Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Báo cáo 218/BC-UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý nợ công
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Báo cáo 218/BC-UBTVQH12
Cơ quan ban hành: | Ủy ban Thường vụ Quốc hội | Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 218/BC-UBTVQH12 | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Báo cáo | Người ký: | Nguyễn Đức Kiên |
Ngày ban hành: | 05/05/2009 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác |
tải Báo cáo 218/BC-UBTVQH12
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI -------------------- Số: 218/BC-UBTVQH12 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------------- Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 2009 |
BÁO CÁO
GIẢI TRÌNH TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ NỢ CÔNG
-------------------------
Kính thưa: Các vị đại biểu Quốc hội,
Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XII, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật quản lý nợ công. Sỏng ngày 4 và chiều ngày 27 tháng 11 năm 2008, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến lần thứ nhất về Dự án Luật này.
Sau khi kết thúc Kỳ họp thứ tư, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Tiếp đó, Dự thảo luật đã được gửi xin ý kiến tại Hội nghị thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn ĐBQH và được hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
UBTVQH xin báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo luật quản lý nợ công như sau:
I . VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1. Về tính cụ thể của Dự thảo luật
Một số ý kiến cho rằng, Dự thảo luật chưa bảo đảm tính cụ thể, một số vấn đề chỉ được thể hiện dưới dạng nguyên tắc chung, như về chế độ trách nhiệm trong quản lý; điều kiện được vay, được bảo lãnh; chế độ thanh tra, giám sát; trách nhiệm báo cáo, công khai thông tin... Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định chi tiết hơn các nội dung trong Dự thảo luật, hạn chế tối đa vấn đề cần hướng dẫn thi hành.
UBTVQH nhận thấy, việc quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến quản lý nợ công là cần thiết, nhằm bảo đảm tính hiệu quả, chặt chẽ, minh bạch trong quản lý. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung 2 điều mới là Điều 6 và Điều 17 quy định chi tiết về những hành vi bị cấm và chế độ trách nhiệm trong quản lý nợ công. Điều kiện được vay, được bảo lãnh; việc sử dụng vốn vay; nghĩa vụ pháp lý của các tổ chức được vay; chế độ thanh tra, giám sát; trách nhiệm báo cáo, công khai thông tin; cơ chế kiểm toán... được bổ sung cụ thể tại các điều 24, 25, 26, 27, 34, 36 và một số điều khác của Dự thảo luật.
2. Về tính thống nhất, đồng bộ của Dự thảo luật
Chương II của Dự thảo luật đã trình Quốc hội quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và một số cơ quan khác trong quản lý nợ. Một số ý kiến cho rằng, đối chiếu với các luật về tổ chức bộ máy thì có những quy định trùng lắp. Đề nghị rà soát, nghiên cứu loại bỏ quy định trùng lắp.
Tiếp thu ý kiến này, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, đối chiếu với các văn bản pháp luật liên quan, lược bỏ những quy định đã có ở các văn bản pháp luật khác và chỉ quy định nội dung đặc thù, liên quan đến chức năng quản lý nợ công, nhằm tránh tình trạng trùng lắp trong hệ thống pháp luật (bỏ Điều 10 về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước, Điều 16 và Điều 17 về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao tại Dự thảo luật đã trình Quốc hội).
II. VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ
1. Về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Dự thảo luật
a. Về phạm vi điều chỉnh
(1) Đa số ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật[1]. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bổ sung nợ của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào phạm vi điều chỉnh của luật với lý do: nợ của DNNN là nợ khu vực công; nếu không điều chỉnh việc quản lý nợ của DNNN thì sẽ tạo “khoảng trống” pháp lý đối với quản lý nợ khu vực DNNN, dẫn đến buông lỏng quản lý.
Về vấn đề này, UBTVQH xin giải trình như sau:
Thứ nhất, căn cứ vào quy định của Dự thảo luật thì một số khoản nợ của DNNN liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ trả nợ của NSNN đã được quy định trong Dự thảo luật như nợ được Chính phủ bảo lãnh (Điều 1); nợ của doanh nghiệp từ khoản cho vay lại của Nhà nước (Điều 23). Ngoài ra, để bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong DNNN, Dự án “Luật sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh” đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XII. Những vấn đề liên quan đến quản lý vốn nhà nước, trong đó có cả vay nợ của DNNN sẽ được điều chỉnh bởi Luật đó. Mặt khác, trong hệ thống pháp luật hiện hành, tại một số đạo luật như Luật Doanh nghiệp, Bộ Luật Dân sự, Luật Phá sản... đã có quy định về quản lý; quyền, nghĩa vụ vay, trả nợ đối với nợ doanh nghiệp tự vay, tự trả.
Thứ hai, nếu quy định mọi khoản nợ của DNNN thuộc phạm vi điều chỉnh của luật thì đồng nghĩa với việc khẳng định trách nhiệm pháp lý của Nhà nước đối với cả những khoản nợ DNNN tự vay, tự trả. Điều này sẽ tạo hệ quả pháp lý bất lợi, dẫn đến nguy cơ phát sinh nghĩa vụ trả nợ của Nhà nước trong trường hợp DNNN mất khả năng thanh toán. Mặt khác, do tính chất của hoạt động sản xuất, kinh doanh, các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp thường xuyên biến động, nếu quy định trong luật sẽ gây khó khăn trong quá trình quản lý.
Thứ ba, việc DNNN tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Trong trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì phải thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản. Vì vậy, trong cơ chế thị trường, việc vay, trả nợ của DNNN sẽ do DNNN tự quản lý, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.Do vậy, xin cho giữ phạm vi điều chỉnh như quy định của Dự thảo luật.
(2) Có ý kiến cho rằng, nội dung của Dự thảo luật mới chỉ đề cập đến vay nợ mà chưa quy định các vấn đề liên quan đến trả nợ; đề nghị bổ sung nội dung này.
UBTVQH nhận thấy, vấn đề trả nợ đã được quy định tại khoản 4 Điều 5 và Điều 32 của Dự thảo luật đã trình Quốc hội. Do vậy, xin được giữ như Dự thảo luật.
(3) Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quản lý nợ đối với DNNN hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, hợp tác xã, doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế lớn.
UBTVQH nhận thấy, theo quy định của hệ thống pháp luật hiện hành thì mọi doanh nghiệp, không phụ thuộc vào quy mô, lĩnh vực hoạt động đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, được áp dụng cơ chế quản trị do pháp luật về doanh nghiệp quy định. Việc có quy định riêng về quản lý nợ đối với một số loại hình doanh nghiệp sẽ là không hợp lý. Do vậy, xin cho giữ như Dự thảo luật.
(4) Có ý kiến đề nghị có một chương riêng về quản lý nợ đối với khối DNNN và quản lý theo phương thức như quản lý nợ của địa phương.
Như đã giải trình tại phần trên, Dự thảo luật không điều chỉnh việc quản lý mọi khoản nợ của DNNN. Do vậy, không cần thiết có chương riêng quy định về vấn đề này.
(5) Có ý kiến cho rằng, Dự thảo luật cần điều chỉnh những vấn đề liên quan đến việc mất khả năng thanh toán, giãn nợ, xử lý rủi ro, việc trưng mua, trưng dụng…
UBTVQH cho rằng, những vấn đề liên quan đến việc mất khả năng thanh toán đã được điều chỉnh bởi pháp luật về phá sản; việc trưng mua, trưng dụng đã được điều chỉnh bởi pháp luật về trưng mua, trưng dụng... Với tính chất là đạo luật về quản lý nợ công, Dự thảo luật không nên quy định về vấn đề này. Vì vậy, xin được giữ như Dự thảo luật.
b. Về tên gọi của Dự thảo luật
Đa số ý kiến tán thành với tên gọi của Dự thảo luật là “Luật quản lý nợ công” vì cho rằng tên gọi đó phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật.
(1) Một số ý kiến đề nghị tên gọi của luật là “Luật quản lý nợ khu vực công”.
UBTVQH cho rằng, “nợ khu vực công” có phạm vi rộng hơn ‘nợ công”. Nợ khu vực công bao hàm mọi khoản nợ liên quan đến nợ nhà nước, nợ của DNNN và các tổ chức công lập khác. Trong khi đó, như đã giải trình ở phần trên, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật chỉ bao gồm những khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương. Do vậy, nếu lấy tên là “Luật quản lý nợ khu vực công” thì sẽ không bảo đảm thống nhất giữa tên gọi với phạm vi điều chỉnh.
(2) Có ý kiến đề nghị tên Luật là “Luật quản lý nợ nhà nước”.
UBTVQH cho rằng, nếu tên gọi của luật là “Luật quản lý nợ nhà nước” thì mới chỉ bao hàm được nội dung điều chỉnh về các khoản nợ đã có của Chính phủ. Trong khi đó Dự thảo luật này còn điều chỉnh cả hoạt động cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. Mặc dù các khoản bảo lãnh Chính phủ được quản lý theo nguyên tắc quản lý nợ Chính phủ nhưng lại chưa phải là nợ Chính phủ. Đó chỉ là nghĩa vụ dự phòng của Chính phủ và chỉ được Chính phủ chuyển thành nợ Chính phủ trong một số điều kiện nhất định được quy định tại thỏa thuận bảo lãnh. Hơn nữa, với nền kinh tế thị trường, khái niệm “nợ nhà nước” trong một số trường hợp không còn phù hợp. Vì vậy, việc lấy tên luật là “Luật quản lý nợ nhà nước” chưa hợp lý.
Để bảo đảm tính thống nhất giữa phạm vi điều chỉnh với tên gọi của luật, đồng thời để phù hợp với thông lệ quốc tế, xin được giữ tên gọi của Dự thảo luật là “Luật quản lý nợ công”.
2. Về nguyên tắc quản lý nợ
Có ý kiến cho rằng, Điều 5 của Dự thảo luật đã trình Quốc hội quy định còn chung chung về nguyên tắc quản lý nhà nước; một số điều khác của Dự thảo luật quy định lặp lại nội dung về nguyên tắc vay nợ (Điều 23 và Điều 24 của Dự thảo luật đã trình Quốc hội). Vì vậy, để bảo đảm tính bao quát, cụ thể, rõ ràng, đề nghị quy định chi tiết các vấn đề thuộc nguyên tắc quản lý nợ công và chỉ nên có một điều chung về nguyên tắc quản lý nợ công.
Tiếp thu ý kiến này, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung những nội dung cần thiết liên quan đến nguyên tắc quản lý nợ, bao gồm nguyên tắc hiệu quả, an toàn, minh bạch, bình đẳng... vào Điều 5 của Dự thảo luật mới; đồng thời, để tránh tình trạng trùng lắp, tản mạn, xin gộp nguyên tắc quản lý nợ tại Điều 23 vào Điều 5 mới.
3. Về những hành vi bịcấm trong quản lý nhà nước
Có ý kiến cho rằng, để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, cần quy định những hành vi bị cấm trong quản lý nhà nước về nợ công.
UBTVQH cho rằng, để ngăn chặn và tạo căn cứ pháp lý cho việc xử lý các hành vi sai phạm trong thực hiện chức năng quản lý về nợ công, việc bổ sung quy định về các hành vi bị cấm là cần thiết. Tiếp thu ý kiến trên, xin bổ sung Điều 6 mới vào Dự thảo luật quy định về các hành vi bị cấm trong quản lý nhà nước về nợ công, bao gồm cấm huy động vốn không đúng thẩm quyền, mục đích; quyết định cho vay, cho vay lại, cấp bảo lãnh Chính phủ không đúng thẩm quyền, đối tượng...[2]
4. Về trách nhiệm trong quản lýnợ
Một số ý kiến cho rằng, Dự thảo luật chưa quy định rõ chế độ trách nhiệm của cơ quan quyết định cho vay, cơ quan thẩm định vay trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là trường hợp cho vay không đúng mục đích, để xảy ra tình trạng thất thoát, không có khả năng hoàn trả.
UBTVQH cho rằng, cơ quan quyết định cho vay, cơ quan thẩm định vay phải chịu trách nhiệm về quyết định và kết quả thẩm định cho vay vốn, nhất là trong trường hợp tổ chức được vay vốn không đủ năng lực tài chính, sử dụng đồng vốn không hiệu quả. Vì vậy, để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý, tiếp thu ý kiến trên; xin bổ sung Điều 17 mới quy định về chế độ trách nhiệm đối với người quyết định cho vay và cơ quan thẩm định.
5. Về thẩm quyền của Quốc hội
Theo quy định của Dự thảo luật đã trình Quốc hội thì Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt chiến lược nợ dài hạn (khoản 3 Điều 11); Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt chương trình quản lý nợ trung hạn, kế hoạch vay trả nợ hàng năm (khoản 2 Điều 12); Quốc hội có nhiệm vụ phê duyệt tổng mức vay, trả nợ hàng năm (Điều 9).
Đa số ý kiến ĐBQH cho rằng, việc quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định những định hướng quan trọng, trong khi đó Quốc hội lại phê duyệt kế hoạch hàng năm nằm trong định hướng mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định là chưa hợp lý, không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ luật định đối với từng cơ quan.
UBTVQH nhận thấy, căn cứ vào Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ thì việc quyết định các chính sách tài chính quốc gia trong đó có các chính sách tăng cường nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội, định hướng vay, trả nợ của Nhà nước là thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Chính phủ với chức năng điều hành nền kinh tế, có nhiệm vụ, quyền hạn quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính, trong đó có nguồn vốn vay theo đúng mục đích, định hướng đã được Quốc hội quyết định. Do vậy, để bảo đảm tính hợp Hiến, tính thống nhất của Dự thảo luật với các văn bản pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, của Chính phủ; đồng thời để tạo căn cứ pháp lý cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thực hiện chức năng giám sát trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, UBTVQH xin chỉnh sửa lại các điều quy định về thẩm quyền theo hướng: Quốc hội có thẩm quyền quyết định những vấn đề cốt lõi mang tính định hướng trong quản lý nợ công; bao gồm quyết định các mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công trong từng giai đoạn 5 năm; quyết định các chỉ tiêu an toàn về nợ, tổng mức, cơ cấu vay và trả nợ hàng năm... Như vậy, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội (Điều 9 của Dự thảo luật đã trình Quốc hội) được sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:
“Điều 7.Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội
1. Quyết định các chỉ tiêu an toàn về nợ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm bao gồm:
a) Nợ công so với GDP;
b) Nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP;
c) Trả nợ chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước;
d) Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu.
2. Quyết định các mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công trong từng giai đoạn 5 năm nhằm bảo đảm các chỉ tiêu an toàn về nợ.
3. Quyết định tổng mức, cơ cấu vay và trả nợ hàng năm của Chính phủ gắn với dự toán ngân sách nhà nước.
4. Quyết định chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia từ nguồn vốn vay của Chính phủ.
5. Giám sát việc sử dụng vốn vay và quản lý nợ công.”
Các điều khác về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ (Điều 8), nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ (Điều 9),... cũng đã được sửa đổi, bổ sung tương thích; đồng thời bỏ Điều 6 (chiến lược nợ dài hạn), Điều 7(chương trình quản lý nợ trung hạn), Điều 8 (kế hoạch vay và trả nợ hàng năm của Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tại Dự thảo luật đã trình Quốc hội.
6. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ
(1) Có ý kiến cho rằng, thẩm quyền của Thủ tướng được quy định trong Dự thảo luật là lớn và chưa phù hợp. Đề nghị giao cho Chính phủ.
UBTVQH nhận thấy, quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ tại Dự thảo luật trình tại Kỳ họp này đã được chỉnh sửa và phù hợp với quy định tại Điều 20 của Luật tổ chức Chính phủ, đáp ứng yêu cầu chặt chẽ, kịp thời, linh hoạt trong quản lý nợ công, nhất là khi tiến hành các hoạt động vay nợ. Do vậy, xin cho giữ như Dự thảo luật.
(2) Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định: “Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch vay ngắn hạn để bù đắp thiếu hụt tạm thời của NSNN” để phù hợp với nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 và khoản 3, khoản 4 Điều 9 của Dự thảo luật đã trình Quốc hội.
UBTVQH cho rằng, căn cứ vào kế hoạch vay, trả nợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hoạt động vay ngắn hạn nên giao Bộ Tài chính điều hành để phù hợp với tình hình nguồn ngân quỹ thực tế. Hiện tại Bộ Tài chính đang thực hiện chức năng này. Do vậy, xin cho giữ như Dự thảo luật.
7. Về cơ quan quản lý nhà nước về nợ công
Theo quy định hiện hành thì Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng thực hiện chức năng quản lý nợ công.
Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, các quy định của Dự thảo luật mới chỉ pháp điển hóa các quy định hiện hành bằng một đạo luật mà chưa có sự đổi mới căn bản trong phân công thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công. Vì vậy, đề nghị xác định rõ một cơ quan giữ vai trò đầu mối thực hiện chức năng trực tiếp quản lý nợ công, đó cũng là cơ quan giữ vai trò đại diện cho Nhà nước ký kết các hiệp định vay nợ và đại diện cho các khoản vay nước ngoài.
Về vấn đề này, UBTVQH xin báo cáo như sau:
Để bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất, chặt chẽ, tránh tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan trong quản lý nợ, việc xác định rõ một cơ quan giữ vai trò đầu mối thực hiện chức năng trực tiếp quản lý nợ công là cần thiết; theo đó, về lâu dài đó cũng là cơ quan giữ vai trò đại diện cho Nhà nước ký kết các hiệp định vay nợ vàđại diện cho các khoản vay nước ngoài. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành thì việc giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng này là hợp lý.
Tuy nhiên, để kế thừa những kinh nghiệm trong đàm phán, ký kết các hiệp định vay nợ; khai thác tốt mối quan hệ truyền thống vốn có trước đây với một số tổ chức quốc tế[3], trước mắt vẫn duy trì việc một số cơ quan tham gia quản lý nhà nước về nợ công. Trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, Chính phủ phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạm thời tiếp tục giữ vai trò đại diện cho Nhà nước Việt Nam ký kết hiệp định vay nợ đối với một số tổ chức quốc tế nhất định; đồng thời đề nghị Chính phủ quy định cụ thể cơ chế phối hợp chặt chẽ, phân công rõ ràng, nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện, kịp thời để bảo đảm thống nhất trong tổ chức thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ và quản lý nợ. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, xin Quốc hội cho giữ như quy định của Dự thảo luật.
8. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
Có ý kiến cho rằng, khi phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ hàng năm của UBND cấp tỉnh thì đương nhiên HĐND đã thông qua danh mục dự án đầu tư từ nguồn vốn vay trong nước và ngoài nước. Vì vậy, đề nghị bỏ khoản 2 Điều 15 của Dự thảo luật đã trình Quốc hội (quy định HĐND cấp tỉnh phê duyệt danh mục dự án đầu tư từ nguồn vốn vay do UBND cấp tỉnh trình).
UBTVQH cho rằng, danh mục dự án đầu tư từ nguồn vốn vay có những nội dung khác với kế hoạch vay, trả nợ hàng năm, như chủ trương, sự cần thiết đầu tư, nguồn vốn đầu tư. Danh mục này không chỉ thực hiện trong một năm mà chia thành nhiều năm. Trong khi đó, khi HĐND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ chỉ phê duyệt nguồn vốn vay cho các dự án trong danh mục từng năm. Danh mục này là cơ sở để UBND cấp tỉnh xây dựng kế hoạch vay, trả nợ hàng năm. Vì vậy, xin cho giữ như Dự thảo luật (khoản 2 Điều 14 của Dự thảo mới).
9. Về nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Có ý kiến cho rằng, vai trò của Bộ Tài chính trong việc vay, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương là chưa rõ ràng, trùng lắp với nhiệm vụ của HĐND cấp tỉnh về phê duyệt phương án vay, phát hành trái phiếu của UBND cấp tỉnh.
UBTVQH nhận thấy, do được phân công là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nợ công và giám sát tổng thể các chỉ số nợ cấp vĩ mô nên việc Bộ Tài chính phải biết các thông tin về hoạt động vay nợ của chính quyền địa phương, trong đó có phát hành trái phiếu là cần thiết. Mặt khác, để đảm bảo việc phát hành trái phiếu của UBND cấp tỉnh phù hợp với điều kiện thị trường vốn thì phương án phát hành trái phiếu nên có ý kiến của Bộ Tài chính trước khi UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt.
10. Về trình tự ký kết và phê duyệt các thỏa thuận vay nợ
Khoản 3 Điều 26 của Dự thảo luật đã trình Quốc hội quy định: “Việc ký kết và phê duyệt các thoả thuận vay cụ thể thực hiện theo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Trường hợp bên ký kết phía nước ngoài không yêu cầu tuân thủ Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, việc ký kết và phê duyệt thoả thuận vay cụ thể thực hiện theo trình tự do hai bên ký kết thoả thuận”.
Nhiều ý kiến đề nghị quy định: Mọi thoả thuận vay nợ đều phải được ký kết, phê duyệt theo các quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, để không bỏ lỡ thời cơ, đối với một số thỏa thuận vay cụ thể không lớn, có thể xem xét áp dụng quy trình ký kết theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
UBTVQH cho rằng, việc ký kết, phê duyệt các thoả thuận vay nợ nhân danh Nhà nước, Chính phủ phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; không cho phép tự thỏa thuận về trình tự ký kết, phê duyệt các thỏa thuận vay nợ. Tuy nhiên, đối với các thỏa thuận vay không thuộc diện điều ước quốc tế, được ký kết từ cấp Bộ trở xuống (cấp Bộ, cấp Vụ), để kịp thời tranh thủ nguồn vốn cần linh hoạt trong việc ký kết thì có thể xem xét áp dụng trình tự rút gọn; Chính phủ quy định cụ thể trình tự ký kết. Theo hướng này, xin chỉnh sửa điểm d khoản 3 Điều 21 mới của Dự thảo luật như sau: “Việc ký kết và phê duyệt các thoả thuận khung về vay ODA, các thoả thuận vay ký kết ở cấp Nhà nước, cấp Chính phủthực hiện theo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Chính phủ quy định trình tự, thủ tụcký kết và phê duyệt đối với các thoả thụân vay cụ thể từ cấp Bộ trở xuống”.
11. Về điều kiện vay vốn
(1) Một số ý kiến cho rằng, đối tượng được vay lại bao gồm các dự án quy định tại Điều 28 của Dự thảo luật đã trình Quốc hội là quá rộng, dẫn đến khó quản lý, cho vay tràn lan, sử dụng vốn kém hiệu quả, phát sinh rủi ro cho NSNN. Điều kiện được vay lại được quy định tại Điều 29 của Dự thảo luật đã trình Quốc hội quá chung chung, chưa tạo căn cứ pháp lý chặt chẽ để lựa chọn chính xác đối tượng được vay và vay lại.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ trong xét duyệt cho vay vốn, tránh tình trạng cho vay không đúng đối tượng, phát sinh tiêu cực, tại Điều 24 của Dự thảo luật mới đã bổ sung quy định về tiêu chí cụ thể để được Chính phủ cho vay lại đối với các dự án, đối với các tổ chức kinh tế và các địa phương.
(2) Có ý kiến cho rằng, các điều kiện để được vay vốn trong Dự thảo Luật quá chặt chẽ và khó thực hiện, đề nghị quy định theo hướng lỏng hơn.
UBTVQH cho rằng, việc quy định chặt chẽ các điều kiện được vay vốn là cần thiết, nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan cho vay, cho vay lại, người đi vay, tránh việc đi vay và cho vay lại tràn lan. Vì vậy, xin giữ như Dự thảo luật đã được chỉnh lý.
12.Về trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép miễn áp dụngđiều kiện vay vốn
Điều 29của Dự thảo luật đã trình Quốc hội đề cập đến các trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép vay vốn. Một số ý kiến ĐBQH đề nghị không quy định trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ cho phép vay vốn.
UBTVQH cho rằng, mọi tổ chức, mọi địa phương chỉ được vay vốn khi đáp ứng đủ các điều kiện và tuân thủ các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp thật đặc biệt, để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, có thể giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho vay vốn nhưng luật cần quy định rõ tiêu chí để xác định thế nào là trường hợp đặc biệt. Theo hướng đó, UBTVQH đã chỉ đạo thu hẹp trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép miễn áp dụng điều kiện cho vay lại và cấp bảo lãnh (Điều 24 và Điều 34 mới). Cụ thể chỉ quy định một trường hợp đặc biệt là nếu chủ dự án chưa đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu để thực hiện các công trình lớn, trọng điểm quốc gia, tuỳ từng trường hợp cụ thể, Thủ tướng Chính phủ có thể xem xét cho miễn áp dụng điều kiện này.
13. Về Quỹ tích lũy trả nợ
Có ý kiến đề nghị quy định việc sử dụng Quỹ phải do Quốc hội quyết định.
UBTVQH nhận thấy, Điều 31 của Dự thảo luật đã trình Quốc hội quy định điều kiện, cơ chế, mục đích sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ, trong đó xác định mục đích sử dụng là bảo đảm việc trả nợ đúng hạn các khoản vay và các nghĩa vụ nợ dự phòng trong trường hợp người được bảo lãnh không có khả năng thanh toán. Những nội dung liên quan khác sẽ được hướng dẫn chi tiết tại văn bản dưới luật. Do vậy, xin được giữ như quy định của Dự thảo luật.
14. Về bảo lãnh chính phủ
Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về điều kiện để các chương trình, dự án được cấp bảo lãnh của Chính phủ.
Để đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ, tránh rủi ro cho cho NSNN, UBTVQH đã tiếp thu ý kiến trên và chỉnh sửa các điều từ Điều 34 đến Điều 36 theo hướng bổ sung và cụ thể hóa các điều kiện để được cấp bảo lãnh nhằm thu hẹp đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ.
15.Về việc vay nợ của chính quyền địa phương
Theo quy định tại khoản 2 Điều 43 của Dự thảo luật đã trình Quốc hội thì UBND cấp tỉnh có quyền xây dựng phương án, chủ động tìm nguồn vốn vay ngoài nước, phối hợp với các cơ quan liên quan đàm phán vay và trình Thủ tướng Chính phủ ký kết thỏa thuận vay theo phương thức vay về cho vay lại.
Một số ý kiến đề nghị, để bảo đảm tính thống nhất, tập trung trong quản lý, không nên cho phép UBND cấp tỉnh có quyền xây dựng phương án, chủ động tìm nguồn vốn vay ngoài nước.
UBTVQH cho rằng, việc vay nợ nước ngoài phải được Chính phủ quản lý tập trung thống nhất, song để tạo điều kiện cho một số địa phương có năng lực tài chính được chủ động tìm kiếm các nguồn vay (không ưu đãi) thì không cấm địa phương tìm nguồn vay ngoài nước. Tuy nhiên, sau khi tìm được nguồn vay thì địa phương phải thực hiện vay theo hình thức Chính phủ vay về cho vay lại nhằm bảo đảm một đầu mối quản lý vay ngoài nước. Do vậy, xin chỉnh sửa lại khoản 2 Điều 38 như sau: “Đối với vaynước ngoài, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh không được trực tiếp vay nước ngoàimà chỉ được vay lại từ nguồn vốn vaynước ngoài của Chính phủ để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 23 của Luật này”.
Ngoài ra, tại Chương V về quản lý nợ của chính quyền địa phương, tại các điều: 37, 38 và 39, nội dung về điều kiện, thẩm quyền phát hành trái phiếu đã được chỉnh sửa để bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về quản lý tài chính - ngân sách.
16. Về kiểm tra, thanh tra, kiểm toánvà chế độ báo cáo
(1) Có ý kiến đề nghị bổ sung các quy định cụ thể về kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động quản lý nợ vào Chương VII của Dự thảo luật.
Để bảo đảm hiệu quả quản lý nợ, tạo cơ chế giám sát việc quản lý nợ, tiếp thu ý kiến trên, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung một số quy định cụ thể về kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động quản lý nợ vào Chương VII của Dự thảo luật.
(2) Có ý kiến đề nghị bổ sung các quy định về công khai thông tin liên quan đến vay nợ.
Tiếp thu ý kiến này, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung khoản 2 Điều 47 của Dự thảo luật mới với nội dung: các thông tin nợ được công khai bao gồm tổng số dư nợ, cơ cấu nợ trong nước, nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, số liệu rút vốn và trả nợ hàng năm, các chỉ số giám sát nợ tổng hợp...
(3) Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về cơ chế kiểm toán đối với hoạt động quản lý nợ công.
Tiếp thu ý kiến này, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 5 của Dự thảo luật với nội dung sau: “Chương trình, dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ, chính quyền địa phương phải được kiểm toán bởi Kiểm toán nhà nướchoặc kiểm toán độc lập”.
17. Về giải thích từ ngữ
Có ý kiến đề nghị bỏ khoản 12 Điều 3 giải thích về trái phiếu.
UBTVQH nhận thấy, khái niệm trái phiếu đã được giải thích tại Luật chứng khoán; do vậy, xin tiếp thu, bỏ khoản 12 Điều 3 của Dự thảo luật đã trình Quốc hội.
18. Ngoài các vấn đề trên, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan chỉnh lý về từ ngữ, kỹ thuật văn bản để bảo đảm tính chính xác, thống nhất với các quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự án luật này.
* *
*
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây là Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật quản lý nợ công. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kính trình Quốc hội xem xét thông qua./.
| TM. UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI PHÓ CHỦ TỊCH (đã ký)
Nguyễn Đức Kiên |
[1]Phạm vi điều chỉnh bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương
[2]Điều 6. Những hành vi bịcấm trong quản lý nhà nước về nợ công
1. Huy động vốn không đúng thẩm quyền, mục đích.
2. Quyết định cho vay, cho vay lại, cấp bảo lãnh chính phủ không đúng thẩm quyền, mục đích, đối tượng.
3. Sử dụng vốn vay trái phép, sai mục đích, lãng phí.
4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm dụng vốn vay, gây thất thoát vốn vay.
5. Thông đồng, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định.
6. Cản trở hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công.
7. Không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về nợ công.
[3]Theo quy định hiện hành thì Ngân hàng nhà nước giữ vai trò đại diện cho Nhà nước ký kết các hiệp định vay nợ đối với một số tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, IMF...; Bộ Kế hoạch và Đầu tưchủ trì đàm phán và ký kết các Điều ước quốc tế khung về ODA.