THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 101/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
-------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật hộ tịch ngày 20 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
a) Bảo đảm các sự kiện hộ tịch của công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài được đăng ký kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật; nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch, tập trung vào tỷ lệ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử.
b) Bảo đảm mọi người dân đều được cấp giấy tờ hộ tịch (đặc biệt là cấp Giấy khai sinh, Trích lục khai tử), có đầy đủ nội dung, phù hợp với thông lệ quốc tế.
c) Số liệu đăng ký hộ tịch được thống kê, tổng hợp đầy đủ, chính xác, kịp thời, có các chỉ tiêu cơ bản theo thông lệ quốc tế; được công bố công khai, minh bạch, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.
d) Thiết lập cơ chế phối hợp thống nhất giữa các ngành có liên quan, từ trung ương đến địa phương, bảo đảm hoạt động đăng ký, thống kê hộ tịch có chất lượng, hiệu quả, số liệu thống kê thống nhất, chính xác.
2. Các mục tiêu cụ thể
a) Về đăng ký khai sinh
- Từ năm 2017 đến năm 2020, tỷ lệ trẻ em sinh ra sống, được đăng ký khai sinh (ĐKKS) tăng bình quân 1%/năm;
Đến năm 2024, tỷ lệ đăng ký khai sinh đạt trung bình >98%, trong đó khu vực thành thị đạt >99%.
- Đến năm 2020, đạt tỷ lệ 97% trẻ em cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được ĐKKS trước 5 tuổi; đến năm 2024, tỷ lệ này là: 98.5%.
- Đến năm 2020, ít nhất 75% dân số cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được đăng ký và cấp Giấy khai sinh; tỷ lệ này đến năm 2024 là 85%.
b) Về đăng ký khai tử và xác định nguyên nhân tử vong
- Đến năm 2020, ít nhất 80% các trường hợp tử vong xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam trong năm được đăng ký khai tử; tỷ lệ này đến năm 2024 là 90%.
- Đến năm 2020, ít nhất 60% các trường hợp tử vong trên lãnh thổ Việt Nam trong năm được ngành y tế thống kê và có chứng nhận y tế về nguyên nhân gây tử vong, sử dụng mẫu chứng tử phù hợp chuẩn quốc tế; tỷ lệ này đến năm 2024 là 80%.
c) Về kết hôn, ly hôn
- Đến năm 2020, ít nhất 80% các trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trên lãnh thổ Việt Nam đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền và được cấp Giấy chứng nhận kết hôn; tỷ lệ này đến năm 2024 là 90%.
- Giảm bình quân 2% - 3%/năm số trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng dưới độ tuổi kết hôn (tảo hôn); đến năm 2024, hạn chế được tình trạng này trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
- Đến năm 2020, ít nhất 85% các trường hợp ly hôn theo bản án/quyết định đã có hiệu lực của Tòa án Việt Nam được ghi vào sổ hộ tịch, trong đó bao gồm các thông tin cơ bản như: Họ, chữ đệm, tên, số Chứng minh nhân dân (Thẻ căn cước công dân) của những người ly hôn; số, ngày của Bản án/quyết định ly hôn; tên, địa chỉ của Tòa án giải quyết việc ly hôn. Tỷ lệ này đến năm 2024 là 95%.
d) Về nuôi con nuôi
- Đến năm 2020, ít nhất 90% các trường hợp nuôi con nuôi phát sinh thực tế trong năm được đăng ký và cấp giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật, bao gồm những thông tin cơ bản như: Họ, chữ đệm, tên của cha, mẹ nuôi và con nuôi; ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh của con nuôi; địa chỉ hoặc nơi cư trú của con nuôi (nếu có); tỷ lệ này đến năm 2024 là 95%.
- Đến năm 2020, 99% các trường hợp nuôi con nuôi thực tế của giai đoạn trước đó được đăng ký và cấp giấy chứng nhận, nếu đủ điều kiện.
đ) Về thống kê và công bố số liệu đăng ký hộ tịch
- Đến năm 2022, số liệu thống kê hàng năm về tỷ lệ khai sinh (có phân loại theo tuổi của mẹ, giới tính của trẻ, khu vực địa lý, đơn vị hành chính) được lấy từ dữ liệu đăng ký hoặc các nguồn dữ liệu hành chính có giá trị khác.
- Đến năm 2024, số liệu thống kê đại diện quốc gia hàng năm về tỷ lệ khai tử (được phân loại theo độ tuổi, giới tính, nguyên nhân tử vong căn cứ trên Phân loại bệnh quốc tế (phiên bản mới nhất phù hợp), khu vực địa lý và đơn vị hành chính), được lấy từ dữ liệu đăng ký hoặc các nguồn dữ liệu hành chính có giá trị khác.
- Đến năm 2024, ít nhất 80% các ca tử vong xảy ra ở các cơ sở y tế hoặc có sự theo dõi của nhân viên y tế có giấy chứng nhận về nguyên nhân chính gây tử vong phù hợp với tiêu chuẩn của Phân loại bệnh quốc tế (phiên bản mới phù hợp).
- Đến năm 2024, ít nhất 50% ca tử vong diễn ra ngoài cơ sở y tế hoặc không có sự theo dõi của nhân viên y tế, xác định được nguyên nhân chính gây tử vong phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế thông qua phỏng vấn tại hộ gia đình.
- Đến năm 2022, các bảng tóm tắt các số liệu thống kê hộ tịch về tỷ lệ khai sinh, khai tử sử dụng hệ thống đăng ký hộ tịch như một nguồn cơ bản, công chúng dễ tiếp cận dưới hình thức phiên bản điện tử và trong thời gian là một năm.
- Đến năm 2024, các bảng tóm tắt số liệu thống kê về nguyên nhân tử vong sử dụng dữ liệu từ hệ thống đăng ký hộ tịch như một nguồn căn bản, công chúng dễ tiếp cận, dưới hình thức phiên bản điện tử và trong thời gian là 2 năm.
- Đến năm 2024, Báo cáo số liệu thống kê hộ tịch kịp thời, đầy đủ và chính xác trong hai năm trước đó, sử dụng dữ liệu từ hệ thống đăng ký hộ tịch như một nguồn căn bản, công chúng dễ tiếp cận.
II. NỘI DUNG CHÍNH CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động quốc gia
Ban Chỉ đạo do lãnh đạo Bộ Tư pháp làm Trưởng ban, thành viên là đại diện Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành có liên quan gồm: Văn phòng Chính phủ; Bộ Y tế (Tổng cục Dân số, Vụ Kế hoạch - Tài chính); Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự); Bộ Tài chính.
Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm điều phối, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện; giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện theo thẩm quyền; tổng hợp, báo cáo kết quả và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chương trình.
2. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đăng ký và thống kê hộ tịch.
Xây dựng văn bản quy định về việc khai thác, sử dụng, chia sẻ thông tin, dữ liệu đăng ký hộ tịch; thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến; ban hành biểu mẫu giấy chứng sinh, chứng tử, khai sinh, khai tử đủ các tiêu chí phù hợp thông lệ quốc tế; quy định chế độ báo cáo, thống kê số liệu đăng ký hộ tịch; cơ chế kiểm tra, phối hợp, thống nhất dữ liệu giữa các ngành liên quan; cơ chế phối hợp cung cấp dữ liệu sinh, tử giữa ngành Y tế và ngành Tư pháp; sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký, thống kê hộ tịch.
3. Cải thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; hiện đại hóa phương thức đăng ký và thống kê hộ tịch.
- Xây dựng và triển khai thực hiện Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; Ủy ban nhân dân các cấp trang bị cơ sở vật chất (máy tính, mạng internet, máy in) phục vụ riêng cho công tác đăng ký hộ tịch.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thu thập, thống kê dữ liệu sinh, tử của các cơ sở y tế, bảo đảm kết nối, cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời giữa ngành Y tế và ngành Tư pháp.
4. Nghiên cứu, đề xuất đổi mới, hoàn thiện tổ chức hệ thống cơ quan làm công tác đăng ký hộ tịch, bảo đảm chuyên nghiệp, hiệu quả.
5. Nâng cao năng lực đội ngũ công chức làm công tác đăng ký, thống kê hộ tịch, bảo đảm tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng bổ trợ.
6. Nâng cao nhận thức của người dân về quyền, trách nhiệm đăng ký hộ tịch; nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, xã hội về ý nghĩa, vai trò của đăng ký, thống kê hộ tịch.
7. Hoàn thiện mô hình xác định nguyên nhân tử vong, cấp chứng nhận tử vong của cơ quan y tế, kể cả các trường hợp tử vong ngoài cơ sở y tế; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế thực hiện việc cấp giấy chứng sinh, chứng tử, thu thập và cung cấp dữ liệu sinh, tử.
8. Thu thập chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin thống kê hộ tịch, đáp ứng được yêu cầu quản lý của Nhà nước và nhu cầu sử dụng của tổ chức, cá nhân.
9. Rà soát, thống kê tỷ lệ đăng ký khai sinh, tỷ lệ đăng ký khai tử hàng năm; bảo đảm công bố công khai, đầy đủ, chính xác, kịp thời (thông quan phát hành niên giám các chỉ tiêu thống kê hộ tịch, công bố trên Cổng thông tin điện tử); có quy chế khai thác, sử dụng các số liệu thống kê đã được công bố, phục vụ yêu cầu của tổ chức, cá nhân; phối hợp liên ngành, kiểm tra thường xuyên, bảo đảm số liệu thống kê đầy đủ, chính xác.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về tầm quan trọng của công tác đăng ký và thống kê hộ tịch.
2. Tăng cường sự chỉ đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác đăng ký, thống kê hộ tịch; tiếp tục thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật hộ tịch; thường xuyên kiểm tra, khảo sát, đánh giá, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
3. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, tập trung nguồn lực để xây dựng, triển khai Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.
4. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan trung ương trong việc thực hiện Tuyên bố và Khung hành động của Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024, trong đó Bộ Tư pháp giữ vai trò chủ trì.
5. Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho công tác đăng ký và thống kê hộ tịch, đặc biệt là hỗ trợ cho hoạt động khảo sát, thống kê tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử; hoàn thiện thể chế, đổi mới hệ thống cơ quan đăng ký hộ tịch; xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; bồi dưỡng, nâng cao năng lực công chức làm công tác hộ tịch; hoạt động truyền thông để nhận thức đúng về vai trò, ý nghĩa của đăng ký hộ tịch, quyền lợi và trách nhiệm đăng ký hộ tịch.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Chương trình hành động từ nguồn ngân sách nhà nước; tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; các nguồn hợp pháp khác.
Căn cứ nhiệm vụ tại Chương trình này, các bộ, ngành liên quan, cơ quan ở trung ương và các địa phương xây dựng dự toán thực hiện Chương trình hành động, tổng hợp vào dự toán chi ngân sách hàng năm gửi cơ quan tài chính cùng cấp.
1. Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện theo Kế hoạch phân công nhiệm vụ chi tiết (Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này), bảo đảm đúng thời hạn.
2. Các bộ, ngành có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch công tác và dự trù kinh phí hàng năm thực hiện Chương trình.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình tại địa phương; lồng ghép thực hiện có hiệu quả Chương trình với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình khác có liên quan của địa phương; chủ động bố trí ngân sách, nhân lực của địa phương để thực hiện Chương trình; đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong việc thực hiện hoạt động đăng ký, thống kê số liệu sinh, tử, số liệu đăng ký hộ tịch, đặc biệt là xác định tỷ lệ đăng ký khai sinh, tỷ lệ đăng ký khai tử hàng năm; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Chương trình.
4. Bộ Tài chính chủ trì, tổng hợp kinh phí thực hiện Chương trình hành động của các bộ, cơ quan ở trung ương trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cân đối, tìm nguồn ODA phù hợp, bảo đảm việc thực hiện Chương trình.
6. Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chương trình hành động của các ngành, các cấp. Các bộ, cơ quan khác ở trung ương có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thông tin, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình định kỳ hàng năm (hoặc theo yêu cầu) về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nơi nhận: - Như Điều 4; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KGVX, TCCV; - Lưu: VT, PL (3b). | KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Trương Hòa Bình |