BỘ Y TẾ
__________
Số: 38/2024/TT-BYT
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
______________________
Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2024
|
Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 09 tháng 01 năm 2023;
Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 04 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17 tháng 04 năm 2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 2. Nguyên tắc xây dựng, quản lý khai thác và sử dụng Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
1. Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh được xây dựng, quản lý tập trung, thống nhất, đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
2. Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh được xây dựng, cập nhật nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
3. Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh được duy trì hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt và được lưu trữ lâu dài, đáp ứng nhu cầu khai thác và sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.
4. Việc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tuân thủ các quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, tiếp cận thông tin; quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư theo các quy định hiện hành.
5. Sử dụng mã định danh đối tượng được quản lý đã được cấp bởi các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Chương II
XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG THÔNG TIN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
Điều 3. Tính năng cơ bản của Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
1. Nhập thông tin hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo biểu mẫu quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nhập dữ liệu có cấu trúc hoặc qua giao diện lập trình ứng dụng (API).
2. Xây dựng báo cáo động kết hợp các hình thức khác nhau như dạng bảng, sơ đồ, biểu đồ và đồ thị trực quan.
3. Trang tin công khai và cập nhật các thông tin theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023: giấy phép hoạt động; kết quả đánh giá chất lượng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thời gian làm việc và danh sách người hành nghề, thời gian làm việc của từng người tại cơ sở; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giá dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ theo yêu cầu và các khuyến cáo, giải pháp phòng ngừa sự cố y khoa.
4. Quản lý thông tin ra viện của từng ca bệnh ngoại trú, nội trú, điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày; cho phép tính tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong, phân bố của từng nhóm bệnh theo tuổi, giới, nghề nghiệp, dân tộc, địa danh hành chính và tính được chỉ số cơ cấu bệnh tật của từng ca bệnh.
5. Quản lý nguyên nhân tử vong của các trường hợp tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tử vong trên đường đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và quản lý thông tin người bệnh nặng xin về.
6. Quản lý cập nhật thông tin liên quan đến giấy phép hành nghề của người hành nghề: phạm vi chuyên môn; thông tin đăng ký hành nghề và thông tin cập nhật kiến thức y khoa liên tục.
7. Quản lý cập nhật thông tin liên quan đến giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: thông tin người chịu trách nhiệm chuyên môn, danh sách người hành nghề, danh sách người thực hành khám bệnh, chữa bệnh và thông tin phạm vi hoạt động chuyên môn, danh mục kỹ thuật, quy mô giường bệnh.
8. Quản lý cấp mã cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thống nhất trên toàn quốc.
9. Tính được chỉ số cơ cấu bệnh tật của từng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
10. Hạch toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo từng loại dịch vụ hoặc theo từng nhóm bệnh tại mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
11. Quản lý kiểm kê, khấu hao tài sản và thiết bị y tế.
11. Báo cáo thống kê hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo chuyên môn, tổng số ngày điều trị và ngày điều trị trung bình, tài chính, nhân lực, công tác dược và sử dụng thuốc, công tác điều dưỡng, phục hồi chức năng và kiểm soát nhiễm khuẩn.
12. Quản lý kết quả đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và kết quả đánh giá chất lượng xét nghiệm.
13. Quản lý kết quả đo lường sự hài lòng người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế.
14. Quản lý phác đồ điều trị, quy trình kỹ thuật và quy trình chăm sóc của từng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
15. Quản lý thông tin phản hồi của người bệnh về chất lượng dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
16. Quản lý thông tin đăng ký và phê duyệt danh mục kỹ thuật.
17. Quản lý thu dung, điều trị một số bệnh lý đặc thù, giám sát một số bệnh dịch nguy hiểm.
18. Liên thông dữ liệu với các hệ thống khác.
Điều 4. Tạo lập, cập nhật dữ liệu vào Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
1. Tạo lập và thu thập dữ liệu: các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm chuẩn hóa, thu thập và cung cấp đầy đủ dữ liệu về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị vào Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm dữ liệu chính xác, đầy đủ và kịp thời.
2. Cập nhật dữ liệu: các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan quản lý Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi có sự thay đổi, bổ sung hoặc phát hiện sai sót trong dữ liệu của đơn vị mình nhằm bảo đảm tính chính xác và kịp thời của dữ liệu trong Hệ thống.
3. Cung cấp dữ liệu trong các trường hợp đặc biệt: trong các tình huống khẩn cấp, như dịch bệnh, thiên tai hoặc các tình trạng khẩn cấp công cộng khác, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cung cấp dữ liệu y tế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước phải chỉ rõ loại dữ liệu cần cung cấp, mục đích sử dụng dữ liệu và thời hạn sử dụng bảo đảm phù hợp với yêu cầu của tình huống khẩn cấp.
Điều 5. Nguồn dữ liệu của Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
Dữ liệu cung cấp cho Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh được lấy từ các nguồn dữ liệu sau đây:
1. Báo cáo thống kê khám bệnh, chữa bệnh định kỳ bao gồm: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, giường bệnh; nhân lực khám, chữa bệnh; số lượng người bệnh nội trú; người bệnh ngoại trú; phẫu thuật, thủ thuật; cận lâm sàng; mô hình bệnh tật, tử vong theo ICD-10 và các hoạt động chuyên môn khác.
2. Báo cáo kết quả kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện bao gồm: thông tin cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, giường bệnh, hoạt động chuyên môn, tài chính, nhân lực, bảng kết quả chất lượng do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự đánh giá, bảng kết quả chất lượng bệnh viện do đoàn kiểm tra đánh giá, kết quả đo lường sự hài lòng người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế.
3. Báo cáo kết quả kiểm tra đánh giá chất lượng xét nghiệm theo các tiêu chí do Bộ Y tế ban hành do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự đánh giá và do đoàn kiểm tra đánh giá.
4. Báo cáo thu dung và điều trị trong trường hợp dịch bệnh nguy hiểm nhóm A về tình hình dịch bệnh, số lượng người bệnh, diễn biến dịch và các biện pháp phòng chống dịch về Bộ Y tế ngay khi có yêu cầu.
5. Báo cáo tai nạn giao thông, tai nạn thương tích theo mẫu quy định bao gồm: số lượng ca cấp cứu, tình trạng người bệnh và nguyên nhân tai nạn sơ bộ theo ICD-10 phục vụ thống kê dựa trên thông tin do người bệnh, người nhà khai báo hoặc cán bộ y tế tự xác định qua tình trạng thương tích.
6. Báo cáo thường trực trong nghỉ lễ, tết về hoạt động trực cấp cứu và điều trị, báo cáo tổng kết sau kỳ nghỉ lễ, tết.
7. Thông tin người bệnh ra viện đối với tất cả trường hợp ra viện.
8. Báo cáo thông tin ca bệnh tử vong bao gồm: thông tin giấy báo tử, các nguyên nhân trong chuỗi bệnh lý, sự kiện dẫn đến tử vong kèm theo mã ICD-10 và thời gian từ khi xảy ra đến khi tử vong trong Phiếu chẩn đoán nguyên nhân tử vong.
9. Báo cáo thông tin người bệnh nặng xin về theo thông tin trong Phiếu thông tin người bệnh nặng xin về.
10. Thông tin cấp giấy phép hành nghề và đăng ký hành nghề.
11. Thông tin công khai y tế theo quy định: thông tin về giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; danh sách người hành nghề; thông tin về năng lực chuyên môn; thông tin về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; kết quả đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
12. Thông tin đăng ký, phê duyệt dịch vụ kỹ thuật, xếp cấp chuyên môn kỹ thuật các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế, Sở Y tế.
13. Thông tin cấp giấy phép hoạt động của Bộ Y tế, Sở Y tế.
14. Dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bảo hiểm xã hội Việt Nam kết nối chia sẻ.
15. Cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn.
16. Cơ sở dữ liệu Số sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNelD.
17. Cơ sở dữ liệu Nhóm thông tin cơ bản về y tế trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm xã hội.
18. Dữ liệu điều tra về y tế liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế hoặc Bộ ngành khác thực hiện.
Điều 6. Chuẩn định dạng dữ liệu đầu ra
Chuẩn định dạng dữ liệu đầu ra theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 112 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 được thiết kế dựa trên các nội dung quy định tại Chương II Thông tư này, trên nguyên tắc kế thừa các chuẩn đầu ra do Bộ Y tế đã ban hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Điều 7. Bảo đảm an toàn hệ thống thông tin
Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cần lập hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo các quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Chương III
NỘI DUNG THÔNG TIN QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
Điều 8. Thông tin về người bệnh và thông tin sức khỏe cá nhân
Thông tin người bệnh sau khi kết thúc đợt khám bệnh, chữa bệnh nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, hạch toán chi phí và nguồn lực sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh.
1. Thông tin người bệnh ra viện (đối với tất cả đối tượng người bệnh):
a) Thông tin dữ liệu dân cư: họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, nghề nghiệp, số định danh cá nhân hoặc số thẻ bảo hiểm y tế;
b) Thông tin về địa chỉ: nơi thường trú, nơi ở hiện nay theo thẻ căn cước/căn cước công dân, số điện thoại liên lạc;
c) Thông tin nhập viện, xuất viện, chuyển viện: ngày giờ nhập viện, ngày giờ ra viện, tình trạng ra viện, kết quả điều trị, cân nặng trẻ em, số ngày giường hồi sức cấp cứu hoặc hồi sức tích cực, tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (nơi đã chuyển đi), tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (nơi sẽ chuyển đến);
d) Phẫu thuật, thủ thuật đã thực hiện kèm theo mã ICD-9 CM (nếu có) bao gồm cả các phẫu thuật, thủ thuật được bảo hiểm y tế chi trả và người bệnh tự chi trả;
đ) Chẩn đoán xác định khi ra viện, bao gồm bệnh chính, biến chứng, bệnh kèm theo, nguyên nhân, tình trạng sức khoẻ liên quan khác theo mã ICD-10;
e) Nguyên nhân tử vong chính (đối với các trường hợp tử vong) theo hướng dẫn về lập chuỗi bệnh lý, sự kiện dẫn đến tử vong.
2. Thông tin chi tiết về thuốc, dịch vụ kỹ thuật: danh mục các thuốc, số lượng, đơn vị tính đã sử dụng bao gồm cả thuốc được bảo hiểm y tế chi trả và thuốc người bệnh tự chi trả.
3. Kết quả một số chỉ số lâm sàng và cận lâm sàng có giá trị trong chẩn đoán, tiên lượng, theo dõi.
4. Tóm tắt quá trình điều trị cho người bệnh nội trú, người bệnh chuyển viện và các đối tượng liên quan khác để liên thông dữ liệu vào sổ sức khoẻ điện tử phục vụ quá trình chăm sóc liên tục:
a) Thông tin tiền sử (dị ứng, bệnh mạn tính, tiền sử phẫu thuật, tiền sử sản khoa, các thiết bị cấy ghép nhân tạo), bệnh sử, tình trạng lúc vào viện;
b) Diễn biến lâm sàng trong quá trình điều trị;
c) Tình trạng khi ra viện, kết quả điều trị;
d) Tóm tắt kết quả cận lâm sàng, chỉ số theo dõi có giá trị chẩn đoán, theo dõi, tiên lượng;
đ) Tóm tắt phương pháp điều trị đã thực hiện, điều trị nội khoa, ngoại khoa, phục hồi chức năng, y học cổ truyền;
e) Kế hoạch điều trị tiếp theo, đơn thuốc ngoại trú, lời dặn của bác sĩ, lịch hẹn tái khám;
g) Thông tin liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 9. Thông tin về người hành nghề, người thực hành khám bệnh, chữa bệnh
1. Thông tin người hành nghề bao gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số định danh cá nhân, số giấy phép hành nghề (bao gồm số chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề, nơi cấp, ngày cấp), bằng cấp chuyên môn, trình độ đào tạo, phạm vi hành nghề, kỹ thuật chuyên môn được giao thực hiện ngoài phạm vi hành nghề trên chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề, số quyết định điều chỉnh phạm vi hành nghề, ngày cấp giấy phép hành nghề, thời hạn của giấy phép hành nghề.
2. Thông tin về đăng ký hành nghề bao gồm: vị trí công tác, thời gian hành nghề (ghi rõ thời gian, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đăng ký hành nghề chính và cơ sở ngoài giờ khác).
3. Thông tin về đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa liên tục bao gồm: tên khóa tập huấn đào tạo, hội nghị, hội thảo có tính điểm cập nhật kiến thức y khoa, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, tài liệu chuyên môn, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, số tiết cập nhật kiến thức, tên cơ sở đào tạo liên tục, thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc.
4. Thông tin về người thực hành khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số định danh cá nhân, bằng cấp chuyên môn, trình độ đào tạo, phạm vi thực hành, thời gian bắt đầu và dự kiến thời gian kết thúc thực hành, nơi đăng ký thực hành.
Điều 10. Thông tin về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Thông tin về giấy phép hoạt động và các thông tin liên quan:
a) Tên mã cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; mã cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Số giấy phép hoạt động, ngày cấp, nơi cấp, phạm vi chuyên môn, người chịu trách nhiệm chuyên môn;
c) Địa chỉ đầy đủ, hình thức tổ chức, cấp chuyên môn kỹ thuật;
d) Tuyến quản lý, hạng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chuyên khoa, cơ quan chủ quản;
đ) Cơ sở hướng dẫn thực hành, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, công lập hay tư nhân;
e) Thời gian làm việc hằng ngày, người chịu trách nhiệm chuyên môn, năm thành lập và hoạt động.
2. Thông tin về cơ sở vật chất và giường bệnh:
a) Số giường bệnh kế hoạch, số giường bệnh đăng ký đối với các bệnh viện tư nhân, số giường bệnh thực tế;
b) Số giường bệnh hồi sức tích cực, số giường áp lực âm, số bàn phẫu thuật, số bàn đẻ;
c) Danh mục thiết bị y tế và hiện trạng sử dụng;
d) Danh mục và số lượng nhập, xuất, tồn thuốc, hóa chất, sinh phẩm định kỳ 06 tháng, 12 tháng.
3. Thông tin về tổ chức và nhân lực:
a) Danh mục các khoa, phòng, trung tâm;
b) Danh sách người hành nghề bao gồm cả thông tin người phụ trách chuyên môn.
4. Thông tin về chất lượng dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
a) Kết quả đánh giá chất lượng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Kết quả đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm;
c) Kết quả đo lường sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế;
d) Quản lý sự cố y khoa và phòng ngừa sự cố y khoa.
5. Thông tin về hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (định kỳ 6 tháng, 12 tháng):
a) Thông tin hoạt động chuyên môn, tổng số ngày điều trị, số ngày điều trị trung bình, nhân lực, dược bệnh viện, mô hình bệnh tật, tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, công tác điều dưỡng, phục hồi chức năng, kiểm soát nhiễm khuẩn, chỉ đạo tuyến và chuyển giao kỹ thuật;
b) Thông tin hoạt động tài chính: chi tiết các khoản thu, chi, trích lập các quỹ, thông tin cảnh báo rủi ro tài chính; chi tiết các khoản đề nghị và kết quả thanh quyết toán khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
6. Thông tin về năng lực thực hiện chuyên môn kỹ thuật:
a) Danh mục dịch vụ kỹ thuật chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Số lượng từng dịch vụ kỹ thuật chuyên môn đã thực hiện bảo hiểm y tế chi trả và người bệnh tự chi trả;
c) Danh mục hướng dẫn chẩn đoán, phác đồ điều trị, quy trình kỹ thuật và chăm sóc áp dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
7. Thông tin về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh:
a) Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế chi trả, người bệnh tự chi trả và dịch vụ theo yêu cầu;
b) Giá dịch vụ hỗ trợ chăm sóc và các chi phí liên quan đến chẩn đoán, điều trị, theo dõi.
8. Thông tin về chi phí khám bệnh, chữa bệnh và hạch toán giá dịch vụ theo dịch vụ chuyên môn kỹ thuật, theo ca bệnh
a) Chi nhân công: mã nhân viên, khoa/phòng, tổng thu nhập tính theo năm (lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nghề nghiệp, khoản đóng khác);
b) Khấu hao tài sản và thiết bị y tế: mã thiết bị, tên thiết bị, khoa/phòng sử dụng, năm đưa vào sử dụng, nguyên giá, nguồn;
c) Khấu hao nhà: mã tòa nhà, diện tích sử dụng, chi phí xây dựng, khoa, phòng sử dụng;
d) Chi thường xuyên (chi quản lý): chi năng lượng, kiểm soát nhiễm khuẩn, vật liệu, thông tin liên lạc, chi khác;
đ) Chi trực tiếp theo đợt điều trị: công khám, ngày giường, tiền thuốc, vật tư, máu, dịch truyền, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật, thủ thuật và vận chuyển.
Chương IV
KHAI THÁC, SỬ DỤNG DỮ LIỆU CỦA HỆ THỐNG THÔNG TIN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
Điều 11. Khai thác và sử dụng dữ liệu của Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan được phân quyền khai thác và sử dụng dữ liệu từ Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để phục vụ công tác hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh và các nhiệm vụ công vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Cơ sở y tế, cơ sở đào tạo trong lĩnh vực y tế và cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực y tế có quyền khai thác và sử dụng dữ liệu từ Hệ thống để phục vụ cho hoạt động của đơn vị, bao gồm các mục đích như đào tạo, nghiên cứu, cải tiến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe.
3. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân khai thác và sử dụng dữ liệu từ Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phải đảm bảo tuân thủ mục đích sử dụng đã đăng ký với cơ quan quản lý trực tiếp Hệ thống, đồng thời bảo đảm tính hợp pháp và chính xác trong việc khai thác và sử dụng dữ liệu, tránh lạm dụng hoặc sử dụng sai mục đích.
4. Bộ Y tế là cơ quan chủ quản đối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, có trách nhiệm xây dựng, duy trì, cập nhật và chia sẻ dữ liệu từ Hệ thống này phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược chính sách y tế và phục vụ nhu cầu khai thác của tổ chức, cá nhân trong khuôn khổ pháp luật.
Điều 12. Kết nối chia sẻ dữ liệu của Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
1. Việc kết nối và chia sẻ dữ liệu y tế giữa các cơ sở dữ liệu y tế phải tuân thủ theo quy định tại Điều 42 của Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 04 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ dữ liệu.
2. Mọi kết nối và chia sẻ dữ liệu y tế phải bảo đảm tính bảo mật, toàn vẹn và sẵn sàng của dữ liệu trong suốt quá trình truyền tải và sử dụng.
3. Việc kết nối và chia sẻ dữ liệu phải tuân thủ các yêu cầu về an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật hiện hành, bao gồm các biện pháp nhằm ngăn ngừa việc truy cập trái phép, rò rỉ hoặc làm giả thông tin cá nhân, dữ liệu y tế trong hệ thống.
4. Các cơ quan, tổ chức và đơn vị có trách nhiệm đảm bảo dữ liệu y tế được chia sẻ giữa các hệ thống thông tin đúng mục đích, bảo mật và chỉ được sử dụng cho các hoạt động được phép theo quy định của pháp luật.
Chương V TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2027.
Điều 14. Điều khoản chuyển tiếp
Trường hợp văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ.
Điều 15. Tổ chức thực hiện
1. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông tư này trên toàn quốc.
2. Các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm kết nối chia sẻ đầy đủ, chính xác, kịp thời dữ liệu về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
4. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế Bộ, ngành:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định tại Thông tư này đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý;
b) Thực hiện sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) và về cơ quan quản lý trực tiếp.
3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dữ liệu đầy đủ, chính xác và kịp thời lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Xã hội của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ (Công báo, Vụ KGVX, Cổng TTĐT của Chính phủ);
- Bộ trưởng Bộ Y tế (để b/cáo);
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế (để phối hợp chỉ đạo);
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Y tế các Bộ, ngành;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế;
- Lưu : VT, KCB (03b), PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Thuấn
|