vi, niên đại, tính chất của địa điểm khảo cổ.

2.3.4.6

Hồ sơ khai quật khảo cổ (Archaeological excavation file)

Toàn bộ tài liệu viết, bản vẽ, bản dập, bản ảnh, tài liệu nghe nhìn và các tài liệu khác được hình thành trong quá trình nghiên cứu, thăm dò, khai quật khảo cổ.

2.3.4.7

Khai quật khảo cổ khẩn cấp (Emergency archaeological excavation)

Hoạt động khai quật khảo cổ nhằm kịp thời nghiên cứu, xử lý, thu thập di vật khảo cổ ở địa điểm khảo cổ đang bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại vĩnh viễn.

2.3.4.8

Người chủ trì cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ (The executor of an archacological survey, excavation)

Người có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, được cấp giấy phép tổ chức thăm dò khai quật khảo cổ, chịu trách nhiệm chính về chuyên môn trong quá trình triển khai thăm dò, khai quật khảo cổ.

2.3.4.9

Quy hoạch khảo cổ (Archaeological planning)

Việc thống kê các địa điểm khảo cổ đã biết, xác định các khu vực có khả năng ẩn chứa địa điểm khảo cổ, để xây dựng kế hoạch nghiên cứu, biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị và việc triển khai các chương trình thăm dò, khai quật khảo cổ dài hạn trên một địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2.3.4.10

Tầng văn hóa khảo cổ (Archaeological cultural layer)

Lớp đất chứa đựng các dấu tích, di vật phản ánh hoạt động của con người, thể hiện đặc trưng văn hóa của cộng đồng người trong một thời kỳ lịch sử nhất định.

2.3.4.11

Thăm dò khảo cổ (Archaeological survey excavation)

Việc đào có tính chất thử nghiệm địa điểm khảo cổ với diện tích nhỏ nhằm bước đầu xác định sự tồn tại, phạm vi, niên đại và tính chất của địa điểm khảo cổ.

2.3.5

Bảo vật quốc gia (National treasure)

2.3.5.1

Bảo vật quốc gia (National treasure)

Hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học.

2.3.5.2

Cổ vật (Antiquity)

Hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.

2.3.5.3

Di vật (Relic)

Hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

2.3.5.4

Di vật khảo cổ (Archaeological relic)

Hiện vật được phát hiện qua thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc phát hiện ngẫu nhiên, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

2.3.5.5

Giám định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (Inspection of relics, antiquities, national treasures)

Hoạt động được tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa thực hiện nhằm xác định niên đại, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và những vấn đề khoa học khác liên quan đến di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

2.3.5.6

Niên đại tuyệt đối của hiện vật (Absolute dating)

Thông tin chính xác về thời gian hiện vật được chế tác, sản xuất hoặc hình thành dựa trên các căn cứ khoa học.

2.3.5.7

Niên đại tương đối của hiện vật (Relative dating)

Thông tin về thời điểm chế tác, sản xuất hoặc hình thành của hiện vật dựa trên sự so sánh các dấu hiệu chung với các hiện vật đã được xác định niên đại tuyệt đối.

2.4 Di sản văn hoá phi vật thể và các vấn đề liên quan (Intangible culture heritage and relative issues)

2.4.1

Di sản văn hóa phi vật thể (Intangible cultural heritage)

2.4.1.1

Di sản văn hóa phi vật thể (Intangible cultural heritage)

Sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.

2.4.1.2

Di sản văn hóa phi vật thể bị mai một (The falling into oblivion of intangible cultural heritage)

Di sản văn hóa phi vật thể dần bị thất truyền do sự suy giảm việc thực hành và truyền dạy.

2.4.1.3

Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (Intangible cultural heritage element in need of urgent safeguarding)

Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các quốc gia thành viên Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003, có nguy cơ mai một, thất truyền, được Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp theo đề nghị của quốc gia thành viên.

2.4.1.4

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Representative intangible cultural heritage element of humanity)

Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các quốc gia thành viên Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003, được Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo đề nghị của quốc gia thành viên.

2.4.1.5

Không gian văn hóa (Cultural space)

Nơi di sản văn hóa phi vật thể được chủ thể văn hóa sáng tạo, thực hành và lưu truyền.

2.4.1.6

Tính bền vững của di sản văn hóa phi vật thể (Sustainability of intangible cultural heritage)

Mức độ ổn định của các yếu tố cơ bản cấu thành di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm: chủ thể văn hóa, hiện vật, không gian văn hóa có liên quan và điều kiện pháp lý để di sản văn hóa phi vật thể được bảo vệ, thực hành và trao truyền.

2.4.1.7

Tính đại diện của di sản văn hóa phi vật thể (Representativeness of intangible cultural heritage) Những giá trị nổi bật, riêng có của di sản văn hóa phi vật thể phản ánh tri thức, tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ tạo nên bản sắc văn hóa của cộng đồng, được cộng đồng và xã hội thừa nhận.

2.4.2

Chủ thể văn hóa (Tradition Bearer)

2.4.2.1

Chủ thể văn hóa (Tradition Bearer)

Cộng đồng, nhóm hoặc cá nhân sáng tạo, nắm giữ, thừa kế và thực hành di sản văn hóa phi vật thể.

2.4.2.2

Cộng đồng (Community)

Một tập hợp những chủ thể văn hóa và những người cùng cư trú ở một khu vực địa lý, có những đặc tính chung về văn hóa, xã hội, cùng thừa nhận một di sản văn hóa phi vật thể nhất định là bản sắc văn hóa của mình.

2.4.2.3

Nghệ nhân (Tradition bearer/Master Artist/ Artisan)

Người có tài năng, nắm giữ và có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

2.4.3

Phân loại di sản văn hóa phi vật thể (Classification of the intangible cultural heritage)

2.4.3.1

Phân loại di sản văn hóa phi vật thể (Classification of the intangible cultural heritage)

Việc căn cứ vào đặc trưng và hình thức biểu hiện để phân chia di sản văn hóa phi vật thể thành các loại hình sau:

-  Tiếng nói, chữ viết;

- Ngữ văn dân gian;

- Nghệ thuật trình diễn dân gian;

- Tập quán xã hội và tín ngưỡng;

- Lễ hội truyền thống;

- Nghề thủ công truyền thống;

- Tri thức dân gian...

2.4.3.2

Lễ hội truyền thống (Traditional festival)

Hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nẩy sinh từ lịch sử, gắn với chu trình sản xuất và đời sống xã hội của cộng đồng, được cộng đồng sáng tạo và thực hành bằng các nghi lễ và hoạt động văn hóa để bày tỏ ước vọng về một cuộc sống tốt lành.

2.4.3.3

Nghề thủ công truyền thống (Traditional handicraft)

Hoạt động sáng tạo ra các sản phẩm vật thể mang tính đơn chiếc, bằng phương pháp thủ công, với chất liệu, công nghệ và bí quyết, kỹ năng nghề nghiệp thể hiện sắc thái địa phương của một hoặc nhiều nghệ nhân.

2.4.3.4

Nghệ thuật trình diễn dân gian (Folk performing arts)

Hình thức thể hiện các sáng tác dân gian của nghệ nhân, nhóm nghệ nhân hoặc cộng đồng trong một thời gian và không gian xác định, thông qua âm nhạc, vũ điệu, ngôn ngữ và các hình thức khác thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng.

2.4.3.5

Ngữ văn dân gian (Folk literature)

Hình thức sáng tạo nghệ thuật bằng ngôn từ của cộng đồng, được lưu truyền, bổ sung bằng truyền miệng qua các thế hệ, nhằm thể hiện tri thức về tự nhiên, xã hội, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của cộng đồng.

2.4.3.6

Tập quán xã hội và tín ngưỡng (Belief and social practices)

Các quy tắc ứng xử chung của cộng đồng với tự nhiên, xã hội và lực lượng siêu nhiên, do cộng đồng đặt ra, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, trở thành chuẩn mực ứng xử và điều chỉnh các quan hệ xã hội trong cộng đồng.

2.4.3.7

Tiếng nói, chữ viết (Language and writing script)

Công cụ tư duy và phương tiện giao tiếp để thể hiện, lưu giữ, truyền bá tri thức về tự nhiên, xã hội, tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ của con người, phản ánh bản sắc của cá nhân và cộng đồng.

2.4.3.8

Tri thức dân gian (Folk knowledge)

Hệ thống kiến thức về tự nhiên, xã hội, các lực lượng siêu nhiên được hình thành và bổ sung trong thực tiễn đời sống lâu dài của cộng đồng nhằm thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội.

2.4.4

Bảo vệ và phát huy giá trị (Safeguarding and promoting the values)

2.4.4.1

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể (Safeguarding and promoting the values of the intangible cultural heritage)

Hoạt động quản lý, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, phân loại, tư liệu hóa, thực hành, trình diễn, phổ biến, truyền dạy, phục hồi nhằm đảm bảo sự tồn tại lâu dài và ngăn ngừa nguy cơ làm mai một, thất truyền di sản văn hóa phi vật thể, để phát huy giá trị.

2.4.4.2

Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (National List of Intangible cultural heritage)

Bản thống kê di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đáp ứng các tiêu chí và được công bố theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

2.4.4.3

Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (Inventory List of Intangible cultural heritage)

Bản thống kê di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê với các thông tin theo qui định của pháp luật về di sản văn hóa.

2.4.4.4

Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể (Scientific file of intangible cultural heritage)

Tập hợp các tài liệu khoa học và pháp lý được xây dựng theo quy định của pháp luật phản ánh thực trạng, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di sản văn hóa phi vật thể.

2.4.4.5

Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (Inventorying intangible cultural heritage) Hoạt động nhận diện, xác định giá trị và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể.

2.4.4.6

Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể (Resume of an intangible cultural heritage element)

Tập hợp tài liệu khoa học theo quy định của pháp luật phản ánh kết quả nghiên cứu, điền dã về thực trạng, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di sản văn hóa phi vật thể.

2.4.4.7

Nhận diện và xác định giá trị di sản văn hóa phi vật thể (Identification and definition of the values of intangible cultural heritage)

Hoạt động nghiên cứu nhằm xác định tên gọi, loại hình, chủ thể văn hóa, không gian văn hóa, sức sống, đặc điểm, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di sản văn hóa phi vật thể và các yếu tố khác có liên quan.

2.4.4.8

Phục hồi di sản văn hoá phi vật thể (Revitalization of intangible cultural heritage)

Việc dựa trên các tư liệu khoa học và nhân chứng lịch sử để tái tạo lại một phần hoặc toàn bộ nội dung và hình thức thể hiện của di sản van hoá phi vật thể đã mất.

2.4.4.9

Sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể (Collection of the intangible cultural heritage)

Quá trình điền dã, nghiên cứu, phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, ghi hình và các hình thức khác khi di sản văn hóa phi vật thể đang được thực hành.

2.4.4.10

Thực hành di sản văn hóa phi vật thể (Practice of intangible cultural heritage)

Hoạt động của chủ thể văn hóa thể hiện quan niệm, tri thức và kỹ năng về di sản văn hóa phi vật thể do họ nắm giữ.

2.4.4.11

Trao truyền di sản văn hóa phi vật thể (Transmission of intangible cultural heritage)

Quá trình chuyển giao những kỹ năng, bí quyết, kinh nghiệm, thực hành di sản văn hóa phi vật thể từ một cá nhân hoặc một nhóm người cho một cá nhân hoặc một nhóm người khác để bảo đảm sự tồn tại lâu dài của di sản hóa phi vật thể đó.

2.4.4.12

Tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể (Documentation of intangible cultural heritage)

Hoạt động ghi chép, ghi âm, ghi hình (bao gồm hình ảnh tĩnh và hình ảnh động) và các hình thức khác nhằm lập hồ sơ lưu trữ phục vụ việc nghiên cứu và bảo tồn lâu dài di sản văn hóa phi vật thể.

 

Mục lục tra cứu thuật ngữ tiếng Việt

TT

Thuật ngữ tiếng Việt

Thuật ngữ tiếng Anh

Điều

1

Bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

Replica of relics, antiquities, national treasures

2.1.1

2

Báo cáo khoa học khai quật khảo cổ

Archaeological excavation scientific report

2.3.4.2

3

Báo cáo sơ bộ khai quật khảo cổ

Preliminary archaeological excavation report

2.3.4.3

4

Bảo hiểm hiện vật

Object insurance

2.2.3.2

5

Bảo quản di tích

Conservation of relics

2.3.3.2

6

Bảo quản định kỳ hiện vật

Regular conservation object

2.2.5.2

7

Bảo quản phòng ngừa hiện vật

Preventive conservation object

2.2.5.3

8

Bảo quản trị liệu hiện vật

Treatment conservation object

2.2.5.4

9

Bảo tàng

Museum

2.2.1.1

10

Bảo tàng cấp tỉnh

Provincial museum

2.2.1.2

11

Bảo tàng chuyên ngành

Specialised museum

2.2.1.3

12

Bảo tàng công lập

State museum

2.2.1.4

13

Bảo tàng học

Museology

2.2.2.1

14

Bảo tàng ngoài công lập

Private museum

2.2.1.5

15

Bảo tàng quốc gia

National museum

2.2.1.6

16

Bảo tồn di sản văn hóa

Conservation of cultural heritage

2.1.2

17

Bảo tồn di tích

Monument conservation

2.3.3.1

18

Bảo vật quốc gia

National treasure

2.3.5.1

19

Bảo vệ di tích

Monument protection

2.3.3.3

20

Bảo vệ nguyên trạng mặt bằng và không gian di tích

Protection of original condition of monument ground and space/In-situ protection

2.3.3.4

21

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Safeguarding and promoting the values of intangible cultural heritage

2.4.4.1

22

Chế độ bảo quản hiện vật

Conservation regulations

2.2.5.1

23

Chỉnh lý trưng bày

Exhibition adjustment

2.2.6.2

24

Cho mượn hiện vật

Object loan

2.2.3.3

25

Chú thích hiện vật

Object label

2.2.6.3

26

Chủ đề trưng bày

Exhibition theme

2.2.6.4

27

Chủ thể văn hóa

Tradition Bearer

2.4.2.1

28

Chuyển giao hiện vật

Object transfer

2.2.3.4

29

Cổ vật

Antiquity

2.3.5.2

30

Cộng đồng

Community

2.4.2.2

31

Cơ sở dữ liệu di sản văn hóa

Database of cultural heritage

2.1.3

32

Cửa hàng lưu niệm

Museum shop

2.2.8.2

33

Danh lam thắng cảnh

Scenic landscape

2.3.1.2

34

Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

National List of Intangible cultural heritage

2.4.4.2

35

Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể

Inventory of Intangible cultural heritage

2.4.4.3

36

Danh mục kiểm kê di tích

List of relics inventory

2.3.2.2

37

Di sản thiên nhiên thế giới

World natural heritage

2.3.1.3

38

Di sản tư liệu

Documentary heritage

2.1.4

39

Di sản văn hóa

Cultural heritage

2.1.5

40

Di sản văn hóa phi vật thể

Intangible cultural heritage

2.4.1.1

41

Di sản văn hóa phi vật thể bị mai một

The falling into oblivion of intangible cultural heritage

2.4.1.2

42

Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp

Intangible cultural heritage in need of urgent safeguarding

2.4.1.3

43

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Representative intangible cultural heritage of humanity

2.4.1.4

44

Di sản văn hóa thế giới

World cultural heritage

2.3.1.4

45

Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới hỗn hợp

Mixed cultural and natural heritage

2.3.1.5

46

Di sản văn hóa vật thể

Tangible cultural heritage

2.3.1.1

47

Di tích cấp tỉnh

Provincial - level site/monument

2.3.1.6

48

Di tích khảo cổ

Archaeological monument

2.3.1.7

49

Di tích kiến trúc nghệ thuật

Architectural and artistic site/monument

2.3.1.8

50

Di tích lịch sử

Historical site/monument

2.3.1.9

51

Di tích lịch sử - văn hóa

Historical and cultural site/monument

2.3.1.10

52

Di tích lưu niệm

Monument /Memorial

2.3.1.11

53

Di tích quốc gia

National - level site/monument

2.3.1.12

54

Di tích quốc gia đặc biệt

Special national - level site

2.3.1.13

55

Di vật

Relic

2.3.5.3

56

Di vật khảo cổ

Archaeological relic

2.3.5.4

57

Dịch vụ bảo tàng

Museum services

2.2.8.1

58

Dự án tu bổ di tích

Monument restoration project

2.3.3.5

59

Đảm bảo an toàn hiện vật

Storage security

2.2.5.5

60

Đăng ký hiện vật bảo tàng

Museum object registration

2.2.4.2

61

Đề án xây dựng bảo tàng

Museum construction proposal

2.2.2.2

62

Đề cương chi tiết nội dung trưng bày

General outline of exhibition content

2.2.6.5

63

Đề cương sưu tầm hiện vật

Collecting outline

2.2.3.5

64

Đề cương tổng quát nội dung trưng bày

Specific outline of exhibition content

2.2.6.6

65

Địa điểm khảo cổ

Archaeological site

2.3.4.4

66

Điều tra khảo cổ

Archaeological investigation survey

2.3.4.5

67

Gia cố, gia cường di tích

Reinforcing monument

2.3.3.6

68

Giám định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

Inspection of relics, antiquities, national treasures

2.3.5.5

69

Giáo dục bảo tàng

Museum education

2.2.7.1

70

Hạ giải công trình di tích

Disassembly of monument structure

2.3.3.7

71

Hiến tặng hiện vật

Object donation

2.2.3.6

72

Hiện vật bảo tàng

Museum object

2.2.2.3

73

Hiện vật gốc

Original object

2.2.2.4

74

Hiện vật phục chế

Restored object

2.2.2.5

75

Hồ sơ hiện vật

Object profile

2.2.4.3

76

Hồ sơ khai quật khảo cổ

Archaeological excavation file

2.3.4.6

77

Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể

Scientific file of intangible cultural heritage

2.4.4.4

78

Hồ sơ khoa học di tích

Scientific file of site/monument

2.3.2.3

79

Hồ sơ sưu tầm hiện vật

Object collection profile

2.2.3.7

80

Kế hoạch sưu tầm

Collecting plan

2.2.3.8

81

Khách tham quan

Visitors/audience

2.2.7.2

82

Khai quật khảo cổ

Archaeological excavation

2.3.4.1

83

Khai quật khảo cổ khẩn cấp

Emergency archaeological excavation

2.3.4.7

84

Kho bảo quản hiện vật

Museum storage

2.2.5.6

85

Kho mở

Open storage

2.2.5.7

86

Không gian trưng bày

Exhibition space

2.2.6.7

87

Không gian văn hóa

Cultural space

2.4.1.5

88

Khu vực bảo vệ I

Protected zone I

2.3.1.14

89

Khu vực bảo vệ II

Protected zone II

2.3.1.15

90

Khu khám phá trong bảo tàng

Discovery room

2.2.6.8

91

Kiểm kê di sản văn hóa

Inventorying cultural heritage

2.1.6

92

Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể

Inventorying intangible cultural heritage

2.4.4.5

93

Kiểm kê di tích

Monument inventory

2.3.2.1

94

Kiểm kê hiện vật

Objects inventory

2.2.4.1

95

Ký ức thế giới

Memory of the world

2.1.7

96

Lễ hội truyền thống

Traditional festival

2.4.3.2

97

Loại bỏ hiện vật

Deaccession

2.2.4.4

98

Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể

Resume of an intangible cultural heritage element

2.4.4.6

99

Miêu tả hiện vật bảo tàng

Description of museum object

2.2.4.5

100

Nghề thủ công truyền thống

Traditional handicraft

2.4.3.3

101

Nghệ nhân

Tradition bearer/The Master Artist/Artisan

2.4.2.3

102

Nghệ thuật trình diễn dân gian

Folk performing arts

2.4.3.4

103

Ngữ văn dân gian

Folk literature

2.4.3.5

104

Người chủ trì cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ

The executor of an archacological survey, excavation

2.3.4.8

105

Nhà bảo tàng

Museum building

2.2.1.7

106

Nhận diện và xác định giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Identification and definition of the values of intangible cultural heritage

2.4.4.7

107

Niên đại tuyệt đối của hiện vật

Absolute dating

2.3.5.6

108

Niên đại tương đối của hiện vật

Relative dating

2.3.5.7

109

Nối, vá, gắn, chắp cấu kiện di tích

Measures to connect, patch, piece the monument structure

2.3.3.8

110

Phân loại di sản văn hóa phi vật thể

Classification of the intangible cultural heritage

2.4.3.1

111

Phân loại di tích

Classification of site

2.3.2.4

112

Phân loại hiện vật bảo tàng

Museum object classification

2.2.4.6

113

Phần mềm quản lý hiện vật

Object collection management software

2.2.4.7

114

Phiếu hiện vật

Catalogue card

2.2.4.8

115

Phục chế hiện vật

Restoration of museum objects

2.2.2.6

116

Phục hồi di sản văn hóa phi vật thể

Revitalization of intangible cultural heritage

2.4.4.8

117

Phục hồi di tích

Restoration of site/monument

2.3.3.9

118

Quy hoạch di tích

Planning of site/ monument

2.3.3.10

119

Quy hoạch hệ thống di tích

The planning of monuments system

2.3.3.11

120

Quy hoạch khảo cổ

Archaeological planning

2.3.4.9

121

Quy hoạch tổng thể di tích

The master planning of relics

2.3.3.12

122

Sảnh bảo tàng

Museum lobby

2.2.6.9

123

Số đăng ký hiện vật

Accession number/Object number

2.2.4.9

124

Số hóa hiện vật

Digitalization object

2.2.2.7

125

Sổ đăng ký hiện vật

Assession register

2.2.4.10

126

Sổ nhập hiện vật tạm thời

Contemporary assession register

2.2.4.11

127

Sổ phân loại hiện vật

Object classification register

2.2.4.12

128

Sưu tầm hiện vật

Object collecting

2.2.3.1

129

Sưu tầm văn hóa phi vật thể

Collection of the intangible cutural heritage

2.4.4.9

130

Sưu tập

Collection

2.1.8

131

Sưu tập hiện vật bảo tàng

Museum collection

2.2.4.13

132

Tài liệu khoa học phụ

Supporting documentation

2.2.6.10

133

Tầng văn hóa khảo cổ

Archaeological cultural layer

2.3.4.10

134

Tập quán xã hội và tín ngưỡng

Belief and social practices

2.4.3.6

135

Tên hiện vật bảo tàng

Museum object name

2.2.4.14

136

Thăm dò khảo cổ

Archaeological survey excavation

2.3.4.11

137

Thẩm định Dự án tu bổ di tích

Examination of site/monument conservation project

2.3.3.13

138

Thẩm định Quy hoạch tu bổ di tích

Examination of site/monument conservation planning

2.3.3.14

139

Thẩm định Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích

Examination of design drawings for site/monument conservation

2.3.3.15

140

Thiết kế chi tiết trưng bày bảo tàng

Museum exhibition design/Detailed design

2.2.6.11

141

Thiết kế sơ bộ trưng bày bảo tàng

Museum exhibition layout design /Conceptual design

2.2.6.12

142

Thuyết minh bảo tàng

Museum docent

2.2.7.3

143

Thực hành di sản văn hóa phi văn thể

Practice of intangible cultural heritage

2.4.4.10

144

Tiếng nói, chữ viết

Language and writing script

2.4.3.7

145

Tiếp thị Bảo tàng

Museum marketing

2.2.8.3

146

Tình trạng bảo tồn di tích

Site/ monument conservation status

2.3.3.16

147

Tình trạng hiện vật bảo tàng

Museum object conditions

2.2.5.8

148

Tính bền vững của di sản văn hóa phi vật thể

Sustainability of intangible cultural heritage

2.4.1.6

149

Tính đại diện của di sản văn hóa phi vật thể

Representativeness of intangible cultural heritage

2.4.1.7

150

Tính toàn vẹn của di tích

Integrity of site/monument

2.3.3.17

151

Tôn tạo di tích

Relics conservation/Restoration

2.3.3.18

152

Trao đổi hiện vật

Object exchange

2.2.3.9

153

Trao truyền di sản văn hóa phi vật thể

Transmission of intangible cultural heritage

2.4.4.11

154

Tri thức dân gian

Folk knowledge

2.4.3.8

155

Trưng bày ảo

Virtual exhibition

2.2.6.13

156

Trưng bày bảo tàng

Museum exhibition

2.2.6.1

157

Trưng bày bổ sung di tích

Additional exhibition in site/monument

2.3.3.19

158

Trưng bày chuyên đề

Thematic exhibition

2.2.6.14

159

Trưng bày lưu động

Travelling exhibition

2.2.6.15

160

Trưng bày ngoài trời

Outdoor exhibition

2.2.6.16

161

Trưng bày thường xuyên

Permanent exhibition

2.2.6.17

162

Tu bổ di tích

Monument restoration

2.3.3.20

163

Tu sửa hiện vật

Object repair

2.2.5.9

164

Tuyến tham quan

Exhibition route/Exhibit Itinerary

2.2.6.18

165

Tư liệu hóa di sản văn hóa

Documentation of cultural heritage

2.1.9

166

Tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể

Documentation of intangible cultural heritage

2.4.4.12

167

Vùng đệm

Buffer zone

2.3.1.16

168

Vùng lõi

Strict protection zone

2.3.1.17

169

Yếu tố gốc cấu thành di tích

Original condition of monument

2.3.1.18

 

Mục lục tra cứu thuật ngữ tiếng Anh

TT

Thuật ngữ tiếng Anh

Thuật ngữ tiếng Việt

Điều

1

Absolute dating

Niên đại tuyệt đối của hiện vật

2.3.5.6

2

Accession number/Object number

Số đăng ký hiện vật

2.2.4.9

3

Additional exhibition in site/monument

Trưng bày bổ sung di tích

2.3.3.19

4

Antiquity

Cổ vật

2.3.5.2

5

Archaeological cultural layer

Tầng văn hóa khảo cổ

2.3.4.10

6

Archaeological excavation

Khai quật khảo cổ

2.3.4.1

7

Archaeological excavation file

Hồ sơ khai quật khảo cổ

2.3.4.6

8

Archaeological excavation scientific report

Báo cáo khoa học khai quật khảo cổ

2.3.4.2

9

Archaeological investigation survey

Điều tra khảo cổ

2.3.4.5

10

Archaeological monument

Di tích khảo cổ

2.3.1.7

11

Archaeological planning

Quy hoạch khảo cổ

2.3.4.9

12

Archaeological relic

Di vật khảo cổ

2.3.5.4

13

Archaeological site

Địa điểm khảo cổ

2.3.4.4

14

Archaeological survey excavation

Thăm dò khảo cổ

2.3.4.11

15

Architectural and artistic site/monument

Di tích kiến trúc nghệ thuật

2.3.1.8

16

Assession register

Sổ đăng ký hiện vật

2.2.4.10

17

Belief and social practices

Tập quán xã hội và tín ngưỡng

2.4.3.6

18

Buffer zone

Vùng đệm

2.3.1.16

19

Catalogue card

Phiếu hiện vật

2.2.4.8

20

Classification of site

Phân loại di tích

2.3.2.4

21

Classification of the intangible cultural heritage

Phân loại di sản văn hóa phi vật thể

2.4.3.1

22

Collecting outline

Đề cương sưu tầm hiện vật

2.2.3.5

23

Collecting plan

Kế hoạch sưu tầm

2.2.3.8

24

Collection

Sưu tập

2.1.8

25

Collection of the intangible cutural heritage

Sưu tầm văn hóa phi vật thể

2.4.4.9

26

Community

Cộng đồng

2.4.2.2

27

Conservation of cultural heritage

Bảo tồn di sản văn hóa

2.1.2

28

Conservation of relics

Bảo quản di tích

2.3.3.2

29

Conservation regulations

Chế độ bảo quản hiện vật

2.2.5.1

30

Contemporary assession register

Sổ nhập hiện vật tạm thời

2.2.4.11

31

Cultural heritage

Di sản văn hóa

2.1.5

32

Cultural space

Không gian văn hóa

2.4.1.5

33

Database of cultural heritage

Cơ sở dữ liệu di sản văn hóa

2.1.3

34

Deaccession

Loại bỏ hiện vật

2.2.4.4

35

Description of museum object

Miêu tả hiện vật bảo tàng

2.2.4.5

36

Digitalization object

Số hóa hiện vật

2.2.2.7

37

Disassembly of monument structure

Hạ giải công trình di tích

2.3.3.7

38

Discovery room

Khu khám phá trong bảo tàng

2.2.6.8

39

Documentary heritage

Di sản tư liệu

2.1.4

40

Documentation of cultural heritage

Tư liệu hóa di sản văn hóa

2.1.9

41

Documentation of intangible cultural heritage

Tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể

2.4.4.12

42

Emergency archaeological excavation

Khai quật khảo cổ khẩn cấp

2.3.4.7

43

Examination of design drawings for site/monument conservation

Thẩm định Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích

2.3.3.15

44

Examination of site/monument conservation planning

Thẩm định Quy hoạch tu bổ di tích

2.3.3.14

45

Examination of site/monument conservation project

Thẩm định Dự án tu bổ di tích

2.3.3.13

46

Exhibition adjustment

Chỉnh lý trưng bày

2.2.6.2

47

Exhibition route/ Exhibit Itinerary

Tuyến tham quan

2.2.6.18

48

Exhibition space

Không gian trưng bày

2.2.6.7

49

Exhibition theme

Chủ đề trưng bày

2.2.6.4

50

Folk knowledge

Tri thức dân gian

2.4.3.8

51

Folk literature

Ngữ văn dân gian

2.4.3.5

52

Folk performing arts

Nghệ thuật trình diễn dân gian

2.4.3.4

53

General outline of exhibition content

Đề cương chi tiết nội dung trưng bày

2.2.6.5

54

Historical and cultural site/monument

Di tích lịch sử - văn hóa

2.3.1.10

55

Historical site/monument

Di tích lịch sử

2.3.1.9

56

Identification and definition of the values of intangible cultural heritage

Nhận diện và xác định giá trị di sản văn hóa phi vật thể

2.4.4.7

57

Inspection of relics, antiquities, national treasures

Giám định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

2.3.5.5

58

Intangible cultural heritage

Di sản văn hóa phi vật thể

2.4.1.1

59

Intangible cultural heritage in need of urgent safeguarding

Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp

2.4.1.3

60

Integrity of site/ monument

Tính toàn vẹn của di tích

2.3.3.17

61

Inventory of Intangible cultural heritage

Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể

2.4.4.3

62

Inventorying cultural heritage

Kiểm kê di sản văn hóa

2.1.6

63

Inventorying intangible cultural heritage

Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể

2.4.4.5

64

Language and writing script

Tiếng nói, chữ viết

2.4.3.7

65

List of relics inventory

Danh mục kiểm kê di tích

2.3.2.2

66

Measures to connect, patch, piece the monument structure

Nối, vá, gắn, chắp cấu kiện di tích

2.3.3.8

67

Memory of the world

Ký ức thế giới

2.1.7

68

Mixed cultural and natural heritage

Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới hỗn hợp

2.3.1.5

69

Monument/Memorial

Di tích lưu niệm

2.3.1.11

70

Monument conservation

Bảo tồn di tích

2.3.3.1

71

Monument inventory

Kiểm kê di tích

2.3.2.1

72

Monument protection

Bảo vệ di tích

2.3.3.3

73

Monument restoration

Tu bổ di tích

2.3.3.20

74

Monument restoration project

Dự án tu bổ di tích

2.3.3.5

75

Museology

Bảo tàng học

2.2.2.1

76

Museum

Bảo tàng

2.2.1.1

77

Museum building

Nhà bảo tàng

2.2.1.7

78

Museum collection

Sưu tập hiện vật bảo tàng

2.2.4.13

79

Museum construction proposal

Đề án xây dựng bảo tàng

2.2.2.2

80

Museum docent

Thuyết minh bảo tàng

2.2.7.3

81

Museum education

Giáo dục bảo tàng

2.2.7.1

82

Museum exhibition

Trưng bày bảo tàng

2.2.6.1

83

Museum exhibition design/Detailed design

Thiết kế chi tiết trưng bày bảo tàng

2.2.6.11

84

Museum exhibition layout design/Conceptual design

Thiết kế sơ bộ trưng bày bảo tàng

2.2.6.12

85

Museum lobby

Sảnh bảo tàng

2.2.6.9

86

Museum marketing

Tiếp thị Bảo tàng

2.2.8.3

87

Museum object

Hiện vật bảo tàng

2.2.2.3

88

Museum object classification

Phân loại hiện vật bảo tàng

2.2.4.6

89

Museum object conditions

Tình trạng hiện vật bảo tàng

2.2.5.8

90

Museum object name

Tên hiện vật bảo tàng

2.2.4.14

91

Museum object registration

Đăng ký hiện vật bảo tàng

2.2.4.2

92

Museum services

Dịch vụ bảo tàng

2.2.8.1

93

Museum shop

Cửa hàng lưu niệm

2.2.8.2

94

Museum storage

Kho bảo quản hiện vật

2.2.5.6

95

National - level site/ monument

Di tích quốc gia

2.3.1.12

96

National List of Intangible cultural heritage

Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

2.4.4.2

97

National museum

Bảo tàng quốc gia

2.2.1.6

98

National treasure

Bảo vật quốc gia

2.3.5.1

99

Object classification register

Sổ phân loại hiện vật

2.2.4.12

100

Object collecting

Sưu tầm hiện vật

2.2.3.1

101

Object collection management software

Phần mềm quản lý hiện vật

2.2.4.7

102

Object collection profile

Hồ sơ sưu tầm hiện vật

2.2.3.7

103

Original condition of monument

Yếu tố gốc cấu thành di tích

2.3.1.18

104

Object donation

Hiến tặng hiện vật

2.2.3.6

105

Object exchange

Trao đổi hiện vật

2.2.3.9

106

Object insurance

Bảo hiểm hiện vật

2.2.3.2

107

Objects inventory

Kiểm kê hiện vật

2.2.4.1

108

Object label

Chú thích hiện vật

2.2.6.3

109

Object loan

Cho mượn hiện vật

2.2.3.3

110

Object profile

Hồ sơ hiện vật

2.2.4.3

111

Object repair

Tu sửa hiện vật

2.2.5.9

112

Object transfer

Chuyển giao hiện vật

2.2.3.4

113

Open storage

Kho mở

2.2.5.7

114

Original object

Hiện vật gốc

2.2.2.4

115

Outdoor exhibition

Trưng bày ngoài trời

2.2.6.16

116

Permanent exhibition

Trưng bày thường xuyên

2.2.6.17

117

Planning of site/monument

Quy hoạch di tích

2.3.3.10

118

Practice of intangible cultural heritage

Thực hành di sản văn hóa phi văn thể

2.4.4.10

119

Preliminary archaeological excavation report

Báo cáo sơ bộ khai quật khảo cổ

2.3.4.3

120

Preventive conservation object

Bảo quản phòng ngừa hiện vật

2.2.5.3

121

Private museum

Bảo tàng ngoài công lập

2.2.1.5

122

Protected zone I

Khu vực bảo vệ I

2.3.1.14

123

Protected zone II

Khu vực bảo vệ II

2.3.1.15

124

Protection of original condition of monument ground and space/In-situ protection

Bảo vệ nguyên trạng mặt bằng và không gian di tích

2.3.3.4

125

Provincial - level site/monument

Di tích cấp tỉnh

2.3.1.6

126

Provincial museum

Bảo tàng cấp tỉnh

2.2.1.2

127

Regular conservation object

Bảo quản định kỳ hiện vật

2.2.5.2

128

Reinforcing monument

Gia cố, gia cường di tích

2.3.3.6

129

Relative dating

Niên đại tương đối của hiện vật

2.3.5.7

130

Relic

Di vật

2.3.5.3

131

Relics conservation/Restoration

Tôn tạo di tích

2.3.3.18

132

Replica of relics, antiquities, national treasures

Bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

2.1.1

133

Representative intangible cultural heritage of humanity

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

2.4.1.4

134

Representativeness of intangible cultural heritage

Tính đại diện của di sản văn hóa phi vật thể

2.4.1.7

135

Restoration of museum objects

Phục chế hiện vật

2.2.2.6

136

Restoration of site/monument

Phục hồi di tích

2.3.3.9

137

Restored object

Hiện vật phục chế

2.2.2.5

138

Resume of an intangible cultural heritage element

Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể

2.4.4.6

139

Revitalization of intangible cultural heritage

Phục hồi di sản văn hóa phi vật thể

2.4.4.8

140

Safeguarding and promoting the values of intangible cultural heritage

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

2.4.4.1

141

Scenic landscape

Danh lam thắng cảnh

2.3.1.2

142

Scientific file of site/monument

Hồ sơ khoa học di tích

2.3.2.3

143

Scientific file of intangible cultural heritage

Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể

2.4.4.4

144

Site/monument conservation status

Tình trạng bảo tồn di tích

2.3.3.16

145

Special national - level site

Di tích quốc gia đặc biệt

2.3.1.13

146

Specialised museum

Bảo tàng chuyên ngành

2.2.1.3

147

Specific outline of exhibition content

Đề cương tổng quát nội dung trưng bày

2.2.6.6

148

State museum

Bảo tàng công lập

2.2.1.4

149

Storage security

Đảm bảo an toàn hiện vật

2.2.5.5

150

Strict protection zone

Vùng lõi

2.3.1.17

151

Supporting documentation

Tài liệu khoa học phụ

2.2.6.10

152

Sustainability of intangible cultural heritage

Tính bền vững của di sản văn hóa phi vật thể

2.4.1.6

153

Tangible cultural heritage

Di sản văn hóa vật thể

2.3.1.1

154

The executor of an archacological survey, excavation

Người chủ trì cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ

2.3.4.8

155

The falling into oblivion of intangible cultural heritage

Di sản văn hóa phi vật thể bị mai một

2.4.1.2

156

The master planning of relics

Quy hoạch tổng thể di tích

2.3.3.12

157

The planning of monuments system

Quy hoạch hệ thống di tích

2.3.3.11

158

Thematic exhibition

Trưng bày chuyên đề

2.2.6.14

159

Tradition bearer

Chủ thể văn hóa

2.4.2.1

160

Tradition bearer/The Master Artist/Artisan

Nghệ nhân

2.4.2.3

161

Traditional festival

Lễ hội truyền thống

2.4.3.2

162

Traditional handicraft

Nghề thủ công truyền thống

2.4.3.3

163

Transmission of intangible cultural heritage

Trao truyền di sản văn hóa phi vật thể

2.4.4.11

164

Travelling exhibition

Trưng bày lưu động

2.2.6.15

165

Treatment conservation object

Bảo quản trị liệu hiện vật

2.2.5.4

166

Virtual exhibition

Trưng bày ảo

2.2.6.13

167

Visitors/audience

Khách tham quan

2.2.7.2

168

World cultural heritage

Di sản văn hóa thế giới

2.3.1.4

169

World natural heritage

Di sản thiên nhiên thế giới

2.3.1.3

 

THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Cục Di sản Văn hóa, Một con đường tiếp cận di sản, tập 1, 2, 3, 4, 5, 6. NXB Hà Nội.

[2] BURCAW, G. E.. Introduction to Museum Work, 3rd Edition. AltaMira Press, 1997.

[3] Công ước UNESCO năm 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.

[4] Công ước UNESCO năm 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, bản sửa đổi, bổ sung tháng 7 năm 2011.

[5] Công ước UNESCO năm 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

[6] Definition intangible cultural heritage, Turin, March 2001/ Définition patrimoine culturel immatériel, Turin, Mars 2001.

[8] Definition intangible cultural heritage, Netherlands National Commission for UNESCO, beginning of June 2002.

[9] Definition of folklore (traditional and popular culture, 1989).

[10] Dictionnaire encyclopédique de Museologie, Armand Colin, 2011.

[11] Ericksen, Hilary and Unger Ingrid. The Small Museums Cataloguing Manual: A guide to cataloguing objects and image collections. 4th edition. Museum Australia (Victoria), 2009.

[12] G.D. Lord & B. Lord (Eds.), The Manual of Museum Exhibitions. Walnut Creek, CA: AltaMira Press, 2002.

[13] G.D. Lord & B. Lord (Eds.), The Manual of Museum Management. CA: AltaMira Press, 2008. [14] Gary Edson &David Dean, Cẩm nang bảo tàng, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

[15] Kaulen M.E, Kossova I.M; Sundieva A.A., Sự nghiệp bảo tàng của nước Nga, Cục Di sản văn hóa, 2006.

[16] Lê Hồng Lý (chủ biên), Giáo trình quản lý di sản văn hóa với phát triển du lịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.

[17] Lê Minh Chiến, Giáo trình Bảo tàng học, Trường Đại học Đà Lạt, 2010.

[18] Lê Thị Minh Lý, Bảo tàng Việt Nam: Thực trạng và những giải pháp chính nhằm kiện toàn hệ thống bảo tàng trong phạm vi cả nước, Luận án Tiến sĩ năm 2006.

[19] Luật di sản văn hóa năm 2001.

[20] Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật di sản văn hóa năm 2009.

[21] Michael Petzet & John Ziesemer, International Charpters for Conservation and Restoration, ICOMOS, 2001.

[22] Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa.

[23] Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt, quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

[24] Nguyễn Đình Thanh (chủ biên). Di sản văn hóa – bảo tồn và phát triển, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. 2008.

[25] Nguyễn Thị Huệ, Giáo trình Bảo tàng học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2009.

[26] Nguyễn Thịnh, Giáo án Môn Thiết kế trưng bày di sản, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2011.

[27] Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ kèm theo Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

[28] Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 6 năm 2010 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

[29] Thông tư số 13/2010/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định trình tự, thủ tục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.

[30] Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng.

[31] Thông tư số 19/2012/TT-BVHTTDL ngày 28 tháng 11 năm 2012 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định loại di vật, cổ vật không được mang ra nước ngoài.

[32] Thông tư số 20/2012/TT-BVHTTDL ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định về hồ sơ và thủ tục gửi, nhận gửi tư liệu di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

[33] Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Văn hoá, Thể thao và

Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

[34] Thông tư số 11/2013/TT-BVHTTDL ngày 16 tháng 12 năm 2013 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập. [35] Thuật ngữ của UNESCO/ Glossary of UNESCO (2002).

[36] Trung tâm Khoa học Xã hội và nhân văn quốc gia - Viện Văn học, Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, NXB Giáo dục, 2007

[37] Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 1 - 4, Từ điển Bách khoa, 2002.

[38] Vương Hoằng Quân, Cơ sở bảo tàng học Trung Quốc, Cục Di sản văn hóa, 2006.

 

MỤC LỤC

Lời nói đầu

1. Phạm vi áp dụng

2.Thuật ngữ và định nghĩa

2.1. Những vấn đề chung của di sản văn hoá

2.2. Bảo tàng và các vấn đề liên quan

2.3. Di tích và các vấn đề liên quan

2.4. Di sản văn hoá phi vật thể và các vấn đề liên quan

Mục lục tra cứu thuật ngữ tiếng Việt

Mục lục tra cứu thuật ngữ tiếng Anh

Thư mục tài liệu tham khảo

Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản mới nhất

loading
×
Vui lòng đợi