BỘ CÔNG AN
________
Số: 34/2017/TT-BCA
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
__________________
Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 2017
|
THÔNG TƯ
Quy định việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp
thân nhân; nhận quà; gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu
__________________
Căn cứ Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân; nhận quà; gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân; nhận quà; gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam (sau đây gọi chung là cơ sở giam giữ) trong Công an nhân dân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện
Đảm bảo quyền được gặp thân nhân; nhận quà; gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; không làm ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền và đảm bảo an toàn cơ sở giam giữ.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Đối tượng, thủ tục thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Thân nhân đến thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quy định tại khoản 8, Điều 3 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
2. Thân nhân đến thăm gặp phải xuất trình, một trong các loại giấy tờ tùy thân sau: Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân, giấy xác nhận là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, người dưới 14 tuổi phải có giấy khai sinh; giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ chứng minh quan hệ thì phải có đơn đề nghị, có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan có thẩm quyền; trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ tùy thân thì đơn đề nghị thăm gặp phải dán ảnh và đóng dấu giáp lai vào ảnh.
3. Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ, kể cả ngày nghỉ, mỗi lần gặp không quá một giờ.
4. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng, thời gian gặp trong giờ làm việc, mỗi lần gặp không quá một giờ. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân.
5. Trường hợp người bị tạm giữ chuyển sang bị tạm giam hoặc người bị tạm giam mà thời gian tạm giam không đủ một tháng trong tháng đó thì vẫn được giải quyết gặp thân nhân một lần.
6. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định bằng văn bản việc cho gặp thân nhân, nêu rõ thời điểm được gặp thân nhân, cán bộ quản lý trong thời gian thăm gặp và gửi quyết định cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gặp không quá 03 thân nhân trong mỗi lần gặp; các trường hợp khác do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định.
7. Trường hợp cơ quan đang thụ lý vụ án có yêu cầu giám sát, theo dõi việc thăm gặp thì thủ trưởng cơ sở giam giữ thông báo thời điểm thăm gặp cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết để phối hợp.
8. Ngôn ngữ sử dụng trong thăm gặp là tiếng Việt, trường hợp là người dân tộc ít người hoặc người nước ngoài không biết tiếng Việt thì phải có phiên dịch hoặc cán bộ biết tiếng dân tộc hoặc tiếng nước đó tham gia.
9. Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam và thân nhân của họ có các yêu cầu về giao dịch dân sự, cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm phối hợp với cơ sở giam giữ để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 5. Các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân
1. Các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân thực hiện theo quy định tại khoản 4, Điều 22 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
2. Khi bàn giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam cho cơ sở giam giữ hoặc khi tiếp nhận hồ sơ hoặc khi có yêu cầu thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải có ý kiến ngay bằng văn bản đề nghị không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam, nêu rõ lý do, thời hạn không cho thăm gặp; cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam và thân nhân của họ biết khi đến thăm gặp.
Điều 6. Việc thăm gặp đối với người bị kết án tử hình
1. Việc thăm gặp đối với người bị kết án tử hình thực hiện theo khoản 2, Điều 37 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
2. Giám thị trại tạm giam bố trí phòng thăm gặp riêng cho người bị kết án tử hình, thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ sở giam giữ trong việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân
1. Thủ trưởng cơ sở giam giữ có trách nhiệm tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân theo đúng quy định của pháp luật. Bố trí cán bộ là sỹ quan có trình độ, năng lực, kinh nghiệm trong công tác quản lý, giam giữ để làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp.
2. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm bố trí phòng thăm gặp để tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân, có treo biển “Phòng thăm gặp”, có vách ngăn, bảng niêm yết Nội quy cơ sở giam giữ, quy định về thăm gặp, hòm thư góp ý, bảng thông tin trợ giúp pháp lý.
3. Cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp phải chấp hành đúng Điều lệnh Công an nhân dân; kiểm tra giấy tờ theo quy định và báo cáo thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định các trường hợp đề nghị thăm gặp; phổ biến Nội quy cơ sở giam giữ, quy định về việc thăm gặp cho người đến thăm gặp biết để chấp hành; ghi chép vào sổ theo dõi thăm gặp.
Điều 8. Trách nhiệm của người đến thăm gặp và người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Người đến thăm gặp và người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải chấp hành đúng Nội quy cơ sở giam giữ, quy định về thăm gặp và thực hiện theo sự hướng dẫn của cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp; có thái độ văn minh, lịch sự, trang phục gọn gàng, sạch sẽ. Trường hợp vi phạm sẽ bị nhắc nhở hoặc đình chỉ việc thăm gặp.
Điều 9. Việc giải quyết cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam nhận quà
1. Người bị tạm giữ được nhận quà của thân nhân gửi một lần trong thời gian tạm giữ; một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được nhận quà của thân nhân gửi đến không quá ba lần trong 01 tháng. Định lượng quà là đồ ăn, uống mỗi lần gửi không quá 03 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
2. Các loại quà mà thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gửi gồm: tiền, thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, đồ ăn, uống, đồ dùng sinh hoạt và tư trang cá nhân (trừ các đồ vật thuộc danh mục cấm). Trong trường hợp đặc biệt để phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo sức khỏe cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định tạm dừng việc nhận quà là đồ ăn, uống.
3. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận tiền của thân nhân gửi là tiền Việt Nam và phải gửi lưu ký tại cơ sở giam giữ. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài được nhận tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ và được quy đổi sang tiền Việt Nam theo tỷ giá của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định tại thời điểm gửi. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được sử dụng tiền mặt, cơ sở giam giữ có trách nhiệm mở sổ lưu ký để tiếp nhận, theo dõi, quản lý việc sử dụng tiền lưu ký. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng tiền lưu ký để mua đồ dùng sinh hoạt và đồ ăn, uống; định lượng đồ ăn, uống được mua một lần không quá 03 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận lại tiền lưu ký (nếu còn) khi được trả tự do, chuyển đi cơ sở giam giữ khác hoặc giao lại cho thân nhân của họ.
Thủ trưởng cơ sở giam giữ tổ chức tiếp nhận và kiểm tra chặt chẽ quà do thân nhân gửi cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
4. Thuốc chữa bệnh, thuốc bổ của thân nhân gửi cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng và có đơn thuốc của thầy thuốc tại cơ sở y tế nhà nước. Cán bộ y tế của cơ sở giam giữ có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam sử dụng thuốc theo chỉ định.
5. Ngoài việc nhận quà khi gặp thân nhân, người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn được nhận quà của thân nhân gửi tại cơ sở giam giữ, trọng lượng quà mỗi lần gửi không quá 03 kg; được nhận tiền của thân nhân gửi qua đường bưu điện.
6. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định việc tiếp nhận hoặc từ chối tiếp nhận quà do cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam đảm bảo đúng quy định.
7. Cơ sở giam giữ được tổ chức hoạt động căng tin để phục vụ bán đồ ăn, uống, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam và thân nhân của họ khi đến thăm gặp. Hàng hóa trong căng tin phải đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thủ trưởng cơ sở giam giữ duyệt giá các loại hàng hóa theo từng thời điểm để đảm bảo giá bán tương đương với giá bán lẻ trên thị trường tại địa phương và được niêm yết công khai.
Điều 10. Việc gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu khi được cơ quan đang thụ lý vụ án cho phép và chịu sự kiểm duyệt của cơ quan đang thụ lý vụ án và sự kiểm tra của cơ sở giam giữ.
2. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân và thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam về việc gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu, khi được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam nhận.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
Điều 12. Trách nhiệm thi hành
1. Các đồng chí Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng; Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam; Thủ trưởng cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam các cấp trong Công an nhân dân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, tổ chức kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) để hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận:
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Các Tổng cục; Bộ Tư lệnh; đơn vị trực thuộc Bộ trưởng;
- Công an, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Thủ trưởng cơ sở giam giữ trong CAND;
- Công báo, cổng thông tin điện tử Bộ Công an;
- Lưu: VT, V19, C81 (C84).
|
BỘ TRƯỞNG
Thượng tướng Tô Lâm
|