BỘ TƯ PHÁP ----------- Số: 518/QĐ-BTP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------ Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý dự án
đầu tư xây dựng thuộc Bộ Tư pháp
-------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 1685/QĐ-BTP ngày 05 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ban hành Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Quyết định số 1901/QĐ-BTP ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ Tư pháp;
Xét đề nghị của Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ Tư pháp”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Các Thứ trưởng (để biết); - Lưu: VT. | BỘ TRƯỞNG (Đã ký) Hà Hùng Cường |
BỘ TƯ PHÁP ------------ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------- Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 2016 |
QUY CHẾ
Tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý dự án
đầu tư xây dựng thuộc Bộ Tư pháp
(Ban hành kèm theo Quyết định số 518/QĐ-BTP ngày 29 tháng 3 năm 2016
của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
Chương I
VỊ TRÍ CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 1. Vị trí và chức năng
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ Tư pháp (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý dự án) là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp được thành lập theo Quyết định số 1901/QĐ-BTP ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thực hiện chức năng, nhiệm vụ chủ đầu tư và trực tiếp quản lý các dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ Tư pháp quản lý.
Ban Quản lý dự án có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng thương mại theo quy định, có trụ sở chính đặt tại Hà Nội.
Điều 2.Nhiệm vụ và quyền hạn
Ban Quản lý dự án chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Lãnh đạo Bộ Tư pháp về tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý dự án với tư cách là cơ quan chủ quản. Ban Quản lý dự án được giao quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến kết thúc xây dựng, đưa dự án vào khai thác sử dụng bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
1. Nhiệm vụ, quyền hạn với vai trò là chủ đầu tư
a) Tổ chức thực hiện các công tác giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án: Lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có) hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; chủ trì, phối hợp với đơn vị sử dụng công trình để tiến hành các thủ tục về giới thiệu và chấp thuận địa điểm xây dựng trước khi lập dự án đầu tư; lựa chọn các đơn vị tư vấn thực hiện; tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, quy hoạch chi tiết xây dựng, tổ chức thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc hoặc lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc, khảo sát xây dựng (nếu có)…;
b) Phối hợp với cơ quan chuyên môn về xây dựng để trình thẩm định dự án và trình cấp quyết định đầu tư phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng;
c) Đăng ký mở mã số dự án đầu tư.
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị sử dụng công trình và các đơn vị liên quan để tiến hành công tác tổ chức giải phóng mặt bằng, thu hồi và giao nhận đất để thực hiện dự án;
đ) Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, phương án khảo sát xây dựng giai đoạn thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công (nếu có); tổ chức khảo sát xây dựng;
e) Tổ chức triển khai các bước thiết kế sau thiết kế cơ sở. Trình và phối hợp với cơ quan chuyên môn về xây dựng để thẩm định các bước thiết kế và trình Bộ Tư pháp phê duyệt hồ sơ thiết kế;
f) Lập và trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu của dự án. Tổ chức lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng; thương thảo, đàm phán, ký kết hợp đồng với các nhà thầu được lựa chọn;
g) Tổ chức rà phá bom mìn, vật nổ;
h) Khởi công dự án, triển khai thi công xây dựng các hạng mục công trình; khánh thành công trình; bàn giao công trình cho đơn vị sử dụng công trình.
i) Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán, thanh lý các hợp đồng;
k) Quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình về thời điểm bàn giao (nếu cần). Tổ chức lập mới hoặc điều chỉnh định mức xây dựng công trình. Tổ chức xác định, cập nhật, thẩm định dự toán gói thầu xây dựng; kiểm soát chi phí đầu tư;
l) Thực hiện, quản lý hệ thống thông tin công trình; tổ chức giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng công trình; lập báo cáo chất lượng xây dựng công trình và các báo cáo khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; tổ chức kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành; lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành trình cấp quyết định đầu tư thẩm tra, phê duyệt;
m) Quyết toán vốn đầu tư theo niên độ ngân sách hàng năm;
n) Thanh toán dứt điểm công nợ sau khi dự án được cấp quyết định đầu tư phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành và tất toán tài khoản;
2. Nhiệm vụ, quyền hạn với vai trò trực tiếp quản lý dự án
a) Tổ chức quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng;
b) Quản lý thi công xây dựng công trình: Quản lý chất lượng, quản lý tiến độ thi công, quản lý khối lượng thi công, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý hợp đồng xây dựng, quản lý an toàn lao động, môi trường xây dựng;
c) Tổ chức kiểm tra, kiểm định chất lượng công trình (nếu cần); quan trắc biến dạng công trình;
d) Tổ chức nghiệm thu công việc xây dựng, nghiệm thu bộ phận, giai đoạn thi công, nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào khai thác sử dụng.
3. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác
a) Quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế, tài sản của Ban Quản lý dự án; thực hiện các chế độ tiền lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ đãi ngộ, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Ban;
b) Tự thực hiện các hoạt động xây dựng nếu đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật;
c) Ký hợp đồng thuê khoán công việc đối với cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật để thực hiện một số công việc;
d) Được thực hiện các công việc tư vấn đầu tư xây dựng cho các chủ đầu tư khác nếu đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ được Bộ Tư pháp giao;
đ) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được Bộ Tư pháp hoặc các cấp quyết định đầu tư ủy quyền trong quá trình quản lý thực hiện dự án (nếu có);
e) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Chương II
CƠ CẤU TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ VÀ TRÁCH NHIỆM,PHẠM VI GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC
Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý dự án
a) Lãnh đạo Ban Quản lý dự án gồm: Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc.
b) Các đơn vị trực thuộc Ban Quản lý dự án gồm: Văn phòng Ban, Phòng Quản lý đầu tư và Phòng Quản lý dự án.
c) Việc thành lập, sáp nhập và sắp xếp các đơn vị thuộc Ban Quản lý dự án thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Giám đốc Ban Quản lý dự án. Giám đốc, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.
d) Giám đốc Ban Quản lý quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của các đơn vị thuộc Ban Quản lý dự án.
2. Về biên chế
a) Biên chế Ban Quản lý dự án được thực hiện theo Đề án vị trí việc làm được phê duyệt. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án có thể thuê lao động hợp đồng để thực hiện một số nhiệm vụ được giao. Giai đoạn đầu mới thành lập, Ban Quản lý dự án được Bộ Tư pháp bố trí một số công chức biệt phái từ các đơn vị thuộc Bộ sang để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
b) Trong quá trình triển khai hoạt động, tùy tình hình thực tế để đáp ứng yêu cầu công việc được giao, Giám đốc Ban Quản lý dự án sẽ đề xuất Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiện toàn cơ cấu tổ chức các đơn vị thuộc Ban Quản lý dự án và biên chế theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc
1. Giám đốc Ban Quản lý dự án
a) Là người đứng đầu đơn vị, quản lý điều hành các hoạt động của Ban Quản lý dự án, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp, người quyết định đầu tư (theo phân cấp) và trước pháp luật về hoạt động của Ban Quản lý dự án theo nhiệm vụ được giao.
b) Đại diện cho Ban Quản lý dự án trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi giải quyết các vấn đề trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Ban.
c) Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án, phối hợp hoạt động và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án.
2. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án
a) Là người giúp Giám đốc Ban Quản lý dự án theo dõi, quản lý, chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, lĩnh vực công tác được Giám đốc phân công; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Ban Quản lý dự án và pháp luật về nhiệm vụ được phân công, quản lý.
b) Xây dựng kế hoạch công tác thuộc các lĩnh vực được Giám đốc Ban Quản lý dự án phân công, báo cáo Giám đốc quyết định.
c) Ký các văn bản, giấy tờ theo ủy quyền của Giám đốc.
d) Thực hiện các công việc khác do Giám đốc phân công.
3. Các đơn vị trực thuộc Ban Quản lý dự án
a) Văn phòng Ban: Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến công tác kế hoạch đầu tư hàng năm và kế hoạch đầu tư trung hạn (nếu có yêu cầu); thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến công tác tài chính - kế toán; tạm ứng, thanh toán khối lượng thi công đối với từng dự án...; xây dựng các báo cáo theo quy định của pháp luật; thực hiện công tác cán bộ, thi đua khen thưởng và các công tác hành chính khác của Ban Quản lý dự án.
b) Phòng Quản lý đầu tư: Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư dự án từ khi chuẩn bị dự án đến khi dự án hoàn thành, nghiệm thu bàn giao và đưa vào sử dụng bao gồm: Giới thiệu địa điểm xây dựng; chỉ đạo, hướng dẫn công tác lập dự án đầu tư; thiết kế cơ sở, thiết kế và dự toán xây dựng công trình; công tác trình thẩm định dự án đầu tư; công tác tổ chức, lựa chọn nhà thầu và đàm phán, thương thảo, ký kết các hợp đồng xây dựng; chuẩn bị mặt bằng để khởi công xây dựng công trình. Xây dựng các báo cáo theo lĩnh vực quản lý.
c) Phòng Quản lý dự án: Thực hiện nhiệm vụ tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng bao gồm: Quản lý kế hoạch công việc; quản lý tiến độ thi công xây dựng; quản lý chất lượng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng; quản lý khối lượng thi công, hồ sơ của từng dự án, quản lý an toàn lao động, môi trường xây dựng. Xây dựng các báo cáo theo lĩnh vực về quản lý chất lượng và giám sát, đánh giá đầu tư.
d) Giám đốc Ban Quản lý dự án quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của các đơn vị thuộc Ban Quản lý dự án.
Điều 5. Tuyển dụng, bổ nhiệm ngạch, quản lý, sử dụng viên chức và thẩm quyền thi tuyển hoặc xét tuyển ngạch viên chức
1. Tuyển dụng, bổ nhiệm ngạch, quản lý, sử dụng viên chức
Viên chức vào làm việc tại Ban Quản lý dự án được điều chuyển, thi tuyển hoặc xét tuyển, thực hiện chế độ tập sự và bổ nhiệm vào ngạch viên chức hoặc hợp đồng lao động và tổ chức quản lý, sử dụng viên chức theo quy định của Nhà nước.
2. Thẩm quyền thi tuyển hoặc xét tuyển và bổ nhiệm ngạch viên chức
Ban Quản lý dự án thành lập Hội đồng thi tuyển hoặc xét tuyển và thực hiện việc thi tuyển hoặc xét tuyển theo quy định của pháp luật và trình Bộ Tư pháp quyết định tuyển dụng.
Chương III
CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH, TIỀN LƯƠNG, CƠ CHẾ VÀQUẢN LÝ TÀI CHÍNH, TÀI SẢN
Điều 6. Chế độ chính sách, tiền lương đối với công chức, viên chức
1. Chế độ tiền lương của công chức, viên chức của Ban Quản lý dự án áp dụng theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
2. Chế độ phụ cấp chức vụ: Thực hiện theo khoản 1 và khoản 2 Điều 3 tại Quyết định số 1901/QĐ-BTP ngày 30/1/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc Thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ Tư pháp.
3. Phụ cấp khác: Các phụ cấp khác của công chức, viên chức của Ban Quản lý dự án thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
Điều 7. Nguồn kinh phí (nguồn thu)
1. Nguồn thu từ hoạt động với vai trò là chủ đầu tư và trực tiếp tổ chức quản lý dự án, gồm:
a) Thu từ hoạt động trực tiếp tổ chức quản lý dự án được trích từ dự án theo định mức tỷ lệ quy định do Bộ Xây dựng công bố;
b) Thu từ các hoạt động xây dựng do Ban Quản lý dự án thực hiện nếu đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật;
c) Tiền thu được từ bán hồ sơ mời thầu phải nộp ngân sách nhà nước sau khi đã trừ đi các chi phí tổ chức đấu thầu;
d) Thu từ việc thực hiện các công việc tư vấn cho các dự án khác trên cơ sở bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao và có đủ điều kiện về năng lực thực hiện;
đ) Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
2. Nguồn thu từ các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu, tặng, cho theo quy định của pháp luật và các nguồn tài chính hợp pháp khác.
3. Trường hợp kinh phí của các dự án trực tiếp quản lý không đủ chi, thì Bộ Tư pháp căn cứ vào cân đối ngân sách của Bộ để giải quyết bổ sung kinh phí hoạt động theo quy định.
Điều 8. Quản lý tài chính, tài sản
1. Ban Quản lý dự án chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng các nguồn tài chính, tài sản Nhà nước giao theo quy định của pháp luật, phân cấp của cơ quan có thẩm quyền. Đảm bảo nội dung chi (chi thường xuyên, chi không thường xuyên) theo đúng quy định của pháp luật.
2. Ban Quản lý dự án chịu trách nhiệm lập, chấp hành dự toán, kế toán, quyết toán các nguồn vốn theo quy định hiện hành.
3. Ban Quản lý dự án chịu trách nhiệm tự kiểm tra và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền đối với toàn bộ công tác tài chính, kế toán của Ban Quản lý dự án.
Chương IV
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ HỘI HỌP
Điều 9. Chế độ làm việc
1. Ban Quản lý dự án hoạt động theo chế độ Thủ trưởng; Giám đốc Ban Quản lý dự án là người lãnh đạo, quản lý và điều hành mọi hoạt động của Ban. Các Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án có trách nhiệm giúp Giám đốc Ban Quản lý dự án thực hiện một số mặt công tác, lĩnh vực được phân công phụ trách.
2. Các đơn vị thuộc Ban Quản lý dự án chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của Lãnh đạo Ban Quản lý dự án theo phân công phụ trách.
3. Công chức, viên chức và nhân viên hợp đồng của Ban Quản lý dự án có trách nhiệm thực hiện chế độ làm việc theo quy định của nhà nước, của Bộ Tư pháp và của Ban Quản lý dự án.
4. Công chức, viên chức và nhân viên của Ban Quản lý dự án phải có thái độ, phong cách làm việc lịch sự, hòa nhã, tận tụy, khiêm tốn, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cấp trên, đơn vị phối hợp, cũng như của đồng nghiệp. Công chức, viên chức và nhân viên hợp đồng khi làm việc đều có chức danh, nhiệm vụ cụ thể và đeo thẻ theo quy định của pháp luật và của Bộ Tư pháp.
Điều 10. Chế độ giao ban, hội họp
1. Chế độ giao ban
a) Định kỳ ngày (nếu có những công việc cần giải quyết gấp), tuần Giám đốc quản lý dự án giao ban tại công trường với các đơn vị tư vấn và các nhà thầu để đánh giá kết quả hoàn thành ngày, tuần và kế hoạch triển khai ngày, tuần sau. Định kỳ hàng tháng, quý Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đi kiểm tra tình hình triển khai dự án và giao ban tại công trường để nắm tình hình và giải quyết các vướng mắc (nếu có).
b) Định kỳ hàng tuần họp giao ban giữa Lãnh đạo Ban Quản lý dự án với các Lãnh đạo Phòng để kiểm điểm công tác trong tuần và triển khai công tác tuần tới.
2. Chế độ hội họp
a) Hàng tháng, họp toàn thể công chức, viên chức và nhân viên hợp đồng của Ban Quản lý dự án một lần để kiểm điểm tình hình thực hiện công tác trong tháng và đề ra công tác cho tháng tiếp theo; đồng thời, phổ biến các chủ trương, chính sách, chế độ mới của Nhà nước và nhiệm vụ mới phát sinh ở Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan về lĩnh vực đầu tư xây dựng.
b) Hàng quý, 6 tháng và cuối năm, báo cáo sơ, tổng kết công tác theo quy định của Bộ Tư pháp và pháp luật.
c) Ngoài ra, có thể tổ chức họp đột xuất để triển khai các công việc cần thiết và cấp bách theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các đơn vị khác có liên quan.
Điều 11. Quản lý, sử dụng, khen thưởng và xử lý kỷ luật công chức, viên chức
Công chức, viên chức làm việc tại Ban Quản lý dự án được quản lý, sử dụng, khen thưởng và xét danh hiệu thi đua theo quy định hiện hành và xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chứcvà Bộ Luật Lao động.
Chương V
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN
Điều 12. Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp
Ban Quản lý dự án chịu sự quản lý, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các Thứ trưởng theo phân công phụ trách, có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được phân công; báo cáo kịp thời với Lãnh đạo Bộ Tư pháp về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác theo quy định; khi cần thiết có kiến nghị với Lãnh đạo Bộ Tư pháp về các vấn đề cần giải quyết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Điều 13. Quan hệ với các đơn vị thuộc Bộ và đơn vị quản lư, sử dụng công tŕnh
1. Quan hệ giữa Ban Quản lý với các đơn vị thuộc Bộ và đơn vị quản lý, sử dụng công trình là quan hệ phối hợp trong công tác; giúp đỡ, hỗ trợ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
2. Việc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và đơn vị quản lý, sử dụng công trình được thực hiện theo quy định tại Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý dự án với các đơn vị thuộc Bộ và các đơn vị quản lý, sử dụng công trình trong hoạt động đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.
Điều 14. Quan hệ với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội
1. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội: Chi bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban Nữ công hoạt động theo quy định của pháp luật.
2. Lãnh đạo của Ban Quản lý dự án có trách nhiệm báo cáo thông tin cho cấp ủy, chi bộ; Công đoàn và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức khác về những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
3. Ban chấp hành Công đoàn và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức khác trong đơn vị có trách nhiệm phản ánh kịp thời về tình hình hoạt động của tổ chức mình, tâm tư, nguyện vọng của công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị, làm tốt công tác tư tưởng để công chức, viên chức và người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; đảm bảo thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của đơn vị, xây dựng nền nếp văn hóa công sở và kỷ luật hành chính và kỷ luật lao động.
4. Ban Giám đốc tạo điều kiện cho các tổ chức đoàn thể trong đơn vị hoạt động có hiệu quả và thực hiện tốt kế hoạch chỉ đạo của các tổ chức Đoàn thể cấp trên.
5. Ban chấp hành Công đoàn chủ động kết hợp với Ban Giám đốc tổ chức Hội nghị công chức, viên chức và người lao động hàng năm theo quy định.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Ban Quản lý dự án và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đề xuất Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ sung hoặc sửa đổi Quy chế, sau khi có sự trao đổi thống nhất với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp./.
BỘ TRƯỞNG
(Đã ký)
Hà Hùng Cường