Vào thời điểm này hàng năm, công dân đủ điều kiện bắt đầu nhận được lệnh gọi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự để phục vụ cho đợt tuyển chọn nhập ngũ. Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều trường hợp đã có hành vi trốn tránh khám nghĩa vụ quân sự. Vậy, không đi khám nghĩa vụ quân sự bị xử lý thế nào?
1. Lịch khám nghĩa vụ quân sự 2023 là khi nào?
Theo khoản 4 Điều 40 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự diễn ra từ ngày 01/11 đến hết ngày 31/12 hằng năm. Do đó, năm 2023, thời gian khám nghĩa vụ quân sự sẽ diễn ra từ ngày 01/11/2022 đến hết này 31/12/2022.
Với đợt gọi công dân nhập ngũ lần hai thì thời gian khám sức khỏe sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Trường hợp sau khi có kết quả khám sức khỏe, công dân có sức khỏe loại 3 bị khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS sẽ không được gọi nhập ngũ.
2. Không đi khám nghĩa vụ quân sự bị phạt bao nhiêu tiền?
Để đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia nghĩa vụ quân sự, công dân buộc phải thực hiện khám nghĩa vụ quân sự. Do đó, trường hợp trốn khám nghĩa vụ quân sự hay có các hành vi khác vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP, mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:
STT | Hành vi | Mức phạt |
1 | Không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng. | 10 - 12 triệu đồng |
2 | Cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng. | 12 - 15 triệu đồng |
3 | Một trong các hành vi: + Có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự; + Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 02 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. | 15 - 20 triệu đồng |
4 | Không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. | 25 - 35 triệu đồng |
Trong đó, lý do chính đáng là một trong các lý do dưới đây (căn cứ theo Điều 5 Thông tư 95/2014/TT-BQP):
- Người phải thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự bị ốm hoặc trên đường đi bị ốm, tai nạn.
- Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự (bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp…) đang bị ốm nặng.
- Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự chết nhưng chưa tổ chức tang lễ.
- Nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng đến cuộc sống.
- Người thực hiện nghĩa vụ quân sự không nhận được giấy gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc cơ quan có trách nhiệm hoặc do hành vi của người khác gây khó khăn hoặc cản trở.
3. Trốn khám nghĩa vụ quân sự có bị xử lý hình sự không?
Tại Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự như sau:
Điều 332. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự
1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;
b) Phạm tội trong thời chiến;
c) Lôi kéo người khác phạm tội.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì một người được coi là phạm Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự khi thực hiện 01 trong 03 hành vi:
- Không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự;
- Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ;
- Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện.
Trong đó, có thể thấy hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự không phải là hành vi cấu thành cơ bản của Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự tại Điều 332 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Đồng thời, tại mục 11 phần I Công văn 5887/VKSTC-V14 cũng giải thích rõ, trốn tránh nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành:
- Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự;
- Lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; (
- Lệnh gọi nhập ngũ;
- Lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và bị xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định xử lý hình sự đối với 03 hành vi ( nêu trên, không quy định xử lý hình sự đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Do vậy, không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi “không chấp hành lệnh gọi công dân khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự” theo quy định.
Trên đây là giải đáp về vấn đề liên quan đến Không đi khám nghĩa vụ quân sự. Nếu còn vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.