Hiệp định đối tác chiến lược lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Nga
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Hiệp định
Cơ quan ban hành: | Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chính phủ Liên bang Nga | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đang cập nhật |
Số hiệu: | Không số | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Hiệp định | Người ký: | Nguyễn Quân; D.V.Livanov |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 25/11/2014 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Ngoại giao, Khoa học-Công nghệ |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Hiệp định Không số
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ LIÊN BANG NGA VỀ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga, sau đây gọi là các Bên,
Nhằm phát triển Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga ngày 27 tháng 7 năm 2012 và Tuyên bố chung về tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga ngày 12 tháng 11 năm 2013, trong đó khẳng định sự cần thiết mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ,
Căn cứ Thông cáo chung về chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ngày 15 tháng 5 năm 2013, khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ, nâng quan hệ song phương trong các lĩnh vực này lên tầm chiến lược,
Lưu ý đến điều khoản của Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác khoa học-công nghệ (ký ngày 31 tháng 7 năm 1992), Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam (ký ngày 31 tháng 10 năm 2010), Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân tại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ký ngày 21 tháng 11 năm 2011), Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình (ký ngày 7 tháng 11 năm 2012),
Cùng chia sẻ nhận thức về vai trò nền tảng của giáo dục, khoa học và công nghệ, là động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của hai nước,
Cùng thống nhất nâng mối quan hệ trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ lên tầm chiến lược,
và thỏa thuận như sau:
Điều 1
Mục đích của Hiệp định này là tạo cơ sở pháp lý và tổ chức thỏa đáng để phát triển mọi mặt mối quan hệ hợp tác song phương, quan hệ đối tác toàn diện lâu dài cùng có lợi trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ
Điều 2
Để thực hiện Hiệp định này, các Bên ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực sau:
- Giáo dục
- Khoa học về sự sống, bao gồm công nghệ sinh học, công nghệ y-dược;
- Công nghệ vật liệu mới, trong đó có vật liệu nano;
- Công nghệ vũ trụ;
- Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bao gồm nghiên cứu biển;
- Công nghệ tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, bao gồm cả năng lượng tái tạo, năng lượng nguyên tử, công nghệ dầu khí và than;
- Công nghệ chế biến nông sản, thực phẩm;
- Công nghệ chế tạo máy, công nghiệp đóng tàu;
- Nghiên cứu cơ bản;
- Khoa học xã hội;
- Các lĩnh vực khác mà hai Bên cùng quan tâm.
Điều 3
Hợp tác trong các lĩnh vực quy định tại Điều 2 Hiệp định này có thể được tiến hành theo các hình thức sau:
1. Hình thành các nhóm nghiên cứu chung trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác để thực hiện một cách đồng bộ các dự án chung trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
2. Xây dựng và vận hành các phòng thí nghiệm chung đạt tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở sử dụng, nâng cấp các phòng thí nghiệm trọng điểm hiện có, đảm bảo phục vụ có hiệu quả các dự án chung quy mô lớn trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác.
3. Xây dựng và triển khai các chương trình, dự án hợp tác phát triển và hoàn thiện sản xuất công nghệ cao nhằm hướng đến thị trường, các chương trình nghiên cứu trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác. Tổ chức các ngày hội khoa học và giáo dục, triển lãm và các hình thức khác để đẩy mạnh và phổ biến giáo dục, khoa học và công nghệ.
4. Hỗ trợ các tổ chức công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam và Liên bang Nga xây dựng các chương trình giáo dục trung học, đại học và nâng cao nghiệp vụ, tăng cường trao đổi sinh viên và giảng viên, đào tạo từ xa, trao đổi học liệu, giáo trình trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác.
5. Thành lập các trung tâm nghiên cứu xuất sắc tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên hợp tác tại các cơ sở giáo dục, các tổ chức khoa học và công nghệ hàng đầu của Việt Nam.
6. Tổ chức các cuộc thi Olympic chung cho học sinh phổ thông, sinh viên nhằm lựa chọn các tài năng để tiếp tục phát triển, phục vụ trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác.
7. Tạo các điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp Nga có dự án đầu tư tại Việt Nam, tham gia vào việc đào tạo cán bộ tại các cơ sở đào tạo đại học của Việt Nam, nhằm tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và trường đại học và để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động.
8. Tăng cường các mối liên hệ trực tiếp giữa các tổ chức giáo dục, tổ chức khoa học và công nghệ của hai nước.
9. Hỗ trợ các tổ chức công lập trong lĩnh vực giáo dục của Liên bang Nga và Việt Nam trong việc xây dựng các chương trình giáo dục để dạy tiếng Nga ở tất cả các trình độ đào tạo, bao gồm cả việc ứng dụng các công nghệ hiện đại trong đào tạo từ xa, nâng cấp các bộ môn, khoa tiếng Nga trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Thành lập các nhóm chuyên gia hỗn hợp Việt-Nga để xây dựng lại chương trình học và biên soạn lại giáo trình học tiếng Nga ở tất cả các bậc học.
10. Hai bên phối hợp để thành lập tại Việt Nam Trung tâm tiếng Nga cho khu vực Đông Nam Á trên cơ sở các tổ chức đào tạo tiếng Nga công lập hiện có của Việt Nam, và thu hút chuyên gia Nga sang làm việc tại Trung tâm này.
Điều 4
Phía Liên bang Nga, trên tinh thần hợp tác, từng bước tăng số lượng công dân Việt Nam hàng năm được nhận đào tạo và bồi dưỡng tại các tổ chức giáo dục đại học của Liên bang Nga lên 1000 (một nghìn) người đến năm 2020 trong khuôn khổ hạn ngạch đào tạo của Chính phủ Liên bang Nga đối với công dân nước ngoài và người không mang quốc tịch.
Điều 5
Hợp tác theo Hiệp định này được thực hiện phù hợp với luật pháp của hai nước, theo các điều ước quốc tế mà hai nước là thành viên.
Các quy định của Hiệp định này không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của mỗi Bên tại các điều ước quốc tế khác mà nước đó là thành viên.
Điều 6
1. Các cơ quan được ủy quyền chịu trách nhiệm thực hiện Hiệp định này:
Phía Việt Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
Phía Liên bang Nga - Bộ Giáo dục và Khoa học Liên bang Nga.
2. Để thực hiện Hiệp định này, các Bên thành lập Ủy ban Việt Nam - Nga về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ (sau đây gọi là Ủy ban). Ủy ban này sẽ thay thế và thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban hợp tác khoa học-công nghệ thành lập theo Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác khoa học- công nghệ (ký ngày 31 tháng 7 năm 1992).
3. Chủ tịch Phân ban của mỗi nước là người có chức vụ ở cấp phó thủ trưởng cơ quan được ủy quyền.
4. Thành phần Ủy ban gồm có đại diện của các bộ, ngành liên quan, các tổ chức giáo dục, khoa học, các quỹ phát triển khoa học và công nghệ và các tổ chức khác có liên quan đến thực hiện Hiệp định này.
5. Nhiệm vụ của Ủy ban:
- Kiến nghị cho các Bên về việc thực hiện Hiệp định này, trong đó có cả những đề xuất về các hoạt động chung phải được thực hiện trong khuôn khổ Hiệp định;
- Đưa ra các biện pháp kịp thời nhằm triển khai và nâng cao hiệu quả hợp tác theo Hiệp định này;
- Phân tích, đánh giá kết quả hợp tác được thực hiện theo Hiệp định này;
- Xác định các nội dung hợp tác cần ưu tiên thực hiện trong từng giai đoạn trên cơ sở nhu cầu của mỗi Bên;
- Điều phối các hoạt động hợp tác và hỗ trợ các đơn vị triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này;
- Trao đổi thông tin và kinh nghiệm về các chính sách giáo dục, khoa học và công nghệ;
- Thảo luận các vấn đề khác liên quan đến thực hiện Hiệp định này;
6. Ủy ban tiến hành họp thường kỳ luân phiên tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga theo thời gian được thỏa thuận trước.
7. Để thực hiện các hoạt động chung, các Bên có thể thu hút các nguồn tài chính của mình cũng như nguồn từ các tổ chức và quỹ quốc tế.
Điều 7
1. Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
2. Hiệp định này có hiệu lực trong thời hạn năm năm và sẽ tự động được gia hạn cho các giai đoạn năm năm tiếp theo, nếu một trong các Bên không thông báo bằng văn bản theo kênh ngoại giao cho Bên kia về ý định chấm dứt hiệu lực Hiệp định ít nhất sáu tháng trước khi kết thúc mỗi giai đoạn hiệu lực của Hiệp định.
3. Việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này không dẫn tới việc ngừng thực hiện các dự án, chương trình trong khuôn khổ của Hiệp định này mà được bắt đầu trong thời gian Hiệp định có hiệu lực và chưa được hoàn thành tại thời điểm Hiệp định chấm dứt hiệu lực.
4. Các bất đồng nảy sinh liên quan đến việc giải thích hoặc thực hiện Hiệp định này sẽ được các Bên giải quyết thông qua tham vấn hoặc đàm phán.
5. Hiệp định này có thể được bổ sung, sửa đổi theo thỏa thuận bằng văn bản của các Bên.
Ký ngày 25 tháng 11 năm 2014 tại Sochi thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Nga, các văn bản có hiệu lực như nhau.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ |
THAY MẶT CHÍNH PHỦ |