BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM ------- Số: 1270/BHXH-CSXH V/v: Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH theo NĐ số 33/2009/NĐ-CP và NĐ số 34/2009/NĐ-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------- Hà Nội, ngày 11 tháng 05 năm 2009 |
Kính gửi: | - Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng; - Bảo hiểm xã hội Bộ Công an; - Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ. |
Thực hiện Nghị định số 33/2009/NĐ-CP, Nghị định số 34/2009/NĐ-CP ngày 6/4/2009 của Chính phủ và Thông tư số 11/2009/TT-BLĐTBXH ngày 24/4/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) như sau:
1. Về đối tượng áp dụng:
1.1. Đối tượng điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH theo Nghị định số 34/2009/NĐ-CP ngày 6/4/2009 gồm:
a. Người tham gia BHXH bắt buộc hưởng lương hưu hàng tháng trước ngày 01/5/2009 (kể cả cán bộ xã, phường thị trấn thuộc đối tượng quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ và người hưởng lương hưu theo Nghị định số 159/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ):
b. Người vừa có thời gian tham gia BHXH bắt buộc vừa có thời gian tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu hàng tháng trước ngày 01/5/2009;
c. Người hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng (kể cả người hưởng trợ cấp theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ);
d. Cán bộ xã, phường, thị trấn thuộc đối tượng quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ hưởng trợ cấp hàng tháng trước ngày 01/5/2009;
đ. Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng;
e. Người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) hàng tháng (kể cả trợ cấp phục vụ) trước ngày 01/5/2009;
g. Người hưởng trợ cấp tuất hàng tháng trước ngày 01/5/2009.
1.2. Đối tượng hưởng các chế độ BHXH từ ngày 01/5/2009 mà mức hưởng được tính theo mức lương tối thiểu chung quy định tại Nghị định số 33/2009/NĐ-CP ngày 6/4/2009 của Chính phủ.
1.3. Cán bộ xã, phường thị trấn quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ được hưởng trợ cấp hàng tháng theo Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23/9/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ ngày 01/5/2009 trở đi hưởng trợ cấp hàng tháng.
2. Điều chỉnh tăng lương hưu và trợ cấp BHXH đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng trước ngày 01/5/2009:
2.1. Các đối tượng nêu tại tiết a, b, c, d và đ điểm 1.1 khoản 1 trên, đến ngày 01/5/2009 còn đang được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, thì từ ngày 01/5/2009 mức hưởng hàng tháng được điều chỉnh như sau:
Mức lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng từ ngày 01/5/2009 | = | Mức lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng của tháng 4/2009 | x | 1,05 |
Trường hợp đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu hàng tháng trước ngày 01/5/2009 mà chưa điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Nghị định số 101/2008/NĐ-CP ngày 12/9/2008 của Chính phủ thì trước khi điều chỉnh theo quy định trên, thực hiện điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Nghị định số 101/2008/NĐ-CP.
2.2. Đối tượng nêu tại tiết e điểm 1.1 khoản 1 trên, đến ngày 01/5/2009 còn đang được hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) hàng tháng, trợ cấp người phục vụ hàng tháng, thì từ ngày 01/5/2009 mức trợ cấp được điều chỉnh như sau:
Mức trợ cấp TNLĐ-BNN, mức trợ cấp phục vụ hàng tháng từ ngày 01/5/2009 | = | Mức trợ cấp TNLĐ-BNN, mức trợ cấp phục vụ tháng 4/2009 | x | 1,2037 |
2.3. Đối tượng nêu tại tiết g điểm 1.1 khoản 1 trên, đến ngày 01/5/2009 còn đang được hưởng trợ cấp hàng tháng, thì từ ngày 01/5/2009 mức trợ cấp tuất hàng tháng được điều chỉnh như sau:
- Đối với mức hưởng bằng 40% mức lương tối thiểu chung, mức trợ cấp hàng tháng bằng 260.000 đồng (40% x 650.000 đồng);
- Đối với mức hưởng bằng 50% mức lương tối thiểu chung, mức trợ cấp hàng tháng bằng 325.000 đồng (50% x 650.000 đồng);
- Đối với mức hưởng bằng 70% mức lương tối thiểu chung, mức trợ cấp hàng tháng bằng 455.000 đồng (70% x 650.000 đồng).
2.4. Người hưởng lương hưu trước ngày 01/01/2007 thuộc diện cô đơn theo quy định tại Quyết định 812/TTg ngày 12/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ nếu sau khi điều chỉnh mà mức lương hưu thấp hơn 975.000 đồng/tháng thì được bù cho bằng 975.000 đồng/tháng.
3. Thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ 01/5/2009 trở đi:
3.1. Đối với đối tượng nêu tại điểm 1.2 khoản 1 trên: Việc giải quyết hưởng các chế độ BHXH từ ngày 01/5/2009 được thực hiện căn cứ mức lương tối thiểu chung là 650.000 đồng/tháng. Một số trường hợp cụ thể thì giải quyết như sau:
a. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đang hưởng trợ cấp ốm đau trước ngày 01/5/2009 mà từ ngày 01/5/2009 trở đi còn thời hạn hưởng trợ cấp (kể cả trường hợp mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày) thì căn cứ vào số ngày nghỉ ốm ghi trên giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để làm căn cứ giải quyết: Số ngày nghỉ ốm trước ngày 01/5/2009, mức trợ cấp ốm đau tính theo mức lương tối thiểu chung 540.000 đồng/tháng; số ngày nghỉ ốm từ ngày 01/5/2009 trở đi, mức trợ cấp ốm đau được tính theo mức lương tối thiểu chung 650.000 đồng/tháng. Trường hợp ốm đau trong tháng 5/2009 mà tiền lương đóng BHXH của tháng 4/2009 là căn cứ tính hưởng chế độ ốm đau thì được tính theo mức lương tối thiểu chung 650.000 đồng/tháng.
b. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đang hưởng trợ cấp thai sản trước ngày 01/5/2009 mà từ ngày 01/5/2009 trở đi còn thời hạn hưởng trợ cấp thì căn cứ thời gian nghỉ việc hưởng chế độ để giải quyết: Thời gian hưởng trợ cấp thai sản trước ngày 01/5/2009, mức hưởng trợ cấp thai sản tính theo mức lương tối thiểu chung 540.000 đồng/tháng; thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản từ 01/5/2009 được tính theo mức lương tối thiểu chung 650.000 đồng/tháng. Khoản trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức lương tối thiểu chung tại tháng sinh con hoặc tháng nhận nuôi con nuôi;
c. Đối với chế độ trợ cấp TNLĐ-BNN (kể cả trường hợp giám định lại và giám định tổng hợp) giải quyết từ ngày 01/5/2009 trở đi, thì tiền lương tối thiểu chung để tính khoản trợ cấp theo mức suy giảm khả năng lao động (kể cả trợ cấp phục vụ, nếu có) căn cứ vào thời điểm bắt đầu hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN; mức trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH tính theo mức tiền lương, tiền công của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị (nếu thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính theo hệ số lương và mức lương tối thiểu chung của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị).
Trường hợp thời điểm bắt đầu hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN hàng tháng (kể cả trợ cấp phục vụ, nếu có) trước ngày 01/5/2009, thì mức hưởng được điều chỉnh tăng theo quy định của từng thời kỳ và từ ngày 01/5/2009 được điều chỉnh tăng theo hướng dẫn tại điểm 2.2 khoản 2 nêu trên.
Việc tính mức trợ cấp TNLĐ-BNN đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân, thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 148/2007/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 14/9/2007 của Liên Bộ Quốc phòng - Bộ Công an - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
d. Mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản và TNLĐ-BNN tính theo mức lương tối thiểu chung tại tháng người lao động bắt đầu nghỉ việc hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
đ. Đối với chế độ hưu trí:
- Người có thời gian tham gia BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hưởng chế độ hưu trí từ ngày 01/5/2009 trở đi thì mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu theo quy định, tính theo mức lương tối thiểu chung 650.000 đồng/tháng. Đồng thời thôi không áp dụng mức điều chỉnh tăng 15% lương hưu theo quy định tại Nghị định số 101/2008/NĐ-CP ngày 12/9/2008 và mức điều chỉnh 5% theo quy định tại Nghị định số 34/2009/NĐ-CP ngày 6/4/2009 của Chính phủ;
- Người có thời gian tham gia BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hưởng trợ cấp BHXH một lần thì mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ tính trợ cấp căn cứ vào ngày ra quyết định hưởng trợ cấp, nếu quyết định từ 01/5/2009 trở đi thì tính theo mức lương tối thiểu chung 650.000 đồng/tháng;
- Người có thời gian tham gia BHXH bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên nghỉ hưu từ 01/5/2009, nếu mức lương hưu hàng tháng tính theo quy định mà thấp hơn 650.000 đồng/tháng thì được bù cho bằng 650.000 đồng/tháng;
- Người có thời gian tham gia BHXH theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ và cán bộ chuyên trách cấp xã đang tự đóng tiếp BHXH, từ ngày 01/5/2009 hưởng chế độ hưu trí hoặc BHXH một lần thì bình quân tiền lương tháng làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu, trợ cấp BHXH một lần của số tháng đóng BHXH theo hệ số tiền lương được tính theo mức lương tối thiểu 650.000 đồng/tháng, số tháng đóng BHXH theo mức sinh hoạt phí quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP được điều chỉnh theo mức tăng tương ứng của mức lương tối thiểu chung của từng thời kỳ;
e. Căn cứ ngày chết ghi trên giấy chứng tử hoặc giấy báo tử của đối tượng BHXH để giải quyết chế độ tử tuất theo mức lương tối thiểu chung tại tháng đối tượng BHXH chết (bao gồm tiền mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng, trợ cấp tuất một lần và trợ cấp chết do tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp). Trường hợp chết trong tháng 4/2009, trợ cấp tuất hàng tháng được hưởng từ 01/5/2009 thì tính theo mức tiền lương tối thiểu 650.000 đồng/tháng.
Mức trợ cấp tuất hàng tháng tính theo quy định trước ngày 01/5/2009, thì từ 01/5/2009 được điều chỉnh tăng theo hướng dẫn tại điểm 2.3 khoản 2 nêu trên.
3.2. Đối với đối tượng là Cán bộ xã, phường thị trấn quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ nêu tại điểm 1.3 khoản 1 trên: Việc giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngày 01/5/2009 được thực hiện theo quy định tại điểm 8 Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH. Mức trợ cấp hàng tháng từ tháng 5/2009 được xác định trên cơ sở điều chỉnh mức trợ cấp tính tại thời điểm ngày 01/01/2003, cụ thể như sau:
- Tăng 10% theo Nghị định số 208/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004;
- Tăng 10% theo Nghị định số 117/2005/NĐ-CP ngày 15/09/2005;
- Tăng 20,7% theo Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15/09/2005;
- Tăng 10% theo Nghị định số 93/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006;
- Tăng 28,6% theo Nghị định số 94/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006;
- Tăng 20% theo Nghị định số 184/2007/NĐ-CP ngày 28/12/2007;
- Tăng 15% theo Nghị định số 101/2008/NĐ-CP ngày 12/9/2008;
- Tăng 5% theo Nghị định số 34/2009/NĐ-CP ngày 6/4/2009.
3.3. Đối với trường hợp người đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ, được giải quyết từ ngày 01/5/2009 thì mức trợ cấp hàng tháng là 413.417 đồng.
4. Tổ chức thực hiện:
4.1. Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố: Căn cứ các quy định của chính sách BHXH và hướng dẫn tại văn bản này, thực hiện:
a. Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng theo hướng dẫn tại khoản 2 nêu trên và tổ chức chi trả kịp thời, đầy đủ, đúng quy định đối với đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng do BHXH tỉnh, thành phố quản lý chi trả (kể cả đối tượng di chuyển đến chưa được điều chỉnh). Đồng thời lập phiếu điều chỉnh hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng đối với từng trường hợp theo quy định và lập báo cáo về đối tượng và kinh phí theo mẫu đính kèm công văn này gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam trước ngày 15/6/2009;
b. Giải quyết các chế độ BHXH hưởng từ ngày 01/5/2009 trở đi theo quy định.
Trường hợp hồ sơ đã giải quyết hưởng từ ngày 01/5/2009 nhưng chưa theo quy định mới này thì điều chỉnh lại mức hưởng. Đồng thời lập phiếu điều chỉnh cho từng người theo từng loại chế độ để giao cho đối tượng và bổ sung vào hồ sơ (đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng thì lập danh sách kèm theo phiếu điều chỉnh của từng người gửi về Trung tâm Lưu trữ thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam); truy trả khoản tiền chênh lệch cho đối tượng; thực hiện tổng hợp, thống kê theo quy định. Đối tượng hưởng lương hưu (gồm cả trợ cấp một lần khi nghỉ hưu) và đối tượng hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng thì BHXH tỉnh, thành phố nơi quản lý chi trả thực hiện điều chỉnh. Đối tượng hưởng các loại trợ cấp một lần thì BHXH tỉnh, thành phố nơi đã giải quyết thực hiện điều chỉnh.
4.2. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ: Căn cứ các quy định của chính sách về BHXH và hướng dẫn tại văn bản này để giải quyết các chế độ BHXH hưởng từ ngày 01/5/2009 trở đi theo quy định. Trường hợp hồ sơ TNLĐ-BNN hàng tháng thuộc đối tượng quản lý chi trả và hồ sơ hưởng các loại trợ cấp một lần đã giải quyết hưởng từ ngày 01/5/2009 nhưng chưa theo quy định mới này thì thực hiện điều chỉnh lại mức hưởng. Đồng thời lập phiếu điều chỉnh cho từng người theo từng loại chế độ để giao cho đối tượng và bổ sung vào hồ sơ (đối tượng hưởng TNLĐ-BNN hàng tháng thì lập danh sách kèm theo phiếu điều chỉnh của từng người gửi về Trung tâm Lưu trữ thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam); truy trả khoản tiền chênh lệch cho đối tượng; thực hiện tổng hợp, thống kê theo quy định.
4.3. Trung tâm Thông tin: Căn cứ quy định của chính sách và hướng dẫn tại văn bản này để xây dựng chương trình phần mềm liên quan đến thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng theo quy định và điều chỉnh chương trình phần mềm xét duyệt hưởng các chế độ BHXH; triển khai và hướng dẫn thực hiện chương trình phần mềm đến Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ.
4.4. Các đơn vị khác thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, thực hiện các nội dung liên quan theo quy định và hướng dẫn tại văn bản này.
Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để hướng dẫn thực hiện./.
Nơi nhận: - Như trên; - TGĐ, các phó TGĐ; - Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; - Lưu: VP, CSXH. | TỔNG GIÁM ĐỐC Lê Bạch Hồng |
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM BHXH TỈNH, TP:............. | |
BIỂU TỔNG HỢP ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC ĐIỀU CHỈNH VÀ TỔNG QUỸ TĂNG THÊM THEO NĐ 34/2009/NĐ-CP VÀ NĐ 33/2009/NĐ-CP ĐỐI VỚI NGƯỜI HƯỞNG CÁC CHẾ ĐỘ BHXH TRƯỚC 01/5/2009
(Kèm theo công văn số 1270/BHXH-CSXH ngày 11 tháng 5 năm 2009 của BHXH Việt Nam)
Đối tượng | Số người hưởng tại thời điểm tháng 5/2009 (người) | Tổng kinh phí chi trả tháng 5/2009 chưa điều chỉnh (triệu đồng) | Tổng kinh phí chi trả tháng 5/2009 đã điều chỉnh theo NĐ 34, NĐ 33 (triệu đồng) | Kinh phí tăng thêm tháng 5/2009 do điều chỉnh theo NĐ 34, NĐ 33 (triệu đồng) | Ghi chú |
1 | 2 | 3 | 4 | 5=4-3 | 6 |
1. Hưu trí bắt buộc | | | | | |
- Hưu CNVC | | | | | |
Trong đó: NSNN đảm bảo | | | | | |
- Hưu liên doanh | | | | | |
- Hưu thành phần KT khác | | | | | |
- Hưu cán bộ xã theo NĐ121 | | | | | |
- Hưu quân đội | | | | | |
Trong đó: NSNN đảm bảo | | | | | |
2. Trợ cấp mất sức lao động | | | | | |
3. Trợ cấp theo QĐ 91 | | | | | |
4. Trợ cấp công nhân cao su | | | | | |
5. Trợ cấp TNLĐ | | | | | |
Trong đó: NSNN đảm bảo | | | | | |
6. Trợ cấp BNN | | | | | |
Trong đó: NSNN đảm bảo | | | | | |
7. Trợ cấp người phục vụ | | | | | |
Trong đó: NSNN đảm bảo | | | | | |
8. Trợ cấp tuất bắt buộc | | | | | |
- Mức 50% lương tối thiểu | | | | | |
Trong đó: NSNN đảm bảo | | | | | |
- Mức 40% lương tối thiểu | | | | | |
Trong đó: NSNN đảm bảo | | | | | |
- Mức 10% lương tối thiểu | | | | | |
Trong đó: NSNN đảm bảo | | | | | |
9. Trợ cấp Cán bộ xã theo NĐ 09/CP | | | | | |
10. Hưu trí tự nguyện | | | | | |
11. Trợ cấp tuất tự nguyện | | | | | |
- Mức 50% lương tối thiểu | | | | | |
- Mức 70% lương tối thiểu | | | | | |
Tổng cộng | | | | | |
Ghi chú: Kinh phí chi trả không bao gồm phụ cấp khu vực hàng tháng.
Người lập biểu (ký, ghi rõ họ tên)
| ……, ngày …. tháng …. năm 2009 Giám đốc (ký, đóng dấu) |