Quyết định 138/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 138/1998/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 138/1998/QĐ-TTg | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Phan Văn Khải |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 31/07/1998 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | An ninh trật tự |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Quyết định 138/1998/QĐ-TTg
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ
138/1998/QĐ-TTG
NGÀY 31 THÁNG 7 NĂM 1998PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH
QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính
phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm với những nội dung cụ thể sau:
1. Mục tiêu Chương trình.
a) Tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về trật tự an toàn xã hội, giữ vững kỷ cương pháp luật, xây dựng một môi trường sống lành mạnh, nếp sống và làm việc theo pháp luật; làm giảm một cách cơ bản các loại tội phạm, phục vụ có hiệu quả công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
b) Từ năm 1998 đến năm 2000: Làm giảm tội phạm nói chung và làm giảm cơ bản các loại tội phạm nghiêm trọng nói riêng.
c) Từng bước xây dựng môi trường sống lành mạnh tại các cộng đồng dân cư, trong các nhà trường và gia đình, tạo ra những chuyển biến rõ rệt về trật tự an toàn xã hội. Nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật trong cộng đồng và đẩy mạnh tính chủ động, sáng tạo của các cấp cơ sở trong công tác phòng, chống tội phạm.
d) Kết hợp chặt chẽ công tác phòng ngừa và chủ động tấn công trấn áp tội phạm, trước hết ở các địa bàn trọng điểm, các đô thị. Tổ chức giáo dục có hiệu quả đối với những người phạm tội, giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng xã hội.
đ) Từng bước làm giảm các loại tội phạm có sử dụng bạo lực, đặc biệt là các tội phạm giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, các tội phạm xâm hại trẻ em, bắt cóc và mua bán phụ nữ, trẻ em, lôi kéo trẻ em vào con đường sử dụng và nghiện hút ma túy, tội phạm người chưa thành niên và các loại tội phạm có tổ chức, có sử dụng vũ khí hoặc có tính chất côn đồ, hung hãn. Kiên quyết truy bắt bọn tội phạm còn lẩn trốn, thực hiện triệt để công tác thi hành án hình sự.
e) Nâng cao hiệu lực điều hành, quản lý của Chính phủ và chính quyền các cấp trong công tác quản lý hành chính Nhà nước về trật tự xã hội và phòng, chống tội phạm.
2. Nội dung Chương trình:
a) Phát động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại cộng đồng dân cư; vận động người phạm tội ra tự thú và truy bắt bọn tội phạm có lệnh truy nã.
b) Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm nhằm nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của công dân về bảo vệ an ninh, trật tự xã hội.
c) Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tội phạm ở các cộng đồng dân cư, trong từng hộ gia đình, trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang.
d) Đấu tranh chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm có tính quốc tế, tội cướp, cướp giật và các hành vi côn đồ hung hãn, các tội hiếp dâm trẻ em, bắt cóc và mua bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm người chưa thành niên, tội chống người thi hành công vụ.
đ) Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, cải tạo người phạm tội và tạo điều kiện để họ tái hòa nhập vào cộng đồng xã hội.
e) Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
g) Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, nhất là chống các tội phạm có tính quốc tế và tội phạm là người Việt Nam ở nước ngoài.
3. Các Đề án chủ yếu của Chương trình.
a) Đề án thứ nhất: Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư.
Tập trung vào việc phát động toàn dân xây dựng thôn xóm, đường phố, cơ quan, đơn vị an toàn; xây dựng gia đình văn hóa mới, hòa giải các mâu thuẫn, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi, vi phạm pháp luật, gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, quan tâm giáo dục phòng ngừa tội phạm trong thanh, thiếu niên, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội.
Tăng cường quản lý xã hội ở cơ sở như quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý tạm trú, tạm vắng, phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm ở cơ sở xã, phường. Xây dựng hệ thống tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm ở cơ sở. Tổ chức vận động người phạm tội ra tự thú, tự báo.
Tổ chức vận động toàn dân tham gia quản lý giáo dục người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư; tổ chức hướng nghiệp, giúp đỡ tạo việc làm, lôi cuốn họ cải tạo họ thành người lương thiện, tái hòa nhập cộng đồng xã hội; phát động các tổ chức đoàn thể xã hội như thanh niên, phụ nữ, mặt trận, gia đình bảo lãnh, cam kết giáo dục thanh niên hư, chậm tiến. Tổ chức quản lý số đối tượng bị quản chế, cấm cư trú, cải tạo không giam giữ, bị kết án tù nhưng cho hưởng án treo ... không để họ tái phạm tội.
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, Bộ Công an, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các Bộ, ngành khác tham gia.
b) Đề án thứ hai: Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm trong đó chú trọng việc nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ Luật hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính cho phù hợp với thực tiễn phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về trách nhiệm công dân trong bảo vệ an ninh, trật tự trên truyền thanh, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Đưa nội dung bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm vào chương trình giáo dục bắt buộc trong hệ thống nhà trường các cấp.
Bộ Tư pháp chủ trì, Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tham gia.
c) Đề án thứ ba: Đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm và tội phạm có tính quốc tế.
Tập trung đấu tranh ngăn chặn, phòng, chống các tội phạm có tổ chức hoạt động thành băng, ổ, nhóm, bọn tội phạm chuyên nghiệp, bảo kê nhà hàng, xiết nợ thuê; các tội phạm giết người cướp tài sản, cướp giật, hiếp dâm, tội phạm chống người thi hành công vụ; các tội phạm có tính quốc tế như: lừa đảo quốc tế, buôn lậu, rửa tiền, cướp biển, khủng bố, tội phạm của người Việt Nam ở nước ngoài ... Tổ chức truy bắt những tên tội phạm có lệnh truy nã.
Bộ Công an chủ trì, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành khác tham gia.
d) Đề án thứ tư: Đấu tranh phòng, chống các loại tội xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên.
Tập trung vào việc ngăn chặn, phòng, chống các tội phạm xâm hại trẻ em như giết trẻ em, hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, tổ chức mại dâm trẻ em, tổ chức cho trẻ em dùng chất ma túy ... ngăn chặn, phòng chống tình trạng người chưa thành niên phạm tội trong nhà trường và ngoài xã hội.
Bộ Công an chủ trì, ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành khác tham gia.
4. Để thực hiện tốt các Đề án trên, Bộ Công an chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành cần phải nghiên cứu và tổ chức thực hiện các nội dung sau:
- Tiến hành điều tra cơ bản, đánh giá thực trạng tình hình tội phạm ở Việt Nam, phân tích nguyên nhân điều kiện phát sinh tội phạm, dự báo tình hình phát triển của tội phạm từ nay đến năm 2000 và giai đoạn tiếp theo.
Nghiên cứu thiết lập một hệ thống thống kê tội phạm hình sự thống nhất trong toàn quốc; tổ chức hệ thống các cơ quan nghiên cứu khoa học về dự báo tội phạm và phòng chống tội phạm.
- Nâng cao hiệu quả công tác giam giữ, giáo dục cải tạo người phạm tội, tổ chức dạy nghề, mở rộng mô hình các trung tâm dạy nghề cho phạm nhân và xúc tiến việc làm cho họ sau khi mãn hạn tù nhằm giúp người phạm tội mau chóng tái hòa nhập cộng đồng xã hội.
- Xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức chính trị ở cơ sở; tập trung củng cố tổ chức chính quyền và các đoàn thể ở phường, xã. Triển khai đồn công an, xây dựng công an phường, xã là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Khôi phục và phát triển lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, già làng, tộc trưởng để tổ chức vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm ở cơ sở khẩn trương hoàn chỉnh dự án pháp lệnh về lực lượng công an xã, phường để trình ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và nghiên cứu đề xuất, chế độ, chính sách đối với công an xã, phường.
- Nghiên cứu cải tiến tổ chức, trang bị phương tiện và bổ sung chế độ chính sách đối với lực lượng công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác trong công tác phòng, chống tội phạm .
- Xây dựng chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật và truyền thông phục vụ phòng, chống tội phạm. Chống văn hóa phẩm độc hại lưu hành trong xã hội và có các hình thức xử lý nghiêm đối với các trung tâm, các điểm buôn bán và cho thuê băng video, sách báo có nội dung đồi trụy, hoặc kích động bạo lực ...
5. Tổ chức thực hiện Chương trình:
Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Công an làm Phó Trưởng ban, Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách cảnh sát nhân dân làm ủy viên thường trực; Thứ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em là ủy viên. Mời đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân tập thể, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tham gia Ban Chỉ đạo.
Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm có nhiệm vụ điều hành, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện Chương trình; quản lý vốn và kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp cho việc thực hiện Chương trình; là đầu mối trong việc hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm.
Cơ quan thường trực giúp việc cho Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm đặt tại Bộ Công an do đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách cảnh sát nhân dân là ủy viên Thường trực trực tiếp chỉ đạo.
Các Bộ, ngành, cơ quan là thành viên của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, có nhiệm vụ nghiên cứu các Đề án đấu tranh phòng, chống tội phạm dưới sự điều hành của Ban chỉ đạo và cử chuyên viên tham gia Cơ quan thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo.
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm do Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân làm Trưởng ban, các thành viên tương ứng như Ban Chỉ đạo của Chính phủ, giúp ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm ở địa phương.
6. Phân công trách nhiệm.
- Bộ Công an là cơ quan đầu mối chủ trì việc phối hợp các hoạt động theo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm. Trực tiếp phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể quần chúng nhân dân tổ chức đấu tranh phòng, chống tội phạm. Phối hợp với các ngành kiểm sát, tòa án, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời các vụ án hình sự.
- Bộ Quốc phòng có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trong quân đội, phối hợp với Bộ Công an kiểm tra công tác quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trong các ngành, các cơ quan, đơn vị ngoài quân đội; tổ chức thu hồi vũ khí, vật liệu nổ tàng trữ trái phép; chỉ đạo bộ đội chủ lực, bộ đội biên phòng, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống tội phạm.
- Bộ Văn hóa - Thông tin phối hợp các ngành đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục ý thức và lối sống theo pháp luật cho nhân dân. Thông qua các loại hình văn hóa nghệ thuật, tuyên truyền rộng rãi để các tầng lớp nhân dân thấy tác hại của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật khác. Vận động nhân dân tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống những hiện tượng không lành mạnh trong văn hóa, báo chí, văn nghệ, vi phạm các quy tắc xuất bản, phát hành, chiếu phim, truyền hình. Kết hợp với Bộ Công an kiên quyết bài trừ các văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực.
- Bộ Tư pháp chủ trì việc nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật. Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam mở chuyên mục ''tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật'' thường xuyên trên sóng truyền hình và truyền thanh.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền và đưa nội dung bảo vệ an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm vào chương trình giáo dục trong hệ thống nhà trường các cấp, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, đổi mới hoàn thiện chương trình đào tạo cử nhân luật, cán bộ điều tra, kiểm sát, thẩm phán phù hợp với tình hình mới. Trong năm học 1998 - 1999 đưa nội dung giới thiệu Luật Hình sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các pháp luật khác có liên quan vào chương trình bắt buộc tại các trường phổ thông, trung học, đại học trong toàn quốc. Trực tiếp chủ trì công tác giáo dục giảng dạy pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm trong nhà trường.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo đưa Chương trình quốc gia về giải quyết việc làm cho các đối tượng là phạm nhân, đối tượng thuộc Trường Giáo dưỡng hết hạn về địa phương, dạy nghề cho các đối tượng đang bị giam giữ trong các trại giam, các cơ sở giáo dục và Trường Giáo dưỡng.
- Bộ Tài chính có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu đề xuất Chính phủ bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện và từng bước hiện đại hóa các lực lượng điều tra tội phạm và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác cũng như bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật; đầu tư kinh phí cho việc củng cố các trụ sở, phòng xử án, phương tiện làm việc cho các cơ quan tòa án, kiểm sát, thi hành án và hệ thống các trại giam thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quản lý.
- Các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của các Bộ, ngành có trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm gắn liền với việc triển khai thực hiện các kế hoạch xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và phải coi đây là một nhiệm vụ quan trọng thường xuyên trong chức năng hoạt động quản lý của mình.
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm tại địa phương; lập các Đề án tổ chức đấu tranh và báo cáo định kỳ (6 tháng, hàng năm) và báo cáo các vấn đề đột xuất trong quá trình thực hiện về Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm.
7. Quản lý vốn, kinh phí và các khoản tài trợ để thực hiện Chương trình
Vốn, kinh phí và các khoản tài trợ của Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm được huy động từ nhiều nguồn:
- Từ ngân sách Nhà nước (Chính phủ cấp).
- Kết hợp lồng ghép với các Chương trình, Dự án khác trên địa bàn cụ thể (Chương trình việc làm, Chương trình phát triển y tế, văn hóa, giáo dục, các Chương trình kinh tế ...).
- Từ các nguồn khác trong và ngoài nước (Viện trợ quốc tế, đóng góp tự nguyện ...).
Vốn do ngân sách Nhà nước cấp hàng năm do Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm lập kế hoạch phân bổ trình Chính phủ quyết định và trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện. Các nguồn kinh phí khác Bộ Công an sẽ phối hợp với các ngành, các chương trình, dự án liên quan và các tổ chức, cơ quan tài trợ để tổ chức thực hiện tại các địa bàn và trong lĩnh vực cụ thể.
Điều 2. Giao Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm xây dựng kế hoạch, đề án thực hiện các mục tiêu, nội dung của Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm và Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện Chương trình một cách chặt chẽ xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện Chương trình và các dự án một cách phù hợp.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.