Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Chỉ thị 46/CT-TTg 2017 về công tác dinh dưỡng trong tình hình mới
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Chỉ thị 46/CT-TTg
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 46/CT-TTg | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Chỉ thị | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 21/12/2017 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Y tế-Sức khỏe |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Không bán nước ngọt có ga trong trường học
Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn ở mức cao, tỷ lệ thừa cân béo phì đang có xu hướng tăng nhanh; chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý… Trước tình trạng này, ngày 21/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 46/CT-TTg về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới.
Tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng, triển khai chương trình sữa học đường; tăng cường vận động thể lực cho trẻ em, học sinh. Và đặc biệt, không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tập trung đẩy mạnh chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em trong 1000 ngày đầu đời, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học và dinh dưỡng trong bữa ăn gia đình, nhằm sớm chấm dứt các thể suy dinh dưỡng…
Đồng thời, tập trung phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng đặc thù, sử dụng nguồn thực phẩm tại địa phương và phù hợp với khẩu vị theo vùng, miền…
Để tìm hiểu thêm về quy định nêu trên, bạn đọc tham khảo:
Chỉ thị 46/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới
Xem chi tiết Chỉ thị 46/CT-TTg tại đây
tải Chỉ thị 46/CT-TTg
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Số: 46/CT-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC DINH DƯỠNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm đáng kể, bữa ăn của người dân được bảo đảm hơn về số lượng và chất lượng. Việt Nam đã thực hiện thành công Mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi ở trẻ em sớm hơn dự định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn ở mức cao, chiếm tới 24,6%; tỷ lệ thừa cân - béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh, nhất là ở khu vực thành thị; tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện; chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, ăn mặn, ăn ít rau và trái cây, thiếu vận động thể lực làm gia tăng nguy cơ bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm. Tầm vóc của người Việt Nam chậm cải thiện và thấp hơn so với trung bình của nhiều nước trong khu vực. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh, cho người lao động, người bệnh và người cao tuổi chưa được quan tâm đầy đủ. Kết quả thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011- 2020 còn nhiều hạn chế, mới tập trung chủ yếu vào phòng, chống suy dinh dưỡng, nhiều chỉ tiêu quan trọng khác chưa đạt. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người dân của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền và đa số nhân dân còn chưa đầy đủ; nhiều bộ, ngành và địa phương chưa thật sự quan tâm đầu tư cho công tác dinh dưỡng; công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện các mục tiêu về dinh dưỡng chưa đạt hiệu quả cao.
Để thực hiện được các chỉ tiêu về dinh dưỡng của Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Bộ Y tế:
a) Chủ trì triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về dinh dưỡng theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó tập trung xây dựng các khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng đặc thù, sử dụng nguồn thực phẩm tại địa phương và phù hợp với khẩu vị theo vùng, miền; tập trung giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì, dinh dưỡng để dự phòng và điều trị tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, các bệnh không lây nhiễm khác và dinh dưỡng cho người cao tuổi;
b) Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về dinh dưỡng trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành;
c) Chủ trì tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng cho giai đoạn tiếp theo và các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan nhằm giải quyết được các vấn đề dinh dưỡng trong tình hình mới và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc mà Việt Nam đã cam kết;
d) Chủ trì, tổ chức thực hiện các cam kết của Việt Nam theo Tuyên bố chung của Lãnh đạo các quốc gia ASEAN ngày 13 tháng 11 năm 2017 về chấm dứt các thể suy dinh dưỡng;
đ) Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực phù hợp với từng độ tuổi, nhóm đối tượng;
e) Tăng cường công tác phối hợp liên ngành để nâng cao hiệu quả các hoạt động dinh dưỡng ở từng địa phương. Chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tập trung đẩy mạnh chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học và dinh dưỡng trong bữa ăn gia đình nhằm sớm chấm dứt các thể suy dinh dưỡng, tăng cường phòng, chống các rối loạn chuyển hóa, các yếu tố nguy cơ sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
a) Tăng cường lồng ghép các chương trình giáo dục thay đổi hành vi về dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực phù hợp với trẻ em, học sinh trong trường học vì mục đích phát triển trẻ thơ toàn diện;
b) Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để giáo dục, hướng dẫn về dinh dưỡng và vận động thể lực phù hợp cho trẻ em, học sinh, đặc biệt là cho nhóm tuổi tiền dậy thì và dậy thì;
c) Tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, triển khai chương trình sữa học đường, tăng cường vận động thể lực cho trẻ em, học sinh; không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học;
d) Tăng cường phối hợp với ngành y tế để theo dõi, giám sát tình trạng dinh dưỡng, các can thiệp dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh trong trường học.
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Chủ trì chỉ đạo tăng cường thực hiện các chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật, chú trọng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền và quan tâm chỉ đạo việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, lao động tại các khu công nghiệp.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các hoạt động dinh dưỡng trong chương trình “Không còn nạn đói” và hướng dẫn các địa phương phát triển sản xuất nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống;
b) Tăng cường chỉ đạo bảo đảm cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo lồng ghép hoạt động vận động thể lực và đảm bảo dinh dưỡng hợp lý với phong trào quần chúng và hoạt động thể thao, văn hóa tại cộng đồng; tăng cường tuyên truyền về lợi ích của hoạt động thể dục thể thao quần chúng đối với sức khỏe, hạn chế quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng không có lợi cho sức khỏe theo quy định.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
a) Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch và các chương trình tại địa phương, tăng cường đầu tư nhân lực, kinh phí để giải quyết các vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em, dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời, dinh dưỡng trong phòng chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng đối với các nhóm có nguy cơ cao;
b) Đề xuất với Hội đồng nhân dân đưa các chỉ tiêu về dinh dưỡng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương;
c) Chỉ đạo tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và cán bộ thực hiện công tác dinh dưỡng tại cơ sở;
d) Tăng cường xã hội hóa huy động nguồn lực và phối hợp liên ngành nhằm thông tin, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý và thực hiện các mục tiêu về dinh dưỡng ở địa phương.
7. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam:
a) Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và ủy ban nhân dân các cấp để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về dinh dưỡng hợp lý cho các hội viên, các bà mẹ;
b) Vận động hội viên và cộng đồng tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng, đặc biệt là chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời và bữa ăn gia đình bảo đảm dinh dưỡng hợp lý.
8. Định kỳ hàng năm, Bộ Y tế chủ trì tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, đơn vị và tổ chức có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |