BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM --------------------- Số: 2585/BHXH-CSYT V/v: sử dụng kinh phí kết dư quỹ KCB BHYT năm 2010 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------- Hà Nội, ngày 21 tháng 06 năm 2011 |
Kính gửi: | - Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng. |
Ngày 15/12/2010, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam có công văn số 5488/BHXH-CSYT hướng dẫn xác định, phân bổ và quyết toán quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2010, trong đó yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là BHXH các tỉnh) chủ động lập kế hoạch sử dụng phần kinh phí kết dư quỹ BHYT năm 2010 (nếu có) và báo cáo để BHXH Việt Nam có cơ sở hướng dẫn sử dụng phần kinh phí kết dư này sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, BHXH Việt Nam đã thông báo số kinh phí kết dư dự kiến được sử dụng tại tỉnh năm 2010, song BHXH các tỉnh chưa gửi kế hoạch về BHXH Việt Nam theo đúng quy định. Để quản lý, sử dụng kinh phí kết dư quỹ BHYT năm 2010 được sử dụng tại địa phương theo đúng quy định hiện hành, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, BHXH Bộ Quốc phòng khẩn trương thực hiện một số nội dung cụ thể sau:
1. Xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí
a) Căn cứ vào Thông báo của BHXH Việt Nam về số kết dư quỹ khám, chữa bệnh BHYT được sử dụng tại địa phương, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và BHXH tỉnh thống nhất xây dựng kế hoạch sử dụng theo đúng quy định tại Khoản 1, Điều 21 Thông tư số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT (viết tắt là Thông tư số 09/2009/TTLT-BYT-BTC), trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, lưu ý một số vấn đề sau:
- Nguồn kinh phí kết dư quỹ BHYT năm 2010 chủ yếu được sử dụng để mua sắm trang thiết bị y tế nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người bệnh ngay tại tuyến y tế cơ sở, góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế tuyến trên. Do đó, kế hoạch xây dựng cần xác định rõ mục tiêu đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế cho từng tuyến chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí, tránh lãng phí và không trùng lắp với các dự án của ngành y tế đang được thực hiện tại địa phương.
- Phần kinh phí dành cho tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn về chính sách BHYT và hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng (nếu có) phải được xây dựng căn cứ theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng và đúng các quy định tài chính hiện hành.
- Kế hoạch sử dụng phải đảm bảo phân bổ hết số kinh phí kết dư được sử dụng tại tỉnh đã được BHXH Việt Nam thông báo (ví dụ: BHXH Việt Nam thông báo kinh phí kết dư được sử dụng tại tỉnh là 7,5 tỷ đồng; số tạm cấp 60% số kết dư là 4,5 tỷ đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch phân bổ sử dụng toàn bộ số kinh phí kết dư là 7,5 tỷ đồng), có chi tiết từng nội dung theo quy định, từng đơn vị sử dụng, đối với kinh phí sử dụng để mua sắm trang thiết bị y tế phải chi tiết tên, số lượng, số tiền của từng loại trang thiết bị, hình thức đầu tư mua sắm (theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Quản lý tài sản).
d) Đối với BHXH Bộ Quốc phòng: Căn cứ vào Thông báo của BHXH Việt Nam về số kết dư quỹ khám, chữa bệnh BHYT được sử dụng, BHXH Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch sử dụng theo đúng quy định tại Thông tư số 09, ưu tiên đầu tư cho cơ sở khám, chữa bệnh quân y đã thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh BHYT năm 2010 và các cơ sở KCB BHYT thuộc các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố nơi có nhiều người bệnh có thẻ BHYT do BHXH Bộ Quốc phòng phát hành được chuyển đến khám chữa bệnh trong năm 2010.
2. Chuyển kinh phí kết dư quỹ KCB
a) Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng số kết dư quỹ khám, chữa bệnh BHYT được sử dụng tại địa phương, BHXH tỉnh báo cáo BHXH Việt Nam chuyển kinh phí để tổ chức thực hiện.
Căn cứ vào Thông báo số kết dư quỹ KCB được sử dụng của từng tỉnh, kế hoạch phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, BHXH Việt Nam thực hiện chuyển tiền vào tài khoản “Tiền gửi chi BHXH” của BHXH tỉnh mở tại chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.
b) BHXH tỉnh căn cứ vào số tiền BHXH Việt Nam đã chuyển, kế hoạch sử dụng số kết dư quỹ khám, chữa bệnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để chuyển tiền cho đơn vị sử dụng theo kế hoạch triển khai, tiến độ, khối lượng thực hiện trong hợp đồng mua sắm hoặc trong kế hoạch đối với những nội dung khác.
Đối với mua sắm trang thiết bị y tế phải có đầy đủ hồ sơ thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu được lựa chọn. Cụ thể:
- Căn cứ kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, sau khi hợp đồng mua bán với đơn vị trúng thầu đã được ký kết, sau khi nhận được bảo lãnh bảo đảm tiền tạm ứng và bảo lãnh bảo đảm thực hiện hợp đồng của ngân hàng phía đơn vị trúng thầu, BHXH tỉnh tạm ứng 30% giá trị hợp đồng cho đơn vị để ứng cho đơn vị trúng thầu.
- Khi đơn vị trúng thầu hoàn thành việc bàn giao hàng hóa, cung cấp toàn bộ chứng từ thanh quyết toán và nộp bảo lãnh sản phẩm theo quy định của Hợp đồng, BHXH tỉnh cấp tiếp 70% giá trị hợp đồng còn lại cho đơn vị để thanh toán cho đơn vị trúng thầu.
3. Thanh quyết toán:
a) Các đơn vị trực tiếp sử dụng kinh phí:
- Sử dụng kinh phí theo đúng nội dung kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức Nhà nước quy định; việc mua sắm trang thiết bị y tế thực hiện theo đúng quy định của Luật Đấu thầu, Luật Quản lý tài sản, các quy định về công khai, minh bạch trong mua sắm hàng hóa và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Nhà nước.
- Tập hợp toàn bộ hồ sơ, chứng từ và thanh quyết toán theo đúng các quy định hiện hành, tổng hợp toàn bộ kinh phí kết dư đã được sử dụng vào Phụ biểu số 01 (kèm theo công văn này) để quyết toán với BHXH tỉnh.
b) BHXH tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn đơn vị trực tiếp sử dụng kinh phí tập hợp toàn bộ hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc quyết toán; kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí tại các đơn vị; duyệt quyết toán kinh phí đã sử dụng của từng đơn vị theo đúng nội dung, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước hiện hành, đúng số lượng được phê duyệt và đơn giá theo kết quả đấu thầu; tổng hợp kinh phí các đơn vị đã được duyệt vào Phụ lục số 02 (kèm theo công văn này).
c) Kinh phí phân bổ cho các đơn vị không sử dụng hết được chuyển vào quỹ khám, chữa bệnh BHYT của tỉnh năm sau, không được để lại để sử dụng tiếp.
d) Hạch toán kế toán tại BHXH tỉnh:
- BHXH tỉnh tổng hợp kinh phí kết dư đã duyệt cho các đơn vị vào Phần III (Kinh phí chi BHYT đề nghị quyết toán) của Báo cáo tổng hợp tình hình kinh phí chi BHYT đề nghị quyết toán năm 2011 của toàn tỉnh, phần thuyết minh nêu rõ số kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh được sử dụng tại tỉnh đã quyết toán.
- Phụ biểu số 02 đóng kèm Báo cáo quyết toán gửi BHXH Việt Nam.
- BHXH tỉnh hạch toán kế toán nhận, ứng và quyết toán kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh được sử dụng tại tỉnh tương tự như hạch toán nhận, ứng và quyết toán kinh phí chi khám, chữa bệnh BHYT bắt buộc.
e) Về thời gian thanh quyết toán: Theo quy định tại Thông tư số 09/2009/TTLT-BYT-BTC, chậm nhất đến ngày 30 tháng 6 phải sử dụng và quyết toán xong số kinh phí kết dư khám, chữa bệnh được sử dụng tại tỉnh. Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, BHXH Việt Nam đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Y tế kéo dài thời gian sử dụng và thanh quyết toán. Sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tiếp tục hướng dẫn thực hiện.
Đề nghị BHXH các tỉnh, BHXH Bộ Quốc phòng khẩn trương triển khai thực hiện theo đúng hướng dẫn tại văn bản này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời phản ánh về bảo hiểm xã hội Việt Nam để được hướng dẫn, giải quyết.
Nơi nhận: - Như trên; - Bộ Tài chính; Bộ Y tế; - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Tổng Giám đốc (để b/c); - Các Phó Tổng giám đốc; - Sở Y tế, Sở Tài chính các tỉnh, TP trực thuộc TƯ; - Các Ban: Chi, KHTC; - Lưu VT, CSYT (2b). | KT. TỔNG GIÁM ĐỐC PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC Nguyễn Minh Thảo |