THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------------------ Số: 2178/CT-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ---------------------- Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUY HOẠCH
Trong thời gian qua, công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã từng bước đi vào nề nếp và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc định hướng phát triển tổng thể và dài hạn của các cấp, các ngành và các địa phương, làm căn cứ cho việc xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm và cung cấp thông tin cần thiết để xây dựng các chương trình phát triển, các dự án thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch cũng còn bộc lộc những hạn chế, yếu kém đó là công tác quy hoạch chưa được coi trọng đúng mức dẫn đến tình trạng quy hoạch thiếu tập trung, dàn trải; chưa thống nhất giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất; chưa có sự liên kết giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu đồng bộ, tính dự báo chưa cao nên một số quy hoạch bị phá vỡ, nhiều quy hoạch phải điều chỉnh sau một thời gian ngắn được phê duyệt; công tác quản lý nhà nước về quy hoạch còn nhiều bất cập.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém nêu trên là do các cấp, các ngành, các địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác quy hoạch; việc triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch chưa triệt để; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương trong việc xây dựng và quản lý quy hoạch còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch của các cơ quan chức năng chưa thực sự phát huy được hiệu quả,…
Để đưa công tác quy hoạch trên phạm vi cả nước đi vào nề nếp, làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm và tạo điều kiện thu hút đầu tư giai đoạn 2011 – 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Các Bộ, ngành:
a) Khẩn trương xây dựng, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đến năm 2020 thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2011; phê duyệt các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu thuộc thẩm quyền quy định tại Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ;
b) Xây dựng kế hoạch lập quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành kế hoạch lập quy hoạch đối với các quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ, ngành mình;
c) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định danh mục các quy hoạch ngành, sản phẩm chủ yếu cần lập cho ngành mình;
d) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi các quy định về trình tự lập quy hoạch, thẩm định nhiệm vụ quy hoạch, các định mức, đơn giá lập quy hoạch, đảm bảo đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tế;
đ) Tăng cường năng lực của các tổ chức liên quan đến lập, thẩm định, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch; bố trí cán bộ có năng lực và trình độ để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về quy hoạch;
e) Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ tình hình thực hiện quy hoạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Chính phủ.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Khẩn trương xây dựng, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2011; phê duyệt các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm đến năm 2020 thuộc thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ;
b) Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc triển khai lập, thẩm định quy hoạch của địa phương mình, bảo đảm sự phù hợp và tính liên kết với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực;
c) Hàng năm xây dựng kế hoạch lập quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình theo quy định tại Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ. Bố trí đủ kinh phí để triển khai những quy hoạch đã có trong danh mục đã ban hành;
d) Củng cố và tăng cường năng lực quản lý nhà nước về quy hoạch của các cơ quan có liên quan đến thẩm định và tổ chức thực hiện quy hoạch; bố trí hợp lý và đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ chuyên môn về quản lý quy hoạch;
đ) Thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai những quy hoạch đã được phê duyệt theo thẩm quyền. Định kỳ hàng năm gửi báo cáo về tình hình thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ nghiên cứu, xây dựng Luật Quy hoạch; đồng thời, phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ để đưa dự án Luật Quy hoạch vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2011;
b) Chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn về trình tự quy hoạch, thẩm định nhiệm vụ quy hoạch, lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung định mức, đơn giá cho công tác thẩm định nhiệm vụ quy hoạch lập, thẩm định, đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch và công bố quy hoạch. Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc phân bổ ngân sách hàng năm để thực hiện công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; không bố trí kinh phí để thực hiện những quy hoạch không có trong danh mục;
c) Hướng dẫn và đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương việc triển khai xây dựng kế hoạch lập quy hoạch hàng năm theo đúng quy định tại Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ. Tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;
d) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện quy hoạch ở các Bộ, ngành và địa phương. Định kỳ tổng hợp tình hình công tác quy hoạch và thực hiện các quy hoạch báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền xử lý những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý quy hoạch;
đ) Nghiên cứu, kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch ở các cấp, các ngành;
e) Nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn đối với tổ chức tư vấn lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương trong việc lựa chọn tư vấn lập quy hoạch.
4. Bộ Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ ngân sách hàng năm cho công tác quy hoạch theo danh mục và định mức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các quy định về đơn giá, định mức lập quy hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: VT, KTTH (5) | THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng |