Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Công văn 13636/BTC-TCDN 2024 báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích BCTC năm 2023 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Công văn 13636/BTC-TCDN
Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 13636/BTC-TCDN | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn | Người ký: | Cao Anh Tuấn |
Ngày ban hành: | 12/12/2024 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Đầu tư, Tài chính-Ngân hàng, Doanh nghiệp |
tải Công văn 13636/BTC-TCDN
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ TÀI CHÍNH Số: 13636/BTC-TCDN V/v báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích BCTC năm 2023 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2024 |
Kính gửi: | Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc |
Đồng kính gửi: | Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính |
Thực hiện nhiệm vụ tổng hợp Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên phạm vi cả nước theo phân công tại điểm a khoản 3 Điều 101 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2020; Bộ Tài chính xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:
Trên cơ sở tổng hợp, đánh giá số liệu của 28.918 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối có báo cáo tài chính trên phạm vi cả nước, Bộ Tài chính đã xây dựng Báo cáo tổng hợp, phân tích tình hình tài chính năm 2023 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Báo cáo sử dụng các chỉ số tài chính để làm rõ thực trạng, biến động tài chính của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 (đánh giá về tình hình biến động tài sản, nguồn vốn, cơ cấu tài chính, khả năng thanh toán, kết quả sản xuất kinh doanh và tình hình thu nộp ngân sách Nhà nước theo địa bàn đầu tư và ngành nghề kinh doanh....), trên cơ sở đó, đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài (Báo cáo chi tiết và các Phụ lục được đính kèm).
Bộ Tài chính kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận: - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng (để b/c); - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Các đơn vị: TCT, TCHQ; - Lưu: VT, Cục TCDN (10b). | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG
Cao Anh Tuấn |
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
BÁO CÁO
Kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2023
của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
(Kèm theo công văn số 13636/BTC-TCDN ngày 12/12/2024 của Bộ Tài chính)
I. TỔNG QUAN CHUNG
1. Bối cảnh kinh tế năm 2023
- Bối cảnh chung: Nền kinh tế toàn cầu năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động kéo dài của các biến động kinh tế, địa chính trị thế giới. Trong điều kiện tài chính thắt chặt hơn, lạm phát ở mức cao, tổng cầu giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các nền kinh tế lớn có dấu hiệu chậm lại và suy giảm, bên cạnh đó thuế tối thiểu toàn cầu do OECD/G20 công bố bắt đầu có hiệu lực từ năm 2023 dẫn đến sức tăng trưởng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trở nên khiêm tốn hơn, việc thu hút dòng vốn FDI giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển có sự khác biệt lớn, trong khi các nước phát triển, FDI tập trung vào lĩnh vực bền vững thì các nước đang phát triển đối mặt với nhiều thách thức từ việc chạy đua thu hút vốn đầu tư gay gắt giữa các quốc gia.
- Bối cảnh trong nước: Mặc dù kinh tế Việt Nam chịu nhiều áp lực từ suy giảm kinh tế toàn cầu, bối cảnh cạnh tranh vốn FDI giữa các quốc gia nhưng nền kinh tế vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan, trong đó tình hình thu hút năm 2023 đạt kết quả tích cực cả về vốn giải ngân và vốn đăng ký (trong đó: vốn giải ngân đạt 23,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022; vốn đăng ký đạt 39,4 tỷ USD, tăng 34,5% so với năm 2022), số lượng dự án mới, sự mở rộng các dự án hiện hữu đều tăng lên, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhờ đó, đã đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong việc đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhà nước, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, tạo ra việc làm cho lao động Việt Nam, ...
2. Nguồn dữ liệu và phạm vi báo cáo
- Nguồn dữ liệu xây dựng Báo cáo: Báo cáo được xây dựng trên cơ sở kết hợp dữ liệu của ngành thuế do Tổng cục Thuế cung cấp và dữ liệu do các Sở Tài chính tổng hợp báo cáo tài chính (BCTC) năm 2023; dữ liệu tình hình xuất nhập khẩu do Tổng cục Hải quan cung cấp.
- Phạm vi Báo cáo: Số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối có dữ liệu BCTC đầy đủ để phân tích là 28.918 doanh nghiệp (số liệu của năm 2022 dùng để so sánh là số liệu thu thập từ 28.918 doanh nghiệp năm 2023).
II. TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH VÀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐTNN NĂM 2023
Tính đến 31/12/2023, tổng tài sản của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối là 9.957.039 tỷ đồng (tăng 6,8% so với năm 2022), vốn chủ sở hữu là 4.192.339 tỷ đồng (tăng 5,5% so với năm 2022), trong đó vốn đầu tư của chủ sở hữu là 3.040.282 tỷ đồng (tăng 11,5% so với năm 2022), lợi nhuận lũy kế chưa phân phối là 890.603 tỷ đồng (giảm 15,3% so với năm 2022).
Về tổng quan, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp FDI năm 2023 có sự sụt giảm so với năm 2022, cụ thể: Doanh thu là 9.416.102 tỷ đồng, giảm 4,3% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế là 337.027 tỷ đồng, giảm 15,7% so với năm 2022, theo đó dẫn đến số nộp NSNN giảm nhẹ, từ 197.087 tỷ đồng năm 2022 giảm thành 193.238 tỷ đồng năm 2023.
1. Tình hình biến động về tài sản, nguồn vốn
1.1. Tình hình biến động về tài sản khối doanh nghiệp FDI
Tính đến thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản đạt 9.957.039 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2022, cụ thể như sau:
- Xét theo địa bàn đầu tư:
+ Quy mô tổng tài sản lớn nhất trong năm 2023 tiếp tục tập trung tại 05 địa phương là: TP. Hồ Chí Minh là 2.003.398 tỷ đồng (chiếm 20,1%), Hà Nội là 1.092.520 tỷ đồng (chiếm 11%), Bình Dương là 794.201 tỷ đồng (chiếm 8%), Bắc Ninh là 670.705 tỷ đồng (chiếm 6,7%), Đồng Nai là 665.408 tỷ đồng (chiếm 6,7%). Tài sản của 05 địa phương này chiếm khoảng 52,5% tổng số tài sản doanh nghiệp FDI trên cả nước, tập trung tại vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng.
+ Về giá trị tăng trưởng, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương dẫn đầu trong việc tăng quy mô tài sản (118.187 tỷ đồng), tiếp theo là Hà Nội (108.720 tỷ đồng), Bắc Giang (108.203 tỷ đồng), Hải Phòng (78.185 tỷ đồng), Bình Dương (51.952 tỷ đồng). Giá trị tăng trưởng của 05 địa phương này chiếm 73% tổng giá trị tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI. Ngược lại, nhóm địa phương có giá trị tài sản giảm so với năm 2022 bao gồm: Bắc Ninh giảm 29.528 tỷ đồng (-4,2%), Thái Nguyên giảm 21.475 tỷ đồng (-5,6%), Ninh Thuận giảm 417 tỷ đồng (-3,2%), Quảng Bình giảm 398 tỷ đồng (-4,9%), Quảng Trị giảm 122 tỷ đồng (-7,1%).
- Xét theo lĩnh vực đầu tư:
+ 05 lĩnh vực có giá trị tài sản lớn nhất, chiếm đến 91% tổng tài sản khối doanh nghiệp FDI, bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo là 6.495.278 tỷ đồng (65%); Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 1.042.888 tỷ đồng (10%); Hoạt động kinh doanh bất động sản là 653.334 tỷ đồng (7%); Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí là 430.240 tỷ đồng (4%); Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ là 401.031 tỷ đồng (4%).
+ Hầu hết các lĩnh vực đều tăng trưởng dương về giá trị tài sản (trừ lĩnh vực Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ). 05 lĩnh vực có quy mô tăng trưởng lớn nhất là: Công nghiệp chế biến, chế tạo (314.776 tỷ đồng); Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (118.490 tỷ đồng); Hoạt động kinh doanh bất động sản (70.722 tỷ đồng); Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (41.697 tỷ đồng); Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (32.278 tỷ đồng). Về tốc độ tăng trưởng, lĩnh vực Giáo dục và đào tạo tiếp tục dẫn đầu là 16%, tiếp đến là Thông tin và truyền thông là 15,9%, Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội là 15,7%, Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 12,8%, Hoạt động kinh doanh bất động sản là 12,1%.
1.2. Tình hình biến động về nguồn vốn khối doanh nghiệp FDI
a. Tính đến thời điểm 31/12/2023, vốn chủ sở hữu đạt 4.192.339 tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm 2022. Cụ thể:
- Xét theo địa bàn đầu tư:
+ Về giá trị vốn chủ sở hữu: 05 địa phương gồm: TP. Hồ Chí Minh (755.533 tỷ đồng), Hà Nội (488.656 tỷ đồng), Bắc Ninh (391.679 tỷ đồng), Bình Dương (373.306 tỷ đồng), Đồng Nai (342.516 tỷ đồng), chiếm 56% vốn chủ sở hữu của khối doanh nghiệp FDI. Ngược lại, 05 địa phương có vốn chủ sở hữu thấp nhất (không bao gồm vốn chủ sở hữu âm) là: Hà Giang (18 tỷ đồng), Bắc Kạn (36 tỷ đồng), Điện Biên (68 tỷ đồng), Cao Bằng (151 tỷ đồng), Sơn La (155 tỷ đồng).
+ Về giá trị tăng trưởng vốn chủ sở hữu: Các địa phương tăng trưởng dương gồm TP. Hồ Chí Minh (82.970 tỷ đồng), Bắc Giang (60.341 tỷ đồng), Bình Dương (44.864 tỷ đồng), Hải Phòng (35.390 tỷ đồng), Hà Nội (33.393 tỷ đồng). Ngược lại, một số địa phương giảm vốn chủ sở hữu so với năm 2022 là: Thái Nguyên (-70.409 tỷ đồng; 25,1%), Bắc Ninh (-60.111 tỷ đồng; -13,3%), Thanh Hóa (-21.588 tỷ đồng; -1.078,2%), Hà Tĩnh (-6.705 tỷ đồng; -5,5%), Bình Thuận (-2.860 tỷ đồng; -16,6%).
- Xét theo lĩnh vực đầu tư:
+ Về giá trị vốn chủ sở hữu, một số lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong vốn chủ sở hữu doanh nghiệp FDI bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo (2.906.498 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng 69,3%, Hoạt động kinh doanh bất động sản (311.215 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng 7,4%, Hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ (281.689 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng 6,7%. Ngược lại, một số lĩnh vực chiếm tỷ trọng nhỏ trong vốn chủ sở hữu là: Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (12.882 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng 0,31%, Nghệ thuật vui chơi, giải trí (12.598 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng 0,3%, Giáo dục và đào tạo (7.411 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng 0,18%, Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (6.730 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng 0,16%, Hoạt động dịch vụ khác (6.099 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng 0,15%.
+ Về giá trị tăng trưởng vốn chủ sở hữu, một số lĩnh vực có giá trị tăng trưởng lớn vốn chủ sở hữu là Công nghiệp chế biến, chế tạo (81.263 tỷ đồng), Hoạt động kinh doanh bất động sản (39.597 tỷ đồng), Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (39.341 tỷ đồng), Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (20.010 tỷ đồng); ngược lại, một số lĩnh vực có giá trị tăng trưởng thấp bao gồm: Nghệ thuật vui chơi, giải trí (521 tỷ đồng), Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (121 tỷ đồng), Khai khoáng (48 tỷ đồng) và một lĩnh vực duy nhất có vốn chủ sở hữu sụt giảm đáng kể là Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (-1.052 tỷ đồng).
b. Tính đến thời điểm 31/12/2023, nợ phải trả là 5.764.735 tỷ đồng, tăng 419.655 tỷ đồng, tương đương tăng 7,9% so với năm 2022.
- Xét theo địa bàn đầu tư:
+ Về tỷ trọng nợ phải trả, nhóm địa phương có nợ phải trả lớn nhất là: TP. Hồ Chí Minh (1.247.868 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng 2,6%, Hà Nội (603.864 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng 10,5%, Bình Dương (420.895 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng 7,3%, Bắc Giang (378.387 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng 6,6%, Thanh Hóa (323.509 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng 5,6%. Nhóm địa phương có nợ phải trả chiếm tỷ trọng nhỏ, bao gồm: Hà Giang (0,4 tỷ đồng), Kon Tum (115 tỷ đồng), Sơn La (134 tỷ đồng), Cao Bằng (174 tỷ đồng), Cà Mau (383 tỷ đồng).
+ Về tốc độ tăng trưởng nợ phải trả, một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng nợ phải trả lớn so với năm 2022 là: Phú Thọ tăng 78,9% (22.920 tỷ đồng), Nghệ An tăng 69,2% (6.952 tỷ đồng), Thái Nguyên tăng 47,6% (48.934 tỷ đồng), Kiên Giang tăng 37,1% (420 tỷ đồng), Thái Bình tăng 36,4% (3.789 tỷ đồng). Các tỉnh có tốc độ tăng trưởng nợ phải trả âm so với năm 2022, bao gồm: Cao Bằng giảm 22,5% (-50 tỷ đồng), Hậu Giang giảm 21,7% (-416 tỷ đồng), Lâm Đồng giảm 14,4% (-723 tỷ đồng), Lào Cai giảm 12% (-123 tỷ đồng), An Giang giảm 10,6% (-510 tỷ đồng).
- Xét theo lĩnh vực đầu tư:
+ Về giá trị nợ phải trả, lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo có nợ phải trả cao nhất là 3.588.797 tỷ đồng (chiếm 66,3%), tiếp theo là Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 822.916 tỷ đồng (chiếm 15,2%), Hoạt động kinh doanh bất động sản là 342.134 tỷ đồng (chiếm 6,3%),... Nhóm lĩnh vực có nợ phải trả chiếm tỷ trọng nhỏ bao gồm: Giáo dục và đào tạo là 10.303 tỷ đồng (chiếm 0,2%), Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội là 8.312 tỷ đồng (chiếm 0,2%), Nghệ thuật, vui chơi và giải trí là 7.953 tỷ đồng (chiếm 0,1%), Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải là 6.311 tỷ đồng (chiếm 0,1%), Khai khoáng là 2.791 tỷ đồng (chiếm 0,1%).
+ Về tốc độ tăng trưởng nợ phải trả, các lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nợ phải trả lớn so với năm 2022, bao gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 18,1% (2.835 tỷ đồng); Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,9% (769 tỷ đồng); Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 13,6% (98.480 tỷ đồng); Giáo dục và đào tạo tăng 13,4% (1.215 tỷ đồng); Thông tin và truyền thông tăng 12% (5.102 tỷ đồng). Ngược lại, các lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nợ phải trả âm so với năm 2022, bao gồm: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 8,8% (-3.620 tỷ đồng); Dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 3,3% (-1.011 tỷ đồng); Vận tải kho bãi giảm 2,6% (-1.795 tỷ đồng).
2. Về cơ cấu tài chính
2.1. Hệ số nợ phải trả trên tổng tài sản
Hệ số nợ tổng quát năm 2023 của khối doanh nghiệp FDI là 0,58, không có sự biến động so với năm 2022. Hầu hết lại tất cả các lĩnh vực đều có hệ số dưới 1, chỉ có duy nhất lĩnh vực Khai khoáng là lĩnh vực có hệ số ở mức cao trong nhiêu năm liên tục là 1,02, tuy nhiên lĩnh vực này đã có cải thiện hơn so với năm 2022 (1,04).
Một số lĩnh vực có hệ số nợ tổng quát dưới mức 0,5 lần như: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (0,3); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (0,39); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (0,39); Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (0,48); Vận tải kho bãi (0,49) cho thấy doanh nghiệp thuộc ngành này có lượng vốn chủ sở hữu dồi dào và không phụ thuộc nhiều vào nợ vay bên ngoài.
2.2. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu
Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu năm 2023 của khối doanh nghiệp FDI là 1,38 lần cho thấy về tổng thể các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì sự cân bằng tương đối giữa nguồn lực tài chính tự có với nguồn vốn huy động bên ngoài thông qua vay nợ để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Lĩnh vực có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 2 gồm: Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (3,74 lần); Thông tin và truyền thông (3,07 lần); Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (2,63 lần); Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (2,28). Hơn 65% số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực này đều có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm cho thấy việc sử dụng đòn bẩy tài chính của đa số các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực này chưa hợp lý.
Riêng lĩnh vực Khai khoáng thua lỗ kéo dài dẫn đến năm 2023 vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, tuy nhiên đã có cải thiện đáng kể khi ghi nhận mức tăng 48 tỷ đồng, tương đương tăng 51,9% so với năm 2022.
3. Về khả năng thanh toán
3.1. Khả năng thanh toán tổng quát
Hệ số khả năng thanh toán tổng quát năm 2023 của khối doanh nghiệp FDI là 1,73 lần, không có sự thay đổi đáng kể so với năm 2022. Về tổng thể chung, với hệ số bình quân này, doanh nghiệp ĐTNN đảm bảo được khả năng thanh toán tổng quát.
Một số lĩnh vực có khả năng thanh toán tổng quát cao như: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (3,36 lần); Nghệ thuật, vui chơi, giải trí (2,58 lần); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (2,55 lần); Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (2,07 lần). Bên cạnh đó, một số lĩnh vực có hệ số khả năng thanh toán tổng quát nhỏ hơn 2 như: Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (1,27 lần), Thông tin và truyền thông (1,33 lần); Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (1,38 lần), Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô; mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (1,4 lần),... Duy nhất lĩnh vực có hệ số khả năng thanh toán tổng quát ở mức dưới 1, không đảm bảo khả năng thanh toán là Khai khoáng (0,98 lần), tuy nhiên hệ số lĩnh vực này đã cải thiện hơn so với năm 2022.
So với năm 2022, lĩnh vực có khả năng thanh toán tổng quát tăng bao gồm: Vận tải kho bãi tăng 9%; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ tăng 9%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6%; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 6%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 5%. Lĩnh vực có khả năng thanh toán tổng quát giảm bao gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 10%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 6%; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2%; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 1%.
3.2. Khả năng thanh toán ngắn hạn
Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn năm 2023 của khối doanh nghiệp FDI là 1,36 lần, tăng so với năm 2022 cho thấy về tổng thể chung doanh nghiệp ĐTNN đảm bảo được khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Một số lĩnh vực có khả năng thanh toán hiện thời cao là: Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (2,62 lần); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (2,12 lần); Vận tải kho bãi (1,93 lần); Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (1,86 lần); Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (1,85). Một số lĩnh vực có hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 là: Khai khoáng (0,83 lần); Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (0,97) cho thấy có thể các doanh nghiệp đang dùng các khoản vay ngắn hạn để đầu tư tài sản dài hạn.
So với năm 2022, lĩnh vực có khả năng thanh toán ngắn hạn tăng là: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 42%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25%; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ tăng 25%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 22%; Vận tải kho bãi tăng 8%. Lĩnh vực có khả năng thanh toán ngắn hạn giảm gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 17%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 17%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 11%; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 5%.
3.3. Khả năng thanh toán nhanh
Hệ số khả năng thanh toán nhanh năm 2023 của khối doanh nghiệp FDI là 0,96 lần, tăng nhẹ so với năm 2022.
Một số lĩnh vực có hệ số khả năng thanh toán nhanh cao, gồm: Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (2,6 lần); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (2,05 lần); Vận tải kho bãi (1,86 lần); Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (1,59 lần); Giáo dục và đào tạo (0,59 lần). Ngược lại, một số lĩnh vực có hệ số khả năng thanh toán nhanh thấp như: Khai khoáng (0,51 lần); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (0,54 lần); Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ (0,86);....
So với năm 2022, lĩnh vực có khả năng thanh toán nhanh tăng là: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 57%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 25%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 23%; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ tăng 22%; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 15%,... Lĩnh vực có khả năng thanh toán nhanh giảm là: Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản giảm 24%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 13%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 8%; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 5%.
4. Về kết quả sản xuất kinh doanh và khả năng sinh lời
4.1. Về quy mô doanh thu
Doanh thu năm 2022 của các DN có vốn ĐTNN đạt 9.416.102 tỷ đồng, giảm 426.920 tỷ đồng, tương đương 4,3% so với năm 2022.
- Xét theo địa bàn đầu tư:
+ 05 địa phương có doanh thu lớn nhất cả nước bao gồm: TP. Hồ Chí Minh (1.414.472 tỷ đồng), Bắc Ninh (1.259.794 tỷ đồng), Đồng Nai (749.006 tỷ đồng), Bình Dương (731.330 tỷ đồng), Hải Phòng (693.119 tỷ đồng). Doanh thu của 05 địa phương này chiếm đến 50% tổng doanh thu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có báo cáo. Ngược lại, các địa phương có doanh thu thấp chủ yếu thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên như: Kon Tum (15 tỷ đồng), Sơn La (97 tỷ đồng), Bắc Kạn (239 tỷ đồng), Cao Bằng (486 tỷ đồng), Cà Mau (530 tỷ đồng).
+ Về tăng trưởng doanh thu, một số địa phương có mức tăng trưởng cao là: Bắc Giang tăng 79.644 tỷ đồng (14,4%), Hải Phòng tăng 50.936 tỷ đồng (7,9%), Phú Thọ tăng 35.348 tỷ đồng (64,7%), Hà Nam tăng 9.536 tỷ đồng (8,6%), Khánh Hòa tăng 7.489 tỷ đồng (31,7%). Ngược lại, có 30 địa phương có doanh thu giảm sút, trong đó các địa phương có doanh thu giảm đáng kể, gồm: Hồ Chí Minh giảm 128.065 tỷ đồng (-8,3%), tiếp theo là Bắc Ninh giảm 126.353 tỷ đồng (-9,1%), Thái Nguyên giảm 92.209 tỷ đồng (-11,9%), Đồng Nai giảm 76.592 tỷ đồng (-9,3%), Bình Dương giảm 52.452 tỷ đồng (-6,7%).
- Xét theo lĩnh vực đầu tư:
+ Lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực dẫn đầu về doanh thu với giá trị là 7.704.699 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng tới 82% tổng doanh thu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2023, bỏ xa vị trí thứ 2 của lĩnh vực Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (629.907 tỷ đồng, chiếm 7%) và thứ 3 của lĩnh vực Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (220.343 tỷ đồng, chiếm 2,3%).
+ Về tăng trưởng doanh thu, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao là: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 19.636 tỷ đồng (23,1%); Thông tin và truyền thông tăng 17.222 tỷ đồng (22,6%); Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 12.456 tỷ đồng (2%). Tuy nhiên, có 07 lĩnh vực có doanh thu giảm, trong đó có một số lĩnh vực giảm đáng kể dẫn đến doanh thu của khối doanh nghiệp FDI giảm là: Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 365.739 tỷ đồng (4,5%); Vận tải kho bãi giảm 119.257 tỷ đồng (45%); Hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 21.564 tỷ đồng (21,7%);...
4.2. Về lợi nhuận
Lợi nhuận trước thuế năm 2023 của các DN có vốn ĐTNN đạt 411.742 tỷ đồng, giảm 68.343 tỷ đồng, tương đương 14,2% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 337.027 tỷ đồng, giảm 62.927 tỷ đồng, tương đương giảm 15,7% so với năm 2022.
Một số ngành có tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong lợi nhuận trước thuế của khối này bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 81,3% (334.744 tỷ đồng), Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm 5,2% (21.452 tỷ đồng), Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 2,9% (12.090 tỷ đồng), Hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 2,2% (9.029 tỷ đồng), Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí chiếm 2,1% (8.756 tỷ đồng),...
Xét về tốc độ tăng trưởng, một số ngành có tốc độ tăng trưởng lớn về lợi nhuận trước thuế bao gồm: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 417,1% (1.825 tỷ đồng); Khai khoáng tăng 302,8% (89 tỷ đồng); Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ tăng 43,1% (3.641 tỷ đồng),... Nhóm có lợi nhuận trước thuế sụt giảm mạnh bao gồm: Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 222,9% (232 tỷ đồng); Vận tải kho bãi giảm 57.7% (10.110 tỷ đồng); Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 54,7% (6.528 tỷ đồng); Hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 48,4% (8.454 tỷ đồng),...
Xét về giá trị tăng trưởng, chỉ có 02 lĩnh vực có giá trị tăng trưởng đáng kể đóng góp vào sức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của toàn khối FDI gồm: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ tăng 3.641 tỷ đồng, đóng góp 5,3% vào mức tăng trưởng; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 1.825 tỷ đồng, đóng góp 2,7% vào mức tăng trưởng. Ngược lại, có 10 lĩnh vực làm sụt giảm lợi nhuận trước thuế của toàn khối, trong đó 05 lĩnh vực có tác động trọng yếu nhất là: Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 46.305 tỷ đồng, tác động giảm 67,8% mức tăng trưởng; Vận tải kho bãi giảm 10.110 tỷ đồng, tác động giảm 14,8% mức tăng trưởng; Hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 8.454 tỷ đồng, tác động giảm 12,4% mức tăng trưởng; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 6.528 tỷ đồng, tác động giảm 9,6% mức tăng trưởng; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 2.420 tỷ đồng, tác động giảm 3,5% mức tăng trưởng.
Tình hình doanh nghiệp lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu năm 2023: Tính đến thời điểm 31/12/2023, số doanh nghiệp báo lỗ là 16.292 doanh nghiệp, tăng 21,2%; số doanh nghiệp bị lỗ lũy kế là 18.140 doanh nghiệp, tăng 15%; số doanh nghiệp bị lỗ mất vốn chủ sở hữu là 5.091 doanh nghiệp, tăng 15,2%; số lỗ năm 2023 là 217.464, tăng 32%; trị giá lỗ lũy kế là 908.211 tỷ đồng, tăng 20%; trị giá âm vốn chủ sở hữu là 241.560 tỷ đồng, tăng 29%. Như vậy, số doanh nghiệp báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu vẫn có chiều hướng gia tăng trong nhiều năm.
4.3. Các chỉ tiêu khả năng sinh lời
- Tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu (ROS) cua DN có vốn ĐTNN năm 2023 là 3,58%, giảm so với mức 4,06% của năm 2022 cho thấy ROS của khối DN có vốn ĐTNN bị suy giảm mạnh. Có 11/18 lĩnh vực có ROS giảm, trong đó có 03 lĩnh vực giảm rất mạnh, cụ thể như: Hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 6,29%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 5,1%; đặc biệt lĩnh vực Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 6%, dẫn đến ROS âm khi từ 1,1% năm 2022 xuống còn âm 5,9% năm 2023. Bên cạnh đó, có một số tín hiệu tích cực từ các lĩnh vực: Khai khoáng tăng 5,7%, Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 4,4%, Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 2,6%, Nghệ thuật vui chơi và giải trí tăng 1,4%.
- Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân toàn khối năm 2023 là 8% giảm so với mức 10% của năm 2022. Loại trừ ảnh hưởng của vốn chủ sở hữu âm trong lĩnh vực Khai khoáng, có 10 lĩnh vực có ROE giảm, trong đó 05 lĩnh vực sụt giảm đáng kể, cụ thể như: Vận tải kho bãi giảm 14,6%; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 4,9%; Thông tin và truyền thông giảm 4,4%; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4%; Hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 3,1%. Bên cạnh đó, có một số lĩnh vực có ROE tăng so với năm 2022 là: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 5,9%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 1,5%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,2%,...
- Tỷ suất lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) của DN có vốn DTNN năm 2023 là 3,4%, giảm so với mức 4,3% của năm 2022. Có 10 lĩnh vực có ROA giảm, trong đó 03 lĩnh vực sụt giảm đáng kể, cụ thể như: Vận tải kho bãi giảm 6,5%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,1%; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 1,5%. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực có ROA tăng so với năm 2022 là: Khai khoáng tăng 3,2%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 2,7%.
5. Tình hình tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quốc gia đầu tư
Theo Báo cáo của Sở Tài chính các địa phương, có 14.515 DN có vốn ĐTNN đầy đủ thông tin về quốc gia, vùng lãnh thổ của nhà đầu tư (trừ TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang chưa có báo cáo).
Top 15 quốc gia có số lượng và vốn đầu tư lớn năm 2023
Đơn vị tính: Tỷ đồng
Quốc gia | Số lượng DN | Tổng tài sản | Vốn đầu tư của chủ sở hữu | Doanh thu | Lợi nhuận sau thuế |
Hàn Quốc | 4416 | 1.906.354 | 410.923 | 3.005.222 | 114.566 |
Nhật Bản | 1901 | 1.111.453 | 365.451 | 1.142.739 | 23.604 |
Trung Quốc | 3035 | 1.085.218 | 2.510.280 | 1.485.707 | 46.005 |
Đài Loan | 1801 | 959.989 | 389.239 | 747.617 | (7.305) |
Singapore | 696 | 529.187 | 259.944 | 342.474 | 10.261 |
Hồng Kông | 538 | 363.448 | 128.319 | 291.628 | 12.225 |
Thái Lan | 172 | 283.031 | 114.290 | 161.204 | 175 |
Hoa Kỳ | 346 | 159.073 | 48.816 | 181.025 | 9.014 |
Malaysia | 179 | 142.936 | 43.913 | 83.739 | 1.669 |
Australia | 98 | 88.480 | 12.486 | 25.888 | 276 |
Vương quốc Anh | 132 | 63.320 | 24.451 | 68.532 | 1.945 |
BritishVirginls lands | 101 | 61.058 | 23.868 | 64.463 | 41 |
Hà Lan | 66 | 51.069 | 15.028 | 57.787 | 1.890 |
Samoa | 101 | 37.483 | 23.562 | 31.810 | (357) |
CHLB Đức | 85 | 35.127 | 11.245 | 29.234 | 698 |
Nguồn: Số liệu được tổng hợp từ báo cáo của các địa phương
- Tổng tài sản năm 2023 của 14.515 doanh nghiệp là 7.165.022 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2022.
+ Về tỷ trọng, các nhà đầu tư đến từ Châu Á tiếp tục là những quốc gia nắm giữ phần lớn giá trị tổng tài sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể: Hàn Quốc chiếm 26,6%, Nhật Bản chiếm 15,5%, Trung Quốc chiếm 15,1%, Đài Loan chiếm 13,4%, Singapore chiếm 7,4%. Các quốc gia này tập trung đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan đầu tư trên 70% tài sản, Singapore đầu tư khoảng 50% tài sản vào lĩnh vực này; ngoài ra, lĩnh vực Hoạt động kinh doanh bất động sản cũng là lĩnh vực được các quốc gia trên quan tâm, chỉ đứng sau lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo.
+ Về giá trị tăng trưởng, các quốc gia có vốn đầu tư vào Việt Nam có sự tăng trưởng lớn về tài sản là: Trung Quốc tăng 178.181 tỷ đồng, Đài Loan tăng 45.225 tỷ đồng, Hồng Kông tăng 44.981 tỷ đồng, Singapore tăng 37.931 tỷ đồng, Hoa Kỳ tăng 26.040 tỷ đồng,..; ngược lại một số nhà đầu tư có sự sụt giảm là: Hàn Quốc giảm 48.293 tỷ đồng, Australia giảm 9.885 tỷ đồng, Malaysia giảm 3.471 tỷ đồng, Cayman Islands giảm 2.146 tỷ đồng,...
- Vốn đầu tư của chủ sở hữu năm 2023 của 14.515 doanh nghiệp là 4.490.921 tỷ đồng, tăng 115% so với năm 2022, trong đó chỉ riêng Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore chiếm trên 85% vốn đầu tư. Về giá trị tăng trưởng, các quốc gia có vốn đầu tư vào Việt Nam có sự tăng trưởng lớn là: Trung Quốc tăng 2.253.714 tỷ đồng, Hàn Quốc tăng 34.033 tỷ đồng, Đài Loan tăng 23.945 tỷ đồng, Singapore tăng 21.724 tỷ đồng, Nhật Bản tăng 20.226 tỷ đồng; ngược lại một số nhà đầu tư có sự sụt giảm là: Nauy giảm 650 tỷ đồng, Cayman Islands giảm 340 tỷ đồng, Ấn Độ giảm 282 tỷ đồng,...
- Doanh thu năm 2023 của 14.515 doanh nghiệp là 7.962.859 tỷ đồng, giảm 0,1% so với năm 2022, trong đó tập trung trên 80% vào lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore. Một số nhà đầu tư có doanh thu tăng trưởng lớn gồm: Trung Quốc tăng 483.264 tỷ đồng, Hoa Kỳ tăng 35.658 tỷ đồng, Hồng Kông tăng 13.486 tỷ đồng, Ấn Độ tăng 2.564 tỷ đồng, Đan Mạch tăng 1.850 tỷ đồng,... Bên cạnh đó, nhà đầu tư có doanh thu sụt giảm mạnh gồm: Hàn Quốc giảm 288.559 tỷ đồng, Nhật Bản giảm 128.111 tỷ đồng, Đài Loan giảm 30.864 tỷ đồng, Malaysia giảm 23.659 tỷ đồng, Thái Lan giảm 15.565 tỷ đồng.
- Lợi nhuận sau thuế năm 2023 của 14.515 doanh nghiệp là 222.318 tỷ đồng, giảm 22,8% so với năm 2022. Tương tự như doanh thu, lợi nhuận sau thuế cũng tập trung trên 80% vào lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore. Một số nhà đầu tư có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng cao gồm: Trung Quốc tăng 11.144 tỷ đồng, Singapore tăng 3.490 tỷ đồng, Thụy Sỹ tăng 663 tỷ đồng; ngược lại một số nhà đầu tư có lợi nhuận sau thuế giảm mạnh gồm: Nhật Bản giảm 24.481 tỷ đồng, Hàn Quốc giảm 22.784 tỷ đồng, Đài Loan giảm 10.266 tỷ đồng, Thái Lan giảm 8.834 tỷ đồng, Australia giảm 3.350 tỷ đồng.
6. Tình hình nộp ngân sách Nhà nước, kim ngạch xuất nhập khẩu
6.1. Tình hình nộp ngân sách Nhà nước (NSNN)
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, số thu nội địa (không kể dầu thô) của khối doanh nghiệp có vốn ĐTNN1 năm 2023 là 238.795 tỷ đồng, giảm 4.651 tỷ đồng, tương đương giảm 1,9% so với năm 2022. Về tỷ trọng một số sắc thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 120.440 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là 50,4%, thuế giá trị gia tăng đạt 62.160 tỷ đồng (26%), thuế tiêu thụ đặc biệt là 50.868 tỷ đồng (21,3%).
Số nộp NSNN theo các sắc thuế năm 2022, 2023
Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thuế và Sở Tài chính thì số nộp NSNN của 28.918 DN có BCTC năm 2023 là 193.238 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2022. Cụ thể:
Xét theo địa bàn đầu tư, TP. Hồ Chí Minh (62.295 tỷ đồng), Hà Nội (21.481 tỷ đồng), Vĩnh Phúc (20.640 tỷ đồng), Bình Dương (13.157 tỷ đồng), Đồng Nai (12.624 tỷ đồng) là các địa phương đứng đầu về số đóng góp vào NSNN năm 2023. Một số địa phương có số nộp NSNN tăng so với năm 2022 là: Hải Dương (2.327 tỷ đồng), Bình Dương (1.832 tỷ đồng), Bắc Giang (1.384 tỷ đồng); ngược lại, một số địa phương có số nộp NSNN giảm so với năm 2022 là: Vĩnh Phúc (-7.567 tỷ đồng), TP. Hồ Chí Minh (-5.942 tỷ đồng), Thanh Hóa (- 542 tỷ đồng), Quảng Ninh (472 tỷ đồng).
Tình hình nộp NSNN của một số địa phương năm 2023
Một số địa bàn thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục là những địa phương có sức đóng góp về ngân sách nhà nước hạn chế nhất đối với DN có vốn ĐTNN do các tỉnh này có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên thu hút được rất ít dự án FDI.
Các địa phương có số nộp NSNN ít nhất năm 2023
Xét về lĩnh vực, nhóm lĩnh vực có đóng góp tích cực nhất vào nguồn thu NSNN với số nộp và tỷ trọng lần lượt là: Công nghiệp chế biến, chế tạo với 124.528 tỷ đồng (64,4%); Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác với 13.777 tỷ đồng (7,1%); Hoạt động kinh doanh bất động sản với 10.527 tỷ đồng (5,4%); Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm với 9.003 tỷ đồng (4,7%); Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ với 8.287 tỷ đồng (4,3%); đồng thời đây cũng là các lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài sản, vốn chủ sở hữu của toàn lĩnh vực và thu hút được nhiều dự án FDI.
Số nộp NSNN theo lĩnh vực năm 2023
Một số lĩnh vực có sức đóng góp không đáng kể vào nguồn NSNN như: Khai khoáng (142 tỷ đồng); Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (159 tỷ đồng); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (322 tỷ đồng); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (485 tỷ đồng). Sự đóng góp của các lĩnh vực này chỉ bằng 0,9% so với số nộp NSNN của toàn lĩnh vực.
6.2. Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của DN có vốn ĐTNN2 là 484,9 tỷ USD, giảm 27,8 tỷ USD, tương đương giảm 5,4% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 266,3 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng trị giá xuất khẩu cả nước, giảm 11,2 tỷ USD, tương đương 4% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu là 218,5 tỷ USD, chiếm 67% tổng trị giá nhập khẩu cả nước, giảm 16,7 tỷ USD, tương đương 7% so với năm 2022. Tuy vậy, điểm tích cực là cán cân thương mại xuất siêu đạt khoảng 47,8 tỷ USD, tăng 5,6 tỷ USD, tương đương 13% so với năm 2022.
Về mặt hàng xuất, nhập khẩu năm 2023
- Nhóm mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu lớn gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 55,2 tỷ USD, chiếm 21% trị giá xuất khẩu của DN có vốn ĐTNN; Điện thoại các loại và linh kiện đạt 52,2 tỷ USD, chiếm 20% trị giá xuất khẩu của DN có vốn ĐTNN; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 40,9 tỷ USD, chiếm 15% trị giá xuất khẩu của DN có vốn ĐTNN. Nhóm mặt hàng xuất siêu: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 44,2 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 11,4 tỷ USD; Linh kiện, phụ tùng ô tô đạt 6,8 tỷ USD; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 5,6 tỷ USD.
- Nhóm mặt hàng chủ lực có kim ngạch nhập khẩu lớn gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 84,9 tỷ USD, chiếm 39% trị giá nhập khẩu của DN có vốn ĐTNN; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 29,5 tỷ USD, chiếm 14% trị giá nhập khẩu của DN có vốn DTNN. Nhóm mặt hàng nhập siêu: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 29,6 tỷ USD; Sản phẩm từ chất dẻo đạt 2,5 tỷ USD; Sản phẩm từ sắt thép đạt 1,3 tỷ USD.
Về thị trường xuất, nhập khẩu năm 2023
- Thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất: Hoa Kỳ đạt 79,9 tỷ USD, chiếm 30% trị giá xuất khẩu của DN có vốn ĐTNN, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là Trung Quốc đạt 45,2 tỷ USD, chiếm 17% trị giá xuất khẩu của DN có vốn ĐTNN, Hàn Quốc đạt 18,8 tỷ USD, chiếm 7,1% trị giá xuất khẩu của DN có vốn ĐTNN, Nhật Bản đạt 16,6 tỷ USD, chiếm 6,2% trị giá xuất khẩu của DN có vốn ĐTNN, Hồng Kông đạt 8,9 tỷ USD, chiếm 3,3% trị giá xuất khẩu của DN có vốn ĐTNN.
- Thị trường có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất: Trung Quốc đạt 76,7 tỷ USD, chiếm 35,1% trị giá nhập khẩu của DN có vốn DTNN, là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là Hàn Quốc đạt 43,5 tỷ USD, chiếm 19,9% trị giá nhập khẩu của DN có vốn ĐTNN, Nhật Bản đạt 17,2 tỷ USD, chiếm 7,9% trị giá nhập khẩu của DN có vốn ĐTNN, Đài Loan đạt 16,5 tỷ USD, chiếm 7,6% trị giá nhập khẩu của DN có vốn ĐTNN, Hoa Kỳ đạt 8,8 tỷ USD, chiếm 4% trị giá nhập khẩu của DN có vốn ĐTNN.
III. NHẬN XÉT, KIẾN NGHỊ
1. Nhận xét, đánh giá
1.1. Kết quả đạt được
- Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của nước ta thông qua việc bổ sung nguồn vốn đầu tư, số lượng dự án tăng lên, góp phần tạo việc làm, thu nhập, nâng cao trình độ, chuyên môn cho người lao động, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
- Công tác quản trị tài chính của doanh nghiệp FDI nhìn chung vẫn đảm bảo an toàn tài chính để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó: hệ số nợ duy trì sự cân bằng tương đối giữa nguồn lực tài chính tự có với nguồn vốn huy động bên ngoài; khả năng thanh toán ở ngưỡng an toàn. Đáng chú ý, lĩnh vực Khai khoáng mặc dù vẫn tiếp tục ở ngưỡng cao trong cơ cấu nợ và khả năng thanh toán thấp nhưng đã có cải thiện tích cực hơn so với năm 2022.
- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối có đóng góp lớn trong hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, chiếm 75% trị giá xuất khẩu và 67% trị giá nhập khẩu cả nước, đồng thời đẩy mạnh cán cân thương mại với kết quả thặng dư 47,8 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2022.
- Mặc dù chịu nhiều yếu tố bất lợi từ trong nước và thế giới, nhiều lĩnh vực bị tác động trực tiếp hoặc tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng bên cạnh đó vẫn có một số lĩnh vực lội ngược dòng, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng và được minh chứng bởi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế như: Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Khai khoáng; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội.
1.2. Tồn tại, hạn chế
- Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng phần lớn tập trung vào các dự án quy mô đầu tư nhỏ và vừa. Các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu là nhập khẩu linh kiện, thiết bị để gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, dây chuyền công nghệ ở mức độ trung bình để tận dụng ưu đãi về thuế, mặt bằng và lao động giá rẻ.
- Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng sinh lời của khối doanh nghiệp có vốn ĐTNN năm 2023 giảm sút so với năm 2022, cụ thể: doanh thu giảm 4,3%; lợi nhuận trước thuế giảm 14,2%; lợi nhuận sau thuế giảm 15,7% dẫn đến số nộp ngân sách nhà nước giảm. Các lĩnh vực có đóng góp lớn vào kết quả hoạt động kinh doanh, số nộp NSNN của toàn ngành như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; Hoạt động kinh doanh bất động sản mất vai trò động lực tăng trưởng khi đồng loạt giảm sút.
- Doanh nghiệp FDI báo lỗ, doanh nghiệp lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu tăng đáng kể cả về số lượng và giá trị. Nhiều doanh nghiệp báo lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng quy mô vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh tập trung ở các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ.
- Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, doanh thu cao, lợi nhuận trước thuế lớn nhưng có mức đóng góp vào NSNN ở mức khiêm tốn so với các doanh nghiệp khác có vốn đầu tư và kết quả kinh doanh thấp hơn.
- Kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu ở khu vực doanh nghiệp FDI đều ghi nhận mức giảm so với năm 2022. Mặt hàng chủ lực và thị trường xuất khẩu lớn nhất năm 2023 có trị giá xuất khẩu thấp hơn mặt hàng chủ lực và thị trường xuất khẩu lớn nhất năm 2022.
- Về chế độ báo cáo, hai địa phương gồm Hồ Chí Minh và Kiên Giang tiếp tục không thực hiện chế độ báo cáo theo yêu cầu của Bộ Tài chính dẫn đến thiếu hụt lớn thông tin dữ liệu, gây ảnh hưởng trọng yếu trong quá trình tổng hợp, phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp có vốn ĐTNN theo quốc gia đầu tư và đưa ra kiến nghị.
1.3. Nguyên nhân tồn tại, hạn chế
- Bối cảnh thế giới có diễn biến phức tạp dẫn đến suy giảm tổng cầu, tăng cạnh tranh giữa các nước, đứt gãy chuỗi cung ứng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động ngoại thương và kế hoạch đầu tư mới hoặc mở rộng của nhà đầu tư nước ngoài.
- Chính sách ưu đãi đầu tư còn có nhiều sự khác biệt giữa các ngành, lĩnh vực, vùng miền địa phương dẫn đến mức độ đóng góp vào NSNN của các doanh nghiệp khác nhau.
- Cơ sở hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu các tiện ích công cộng và dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút vốn đầu tư giữa nước ta với các nước nhận đầu tư khác, giữa các địa phương với nhau, tăng chi phí sản xuất làm giảm tính cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp.
- Công tác báo cáo, tổng hợp chưa được một số địa phương chú trọng, chỉ đạo sát sao gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng trong công tác tổng hợp báo cáo.
2. Kiến nghị, đề xuất
Trên cơ sở đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp ĐTNN năm 2023, Bộ Tài chính kiến nghị, đề xuất một số nội dung sau:
- Đối với Chính phủ:
+ Ban hành các cơ chế, chính sách hoặc trình Quốc hội ban hành các chính sách về đầu tư, doanh nghiệp,... có liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài.
+ Ban hành Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội khóa XV và Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị.
- Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương:
+ Rà soát các cơ chế, chính sách về đầu tư (thu hút đầu tư, ưu đãi đầu tư, quản lý đầu tư,...) để kiến nghị Chính phủ sửa đổi hoặc ban hành chính sách đầu tư kịp thời, hiệu quả.
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu trong hệ thống thông tin và liên thông dữ liệu, thông tin về các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp có vốn ĐTNN nói riêng giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, đáp ứng yêu cầu khai thác, phân tích dữ liệu.
+ Xây dựng các chỉ tiêu về hiệu quả đầu tư làm căn cứ đánh giá tác động của dự án của doanh nghiệp FDI đang hoạt động đối với kinh tế, xã hội, môi trường nhằm quản lý, ngăn chặn kịp thời các rủi ro có thể xảy ra.
+ Tăng cường sự phối hợp các Bộ, ngành và địa phương trong công tác kết nối, khai thác, đối chiếu chéo thông tin chống chuyển giá, trốn thuế, quản lý hiệu quả các nguồn thu phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có vốn ĐTNN, chống xói mòn nguồn thu, tăng thu cho ngân sách nhà nước.
+ Hoàn thiện hạ tầng giao thông - đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, không chỉ tăng kết nối, liên kết vùng, tạo động lực thu hút đầu tư, góp phần thực hiện hiệu quả, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh.
+ Tăng cường hoạt động rà soát, công tác kiểm tra, thanh tra đối với các dự án đầu tư đang hoạt động; đẩy mạnh các biện pháp quản lý đối với những doanh nghiệp FDI có hoạt động không hiệu quả hoặc có dấu hiệu vi phạm, gây thiệt hại đến nguồn thu NSNN, tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế - xã hội.
+ Có phương án đào tạo, tăng cường năng lực chuyên môn, quản lý cho các cơ quan, đơn vị có liên quan đến doanh nghiệp FDI đang hoạt động đầu tư tại địa phương.
+ Chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện chế độ thông tin, báo cáo đảm bảo đúng thời hạn và đề cương theo yêu cầu của Bộ Tài chính để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
BỘ TÀI CHÍNH
______________________
[1] Tổng số đã nộp NSNN tổng hợp của cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
2 Số liệu được khai thác dựa trên danh sách doanh nghiệp có vốn ĐTNN chi phối do Tổng cục Thuế cung cấp.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem Văn bản gốc.
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây