Nghị quyết 08/2002/QH11 của Quốc hội ban hành Quy chế hoạt động của Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Nghị quyết 08/2002/QH11
Cơ quan ban hành: | Quốc hội | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 08/2002/QH11 | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Nghị quyết | Người ký: | Nguyễn Văn An |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 16/12/2002 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Nghị quyết 08/2002/QH11
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
QUỐC HỘI Số: 08/2002/QH11 |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2002 |
NGHỊ QUYẾT
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
********
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Luật tổ chức Quốc hội;
Căn cứ vào Tờ trình của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và ý kiến của đại biểu Quốc hội;
QUYẾT NGHỊ
1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.
2. Quy chế này thay thế Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội đã được Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 14 tháng 7 năm 1993.
3. Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quy chế này.
|
Nguyễn Văn An (Đã ký) |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 08/2002/QH11 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ hai)
Chương 1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.
Nhiệm kỳ của đại biểu mỗi khoá Quốc hội bắt đầu từ kỳ họp thứ nhất của khoá Quốc hội đó đến kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá sau.
Đại biểu Quốc hội được bầu bổ sung bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu Quốc hội từ kỳ họp sau cuộc bầu cử bổ sung đến kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá sau.
Điều 2: Đại biểu Quốc hội tham gia quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội: lập hiến, lập pháp, quyết định những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân; tham gia thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Điều 3: Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình, gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thu thập và phản ánh đúng ý kiến của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan; định kỳ báo cáo với cử tri về hoạt động đại biểu của mình và của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật, động viên nhân dân và người thân trong gia đình chấp hành pháp luật, tham gia quản lý nhà nước.
Điều 4: Các đại biểu Quốc hội được bầu trong một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương hợp thành Đoàn đại biểu Quốc hội.
Đoàn đại biểu Quốc hội có đại biểu hoạt động chuyên trách.
Đoàn đại biểu Quốc hội có Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn.
Đại biểu Quốc hội trong Đoàn có nhiệm vụ thực hiện chương trình công tác và sự phân công của Đoàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Điều 5: Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại đoạn 1 Điều này có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.
Chương 2. HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Điều 6: Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội, chấp hành Nội quy kỳ họp Quốc hội, góp phần làm cho kỳ họp Quốc hội đạt hiệu quả cao.
Tại các kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tham gia các phiên họp toàn thể của Quốc hội, các cuộc họp Tổ, Đoàn đại biểu Quốc hội, các phiên họp của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội mà đại biểu là thành viên.
Trong trường hợp không thể tham gia kỳ họp Quốc hội, các phiên họp, các cuộc họp quy định tại Điều này thì đại biểu Quốc hội báo cáo theo quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Điều 7: Khi nhận được thông báo về thời gian họp, dự kiến chưương trình kỳ họp và các tài liệu của kỳ họp Quốc hội do Uỷ ban thường vụ Quốc hội gửi đến, đại biểu Quốc hội phải nghiên cứu tài liệu, tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội.
Điều 8: Đại biểu Quốc hội thảo luận, quyết định chương trình kỳ họp tại phiên họp trù bị, thảo luận, quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại các phiên họp toàn thể.
Điều 9: Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, kiến nghị về luật ra trước Quốc hội, dự án pháp lệnh ra trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo trình tự, thủ tục do Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định.
Điều 10: Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Người bị chất vấn có trách nhiệm trả lời về những vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn.
Trình tự, thủ tục chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội được thực hiện theo quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Trình tự, thủ tục chất vấn và trả lời chất vấn giữa hai kỳ họp Quốc hội được thực hiện theo quy định của Quy chế hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Điều 11: Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị với Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kiến nghị của đại biểu Quốc hội được gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội bằng văn bản và nêu rõ lý do bỏ phiếu tín nhiệm.
Điều 12:
1. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp xúc cử tri theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội. Trong trường hợp không thể tham gia tiếp xúc cử tri thì đại biểu Quốc hội báo cáo với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.
2. Đại biểu Quốc hội có thể tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc. Đại biểu Quốc hội liên hệ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc địa phương nơi cư trú hoặc Ban chấp hành Công đoàn nơi làm việc để tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri.
3. Uỷ ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc ViệtNam ban hành quy định về việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.
Điều 13: Mỗi năm một lần, kết hợp với việc tiếp xúc cử tri trong thời gian cuối năm, đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình.
Cử tri có thể trực tiếp hoặc thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc địa phương yêu cầu đại biểu báo cáo công tác và có thể nhận xét đối với việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội.
Ý kiến nhận xét của cử tri đối với đại biểu Quốc hội được Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Điều 14: Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp công dân. Khi nhận được kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người kiến nghị, khiếu nại, tố cáo biết; đôn đốc và theo dõi việc giải quyết. Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu người có thẩm quyền thông báo cho mình kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đó theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo không thoả đáng, đại biểu Quốc hội có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại. Khi cần thiết, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết. Nếu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó không giải quyết hoặc giải quyết không thoả đáng thì đại biểu Quốc hội báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Điều 15:
1. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc của công dân, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi trái pháp luật đó. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thông báo cho đại biểu Quốc hội biết việc giải quyết. Quá thời hạn nói trên mà cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị không trả lời hoặc giải quyết không thoả đáng thì đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị đó, đồng thời báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
2. Người nào cản trở đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 16: Khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu, đại biểu Quốc hội có quyền liên hệ với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân để được cung cấp thông tin về những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm; đề nghị xem xét giải quyết những vấn đề có liên quan đến việc thi hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân hoặc những vấn đề khác liên quan đến đời sống, kinh tế - xã hội của nhân dân địa phưương.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đó trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tiếp và đáp ứng yêu cầu của đại biểu Quốc hội. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều này không giải quyết hoặc giải quyết không thoả đáng thì đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết. Nếu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó không giải quyết hoặc giải quyết không thoả đáng thì đại biểu Quốc hội báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Điều 17: Đại biểu Quốc hội có quyền tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp nơi mình được bầu để nắm tình hình và tìm hiểu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; tham gia ý kiến vào các vấn đề quản lý nhà nước, những vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân địa phưương và những vấn đề khác mà đại biểu quan tâm; kiến nghị những biện pháp nhằm bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh pháp luật và quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên; giới thiệu, phổ biến pháp luật của Nhà nước và những nghị quyết của Quốc hội.
Thường trực Hội đồng nhân dân thông báo cho đại biểu Quốc hội biết ngày họp, nội dung, chương trình kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp mình, mời đại biểu tới dự và cung cấp tài liệu cần thiết cho đại biểu. Trong trường hợp không tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân được, thì đại biểu Quốc hội báo cho Thường trực hội đồng nhân dân biết.
Đại biểu Quốc hội có quyền tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân nơi đại biểu cưư trú hoặc nơi làm việc khi Hội đồng nhân dân bàn những vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Điều 18: Đại biểu Quốc hội là thành viên của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội có trách nhiệm tham gia các phiên họp, thảo luận, biểu quyết các vấn đề và tham gia các hoạt động khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội mà mình là thành viên.
Điều 19:
Đại biểu Quốc hội giữ mối liên hệ với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Khi cần thiết, đại biểu Quốc hội báo cáo tình hình và nêu các vấn đề mà đại biểu quan tâm với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Điều 20: Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, đồng thời thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan của Quốc hội mà mình là thành viên theo sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội.
Điều 21: Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, đồng thời thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Được Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội uỷ nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ quy định tại Điều 26 của Quy chế này;
2. Tham gia Đoàn công tác, Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội;
3. Được mời dự các hội nghị, lớp học, tập huấn theo chức danh lãnh đạo địa phương;
4. Được mời dự các cuộc họp thường kỳ của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cuộc tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Điều 22:
1. Khi đại biểu Quốc hội chuyển công tác tới địa phương khác thì chuyển sinh hoạt đến Đoàn đại biểu Quốc hội nơi mình nhận công tác.
2. Việc chuyển sinh hoạt Đoàn của đại biểu Quốc hội được tiến hành như sau:
a) Đại biểu Quốc hội gửi đơn đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi bầu ra mình và Đoàn đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đại biểu chuyển đến sinh hoạt;
b) Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định.
3. Quyết định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội được gửi đến đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đại biểu được bầu và nơi đại biểu chuyển đến sinh hoạt. Trường hợp đại biểu Quốc hội do Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu thì quyết định còn được gửi tới Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức thông báo cho cử tri ở đơn vị bầu cử nơi đại biểu được bầu và nơi đại biểu chuyển đến sinh hoạt.
Chương 3. HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Điều 23: Đoàn đại biểu Quốc hội căn cứ vào chưương trình hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, tình hình thực tế của địa phương và ý kiến của cử tri xây dựng chưương trình, kế hoạch hoạt động sáu tháng, cả năm của Đoàn; tạo điều kiện cho các đại biểu trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.
Điều 24: Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện những nhiệm vụ sau đây:
1. Phối hợp với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Thưường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ở địa phưương tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri;
2. Tổ chức việc tiếp công dân của đại biểu Quốc hội; tiếp nhận, chuyển đơn, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết; mời đại diện Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ở địa phương tham dự các buổi tiếp công dân của đại biểu Quốc hội; trong trường hợp cần thiết thì mời đại diện cơ quan hữu quan ở địa phương cùng tham dự để tiếp thu, xử lý những vấn đề liên quan;
3. Phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc ở địa phương tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác theo yêu cầu của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
4. Tổ chức để đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác, dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội;
5. Tổ chức để đại biểu Quốc hội giám sát việc thi hành pháp luật, đấu tranh chống tham nhũng; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của địa phương; khảo sát tình hình thực tế ở địa phương; góp ý với địa phương về việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; khi cần thiết, kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng;
6. Phân công đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham gia Đoàn công tác, Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội;
7. Tham gia ý kiến về việc giới thiệu đại biểu Quốc hội trong Đoàn ứng cử đại biểu Quốc hội khoá sau; phân công đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham gia Đoàn giám sát về việc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá sau, bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội ở địa phương;
8. Mỗi năm hai lần vào giữa năm và cuối năm, báo cáo với Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, đồng thời thông báo với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Điều 25: Đoàn đại biểu Quốc hội có thể mời đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị và chuyên gia về các lĩnh vực liên quan dự và tham gia ý kiến tại các cuộc họp Đoàn để thảo luận về dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác do Uỷ ban thường vụ Quốc hội gửi đến.
Điều 26:
1. Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn do Đoàn đại biểu Quốc hội bầu và được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
2. Trưưởng đoàn đại biểu Quốc hội có những nhiệm vụ sau đây:
a) Điều hành việc thực hiện những nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 24 của Quy chế này;
b) Chủ trì việc tổ chức để đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội và tham gia thực hiện nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội;
c) Chủ trì việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của Đoàn;
d) Triệu tập và chủ tọa các cuộc họp của Đoàn đại biểu Quốc hội;
đ) Giữ mối liên hệ với Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan ở trung ương;
e) Giữ mối liên hệ với đại biểu Quốc hội trong Đoàn, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan ở địa phương;
g) Chỉ đạo công tác Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và tổ chức việc thực hiện kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.
3. Phó Trưởng đoàn giúp Trưởng đoàn thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn. Khi Trưởng đoàn vắng mặt thì Phó Trưởng đoàn được Trưởng đoàn uỷ nhiệm thực hiện nhiệm vụ của Trưởng đoàn.
Điều 27: Đoàn đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân ở địa phưương cung cấp thông tin về những vấn đề mà Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm; xem xét và giải quyết những vấn đề có liên quan đến việc thi hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân hoặc những vấn đề khác liên quan đến đời sống, kinh tế - xã hội của nhân dân địa phưương.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giải quyết các yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều này không giải quyết hoặc giải quyết không thoả đáng yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội thì Đoàn đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó xem xét, giải quyết; nếu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó không giải quyết hoặc giải quyết không thoả đáng thì Đoàn đại biểu Quốc hội báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Điều 28: Đoàn đại biểu Quốc hội quan hệ chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Khi cần thiết, Đoàn đại biểu Quốc hội trao đổi, góp ý với Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân về việc thi hành Hiến pháp, pháp luật và việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương.
Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu đề xuất với Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có liên quan nghiên cứu, xem xét và có biện pháp giải quyết các kiến nghị của Hội đồng nhân dân liên quan đến chủ trưương, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc các vấn đề của địa phưương.
Điều 29: Chậm nhất là hai mươi ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức cho đại biểu trong Đoàn tiếp xúc cử tri để thu thập ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.
Kết quả tiếp xúc cử tri phải được Đoàn đại biểu Quốc hội báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong thời hạn chậm nhất là năm ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
Điều 30: Chậm nhất là hai mươi ngày sau ngày bế mạc kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức cho đại biểu trong Đoàn báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội với cử tri, phổ biến các luật, nghị quyết và những quyết định khác mà Quốc hội đã thông qua; đồng thời động viên nhân dân thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Trưởng đoàn thay mặt Đoàn hoặc phân công đại biểu Quốc hội trong Đoàn báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đại biểu Quốc hội có thể báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội tại Hội đồng nhân dân địa phương nơi bầu ra mình.
Các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 29 và đoạn 1 của Điều này được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin ở địa phương.
Điều 31: Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức họp Đoàn để trao đổi về việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu và của Đoàn trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; bàn chương trình hoạt động của Đoàn cho thời gian tiếp theo; nghiên cứu trao đổi, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản sẽ được xem xét tại kỳ họp Quốc hội; bàn những công việc liên quan đến chưương trình, nội dung kỳ họp Quốc hội.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được mời dự để báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của địa phưương sáu tháng hoặc cả năm; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được mời dự các cuộc họp này.
Chương 4. VIỆC BÃI NHIỆM, MẤT QUYỀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, VIỆC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI XIN THÔI LÀM NHIỆM VỤ ĐẠI BIỂU
Điều 32:
1. Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tuỳ mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc đưưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu Quốc hội đó.
2. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Nghị quyết của Quốc hội về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội được gửi đến Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội nơi đại biểu được bầu và Đoàn đại biểu Quốc hội nơi đại biểu chuyển đến sinh hoạt (nếu có), đồng thời gửi đến người bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức thông báo cho cử tri ở đơn vị bầu cử nơi đại biểu được bầu và nơi đại biểu chuyển đến sinh hoạt (nếu có).
3. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do Uỷ ban thưường vụ Quốc hội quy định.
Điều 33: Trong thời gian Quốc hội họp, nếu không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, nếu không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội. Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ, thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội xét và quyết định.
Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, đơn vị nơi đại biểu làm việc cách chức, buộc thôi việc nếu không được Uỷ ban thường vụ Quốc hội đồng ý.
Điều 34:
1. Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó. Đại biểu Quốc hội được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu khi cơ quan có thẩm quyền đình chỉ việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đại biểu đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật tuyên bố đại biểu đó không phạm tội.
2. Đại biểu Quốc hội bị Toà án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật.
Toà án đã xét xử hành vi phạm tội của đại biểu Quốc hội có trách nhiệm gửi bản sao bản án hoặc trích lục bản án đã có hiệu lực pháp luật của Toà án đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội nơi đại biểu được bầu và Đoàn đại biểu Quốc hội nơi đại biểu chuyển đến sinh hoạt (nếu có).
Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ưương phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thông báo đến cử tri ở đơn vị bầu cử nơi đại biểu được bầu và nơi đại biểu chuyển đến sinh hoạt (nếu có) việc đại biểu Quốc hội đó bị mất quyền đại biểu Quốc hội.
Điều 35: Đại biểu Quốc hội có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khoẻ hoặc lý do khác mà không thể đảm đương được nhiệm vụ đại biểu.
Trong thời gian Quốc hội họp, việc xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu của đại biểu Quốc hội do Quốc hội xem xét, quyết định và được tiến hành theo quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, việc xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu của đại biểu Quốc hội do Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và được tiến hành theo quy định của Quy chế hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất việc cho đại biểu Quốc hội thôi làm nhiệm vụ đại biểu.
Nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội được gửi đến Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương nơi đại biểu được bầu và Đoàn đại biểu Quốc hội nơi đại biểu chuyển đến sinh hoạt (nếu có); đồng thời gửi đến người được thôi làm nhiệm vụ đại biểu; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức thông báo cho cử tri ở đơn vị bầu cử nơi đại biểu được bầu và nơi đại biểu chuyển đến sinh hoạt (nếu có).
Đại biểu Quốc hội được thôi làm nhiệm vụ đại biểu kể từ ngày Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu.
Chương 5. CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Điều 36: Uỷ ban thường vụ Quốc hội gửi quyết định triệu tập kỳ họp Quốc hội, dự kiến chương trình kỳ họp, những báo cáo, tài liệu có liên quan đến kỳ họp cho đại biểu Quốc hội theo quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Điều 37:
1. Đại biểu Quốc hội được cung cấp những tài liệu và dịch vụ sau đây:
a) Các tài liệu của kỳ họp Quốc hội;
b) Công báo của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
c) Báo Nhân dân, báo địa phương, báo Người đại biểu nhân dân, tạp chí Nghiên cứu lập pháp và các tài liệu, văn bản khác liên quan đến hoạt động của Quốc hội;
d) Dịch vụ thông tin, nghiên cứu, thư viện và Internet khi có yêu cầu.
2. Đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội còn được cung cấp thông tin về hoạt động của Hội đồng dân tộc hoặc của Uỷ ban mà mình là thành viên.
3. Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ưương nơi đại biểu Quốc hội được bầu hoặc nơi đại biểu Quốc hội chuyển đến sinh hoạt (nếu có) cung cấp các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, các văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân và các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phưương cho đại biểu Quốc hội.
4. Việc cung cấp những tài liệu và dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này theo hướng dẫn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Điều 38: Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm đưưa tin về hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật báo chí.
Điều 39: Trong mỗi khoá Quốc hội, đại biểu Quốc hội được Uỷ ban thường vụ Quốc hội cấp huy hiệu và Giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội.
Khi làm nhiệm vụ đại biểu, đại biểu Quốc hội đeo huy hiệu; khi cần thiết xuất trình Giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội được sử dụng Hộ chiếu ngoại giao khi ra nước ngoài.
Điều 40: Đại biểu Quốc hội được cấp hoạt động phí hàng tháng bằng hệ số là 1,0 của mức lương tối thiểu.
Lương và các chế độ khác của đại biểu Quốc hội chuyên trách, phụ cấp của đại biểu Quốc hội không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian làm nhiệm vụ đại biểu do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định.
Điều 41: Khi tham gia kỳ họp Quốc hội hoặc giữa hai kỳ họp Quốc hội tham gia làm nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội, nhiệm vụ của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội được bảo đảm các điều kiện ăn ở và đi lại theo quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ theo sự phân công của Đoàn đại biểu Quốc hội thì được Đoàn đại biểu Quốc hội thanh toán tiền công tác phí; tham gia hoạt động của Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội thì được Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội thanh toán tiền công tác phí.
Điều 42: Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách được dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc trong năm để làm nhiệm vụ đại biểu. Thời gian này được tính vào thời gian làm việc của đại biểu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mà đại biểu làm việc và được bảo đảm lương, phụ cấp, các chế độ khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị đó đài thọ.
Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu làm việc không có khả năng đài thọ hoặc đại biểu Quốc hội không có chế độ lưương và phụ cấp, thì các khoản chi phí nói trên do kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội bảo đảm theo quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu làm việc có trách nhiệm sắp xếp công việc, tạo điều kiện cần thiết cho đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ.
Điều 43: Đại biểu Quốc hội được ưu tiên trong việc mua vé tàu hoả, ô tô, tàu thuỷ, máy bay; được ưu tiên qua cầu, phà.
Điều 44: Trong trường hợp ốm đau, đại biểu Quốc hội không thuộc diện cán bộ trung cấp, cao cấp được khám và điều trị bệnh theo tiêu chuẩn quy định đối với cán bộ trung cấp.
Đại biểu Quốc hội không có chế độ lương và phụ cấp được cấp bảo hiểm y tế; khi qua đời được hưởng chế độ mai táng nhưư đối với cán bộ, công chức.
Các chi phí quy định tại Điều này do kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội bảo đảm.
Điều 45: Đoàn đại biểu Quốc hội có trụ sở, con dấu và Văn phòng giúp việc.
Tổ chức và hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định.
Điều 46: Đoàn đại biểu Quốc hội có kinh phí hoạt động.
Kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội do Uỷ ban thường vụ Quốc hội phân bổ trong kinh phí hoạt động của Quốc hội.
Quy chế này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 16 tháng 12 năm 2002.