NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 68/2005/NĐ-CP NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 2005
VỀ AN TOÀN HÓA CHẤT
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp,
NGHỊ ĐỊNH:
CHƯƠNG III
CÁC QUY ĐỊNH AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG HOÁ CHẤT
Điều 11. Đảm bảo an toàn hoá chất từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư
1. Trước khi đầu tư một cơ sở sản xuất, cất giữ hoá chất nguy hiểm, không phân biệt dự án thuộc nhóm A, B hoặc C theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng, chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất trình cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 25 phê duyệt.
2. Kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất đối với một dự án phải ít nhất gồm các tài liệu và nội dung sau :
a) Tóm tắt Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án;
b) Các chỉ số về đặc tính vật lý và hoá học của hoá chất ở dạng nguyên liệu, bán thành phẩm hoặc sản phẩm hoàn chỉnh như điểm bắt cháy, điểm tự bốc cháy, điểm chớp cháy, giới hạn nổ, độc tính;
c) Yêu cầu kỹ thuật về bao gói, bảo quản và vận chuyển;
d) Đánh giá về mức độ an toàn, khả năng xẩy ra các sự cố hoá chất;
đ) Biện pháp xử lý khi sự cố khẩn cấp.
3. Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ quản lý chuyên ngành theo nhóm hóa chất tổ chức Hội đồng đánh giá, thẩm định và quyết định phê duyệt kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất của cơ sở; trong trường hợp kế hoạch không được phê duyệt phải có công văn thông báo cho cơ sở lý do không phê duyệt.
4. Sau khi kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất được phê duyệt, chủ đầu tư mới được phép thực hiện việc đầu tư.
5. Các quy định tại khoản 1 đến khoản 3 Điều này cũng được áp dụng cho các cơ sở sản xuất, cất giữ hoá chất nguy hiểm khi có kế hoạch cải tạo, mở rộng nhà xưởng để tăng quy mô sản xuất hoặc phạm vi hoạt động.
Điều 14. Nghĩa vụ của cơ sở hoạt động hoá chất nguy hiểm
1. Cơ sở sản xuất, cất giữ, sử dụng hoá chất nguy hiểm căn cứ vào nhóm và đặc tính của hoá chất, phải lắp đặt các trang thiết bị giám sát an toàn, các trang thiết bị cần thiết làm giảm đặc tính nguy hiểm của hoá chất như thông gió, điều chỉnh nhiệt độ, chống nắng, chống cháy, chống lửa, xả áp, phòng độc, tẩy uế, trung hoà, chống ẩm, chống sét, chống tĩnh điện, khử trùng, chống rò rỉ và phải thường xuyên bảo trì trang thiết bị đó, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn vận hành.
2. Cơ sở sản xuất, cất giữ, sử dụng hoá chất nguy hiểm phải trang bị đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống báo động và đảm bảo hệ thống làm việc ổn định.
3. Cơ sở sản xuất, cất giữ, sử dụng hoá chất có tính độc mạnh, hàng năm phải tổ chức đánh giá độ an toàn của các trang thiết bị tại cơ sở; cơ sở sản xuất, cất giữ, sử dụng các loại hoá chất nguy hiểm khác phải đánh giá độ an toàn của các trang thiết bị hai năm một lần.
Báo cáo kết quả đánh giá an toàn phải đề xuất được kế hoạch khắc phục, sửa chữa các hỏng hóc, thiếu sót về mặt an toàn đối với trang thiết bị tại cơ sở. Trong trường hợp phát hiện thấy có những biểu hiện nguy hiểm ở một thiết bị, phải đình chỉ ngay hoạt động của thiết bị đó để sửa chữa, thay thế và phải thực hiện những biện pháp đảm bảo an toàn theo quy định.
Báo cáo đánh giá an toàn phải gửi tới cơ quan quản lý chuyên ngành theo nhóm hoá chất.
4. Cơ sở sản xuất, cất giữ, sử dụng hoá chất có tính độc mạnh phải có sổ sách ghi chép đầy đủ hàng ngày các số liệu về xuất, nhập, cất giữ, sử dụng hoá chất độc và phải thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh làm mất mát, bán nhầm, sử dụng nhầm các hoá chất có tính độc mạnh. Trường hợp phát hiện có mất mát, bán nhầm, sử dụng nhầm hoá chất có độc tính mạnh phải báo ngay cho công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Sở quản lý chuyên ngành theo nhóm hoá chất tại địa phương biết để tìm biện pháp ngăn ngừa các hậu quả có thể xẩy ra.
5. Khi hoá chất nguy hiểm xuất xưởng, cơ sở sản xuất phải gắn, treo hoặc in lên mặt ngoài bao bì nhãn an toàn hoá chất phù hợp các quy định tại Điều 9, đồng thời phải có phiếu ghi chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm phù hợp với đặc tính nguy hiểm của hoá chất chứa bên trong.
6. Tổ chức, cá nhân hoạt động hoá chất phải thực hiện đúng theo hướng dẫn đã được ghi trên phiếu an toàn hoá chất và phiếu ghi các chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm.
Điều 15. Bao bì, thùng, bồn chứa hoá chất nguy hiểm
1. Bao bì, thùng, bồn chứa hoá chất nguy hiểm phải tuân thủ quy định của các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế được Việt Nam công nhận. Bao bì, thùng, bồn chứa hoá chất nguy hiểm phải kín, lành lặn, có ghi đầy đủ tên và biển cảnh báo nguy hiểm của hóa chất chứa trong đó.
2. Bao bì, thùng, bồn chứa hoá chất nguy hiểm phải được các doanh nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép sản xuất và được cơ quan do Bộ Công nghiệp chỉ định kiểm tra, xác nhận đạt yêu cầu về chất lượng. Đối với các loại thùng, bồn chứa hoá chất nguy hiểm được chế tạo tại nước ngoài, phải được kiểm định về chất lượng phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam.
Bao bì, thùng, bồn chứa khi được sử dụng lại để chứa hoá chất nguy hiểm phải được kiểm tra, xử lý và phải có phiếu kiểm tra lưu lại trong thời gian ít nhất hai năm tại cơ sở.
3. Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có trách nhiệm kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất đối với chất lượng bao bì, thùng chứa hoá chất nguy hiểm tại cơ sở sản xuất, cất giữ và sử dụng.
4. Quy định tại khoản 3 Điều này không áp dụng đối với các trường hợp vì lý do bí mật về an ninh quốc phòng.
Điều 16. Cất giữ hoá chất nguy hiểm
1. Hoá chất nguy hiểm phải được bảo quản trong kho, thiết bị chứa chuyên dụng, do nhân viên có đủ trình độ được chỉ định quản lý. Hình thức, phương pháp cất giữ, số lượng cất giữ phải tuân thủ các quy phạm an toàn và các văn bản pháp luật có liên quan. Theo định kỳ, phải kiểm tra tình trạng hoá chất bảo quản trong kho.
2. Kho bảo quản, thiết bị chứa hoá chất nguy hiểm phải đáp ứng các quy định của quy phạm pháp luật về an toàn, phòng chống cháy, nổ. Phải có bảng ghi những quy định và hướng dẫn biện pháp an toàn cho người làm việc trong kho; phải có biển báo nguy hiểm treo ở nơi dễ nhận thấy. Trang thiết bị chữa cháy và khắc phục các sự cố khác phải phù hợp với quy mô kho và tính chất của hoá chất, được để nơi thuận tiện và cố định, các trang thiết bị của kho phải được định kỳ kiểm tra đảm bảo an toàn.
3. Người ra vào kho chứa hoá chất nguy hiểm phải được kiểm tra và đăng ký vào sổ.
4. Các loại hoá chất có tính độc mạnh và các hoá chất nguy hiểm khác nếu cùng được bảo quản chung mà có thể trở thành nguồn gây nguy hiểm mới hoặc làm tăng mức độ nguy hiểm thì phải bảo quản riêng rẽ các loại hoá chất này.
5. Vào giữa quý IV hàng năm, cơ sở cất giữ hoá chất phải lập báo cáo về số lượng hoá chất được bảo quản, địa điểm bảo quản, nhân viên quản lý và các vấn đề có liên quan đến quản lý an toàn hoá chất, gửi Sở quản lý chuyên ngành tại địa phương.
Điều 17. Tiêu huỷ và thải bỏ hoá chất nguy hiểm
1. Việc tiêu huỷ, thải bỏ, xử lý hoá chất nguy hiểm, bao bì chứa hoá chất nguy hiểm, hoá chất tồn đọng quá hạn sử dụng, chất độc hoá học do chiến tranh để lại phải thực hiện theo đúng các quy định về quản lý chất thải nguy hại và các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.
2. Trường hợp có thay đổi lĩnh vực hoạt động hoặc ngừng hoạt động, cơ sở sản xuất, cất giữ, sử dụng hoá chất nguy hiểm phải lập phương án và triển khai thực hiện các biện pháp cần thiết để xử lý các trang thiết bị sản xuất, thiết bị bảo quản, các sản phẩm được cất giữ, nguyên liệu thô và phải có báo cáo chi tiết về quá trình xử lý gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở quản lý chuyên ngành theo nhóm hoá chất tại địa phương. Báo cáo phải xác định rõ các nguy cơ tiềm tàng có thể dẫn đến sự cố hoá chất.
Điều 18. Xếp dỡ và vận chuyển hoá chất nguy hiểm
1. Việc xếp dỡ, vận chuyển hoá chất nguy hiểm phải tuân theo các quy phạm kỹ thuật an toàn trong xếp dỡ, vận chuyển hàng nguy hiểm và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và đường không.
2. Khi thuê vận chuyển hoá chất nguy hiểm, chủ hàng phải thông báo rõ cho cơ sở vận tải biết về tên, số lượng, tính độc hại của hoá chất, các biện pháp khẩn cấp nếu xẩy ra sự cố và các thông tin cần thiết có liên quan khác. Trường hợp cần phải có các chất hạn chế hoạt tính hay chất làm ổn định trong quá trình vận chuyển, chủ hàng phải cấp đầy đủ các chất đó và phải thông báo cho cơ sở vận chuyển biết rõ về yêu cầu đó. Chủ hàng không được bí mật gửi hoá chất nguy hiểm vận chuyển kèm với các loại hàng thông dụng khác hoặc cố tình thông báo sai lệch, khai báo hoá chất nguy hiểm dưới dạng một loại hàng hoá thông dụng khác.
3. Khi vận chuyển hoá chất nguy hiểm, chủ hàng phải có nhân viên áp tải. Nhân viên áp tải có trách nhiệm theo dõi, kiểm soát hàng trong suốt quá trình vận chuyển. Người điều khiển phương tiện vận chuyển, nhân viên xếp dỡ, nhân viên áp tải phải biết rõ tính chất nguy hiểm của hoá chất được vận chuyển, đặc tính sử dụng của bao bì và thùng chứa, biện pháp an toàn đề phòng và giải quyết sự cố. Nhân viên vận chuyển và áp tải phải được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và xử lý sự cố.
4. Hoá chất nguy hiểm khi chuyên chở phải được bao gói theo đúng yêu cầu kỹ thuật an toàn. Thùng, bồn chứa phải có khả năng chịu được sức ép bên ngoài và áp suất bên trong tạo ra trong điều kiện vận tải bình thường, đảm bảo cho hoá chất không bị rò rỉ, không bị tràn ra ngoài hoặc gây ra các rủi ro khác do thay đổi điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, áp suất trong khi vận chuyển. Bình chứa hoá chất bằng thuỷ tinh hoặc các bình chịu áp lực phải có biện pháp chống xô đẩy, va đập. Cấm vận chuyển hoá chất nguy hiểm chung với người, gia súc và các loại hàng hoá khác, trừ nhân viên vận chuyển, nhân viên áp tải.
5. Trường hợp xẩy ra mất mát, bị tràn hay rò rỉ hoá chất có tính độc mạnh trong quá trình vận chuyển hoặc tại nơi xếp dỡ, nhân viên vận chuyển và áp tải hàng hoặc cơ sở nơi xẩy ra sự cố phải thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn khả năng xẩy ra các rủi ro hoá chất; đồng thời phải báo ngay cho Sở Tài nguyên và Môi trường và công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi xẩy ra sự cố biết và phải tổ chức cách ly hiện trường. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với các Sở quản lý chuyên ngành liên quan, cử cán bộ chuyên môn đến xem xét, xử lý triệt để tác hại do sự cố gây ra tại hiện trường.
Cơ sở hoạt động hoá chất để xẩy ra sự cố có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nêu trên để xử lý triệt để các hậu quả do sự cố gây ra, đồng thời phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
6. Cấm mọi tổ chức, cá nhân gửi hoá chất nguy hiểm bằng đường bưu điện. Cấm các hành vi giấu giếm, không khai báo hoá chất nguy hiểm có trong các bưu phẩm hoặc khai báo sai, khai báo hoá chất nguy hiểm dưới dạng một vật phẩm bình thường gửi bưu điện.
Điều 19. Nhân viên xếp dỡ, vận chuyển, áp tải
1. Cơ sở vận tải và chủ hàng hoá chất nguy hiểm phải tổ chức đào tạo cho người điều khiển phương tiện vận chuyển, người quản lý và nhân viên xếp dỡ, nhân viên áp tải hàng nắm vững các kiến thức cơ bản về an toàn trong vận chuyển hoá chất nguy hiểm.
2. Người điều khiển phương tiện vận tải, người quản lý, nhân viên xếp dỡ, nhân viên áp tải hoá chất nguy hiểm phải được sát hạch những kiến thức cơ bản về an toàn. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu qua sát hạch, người điều khiển phương tiện vận tải, người quản lý, nhân viên xếp dỡ, nhân viên áp tải hoá chất nguy hiểm mới được giao làm việc ở vị trí công tác được đào tạo.
3. Khi vận chuyển hoá chất nguy hiểm, người vận chuyển, người áp tải cần tránh những khu đông dân cư và phải biết rõ các địa chỉ phải khai báo khi xảy ra các sự cố trên đường vận chuyển theo quy định tại khoản 5 Điều 18 của Nghị định này.
Điều 21. An toàn hoá chất trong phòng thí nghiệm
1. Phòng thí nghiệm hoá chất phải có nội quy an toàn phòng thí nghiệm. Bản nội quy an toàn phải được đặt ở vị trí dễ thấy.
2. Phòng thí nghiệm phải được trang bị các phương tiện, trang thiết bị bảo hộ phù hợp với tính chất nguy hiểm của hoá chất và tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn phòng thí nghiệm.
3. Nhân viên phòng thí nghiệm phải nắm rõ các đặc tính nguy hiểm của các hoá chất trong phòng thí nghiệm và nắm được các biện pháp phòng ngừa rủi ro và xử lý những sự cố bất thường có thể xẩy ra trong phòng thí nghiệm.
Điều 22. Đình chỉ tạm thời hoạt động hoá chất nguy hiểm
1. Trường hợp phát hiện một loại hóa chất trong danh mục được phép lưu thông trên thị trường nhưng có biểu hiện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tài sản của nhân dân, môi trường sinh thái hoặc an ninh - quốc phòng, Bộ quản lý chuyên ngành phải kịp thời ra quyết định đình chỉ tạm thời hoạt động hoá chất đối với loại hoá chất đó.
2. Sau khi ra quyết định đình chỉ tạm thời, Bộ quản lý chuyên ngành thông báo quyết định của mình đến Bộ Công nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an và các cơ quan liên quan để thống nhất các biện pháp khẩn trương khắc phục rủi ro trong khi chờ nghiên cứu đánh giá rủi ro bổ sung và thực hiện các thủ tục điều chỉnh Danh mục hóa chất bị cấm.
CHƯƠNG V
KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 27. Kiểm tra, thanh tra hoá chất nguy hiểm
Bộ quản lý chuyên ngành chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn hoá chất đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hoá chất; kiến nghị xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn hoá chất.
Điều 28. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, vận chuyển, cất giữ, sử dụng các loại hoá chất thuộc danh mục hàng hoá cấm kinh doanh, gây ra những sự cố hoá chất hoặc có các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn hoá chất thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 29. Khen thưởng, kỷ luật
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có thành tích trong công tác an toàn hóa chất thì được khen thưởng theo các quy định của nhà nước.
2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của pháp luật về việc quản lý an toàn trong sản xuất, buôn bán, vận chuyển, cất giữ, sử dụng, tiêu huỷ và thải bỏ các hóa chất; sách nhiễu hoặc có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo các quy định của pháp luật.
CHƯƠNG VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 30. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 31. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.