Mang vòng hoa, cáo phó, quan tài đi đòi nợ có bị đi tù không?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Nếu mang vào hoa, cáo phó, quan tài đến nhà con nợ để đòi tiền thì có vi phạm pháp luật hay khôn? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay tiền (tài sản) như sau:

Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 464 Bộ luật Dân sự 2015 thì bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó, cụ thể như sau:

Điều 464. Quyền sở hữu đối với tài sản vay

Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó.

Như vậy, kể từ thời điểm bên vay đã chuyển giao tài sản đó cho bên vay thì quyền sở hữu tài sản đó đã thuộc về bên vay.

Về nguyên tắc, vay mượn tiền là quan hệ dân sự. Nếu người vay không trả nợ đúng hạn, người cho vay có quyền khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Quá trình đòi nợ, chủ nợ có quyền nhắc nợ, liên hệ để đòi nợ nhưng việc đòi nợ không được đe dọa, uy hiếp tinh thần của người nợ, không được sử dụng vũ lực, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người nợ tiền để tránh trở thành người phạm tội và bị xử lý trước pháp luật, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, hành vi tụ tập đông người, mang vòng hoa, cáo phó, quan tài tới nhà con nợ rồi chửi bới, la hét, xúc phạm người vay tiền nhằm đòi nợ là hành vi có tính chất đe dọa, uy hiếp tinh thần, gây hoang mang cho con nợ và làm náo loạn, ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để xác minh, làm rõ nguyên nhân, mục đích, động cơ, hậu quả của hành vi này.

Tùy thuộc nội dung cụ thể, diễn biến, mức độ hành vi của những người đòi nợ, họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Về mặt hành chính: những người mang vòng hoa, cáo phó, quan tài đi đòi nợ có thể bị xử phạt về hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể như sau:

- Có thể bị xử phạt đến 3 triệu đồng nếu cơ quan chức năng xác định hành vi mang vòng hoa, cáo phó, quan tài của những người đi đòi nợ là “Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác”;
- Có thể bị xử phạt đến 5 triệu đồng nếu cơ quan chức năng xác định hành vi mang vòng hoa, cáo phó, quan tài của những người đi đòi nợ thuộc trường hợp “Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng”.
Mang-vong-hoa-cao-pho-quan-tai-di-doi-no-co-bi-di-tu-khong

Đặc biệt, nếu cơ quan điều tra xác định những người mang vòng hoa, cáo phó, quan tài đi đòi nợ đã có hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác (đặt vòng hoa trước cửa, dán cáo phó trước cửa hoặc gần nhà con nợ, la hét, chửi bới …) uy hiếp tinh thần người khác (chưa đến mức làm cho người bị đe dọa lâm vào tình trạng không thể chống cự được) nhằm chiếm đoạt tài sản thì những người đi đòi nợ này có thể sẽ bị điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt lên tới 15 năm tù;

Ngoài ra, tùy vào các nội dung, diễn biến và mức độ của hành vi đòi nợ mà những người đi đòi nợ còn có thể bị điều tra về một trong các tội sau:

- Nếu cơ quan điều tra xác định những người mang vòng hoa, cáo phó, quan tài đi đòi nợ đã có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho con nợ, người thân của con nợ... lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, người đi đòi nợ có thể phải đối mặt với tội Cướp tài sản theo Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tù lên đến tù chung thân.

- Nếu cơ quan điều tra xác định những người mang vòng hoa, cáo phó, quan tài đi đòi nợ đã có hành vi bắt cóc con nợ hoặc người thân của con nợ để đòi nợ, chủ nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy đinh tại Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tù lên đến tù chung thân;

- Nếu cơ quan điều tra xác định những người mang vòng hoa, cáo phó, quan tài đi đòi nợ đã có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con nợ hoặc của người thân của con nợ thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tù lên đến 5 năm tù.

Xem thêm: Cách đòi nợ đúng luật và 3 việc không nên làm khi đòi nợ

Trên đây là nội dung tư vấn về “Mang vòng hoa, cáo phó, quan tài đi đòi nợ có bị đi tù không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Hoàng Tuấn Vũ

Được tư vấn bởi: Luật sư Hoàng Tuấn Vũ

Công ty luật TNHH Tuệ Anh

090 165 9868

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi