THÔNG TƯ
CỦA BỘ
TÀI CHÍNH SỐ 125/1998/TT-BTC NGÀY 9 THÁNG 9 NĂM 1998
HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH ÁP DỤNG THÍ ĐIỂM TẠI MỘT SỐ
KHU VỰC CỬA KHẨU BIÊN GIỚI TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Quyết định số
100/1998/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp
dụng thí điểm một số chính sách tại một số khu vực cửa khẩu biên giới tỉnh Lào
Cai, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các chế độ tài chính áp dụng thí điểm tại
một số khu vực cửa khẩu biên giới tỉnh Lào Cai như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi áp dụng:
Theo quy định tại Điều 1, Quyết định 100/1998/QĐ-TTg ngày
26/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi được áp dụng thí điểm một số chính
sách về tài chính quy định tại Thông tư này bao gồm:
a. Khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai gồm: Phường Lào Cai,
phường Phố Mới, phường Cốc Lếu, phường Duyên Hải, xã Vạn Hoà, thôn Lục Cẩu xã
Đồng Tuyển thuộc thị xã Lào Cai, thôn Na Mo xã Bản Phiệt thuộc huyện Bảo Thắng;
b. Khu vực cửa khẩu Mường Khương gồm toàn bộ xã Mường
Khương.
Các địa bàn nêu tại điểm a, điểm b trên đây được gọi tắt
trong Thông tư này là khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.
2. Đối tượng được hưởng ưu đãi:
Đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi về tài chính quy
định trong Thông tư này là các chủ đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào
sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai
phù hợp với Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và Luật đầu tư nước ngoài tại
Việt Nam, cụ thể như sau:
a. Các nhà đầu tư trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế
(Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách
nhiệm hữu hạn, Hợp tác xã...) và các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh không
theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, sau đây gọi chung là doanh nghiệp
trong nước;
b. Các nhà đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia Hợp
đồng hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, sau đây gọi
chung là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai nếu không hình thành các
pháp nhân kinh tế thì phải hạch toán riêng các hoạt động kinh doanh trên địa
bàn để có căn cứ xác định chế độ ưu đãi.
Chỉ các hoạt động sản xuất kinh doanh tiến hành tại khu kinh
tế cửa khẩu Lào Cai mới thuộc diện được hưởng chế độ ưu đãi.
3. Các chủ đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư vào khu kinh
tế cửa khẩu Lào Cai trước ngày có hiệu lực của Quyết định 100/1998/QĐ-TTg ngày
26/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ, nếu đang trong thời hạn được hưởng các ưu
đãi đầu tư theo các quy định hiện hành thì kể từ khi Thông tư này có hiệu lực,
được chuyển sang hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định tại Thông tư này trong
thời gian còn lại.
II. NHỮNG ƯU ĐàI VỀ TIỀN THUÊ ĐẤT, MẶT NƯỚC;
ƯU ĐàI VỀ THUẾ
1. Những ưu đãi về tiền thuê đất, mặt nước:
a. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài:
Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào sản xuất kinh doanh,
xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai khi thuê đất, mặt nước
của Nhà nước ngoài quyền được hưởng các ưu đãi về miễn giảm theo chế độ hiện
hành của Nhà nước, còn được giảm thêm 50% tiền thuê đất, mặt nước so với giá
cho thuê đất, mặt nước đang áp dụng tại khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai phù hợp
với các quy định hiện hành về xác định giá cho thuê mặt đất, mặt nước (Quyết
định số 179/1998/QĐ-BTC ngày 24/2/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
b. Đối với các nhà đầu tư trong nước:
Các nhà đầu tư trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế
(Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách
nhiệm hữu hạn, Hợp tác xã...) đầu tư vào sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ
tầng tại khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai khi thuê đất, mặt nước của Nhà nước ngoài
quyền được hưởng các ưu đãi về miễn giảm theo chế độ hiện hành của Nhà nước,
còn được giảm thêm 50% tiền thuê đất, mặt nước so với giá cho thuê đất, mặt
nước đang áp dụng tại khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai phù hợp với quy định hiện
hành về xác định giá cho thuê đất, mặt nước (Quyết định số 1357 số TC/QĐ/TCT
ngày 30/12/1995 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
2. Những ưu đãi về thuế lợi tức, thuế chuyển lợi nhuận ra
nước ngoài, các loại thuế khác:
a. Thuế lợi tức (thuế thu nhập doanh nghiệp):
- Các doanh nghiệp trong nước được hưởng các ưu đãi về thuế
lợi tức theo quy định hiện hành từ ngày có hiệu lực thi hành của Thông tư này
đến ngày 31/12/1998 và được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo
quy định tại Luật Khuyến khích đầu tư trong nước sửa đổi, Luật thuế Thu nhập
doanh nghiệp, Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/5/1998 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi
hành kể từ ngày 1/1/1999.
- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng các
ưu đãi về thuế lợi tức theo quy định hiện hành từ ngày có hiệu lực thi hành của
Thông tư này đến ngày 31/12/1998 và được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập
doanh nghiệp theo quy định tại Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Nghị định số
30/1998/NĐ-CP ngày 13/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế
Thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành kể từ ngày 1/1/1999.
b. Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài:
- Các chủ đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập doanh
nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai nếu
chuyển lợi nhuận ra nước ngài (gồm cả tiền chuyển ra nước ngoài, tiền để lại
ngoài Việt Nam và tiền để lại sử dụng tại Việt Nam nhưng không phải cho tái đầu
tư) thì nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài với thuế suất quy định tại Luật
đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, còn được hưởng ưu đãi về thuế chuyển
lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định dưới đây:
+ Các dự án đầu tư vào lĩnh vực thuộc Danh mục A Phụ lục I
ban hành kèm theo Thông tư này, khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài được giảm
50% số thuế phải nộp;
+ Các dự án đầu tư vào lĩnh vực thuộc Danh mục B của Phụ lục
I ban hành kèm theo Thông tư này, khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài được giảm
30% số thuế phải nộp.
c. Các loại thuế khác:
Các loại thuế, phí và lệ phí khác thực hiện theo quy định
hiện hành tại các Luật thuế, Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi),
Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản pháp luật khác.
3. Trình tự, thủ tục để hưởng các ưu đãi đầu tư:
Trình tự, thủ tục để xin hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy
định tại Thông tư này thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về trình tự,
thủ tục để được hưởng các ưu đãi về tiền thuê đất, ưu đãi về thuế quy định tại
các văn bản hiện hành về thuê đất, mặt nước, về chế độ thuế.
III. NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ HUY ĐỘNG VỐN TRONG NƯỚC VÀ NƯỚC
NGOÀI
- Các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu
tư nước ngoài đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ
sở hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được huy động mọi nguồn vốn trong
và ngoài nước bằng các hình thức thích hợp như vay ngân hàng, vay các tổ chức
và cá nhân, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... theo quy định của pháp luật
hiện hành để tạo nguồn vốn phát triển kinh doanh.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai trong phạm vi chức năng, nhiệm
vụ và quyền hạn của mình được phép áp dụng các hình thức huy động vốn thích hợp
như phát hành trái phiếu công trình, phát hành sổ xố kiến thiết loại đặc biệt
để huy động vốn đầu tư cho các công trình tại khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai (sau
khi được Bộ Tài chính thoản thuận bằng văn bản), huy động lao động công ích của
nhân dân... để xây dựng các cơ sở hạ tầng cho khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai theo
đúng các quy định của pháp luật hiện hành và phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Việc huy động vốn phải được Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai
thông qua về biện pháp huy động, mức vốn huy động...;
- Số vốn huy động được chỉ sử dụng để đầu tư xây dựng các cơ
sở hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai;
- Việc sử dụng vốn huy động phải được quản lý theo đúng các
quy định về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản;
- Thực hiện quyết toán riêng số vốn huy động để xây dựng các
cơ sở hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trong tổng quyết toán chung về
thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
IV. QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ KHEN THƯỞNG CHO CÁC TỔ CHỨC,
CÁ NHÂN CÓ CÔNG GỌI VỐN ĐẦU TƯ KHÔNG HOÀN LẠI
(VỐN NGOÀI NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC)
1. Các tổ chức, cá nhân (không thuộc các cơ quan hành chính
Nhà nước) có công gọi vốn đầu tư không hoàn lại (vốn ngoài nguồn ngân sách Nhà
nước) như: nguồn viện trợ do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước việc trợ
trực tiếp (ngoài nguồn viện trợ của Trung ương, các Bộ, các ngành) để đầu tư
vào các công trình kinh tế, xã hội tại khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thì được
hưởng một khoản tiền thưởng bằng 1-3% tổng giá trị vốn đầu tư không hoàn lại,
nhưng mức tiền thưởng tối đa không quá 100.000 USD. Các khoản viện trợ này khi
thực hiện phải đưa vào thu, chi ngân sách Nhà nước.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai là người có thẩm
quyền xem xét, quyết định việc khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có công kêu
gọi vốn đầu tư không hoàn lại (vốn ngoài nguồn ngân sách Nhà nước) để đầu tư
vào các công trình kinh tế, xã hội tại khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.
3. Nguồn sử dụng để khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có
công kêu gọi vốn đầu tư không hoàn lại (vốn ngoài nguồn ngân sách Nhà nước) để
đầu tư vào các công trình kinh tế, xã hội tại khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai từ
nguồn vốn ngân sách của tỉnh Lào Cai và được hạch toán vào giá trị công trình.
V. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VỐN ĐẦU TƯ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
CHO XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG TẠI KHU KINH TẾ CỬA KHẨU LÀO CAI
1. Lập kế hoạch vốn đầu tư cho khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai:
Trên cơ sở dự kiến thu ngân sách Nhà nước của khu kinh tế
cửa khẩu Lào Cai trong cả giai đoạn 1998 - 2001, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai
đề nghị mức vốn Nhà nước đầu tư riêng qua ngân sách tỉnh cho khu kinh tế cửa
khẩu Lào Cai (chi tiết cho từng công trình đầu tư và được xếp theo thứ tự ưu
tiên) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Hàng năm, căn cứ vào dự toán thu ngân sách Nhà nước của địa
bàn khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai duyệt
và được Bộ Tài chính chấp thuận trong dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh Lào
Cai, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai đề nghị mức vốn Nhà nước đầu tư riêng hàng
năm qua ngân sách tỉnh cho khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai (chi tiết cho từng công
trình đầu tư và được xếp theo thứ tự ưu tiên) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính xem xét.
Trên cơ sở dự toán thu ngân sách Nhà nước của địa bàn khu
kinh tế cửa khẩu Lào Cai và đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai, Bộ Tài
chính thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổng số vốn đầu tư cho các công
trình, về vốn đầu tư cho từng công trình, và các vấn đề liên quan khác trước
khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định phê duyệt kế hoạch đầu tư hàng năm. Số
vốn đầu tư này không dưới 50% tổng số thu ngân sách Nhà nước hàng năm trên địa
bàn khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai và được Bộ Tài chính cấp qua ngân sách tỉnh
Lào Cai để đầu tư cho khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.
Căn cứ vào thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mức vốn
đầu tư từng năm từ ngân sách Trung ương cho khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, Uỷ
ban nhân dân tỉnh Lào Cai có trách nhiệm lập kế hoạch sử dụng vốn đầu tư theo
từng quý gửi Bộ Tài chính (chậm nhất vào ngày 20 của tháng cuối quý trước).
Trên cơ sở kế hoạch vốn đầu tư cả năm, kế hoạch sử dụng vốn
từng quý do địa phương lập và khả năng của ngân sách Trung ương ở từng thời
điểm, Bộ Tài chính xác định và thông báo kế hoạch cấp vốn hàng quý cho Uỷ ban
nhân dân tỉnh Lào Cai.
Số vốn nhà nước đầu tư cho khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai qua
ngân sách tỉnh được xác định trên cơ sở dự toán số thu ngân sách hàng năm trên
địa bàn khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai (không kể các khoản thu không giao trong
cân đối ngân sách như các khoản ghi thu về học phí, viện phí, viện trợ, đóng
góp của dân...) và được xem xét lại vào năm sau trên cơ sở số thu thực tế năm
trước để điều chỉnh vào kế hoạch đầu tư vốn năm sau, trường hợp số thực thu
vượt hay hụt so với dự toán thu đầu năm thì phần chênh lệch sẽ được điều chỉnh
vào dự toán vốn đầu tư năm sau. Số vốn đầu tư này được xác định là phần trợ cấp
có mục tiêu của ngân sách Trung ương cho tỉnh, không tính vào nhiệm vụ chi của
ngân sách địa phương.
Riêng năm 1998, số vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho
khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai làm việc cụ thể với
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về số lượng vốn cần đầu tư và mục đích sử
dụng để Bộ Tài chính quyết định.
2. Trình tự, thủ tục, phương thức cấp phát, chế độ báo cáo,
quyết toán và quản lý vốn đầu tư cho khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai:
Theo kế hoạch sử dụng vốn đầu tư cả năm và hàng quý được
duyệt, Bộ Tài chính (ngân sách Trung ương) cấp vốn cho các công trình đầu tư
được duyệt qua ngân sách tỉnh Lào Cai.
Mọi khoản vốn ngân sách Trung ương cấp cho khu kinh tế cửa
khẩu Lào Cai qua ngân sách tỉnh chỉ sử dụng cho mục đích xây dựng các cơ sở hạ
tầng trong danh mục được Bộ Kế hoạch và Đầu tư duyệt và phải được quản lý theo
đúng các quy định hiện hành về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Số vốn đầu tư cho khu vực kinh tế cửa khẩu Lào Cai qua ngân
sách tỉnh được phản ánh chung vào báo cáo ngân sách hàng tháng và quyết toán
ngân sách hàng năm của địa phương nhưng ghi một phần riêng cho các công trình
đầu tư ở khu vực kinh tế cửa khẩu Lào Cai (gồm cả nguồn vốn ngân sách cấp riêng
và nguồn vốn do tỉnh huy động).
Hàng quý, tỉnh có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư tình hình thực hiện đầu tư xây dựng, cấp phát vốn cho từng công
trình, cuối năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ (đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư) kết quả thực hiện cả năm.
3. Việc lập dự toán, quản lý, cấp phát và quyết toán nguồn
kinh phí đầu tư từ Ngân sách Nhà nước cho xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng
khu vực cửa khẩu Lào Cai phải thực hiện theo đúng các quy định của Luật Ngân
sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày có hiệu lực thi
hành của Quyết định số 100/1998/QĐ-TTg ngày 26/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ,
mọi quy định trước đây về chế độ tài chính đã áp dụng tại khu kinh tế cửa khẩu
Lào Cai trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phải
ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.
PHỤ LỤC I
DANH MỤC CÁC LĨNH VỰC ĐƯỢC HƯỞNG ƯU ĐàI VỀ THUẾ
CHUYỂN LỢI NHUẬN RA NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Thông tư số
125/1998/TT-BTC
ngày 9 tháng 9 năm 1998 của Bộ Tài chính)
1. Danh mục A:
- Xây dựng mới, cải tạo, mở rộng các nhà máy điện, phát
triển mạng lưới điện, xây dựng các cơ sở sử dụng năng lượng mặt trời, năng
lượng gió, khí sinh vật.
- Xây dựng mới, nâng cấp đường bộ, gồm cả cầu đường bộ; xây
dựng mới sân bay; xây dựng mới, nâng cấp bến bãi;
- Cải tạo và phát triển mạng lưới thông tin liên lạc;
- Xây dựng nhà máy và hệ thống cung cấp nước phục vụ sản
xuất và đời sống, hệ thống thoát nước; bảo đảm vệ sinh môi trường; xử lý chất
thải (gồm chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải khí);
- Xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp nhà ở cho dân thuê;
- Xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng trong các chợ; xây
dựng và cho thuê các ki ốt bán hàng.
- Sản xuất, chế biến thực phẩm; tái chế hàng xuất khẩu;
- Khai thác, chế biến lâm sản;
- Trồng và khai thác cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày
và dài ngày;
2. Danh mục B:
- Sản xuất xi măng, gạch ngói, đá, cát, sỏi, vôi, bê tông
(khô và tươi);
- Sản xuất sắt, thép;
- Sản xuất các nguyên vật liệu đầu vào khác của quá trình
sản xuất;
- Khai thác và chế biến các loại khoáng sản;
- Kinh doanh du lịch.