BỘ Y TẾ
-----
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
|
Số: 28/2008/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ BÁO CÁO VÀ BIỂU MẪU BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ y tế;
Căn cứ điều 18 của Luật Thống kê số 04/2003/QH11 ngày 17/6/2003;
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế báo cáo và Biểu mẫu báo cáo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo. Bãi bỏ Quyết định số 26/2006/QĐ-BYT ngày 06/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành bản “Quy chế báo cáo và Biểu mẫu báo cáo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS”.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng y tế các ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - VPCP (Phòng Công báo, website Chính phủ); - Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL); - Các Bộ, ngành có liên quan; - BT. Nguyễn Quốc Triệu (để báo cáo); - Các Thứ trưởng (để biết); - Website Bộ Y tế; - Lưu: VT, AIDS, PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trịnh Quân Huấn
|
QUY CHẾ
BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28/2008/QĐ-BYT ngày 14 tháng 8 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về hình thức, thời gian, hệ thống báo cáo và trách nhiệm thực hiện báo cáo.
2. Quy chế này áp dụng đối với tất cả các đơn vị, tổ chức có triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong phạm vi cả nước.
Điều 2. Nguyên tắc báo cáo
1. Báo cáo phải bảo đảm tính trung thực, khách quan, đầy đủ, hạn chế trùng lặp đến mức tối đa.
2. Nội dung báo cáo phải được thực hiện đúng theo các biểu mẫu ban hành kèm theo Quyết định này.
3. Việc báo cáo phải đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền, có đầy đủ chữ ký của người làm báo cáo, chữ ký, dấu của Thủ trưởng cơ quan báo cáo và phải gửi đúng thời gian quy định.
Điều 3. Công bố và lưu trữ số liệu
Việc công bố và lưu trữ số liệu báo cáo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về thống kê, bảo vệ bí mật nhà nước và lưu trữ.
Chương II
CÁC CHẾ ĐỘ BÁO CÁO CỤ THỂ
Điều 4. Hình thức, nội dung và cách gửi báo cáo
1. Hình thức báo cáo:
a) Báo cáo định kỳ bao gồm báo cáo quý, báo cáo năm;
b) Báo cáo đột xuất.
2. Nội dung báo cáo:
a) Báo cáo định kỳ: Nội dung báo cáo thực hiện theo biểu mẫu số 1, số 2 và số 3 ban hành kèm theo Quy chế này;
b) Báo cáo đột xuất: Nội dung báo cáo phải nêu rõ sự việc, thời gian, địa điểm, tình hình diễn biến, hậu quả và các giải pháp can thiệp đối với các vấn đề xảy ra đột xuất trong phạm vi đơn vị phụ trách. Trường hợp, báo cáo theo yêu cầu của cấp trên, nội dung báo cáo phải đầy đủ thông tin theo đúng nội dung cụ thể mà đơn vị đề nghị báo cáo yêu cầu.
Điều 5. Giá trị của số liệu báo cáo
1. Giá trị của số liệu đối với báo cáo định kỳ được quy định như sau:
a) Số liệu báo cáo của Quý I được tính từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/3 hằng năm;
b) Số liệu báo cáo của Quý II được tính từ ngày 01/4 đến hết ngày 30/6 hằng năm;
c) Số liệu báo cáo của Quý III được tính từ ngày 01/7 đến hết ngày 30/9 hằng năm;
d) Số liệu báo cáo của Quý IV được tính từ ngày 01/10 đến hết ngày 31/12 hằng năm;
đ) Số liệu báo cáo năm được tính từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 hằng năm.
2. Giá trị của số liệu đối với báo cáo đột xuất được thực hiện theo yêu cầu cụ thể về thời gian thực hiện thống kê số liệu của từng báo cáo.
Điều 6. Quy trình báo cáo
1. Quy trình báo cáo định kỳ được thực hiện như sau:
a) Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc thống kê số liệu quy định tại Điều 5 của Quy chế này, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Trạm Y tế xã) thu thập, tổng hợp số liệu của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn và báo cáo bằng văn bản cho đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS của huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là đơn vị phòng, chống HIV/AIDS huyện).
b) Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc thống kê số liệu quy định tại Điều 5 của Quy chế này, đơn vị phòng, chống HIV/AIDS huyện thu thập, tổng hợp số liệu báo cáo của tất cả các Trạm Y tế xã trên địa bàn, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS do đơn vị tuyến huyện thực hiện và báo cáo bằng văn bản cho đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là đơn vị phòng, chống HIV/AIDS tỉnh).
c) Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc thống kê số liệu quy định tại Điều 5 của Quy chế này, đơn vị phòng, chống HIV/AIDS tỉnh thu thập, tổng hợp số liệu báo cáo của tất cả các đơn vị phòng, chống HIV/AIDS huyện trên địa bàn, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS do đơn vị tuyến tỉnh thực hiện và báo cáo cho đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS khu vực (sau đây gọi tắt là Viện khu vực), Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cụ thể như sau:
- Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nhận báo cáo bằng văn bản và file điện tử của 28 tỉnh khu vực phía Bắc, bao gồm: Bắc Cạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hoà Bình, Hưng Yên, Lào Cai, Lạng Sơn, Lai Châu, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái;
- Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh nhận báo cáo bằng văn bản và file điện tử của 20 tỉnh khu vực phía Nam, bao gồm: An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long;
- Viện Pasteur Nha Trang nhận báo cáo bằng văn bản và file điện tử của 11 tỉnh khu vực miền Trung, bao gồm: Bình Định, Bình Thuận, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế;
- Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên nhận báo cáo bằng văn bản và file điện tử của 04 tỉnh, bao gồm: Đắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum.
- Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế nhận báo cáo bằng văn bản và file điện tử của tất cả các tỉnh trên toàn quốc và của 4 Viện khu vực.
d) Trong thời gian 35 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc thống kê số liệu quy định tại Điều 5 của Quy chế này, đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS khu vực thu thập, tổng hợp số liệu báo cáo của tất cả các đơn vị phòng, chống HIV/AIDS tỉnh trên địa bàn và báo cáo cho Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS).
đ) Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc thống kê số liệu quy định tại Điều 5 của Quy chế này, các Viện, Bệnh viện Trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các đơn vị phòng, chống HIV/AIDS trực thuộc các Bộ, ngành, đoàn thể, các Ban quản lý dự án Trung ương hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS thu thập, tổng hợp số liệu liên quan đến hoạt động phòng, chống HIVAIDS của mình và báo cáo bằng văn bản cho Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS).
2. Báo cáo đột xuất phải đầy đủ các nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 của Quy chế này và được gửi cho đơn vị đề nghị báo cáo. Trong trường hợp khẩn cấp, báo cáo có thể được gửi qua hệ thống FAX, điện báo hoặc thư điện tử nhưng trong vòng 72 giờ phải gửi bản chính theo đường công văn.
Chương III
TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN
Điều 7. Trách nhiệm của người làm công tác báo cáo
1. Người trực tiếp lập biểu báo cáo phải chịu trách nhiệm trước người phụ trách bộ phận về tính chính xác của số liệu, nội dung, chất lượng, thời hạn của báo cáo.
2. Người phụ trách bộ phận báo cáo phải kiểm tra nội dung, chất lượng báo cáo và chịu trách nhiệm trước thủ trưởng đơn vị và cơ quan chức năng về tính chính xác của số liệu, nội dung, chất lượng, thời hạn của báo cáo theo quy định.
3. Thủ trưởng đơn vị ký và đóng dấu phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về tính chính xác của số liệu, nội dung, chất lượng, thời hạn của báo cáo.
Điều 8. Trách nhiệm của Trạm y tế xã
Tổ chức thực hiện việc thống kê, ghi chép và báo cáo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo quy định.
Điều 9. Trách nhiệm của đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS huyện
Thu thập, xử lý, tổng hợp, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện và quản lý toàn bộ số liệu báo cáo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thuộc phạm vi huyện bao gồm số liệu từ các xã, số liệu từ các cơ sở có hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trực thuộc tuyến huyện.
Điều 10. Trách nhiệm của các Viện, Bệnh viện trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; các đơn vị phòng, chống HIV/AIDS trực thuộc các Bộ, ngành, đoàn thể; Ban quản lý các dự án Trung ương hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS
1. Thu thập, xử lý và báo cáo số liệu phản ánh toàn bộ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của đơn vị hoặc của ngành.
2. Tham khảo ý kiến của Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) và các đơn vị chức năng khác trước khi ban hành thêm biểu mẫu, sổ sách ghi chép hoặc tổ chức các cuộc điều tra thống kê chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.
Điều 11. Trách nhiệm của đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh
1. Thu thập, xử lý số liệu phản ánh toàn bộ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của địa phương.
2. Hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra, đánh giá, tổng hợp thống kê báo cáo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và của các đơn vị trực thuộc Sở Y tế tỉnh.
Điều 12. Trách nhiệm của các Viện khu vực
1. Thu thập, xử lý số liệu phản ánh toàn bộ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của các tỉnh trong khu vực được giao phụ trách theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 của Quy chế này và tại Viện khu vực.
2. Hướng dẫn nghiệp vụ, tổng hợp thống kê báo cáo hoạt động cho các tỉnh thuộc khu vực được giao phụ trách.
3. Tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả việc thực hiện các báo cáo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong phạm vi khu vực phụ trách.
Điều 13. Trách nhiệm của Cục Phòng, chống HIV/AIDS
1. Xây dựng, chỉ đạo toàn bộ các hoạt động về báo cáo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
2. Thu thập, tổng hợp và phân tích số liệu phản ánh hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên toàn quốc theo định kỳ hằng quý, hằng năm, 5 năm, 10 năm.
3. Hướng dẫn các đơn vị thực hiện quy chế báo cáo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
4. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các báo cáo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên phạm vi toàn quốc.