Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Nghị định

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104/2007/NĐ-CP ngày 14/06/2007 của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Lĩnh vực: Doanh nghiệp Loại dự thảo:Nghị định
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Tài chínhTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Nội dung tóm lược

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ nêu rõ chỉ những doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có chức năng kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoặc đã được đăng tải ngành, nghề dịch vụ đòi nợ trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia và đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ.

Điểm mới của Dự thảo
Đi đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, đeo thẻ?
 
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

CHÍNH PHỦ

 

Số: /2018/NĐ-CP

 

DỰ THẢO

             CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

------

 

Hà Nội, ngày tháng năm 2018

 

NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2007/NĐ-CP

ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ

 

CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật dân sự năm 2015;

Căn cứ Luật doanh nghiệp năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ như sau:

1. Sửa đổi khoản 3 Điều 1 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP như sau:

"3. Không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, gồm: các khoản nợ liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, xét xử; các khoản nợ của chủ nợ hoặc khách nợ là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc nợ giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế hoặc quốc gia khác".

2. Bổ sung khoản 3a sau khoản 3 Điều 2 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP như sau:

"3a. Các cơ quan đăng ký và quản lý ngành, nghề dịch vụ đòi nợ".

3. Sửa đổi khoản 1 Điều 4 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP như sau:

"1. Chỉ những doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có chức năng kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoặc đã được đăng tải ngành, nghề dịch vụ đòi nợ trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia và đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ".

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP như sau:

"Điều 9. Trách nhiệm, quyền hạn của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ

1. Chấp hành đầy đủ các điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật.

2. Thực hiện hoạt động nghiệp vụ trong phạm vi pháp luật cho phép và được chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền; không được giao hoặc ủy quyền lại cho cá nhân ngoài doanh nghiệp hoặc tổ chức khác thực hiện các hoạt động này; trừ trường hợp tổ chức đó cũng là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ và việc ủy quyền lại phải được sự đồng ý bằng văn bản của chủ nợ hoặc khách nợ (bên ký hợp đồng uỷ quyền với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ).

3. Thông báo cho chủ nợ hoặc khách nợ và các tổ chức, cá nhân khác liên quan về việc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ được chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền xử lý nợ.

4. Bảo quản và giao lại cho chủ nợ hoặc khách nợ các tài liệu và tài sản được giao để thực hiện dịch vụ đòi nợ theo hợp đồng đã ký kết.

5. Thông báo đầy đủ, thường xuyên cho chủ nợ hoặc khách nợ về việc thực hiện các nội dung đã ủy quyền theo hợp đồng.

6. Bồi thường thiệt hại cho chủ nợ hoặc khách nợ do vi phạm hợp đồng, làm mất, hư hỏng tài liệu, tài sản được giao và tài sản thu được từ khoản nợ.

7. Thu nợ, giao lại các tài sản thu được từ khoản nợ cho chủ nợ theo hợp đồng đã ký kết.

8. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc vi phạm các hành vi bị cấm nêu tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này và các hành vi vượt quá phạm vi được chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền.

9. Cấp giấy giới thiệu cho người lao động được giao trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ.

10. Cấp thẻ nhân viên cho người lao động có đủ tiêu chuẩn thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 Nghị định này. Trên thẻ phải có ảnh, ghi rõ họ tên, chức vụ của người được giao nhiệm vụ và có dấu của doanh nghiệp.

11. Cấp trang phục cho người lao động: doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ tự thiết kế trang phục, trên trang phục phải có tên doanh nghiệp và công khai mẫu trang phục tại trụ sở chính và các chi nhánh (nếu có).

12. Thu hồi lại trang phục, thẻ nhân viên đã cấp cho người lao động khi kết thúc hợp đồng lao động với người lao động.

13. Yêu cầu chủ nợ hoặc khách nợ cung cấp thông tin, tài liệu, tài sản cần thiết liên quan đến khoản nợ.

14. Được chủ nợ hoặc khách nợ thanh toán phí dịch vụ và các chi phí khác theo thoả thuận đã ký kết.

15. Không chịu trách nhiệm đối với chủ nợ hoặc khách nợ về những vấn đề phát sinh ngoài các nội dung đã được ủy quyền".

5. Sửa đổi khoản 3 Điều 10 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP như sau:

"3. Phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan".

6. Bổ sung khoản 4 Điều 10 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP như sau:

"4. Cung cấp hợp đồng ủy quyền đòi nợ cho khách nợ và các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến khoản nợ khi thực hiện đòi nợ".

7. Bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 11 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP như sau:

"đ) Thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Chính phủ về an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện".

8. Sửa đổi Điều 13 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP như sau:

“Điều 13. Điều kiện về vốn

Mức vốn điều lệ tối thiểu đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng)".

9. Sửa đổi Điều 14 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP như sau:

"Điều 14. Điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ:

1. Có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.

2. Chưa từng bị kết án

3. Không giữ chức danh quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật".

10. Sửa đổi Điều 15 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP như sau:

"Điều 15. Điều kiện về tiêu chuẩn đối với người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ

1. Người lao động được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ sáu tháng trở lên.

2. Có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.

3. Không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

b) Đã từng bị kết án, đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.

c) Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

d) Đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: Chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, làm nhục người khác, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản."

11. Bổ sung Điều 18a trước Điều 18 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP như sau:

“Điều 18a. Trách nhiệm của Bộ Công an

Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ và có trách nhiệm sau đây:

1. Chỉ đạo lực lượng Công an các cấp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ; cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ; thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội; tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm quy định về an ninh, trật tự trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

2. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

3. Phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.

12. Sửa đổi Điều 18 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP như sau:

“Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.

13. Sửa đổi khoản 2 Điều 19 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP như sau:

“2. Kiến nghị Bộ Công an xử lý các hành vi có dấu hiệu tội phạm”.

14. Sửa đổi Điều 21 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP như sau:

"Điều 21. Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ

1. Việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự.

2. Đối với các hành vi vi phạm liên quan đến trang phục, thẻ nhân viên, giấy giới thiệu cho nhân viên được giao trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ: việc xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Chính phủ đối với hành vi vi phạm liên quan đến trang phục của hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ".

Điều 2. Bãi bỏ một số điều của Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ như sau:

1. Bãi bỏ khoản 9 Điều 8 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP

2. Bãi bỏ Điều 22, Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 26 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm .

2. Điều khoản chuyển tiếp:

a) Các vi phạm đã được Chánh Thanh tra Sở Tài chính, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra viên Bộ Tài chính, Thanh tra viên Sở Tài chính xử lý và đã lập Biên bản thì Chánh Thanh tra Sở Tài chính, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra viên Bộ Tài chính, Thanh tra viên Sở Tài chính tiếp tục xử lý theo quy định.

b) Các vi phạm đang được Chánh Thanh tra Sở Tài chính, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra viên Bộ Tài chính, Thanh tra viên Sở Tài chính xem xét thì chuyển cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

  Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng,
chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi