BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ------- Số: 5675/BGDĐT-GDTC V/v:Tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước HSSV | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2017 |
Kính gửi: | - Các sở giáo dục và đào tạo; - Các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm, |
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước học sinh, sinh viên (Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em, học sinh; Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020; Chỉ thị số 1572/CT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh, sinh viên; Kế hoạch số 801/KH-BGDĐT ngày 04/11/2016 về triển khai thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 của ngành Giáo dục và nhiều văn bản chỉ đạo liên quan khác). Nhiều địa phương và các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường trên cả nước đã tích cực tham mưu, triển khai, thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên, thời gian gần đây còn xảy ra nhiều vụ tai nạn trong trường học làm nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) bị thương, thậm chí bị tử vong ở một số địa phương, gây sự lo lắng, bất an cho gia đình và xã hội. Ngoài những vụ tai nạn do thiên tai gây ra, vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn mà nguyên nhân là do cơ sở vật chất của nhà trường không đảm bảo an toàn, nhiều hạng mục công trình lâu năm xuống cấp nhưng không kịp thời rà soát, nâng cấp, tu sửa dẫn đến xảy ra tai nạn đối với học sinh, giáo viên; một số vụ tai nạn xảy ra do sự hiếu động, thích tò mò, khám phá của học sinh, thiếu sự kiểm soát của người lớn (ngã, bỏng, đuối nước…), trong khi các em chưa đủ kiến thức, kỹ năng phòng, tránh.
Để kịp thời, chủ động ứng phó với các loại hình tai nạn thương tích, đuối nước nhằm đảm bảo an toàn đối với HSSV, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm thực hiện một số nội dung sau:
1. Tăng cường chỉ đạo, tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước HSSV.
2. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của HSSV về việc tuân thủ các quy định về phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước; quán triệt nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong quản lý HSSV đảm bảo an toàn trong môi trường trường học; chú trọng tổ chức hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho HSSV.
Đối với học sinh phổ thông cần thường xuyên quán xuyến, nhắc nhở học sinh không chơi các trò chơi nguy hiểm như nô đùa, chạy nhảy ở hành lang các tầng cao, leo trèo tường rào, lan can, bắn dây nịt…; khuyến cáo các em tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, tự ý hoặc rủ nhau tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng. Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh trong các giờ sinh hoạt tập thể hoặc ở các thời điểm thích hợp.
3. Chỉ đạo rà soát, kiểm tra, thống kê toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị phục vụ việc dạy, học; thiết bị phục vụ các hoạt động vui chơi, sinh hoạt của HSSV (phòng học, đồ dùng thí nghiệm, tường, rào, lan can… trong khuôn viên nhà trường). Kịp thời có phương án sửa chữa, hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án sửa chữa, thay thế, khắc phục kịp thời cơ sở vật chất, các thiết bị dạy học đã cũ, quá hạn có nguy cơ xảy ra tai nạn đối với HSSV.
4. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chủ động, kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai bão, lũ, lụt…, nhằm đảm bảo an toàn cho HSSV.
5. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tại các nhà trường, cơ sở giáo dục. Xử lý, khắc phục, giải quyết khi có sự việc xảy ra và kịp thời báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm tổ chức quán triệt nội dung văn bản này đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và HSSV trong nhà trường, cơ sở giáo dục và nghiêm túc thực hiện.
Nơi nhận: - Như trên; - Thủ tướng Chính phủ (để b/c); - Bộ trưởng (để b/c); - Các Bộ: LĐTBXH, VHTTDL, CA; - UBND các tỉnh/thành phố; - Website Bộ; - Lưu: VT, Vụ GDTC. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Thị Nghĩa |