NGHỊ QUYẾT
CỦA
CHÍNH PHỦ SỐ 14/2004/NQ-CP NGÀY 09 THÁNG
12 NĂM 2004
VỀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 11 NĂM 2004
Ngày 06 tháng 12 năm 2004, Chính phủ họp phiên
thường kỳ tháng 11, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau:
1. Chính phủ đã nghe Đề án Chính sách năng lượng quốc gia do
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp trình.
Năng lượng vừa là ngành sản xuất, vừa là ngành kết cấu hạ
tầng cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội, là ưu tiên đặc biệt của mỗi quốc gia.
Đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện thế giới luôn xảy ra khủng hoảng là
yêu cầu chiến lược lâu dài. Vì vậy, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã
rất quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển ngành năng lượng, tạo nên những bước
phát triển vượt bậc của ngành, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới đất
nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành năng
lượng Việt Nam vẫn trong tình trạng kém phát triển; chúng ta vẫn đang thuộc
diện nước có mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người thấp.
Trình độ phát triển của ngành năng lượng còn nhiều yếu kém, bất cập; hiệu quả
sản xuất kinh doanh và năng suất lao động thấp; việc định giá năng lượng chưa
hợp lý; đầu tư phát triển còn rất thấp so với nhu cầu...
Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong điều
kiện năng lượng đang ngày càng trở nên quan trọng, đòi hỏi phải sớm xây dựng
Chính sách năng lượng quốc gia theo tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội
Đảng toàn quốc lần thứ IX là "phát triển năng lượng phải đi trước một bước, đáp
ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn năng lượng quốc gia".
Chính phủ giao Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ
quan có liên quan, tiếp thu các ý kiến thảo luận tại phiên họp, tiếp tục nghiên
cứu, hoàn chỉnh dự thảo Đề án Chính sách năng lượng quốc gia, nhất là làm rõ các
vấn đề về: dự báo các nguồn năng lượng trên thế giới; dự báo sự phát triển của
khoa học và công nghệ có liên quan đến sự thay đổi cơ cấu sử dụng năng lượng;
đánh giá sát trữ lượng các nguồn năng lượng trong nước; chính sách năng lượng
quốc gia của các nước trên thế giới; cân đối nhu cầu năng lượng; các giải pháp
về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên và môi trường; dự trữ xăng dầu quốc
gia... gắn với Chiến lược phát triển các ngành Than, Điện, Dầu khí; trình Đề án
để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Bộ Chính trị.
2. Chính phủ đã xem xét dự thảo Nghị định của Chính phủ quy
định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi
phạm hành chính do Bộ Công an trình; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính
phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định.
Việc thi hành Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02
tháng 7 năm 2002 đòi hỏi phải sớm ban hành Nghị định quy định về thủ tục áp
dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính,
bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ với các quy định khác của pháp luật trong việc
chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý người có hành vi vi phạm hành chính, phù
hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và đặc thù của việc cưỡng chế thi hành quyết
định xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, giữ vững
kỷ cương xã hội.
Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng
Chính phủ và các cơ quan có liên quan, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn
chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
3. Chính phủ đã nghe báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội
tháng 11 và 11 tháng năm 2004 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình; xem xét báo cáo
về tình hình thương mại do Bộ Thương mại trình.
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2004
tiếp tục xu hướng phát triển tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục
tăng cao, nhất là khu vực ngoài quốc doanh. Thị trường trong nước phát triển ổn
định; hoạt động du lịch ngày càng sôi động. Lĩnh vực dịch vụ có nhiều tiến bộ.
Kim ngạch xuất khẩu tăng khá. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng hơn so với
những năm gần đây. Thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách
nhà nước tập trung tăng khá, nhiều công trình được đẩy nhanh tiến độ. Thu ngân
sách nhà nước tiếp tục tăng, tốc độ tăng chi ngân sách được đẩy nhanh, hoạt
động tiền tệ ổn định; tốc độ tăng giá từng bước được kiềm chế. An ninh chính
trị được giữ vững. Các hoạt động xã hội tiếp tục phát triển theo chiều hướng
tích cực.
Tuy nhiên, tình hình hạn hán, lũ lụt đã gây thiệt hại nghiêm
trọng cho sản xuất và đời sống của nhân dân; tai nạn giao thông vẫn tăng cao;
tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2004, trong tháng cuối năm,
các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung mọi nỗ lực vào sản xuất, kinh doanh
và xuất khẩu; kịp thời ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, dồn sức chỉ đạo
chống hạn, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; theo dõi sát sao và
có biện pháp hữu hiệu đề phòng dịch bệnh cho người và vật nuôi; quan tâm sắp
xếp doanh nghiệp nhà nước; thực biện nghiêm ngặt các biện pháp kiềm chế tốc độ
tăng giá, bình ổn thị trường, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là vào
dịp Tết Nguyên đán ất Dậu sắp tới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn
xã hội, hạn chế tai nạn giao thông. Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương khẩn
trương chuẩn bị các điều kiện để giao sớm chỉ tiêu kế hoạch và triển khai thực
hiện các nhiệm vụ năm 2005 theo Nghị quyết của Quốc hội; tổ chức thực hiện tốt
các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngay từ tháng đầu năm.