BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ---------------------- Số: 2194/QĐ-BNN-QLCL | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------- Hà Nội, ngày 16 tháng 8 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH CHUẨN BỊ TRIỂN KHAI LUẬT AN TOÀN THỰC PHẨM
CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-----------------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12;
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/09/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch chuẩn bị triển khai Luật An toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: -Như điều 3; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng (để b/c); - Bộ Y tế; - Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT; - Website của Bộ NN và PTNT; - Lưu: VT, QLCL. | BỘ TRƯỞNG Cao Đức Phát |
KẾ HOẠCH
CHUẨN BỊ TRIỂN KHAI LUẬT AN TOÀN THỰC PHẨM
CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2194/QĐ-BNN-QLCL ngày 16 / 8 /2010
của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
I. MỤC TIÊU
Mục tiêu của Kế hoạch là cụ thể hóa các nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chuẩn bị và triển khai Luật An toàn thực phẩm ngay sau khi Luật có hiệu lực, cụ thể:
- Phổ biến Luật An toàn thực phẩm tới các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật trong phạm vi quản lý của ngành NN&PTNT.
- Rà soát tổng thể các văn bản Quy phạm pháp luật (QPPL) dưới Luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT để sửa đổi, bổ sung nhằm điều chỉnh toàn diện, đồng bộ và thống nhất các vấn đề về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm theo qui định của Luật An toàn thực phẩm.
- Phân công, phân cấp quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm được giao của Bộ và toàn ngành.
- Kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, hệ thống thanh tra chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương.
- Tăng cường năng lực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong ngành đủ sức triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được phân công theo Luật An toàn thực phẩm.
II. NỘI DUNG
1. Phổ biến Luật An toàn thực phẩm tới các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật trong phạm vi quản lý của ngành NN&PTNT.
- Tổ chức các hội nghị phổ biến Luật An toàn thực phẩm cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến an toàn thực phẩm trong ngành.
- Tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh của Luật An toàn thực phẩm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các tài liệu hướng dẫn, công bố trên website của Bộ và các Cục chuyên ngành.
- Lồng ghép phổ biến Luật An toàn thực phẩm trong các khóa đào tạo, tập huấn về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.
2. Xây dựng hoặc tham gia xây dựng các văn bản được phân công tại Luật An toàn thực phẩm:
- Phối hợp với Bộ Y tế hoàn thành và trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm.
- Phối hợp với Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch phân công quản lý nhà nước về chất lượng, ATTP thay thế Thông tư liên tịch 24/2005/TTLT-BYT-BTS và Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BYT-BNN.
- Rà soát tổng thể các văn bản QPPL dưới Luật liên quan đến ATTP nông lâm thủy sản trái với Luật, Nghị định hướng dẫn để hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung.
- Rà soát tổng thể, xây dựng và hài hoà các tiêu chuẩn, các quy định, quy chuẩn kỹ thuậtvề an toàn thực phẩm với các tiêu chuẩn và quy định của quốc tế (Codex, OIE, IPPC); khẩn trương chuyển đổi các tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành bắt buộc áp dụng thành các qui chuẩn kỹ thuật quốc gia. 3. Phân công, phân cấp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý được giao của Bộ và toàn ngành.
- Rà soát chức năng nhiệm vụ của các Tổng cục, Cục có liên quan đến an toàn thực phẩm.
- Ban hành, trình ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ của các Tổng cục, Cục về an toàn thực phẩm.
- Ban hành Thông tư phân công trách nhiệm giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cho các Tổng cục, Cục, cơ chế điều phối, phối hợp giữa các cơ quan có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
- Rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy định về phân cấp nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phù hợp Luật An toàn thực phẩm, theo hướng phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương.
4. Kiện toàn và ổn định bộ máy tổ chức, quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm của Ngành Nông nghiệp.
4.1. Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm tại các Tổng cục, Cục chuyên ngành thuộc Bộ NN&PTNT.
- Rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước và dịch vụ công về an toàn thực phẩm tại các Tổng cục, Cục chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý được phân công.
- Kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành ATTP thuộc Bộ NN&PTNT, đào tạo nhân lực thanh, kiểm tra tại các Chi cục Quản lý CLNLTS tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
4.2. Xây dựng và ổn định bộ máy tổ chức QLCL NLTS địa phương
- Đôn đốc, hướng dẫn các địa phương nhanh chóng thành lập, ổn định tổ chức, đầu tư năng lực cho Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Chi cục Quản lý CLNLTS) tại 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
- Hướng dẫn các địa phương thí điểm thành lập đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi Cục thực hiện nhiệm vụ tư vấn, đào tạo. kiểm nghiệm, chứng nhận về an toàn thực phẩm trong phạm vi được phân cấp và cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân.
5. Tăng cường năng lực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản
5.1. Phát triển nguồn nhân lực
- Đảm bảo bố trí đủ biên chế cho các cơ quan quản lý chất lượng NLTS để hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chức danh quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đồng bộ trên cơ sở khảo sát, đánh giá, tập hợp nhu cầu đào tạo ngắn hạn và dài hạn đối với từng lĩnh vực và chuyên ngành trong hệ thống từ trung ương đến địa phương.
5.2. Tăng cường năng lực kiểm nghiệm, xét nghiệm
- Áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO 17025 đối với các Phòng kiểm nghiệm tham gia kiểm nghiệm an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ.
- Đầu tư bổ sungcác thiết bị kiểm nghiệm đáp ứng phân tích 100% các chỉ tiêu an toàn thực phẩm các sản phẩm nông lâm thủy sản tại các Phòng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm thuộc các Cục chuyên ngành.
- Hoàn thiện việc xây dựng cơ sở pháp lý đối với phòng kiểm nghiệm kiểm chứng cấp quốc gia. Chọn lựa và xây dựng khoảng 02 phòng kiểm chứng quốc gia trở thành phòng kiểm chứng cấp khu vực.
5.3. Xã hội hóa các dịch vụ về chất lượng, ATTP nông lâm sản và thủy sản; thu hút và nâng cao vai trò của các hội nghề nghiệp
- Hoàn thiện cơ chế quản lý, đánh giá, công nhận các tổ chức xã hội làm dịch vụ phục vụ quản lý chất lượng, ATTP nông lâm sản và thủy sản thuộc các thành phần kinh tế.
- Tổ chức đánh giá năng lực các tổ chức kiểm nghiệm, các tổ chức chứng nhận chất lượng nông lâm thủy sản hiện có để chỉ định các cơ sở đáp ứng yêu cầu tham gia kiểm tra, chứng nhận chất lượng ATTP nông lâm thủy sản.
- Nâng cao vai trò cầu nối trong quản lý chất lượng, ATTP nông sản của các hội, hiệp hội sản xuất. Thiết lập cơ chế hỗ trợ các hiệp hội nhà sản xuất, chế biến.
5.4. Đầu tư cho quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản
- Đầu tư nâng cấp và mở rộng trụ sở làm việc và phòng kiểm nghiệm của các cơ quan quản lý chất lượng nông lâm thủy sản từ trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trang bị đồng bộ thiết bị kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng nông lâm thủy sản cho các phòng kiểm nghiệm kiểm chứng quốc gia và khu vực.
- Hướng dẫn định hướng về đầu tư thiết bị kiểm nghiệm chất lượng cơ bản cho các Chi cục tham gia quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản cấp tỉnh.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai Luật An toàn thực phẩm và các chương trình, đề án của Ngành, cụ thể hóa trong kế hoạch hoạt động của cơ quan, đơn vị.
2. Giao các Tổng cục, Cục chuyên ngành, các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 gửi kèm.
3. Giao Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản chủ trì, phối hợp với các Tổng cục, Cục chuyên ngành thuộc Bộ NN&PTNT, các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc theo dõi thực hiện Kế hoạch, định kỳ hàng quí báo cáo Bộ để Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Liên ngành Trung ương về ATTP.
4. Kinh phí thực hiện: Kinh phí cho các hoạt động được lấy từ nguồn kinh phí chi hoạt động thường xuyên, các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về an toàn thực phẩm và các dự án khác. Các đơn vị được giao chủ trì các nhiệm vụ lập dự toán trình Bộ duyệt làm căn cứ triển khai./.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT