Chỉ thị 2165/CT-BHXH tăng cường trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong chấp hành kỷ luật của Ngành BHXH
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Chỉ thị 2165/CT-BHXH
Cơ quan ban hành: | Bảo hiểm xã hội Việt Nam | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 2165/CT-BHXH | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Chỉ thị | Người ký: | Nguyễn Thế Mạnh |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 21/07/2021 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Hành chính, Tiết kiệm-Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Thi đua-Khen thưởng-Kỷ luật, Bảo hiểm |
TÓM TẮT VĂN BẢN
BHXH VN tăng cường vai trò lãnh đạo của người đứng đầu
Ngày 21/7/2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Chỉ thị 2165/CT-BHXH về việc tăng cường trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, cải cách thủ tục hành chính, công tác phối hợp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới của Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo đó, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu người đứng đầu các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền, chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thực hiện đạo đức công vụ;…
Bên cạnh đó, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo thực hiện các nội dung sau đây: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc công bố, cập nhật và công khai thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định, kịp thời, đầy đủ, chính xác, thống nhất, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; triển khai thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và phân cấp quản lý đối với công chức, viên chức, người lao động của Ngành.
Đồng thời, nếu để công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị mắc bệnh COVID-19, không thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch COVID-19 do lỗi lơ là, chủ quan, không kiểm soát tốt, không gương mẫu, Thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm theo quy định;…
Xem chi tiết Chỉ thị 2165/CT-BHXH tại đây
tải Chỉ thị 2165/CT-BHXH
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2165/CT-BHXH | Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2021 |
CHỈ THỊ
Về việc tăng cường trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, cải cách thủ tục hành chính, công tác phối hợp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới của Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Trong thời gian qua, toàn Ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã không ngừng nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, chuyển đổi tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ, hướng tới sự an tâm, tin tưởng, hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong công tác thực hiện chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.
Tuy nhiên, một số đơn vị, cá nhân thuộc hệ thống BHXH Việt Nam tại một số thời điểm vẫn còn tình trạng thiếu quyết liệt, thụ động trong chỉ đạo, điều hành, để công việc tồn đọng, quá hạn, đùn đẩy trách nhiệm công việc, thiếu kiểm tra đôn đốc dẫn tới sai sót, dễ dẫn đến tiêu cực trong thực thi công vụ, vẫn còn tình trạng thiếu tính thống nhất, cục bộ, hiệu quả chưa cao trong công tác phối hợp giải quyết nhiệm vụ (trong và ngoài Ngành) xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị trong hệ thống BHXH Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu do người đứng đầu (kể cả cấp phó của người đứng đầu) một số đơn vị trong hệ thống chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ, công tác quản lý, giáo dục người lao động theo thẩm quyền, công tác kiểm tra công vụ chưa được chú trọng, thường xuyên, chưa đề cao trách nhiệm nêu gương, chưa gương mẫu, thậm chí có nơi còn có biểu hiện bao che, dung túng cho các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trong nước và thế giới còn có những diễn biến rất phức tạp, khó lường; nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN; Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu:
1. Người đứng đầu (bao gồm cả cấp phó của người đứng đầu) các đơn vị thuộc hệ thống BHXH Việt Nam, nhất là Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc BHXH cấp quận, huyện, thị xã (sau đây gọi chung là cấp huyện) thuộc BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền, chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thực hiện đạo đức công vụ, tác phong, lề lối làm việc tại cơ quan, đơn vị, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chế độ công vụ, công chức, gắn với nâng cao tinh thần phối hợp (trong và ngoài Ngành) trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, cá thể hóa trách nhiệm đối với hạn chế, tồn tại, các vụ việc vi phạm pháp luật thuộc trách nhiệm quản lý nếu có sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý, điều hành.
2. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc BHXH cấp huyện thuộc BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nội dung sau đây:
a) Tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc công bố, cập nhật và công khai thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định, kịp thời, đầy đủ, chính xác, thống nhất, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Tiếp nhận, xử lý kịp thời và trả lời đầy đủ phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về các vướng mắc khó khăn trong thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị và báo cáo những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam.
b) Nêu cao trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của Ngành; Thực hiện đúng quy định của pháp luật về văn hóa công sở; không để xảy ra tình trạng công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý có thái độ hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
c) Tiếp tục rà soát, bổ sung nội quy, quy chế, quy trình làm việc của đơn vị nhằm tăng cường ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương công tác, văn hóa công sở, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả của công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý.
d) Triển khai thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và phân cấp quản lý đối với công chức, viên chức, người lao động của Ngành. Xử lý nghiêm công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp, vi phạm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, trước pháp luật về những vi phạm của công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý nếu có sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý, điều hành.
đ) Lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của Ngành tại cơ quan, đơn vị phụ trách; giải quyết dứt điểm các công việc còn tồn đọng, quá hạn; chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, không đùn đẩy trách nhiệm được phân công, phân cấp.
e) Đối với việc triển khai các biện pháp chỉ đạo, điều hành nhằm vừa thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị vừa phải bảo đảm việc phòng, ngừa dịch bệnh COVID-19 và thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19:
Thủ trưởng đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc BHXH cấp huyện thuộc BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chủ động xây dựng kịch bản, phương án điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ linh hoạt, phù hợp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương. Chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc nếu để xảy ra các vụ việc chậm, muộn, phiền hà, giải quyết trái quy định thuộc thẩm quyền trong thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Thủ trưởng đơn vị thuộc hệ thống BHXH Việt Nam chịu trách nhiệm theo quy định nếu để công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị mình mắc bệnh COVID-19, không thực hiện đúng quy định phòng chống dịch COVID-19 do lỗi lơ là, chủ quan, không kiểm soát tốt, không gương mẫu.
g) Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với công chức, viên chức, người lao động vi phạm quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm trong quá trình thực thi công vụ; chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ, phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn chính trị, thủ tục, nguyên tắc quy định nhằm chủ động phòng ngừa tiêu cực trong nội bộ và tăng cường đảm bảo nội bộ đơn vị đoàn kết, trong sạch: khen thưởng kịp thời công chức, viên chức, người lao động có thành tích; xử lý kỷ luật nghiêm, khách quan đối với công chức, viên chức, người lao động vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị.
4. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc BHXH cấp huyện thuộc BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm phổ biến tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | TỔNG GIÁM ĐỐC |