Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Quyết định 409/2002/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 409/2002/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 409/2002/QĐ-TTg | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 27/05/2002 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Xây dựng |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Quyết định 409/2002/QĐ-TTg
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Số: 409/2002/QĐ-TTG |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 27 tháng 05 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT, TỈNH LÂM ĐỒNG VÀ VÙNG PHỤ CẬN ĐẾN NĂM 2020
----------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tại tờ trình số 3991/TTr-UB ngày 04 tháng 12 năm 2001 và Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại công văn số 2259/BXD-KTQH ngày 18 tháng 12 năm 2001,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau :
1. Phạm vi điều chỉnh quy hoạch chung :
Phạm vi điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thành phố (gồm 12 phường và 3 xã) và vùng phụ cận (gồm các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà) có tổng diện tích 96.914 ha, trong đó thành phố Đà Lạt có diện tích 39.104 ha và vùng phụ cận có diện tích 57.810 ha.
2. Tính chất : thành phố Đà Lạt có 5 tính chất sau :
a) Là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hoá, dịch vụ và đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng, là tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng.
b) Là một trong những trung tâm du lịch, đặc biệt là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo và sinh thái của vùng và cả nước.
c) Là một trong những trung tâm đào tạo đa ngành, trung tâm nghiên cứu khoa học lớn của cả nước.
d) Là khu vực sản xuất chế biến rau và hoa chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
đ) Có vị trí quan trọng về an ninh và quốc phòng.
3. Quy mô dân số :
Quy mô dân số toàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020 là 432.700 người, trong đó : dân số nội thành là 201.000 người; dân số ngoại thành là 27.000 người; dân số vùng phụ cận là 154.700 người và dân số quy đổi từ lượt khách du lịch là 50.000 người (2.000.000 khách/năm).
4. Quy mô đất xây dựng :
- Đất xây dựng đô thị đến năm 2005 : khoảng 16.744,4 ha với chỉ tiêu 1.046,5 m2/người, trong đó đất dân dụng 1.280,5 ha với chỉ tiêu 80 m2/người.
- Đất xây dựng đô thị đến năm 2020 : khoảng 17.836,8 ha với chỉ tiêu 887,4m2/người, trong đó đất dân dụng 1.474 ha với chỉ tiêu 73,3 m2/người.
5. Định hướng phát triển không gian và kiến trúc cảnh quan đô thị :
a) Hướng phát triển thành phố : chủ yếu phát triển theo 4 hướng chính sau :
- Hướng Tây - Tây Bắc: phát triển khu du lịch Đan Kia - Suối Vàng, các khu hỗ trợ xung quanh và khu du lịch Cam Ly - Măng Lin.
- Hướng Nam - Đông Nam : phát triển khu du lịch hồ Tuyền Lâm; phát triển các cụm công nghiệp, trồng trọt chế biến nông sản nằm dọc trục quốc lộ 20 kéo dài đến sân bay quốc tế Liên Khương.
- Hướng Đông : phát triển cụm công nghiệp chế biến rau, hoa và nông sản và một số khu công nghiệp nhỏ khai thác, chế biến.
- Hướng Bắc - Đông Bắc : phát triển du lịch sinh thái rừng Đạ Sa, Đạ Cháy - huyện Lạc Dương và khu bảo tồn thiên nhiên Bi Đúp - Núi Bà.
b) Phân khu chức năng :
- Các khu dân cư bao gồm :
+ Khu hạn chế phát triển gồm : khu trung tâm thành phố cũ nằm trong phạm vi đường bao quanh khu trung tâm khoảng 533,2 ha được cải tạo, chỉnh trang bằng giải pháp di dời một số nhà máy, xí nghiệp, kho tàng gây ô nhiễm, một số nhà nằm trong vùng ven suối và không đảm bảo điều kiện về môi trường. Hạn chế tối đa việc phát triển nhà chia lô liền kề mặt phố trên tuyến đường được mở mới.
+ Các khu phát triển mới : phát triển theo mô hình tiểu khu nhà ở tại các khu vực có quy hoạch và phát triển đồng bộ với các dự án phát triển chung của thành phố, các khu ở mới được xây dựng bám theo các quả đồi, không có rừng cây tự nhiên và độ dốc đảm bảo cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật thuận lợi, có khả năng khai thác làm đất ở bao gồm : khu nhà ở số 1 (phường 8); khu nhà ở số 2 (phường 7 - 8); khu nhà ở số 3 (phường 7); khu nhà ở số 4 (phường 5); khu nhà ở số 5 (phường 4); khu nhà ở số 6 (phường 11).
+ Phát triển một số khu ở trong các đô thị vệ tinh tại thị trấn Dran, thị trấn Thạnh Mỹ - huyện Đơn Dương; Ngã 3 Finom, thị trấn Liên Nghĩa - huyện Đức Trọng; thị trấn Đinh Văn, thị trấn Nam Ban - huyện Lâm Hà.
- Các khu du lịch, nghỉ dưỡng : bao gồm các khu du lịch hiện có được cải tạo chỉnh trang ở phường 1, 2, 3, 4, 5, 9 và 10 và cải tạo chỉnh trang khu khách sạn đường Lê Hồng Phong thành khu dịch vụ hội nghị, hội thảo; phát triển các khu du lịch mới gồm khu Tuyền Lâm ở phường 3 và 4, khu Thung lũng Tình yêu ở phường 8, khu hồ Than Thở, hồ Mê Linh ở phường 9 và 12, thác Prenn, thác Datanla ở phường 3; thác Cam Ly; khu du lịch Cam Ly ở phường 5 và 7, thác Hang Cọp ở xã Xuân Thọ; thác Vọng, thác Cam Ly Thượng ở xã Tà Nung; khu du lịch Măng Lin ở phường 7.
Ngoài ra, tại vùng phụ cận phát triển khu du lịch lớn Đan Kia - Suối Vàng, núi Lang Bian - huyện Lạc Dương và một số khu du lịch khác.
- Các khu công nghiệp, kho tàng :
+ Các doanh nghiệp hiện đang sản xuất nếu phù hợp với quy hoạch thì được giữ lại nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường đô thị; khu công nghiệp Trại Mát (theo đồ án năm 1994) được điều chỉnh theo hướng không khai thác mỏ cao lanh trên diện rộng.
+ Khu công nghiệp ở khu vực ngoại thành tại xã Xuân Trường, Xuân Thọ.
+ Các khu công nghiệp sẽ được phát triển vùng ven quốc lộ 20 thuộc huyện Đức Trọng, chủ yếu bố trí loại hình công nghiệp sạch.
+ Tại các đô thị vệ tinh khác có thể mở rộng và phát triển các cụm công nghiệp phục vụ chế biến nông sản, rau, hoa quả.
- Hệ thống các trung tâm :
+ Trung tâm hành chính - chính trị của Tỉnh, Thành phố như trụ sở Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, Tỉnh ủy về cơ bản giữ nguyên vị trí cũ. Nâng cấp, cải tạo khu vực ủy ban nhân dân thành phố cho phù hợp. Trụ sở Thành ủy Đà Lạt được dời về phía Tây Bắc đồi Cù và vị trí hiện nay tại đường Phó Đức Chính dự kiến được cải tạo thành khu du lịch.
+ Hệ thống trung tâm dịch vụ công cộng được tổ chức thành 3 cấp : cấp phục vụ hàng ngày, định kỳ và không thường xuyên. Các công trình phục vụ không thường xuyên được bố trí phân tán, phi tập trung tại khu vực trung tâm thành phố tại chợ Đà Lạt và khu Hoà Bình (diện tích khoảng 141 ha); cấp định kỳ được bố trí gắn với hệ thống trung tâm các khu vực và các khu ở; cấp hàng ngày được bố trí gắn với các khu ở.
+ Trung tâm hội nghị, hội thảo quốc tế bố trí ở phường 10 phía Đông hồ Xuân Hương.
+ Trung tâm thương mại quốc tế bố trí ở phường 10 phía Nam hồ Xuân Hương.
- Các trung tâm chuyên ngành :
+ Các trường đào tạo, viện nghiên cứu có diện tích khoảng 155,73 ha, trong đó bao gồm viện nghiên cứu chiếm 53 ha và các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp chiếm 74,73 ha vẫn giữ nguyên vị trí cũ; xây dựng mới trường Đại học dân lập ở phường 7.
+ Các trung tâm y tế, nghỉ dưỡng bao gồm : các trạm y tế, phòng khám đa khoa phân bố hợp lý; bệnh viện đa khoa tỉnh được nâng cấp. Xây mới trung tâm dịch vụ y tế cao cấp tại đồi Ngọc Hoàng phường 4 giáp phía Tây Dinh III tại khu vực phía Nam Thành phố.
+ Các trung tâm thể dục thể thao : chuyển Trung tâm thể thao lên phía Bắc Thành phố tại phường 7. Xây dựng một khu trung tâm đào tạo vận động viên cấp toàn quốc và khu vực phía Nam tại Phước Thành.
+ Các trung tâm văn hoá có diện tích khoảng 175,6 ha, bao gồm : đầu tư xây dựng chỉnh trang bảo tàng, trung tâm văn hoá, nhà thiếu nhi, rạp hát, thư viện, các dinh thự, các chùa, nhà thờ, tu viện. Xây dựng mới quảng trường, nhà hát lớn, nhà văn hoá thanh niên, nhà văn hoá lao động, tượng đài, sân khấu ngoài trời, khu văn hoá dân tộc Việt Nam.
+ Các khu an ninh, quốc phòng được giữ nguyên quy mô và vị trí.
- Hệ thống cây xanh, công viên văn hoá và công viên rừng có diện tích khoảng 11.836,8 ha, bao gồm:
+ Các công viên hiện có được cải tạo chỉnh trang có diện tích 94,5 ha được bố trí ở phường 1, 2, 8, 9 và 12.
+ Các công viên mới có diện tích 66,5 ha bao gồm công viên Trung tâm, Vạn Kiếp, Chiến Thắng, Đa Thiện, Than Thở, Mê Linh, công viên Nam hồ Xuân Hương được bố trí tại phường 1, 2, 7, 8, 10 và 12.
+ Hệ thống các công viên rừng có diện tích 11.650,8 ha.
+ Các khu trồng rau, hoa trong thành phố có diện tích 2.987 ha, được bố trí phân tán ở các phường nội thành.
c) Về kiến trúc và cảnh quan đô thị :
Nghiên cứu phân vùng kiến trúc cảnh quan và quy định chi tiết các tiêu chí quản lý kiến trúc cho các khu vực nhằm bảo vệ các vùng thiên nhiên, giữ gìn các khu rừng thông, mặt nước thoáng, địa mạo và các đặc trưng khác của cảnh quan thiên nhiên vùng Tây Nguyên; bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị; chỉnh trang, cải tạo các khu nội thành cũ; phát triển kiến trúc mới hiện đại, giàu bản sắc dân tộc và truyền thống địa phương.
6. Định hướng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật :
a) Về giao thông :
- Đường bộ :
+ Cải tạo nâng cấp tuyến quốc lộ 20 Đà Lạt - thành phố Hồ Chí Minh, cải tạo mở rộng đoạn từ sân bay Liên Khương đến đèo Prenn với quy mô 4 làn xe cơ giới. Khôi phục đoạn quốc lộ 20B cũ từ thác Prenn lên Đà Lạt. Cải tạo, thông tuyến tỉnh lộ 723 nối trực tiếp Đà Lạt với thành phố Nha Trang. Cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 722 từ Đà Lạt đến Đắk Lắk. Cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 725 Đà Lạt - Tà Nung - Nam Ban - quốc lộ 27 thành quốc lộ 27B. Cải tạo xây dựng hoàn chỉnh bến ô tô liên nội tỉnh. Xây dựng tuyến Cam Ly nối với khu du lịch Đan Kia - Suối Vàng.
+ Giao thông nội thị : có chiều dài 185 km, trong đó 163,8 km cải tạo, nâng cấp và 21,2 km xây dựng mới được tổ chức bám sát địa hình tự nhiên theo dạng nan quạt. Cải tạo nâng cấp, xây dựng mới các đường giao thông đến các khu du lịch, nghỉ dưỡng, hạ tầng kỹ thuật khu du lịch Đan Kia, Suối Vàng, Tuyền Lâm, hệ thống bãi đỗ xe nội thị.
- Đường sắt :
+ Xây dựng, khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt - Phan Rang, nối liền với hệ thống đường sắt quốc gia.
+ Nâng cấp ga Đà Lạt và các ga trên tuyến phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hoá, thông tuyến với hệ đường sắt quốc gia.
- Đường hàng không :
+ Nâng cấp sân bay Liên Khương hiện có thành cảng hàng không quốc tế.
+ Khai thác sử dụng sân bay Cam Ly thành sân bay cao cấp dành cho các loại chuyên cơ nhỏ, trực thăng và một số loại máy bay thể thao du lịch.
- Tổ chức giao thông :
+ Tổ chức tuyến đường vành đai kết nối các trục giao thông đối ngoại theo các hướng Đông - Tây (quốc lộ 20, 27 đi Phan Rang; tỉnh lộ 725 đi Tà Nung nối quốc lộ 27) và Bắc - Nam (tỉnh lộ 723 đi Nha Trang; quốc lộ 20 đi thành phố Hồ Chí Minh).
+ Tổ chức các tuyến giao thông công cộng và các loại hình giao thông chuyên dụng đa dạng phục vụ khách tham quan các khu vực danh lam thắng cảnh của Đà Lạt và vùng phụ cận như xe ngựa, xe chạy điện, xe taxi, hoặc tuyến đi bộ có cầu dẫn.
+ Tuyến cáp treo từ hồ Đan Kia lên đỉnh Lang Bian và từ cửa ngõ thành phố Đà Lạt đi hồ Tuyền Lâm.
+ Tuyến Monorail vòng quanh khu vực trung tâm phục vụ giao thông công cộng kết hợp du lịch.
+ Tổ chức hệ thống bến bãi đỗ xe phục vụ giao thông trong toàn thành phố đặc biệt tại các khu vực xây dựng tập trung, khu thương mại, quảng trường, khu trung tâm.
b) Về chuẩn bị kỹ thuật đất đai :
- San nền : tôn trọng tối đa địa hình tự nhiên, tránh đào đắp lớn.
- Mạng lưới đường xây mới bám sát đường đồng mức, chỉ san lấp cục bộ tạo mặt bằng đường đảm bảo độ dốc.
- Khôi phục và đào thêm một số hồ tạo cảnh quan như hồ Mê Linh, hồ Vạn Kiếp, hồ Đa Thiện 1, 2 và 3, xây dựng hồ Cam Ly 1, 2, 3 và 4, Trường Sơn, Xuân Sơn, Trạm Hành.
c) Về cấp điện :
- Nguồn điện : từ hệ thống điện lưới quốc gia và nhà máy điện tại địa phương. Xây dựng các đường dây 110 KV và các trạm biến áp trung gian 110/22 KV Đà Lạt 1, Đà Lạt 2, Suối Vàng.
- Cải tạo và phát triển lưới điện phân phối đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
d) Về cấp nước :
- Nguồn nước : cấp cho trung tâm đô thị là nguồn nước mặt của hồ Đan Kia, hồ Chiến Thắng.
- Nguồn nước cấp cho vùng ngoại thành : xây dựng các hồ chứa để xử lý cấp nước.
- Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt : 150 lít/người/ngày; du lịch 300 lít/người/ngày.
đ) Về thông tin, bưu chính viễn thông :
- Hiện đại hoá mạng thông tin liên lạc, xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới các bưu cục khu vực bán kính phục vụ từ 1,5 - 2 km/trạm khu vực, mạng điện thoại công cộng, phát triển các dịch vụ bưu chính viễn thông.
- Hiện đại hoá hệ thống phát thanh truyền hình, mở rộng vùng phủ sóng.
e) Về thoát nước thải và vệ sinh môi trường :
- Hệ thống thoát nước thải ở khu trung tâm được xây dựng mới và xử lý tập trung. Ngoại thành và vùng phụ cận xử lý tại chỗ bằng bể tự hoại.
- Vị trí dự kiến xây dựng hồ sinh học : điều chỉnh thành hồ cảnh quan và làm sạch sơ bộ nước trước khi chảy qua thác Cam Ly.
- Bố trí các lò giết mổ gia súc tập trung phía hạ lưu thác Cam Ly để đảm bảo vệ sinh môi trường và thuận tiện cho việc xử lý chất thải.
- Quản lý chất thải rắn :
+ Bãi rác tại thôn Buôn Bị hiện nay có diện tích 10 ha và có khả năng mở rộng diện tích, dự trữ quỹ đất cho bãi rác với diện tích khoảng 50 ha, bao gồm xử lý rác thải của khu du lịch Đan Kia - Suối Vàng và hồ Tuyền Lâm. Xây dựng nhà máy xử lý rác.
+ Lò phản ứng hạt nhân và chất thải hạt nhân cần có kế hoạch di dời đến vị trí khác thích hợp, xa thành phố, xa các khu dân cư sinh sống với khoảng cách tối thiểu là 20 km và phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng nguyên tử quốc gia.
- Nghĩa trang :
+ Tiếp tục sử dụng 08 nghĩa trang hiện có. Các nghĩa trang khác ngừng chôn cất và từng bước lập kế hoạch di chuyển; nghĩa trang Mả Thánh sẽ được giải tỏa để xây dựng công viên thể thao văn hóa.
+ Xây dựng thêm nghĩa trang mới tại thôn Buôn Bị và Đài hoả táng tại khu Du Sinh, phường 5.
7. Quy hoạch xây dựng đợt đầu đến năm 2005 :
Cần chủ động thực hiện các biện pháp duy trì, tôn tạo và phát triển cảnh quan thiên nhiên, cơ sở du lịch, môi sinh, môi trường để đảm bảo cho Đà Lạt xứng đáng là khu trung tâm du lịch nghỉ dưỡng có tầm vóc quốc gia và quốc tế.
a) Khu nội thị :
- Hoàn thành và xây dựng các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, như các tuyến giao thông đối ngoại, nâng cấp các tuyến đối nội; xây dựng các bến bãi đỗ xe, chuẩn bị kỹ thuật, cấp nước, thoát nước thải, vệ sinh môi trường và di dời một số nghĩa trang ra khỏi khu vực nội thành.
- Tổ chức và sắp xếp các khu trồng rau, hoa trong nội thành và xây dựng nhà máy chế biến rau cao cấp.
- Xây dựng một số công trình trọng điểm, các trung tâm công cộng mới như công trình hội thảo, hội nghị, các khu thương mại, khu thể thao trung tâm, trường học, phát thanh truyền hình, công viên, quảng trường, biểu tượng Đà Lạt, khu văn hoá dân tộc Việt Nam, Tây Nguyên.
- Cải tạo một số khu nhà ở có kiến trúc không phù hợp và di chuyển một số nhà ở ven suối theo chương trình di dân cải tạo hệ thống thoát nước. Bảo tồn và khôi phục các công trình kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên có giá trị trong khu quy hoạch chỉnh trang đô thị.
- Xây dựng một số khu nhà ở mới theo các dự án.
- Chỉnh trang và khai thác các biệt thự cũ, nhất là tại khu bảo tồn kiến trúc.
- Phát triển khu du lịch hồ Tuyền Lâm, khu Cam Ly - Màng Lin, Thung lũng Tình yêu, thác Prenn, Đatanla.
b) Khu ngoại thành và các vùng phụ cận :
- Phát triển các khu công nghiệp phía Nam gần sân bay Liên Khương.
- Cải tạo các tuyến giao thông đi thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang, đường Hồ Chí Minh và sân bay quốc tế Liên Khương.
- Tổ chức các trung tâm trồng, chế biến rau, hoa xuất khẩu, chăn nuôi bò.
- Củng cố các hệ thống công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật trong vùng có liên quan.
- Phát triển khu du lịch Đan Kia - Suối Vàng, Tuyền Lâm - núi Voi.
- Cải tạo nâng cấp, xây dựng mới đường giao thông đến các khu du lịch nghỉ dưỡng như tuyến Đà Lạt - Đan Kia - Suối Vàng, Dinh III - Tuyền Lâm, Đà Lạt - Lang Bian và hạ tầng kỹ thuật trong các khu du lịch.
Điều 2. Giao ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chịu trách nhiệm :
a) Phê duyệt hồ sơ thiết kế Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020.
b) Thống nhất với Bộ Xây dựng để xây dựng và ban hành Quy định về quản lý xây dựng theo Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020.
c) Công bố quy hoạch để nhân dân biết, kiểm tra và thực hiện; tổ chức việc thực hiện quy hoạch nêu trên theo quy định hiện hành; tổ chức làm sa bàn giới thiệu tổng quan khu trung tâm thành phố Đà Lạt.
d) Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan lập, xét duyệt các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chi tiết các khu trung tâm, các khu chức năng quan trọng và các dự án đầu tư xây dựng để phát triển đô thị theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |