NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ------- Số: 40/2016/TT-NHNN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2016 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG SẢN PHẨM PHÁI SINH GIÁ CẢ HÀNG HÓA
CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại.
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa cho khách hàng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là ngân hàng thương mại) được cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa theo Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại, Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng, hoặc văn bản sửa đổi, bổ sung Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp, trong đó có nội dung cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa và nội dung kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước, thị trường quốc tế.
2. Khách hàng sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa do ngân hàng thương mại cung ứng (sau đây gọi tắt là khách hàng) là tổ chức kinh tế được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ tổ chức tín dụng.
3. Các pháp nhân, cá nhân có liên quan đến hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại theo quy định tại Thông tư này.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Tại Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa là công cụ tài chính được ngân hàng thương mại cung ứng nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa cho khách hàng.
2. Hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa là việc ngân hàng thương mại thực hiện một trong các hình thức dưới đây:
a) Ngân hàng thương mại giao kết và thực hiện hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hàng hóa với khách hàng trên thị trường không tập trung nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa cho khách hàng; ngân hàng thương mại phải thực hiện giao dịch đối ứng với đối tác nước ngoài để cân bằng rủi ro từ hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa đã giao kết và thực hiện với khách hàng;
b) Ngân hàng thương mại giao kết và thực hiện hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa với khách hàng.
3. Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài là thị trường tập trung mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa. Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài được thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài.
4. Thị trường không tập trung là thị trường mua, bán sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa mà không được mua, bán trên Sàn giao dịch hàng hóa.
5. Hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa là hợp đồng được chuẩn hóa, niêm yết và mua bán trên Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài.
6. Hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa là thỏa thuận bằng văn bản mà ngân hàng thương mại tiếp nhận và đưa lệnh của khách hàng về việc mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa lên Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa cho khách hàng.
7. Hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa là thỏa thuận bằng văn bản giữa ngân hàng thương mại với khách hàng về việc cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa trên thị trường không tập trung.
8. Giao dịch gốc là hợp đồng mua, bán hàng hóa được lập bằng văn bản, hợp pháp và chịu rủi ro giá cả hàng hóa, gồm: Hợp đồng mua, bán hàng hóa trong nước, hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, hợp đồng nhập khẩu hàng hóa.
9. Hàng hóa cơ sở là hàng hóa được giao dịch trong giao dịch gốc làm cơ sở cho ngân hàng thương mại cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa, gồm: Nông sản; nhiên liệu; năng lượng; kim loại, trừ hàng hóa cơ sở là vàng và các hàng hóa cấm kinh doanh và cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định hiện hành của pháp luật.
10. Giao dịch đối ứng là giao dịch ngân hàng thương mại thực hiện với đối tác nước ngoài nhằm mục đích cân bằng rủi ro từ hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa đã giao kết và thực hiện với khách hàng.
11. Đối tác nước ngoài là tổ chức được phép thực hiện giao dịch phái sinh giá cả hàng hóa theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được phép nhận lệnh và đưa lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa lên Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài.
12. Lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa là đề nghị của khách hàng về việc mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa qua Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài.
13. Thời hạn giao dịch là khoảng thời gian kể từ ngày lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa của khách hàng được thực hiện đến ngày lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa đó được tất toán toàn bộ trên Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài.
14. Tài khoản ký quỹ là tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của khách hàng mở tại ngân hàng thương mại để thực hiện, bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa, hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa.
15. Khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở là khối lượng mà các bên giao kết hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa, hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa làm cơ sở để tính khoản tiền được nhận hoặc phải trả hoặc mức phí (nếu có); khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở bằng hoặc nhỏ hơn khối lượng hàng hóa cơ sở còn lại của giao dịch gốc.
16. Giá thị trường là giá của hàng hóa cơ sở được giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài hoặc do một bên thứ ba cung cấp vào thời điểm cụ thể hoặc trong một khoảng thời gian xác định.
17. Giá tham chiếu là giá thay đổi theo diễn biến giá thị trường và được các bên giao kết hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa thống nhất cách xác định vào thời điểm cụ thể trong thời hạn hợp đồng còn hiệu lực.
18. Mức giá cố định là giá được các bên giao kết hợp đồng hoán đổi giá cả hàng hóa thống nhất sử dụng để xác định phần chênh lệch giá và nghĩa vụ thanh toán khi đến hạn thanh toán của hợp đồng.
19. Mức giá thực hiện là giá dùng để so sánh với giá tham chiếu của hàng hóa cơ sở để bên mua quyền chọn quyết định việc thực hiện quyền chọn mua, bán giá cả hàng hóa.
Điều 4. Nguyên tắc cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa
1. Hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa được thực hiện theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan. Những nội dung thỏa thuận về việc cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại đối với khách hàng phải được lập thành văn bản.
2. Ngân hàng thương mại được cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa khi đã ban hành văn bản quy định nội bộ về hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa phù hợp với quy định tại Thông tư này, pháp luật có liên quan.
3. Ngân hàng thương mại được báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa, hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa bằng ngoại tệ đối với giao dịch gốc là hợp đồng mua bán hàng hóa bằng ngoại tệ. Đối với giao dịch gốc là hợp đồng mua, bán bằng đồng Việt Nam, ngân hàng thương mại báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa, hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa bằng đồng Việt Nam; trường hợp cần quy đổi từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam, tỷ giá đồng Việt Nam và ngoại tệ do các bên thỏa thuận phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
4. Ngân hàng thương mại chỉ được thanh toán bằng đồng Việt Nam cho khách hàng đối với các nghĩa vụ phát sinh theo thỏa thuận tại hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa, hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa; không được giao hàng hóa, nhận hàng hóa với khách hàng và đối tác nước ngoài. Trường hợp cần quy đổi từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam, tỷ giá đồng Việt Nam và ngoại tệ do các bên thỏa thuận phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
5. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng để ký quỹ ban đầu hoặc bổ sung phần ký quỹ còn thiếu trên tài khoản ký quỹ của khách hàng mở tại ngân hàng thương mại cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa hoặc để thanh toán các nghĩa vụ phát sinh theo thỏa thuận tại hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa.
Điều 5. Điều kiện đối với khách hàng sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa
Ngân hàng thương mại xem xét cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa khi khách hàng có đủ các điều kiện sau:
1. Có giao dịch gốc còn hiệu lực thực hiện.
2. Mục đích sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa là phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa đối với giao dịch gốc của khách hàng.
3. Có khả năng tài chính theo đánh giá của ngân hàng thương mại để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ thanh toán phát sinh liên quan đến việc sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa.
Điều 6. Hồ sơ đề nghị sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa
Khi có nhu cầu sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa, khách hàng phải gửi cho ngân hàng thương mại các tài liệu, gồm:
1. Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính của giao dịch gốc. Trường hợp khách hàng nộp bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu, ngân hàng thương mại có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.
2. Các tài liệu khác theo hướng dẫn của ngân hàng thương mại.
Điều 7. Quy định nội bộ
Ngân hàng thương mại ban hành văn bản quy định nội bộ đối với hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa phù hợp quy định tại Thông tư này các quy định của pháp luật có liên quan và chính sách cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại. Văn bản quy định nội bộ của ngân hàng thương mại phải hướng dẫn cụ thể các nội dung sau:
1. Quy trình thực hiện giao dịch với khách hàng sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa cho giao dịch gốc của khách hàng đó.
2. Việc đánh giá khả năng tài chính của khách hàng để đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ thanh toán phát sinh liên quan đến việc sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa.
3. Điều kiện đối với đối tác nước ngoài mà ngân hàng thương mại giao kết và thực hiện hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này.
4. Phân cấp ủy quyền, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cá nhân, bộ phận trong việc thẩm định, phê duyệt, quyết định cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa.
5. Nhận dạng, đo lường các loại rủi ro có thể phát sinh khi cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa; xây dựng quy trình và phân công trách nhiệm theo dõi, kiểm soát, đánh giá những rủi ro phát sinh; các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro, trong đó có giới hạn cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại, các giới hạn cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa đối với một khách hàng và đối với cá nhân, bộ phận được giao phê duyệt, quyết định cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa.
6. Các trường hợp thay đổi về nội dung liên quan đến hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa, hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa do thay đổi về giao dịch gốc; biện pháp xử lý giao dịch đối ứng đối với các trường hợp này.
7. Hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với việc cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa.
8. Hồ sơ đề nghị sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.
9. Các nội dung khác theo yêu cầu quản trị nội bộ của ngân hàng thương mại nhằm đảm bảo hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa được an toàn, hiệu quả.
Điều 8. Hạch toán kế toán
Ngân hàng thương mại thực hiện hạch toán kế toán đối với hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa theo quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hệ thống tài khoản kế toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Chương II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. CUNG ỨNG SẢN PHẨM PHÁI SINH GIÁ CẢ HÀNG HÓA ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG TRÊN THỊ TRƯỜNG KHÔNG TẬP TRUNG
Điều 9. Phạm vi cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa đối với khách hàng trên thị trường không tập trung
1. Ngân hàng thương mại được giao kết và thực hiện hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa với khách hàng trên thị trường không tập trung, bao gồm:
a) Hợp đồng hoán đổi giá cả hàng hóa là hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa, theo đó ngân hàng thương mại và khách hàng thỏa thuận đồng thời mua và bán cùng một loại hàng hóa cơ sở, khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở và thời điểm xác định trong thời hạn hợp đồng hoán đổi giá cả hàng hóa còn hiệu lực; theo đó, một bên sẽ mua theo mức giá cố định, đồng thời bán theo giá tham chiếu và bên còn lại sẽ bán theo mức giá cố định, đồng thời mua theo giá tham chiếu vào thời điểm xác định trong thời hạn hợp đồng hoán đổi giá cả hàng hóa còn hiệu lực; việc thanh toán giữa ngân hàng thương mại và khách hàng được thực hiện trên cơ sở phần chênh lệch mức giá cố định với giá tham chiếu và khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở;
b) Hợp đồng không tiêu chuẩn về quyền chọn mua giá cả hàng hóa là hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa, theo đó ngân hàng thương mại bán cho khách hàng quyền (nhưng không phải nghĩa vụ bắt buộc) được mua một khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở tại một mức giá thực hiện vào thời điểm xác định trong thời hạn hợp đồng không tiêu chuẩn về quyền chọn mua giá cả hàng hóa còn hiệu lực. Trong thời hạn hợp đồng không tiêu chuẩn về quyền chọn mua giá cả hàng hóa còn hiệu lực, trường hợp giá tham chiếu của hàng hóa cơ sở cao hơn mức giá thực hiện, nếu có yêu cầu của khách hàng về việc thực hiện quyền, ngân hàng thương mại phải thực hiện thanh toán cho khách hàng khoản tiền được tính trên cơ sở phần chênh lệch giữa mức giá thực hiện với giá tham chiếu của hàng hóa cơ sở và khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở; trường hợp giá tham chiếu của hàng hóa cơ sở thấp hơn mức giá thực hiện, thì không phát sinh việc thanh toán giữa ngân hàng thương mại với khách hàng về chênh lệch giữa mức giá thực hiện với giá tham chiếu của hàng hóa cơ sở. Khách hàng phải trả phí cho ngân hàng thương mại theo thỏa thuận tại hợp đồng không tiêu chuẩn về quyền chọn mua giá cả hàng hóa để mua quyền chọn mua giá cả hàng hóa; khoản phí này có thể thanh toán một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn hợp đồng không tiêu chuẩn về quyền chọn mua giá cả hàng hóa còn hiệu lực theo thỏa thuận tại hợp đồng không tiêu chuẩn về quyền chọn mua phái sinh giá cả hàng hóa;
c) Hợp đồng không tiêu chuẩn về quyền chọn bán giá cả hàng hóa là hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa, theo đó ngân hàng thương mại bán cho khách hàng quyền (nhưng không phải nghĩa vụ bắt buộc) được bán một khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở tại một mức giá thực hiện vào thời điểm xác định trong thời hạn hợp đồng không tiêu chuẩn về quyền chọn bán giá cả hàng hóa còn hiệu lực. Trong thời hạn hợp đồng không tiêu chuẩn về quyền chọn bán giá cả hàng hóa còn hiệu lực, trường hợp giá tham chiếu của hàng hóa cơ sở thấp hơn mức giá thực hiện, nếu có yêu cầu của khách hàng về việc thực hiện quyền, ngân hàng thương mại phải thực hiện thanh toán cho khách hàng khoản tiền được tính trên cơ sở phần chênh lệch giữa mức giá thực hiện với giá tham chiếu của hàng hóa cơ sở và khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở; trường hợp giá tham chiếu của hàng hóa cơ sở cao hơn mức giá thực hiện, thì không phát sinh việc thanh toán giữa ngân hàng thương mại với khách hàng về chênh lệch giữa mức giá thực hiện với giá tham chiếu của hàng hóa cơ sở. Khách hàng phải trả phí cho ngân hàng thương mại theo thỏa thuận tại hợp đồng không tiêu chuẩn về quyền chọn bán giá cả hàng hóa để mua quyền chọn bán giá cả hàng hóa; khoản phí này có thể thanh toán một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn hợp đồng không tiêu chuẩn về quyền chọn bán giá cả hàng hóa còn hiệu lực theo thỏa thuận tại hợp đồng không tiêu chuẩn về quyền chọn bán giá cả hàng hóa;
d) Hợp đồng không tiêu chuẩn về quyền chọn giá cả hàng hóa kết hợp trần sàn là hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa, theo đó ngân hàng thương mại bán cho khách hàng quyền (không phải nghĩa vụ bắt buộc) được mua (hoặc bán) một khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở tại một mức giá thực hiện giới hạn trần (hoặc sàn), đồng thời mua từ khách hàng quyền (không phải nghĩa vụ bắt buộc) được bán (hoặc mua) một khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở tại một mức giá thực hiện giới hạn sàn (hoặc trần), trên cùng một khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở vào thời điểm xác định trong thời hạn hợp đồng không tiêu chuẩn về quyền chọn giá cả hàng hóa kết hợp trần sàn còn hiệu lực. Trong thời hạn hợp đồng không tiêu chuẩn về quyền chọn giá cả hàng hóa kết hợp trần sàn còn hiệu lực, trường hợp giá tham chiếu của hàng hóa cơ sở cao hơn mức giá thực hiện giới hạn trần (hoặc thấp hơn mức giá thực hiện giới hạn sàn), nếu có yêu cầu của khách hàng về việc thực hiện quyền, ngân hàng thương mại phải thực hiện thanh toán cho khách hàng khoản tiền được tính trên cơ sở phần chênh lệch giữa mức giá thực hiện giới hạn trần (hoặc mức giá thực hiện giới hạn sàn) với giá tham chiếu của hàng hóa cơ sở và khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở; trường hợp giá tham chiếu của hàng hóa cơ sở thấp hơn mức giá thực hiện giới hạn sàn (hoặc cao hơn mức giá thực hiện giới hạn trần), nếu có yêu cầu của ngân hàng thương mại, thì khách hàng phải thực hiện thanh toán cho ngân hàng thương mại khoản tiền được tính trên cơ sở phần chênh lệch giữa mức giá thực hiện giới hạn sàn (hoặc mức giá thực hiện giới hạn trần) với giá tham chiếu của hàng hóa cơ sở và khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở; trường hợp giá tham chiếu của hàng hóa cơ sở thấp hơn mức giá thực hiện giới hạn trần và cao hơn mức giá thực hiện giới hạn sàn, thì không phát sinh việc thanh toán giữa ngân hàng thương mại với khách hàng về chênh lệch giữa mức giá thực hiện với giá tham chiếu của hàng hóa cơ sở. Ngân hàng thương mại và khách hàng thỏa thuận tại hợp đồng không tiêu chuẩn về quyền chọn giá cả hàng hóa kết hợp trần sàn về việc trả phí và mức phí phải trả.
2. Hiệu lực của hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa không vượt quá thời hạn giao dịch gốc còn hiệu lực.
Điều 10. Hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa
1. Ngân hàng thương mại thỏa thuận với khách hàng về việc cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa tại hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa phù hợp với các quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan. Hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa tối thiểu phải có các nội dung sau:
a) Tên, địa chỉ của ngân hàng thương mại; tên, địa chỉ của khách hàng;
b) Giao dịch gốc; loại hàng hóa cơ sở; khối lượng hàng hóa cơ sở; giá hàng hóa cơ sở áp dụng trong giao dịch gốc; thời hạn giao dịch gốc còn hiệu lực; lịch thanh toán của giao dịch gốc;
c) Các mức giá để thực hiện sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa;
d) Thời hạn giao dịch của hợp đồng;
đ) Ngày thanh toán định kỳ và phương thức thanh toán;
e) Các khoản thanh toán;
g) Hiệu lực của hợp đồng;
h) Quyền và trách nhiệm của các bên;
i) Các trường hợp thay đổi và chấm dứt hợp đồng trước hạn; thỏa thuận phạt vi phạm.
2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa có thể có các nội dung khác do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
3. Ngân hàng thương mại và khách hàng có thể thỏa thuận áp dụng Hợp đồng mẫu của Hiệp hội Hoán đổi và Phái sinh quốc tế với điều kiện các nội dung của hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa không trái với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.
4. Hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa được lập dưới hình thức hợp đồng khung và/hoặc hợp đồng cụ thể.
Điều 11. Giao dịch đối ứng
1. Ngân hàng thương mại phải thực hiện giao dịch đối ứng với đối tác nước ngoài để cân bằng rủi ro từ hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa đã giao kết và thực hiện với khách hàng như sau:
a) Ngân hàng thương mại được thực hiện giao dịch đối ứng là hợp đồng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 9 và điểm a, b và c khoản 1 Điều 13 Thông tư này;
b) Hàng hóa trong giao dịch đối ứng là hàng hóa cơ sở;
c) Khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở và hiệu lực của giao dịch đối ứng phải trùng khớp với khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở và hiệu lực của hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa mà ngân hàng thương mại đã giao kết và thực hiện với khách hàng;
d) Trường hợp có sự thay đổi liên quan đến hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa do thay đổi về giao dịch gốc, ngân hàng thương mại phải điều chỉnh giao dịch đối ứng với đối tác nước ngoài phù hợp với quy định tại điểm a, b và c khoản này và quy định nội bộ tại khoản 6 Điều 7 Thông tư này;
đ) Trường hợp chấm dứt trước hạn giao dịch đối ứng giữa ngân hàng thương mại và đối tác nước ngoài, thì ngân hàng thương mại phải thực hiện giao dịch đối ứng khác với hiệu lực và khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở trùng khớp với thời hạn còn hiệu lực và khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở còn lại tại hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa mà ngân hàng thương mại đã giao kết và thực hiện với khách hàng; trường hợp ngân hàng thương mại không thể thực hiện giao dịch đối ứng khác cho thời hạn còn hiệu lực và khối lượng hàng hóa danh nghĩa cơ sở còn lại của hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa mà ngân hàng thương mại đã giao kết và thực hiện với khách hàng, thì trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt giao dịch đối ứng, ngân hàng thương mại phải xây dựng phương án cân bằng rủi ro từ hợp đồng không tiêu chuẩn phái sinh giá cả hàng hóa đã giao kết và thực hiện với khách hàng và báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Chính sách tiền tệ và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) về nguyên nhân phát sinh, các biện pháp và thời hạn khắc phục.
e) Trường hợp chấm dứt trước hạn hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, thì ngân hàng thương mại phải chấm dứt giao dịch đối ứng với đối tác nước ngoài.
2. Khi thực hiện giao dịch đối ứng với đối tác nước ngoài, ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, ngân hàng thương mại phải thực hiện với đối tác nước ngoài được xếp hạng tín nhiệm tối thiểu Baa/P-3 theo đánh giá xếp hạng của Moody's Investors Service hoặc BBB-/A-3 theo đánh giá xếp hạng của Standard&Poor’s hoặc BBB-/F3 theo đánh giá xếp hạng của Fitch Ratings tại thời điểm giao kết hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa, trừ trường hợp chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giao dịch đối ứng với ngân hàng mẹ hoặc với chi nhánh ở nước ngoài của ngân hàng mẹ.
Điều 12. Biện pháp bảo đảm
Ngân hàng thương mại và khách hàng thỏa thuận việc áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận tại hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa phù hợp quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm và pháp luật có liên quan.
Mục 2. CUNG ỨNG SẢN PHẨM PHÁI SINH GIÁ CẢ HÀNG HÓA ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG QUA SÀN GIAO DỊCH HÀNG HÓA Ở NƯỚC NGOÀI
Điều 13. Phạm vi cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa đối với khách hàng qua Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài
1. Ngân hàng thương mại được tiếp nhận và đưa lệnh của khách hàng về việc mua, bán các hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa lên Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài, bao gồm:
a) Hợp đồng tương lai giá cả hàng hóa;
b) Hợp đồng tiêu chuẩn về quyền chọn mua giá cả hàng hóa;
c) Hợp đồng tiêu chuẩn quyền chọn bán giá cả hàng hóa.
2. Ngân hàng thương mại chỉ được tiếp nhận và đưa lệnh việc mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa của khách hàng lên Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài, khi thời hạn giao dịch của hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa không vượt quá thời hạn giao dịch gốc còn hiệu lực.
Điều 14. Hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa
1. Ngân hàng thương mại thỏa thuận với khách hàng về việc nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa qua Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài phù hợp với các quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan. Hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa tối thiểu phải có các nội dung sau:
a) Tên, địa chỉ của ngân hàng thương mại; tên, địa chỉ của khách hàng;
b) Nội dung tiếp nhận và đưa lệnh của khách hàng về việc mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa lên Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài; xác nhận lệnh của khách hàng và thông báo;
c) Hạn mức và các giới hạn nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa;
d) Ký quỹ;
đ) Phí và các khoản thanh toán;
e) Quyền và trách nhiệm của các bên;
g) Các trường hợp thay đổi hợp đồng và chấm dứt hợp đồng trước hạn;
h) Xử lý tranh chấp và thanh lý hợp đồng.
2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa có thể có các nội dung khác do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
3. Hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa được lập dưới hình thức hợp đồng khung và/hoặc hợp đồng cụ thể.
Điều 15. Ký quỹ để mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa
1. Ngân hàng thương mại thỏa thuận mức ký quỹ của khách hàng trên cơ sở phù hợp quy định của Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài hoặc yêu cầu của đối tác nước ngoài và khả năng tài chính của khách hàng để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ phát sinh theo thỏa thuận tại hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa.
2. Khách hàng phải mở và duy trì số dư tối thiểu trên tài khoản ký quỹ trước và trong quá trình khách hàng sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa qua Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài; trường hợp khách hàng không duy trì được số dư tối thiểu trên tài khoản ký quỹ theo thỏa thuận với ngân hàng thương mại thì ngân hàng thương mại có quyền tất toán toàn bộ hoặc một phần lệnh mua, bán của khách hàng.
Chương III. QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG SẢN PHẨM PHÁI SINH GIÁ CẢ HÀNG HÓA
Điều 16. Quyền và trách nhiệm của ngân hàng thương mại
1. Ngân hàng thương mại có quyền:
a) Yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin, tài liệu chứng minh việc đáp ứng các điều kiện đối với khách hàng sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa theo quy định tại Điều 5 Thông tư này; các thông tin, tài liệu khác phát sinh liên quan đến hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa phù hợp với quy định tại Thông tư này.
b) Yêu cầu khách hàng thông báo về những thay đổi liên quan đến giao dịch gốc để ngân hàng thương mại xem xét xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa;
c) Các quyền khác theo thỏa thuận của ngân hàng thương mại và khách hàng phù hợp với quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.
2. Ngân hàng thương mại có trách nhiệm:
a) Thực hiện quản lý và kiểm soát rủi ro hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa tập trung tại trụ sở chính của ngân hàng thương mại. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa thực hiện quản lý và kiểm soát rủi ro theo quy định của ngân hàng mẹ, phù hợp với quy định tại Thông tư này;
b) Cung cấp thông tin chính xác cho khách hàng về sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa, các rủi ro có thể phát sinh, các loại phí và mức phí nếu có để khách hàng hiểu, xem xét quyết định sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa và có biện pháp phòng ngừa rủi ro;
c) Tìm hiểu các quy định của pháp luật nước ngoài và diễn biến thị trường quốc tế liên quan đến sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa, các thông tin về đánh giá xếp hạng tín nhiệm của đối tác nước ngoài nhằm đảm bảo hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa được an toàn, hiệu quả;
d) Các trách nhiệm khác theo thỏa thuận của ngân hàng thương mại và khách hàng phù hợp với quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan.
Điều 17. Quyền và trách nhiệm của khách hàng sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa
1. Khách hàng có quyền:
a) Yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp thông tin chính xác về sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa, các rủi ro có thể phát sinh, loại phí và mức phí nếu có để khách hàng hiểu, xem xét quyết định sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa và có biện pháp phòng ngừa rủi ro;
b) Các quyền khác theo thỏa thuận của khách hàng và ngân hàng thương mại phù hợp với quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.
2. Khách hàng có trách nhiệm:
a) Cung cấp các thông tin, tài liệu chứng minh việc đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư này. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp cho ngân hàng thương mại;
b) Kịp thời thông báo những thay đổi về giao dịch gốc để ngân hàng thương mại xem xét điều chỉnh hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa, hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa và giao dịch đối ứng;
c) Các trách nhiệm khác theo thỏa thuận của khách hàng và ngân hàng thương mại phù hợp với quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan.
Chương IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2017.
2. Đối với các hợp đồng cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa đã giao kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện các nội dung ghi trong hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm giao kết hợp đồng cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa hoặc thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa phù hợp với quy định tại Thông tư này.
3. Trường hợp ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận thực hiện thí điểm sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa, ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện các nội dung về việc thí điểm sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa cho đến khi kết thúc thời hạn thực hiện thí điểm được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận. Đối với các hợp đồng cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa được giao kết sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, việc giao kết và thực hiện hợp đồng phải phù hợp với quy định tại Thông tư này.
Điều 19. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Thông tư này.
Nơi nhận: - Như Điều 19; - Văn phòng Chính phủ; - Ban Lãnh đạo NHNN; - Bộ Tư pháp (để kiểm tra); - Công báo; - Lưu: VP, Vụ CSTT, PC. | KT. THỐNG ĐỐC PHÓ THỐNG ĐỐC Nguyễn Thị Hồng |