BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM ----------------- Số: 3831/BC-BHXH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------------------------- Hà Nội, ngày 27 tháng 09 năm 2013 |
BÁO CÁO
VỀ VIỆC THÍ ĐIỂM CẤP THẺ BẢO HIỂM Y TẾ CÓ ẢNH
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện quy định tại Khoản 5, Điều 16 Luật Bảo hiểm y tế: “Tổ chức Bảo hiểm y tế quy định mẫu thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), quản lý thẻ BHYT thống nhất trong cả nước và chậm nhất đến ngày 01 tháng 01 năm 2014 phải tổ chức thực hiện việc phát hành thẻ BHYT có ảnh của người tham gia BHYT”, từ tháng 10/2009 đến tháng 3/2010 Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã triển khai thí điểm việc cấp thẻ BHYT có ảnh cho một số nhóm đối tượng thuộc 03 tỉnh Gia Lai, Thanh Hóa và Hà Giang với số lượng thẻ BHYT có ảnh đã cấp là 160.000 thẻ.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2010 của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam đã báo cáo kết quả việc thí điểm cấp thẻ BHYT có ảnh và đã được Hội đồng quản lý cho ý kiến chỉ đạo trình Thủ tướng Chính phủ xin tạm dừng việc triển khai trên diện rộng.
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Hội đồng quản lý, ngày 19/4/2011, BHXH Việt Nam có tờ trình số 1538/TTr-BHXH báo cáo Thủ tướng Chính phủ với nội dung trên. Ngày 15/6/2011, Văn phòng Chính phủ có công văn số 3949/VPCP-KHTH thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu BHXH Việt Nam nghiên cứu, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế và các địa phương liên quan tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thẻ BHYT có ảnh ở một số địa bàn thuộc khu vực thành thị, đồng bằng, tổng kết đánh giá toàn diện về thực hiện thí điểm, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp về cấp thẻ BHYT có ảnh.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 10/2011 đến tháng 3/2012, BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai thí điểm cấp thẻ BHYT có ảnh tại thành phố Hải Phòng và tỉnh Sóc Trăng cho một số nhóm đối tượng với số lượng thẻ BHYT có ảnh đã cấp là 102.000 thẻ.
Tháng 3/2012 BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thí điểm với sự tham dự của Văn phòng Chính phủ và một số Bộ, ngành liên quan (Bộ Tài chính, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục C64 Bộ Công an) và báo cáo xin ý kiến Hội đồng quản lý. Trên cơ sở ý kiến tham gia dự thảo báo cáo của các Bộ, ngành, BHXH Việt Nam xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số nội dung chính về thí điểm cấp thẻ BHYT có ảnh, cụ thể như sau:
1. Kết quả việc thí điểm cấp thẻ BHYT có ảnh a) Kết quả thí điểm lần thứ nhất (từ tháng 10/2009 đến tháng 3/2010)
- Địa phương triển khai thí điểm: Gia Lai, Thanh Hóa và Hà Giang.
- Đối tượng cấp thẻ BHYT có ảnh: Người nghèo, dân tộc thiểu số; hưu trí, mất sức lao động; người lao động làm việc trong các đơn vị hành chính sự nghiệp.
- Về hình thức thẻ BHYT có ảnh: Thực hiện đồng thời 02 hình thức:
+ Thẻ BHYT có dán ảnh, đóng dấu nổi giáp lai.
+ Thẻ BHYT có in ảnh.
- Phương thức thu thập ảnh và cấp thẻ BHYT có ảnh:
+ Người tham gia BHYT nộp ảnh; cơ quan BHXH dán ảnh, đóng dấu nổi giáp lai trên thẻ BHYT.
+ Người tham gia BHYT nộp ảnh; cơ quan BHXH dùng máy quét, in ảnh trên thẻ BHYT.
+ Cơ quan BHXH tổ chức chụp ảnh cho người tham gia, sau đó dùng máy quét, in trên thẻ BHYT.
- Tổng sổ thẻ BHYT có ảnh đã cấp: 160.000 thẻ (Gia Lai 85.000 thẻ; Thanh Hóa 24.000 thẻ; Hà Giang 51.000 thẻ), trong đó:
+ Người nghèo, dân tộc thiểu số: 39.000 thẻ;
+ Hưu trí, mất sức lao động 31.000 thẻ;
+ Người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp: 90.000 thẻ.
b) Kết quả thí điểm lần thứ hai (từ tháng 10/2011 đến tháng 3/2012)
- Địa phương triển khai thí điểm: Thành phố Hải Phòng và tỉnh Sóc Trăng
- Đối tượng cấp thẻ BHYT có ảnh: Người nghèo, dân tộc thiểu số; hưu trí, mất sức lao động; học sinh, sinh viên và một số đối tượng khác.
- Về hình thức thẻ BHYT có ảnh: Thẻ BHYT có in ảnh.
- Phương thức thu thập ảnh và cấp thẻ BHYT có ảnh:
+ Người tham gia BHYT nộp ảnh; cơ quan BHXH dùng máy quét, in ảnh trên thẻ BHYT.
+ Cơ quan BHXH tổ chức chụp ảnh cho người tham gia, sau đó dùng máy quét, in ảnh trên thẻ BHYT.
- Tổng số thẻ BHYT có ảnh đã cấp: 102.000 thẻ (Hải Phòng 62.000 thẻ; Sóc Trăng 40.000 thẻ), trong đó:
+ Người nghèo, dân tộc thiểu số: 20.000 thẻ;
+ Hưu trí, mất sức lao động 22.000 thẻ;
+ Học sinh, sinh viên 30.000 thẻ;
+ Các đối tượng khác 30.000 thẻ.
Như vậy, tổng số thẻ BHYT có ảnh phát hành sau 02 lần thực hiện thí điểm là 262.000 thẻ, trong đó: 59.000 thẻ cấp cho đối tượng người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; 30.000 thẻ cấp cho học sinh sinh viên, còn lại cấp cho một số đối tượng khác.
c) Về chi phí để cấp thẻ BHYT có ảnh Tại mỗi địa phương, việc triển khai thí điểm được tiến hành trong thời gian ngắn (từ 3 đến 6 tháng). Cùng với việc triển khai các công việc: xây dựng kế hoạch chi tiết; xác định nhóm đối tượng và địa bàn thí điểm; mua sắm trang thiết bị; tổ chức tập huấn, hướng dẫn...., việc tổ chức chụp ảnh, thu nhận ảnh, dán ảnh, đóng dấu giáp lai lên thẻ BHYT, chuyển ảnh thành dữ liệu quản lý, lưu giữ, in quét ảnh lên thẻ chiếm khá nhiều thời gian, tốn nhiều công sức. Do đặc điểm về địa bàn, số lượng đối tượng thí điểm và cách thức triển khai ở mỗi địa phương khác nhau nên chi phí cho việc cấp thẻ BHYT có ảnh cũng khác nhau.
Theo số liệu tính toán và báo cáo của các địa phương, chi phí để cấp được 01 thẻ BHYT có ảnh (không tính chi phí máy móc thiết bị) tại các địa phương như sau:
- Với phương thức tổ chức chụp ảnh cho đối tượng (Gia Lai, Sóc Trăng): Gia Lai là 5.200đ; Sóc Trăng là 10.800đ.
- Với phương thức thu nhận ảnh của đối tượng (Thanh Hóa) là 2.200đ
- Với phương thức vừa chụp ảnh vừa thu nhận ảnh của đối tượng (Hà Giang, Hải Phòng): Hà Giang là 1.250đ, ở Hải Phòng là 7.000đ.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp tạo điều kiện của các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua việc triển khai thí điểm cấp thẻ BHYT có ảnh đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Qua hai lần triển khai thí điểm tại các địa phương cho thấy việc cấp thẻ BHYT có ảnh có những ưu điểm và tồn tại, hạn chế như sau:
a) Ưu điểm:
Khi có thẻ BHYT có ảnh, người bệnh đi khám, chữa bệnh không phải xuất trình thêm bất cứ một loại giấy tờ tùy thân có ảnh khác; giải quyết được khó khăn cho một bộ phận người tham gia BHYT chưa có một loại giấy tờ tùy thân có ảnh (học sinh dưới 14 tuổi, người dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn); hạn chế được tình trạng mượn thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh; đồng thời cũng thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh trong việc kiểm tra đối chiếu, tiếp nhận và quản lý người bệnh có thẻ BHYT.
b) Tồn tại, hạn chế:
Một là: Hình thức cấp thẻ BHYT có ảnh đã lạc hậu, hầu hết các nước trên thế giới đã chuyển sang thẻ điện tử hoặc thẻ chíp;
Hai là: Theo quy định của Luật dân sự thì phần lớn người có thẻ BHYT hiện nay (trên 14 tuổi) đều có tối thiểu một loại giấy tờ tùy thân có ảnh (chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, bằng lái xe, thẻ đoàn viên công đoàn...), do đó việc cấp thẻ BHYT có ảnh cho tất cả mọi đối tượng tham gia BHYT là không cần thiết và không đáp ứng được yêu cầu quản lý bằng công nghệ thông tin;
Ba là: Nếu thực hiện phương thức dán ảnh, đóng dấu giáp lai trên thẻ thì người tham gia BHYT mỗi năm sẽ phải nộp ít nhất 01 ảnh, năm nào cũng phải nộp ảnh để cấp lại thẻ BHYT như vậy sẽ rất phiền hà, lãng phí (nếu tính trung bình 5.000đ/ảnh thì chi phí cấp thẻ BHYT có ảnh của các đối tượng (khoảng 70 triệu người tham gia BHYT vào năm 2014 (trừ trẻ em dưới 6 tuổi) là 350 tỷ đồng/năm;
Nếu thực hiện phương thức in ảnh trên thẻ BHYT, người tham gia nộp ảnh (hoặc tổ chức chụp ảnh) để sử dụng cho một số năm (tùy thuộc vào đối tượng tham gia theo độ tuổi) thì đòi hỏi phải có trang thiết bị kỹ thuật đồng bộ (máy chủ, máy trạm, đường truyền, máy ảnh, máy quét và phần mềm quản lý) và phải có mã định danh công dân, hiện nay BHXH Việt Nam chưa đảm bảo được các yêu cầu đó.
Bốn là: Hàng năm số người tham gia BHYT đều tăng, bên cạnh đó có khoảng 75% số người có thẻ BHYT hết hạn sử dụng phải cấp lại, nếu thực hiện việc cấp thẻ BHYT có ảnh (theo hình thức dán ảnh, đóng dấu giáp lai hoặc quét, in ảnh trên thẻ BHYT) thì cơ quan BHXH phải hợp đồng thêm nhân lực và bổ sung thêm các khoản chi phí để triển khai thực hiện. Theo tính toán, để triển khai cấp thẻ BHYT có ảnh cho khoảng 70 triệu người tham gia BHYT vào năm 2014 (trừ trẻ em dưới 6 tuổi) cơ quan BHXH cần phải:
- Hợp đồng thêm khoảng 2.200 người (mỗi đơn vị BHXH cấp tỉnh, huyện cần hợp đồng ít nhất 03 người) để tổ chức chụp ảnh, xử lý, lưu trữ ảnh và cấp thẻ BHYT có ảnh.
- Đầu tư trang thiết bị kỹ thuật thích hợp như máy trạm, máy in màu, máy scan ảnh... và xây dựng phần mềm quản lý, chi phí chụp ảnh, ước khoảng 270,64 tỷ đồng cho năm đầu tiên (chi tiết tại Phụ lục số 1).
3. Đề xuất giải pháp và kiến nghị 3.1. Đề xuất giải pháp
Từ những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thí điểm cấp thẻ BHYT có ảnh tại BHXH 05 tỉnh, thành phố như đã nêu ở trên, BHXH Việt Nam đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để triển khai việc cấp thẻ BHYT có ảnh vào năm 2014 (theo lộ trình quy định tại Luật BHYT) như sau:
a) Phương án trước mắt
- Đối tượng cấp thẻ BHYT có ảnh: Chỉ tổ chức cấp thẻ BHYT có ảnh (theo hai hình thức dán ảnh, đóng dấu giáp lai hoặc in ảnh trên thẻ BHYT) cho một số đối tượng không có giấy tờ tùy thân là người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu vùng xa, một số đối tượng chính sách là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dưới 14 tuổi..., số đối tượng này khoảng 7,9 triệu người (chi tiết tại Phụ lục số 2). Các đối tượng còn lại tiếp tục sử dụng các loại giấy tờ tùy thân có ảnh để xuất trình cùng thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh.
Việc thu nhận ảnh được thực hiện theo phương thức: cá nhân tự nộp ảnh, riêng người có hoàn cảnh khó khăn cơ quan BHXH tổ chức chụp ảnh miễn phí tại BHXH cấp huyện.
- Chi phí đảm bảo cho việc triển khai bao gồm: đầu tư trang thiết bị để lưu giữ dữ liệu ảnh, máy trạm, máy in màu, máy scan ảnh... và phần mềm xử lý ảnh cho cơ quan BHXH cấp tỉnh, huyện (tổng số 760 đầu mối, gồm 63 cơ quan BHXH cấp tỉnh và 697 cơ quan BHXH cấp huyện) ước khoảng 73,89 tỷ đồng cho năm đầu tiên (chi tiết tại Phụ lục số 3).
b) Phương án lâu dài
Nghiên cứu trình Chính phủ đề án cấp thẻ BHYT điện tử cho người tham gia BHYT để triển khai thực hiện từ năm 2018, từ năm 2014 đến năm 2017 sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng tham gia BHYT; thu thập dữ liệu ảnh; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để thống nhất việc cấp mã định danh phù hợp với lộ trình cấp mã số công dân; xây dựng Đề án cấp thẻ BHYT điện tử và thực hiện thí điểm tại BHXH một số tỉnh, thành phố.
Với việc kết hợp thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ sớm giải quyết được những hạn chế hiện nay trong công tác cấp thẻ BHYT, người tham gia BHYT sẽ thuận tiện hơn, giảm khó khăn vướng mắc cho cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa bệnh, từng bước thực hiện lộ trình BHYT toàn dân theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
3.2. Kiến nghị
- Do việc cấp thẻ BHYT có ảnh cần phải triển khai đồng bộ. Vì vậy, để thuận tiện cho việc triển khai vào năm 2014, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ Tài chính, Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn về phương thức cấp thẻ BHYT và kinh phí cấp thẻ BHYT có ảnh để BHXH Việt Nam có căn cứ thực hiện.
- Đề nghị Chính phủ cho phép BHXH Việt Nam xây dựng Đề án cấp thẻ BHYT điện tử và giao cho Bộ Tài chính cân đối, bổ sung thêm nguồn kinh phí cho BHXH Việt Nam để nghiên cứu và xây dựng Đề án vào năm 2014, triển khai thực hiện vào năm 2018.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam xin báo cáo và kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo./.
Nơi nhận: - Như trên; - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ: LĐ-TB&XH, YT, TC, Công an, Tư pháp; - Chủ tịch HĐQL - BHXH VN; - Lưu: VT, CST(3b). | TỔNG GIÁM ĐỐC Lê Bạch Hồng |
PHỤ LỤC SỐ 1
BẢNG KÊ KHÁI TOÁN CHI PHÍ CHỦ YẾU THỰC HIỆN CẤP THẺ BHYT
CÓ ẢNH TRONG NĂM ĐẦU CHO 70 TRIỆU NGƯỜI THAM GIA BHYT
TT | Nội dung chi phí | Đơn vị tính | Số lượng | Đơn giá (đồng) | Chi phí (tỷ đồng) |
1 | Máy in màu | Cái | 760 | 30.000.000 | 22,80 |
2 | Máy tính | Cái | 760 | 11.000.000 | 8,36 |
3 | Máy ảnh kỹ thuật số | Cái | 760 | 10.000.000 | 7,60 |
4 | Máy scan ảnh | Cái | 760 | 5.000.000 | 3,80 |
5 | Phôi thẻ /năm | Cái | 70 triệu | 52 | 3,64 |
6 | Mực in màu /năm | Ống | 1.520 | 9.500.000 | 14,44 |
7 | Thuê thợ chụp ảnh | Ảnh | 70 triệu | 3.000 | 210,00 |
| Tổng cộng | | | | 270,64 |
PHỤ LỤC SỐ 2
ĐỐI TƯỢNG ĐỀ NGHỊ TRIỂN KHAI CẤP THẺ BHYT CÓ ẢNH
TT | Đối tượng | Số người (người) |
1 | Người nghèo, dân tộc thiểu số (50% tổng số) | 7.000.000 |
2 | Bảo trợ xã hội | 800.000 |
3 | Người có công (3% tổng số) | 45.000 |
4 | Hưu trí (2% tổng số) | 55.000 |
| Tổng cộng | 7.900.000 |
PHỤ LỤC SỐ 3
BẢNG KÊ KHÁI TOÁN CHI PHÍ CHỦ YẾU THỰC HIỆN CẤP THẺ BHYT CÓ ẢNH
TRONG NĂM ĐẦU CHO 7,9 TRIỆU ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BHYT
TT | Nội dung chi phí | Đơn vị tính | Số lượng | Đơn giá (đồng) | Chi phí (tỷ đồng) |
1 | Máy in màu | Cái | 760 | 30.000.000 | 22,80 |
2 | Máy tính | Cái | 760 | 11.000.000 | 8,36 |
3 | Máy ảnh kỹ thuật số | Cái | 760 | 10.000.000 | 7,60 |
4 | Máy scan ảnh | Cái | 760 | 5.000.000 | 3,80 |
5 | Phôi thẻ /năm | Cái | 7,9 triệu | 52 | 0,41 |
6 | Mực in màu /năm | Ống | 760 | 9.500.000 | 7,22 |
7 | Thuê thợ chụp ảnh | Ảnh | 7,9 triệu | 3.000 | 23,70 |
| Tổng cộng | | | | 73,89 |