BỘ TƯ PHÁP -------------- Số: 826/QĐ-BTP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------ Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2013
-------------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 1294/QĐ-BNV ngày 03/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”;
Căn cứ Quyết định số 1332/QĐ-BNV ngày 14/12/2012 của Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính giai đoạn 2013 - 2015”;
Căn cứ Quyết định số 866b/QĐ-BTP ngày 31/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động của Bộ Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách nhà nước năm 2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu;
Căn cứ Quyết định số 562/QĐ-BTP ngày 13/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2013.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3 (để thực hiện); - Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); - Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); - Văn phòng Chính phủ (để phối hợp); - Bộ Nội vụ (để phối hợp); - Bộ trưởng (để báo cáo); - Các Thứ trưởng (để biết, chỉ đạo thực hiện); - Cục CNTT (để đưa lên Cổng thông tin điện tử); - Báo Pháp luật Việt Nam; - Lưu: VT,TH. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG (Đã ký) Lê Hồng Sơn |
BỘ TƯ PHÁP ----------------- | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------- |
KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA BỘ TƯ PHÁP NĂM 2013
(Ban hành kèm theo Quyết định số 826 /QĐ-BTP
ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình tổng thể) và các văn bản liên quan, Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2013 như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
2. Đảm bảo sự quản lý, điều hành thông suốt, chuyên nghiệp, minh bạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, từng bước hiện đại hóa công tác hành chính để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
3. Duy trì ổn định và đẩy mạnh hiệu quả nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính sau khi được chuyển giao cho Ngành Tư pháp.
4. Tạo cơ sở vững chắc về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức phục vụ hiệu quả công tác cải cách hành chính.
5. Tăng cường hiện đại hóa nền hành chính, từng bước hình thành Mạng thông tin điện tử hành chính của Chính phủ trên Internet.
II. NHIỆM VỤ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
1. Cải cách thể chế
1.1. Tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan thường trực giúp Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ý kiến với Quốc hội, Chính phủ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
1.2. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị, lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, bảo đảm hoàn thiện các dự án luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo; không để phải xin lùi, xin rút khỏi chương trình; đôn đốc quyết liệt công tác xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng các văn bản này trong năm 2013; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thẩm định của Bộ Tư pháp đối với các dự án luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
1.3. Tập trung nguồn lực xây dựng Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Hộ tịch, đảm bảo tiến độ, chất lượng.
1.4. Theo dõi, chủ động đôn đốc các bộ, ngành thông qua Tổ công tác liên ngành về triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ ban hành các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2. Cải cách thủ tục hành chính
2.1. Tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính, bảo đảm việc cắt giảm các gánh nặng và giảm tối đa chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
2.2. Cải cách các thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý của Bộ, Ngành theo hướng rõ ràng, đơn giản hóa về trình tự, giấy tờ, thời gian, tập trung cải tiến cách thức thực hiện và phân cấp thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân, tổ chức và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.
2.3. Định kỳ và đột xuất tổ chức khảo sát, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính tại các đơn vị thuộc Bộ trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp và các địa phương, nhằm kịp thời chấn chỉnh những trường hợp thực hiện không đúng quy định, có thái độ gây phiền hà cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời, phát hiện những khó khăn vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính để có kiến nghị, giải pháp kịp thời.
3. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước
3.1. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các đơn vị thuộc Bộ trên cơ sở Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.
3.2. Hoàn thành việc chuyển nhiệm vụ, bộ máy tổ chức của Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ sang Vụ Pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ; từ Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương sang Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 6 tháng đầu năm 2013.
3.3. Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả, giải quyết triệt để vấn đề biên chế cho công tác tư pháp ở địa phương, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; xây dựng Đề án xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ. Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương kiện toàn tổ chức pháp chế ở Trung ương và địa phương theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.
4. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức
4.1. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Ngành Tư pháp giai đoạn 2011 - 2020;tập trung củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở đào tạo thuộc Bộ; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn.
4.2. Hoàn thành quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Bộ giai đoạn 2016-2021; kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp Vụ, bảo đảm tính chuyển tiếp bền vững giữa các thế hệ. Ban hành và triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm thi tuyển Lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp giai đoạn 2013 - 2015”, Chỉ thị về việc cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp không uống rượu bia trong ngày làm việc.
5. Cải cách tài chính công
5.1. Hướng dẫn trong toàn Ngành tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng ngân sách nhà nước trong phạm vi thẩm quyền được giao.
5.2. Tập trung thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ về ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án hiệu quả, có khả năng hoàn thành trong năm 2013; không ban hành các chương trình, đề án sử dụng kinh phí, vốn ngân sách khi không cân đối được nguồn.
5.3. Điều phối các hoạt động, đoàn đi công tác, hội nghị, hội thảo bảo đảm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng.
6. Hiện đại hóa nền hành chính
6.1.Tăng cường và tổ chức tốt các buổi giao ban trực tuyến, các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn trong toàn Ngành bằng hình thức trực tuyến; triển khai thực hiện tốt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Ngành Tư pháp giai đoạn 2011 - 2015.
6.2. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu và tạo sự liên thông với các bộ, ngành và địa phương trong các lĩnh vực quản lý quan trọng của Ngành, trước hết là lĩnh vực thi hành án dân sự.
6.3. Tăng cường trao đổi văn bản điện tử thay thế cho văn bản giấy trong quản lý, chỉ đạo, điều hành tại Bộ và giữa Bộ với các Sở Tư pháp và cơ quan Thi hành án dân sự địa phương.
6.4. Nâng cao nhận thức, tăng cường việc sử dụng thư điện tử trong điều hành công vụ của các đơn vị hiệu quả, đồng bộ.
7. Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính
7.1. Tổ chức công tác truyên truyền về chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020tới từng đơn vị thuộc Bộ cũng như trong toàn Ngành. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính năm 2013 của Bộ Tư pháp, lồng ghép thích hợp công tác tuyên truyền cải cách hành chính vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
7.2. Tập trung triển khai Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
7.3. Thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách thể chế theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.
7.4. Gắn công tác cải cách hành chính với thi đua, khen thưởng; kết quả cải cách hành chính là một tiêu chí để bình xét khen thưởng.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm:
1.1. Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính năm 2013 của Bộ và Phụ lục phân công công việc (kèm theo Kế hoạch này).
1.2. Định kỳ báo cáo công tác cải cách hành chính hàng quý, 6 tháng và hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu, gửi về Văn phòng Bộ để tổng hợp chung để xây dựng báo cáo gửi Bộ Nội vụ. Báo cáo hàng quý gửi trước ngày 5 tháng cuối cùng của quý, báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 5 tháng 6; và báo cáo năm gửi trước 05 tháng 12 hàng năm.
2. Tổng cục Thi hành án dân sự quán triệt, chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương xây dựng Kế hoạch thực hiện của các Cục Thi hánh án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng hợp kết quả gửi về Văn phòng Bộ theo điểm 1.2 của Mục này.
3. Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm thẩm định, bố trí kinh phí đối với các nhiệm vụ mới phát sinh, chưa có kinh phí trong Kế hoạch này.
Chánh Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch, định kỳ báo cáo và kiến nghị với Bộ trưởng về các biện pháp cần thiết để bảo đảm Chương trình tổng thể và Kế hoạch cải cách hành chính năm 2013 được thực hiện hiệu quả và đồng bộ. Văn phòng Bộ định kỳ hàng năm hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính của các đơn vị, kịp thời báo cáo với lãnh đạo Bộ các vấn đề phát sinh để xem xét, giải quyết./.