Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5520:2009 CAC/RCP 20-1979, Rev.1-1985 Quy phạm đạo đức trong thương mại quốc tế về thực phẩm
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5520:2009
Số hiệu: | TCVN 5520:2009 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Lĩnh vực: | Thương mại-Quảng cáo |
Năm ban hành: | 2009 | Hiệu lực: | Đang cập nhật |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 5520 : 2009
CAC/RCP 20-1979, REV.1-1985
QUY PHẠM ĐẠO ĐỨC TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VỀ THỰC PHẨM
Code of ethics for international trade in food
Lời nói đầu
TCVN 5520 : 2009 thay thế TCVN 5520 : 1991;
TCVN 5520 : 2009 hoàn toàn tương đương CAC/RCP 20-1979, Rev.1-1985;
TCVN 5520 : 2009 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F3 Nguyên tắc chung về Vệ sinh thực phẩm, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
QUY PHẠM ĐẠO ĐỨC TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VỀ THỰC PHẨM
Code of ethics for international trade in food
1. Đối tượng
Mục tiêu của tiêu chuẩn này là để xây dựng các tiêu chuẩn đạo đức cho tất cả các đối tượng tham gia vào thương mại quốc tế về thực phẩm hoặc có trách nhiệm điều hành nền thương mại đó và do đó để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và thúc đẩy sự trung thực trong thương mại.
2. Phạm vi áp dụng
2.1. Tiêu chuẩn này áp dụng cho tất cả các loại thực phẩm được đưa vào thương mại quốc tế [1])
2.2. Tiêu chuẩn này xây dựng các tiêu chuẩn đạo đức áp dụng cho tất cả các bên có liên quan đến thương mại quốc tế về thực phẩm.
3. Định nghĩa và giải thích
3.1. Trong tiêu chuẩn này, “thực phẩm” có nghĩa là bất kỳ chất đã được chế biến, sơ chế hay ở dạng nguyên liệu, được dùng làm thực phẩm và kể cả các loại đồ uống, kẹo cao su và chất bất kỳ được dùng trong sản xuất, chuẩn bị hay chế biến “thực phẩm”, không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá hay các chất chỉ được dùng làm thuốc chữa bệnh.
3.2. Trong phần giải thích và áp dụng, thì các điều khoản của tiêu chuẩn này có liên quan lẫn nhau và mỗi điều khoản phải được giải thích cùng với các điều khoản khác.
4. Nguyên tắc chung
4.1. Thương mại quốc tế về thực phẩm phải được tiến hành theo nguyên tắc mà tất cả người tiêu dùng có quyền sử dụng dùng thực phẩm an toàn, không hư hỏng, nguyên lành và được bảo vệ khỏi việc gian lận trong thương mại.
4.2. Trừ các quy định của Điều 5 dưới đây, cấm đưa vào buôn bán quốc tế các thực phẩm;
a) Có chứa bất kỳ chất nào với lượng gây độc, có hại hoặc nguy hiểm cho sức khỏe, hoặc
b) Gồm toàn bộ hay một phần của chất bất kỳ đã bị biến chất, hư hỏng, thối, phân hủy hoặc chứa gây bệnh hoặc chất ngoại lai, hoặc các chất không thích hợp khác dùng làm thực phẩm, hoặc
c) Làm giả; hoặc
d) Ghi nhãn hoặc thể hiện không đúng, nhằm lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; hoặc
e) Bán, chế biến, bao gói, bảo quản hoặc vận chuyển để bán lẻ trong những điều kiện không đảm bảo vệ sinh.
5. Quy định cụ thể
5.1. Tiêu chuẩn thực phẩm
Cần xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về thực phẩm một cách đầy đủ và phù hợp, và được áp dụng thống nhất để bảo vệ người tiêu dùng và kinh doanh thực phẩm tốt hơn thông qua việc chấp nhận các tiêu chuẩn Codex quốc tế về thực phẩm hiện hành hoặc chấp nhận các tiêu chuẩn quốc gia theo các khuyến nghị quốc tế tương ứng.
5.2. Vệ sinh thực phẩm
Thực phẩm phải luôn luôn đảm bảo vệ sinh theo các quy định hiện hành.
5.3. Ghi nhãn
Tất cả các thực phẩm phải kèm theo các thông tin mô tả chính xác, đầy đủ, cụ thể là:
a) Trong trường hợp thực phẩm được bao gói sẵn, thì việc ghi nhãn phải phù hợp với các điều khoản quy định và các tiêu chuẩn hiện hành và
b) Trong trường hợp thực phẩm để rời và được đóng gói không dùng để bán lẻ thì việc ghi nhãn sẽ phải phù hợp với các quy định về ghi nhãn đối với thực phẩm không dùng để bán lẻ.
5.4. Phụ gia thực phẩm
Việc sử dụng và buôn bán các chất phụ gia thực phẩm phải theo quy định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
5.5. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
Giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm phải được kiểm soát và tuân theo khuyến cáo của quốc tế về giới hạn tối đa với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
5.6. Nhiễm bẩn vi sinh vật
Tất cả thực phẩm đều không được chứa vi sinh vật và ký sinh trùng với lượng gây nguy hiểm cho người và không được chứa bất kỳ chất nào có nguồn gốc vi sinh vật hoặc ký sinh trùng với lượng có thể gây hại đến sức khỏe.
5.7. Chất nhiễm bẩn khác
Các mức nhiễm bẩn khác trong thực phẩm phải được kiểm soát và phải theo khuyến cáo của quốc tế về giới hạn tối đa đối với các chất nhiễm bẩn.
5.8. Thực phẩm chiếu xạ
Thực phẩm chiếu xạ phải được xử lý và kiểm soát phù hợp với quy định và các tiêu chuẩn hiện hành.
5.9. Thức ăn cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và những nhóm người dễ bị tổn thương khác
Thức ăn cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và những nhóm người dễ bị tổn thương khác phải phù hợp với các tiêu chuẩn hiện hành.
5.10. Các khía cạnh dinh dưỡng liên quan đến những nhóm người dễ bị tổn thương cụ thể và các vùng thiếu dinh dưỡng
a) Không được công bố[2]) bất kỳ các loại thực phẩm – thực phẩm được chế biến với mục đích đặc biệt có giá trị dinh dưỡng tối thiểu để làm cho người tiêu dùng tin rằng thực phẩm đó có lợi trong chế độ ăn kiêng.
b) Thông tin liên quan đến giá trị dinh dưỡng của thực phẩm không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
6. Áp dụng
6.1. Thực phẩm xuất khẩu phải phù hợp:
a) Với luật thực phẩm, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm thực hành và các luật khác và các thủ tục hành chính có hiệu lực của nước nhập khẩu; hoặc
b) Với những điều khoản trong hiệp định song phương hoặc đa phương ký kết giữa các nước xuất khẩu và nước nhập khẩu; hoặc
c) Trong trường hợp không có các quy định như vậy thì các tiêu chuẩn và các quy định có thể thỏa thuận được, khi cần có thể sử dụng các tiêu chuẩn tương ứng.
6.1. Khi mà luật thực phẩm, quy chuẩn, các tiêu chuẩn, các quy phạm thực hành và luật khác và các thủ tục hành chính của nước nhập khẩu không đề cập hết những nguyên tắc chung trong Điều 4 và các yêu cầu cụ thể trong Điều 5 thì thực phẩm được xuất khẩu phải theo đúng các nguyên tắc chung trong Điều 4, có tính đến các tiêu chuẩn, quy phạm thực hành hoặc các hướng dẫn khác được thiết lập bởi Ủy ban Codex quốc tế áp dụng cho thực phẩm hoặc cách thực hành có liên quan.
6.3. Ở nước nhập khẩu, khi sản phẩm thực phẩm:
a) Không đáp ứng các yêu cầu an toàn và sức khỏe; hoặc
b) Có công bố phù hợp với tiêu chuẩn, quy phạm thực hành hoặc hệ thống chứng nhận đã được chấp nhận nhưng không phù hợp cho dù có nhãn kèm theo; hoặc
c) Là đối tượng buôn bán không trung thực hoặc không phù hợp với các quy định của tiêu chuẩn này,
thì các chức trách của nước nhập khẩu phải báo cáo ngay cho các nhà chức trách có thẩm quyền của nước xuất khẩu về tất cả những sự việc liên quan trong những trường hợp nghiêm trọng đối với sức khỏe con người hay những việc làm gian lận và đặc biệt các chi tiết về nguồn gốc của sản phẩm, và các nước xuất khẩu phải có ngay các biện pháp thích hợp đúng theo các điều luật và thủ tục hành chính và phải gửi cho nước nhập khẩu một bản tường trình về những sự việc đó.
7. Trách nhiệm áp dụng
7.1. Việc áp dụng tiêu chuẩn này tùy thuộc vào.
a) Chính phủ của các nước, mà họ cần cung cấp đầy đủ luật thực phẩm và các cơ sở hạ tầng để kiểm soát thực phẩm, bao gồm các hệ thống chứng nhận và giám định và luật hoặc các thủ tục hành chính khác áp dụng cho việc tái xuất thực phẩm khi thích hợp và khi cần; và
b) Đặc biệt hơn, chính phủ của các nước xuất khẩu phải:
- Thực hiện các biện pháp kiểm soát pháp lý hoặc hành chính thích hợp và thực tế, nhằm ngăn cản việc xuất khẩu những lô hàng thực phẩm không đúng với các quy định trong 6.1 hoặc 6.2;
- Thông báo ngay cho nước nhập khẩu việc xuất khẩu lô hàng thực phẩm không đúng với 6.1 khi không có sẵn các biện pháp hành chính hoặc pháp lý ngăn cản việc xuất khẩu hoặc đã được áp dụng nhưng không có hiệu quả hoặc khi đã xác định được sự không phù hợp sau khi đã xuất khẩu;
- Để cho nước nhập khẩu được sử dụng theo yêu cầu về việc chứng nhận, giám định hoặc các thủ tục thích hợp khác, mà nước xuất khẩu phải chịu phí tổn cho các dịch vụ đó trên cơ sở thỏa thuận giữa các chính phủ.
c) Tất cả các bên có liên quan đến thương mại quốc tế về thực phẩm – đặc biệt là khoản c) của 6.1 cần phải tính đến các nguyên tắc chung trong Điều 4, nếu thích hợp.
Ngoài ra, sẽ phụ thuộc vào:
- Sự hợp tác và các thủ tục tư vấn có thể được thiết lập giữa các chính phủ của nước nhập khẩu và xuất khẩu, và nói chung là giữa tất cả các bên tham gia thương mại quốc tế; và
- Mức độ xem xét và chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm, các quy phạm thực hành và các khuyến cáo khác tương tự có liên quan và thích hợp, do Ủy ban Codex quốc tế ban hành.
7.2. Các Chính phủ cần đẩy mạnh việc áp dụng tiêu chuẩn này trong phạm vi lãnh thổ riêng của mình theo đúng các thủ tục hành chính và pháp lý quy định liên quan đến những người xuất khẩu và nhập khẩu.
8. Trường hợp ngoại lệ
Khi xảy ra các trường hợp bất khả kháng mà không thể áp dụng một số điều của tiêu chuẩn này, như trường hợp xảy ra nạn đói và các trường hợp khẩn cấp khác (mà các nhà chức trách có thẩm quyền của các nước cho và nhận chịu trách nhiệm kiểm tra thực phẩm có thể quyết định đề ra các chuẩn cứ được thỏa thuận chung), thì phải xem xét đến một cách thỏa đáng những nguyên tắc cơ bản về sự an toàn của thực phẩm và các điều khoản khác của tiêu chuẩn này có thể áp dụng được trong những trường hợp đó.
9. Trao đổi thông tin
Các nước từ chối việc tiếp nhận thực phẩm vì những lý do nguy hại liên quan đến sức khỏe con người hoặc sự gian dối và có lý do để tin rằng thực phẩm có thể được đề nghị bán cho nước khác thì phải sử dụng ngay các thiết bị thích hợp hiện có để báo trước cho các nước sẽ nhập khẩu biết.
10. Xem xét
Trong từng thời điểm, mỗi chính phủ sẽ được yêu cầu gửi một bản báo cáo cho Ban thư ký của Ủy ban Codex quốc tế về việc thực hiện tiêu chuẩn này. Các báo cáo này phải được biên soạn và chuyển đến Ủy ban Codex quốc tế để xem xét tiến trình đạt được mục tiêu và bất kỳ hoạt động cải tiến và bổ sung hoặc hoạt động cần thiết khác, từ đó có thể thúc đẩy Ủy ban Codex quốc tế đưa ra các khuyến cáo thích hợp. Việc xem xét các báo cáo như trên cần tính đến việc đảm bảo sức khỏe, an toàn và các yếu tố thương mại liên quan đến các nguyên tắc quy định trong tiêu chuẩn này.
[1]) Nguyên tắc của tiêu chuẩn này, với những thay đổi cần thiết, cũng áp dụng cho cả những giao dịch về chuyển nhượng và hỗ trợ việc kinh doanh thực phẩm.
[2]) Hướng dẫn chung về công bố ghi nhãn thực phẩm theo TCVN 7087 : 2008 (Codex Stan 1-2005) Ghi nhãn thực phẩm bao gói sẵn.