Quyết định 639/QĐ-BNN-KH của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
In
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Quyết định 639/QĐ-BNN-KH

Quyết định 639/QĐ-BNN-KH của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu
Cơ quan ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônSố công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:639/QĐ-BNN-KHNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Cao Đức Phát
Ngày ban hành:02/04/2014Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Nông nghiệp-Lâm nghiệp

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
------
Số: 639/QĐ-BNN-KH
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
---------
Hà Nội, ngày 02 tháng 04 năm 2014

 
 
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRONG ĐIỀU KIỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
-----------------------------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
 
 
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030;
Căn cứ Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2270/QĐ-TTg ngày 21/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chinh phủ về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
 
QUYẾT ĐỊNH:
 
 
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu, với các nội dung chính sau:
I. QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH
- Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp cả nước; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các quy hoạch chuyên ngành khác của vùng đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở đổi mới tư duy, tiếp cận thị trường, khai thác, phát huy lợi thế của vùng và từng địa phương để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tạo sự liên kết sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn; ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
- Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải đáp ứng mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, đời sống của người dân ngày càng nâng cao.
- Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải có sự đổi mới mạnh mẽ về cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế thu hút đầu tư. Ngoài sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, cần tăng cường các hình thức đối tác công tư, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIN
1. Mục tiêu chung
Xây dựng nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển toàn diện, bền vững, thích ứng cao với biến đổi khí hậu; sản xuất các ngành đạt năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất hợp lý; hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; thu nhập và đời sống của người dân ngày càng nâng cao; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hiệu quả; môi trường được bảo vệ và cải thiện.
2. Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
a) Đến năm 2020
- Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản bình quân 3,8 - 4,2%/năm.
- Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 4,5 - 5 %/năm, nông nghiệp 3 - 4%/năm, lâm nghiệp 3%/năm, thủy sản 7 - 8%/năm.
- Cơ cấu giá trị sản xuất nông lâm thủy sản: Nông nghiệp 64,2%, lâm nghiệp 0,9% và thủy sản 34,9%.
- Sản lượng lúa đạt 24,5 triệu tấn, sản lượng thủy sản đạt 3,5 triệu tấn.
- Giá trị sản lượng bình quân 1 ha đất trồng trọt đạt 130 triệu đồng, đất nuôi trồng thủy sản đạt 250 triệu đồng.
- Tỉ lệ xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới đạt trên 50%.
b) Định hướng đến năm 2030
- Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản bình quân 3 - 3,5%/năm.
- Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 4 - 4,5 %/năm, nông nghiệp 3 %/năm, lâm nghiệp 2,5%/năm, thủy sản 6 - 7%/năm.
- Cơ cấu giá trị sản xuất nông lâm thủy sản: Nông nghiệp 59,1%, lâm nghiệp 0,9% và thủy sản 40 %.
- Sản lượng lúa đạt 23 - 24 triệu tấn, sản lượng thủy sản đạt 4,2 - 4,3 triệu tấn.
- Giá trị sản lượng bình quân 1 ha đất trồng trọt đạt 180 - 200 triệu đồng, đất nuôi trồng thủy sản đạt 400 triệu đồng.
III. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH
1. Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp
a) Định hướng chung quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp
- Đến năm 2020:
+ Hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa sang đất phi nông nghiệp, đảm bảo quy mô diện tích đất nông nghiệp của vùng đến năm 2020 là 3,25 triệu ha.
+ Ổn định quỹ đất lúa đến năm 2020 là 1,82 triệu ha, trong đó đất chuyên lúa 1,7 triệu ha; tăng diện tích luân canh lúa - màu (bắp, đậu nành, rau, đậu...) lên 185 nghìn ha và lúa - thủy sản lên 240 nghìn ha.
+ Tăng diện tích đất trồng cây lâu năm, nâng tổng diện tích cây lâu năm lên 400 nghìn ha năm 2020. Trong đó, riêng vùng trông 9 nhóm cây ăn quả tập trung khoảng 185 nghìn ha: cây có múi (cam quýt, bưởi), xoài, sầu riêng, vú sữa, thanh long, dứa, chuối, nhãn, chôm chôm.
+ Đất lâm nghiệp năm 2020 là 330,5 nghìn ha, tăng 19,8 nghìn ha so với năm 2010, bao gồm: rừng phòng hộ 95,3 nghìn ha, tăng 12,5 nghìn ha và rừng đặc dụng 76,5 nghìn ha, tăng 8,5 nghìn ha.
+ Đất nuôi trồng thủy sản năm 2020 là 542,8 nghìn ha, tăng thêm 74,7 nghìn ha so với năm 2010; trong đó, diện tích nuôi nước mặn lợ là 507,2 nghìn ha, tăng 61,4 nghìn ha và diện tích nuôi nước ngọt là 35,6 nghìn ha, tăng 13,4 nghìn ha.
+ Đất sản xuất muối năm 2020 là 4,6 nghìn ha, giảm 0,8 nghìn ha so với năm 2010, diện tích sản xuất muối theo công nghệ tiên tiến chiếm 60 - 70%.
- Tầm nhìn đến năm 2030: Dự báo diện tích đất nông nghiệp bị ngập do nước biển dâng khoảng 30 nghìn ha. Diện tích đất lúa sẽ giảm khoảng 15 nghìn ha, dự kiến chuyển sang nuôi trồng thủy sản; tăng diện tích đất nuôi trồng thủy sản lên khoảng 558 nghìn ha.
b) Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp các tiểu vùng
- Tiểu vùng Đồng Tháp Mười: Thế mạnh là sản xuất lúa, dứa, xoài, nuôi cá tra... Hướng chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất chính đến năm 2020 là ổn định diện tích cây ăn quả ở những vùng trồng tập trung; tăng diện tích nuôi cá tra và rừng tràm trong khu vực ngập sâu, kiểm soát lũ tháng 8 (phía bắc kênh Nguyễn Văn Tiếp); tăng diện tích lúa 3 vụ, lúa - màu và dứa, giảm diện tích mía trong khu vực ngập trung bình và nông, kiểm soát lũ cả năm.
- Tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên: Thế mạnh là sản xuất lúa, nuôi cá tra, tôm nước lợ.... Hướng chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất chính đến năm 2020 là ổn định diện tích lúa 2 - 3 vụ; tăng diện tích lúa - thủy sản cả trong khu vực nước ngọt và nước lợ; tăng diện tích nuôi cá tra nguyên liệu ven sông Hậu và nuôi tôm nước lợ; trồng rừng phòng hộ ngập mặn khu vực ven biển Tây.
- Tiểu vùng giữa sông Tiền - sông Hậu: Thế mạnh là sản xuất lúa, cây ăn trái các loại (trừ dứa), rau, màu và nuôi thủy sản nước ngọt. Hướng chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất chính là ổn định diện tích trồng cây ăn trái, tăng mạnh diện tích lúa - màu và diện tích nuôi cá tra nguyên liệu ven sông Tiền và sông Hậu.
- Tiểu vùng Tây sông Hậu: Thế mạnh là sản xuất lúa, cây ăn trái các loại, mía và nuôi thủy sản nước ngọt. Hướng chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất chính là tăng diện tích 3 vụ lúa, lúa - màu, lúa - thủy sản nước ngọt, cây ăn trái (cây có múi) và mía.
- Tiểu vùng bán đảo Cà Mau: Thế mạnh là nuôi trồng thủy sản, trồng rừng và sản xuất muối trong khu vực ảnh hưởng mặn; sản xuất lúa, cây ăn trái và mía trong khu vực ngọt hóa. Hướng chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất chính là ổn định diện tích sản xuất muối; tăng diện tích nuôi trồng thủy sản và rừng ngập mặn; ổn định diện tích lúa 2-3 vụ và mía; tăng diện tích lúa - tôm nước lợ và cây ăn trái.
- Tiểu vùng cửa sông ven biển Đông: Thế mạnh là sản xuất lúa, cây ăn trái và mía trong khu vực ngọt hóa, nuôi trồng thủy sản và trồng rừng ngập mặn. Hướng chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất chính là ổn định diện tích lúa 2-3 vụ, cây ăn trái và mía, tăng diện tích lúa - tôm nước lợ trong khu vực ngọt hóa; tăng diện tích nuôi trồng thủy sản và rừng ngập mặn ven biển.
2. Quy hoạch các sản phẩm chủ lực
a) Trồng trọt
- Lúa: Sử dụng linh hoạt, hiệu quả quỹ đất lúa; tăng diện tích luân canh lúa - màu (ở vụ xuân hè) và lúa - thủy sản (ở vụ hè thu); thực hiện xả lũ luân phiên trên diện tích lúa vụ thu đông có hệ thống đê bao an toàn trong vùng ngập lũ. Giảm diện tích gieo trồng lúa đến năm 2020 còn khoảng 4 triệu ha, sản lượng lúa đạt khoảng 24 - 24,5 triệu tấn. Đến năm 2030, diện tích gieo trồng lúa còn khoảng 3,8 - 3,9 triệu ha, sản lượng lúa đạt khoảng 23 - 24 triệu tấn. Giải pháp chủ yếu tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo:
+ Áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh tiên tiến, trọng tâm là cấp I hóa sản xuất giống lúa để nâng tỉ lệ diện tích sử dụng giống lúa xác nhận hoặc tương đương đến năm 2020 đạt trên 80%; tăng diện tích các cây màu (ngô, đậu tương, mè...) trên đất trồng lúa, nhất là trong vụ Xuân hè và Hè thu; chuyển nhanh cơ cấu 3 vụ lúa Đông xuân - Xuân hè - Hè thu sang cơ cấu Đông xuân - Hè thu - Thu đông trong các vùng ngọt hóa, không ngập và ngập nông; thực hiện xả lũ luân phiên trên đất 3 vụ lúa trong vùng ngập trung bình và ngập sâu kiểm soát lũ cả năm; đẩy mạnh cơ giới hóa và công nghệ sau thu hoạch để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành.
+ Xây dựng các vùng tập trung, các cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô khoảng 1,2 triệu ha gắn với các nhà máy chế biến lúa gạo xuất khẩu; trong đó, có 60% diện tích sử dụng các giống chất lượng cao, 40% giống chất lượng trung bình.
+ Đầu tư nâng cấp hệ thống chế biến, kho chứa sử dụng công nghệ tiên tiến, đưa tỷ lệ gạo thu hồi trên 68%, giảm tổn thất sau thu hoạch lúa còn 5-6%, cải thiện chất lượng gạo xuất khẩu, tăng 10 - 15% giá trị gia tăng của gạo xuất khẩu so với hiện nay.
- Ngô: Mở rộng diện tích gieo trồng ngô trên những vùng có điều kiện thuận lợi, trước hết là trên những chân đất vàn, vàn cao, trên đất lúa vụ xuân hè và vụ hè thu, tiến tới hình thành các vùng liên kết sản xuất tập trung giữa nông dân với các công ty thu mua và nhà máy chế biến. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích gieo trồng ngô đạt 100 nghìn ha, sản lượng đạt 700 nghìn tấn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc và thức ăn thủy sản.
- Rau các loại: Xây dựng các vùng rau chuyên canh và các vùng rau luân canh ứng dụng quy trình sản xuất rau sạch, tập trung vào các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến rau quả, vùng rau truyền thống, ven đô thị và khu công nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện quy trình thâm canh rau theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người sản xuất và người tiêu dùng. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích rau các loại đạt 333 nghìn ha, sản lượng đạt 6 triệu tấn.
- Mía đường: Ổn định diện tích các vùng nguyên liệu mía tập trung, với diện tích 52 - 55 nghìn ha và sản lượng 5,3 triệu tấn để phục vụ các nhà máy đường hiện có, đáp ứng yêu cầu nâng công suất ép mía của các nhà máy lên khoảng 28 nghìn tấn mía cây/ngày vào năm 2020. Tập trung cải tạo giống mía để nâng cao năng suất và chữ đường; tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân trong sản xuất, thu mua mía nguyên liệu.
- Đậu tương: Dự kiến đến năm 2020 đạt 30 nghìn ha, chủ yếu trên đất trồng lúa ở vụ Xuân hè và vụ Đông xuân, sản lượng đạt 90 nghìn tấn. Tập trung cải thiện chất lượng giống theo hướng năng suất cao, kháng sâu bệnh, thích hợp trên chân ruộng ướt, xây dựng các vùng sản xuất tập trung gắn với nhà máy chế biến.
- Dừa: Diện tích bố trí khoảng 123,3 nghìn ha và sản lượng đạt 1 triệu tấn; tập trung cải tạo vườn tạp và vườn dừa già cỗi, trồng thay thế bằng các giống mới có năng suất cao; nhân rộng các mô hình trồng xen dừa + ca cao, dừa + cây ăn quả, dừa + nuôi trồng thủy sản..., áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh thích hợp.
- Cây ăn quả: Dự kiến diện tích năm 2020 tăng lên trên 300 nghìn ha và sản lượng đạt 3.872 nghìn tấn; trong đó, riêng vùng trồng tập trung 9 nhóm cây ăn quả chủ lực: cây có múi (cam, quýt, bưởi), xoài, sầu riêng, vú sữa, thanh long, dứa, chuối, nhãn, chôm chôm khoảng 185 nghìn ha. Mỗi tỉnh phát triển 2 - 3 loại cây ăn quả chủ lực có lợi thế theo vùng tập trung, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; áp dụng các biện pháp rải vụ để nâng cao giá bán cũng như các biện pháp bảo quản tiên tiến để giảm tổn thất sau thu hoạch.
Xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường cho các sản phẩm cây ăn quả chủ lực có khả năng xuất khẩu là bưởi, xoài, vú sữa, thanh long, dứa và chuối. Đầu tư xây dựng thêm một số nhà máy chế biến trái cây với công nghệ hiện đại ở các tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng.
b) Chăn nuôi
- Chuyển nhanh từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư sang chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại nằm ngoài khu dân cư; khuyến khích, hỗ trợ người nuôi ứng dụng kỹ thuật và công nghệ nuôi tiên tiến, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng hiệu quả; tăng cường kiểm soát dịch bệnh, chất lượng và giá cả thức ăn, thuốc thú y, xử lý môi trường trong chăn nuôi.
- Ưu tiên phát triển đàn gà, nhất là gà lông màu và đàn lợn theo phương thức công nghiệp; khôi phục đàn vịt nuôi chạy đồng có kiểm soát, phát triển đàn vịt siêu thịt, siêu trứng theo phương thức nuôi nhốt; tận dụng điều kiện phù hợp của từng vùng, từng địa phương để phát triển đàn bò thịt, đàn trâu và các loại vật nuôi đặc sản. Mục tiêu đến năm 2020, đàn lợn đạt 6 triệu con, đàn gà đạt 49 triệu con, đàn vịt và gia cầm khác đạt 40 triệu con, đàn bò đạt 822,5 nghìn con, đàn trâu đạt 62 nghìn con. Sản lượng thịt các loại đến năm 2020 đạt 1.293 nghìn tấn, trứng gia cầm 2.640 triệu quả.
- Khuyến khích phát triển hệ thống cơ sở giết mổ tập trung; nâng cấp các nhà máy chế biến hiện có và xây dựng thêm nhà máy chế biến sản phẩm chăn nuôi mới có công nghệ hiện đại và sản phẩm đa dạng; xây dựng thêm nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi trong vùng, giảm chi phí vận chuyển thức ăn, hạ giá thành chăn nuôi.
- Tiếp tục đầu tư xây dựng các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ về chăn nuôi tại các địa phương trong vùng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý dịch bệnh, đảm bảo cho ngành chăn nuôi an toàn, phát triển bền vững.
c) Lâm nghiệp
- Trồng, chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích rừng và cây lâm nghiệp phân tán, nhất là rừng phòng hộ chắn sóng ở các khu vực bị xói lở ven biển và các vùng bãi bồi; củng cố, bảo vệ các khu rừng đặc dụng; phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng tràm; cải thiện cấu trúc rừng trồng để nâng cao độ che phủ và khả năng phòng hộ; đa dạng mô hình canh tác nông - lâm - ngư kết hợp trên đất trồng rừng sản xuất nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống người làm nghề rừng.
- Đất lâm nghiệp bố trí đến năm 2020 là 330,5 nghìn ha, tăng 19,8 nghìn ha; trong đó, rừng sản xuất 158,7 nghìn ha, rừng phòng hộ 95,3 nghìn ha, rừng đặc dụng 76,5 nghìn ha.
- Từ nay đến năm 2020, trồng rừng tập trung 172 nghìn ha (trong đó, 28 nghìn ha trồng mới trên đất chưa có rừng, còn lại là trồng mới rừng sản xuất sau khai thác); khoanh nuôi và tu bổ rừng 26 nghìn ha, trong đó trên vùng bãi bồi ven biển 11 nghìn ha; trồng 575 triệu cây phân tán trên bờ kênh mương, bờ bao, đê biển, đường giao thông, trong khuôn viên công sở, trường học, bệnh viện, quanh nhà...; khai thác 7,5 triệu m3 gỗ các loại và 38,5 triệu stere củi.
- Rà soát, củng cố và nâng cấp các cơ sở chế biến lâm sản quy mô vừa và nhỏ; khuyến khích xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ trong các khu, cụm công nghiệp, chủ yếu là chế biến ván ép và bột giấy.
d) Thủy sản
- Nuôi trồng thủy sản:
Quy hoạch vùng nuôi, đối tượng nuôi, điều chỉnh phương thức nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái, xu hướng tác động của biến đổi khí hậu cũng như nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Tập trung đầu tư xây dựng các vùng nuôi tập trung thâm canh có hệ thống hạ tầng đồng bộ phù hợp với các đối tượng nuôi chủ lực là cá tra, tôm sú, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể…, tiến tới nuôi các loài cá biển, trai biển, rong biển gắn với các nhà máy chế biến thủy sản để chủ động sản lượng, nâng cao chất lượng và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 đạt 812 nghìn ha, gồm: Nuôi nước mặn lợ 636 nghìn ha, trong đó nuôi tôm 571 nghìn ha; nuôi nước ngọt 176 nghìn ha, trong đó nuôi cá tra 10 nghìn ha. Sản lượng thủy sản nuôi năm 2020 đạt khoảng 3 triệu tấn, gồm: Cá 2,1 triệu tấn, trong đó cá tra 1,8 triệu tấn; tôm 578 nghìn tấn, trong đó tôm nước lợ 521 nghìn tấn; và thủy sản khác 305 nghìn tấn.
Chuyển nhanh các mô hình nuôi quảng canh, sang các mô hình nuôi quảng canh cải tiến hoặc quảng canh cải tiến kết hợp, áp dụng kỹ thuật cao hơn để tăng năng suất, sản lượng và bảo vệ môi trường. Chuyển một phần diện tích nuôi quảng canh sang nuôi bán thâm canh và thâm canh quy mô công nghiệp ở những nơi có điều kiện thuận lợi, áp dụng công nghệ nuôi và xử lý môi trường tiên tiến, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn sinh học (GAP, BMP, CoC).
Đến năm 2030, dự kiến diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 730 nghìn ha; sản lượng thủy sản nuôi đạt khoảng 3,7 triệu tấn.
- Khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản:
Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, điều tra nguồn lợi và dự báo ngư trường khai thác hải sản; tổ chức lại đội tàu khai thác xa bờ, cảng và bến cá, khu neo đậu phòng tránh trú bão, khu hậu cần dịch vụ nghề cá ven biển và trên các đảo theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ chủ quyền trên biển; xây dựng và phát triển các khu bảo tồn biển và bảo tồn vùng nước nội địa theo quy hoạch. Đến năm 2020, toàn vùng có 7 nghìn tàu cá công suất trên 90 CV, sản lượng khai thác đạt khoảng 490 nghìn tấn.
Đến năm 2030, dự kiến toàn vùng có 7500 tầu cá công suất trên 90 CV, sản lượng khai thác khoảng 510 nghìn tấn.
- Chế biến thủy sản:
Ổn định số lượng nhà máy, đầu tư nâng cấp thiết bị chế biến và hệ thống kho lạnh theo hướng hiện đại, nâng công suất sử dụng lên trên 70% so với 40 - 50% như hiện nay nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng.
- Ổn định địa bàn sản xuất muối tập trung, chuyển nhanh từ phương thức làm muối truyền thống sang phương thức sản xuất muối sạch áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng.
- Diện tích muối dự kiến đến năm 2020 là 4,6 nghìn ha, năng suất bình quân đạt trên 70 tấn/ha và sản lượng đạt trên 320 nghìn tấn, trong đó có 60 - 70% là muối sạch.
3. Phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn
a) Phát triển ngành nghề nông thôn
- Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu, nguồn lao động có tay nghề tại mỗi địa phương; đổi mới quy trình công nghệ và nâng cấp trang thiết bị; đẩy mạnh phát triển các ngành nghề truyền thống, từng bước mở rộng; các ngành nghề mới ở khu vực nông thôn; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng nông thôn mới.
- Dự kiến đến năm 2020, toàn vùng có khoảng 160,7 nghìn cơ sở ngành nghề nông thôn, sử dụng 505,2 nghìn lao động, chiếm 6% lao động nông thôn. Các nhóm ngành nghề nông thôn tập trung phát triển là chế biến và bảo quản nông lâm thủy sản 55 nghìn cơ sở, sử dụng 196,1 nghìn lao động; sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, dệt may, cơ khí 25,7 nghìn cơ sở, sử dụng 77,9 nghìn lao động; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và đan lát 34,5 nghìn cơ sở, sử dụng 100 nghìn lao động; sản xuất giống và kinh doanh sinh vật cảnh 9 nghìn cơ sở, sử dụng 31,3 nghìn lao động; dịch vụ nông thôn 36,5 nghìn cơ sở, sử dụng 99,8 nghìn lao động...
b) Phát triển làng nghề nông thôn
- Ưu tiên giữ gìn và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường và phát triển dịch vụ du lịch ở khu vực nông thôn, phát triển thêm các làng nghề mới; chú trọng các biện pháp quản lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là ở các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm.
- Dự kiến đến năm 2020, toàn vùng có 285 làng nghề với 101,4 nghìn cơ sở và sử dụng 280,2 nghìn lao động, chiếm 55,5% lao động ngành nghề nông thôn. Các làng nghề truyền thống có số lượng cơ sở sản xuất lớn được chú trọng phát triển là chế biến thủy hải sản, đóng ghe thuyền, sản xuất bún bánh, sản xuất vật liệu xây dựng, hoa và cây cảnh, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình, cói, lác...
4. Phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
a) Thủy li
Đầu tư thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông lâm thủy sản; bảo vệ dân cư; cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Nâng cấp, hoàn chỉnh hệ thống đê biển và đê sông thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước xây dựng hệ thống công trình tại một số cửa sông lớn, trước hết là cóng Cái Lớn - Cái Bé. Nâng cấp và làm mới các công trình chậm lũ, thoát lũ, dẫn nước, tiêu nước, trữ nước trên sông và kênh rạch ở các vùng, đặc biệt là vùng ven biển. Đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi nội đồng, trạm bơm điện vừa và nhỏ; hỗ trợ áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi. Giải pháp công trình cụ thể đối với các tiểu vùng như sau:
- Tiểu vùng Đồng Tháp mười: Đầu tư hệ thống bờ bao hoàn chỉnh và hệ thống đê ngăn lũ, triều cường dọc sông; nạo vét, mở rộng hệ thống kênh ngang để tăng cấp nước từ sông Tiền sang sông Vàm Cỏ; chủ động trữ nước, kiểm soát mặn trên sông Vàm Cỏ bằng công trình; đầu tư công trình chuyển nước ngọt bổ sung cho dự án Bảo Định và dự án Gò Công.
- Tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên: Hoàn thiện hệ thống công trình kiểm soát lũ biên giới, ngăn mặn ven biển Tây, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản Tứ giác Long xuyên và Tây đường tránh thành phố Long Xuyên; xây dựng cụm công trình trong vùng, gồm: nâng cấp, sửa chữa một số hồ chứa, xây dựng một số đê bao, Cống đầu kênh, cuối kênh, nạo vét, mở rộng một số kênh trục...
- Tiểu vùng giữa sông Tiền - sông Hậu: Hoàn thiện hệ thống công trình kiểm soát lũ; nạo vét, mở rộng các kênh nối sông Tiền và sông Hậu.
- Tiểu vùng tây sông Hậu: Nạo vét, mở rộng các kênh trục nối từ sông Hậu vào nội đồng; xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé.
- Tiểu vùng bán đảo Cà Mau: Hoàn thiện hệ thống công trình đê biển, đê cửa sông, công trình phân ranh mặn ngọt, nâng cấp hệ thống cống dọc Quốc lộ I; nạo vét, mở mới hệ thống kênh rạch trong vùng; nghiên cứu giải pháp bổ sung nước ngọt cho các vùng nuôi tôm; hoàn thiện quy trình điều tiết nước và rửa mặn.
- Tiểu vùng cửa sông ven biển Đông: Nâng cấp đê dọc sông Tiền, sông Hậu; đầu tư hoàn chỉnh hệ thống công trình Ba Lai; hoàn chỉnh hệ thống đê biển, đê sông.
b) Thủy sản
Quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng sản xuất cho các vùng nuôi; bao gồm, đê bao, kênh cấp và thoát nước cấp I, cống và trạm bơm lớn. Đầu tư các Trung tâm quan trắc và cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản chủ lực. Đầu tư hệ thống các khu neo đậu tránh trú bão, bao gồm cả cấp vùng và địa phương theo quy hoạch được duyệt; nâng cấp, mở rộng và xây mới hệ thống các cảng cá và cơ sở hậu cần thiết yếu đảm bảo cho hoạt động nghề cá tại ngư trường trọng điểm.
c) Cấp nước sinh hoạt nông thôn
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; khuyến khích tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư xây dựng các trạm cấp nước tập trung vừa và nhỏ theo hình thức đối tác công tư, hợp tác công tư.
Mục tiêu đến năm 2020, 100 % dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
d) Btrí, sắp xếp dân cư và bảo vệ môi trường nông thôn
Bố trí, sắp xếp dân cư nông thôn theo cụm và tuyến tập trung phù hợp với điều kiện sinh thái và tập quán sinh sống của người dân trên từng tiểu vùng; đảm bảo kết nối thôn, ấp đến thị trấn, trung tâm tỉnh và thành phố; từng bước phát triển các cụm dân cư nông thôn tương tự như khu đô thị; hỗ trợ các hộ tái định cư việc làm để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống lâu dài.
Kiểm soát chặt chẽ, xử lý có hiệu quả nguồn rác thải, chất thải từ sinh hoạt, từ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và từ ngành nghề thủ công truyền thống áp dụng công nghệ thấp nhằm cải thiện cảnh quan và hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn.
e) Các công trình hạ tầng xã hội nông thôn khác
Tiếp tục đầu tư phát triển các công trình hạ tầng xã hội khác trên địa bàn nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long như giao thông, điện, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, bưu chính, chợ, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn ấp... theo các quy hoạch chuyên ngành nhằm mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới trên 50% và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YU
1. Công tác quy hoạch và qun lý quy hoạch, kế hoạch
Trên cơ sở phương án quy hoạch toàn vùng, các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất ngành, lĩnh vực và các sản phẩm chủ lực. Phương án quy hoạch cần gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch toàn vùng với quy hoạch của từng địa phương, giữa quy hoạch tổng thể và quy hoạch các tiểu ngành, các sản phẩm chủ lực... Khi được duyệt, phương án quy hoạch cần được công khai và kiểm tra, giám sát thường xuyên.
2. Tiếp tục đi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất
Tiếp tục sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực sản xuất nông lâm thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Xây dựng cơ chế chính sách và tạo điều kiện về thể chế để nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng đất, bao gồm cả việc thay đổi cây trồng trên đất lúa nhưng không làm mất đi năng lực sản xuất lúa về lâu dài.
- Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, đổi mới cách thức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân nâng cao nhận thức về kinh tế hợp tác; thực thi chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, nhóm kinh tế tự nguyện tham gia vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, ngành nghề nông thôn; nâng cao năng lực tổ chức, quản lý, hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ đầu vào, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích xã viên đóng góp vốn và tạo thuận lợi cho các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả được vay vốn tín dụng để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
- Khuyến khích phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp; hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế đối với các trang trại, doanh nghiệp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc ít người.
- Hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng mở rộng quy mô ruộng đất, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, từng bước phát triển ngành nghề dịch vụ nông thôn để tăng thu nhập.
- Tổng kết, đánh giá, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả như mô hình cánh đồng lớn; mô hình liên kết nuôi cá tra và nuôi tôm công nghiệp phục vụ chế biến xuất khẩu; mô hình sản xuất đạt chất lượng sản phẩm cao, an toàn thực phẩm; mô hình chăn nuôi gia công... Lấy mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn là mô hình trọng tâm về đổi mới tổ chức sản xuất trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
3. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường
- Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các biện pháp củng cố, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản. Tăng cường áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu, tạo điều kiện xuất khẩu hàng hóa nông sản đi các nước.
- Phát triển hệ thống thông tin thị trường và nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm xúc tiến thương mại từ Trung ương xuống địa phương, sử dụng có hiệu quả nguồn lực Chương trình xúc tiến thương mại.
- Đa dạng hóa hệ thống thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thu mua nông sản thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực chế biến, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực theo hướng hiện đại.
- Các địa phương lựa chọn các sản phẩm chủ lực để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tổ chức quảng bá sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước; tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản xuất khẩu xây dựng hệ thống phân phối, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, liên kết với các nhà phân phối và bán lẻ hàng hóa.
- Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, nhất là trong xúc tiến thương mại, đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu.... Thường xuyên tổ chức các hội chợ, triển lãm nông, lâm, thủy sản tại các tỉnh thuộc Vùng; tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh, chế biến nông, lâm, thủy sản tham gia các hội chợ thường niên tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong cả nước.
- Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm hoạt động buôn lậu, gian lận trong thương mại hàng nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp.
4. Đổi mới công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ
- Tập trung nguồn lực nghiên cứu, sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích hợp với từng tiểu vùng sinh thái khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ưu tiên giống lúa phục vụ xuất khẩu, các giống cây ăn quả, giống tôm, cá tra... Mỗi giống mới cần nghiên cứu quy trình kỹ thuật thâm canh phù hợp trong từng điều kiện sản xuất cụ thể.
- Khuyến khích, hỗ trợ nông dân sử dụng các giống mới và áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến; áp dụng các mô hình sản xuất nông-lâm-thủy sản kết hợp, mô hình canh tác an toàn sinh học cho tất cả các cây trồng, vật nuôi.
- Khuyến khích đầu tư, phát triển khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu, từ làm đất đến gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.
5. Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Chiến lược Phát triển nguồn nhân lực đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chiến lược phát triển nhân lực ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
- Xác định số lượng lao động, cơ cấu ngành nghề và trình độ cần đào tạo của từng địa phương để xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của vùng. Từng bước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Đẩy mạnh xã hội hóa các hình thức đào tạo; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn tham gia tập huấn, dạy nghề cho nông dân.
- Triển khai có hiệu quả Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Gắn đào tạo nghề với hỗ trợ tạo việc làm sau khi học nghề, đào tạo nghề theo yêu cầu của các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
6. Huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư
- Tổ chức thường niên, có hiệu quả diễn đàn hợp tác đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm mở rộng hợp tác và thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài nước phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Tiếp tục đầu tư từ ngân sách cho công tác thủy lợi, nước sạch sinh hoạt, xây dựng cụm tuyến dân cư; nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ; đào tạo nhân lực...
- Huy động nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là nguồn vốn vay trung và dài hạn phù hợp với chu kỳ sản xuất sản xuất kinh doanh của từng đối tượng; hỗ trợ mua sắm máy móc nông nghiệp, xây dựng nhà máy chế biến, kho chứa và chợ nông thôn. Mở rộng các hình thức vay không thế chấp, vay bảo hiểm, vay dưới hình thức cho thuê tài chính đối với doanh nghiệp và hợp tác xã...
- Phát triển đối tác công tư, hợp tác công tư, nhà nước tham gia đầu tư cùng doanh nghiệp xây dựng và vận hành các công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.
- Khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài trên cơ sở hoàn thiện danh mục các dự án ưu tiên; đơn giản hóa thủ tục quản lý đầu tư, thủ tục giao và cho thuê đất, thủ tục miễn giảm thuế và tiền thuê đất.
7. Hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng
- Tuyên truyền phổ biến sâu rộng về tác động của biến đổi khí hậu đến toàn thể cộng đồng dân cư trong vùng để tự giác, chủ động phòng chống.
- Xây dựng hệ thống tổ chức chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng từ tỉnh, thành phố xuống đến phường, xã, thị trấn; trong đó, có kế hoạch hành động chi tiết để ứng phó chủ động, giảm thiểu thiệt hại.
- Lắp đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với nông nghiệp, nông thôn ở những khu vực nhạy cảm thuộc vùng ven biển, cửa sông.
- Từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, hoàn chỉnh hệ thống đê biển, đê sông, hệ thống cống điều tiết và các hạ tầng kỹ thuật cần thiết khác phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo đời sống của nhân dân.
Các địa phương dự báo, xác định rõ mức độ, khu vực có thể chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể ứng phó phù hợp. Ưu tiên triển khai các giải pháp phi công trình ứng phó với biến đổi khí hậu theo Quyết định số 1397/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu.
V. TCHỨC THỰC HIỆN
1. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng chương trình, dự án, đề án và các giải pháp triển khai thực hiện quy hoạch.
- Hướng dẫn các địa phương rà soát, bổ sung, xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, thực hiện quy hoạch.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu.
2. Các Bộ ngành Trung ương: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương trong vùng thực hiện phương án quy hoạch.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tnh:
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng phương án quy hoạch nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020 trong điều kiện biến đổi khí hậu và tổ chức thực hiện khi quy hoạch được duyệt.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các xã, thị trấn xây dựng phương án sản xuất nông lâm thủy sản trong điều kiện biến đổi khí hậu đồng thời với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Đề xuất các chương trình, dự án triển khai thực hiện phương án quy hoạch trên địa bàn trình cấp có thẩm quyền.
Điều 2. Điều khoản thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
 

 Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (để b/cáo);
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ NN&PTNT;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ KHĐT và các Bộ, ngành liên quan;
- Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ;
- UBND, Sở NN và PTNT các tỉnh, TP vùng ĐBSCL;
- Website Bộ NN & PTNT;
- Lưu: VT, KH.
BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiển thị:
download Văn bản gốc có dấu (PDF)
download Văn bản gốc (Word)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

×
×
×
Vui lòng đợi