BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC HẢI QUAN -------- Số: 217/CT-TCHQ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2015
Năm 2014, các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan đã nỗ lực cố gắng, tích cực cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hoạt động hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, có nhiều biện pháp tích cực quản lý thuế xuất nhập khẩu, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ thu Ngân sách nhà nước năm 2014.
Bước sang năm 2015, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, giá dầu thô liên tục giảm, tình hình kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình ấy tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung, nhiệm vụ thu Ngân sách nhà nước nói riêng của Tổng cục Hải quan.
Để hoàn thành chỉ tiêu thu Ngân sách nhà nước năm 2015 (260.000 tỷ đồng) được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao tại quyết định số 3043/QĐ-BTC ngày 28/11/2014, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách 275.000 tỷ đồng đã được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và Lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết Tổng cục Hải quan ngày 25/12/2014, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Tài chính về việc tổ chức điều hành ngân sách quý I/2015 tại công văn số 23/BTC-NSNN ngày 05/01/2015, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu Ngân sách nhà nước ngay từ những ngày đầu năm 2015. Mỗi Cục Hải quan tỉnh, thành phố phấn đấu thu vượt chỉ tiêu thu ngân sách được Tổng cục Hải quan giao.
2. Triển khai thực hiện tốt Luật Hải quan năm 2014 và các văn bản hướng dẫn Luật, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu:
2.1. Đồng hành và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua việc nắm và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thường xuyên lớn qua đơn vị, chấp hành tốt pháp luật; Thực hiện đối thoại thường xuyên với người nộp thuế để lắng nghe, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân, người nộp thuế.
2.2. Chủ động và tích cực tuyên truyền chính sách, pháp luật, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn Luật Hải quan 2014 tới cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hiểu đúng, đủ và tự giác chấp hành nghĩa vụ nộp thuế vào Ngân sách nhà nước.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin các tấm gương điển hình trong công tác thu, nộp thuế; đồng thời thông báo các doanh nghiệp vi phạm hải quan, cố tình chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và thanh toán nợ thuế; Tuyên truyền cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu lợi ích khi thực hiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng thương mại để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tích cực tham gia.
2.3. Duy trì Tổ giải quyết nhanh, chủ động giải quyết các vướng mắc thuộc thẩm quyền với từng doanh nghiệp và động viên doanh nghiệp nộp thuế đúng hạn.
2.4. Khảo sát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật và kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp có số thu lớn, thường xuyên làm thủ tục tại từng cửa khẩu để có cơ chế ưu tiên phù hợp với điều kiện của đơn vị, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
3. Tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế tại đơn vị; phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng doanh nghiệp nợ, tình trạng thực tế của doanh nghiệp, nguyên nhân chưa thu hồi được nợ và giải pháp của đơn vị để đảm bảo thu hồi hiệu quả nợ đọng trong thời gian tới:
3.1. Các tờ khai phát sinh trong năm 2015 phải được thu đủ, kịp thời tiền thuế. Cục trưởng chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo Bộ Tài chính về số nợ thuế quá hạn phát sinh trong năm 2015 tại đơn vị.
3.2. Tiếp tục rà soát, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ để trình các cấp có thẩm quyền thực hiện xóa các khoản nợ thuộc đối tượng được xóa theo Điều 134 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 và Thông tư số 179/2013/TT-BTC ngày 02/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007.
3.3. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban thu hồi nợ, thực hiện đôn đốc thu hồi nợ, phối hợp với các Ngân hàng thương mại, công an, cơ quan thuế địa phương, các cơ quan pháp luật có liên quan trong việc xử lý các vướng mắc khó khăn trong công tác thu hồi nợ.
- Áp dụng đúng trình tự thanh toán tiền thuế theo quy định tại điều 45 Luật quản lý thuế và khoản 12 điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, không để xảy ra trường hợp doanh nghiệp đang còn nợ thuế, nợ phạt nhưng vẫn được hưởng ân hạn thuế.
- Phối hợp với cơ quan Thuế để thực hiện bù trừ số tiền thuế Giá trị gia tăng doanh nghiệp được hoàn tại cơ quan Thuế với các khoản còn nợ tại cơ quan Hải quan theo hướng dẫn tại công văn số 10724/BTC-TCT ngày 14/08/2013 của Bộ Tài chính.
- Tổ chức xác minh tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, đưa ra biện pháp xử lý nợ phù hợp theo Quy trình quản lý nợ ban hành kèm theo Quyết định số 1074/QĐ-TCHQ ngày 02/4/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
- Theo dõi chặt chẽ, đôn đốc thanh khoản thuế tạm thu; quản lý hàng gia công, nắm chắc thời hạn kết thúc của từng hợp đồng gia công thời hạn hàng hóa sản xuất đã được xuất khẩu để yêu cầu doanh nghiệp thanh khoản/nộp thuế đối với số hàng hóa chuyển tiêu thụ nội địa.
- Mở rộng phối hợp thu với các ngân hàng thương mại đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư 126/2014/TT-BTC ngày 28/8/2014 để tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
4. Tăng cường công tác kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và quản lý rủi ro:
4.1. Tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính trong chỉ đạo công tác đấu tranh chống buôn lậu; làm tốt vai trò cơ quan thường trực giúp việc của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh chống buôn lậu.
4.2. Nắm chắc diễn biến tình hình tại các địa bàn, kịp thời cảnh báo phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm để chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn. Đấu tranh bắt giữ, xử lý vi phạm hiệu quả, trọng tâm vào nhóm các mặt hàng cấm, gỗ, khoáng sản, phế liệu, ngoại tệ, vàng, rượu, thuốc lá, máy móc thiết bị, điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, hàng bách hóa, hàng thời trang, thực phẩm chức năng, hàng bách hóa Trung Quốc …; nhóm các lĩnh vực bị lợi dụng để vi phạm như chính sách ưu đãi hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chính sách ưu đãi đầu tư, thuế đối với khu kinh tế cửa khẩu, hàng kho ngoại quan, hàng quá cảnh, chuyển cửa khẩu,...
Trong quá trình điều tra, bắt giữ, xử lý vi phạm, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong quản lý Nhà nước, chế độ chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
4.3. Tăng cường công tác phối hợp tốt với các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển,... để trao đổi, cung cấp thông tin và phối hợp trong công tác tuần tra kiểm soát, đấu tranh bắt giữ và xử lý đạt hiệu quả.
4.4. Đẩy mạnh tuyên truyền và phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về nguy hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để mọi công dân không tham gia, không tiếp tay, không bao che, không làm ngơ đối với hoạt động này.
4.5. Tổ chức thu thập thông tin, phân tích, đánh giá rủi ro phục vụ công tác xây dựng tiêu chí rủi ro, kịp thời cập nhật tiêu chí vào hệ thống phục vụ phân luồng tờ khai tự động trên hệ thống đáp ứng yêu cầu triển khai Luật Hải quan, đảm bảo thực hiện đúng các quy định hiện hành. Nâng cao hiệu quả hoạt động của máy soi container, máy soi hành lý của hành khách xuất nhập cảnh tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Đẩy mạnh công tác xây dựng hồ sơ doanh nghiệp, đảm bảo cập nhật thông tin doanh nghiệp kịp thời trên hệ thống để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế của doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
4.6. Rà soát, phân tích hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, tập trung vào các doanh nghiệp trọng điểm, doanh nghiệp có rủi ro cao trong nhập khẩu hàng hóa là sản phẩm nguyên chiếc dưới dạng tháo rời thành linh kiện, bán thành phẩm để gian lận số tiền thuế phải nộp hoặc doanh nghiệp có dấu hiệu xuất khống để hoàn thuế giá trị gia tăng. Kiểm tra kỹ đối tượng, thủ tục hồ sơ, điều kiện miễn, giảm, hoàn thuế, phân loại hàng hóa, xác định mức thuế, trị giá tính thuế theo đúng quy định. Đặc biệt chú trọng tập trung kiểm tra các trường hợp kê khai miễn thuế hàng hóa nhập khẩu đầu tư, hoàn thuế, các mặt hàng mới, dễ lẫn, có thay đổi tên, mức thuế nhập khẩu, trị giá tính thuế.
Đối với các trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau, phải kiểm tra kỹ hồ sơ doanh nghiệp gửi, đối chiếu hồ sơ với các tài liệu có tại cơ quan hải quan. Trường hợp trong quá trình giải quyết xác định có nội dung chưa rõ liên quan đến xác định số thuế được hoàn thì phải có văn bản đề nghị người nộp thuế giải trình bổ sung theo quy định; Trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau, nếu xác định người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm thì có văn bản thông báo tạm dừng giải quyết hồ sơ hoàn thuế để kiểm tra sau thông quan, thanh tra thuế.
4.7. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi cung cấp thông tin giữa đơn vị làm công tác quản lý rủi ro và các đơn vị nghiệp vụ để kịp thời lựa chọn kiểm tra, giám sát các lô hàng có dấu hiệu vi phạm, gian lận thương mại nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro.
5. Tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ:
5.1. Đẩy mạnh Kiểm tra sau thông quan theo đúng quy định của pháp luật để hạn chế việc doanh nghiệp lợi dụng sơ hở tại các khâu trước và trong thông quan để gian lận trốn thuế.
5.2. Nâng cao hiệu quả của công tác Kiểm tra sau thông quan, phát hiện các hành vi gian lận thương mại, ưu tiên chú trọng vào việc kiểm tra, phát hiện những vấn đề mới, vấn đề nóng, để đảm bảo ngăn chặn kịp thời những hành vi gian lận, trốn thuế, lợi dụng sơ hở của chính sách, pháp luật.
5.3. Triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch thanh tra chuyên ngành, kế hoạch kiểm tra nội bộ đã được Tổng cục Hải quan phê duyệt. Thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong công tác chống thất thu thuế, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại.
5.4. Tập trung kiểm tra các doanh nghiệp, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, có độ rủi ro cao, nâng cao hiệu quả kiểm tra sau thông quan; rà soát các khoản nợ thuế phát sinh do ấn định thuế theo các quyết định kiểm tra sau thông quan, quyết định thanh tra của Tổng cục Hải quan và của Cục Hải quan tỉnh, thành phố theo các căn cứ, quy định của pháp luật để thực hiện thu hồi nợ.
Các quyết định ấn định thuế qua công tác kiểm tra sau thông quan, công tác thanh tra chuyên ngành về thuế phải đảm bảo chính xác, hiệu quả để tránh tình trạng ra quyết định ấn định thuế nhưng không thu được dẫn đến tăng nợ đọng thuế.
6. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33/2008/CT-TTg ngày 20/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 21/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc thực hiện nghiêm chính sách tài khóa và các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi đơn vị, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Hải quan.
7. Tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ công chức; duy trì kỷ cương, kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ
7.1. Chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp và xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất, đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ cho cán bộ công chức; đề cao kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ và liêm chính hải quan; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ công chức không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, có thái độ, hành vi gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp; thực hiện tốt “Tuyên ngôn phục vụ khách hàng”.
7.2. Tổ chức đào tạo cho cán bộ công chức trong đơn vị nhận diện rõ các rủi ro trong thực hiện nhiệm vụ thông qua các nhóm chuyên đề chống thất thu về giá, mã, C/O, số lượng và chính sách ưu đãi: miễn, giảm, hoàn thuế. Khuyến khích cán bộ công chức trong đơn vị phát hiện những gian lận mới và các rủi ro tiềm ẩn trong việc triển khai thủ tục hải quan điện tử. Xây dựng quy chế phối kết hợp giữa Đội thủ tục và Đội quản lý thuế của Chi cục trong công tác phối hợp thu và xử lý nợ thuế.
7.3. Rà soát, bố trí lực lượng cán bộ công chức có trình độ chuyên môn sâu vào các bộ phận nghiệp vụ quan trọng như tiếp nhận, kiểm hóa và theo dõi, xử lý nợ thuế. Đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân đối với công việc được giao và tinh thần nghiên cứu nâng cao trình độ cán bộ công chức.
7.4. Việc kiểm soát công việc của công chức thừa hành trong thực thi nhiệm vụ phải được thực hiện từ cấp Đội (Tổ) đến cấp Chi cục. Hàng ngày, Lãnh đạo phải nắm bắt đầy đủ những việc còn tồn của ngày hôm trước để có kế hoạch xử lý, giải quyết nhanh chóng vướng mắc phát sinh, không sót việc; Cụ thể hóa trách nhiệm của từng bộ phận công tác, của từng cán bộ công chức trong các bộ phận nhằm nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực hiện nhiệm vụ.
7.5. Thực hiện nghiêm Quy định chế độ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cấp khi để xảy ra vụ việc sai phạm trong đơn vị, lĩnh vực mình quản lý hoặc phụ trách.
8. Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố theo dõi, quản lý sát tình hình thu nộp NSNN, phân tích báo cáo kịp thời các yếu tố tác động đến số thu, đề xuất tham mưu xử lý kịp thời vướng mắc về chế độ, chính sách thuế ảnh hưởng tới quản lý, thu nộp Ngân sách nhà nước; Tiếp tục thực hiện báo cáo các nội dung đánh giá thu Ngân sách nhà nước năm 2014 theo công văn số 3030/TCHQ-TXNK ngày 04/06/2013 của Tổng cục Hải quan, đảm bảo thời gian báo cáo trước ngày 5 hàng tháng.
Chỉ thị này được quán triệt tới tất cả cán bộ, công chức Hải quan. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Nơi nhận: - Lãnh đạo Bộ (để báo cáo); - Lãnh đạo TCHQ; - Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan (để t/hiện); - Website Hải quan; - Lưu: VT, TXNK (08b). | TỔNG CỤC TRƯỞNG Nguyễn Ngọc Túc |